Lạc giữa Sài Gòn
- Trích Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và Em.
Tôi luôn nghĩ, lạc đường ở đâu cũng được, nhưng đừng lạc giữa Sài Gòn. Bởi cảm giác lạ lẫm và dò dẫm trên từng ngõ ngách thân thương hẳn sẽ bạc bẽo lắm, vì có ai muốn mình trở thành người dưng với chốn quen bao giờ?
Thật ra, giữa thời đại Google Maps luôn có sẵn trong điện thoại và hệ thống định vị toàn cầu GPS luôn thường trực bên cạnh, việc đi loanh quanh xứ này nước nọ rồi nhầm đường lạc hướng đã thành một thói quen thú vị. Người ta chủ quan chẳng thèm xem trước hành trình, mà cứ để trái tim mách bảo đôi chân phải đến đâu theo cảm tính. Bản đồ trên giấy bị gạt bỏ sang bên, đến nỗi nhiều ngưòi trẻ hiện đại còn chẳng biết cầm nó ngược xuôi thế nào cho đúng. Vì nếu chẳng may đi vào ngõ cụt hoặc nhầm sang nơi khác, họ chỉ việc mở điện thoại, bắt sóng 3G để xem chỉ dẫn cụ thể nên rẽ trái phải ở đâu, còn bao nhiêu cây số để tìm địa điểm muốn đến. Mà biết đâu trên hành trình đi lạc ấy, người ta lại phát hiện ra nhiều niềm vui mới, một khung cảnh ban sơ không có trên bản đồ hoặc những cảnh đời đa chiều sướng khổ của mỗi số phận cùng đường đi.
Chính tôi cũng từng ngơ ngác chạy tất tả qua mấy con phố lạ hoắc huơ và dài tít tắp ở thành phố Hàn Châu ngay giờ cao điểm khi không bắt được taxi về lại khách sạn. Ấy vậy mà giữa lúc hoang mang đó, tôi vẫn xuýt xoa với ngôi thành cổ sừng sững bên sông, lặng lẽ soi xuống bóng nước một hình hài phản chiếu trong ngần với thời gian. Hay như lần tôi bắt chuyến train từ trung tâm qua gần chục nhà ga ở Melboume, ra tận ngoại ô để tới trạm cuối ở bờ biển Brighton - nơi có tám mươi mấy ngôi nhà nhỏ xinh, vuông vức sơn đủ màu sặc sở đứng hứng sóng xô mỗi ngày. Lần đó, mưa gió mù trời và điện thoại hết pin, thành ra tôi phải mò mẫm mấy con đường mới tìm được đúng bậc thang dẫn lối xuống biển. Nhưng cũng nhờ mấy cây số đi bộ lạc lối mà tôi mới dư dả thời gian nhìn những đóa hoa dại ven đường nở nụ cười tươi hết cỡ dưới mưa để đón chân khách bộ hành đến miền duyên hải.
Lạc đường ở xứ lạ, hóa ra, cũng thi vị vô chừng.
Nhưng lạc đường ở ngay quê hương, lạc lõng tại chính mảnh đất mình yêu thương mỗi ngày, lại là một chuyện khác. Và nó không hề dễ chịu tí nào!
Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ khi đi chơi công viên cùng một vài người họ hàng, tôi đã bị chọc quê bằng cách...bị bỏ rơi giữa bãi cát trống chỗ bọn trẻ chơi cầu tuột xích đu. Cô chú của tôi đứng nấp sau một băng ghế đá, còn ông anh họ thì vẫn thản nhiên leo lên trượt xuống vui cười hỉ hả, chỉ có mình tôi đứng mếu máo vang cả vòm trời tuổi nhỏ. Sau đó, dĩ nhiên tôi cũng được dỗ nín khi cô chú ùa đến bế lên tay, nhưng nỗi ám ảnh bị bỏ lại giữa một khoảng sân thơ trẻ vẫn còn mãi trong ký ức lúc trưởng thành.
Có lẽ một phần đứa trẻ-chưa-bao-giờ-lớn trong tôi chưa bao giờ hết sợ cảm giác phải đơn độc trên từng phiến gạch tấc đất vốn gắn liền với mình ngay từ thuở chào đời. Nó giống hệt cảm giác lúc bạn đan tay với một ai thương thiết nhất, rồi bất chợt quay sang, chỉ thấy mình đang nắm lấy những vô hình. Mọi điều ta từng ngỡ thân gần bỗng chốc hóa lạ xa, mọi chuyện ta cứ nghĩ bản thân tính giác nắm rõ, trong khoảnh khắc đã thành mê mờ.
Lạc đường giữa Sài Gòn cũng giống như lạc lõng giữa những thương yêu đã chẳng còn nguyên vẹn. Cứ tưởng là do đường xá thay tên hay xe cộ xiên quàng khiến người ta nhầm lẫn lối quen, nhưng thật ra nguyên cớ duy nhất của sự lầm lạc ấy, chỉ là vì lòng người đã cạn-hết-thiết-tha.
Thế nên nếu bạn hỏi tôi, làm ngưòi lớn rồi có sợ đi lạc, thì câu trả lời sẽ là: Lạc ở đâu cũng được, nhung xin đừng lạc mất chính mình ở ngay giữa Sài Gòn. Vì có đi qua bao chốn xa, lạc bao lần vào những chốn quơ quàng đường về, thì ta cũng chỉ cười khẩy đổ lỗi: "Chỗ lạ nên lạc là phải thôi!”. Còn lạc giữa chính chốn quen, đó mới chính là niềm bi thiết của đời người. Bởi khi ấy, cả bạn lẫn nơi dung dưỡng thân gần nhất của mình đã quên bẵng mất nhau.