Story 28: Kỳ thực tập mùa xuân

1. Máy đọc mã vạch đột nhiên không hoat động, tôi lạch cạch gõ barcode của bộ cốc sứ màu trắng, tính tiền cho khách hàng. Chiếc loa gắn ở góc phòng tự động phát ra lời chào khi có người đẩy cửa bước vào. Andrew bước tới và tựa người vào quầy thu ngân, cho biết thầy hiệu trưởng có vẻ ủng hộ lớp tôi chọn Adelaide làm điểm đến cho chương trình thực tập mùa Xuân tới. Năm thứ hai đại học, nghĩa là kì nghỉ sẽ trùng với giai đọan thực tập tính điểm, nghĩa là chúng tôi không thể sở hữu một tháng tung tăng đúng nghĩa như năm trước.

Sau khi cúi đầu chào và nói cảm ơn khách, tôi nhún vai kiểu "Sao cũng được". Tôi không có nhiều tính toán hay kì vọng cho đợt thực tập này. Bởi, khi bạn không thể về thăm nhà, bạn sẽ nhận ra điểm đến tiếp theo nằm ở châu lục nào cũng chẳng còn quan trọng với mình nữa. Thói quen tự lập được hình thành sau những năm tôi học xa nhà: Bốn năm học bán trú ở trường huyện, ba năm học nội trú ở trường tỉnh, nửa năm luyện tiếng bên này. Sẽ chẳng có gì đáng để băn khoăn với một đứa quen sống một mình, xa rời vòng tay của bố mẹ như tôi. Và cũng chẳng có gì thôi thúc ước muốn trở về của tôi nhiều đến thế nếu không có cuộc điện thoại của mẹ, thông báo cả nhà sẽ tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi cho bà nội vào dịp Tết này. "Nếu có thể sắp xếp, con ráng về cho nội vui".

Nội năm nay 79, tóc đã bạc trắng tự lúc nào. Với những người già, thời gian trôi qua nhanh lắm, đôi khi không được tính bằng năm, mà bằng tháng bằng ngày. Mùa Xuân năm ngoái, nội đã hơi lẫn từ sáng tới tối, thường kể hoài một, hai câu chuyện! Bố bảo, người già thường thế, mà sao tôi vẫn thấy buồn.

Quẹt thẻ nhân viên qua máy tính giờ, tôi ăn vội burger pho mát rồi cùng Andrew tới trường. Lớp trưởng nhắn tin yêu cầu mọi người tới họp, dù hôm đó là chủ nhật xanh của chúng tôi. Hơn ba tháng nữa, giai đoạn thực tập mùa Xuân sẽ bắt đầu, nhưng chúng tôi cần chuẩn bị ngay lúc này, từ khâu thống nhất địa điểm, dự trù kinh phí và kêu gọi tài trợ. Nhà trường sẽ hỗ trợ thủ tục và một phần kinh phí; Số còn lại, chúng tôi cần tự tìm cách bổ sung. Bằng bất cứ cách nào, miễn sao hợp pháp.

Lúc đứng trong hàng người chờ gọi đồ và thanh toán ở căng-tin, tôi mở ví và nhận ra mình sắp rơi vào tình trạng viêm màng túi. Lịch học dồn dập, áp lực bài vở khiến tôi không thể làm thêm nhiều như trước. Tiền lương từ vị trí thu ngân trong siêu thị chỉ đủ để tôi trả tiền nhà, tiền nước, tiền Internet, thậm chí cả tiền giấy vệ sinh. Tôi muốn về nhà, để không phải lo lắng những điều tủn mủn ấy, để có thể thoải mái ăn các món mình mê mà không cần nhân EUR ra tiền Việt... vẻ mặt ấy của tôi không qua được mặt Andrew, cậu ấy đã đề nghị trả giúp với một điều kiện: "Không quá 5 EUR đâu nhé, cô bạn!" Tôi nhìn cậu ấy, hình như mắt có chút long lanh. Andrew thực sự là một cậu bạn tốt bụng, dù điều kiện gia đình cậu ấy cũng không khá giả như các bạn khác trong lớp.

2. Những ngày sau đó, 23 đứa chúng tôi đươc chia thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm thì biểu diễn âm nhạc trên phố Pearse gần trường, những buổi chiều tối. Nhóm tự làm pancake và bày bán trong hành lang trường. Nhóm thì đến từng nhà trong khu dân cư để vận động từng đồng Cent lẻ. Tất cả đều hăng hái vì mục tiêu tích đủ số tiền cần thiết cho chuyến đi. Thầy cô đi ngang, mỉm cười khuyên khích đám học trò ham hố. Gần một năm gắn bó với nơi này đủ giúp tôi hiểu ra người dân ở đây thật tốt bụng và rộng lượng. Không phải bởi hành động hào phóng đặt vài đồng cent vào mũ người chơi violon trên phố hay guitar trong tàu điện ngầm, mà bởi người ta đã không kì thị những người phát tờ rơi, không bao giờ cười cợt với những ý tưởng ngớ ngẩn, thậm chí ngông cuồng của những người trẻ. Tối qua, Dexter viết trong blog của lớp, loan tin vừa nhận đuợc 20 EUR ủng hộ của bác hàng xóm. "Bác ủng hộ các con. Còn trẻ là phải dấn thân như thế chứ” 20 EUR không phải một con số lớn, nhưng tấm lòng của bác ấy đủ khiến chúng tôi vững tin vào cuộc tổng-tiến-công của mình.

Tất cả thành viên trong lớp đều rất hăng hái trong vụ này. Chúng tôi chọn ra bốn bạn, lập một đội kịch để tham gia cuộc thi biểu diễn kịch không chuyên trong trường. Kịch bản do tôi và hai bạn nữa phụ trách. Trang phục được mẹ của một bạn trong lớp tài trợ. Cuối cùng, đội chúng tôi được giải khuyến khích. Tiền giải thưởng thu được, ngoài việc bù các khoản trước đó đã bỏ ra đầu tư, chúng tôi bỏ vào quỹ chung. Không nhiều, nhưng đứa nào cũng thấy vui. Chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến vậy. Nhìn đứa nào cũng thấy dễ thương.

Đứng chờ xe buýt về khu học xá, tôi trông thấy một cụ già chống gậy, khó nhọc di chuyển từng buớc khi chiếc xe 04 chở tới. Tôi lại gần, giúp cụ bước lên xe và kiếm một chỗ ngồi an toàn rồi mới xuống và chờ xe buýt của mình.

"Sao thế?" - Elise, cô bạn đi cùng cất tiếng hỏi khi phát hiện tôi nhìn theo chiếc xe buýt đó, ngẩn mặt ra hồi lâu.

"Không, chỉ là tớ đang nhớ bà nội tớ ở Việt Nam". Tuổi 80 của bà sắp đến rồi, hẳn là chuyện đi lại của bà cũng gặp nhiều khó khăn như thế. Tôi rất muốn được trở về, nhưng lại vướng lịch thực tập. Tôi cũng không thể đặt thêm gánh nặng tài chính lên vai bố mẹ. Hơn 20 triệu đồng cho lượt bay khứ hồi chưa bao giờ là chuyện đơn giản với họ.

"Lớn rồi, đừng yếu đuối thế chứ An!".

Tôi đáp lời Elise bằng một nụ cười. Mỗi người đều có những khó khăn riêng, chúng tôi được dạy cách sống độc lập, độc lập để tự tìm cách giải quyết cho mớ bong bóng của riêng mình trong những tình huống như thế. Tôi biết nhiều bạn trong lớp cũng như tôi, đang rất vất vả để kiếm thêm tiền tài trợ cho vé máy bay, cho chi phí sinh hoạt ở nơi đắt đỏ như Adelaide... Mọi người đều rất háo hức cho chuyến du lịch học hỏi lần này, tôi nghĩ mình cũng nên như thế.

3. "Không có đường bay thẳng tới thành phố của cậu hả An?" - Câu hỏi của Andrew đến một cách bất ngờ khi hai đứa đang ngồi làm bài tập nhóm trong thư viện.

"Đương nhiên là có, nhưng nếu chọn transit ở một đất nước khác sẽ rẻ hơn.”

"Rẻ hơn là bao nhiêu?".

Andrew lè lưõi khi tôi đưa ra con số. Ngồi tính toán tiền lương tôi nhận được mỗi tháng, đưa ra vài lời khuyên hữu ích cho việc tiết kiệm chi tiêu (thậm chí bao gồm cả việc... thó trộm giấy vệ sinh trong toilet của trường. Nhưng rõ ràng đây là một ý kiến không tồi. Bởi tin tôi đi, bạn sẽ ngất nếu biết phải bỏ ra 2 EUR mới có thể mua được một cuộn giấy vệ sinh. Những 2 EUR cơ đấy!!!)

Cậu ấy vỗ vai tôi, ra vẻ một người rất biết cảm thông.

"Nếu cậu làm việc chăm chỉ và chịu khó tiết kiệm tiền, cậu có thể trở về nhà vào mùa hè năm sau mà".

Lũ bạn đang ngồi xung quanh cũng gật gù, nói thi thoảng tôi có thể sang nhà họ ăn ké.

"Chỉ là thêm đĩa thêm nĩa thôi mà!"

Những đứa bạn dễ thương nhất quả đất, tôi đang làm phiền họ, đang biến khó khăn của mình trở thành mối bận tâm chung của mọi người. Điều ấy thật tệ. Nhưng cũng thật vui, khi tôi hiểu ra mình luôn được quan tâm, theo những cách giản dị như thế.

Chiều Chủ Nhật, tôi và Junie được phân công trực quầy bán. Tranh thủ thời gian vẳng khách, tôi ngồi đọc nốt cuốn giáo trình mới tải miễn phí trên mạng. Junie đột ngột lên tiếng, phá vỡ sự im lặng.

"An này, tớ đang nghĩ sao chúng ta không thử thiết kế cuốn cẩm nang du lịch Việt Nam cho tụi sinh viên trường mình?.”

“Hả? Việt Nam?”

Theo lý lẽ của Junie, đám sinh viên trong trường hẳn đã quá rành các quốc gia Châu Âu nhưng lâu ngơ ngác trước châu Á, dù rất muốn khám phá. Việt Nam sở hữu nhiều địa điểm tuyệt vời đáng để ghé thăm, chi phí sinh hoạt lại cực kì rẻ, tôi là người Việt Nam nên các thông tin đưa ra càng xác thực hơn. Chúng tôi có thể tìm thêm thông tin về các chiến dịch tình nguyện cần tuyển TNV quốc tế để hô hào tụi nó tham gia. Những thông tin "độc" đó sẽ đảm bảo khả năng thành công của "dự án" là rất cao, bởi đám sinh viên sẽ không cần tới các trung tâm môi giới, các tổ chức tình nguyện thu phí nữa.

Không thể hoàn hảo hơn. Tôi và Junie bàn với cả lớp về ý tưởng đó ngay hôm sau.

"Tính khả thi rất cao. Đặc biệt với đội quân đang thèm tiền điên đảo như chúng ta haha. Phải thử tất cả những kế hoạch khả dĩ chứ nhỉ. Bắt tay vào làm thôi!".”

"Dự án" thành công hơn hẳn sự mong đợi. Những thông tin được tôi tổng hợp lại cẩn thận và chi tiết trước khi chuyển qua nhóm biên tập. Hai cậu bạn chuyên vẽ... bậy lên tủ đồ của cả lớp nay được cử làm họa sĩ thiết kế cho cuốn cẩm nang. Riêng hoạt động PR và quảng cáo thì miễn không cần bàn tới. Đó là thế mạnh của chúng tôi, lớp PR duy nhất của trường.

Đọc và viết nhiều về Việt Nam, được thấy Việt Nam thật gần, dường như cảm giác nhớ nhà trong tôi đã dần vơi đi. 'Tớ nghĩ mình sắp trở thành nhà Việt Nam học rồi!". Đứa nào đó nói đùa. Thi thoảng, trong những bữa trưa vội vàng, đám bạn nhắc đến đất nước của tôi, như một phần thân thuộc.

Tôi gọi điện về nhà, nói chuyện với nội. Nội kể, hồi chiều em gái tôi mở mạng, cho nội xem ảnh của tôi. Nội bảo: "Con béo hơn hồi ở nhà, nội vui lắm. Béo mới khỏe, béo mới có sức để học". Nỗi buồn ở đâu tự nhiên tràn đến.

4. Kì nghỉ mùa Xuân đang ở rất gần. Tôi ngồi trên ghế đá trước nhà sinh viên, uống cốc sữa nóng cho ấm bụng. Adelaide sẽ là điểm đến tuyệt vời bởi mùa Hè sẽ bắt đầu vào cuối năm và kéo dài đến hết tháng 4. Như thế, chúng tôi sẽ không cần mang theo quá nhiều quần áo.

"Ai bảo? Nơi tụi mình đến sẽ lạnh và chúng ta sẽ biến thành những chiếc bị biết di chuyển"

"Adelaide đâu có lạnh".

“Tớ đâu nói chúng ta đi Adelaide".

Và trước ánh mắt mở to tròn của tôi, Andrew tiếp tục khiến chúng... to và tròn hơn nữa.

"Chuyến du lịch học hỏi của chúng ta sẽ diễn ra ở Hanoi. Hanoi? Tớ phát âm như vậy có đúng không nhỉ? Hmm, sao cũng được, nhưng đại loại đó là thành phố của cậu".

"Aaaaaa! Sao mọi người thay đổi điểm đến lúc nào mà không báo tớ vậy?”.

"Cả lớp đã bàn và thống nhất với nhau rồi. Nhưng chúng tớ quyết định giữ bí mật với cậu, chờ tới khi thầy hiệu trưởng đồng ý và xin được thư chấp nhận của các tổ chức truyền thông bên Việt Nam rồi mới thông báo. Sợ cậu mừng hụt ấy mà. Hehe"

"Giờ sao?".

"Còn sao trăng gì nữa. Hanoi thẳng tiến chứ sao?".

Tôi muốn trách Andrew vụ cho tôi ra rìa lần này nhưng trong cảm giác phấn khích sắp được về nhà, tôi chỉ còn biết nhảy lên sung sướng và ôm chầm lấy cậu ấy để cảm ơn. Thành phố ngày hôm ấy dường như cũng bớt âm u hơn, hình như còn có thêm chút nắng.

5. Sau hơn hai tuần đến tham quan và học tập tại các cơ quan truyền thông nổi tiếng ở Hà Nội, cả văn phòng của Rnancial Times đặt tại Việt Nam, chúng tôi rời trung tâm thành phố để về ngoại ô, thăm nhà tôi. Theo truyền thống của trường, những chuyến du lịch học hỏi luôn được thiết kế gồm hai phần: Học và chơi. Khi "tiết mục" học đã kết thúc cũng là lúc giờ quậy phá bắt đầu. Cả lớp dự định sẽ ở nhà tôi một ngày trước khi lên Sapa, vào Đà Nẵng, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh rồi bay trở lại trường, ngay trước kì nghỉ Tết ở Việt Nam.

Nội rất vui truớc sự xuất hiện của đám bạn tôi.

Nội cười nhiều và quan tâm từng đứa, dù không hiểu tụi nó nói gì. Đêm, cả lũ chia nhau ngủ trên đệm và dưới đất, nói chuyện và cười đùa cả đêm, hệt như những buổi cắm trại trước đây. Nội dặn mẹ nấu những món ngon nhất, dặn bố mua thêm rất nhiều đặc sản để chúng tôi mang theo ăn đường.

Nội bảo, lâu lắm mới nghe thấy những âm thanh tươi vui đến vậy.

Tôi dẫn tụi nó đi tham quan lòng vòng quanh làng. Cả đám hò reo ầm ĩ lúc nhìn thay bãi cát rộng mênh mông, hệt như một sa mạc thu nhỏ ở gần bờ sông làng tôi.

"Quê An đẹp vậy mà giấu, không muốn tụi này ghé nên không đề xuất địa điểm này đúng không?".

Tôi cười. Đúng là tôi ngốc thật. Luôn muốn về nhà nhưng lại chưa từng nghĩ những điều xa hơn để biến ước mơ đó thành hiện thực. Tôi đã tự giam mình trong khó khăn mà không biết cách giải quyết kì thực rất đơn giản. Chúng tôi bắt tàu lên Sapa, tận hưởng làn không khí trong lành. Andrew nói, tôi có thể ở nhà thêm một thời gian, trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi cùng cả lớp bay về Dublin.

"Bọn này có thể tự đi một mình mà. Đừng quên bọn này là những nhà Việt Nam học nhé. Không dễ bị bắt nạt đâu. Yên tâm!”.

Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc vì có những đứa bạn tuyệt vời đến thế.

"Lớp mình luôn ở bên cậu mà. Vì cậu là một phần của chúng tớ. Như cách bố mẹ và bà cậu đã coi chúng tớ như một phần của gia đình vậy!.”

Dung Keil

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện