Những người không chịu lớn
Minh nhận ra mình đang ngủ quên trên bàn học.Mất mặt quá, lần đầu tiên sau mười hai năm. Có ngủ thì cũng phải... kiếm một chỗ nào đó tử tế mà ngủ chứ! Nó vươn vai đứng dậy, đang định trèo lên giường thì quay lại, ngó lom lom cuốn sách đang mở. Chà, nếu không ôn xong chương bốn trong tối nay thì sao nhỉ? Thì nó sẽ không thể ôn kịp tiến độ. Mà không ôn kịp tiến độ thì sao nhỉ? Thì nó sẽ trượt Đại học. Trượt Đại học thì sao nhỉ? Thì... chẳng sao cả. Nó trèo lên giường kiếm một giấc ngon lành.
Linh vừa phóng xe máy như bay tới trường, vừa bóp còi inh ỏi. Chà, muộn mất rồi. Cổng trường đã đóng từ lúc nào. Kể ra thì Linh hoàn toàn có thể ới bác bảo vệ để bác í mở cửa cho, nhưng Linh không thích thế. Ấn cái xe vào quán điện tử ruột trước cổng trường, cuộn tròn cuốn vở duy nhất bỏ vào túi, Linh đi men theo bức tường rào đến góc sát dãy nhà hiệu bộ. Chỗ này Linh và những chiến hữu thân thiết đã trèo đi trèo lại hàng trăm lần (và cũng đã bị bắt hàng chục lần). Mạnh mẽ, dứt khoát và thành thục (có lẽ phải nói là " điêu luyện" mới đúng), Linh vin tay vào tường, nhảy phốc lên và gần như... bay qua bên kia, thực hiện nốt một cú tiếp đất đầy nghệ thật.
Linh đứng dậy, phủi quần, dù cho nó chẳng có vẻ gì là bẩn cả, và vuốt tóc. Tất cả những cái đó giống như là một thói quen từ rất lâu.
- Bạn tên gì? Học lớp nào?
Cái giọng "đằng đằng sát khí" kia cũng rất quen nữa, dù Linh không biết cô bé đứng trước mặt mình là ai. Thì đã bảo là bị bắt hàng chục lần rồi mà!
Minh là thành viên nữ duy nhất của đội Sao đỏ. Ở một ngôi trường không sơ vin, không đồng phục, thẻ do lớp tự thiết kế như thế này thì giờ Sinh hoạt mười lăm phút tụi Sao đỏ chỉ có nước đi lăng quăng giết thời gian. Cùng lắm là lùng bắt mấy thằng trèo tường hay tụi B3 trốn sinh hoạt đi chơi... bi là hết chuyện! (Mà cái tụi B3, lớn bằng này rồi, dở người hay sao mà kéo đi bắn bi cả lũ). Minh vẫn hay chọn cho mình vị trí này, chiếc ghế đá dưới bóng cây địa lan ngồi ôn bài, khỏi phải lượn lờ... hại da!
Thực ra thì cũng ít khi tụi nó trèo tường, mà có trèo thì cũng trèo ở chỗ khác kia. Vì ngoài góc nhà hiệu bộ ra thì cũng còn một đoạn tường thấp nữa, chếch mé sau của dãy nhà B, tuy xa hơn nhưng an toàn hơn. Dẫu vậy, khi nghe tiếng "phịch" êm như ru, đôi tai "nghiệp vụ" của Minh vẫn xác định ngon lành mục tiêu. Không cần rời mắt khỏi cuốn sách, cô nhóc tua lại câu kinh điển.
Ngước lên, và bắt gặp khuôn mặt ngơ ngơ của tên tội đồ, Minh cương quyết:
- Cho mình em thẻ của ban!
Linh phì cười, lắc lắc đầu, nhìn Minh với ánh mắt tinh nghịch và thách thức. Linh rút trong túi áo ra tấm thẻ chìa cho Minh xem.
- Thế này được chưa? Chà, trước đây thầy cũng phải gặp thầy giám thị không biết bao nhiêu lần rồi. Học trò cưng của thầy ấy đấy – Linh nháy mắt.
- Thầy giáo mà cũng trèo tường ạ?- Minh không tin vào mắt mình.
- À, lâu ngày không trèo muốn thử lại cảm giác ngày xưa một tí ấy mà. Thầy với đoạn tường này có nhiều kỉ niệm lắm đấy- Linh vỗ vỗ vào bức tường như vỗ vai một người bạn thân- Thôi bye em nhé!
Cái gì đây hả trời? Thì ra đó là thầy Linh, thầy giáo thể dục mới về trường chưa được một năm. Trong một ngôi trường như thế này thì việc học sinh không biết mặt thầy giáo là chuyện bình thường, nhưng chuyện thầy giáo trèo tường bị học sinh bắt quả tang thì đúng là có hơi bị bất thường thật.
Minh bước vào sân tập thể dục, và nhận ra người đang đứng chờ lớp nó là thầy Linh.
- Có lẽ các em hơi bất ngờ vì chỉ còn hai tuần nữa là hết năm học rồi. Về mặt lý thuyết thì các em đã hoàn thành điểm phẩy bộ môn. Nhưng việc tập luyện mỗi ngày là điều cần thiết. Vậy nên, từ hôm nay tôi sẽ dạy các em môn giáo dục thể chất. Thôi, chúng ta bắt đầu.Để khởi động, tôi xin giới thiệu với các em một môn thể thao vô cùng thú vị. Nó rèn luyện thể lực, sự khéo léo, tính kiên nhẫn và khả năng tính toán. Mà có lẽ cũng không nên nói nhiều nữa, vì chắc các em chẳng lạ gì – thầy vừa nói vừa rút ra một viên nhỏ lấp lánh – bắn bi.
Bắn bi!Shock lần thứ hai trong ngày. Thảo nào tụi B3 tự nhiên lại sốt chơi bi. Một vài đứa rinh rích cười, một vài đứa chưa hết choáng, tất cả số còn lại... cười ầm lên.
Linh vẫn tỉnh bơ, dẫu sao thì anh cũng đang là thầy của cái lũ lít nhít này. Linh mở cuốn giáo án mỏng tang và cong cong ra đọc mục đích, yêu cầu và luật chơi của môn "thể thao" độc đáo. Minh ở dưới chỉ biết trố mắt nhìn:
- Thầy đọc siêu thế!
- Siêu cái gì mà siêu? – Khánh tò mò hỏi.
- Thầy í...- Minh ngập ngừng như còn đang nghi ngờ, rồi bất chợt ré lên – thầy í phịa đấy! Mới lúc nãy tớ xem thấy quyển sổ còn trắng tinh mà!
Linh (may mà không nghe thấy gì) ngẩng đầu lên hỏi:
- Các em có hiểu gì không?
- Không ạ!- cả lớp nó đồng thanh như lâu nay vẫn đồng thanh trong những trường hợp như thế này.
- Tốt lắm, không sao cả. Nào chúng ta bỏ qua lý thuyết và bắt đầu thực hành!
- Thầy ơi! – Oanh giơ tay – cho em hỏi một câu thôi, thầy đã bao giờ đến Úc chưa ạ?
Ngôi trường cấp 3 này có một vị trí đặc biệt. Nó nằm úp lưng với một trường mầm non. Thế
nên tụi nó vẫn tự hào mình là những người có thể "một bước từ mẫu giáo lên phổ thông, và sẩy chân một chút thôi là trở về mẫu giáo". Chẳng biết điều đó có ảnh hưởng gì tới tính khí của thầy trò tụi nó hay không, nhưng rõ ràng là rất thuận lợi cho cái "âm mưu" nhà-trẻ-hóa-trường-học của thầy Linh.
Ví dụ như chuyện bài tập chạy bền của tụi nó được ngang nhiên thay bằng chạy lên chạy xuống cái cầu trượt năm chục lần, hay chuyện tập thể dục theo nhạc của bài "Bé đi nhà trẻ" phát ra từ bên kia. Ban đầu, tụi nó cũng ngạc nhiên, rồi khó chịu, có đứa còn phản ứng không chịu nghe theo, nhưng dần dần chúng nó lại thấy... thích,
Giữa không khí sục sôi không phải của thi học kỳ mà là thi đại học gần kè, thầy Linh là người đem lại cho tụi nó sự thoải mái và vui vẻ cần thiết. Nhưng càng vui vẻ thì Minh lại càng sợ cái ngày nó phải rời xa nơi này. Mãi mãi.
Minh không cắm đầu vào ôn nữa. Những lúc không biết phải làm gì thì nó không làm gì cả. Góc cầu thang chỉ có một mình, nó nhìn mông lung, rồi lại lặng ngắm những chiếc lá si xoăn tít.
- Sao không xuống chơi với các bạn? Thầy vừa phát hiện ra trường mình có nhiều cỏ gà lắm!
- Dạ! – nó nhoẻn miệng cười, không biết có nên chia sẻ với thầy những băn khoăn rất chi là vớ vẩn của nó hay không. Chẳng có gì đẹp hơn là tuổi học trò. Ai cũng bảo thế. Và nó cũng chả háo hức gì bước vào một thế giới lạ lẫm và bất trắc. Cũng không hẳn là nó sợ nơi đó. Đơn giản là nó không ham!
- Siêng thế! – thầy Linh nhìn chằm chằm vào chồng sách vở của Minh thán phục. Minh chẳng khác gì cô lớp phó học tập ngày xưa, núp sau tán cây si mà ôn bài cả buổi. Linh cầm một cuốn sách lên, say sưa ngắm những nét chữ mảnh khảnh đều đặn. Có một thời Linh cũng viết những dòng này, có điều toàn bị chê là chữ xấu – À, mấy bữa nữa ta có một tiết bé tập tô đấy – (bé tập tô là cách thầy Linh gọi giờ kiểm tra trắc nghiệm ^^) – nhớ ôn bài cho kĩ!
- Em nản rồi thầy ạ! – Minh đột nhiên nói, so vai hít một hơi dài.
- Uh! – thầy đáp hờ hững, chờ xác định rõ ý Minh muốn nói.
- Lớn thì có gì hay ho đâu thầy nhỉ?
- A! Té ra là em sợ lớn! – đến lúc này thì Linh bật cười nhìn Minh – thế em tính sao? Bỏ thi đại học hay chủ động lưu ban lớp mười hai?
- Không phải... nhưng... em thấy phía trước... vô nghĩa quá.
Linh hiểu "phía trước" của Minh nghĩa là gì. Có một lúc nào đó người ta chợt dừng lại, tự hỏi mình đang đi đâu, cố gắng vì cái gì, và nhận ra chẳng có nơi nào đẹp hơn chỗ mình đang đứng.
Nhưng đó đâu phải là lí do để trốn tránh. Mười tám tuổi, người ta lớn, người ta có trách nhiệm với xã hội. Chẳng thể bắt chước cô bạn thi đại học chín năm mà ăn bám bố mẹ! Thầy giáo cười, nụ cười láu lỉnh nhưng thấu suốt:
- Em thấy thầy có lớn không?
Minh nhìn thầy, băn khoăn không biết có nên nói thẳng ra không:
- Không ạ.
Linh vuốt lại tóc, hơi hếch mặt lên:
- Nhưng trưởng thành thì có chứ?
Minh cũng cười, gật đầu cái rụp. Tuyệt nhiên không hề do dự chút nào. Phải rồi, ngày mai, ngày kia... chắc chắn nó sẽ trưởng thành, nhưng nó biết nó vẫn có quyền giữ lại phần trẻ con rất đẹp trong mình. Bây giờ thì nó tin thế, vì đang đứng trước nó là một người chưa bao giờ lớn!
***
Những ngày cuối cùng của năm lớp mười hai, tất cả đều sống, chơi đùa, cười và yêu thương rất vội. Rồi họ sẽ từ biệt nơi này, đầy lưu luyến nhưng không hề hối tiếc. Ngôi trường úp lưng với nhà trẻ, có một thầy giám thị lùa học sinh ba vòng quanh sân trường nhưng qua hôm sau lại gửi tụi nhóc cùng lớp hộp dầu cho tên "vận động viên" bôi chân cho đỡ mỏi. Có một thầy giáo dạy thể dục (đôi khi) trèo tường và khuyến khích học sinh bắn bi, chơi cỏ gà, cầu trượt... Ngôi trường không sơ vin, không đồng phục, thẻ cũng gần như không. Họ đã lớn lên từ một nơi như thế.