Life is...

Nếu như hai năm cấp ba chưa nói chuyện với nhau câu nào thì lên lớp 12, tôi và Chi lại trở thành bạn cùng bàn.

Trong lớp, tôi thuộc thành phần nghịch, nhưng không phá. Học hành khá khẩm, tham gia một số hoạt động của Đoàn trường và các tổ chức khác. Điều tôi cần là một lí lịch đẹp cho bộ hồ sơ xin học bổng du học. Hầu hết thời gian rảnh của tôi là dành cho các CLB và bóng rổ - môn thể thao yêu thích. Thú thực, tôi không giỏi giao tiếp, và xử lý tốt tất cả mọi tình huống; nhưng tôi biết nắm bắt cơ hội của chính mình và cố gắng hết sức để hoàn thành mọi thứ. Vì thế, cuộc sống của tôi khá nhiều màu sắc.

Đối với Chi, mọi thứ dường như lại khác. Bạn ấy ít nói, có vẻ khép kín. Tuy rằng vẫn giao tiếp với các bạn trong lớp nhưng chỉ là xã giao, và có vẻ thân hơn một tí với một số bạn khác. Chỉ thế. Không hơn. Trong môi trường năng động và cạnh tranh nhau quyết liệt về mọi thứ như cái lớp này, Chi như một dấu chấm mờ nhạt, một bản ballad trầm lắng giữa muôn vàn cá tính khác.

- Chào cậu!

- Ừ, chào!

Sau hai năm học với nhau, đoạn đối thoại đầu tiên của chúng tôi chỉ đơn giản như thế.

Lên mười hai, ai cũng bận rộn với việc học và những dự định của mình. Tôi bỏ một số hoạt động, dành thời gian cày tiếng Anh và học thêm một khóa tiếng Nhật. Dự định là sẽ săn được học bổng sớm một chút và bay sang bên đấy trong thời gian mọi người chờ điểm thi đại học. Niềm mong ước được đặt chân lên mảnh đất của hoa anh đào, tận mắt nhìn thấy lá phong mùa thu đỏ thẫm từ bắc xuống nam khiến tôi lại càng chăm chỉ và quyết tâm hơn.

Làm bạn cùng bàn, tiếp xúc với nhau nhiều hơn, Chi không quá nhút nhát như tôi vẫn tưởng. Bạn ấy chỉ là thích thu mình vào một góc để hưởng thụ thế giới riêng của mình. Chúng tôi không có nhiều chủ đề để nói, câu chuyện chỉ xoay quanh bài vở, và vài ba chuyện vụn vặt trong ngày, thế nhưng Chi đã cho tôi một cái nhìn khác về mọi vấn đề, cũng như suy nghĩ của bạn ấy. Chi đọc khá nhiều sách, nhưng đa số là tản văn chứ không phải tiểu thuyết hay sách kỹ năng. Và khi tôi hỏi tại sao lại đọc mỗi thể loại ấy, Chi đã không ngần ngại mà trả lời rằng:

- Tản văn vừa đủ lãng mạn, vừa đủ thực tế. Bởi đấy đa số là những tâm sự, những câu chuyện được viết lại bởi chính những người trong cuộc. Ngắn nhưng sâu sắc. Cậu thử đọc mà xem.

Tôi ngẫm lại. Cõ lẽ đúng. Cũng giống như Chi vậy, có vẻ đơn giản, nhưng lại cực kì khó hiểu.

Tháng mười hai về, mùa gió cuối cùng của đời học sinh. Có chút gì đó bồi hồi, xót xa. Có nhiều khi ngồi trong lớp, nhìn ra ngoài cử sổ, sân trường vắng lặng với những hàng cây bàng rụng lá trơ trọi giữa sân, tôi chợt nghĩ, rồi những mùa đông sau của mình sẽ ra sao? Liệu có còn những ngày tháng cùng nhau đạp xe thật nhanh dưới những cơn mưa phùn buốt lạnh sau lớp học thêm tối muộn? Liệu có còn những chiều tập bóng mệt nhoài cả đám nằm lăn ra sàn kể cho nhau nghe những ước mơ, những dự định sắp tới? Liệu có còn những giờ ra chơi đầy ắp tiếng cười, tiếng hò reo ầm ĩ với bao trò nghịch ngợm tinh quái và vui nhộn?...

Tất cả rồi sẽ trở thành những kỉ niệm xưa cũ mà thôi...

***

Cuối tháng mười hai năm ấy, bố mẹ tôi ly hôn, cũng là chấm dứt chuỗi ngày chiến tranh lạnh đầy mệt mỏi giữa hai người. Tôi chọn ở lại với bố, chuyển đến nhà mới ở tận đầu kia của thành phố, nhưng tính ra cũng chẳng xa trường hơn là bao. Em gái theo mẹ, vào Đà Lạt sống với ông bà ngoại. Thằng bạn chiến hữu cùng lớn lên từ nhỏ cũng chuyển vào Đà Nẵng cùng gia đình. Và như thế, tôi, chỉ - còn - lại - một - mình giữa cái thành phố đông đúc, nhộn nhịp này.

Mùa đông đó, tôi trở nên cô đơn, cô đơn đúng nghĩa.

Mỗi sáng, tôi thích đi học thật sớm, đạp xe chầm chậm để những cơn gió táp vào mặt buốt rát, cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu. Những chiều tập bóng xong, tôi lang thang khắp những ngõ ngách nhìn đường phố lên đèn, ngắm những hàng cây dài rụng lá. Những lúc ấy, lại thấy lòng trống rỗng nhưng vẫn cố nán lại thật lâu. Sợ phải về, phải đối mặt với căn nhà rộng lớn không một bóng người, không có giọng nói lanh lảnh của em gái, bữa cơm ấm áp của mẹ. Đôi khi, những vòng xe vô định đưa tôi về căn nhà cũ, nhìn sắc hoa tigon nở nộ dưới ánh đèn vàng mà giật mình xót xa. Tigon là hoài niệm mùa thu, có lẽ cũng như tôi, hoài niệm những gì đã qua...

Ở trường, tôi vẫn hoạt động Đoàn hội, vẫn thường xuyên pha trò và tham gia đủ trò quậy của lũ quỷ trong lớp. Thảng khi, trong những giờ ra chơi ngồi lại trong lớp nghe lại một vài giai điệu cũ, nỗi cô đơn lại hiện về, không rõ ràng nhưng đầy khó chịu. Có lần, nhìn sang cái dáng vẻ đầy trầm lặng lúc đọc sách của Chi, tôi buột miệng hỏi:

- Chi này, lúc buồn cậu thường làm gì thế?

Chi bỏ sách xuống, quay sang nhìn tôi, có chút ngạc nhiên thoáng qua, rồi trả lời câu hỏi với một dáng vẻ vô cùng nghiêm túc:

- Buồn á? Ừhm, tớ thì ít buồn thôi, nhưng là những nỗi buồn đặc quánh. Những lúc như thế, tớ vừa nghe nhạc vừa viết. Viết blog, viết truyện, viết tản mạn, viết những gì mình nghĩ, khá linh tinh và rời rạc; trong lúc nghe những bản ballad nhẹ nhàng. Như thế, tớ có cảm giác đã truyền nỗi buồn của mình vào những con chữ, những bản nhạc. Sau đó, khóc thật to, hoặc có thể không, và đánh một giấc thật dài. Lúc tỉnh dậy, nỗi buồn đã dễ chịu đi rất nhiều.

- Thế còn cô đơn, cậu đã bao giờ cô đơn chưa?

- Con người, ai chẳng cô đơn hả cậu. Chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Tớ cô đơn, là những nỗi cô đơn vu vơ, lúc đầu khó chịu thật đấy, nhưng giờ, tớ đã tập quen với nó rồi.

Ngừng một lát, chi ngước lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, tiếp lời:

- Cơ mà đấy chỉ là cách của tớ thôi. Nỗi buồn và cô đơn của mỗi người không giống nhau. Thế nên, nếu cậu buồn, thì hãy nói với tớ, tớ sẽ giúp cậu.

Tôi quay mặt đi, im lặng không nói gì. Có những chuyện chỉ nên giữ riêng cho mình, thế là đủ.

***

Vắng thằng bạn thân, tôi vẫn giữ thói quen chạy dọc bờ biển vào mỗi cuối tuần, chạy đến khi mệt nhoài, không còn chút sức lực nào nữa và ngã sóng xoài trên bờ cát ẩm vương mùi sóng biển mới thôi. Trước kia, hai thằng thường thi nhau chạy đua, thi xem ai để lại nhiều bước chân trên cát nhất, thi xem ai hét to hơn, vang xa hơn... Rồi sau đó cười sặc sụa tranh hơn thua bằng cách dìm nhau xuống biển giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt mùa đông, để đến khi về nhà, quần áo đứa nào cũng mặn mùi gió, mùi cát. Toàn những trò ấu trĩ nhưng đó cũng là cả tuổi thơ tràn ngập tiếng cười. Để đến bây giờ, biển vẫn vắng và dữ dội như thế, chỉ còn lại mình tôi lẻ loi.

***

Gần Tết, mọi người đều bận với những lịch học, lịch thi kín mít. Đứa lo đội tuyển, đứa thi thử khắp nơi. Ai cũng chuẩn bị kỹ cho mình một hành trang vào tương lai trước những kỳ thi cam go, khắc nghiệt. Còn tôi, chỉ đến lớp Tiếng Anh, tiếng Nhật, thêm vài hoạt động ở Đoàn trường, CLB và tham gia vài trận bóng rổ. Còn lại một số thời gian rảnh, tôi thường xem đi xem lại những bộ phim hoạt hình gắn bó với mình cả thời thơ ấu. Xem để hỗ trợ việc học tiếng Nhật, lý do là thế. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi muốn trở về những ngày tháng đó, về với tuổi thơ vô lo vô nghĩ tràn ngập tiếng cười.

Đón cái Tết đầu tiên không có mẹ và em gái, tôi chẳng còn một chút gì gọi là háo hức, mong chờ. Bô đi công tác về trước Tết một tuần, cũng chẳng muốn sắm sửa gì cho cái Tết đầy trống vắng, lạnh lẽo này. Sáng hai chín, qua nhà ông bà nội giúp ông và các chú gói bánh, nhìn cả gia đình quây quần ấm cúng, lòng nghẹn ứ lại nhưng vẫn phải tươi cười vui vẻ. Tối đến, tôi xung phong nhiệm vụ trông nồi bánh chưng. Ngồi trong bóng đêm nhìn ánh lửa bập bùng tí tách lại nhớ mẹ, nhớ em, nhớ cái không khí Tết xưa đến nao lòng. Tự dặn mình phải quên đi thôi, sẽ chẳng bao giờ còn được như thế nữa.

Giao thừa ăn Tết nhà ông bà, mọi thứ khác hẳn, trầm lắng và buồn hơn. Khoảnh khắc giao thừa, sau khi gọi điện cho mẹ xong, nhìn pháo hoa rợp trời, tôi chợt muốn nói, muốn tâm sự, trải lòng với một ai đó, bất kỳ một ai, về tất cả mọi chuyện. Và ngay lúc đó, cuộc gọi đến của Chi giống như một cái phao cứu sinh để tôi níu giữ khi đang chơi vơi giữa dòng nước, bởi vì khi đó, tôi đã nghe giọng mình lạc đi:

- Cậu có thể nghe tớ nói được không Chi?

Tết năm ấy đã qua như thế nào, tôi cũng không nhớ rõ. Chỉ biết là, từ lúc ấy, sẽ có người luôn lắng nghe tôi, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tôi và Chi thân hơn, cũng nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhiều lúc tôi thấy mình yếu đuối khủng khiếp, chẳng còn có động lực nào để cố gắng. Nhưng lúc ấy, Chi đã nói với tôi rằng: "Tớ chẳng khuyên cậu là: cố lên, mọi chuyện rồi sẽ ổn đâu. Đấy là câu an ủi vô dụng nhất theo tớ nghĩ đấy. Tớ chỉ thấy cậu mạnh mẽ, rất mạnh mẽ là đằng khác ấy. Chịu đựng từng đấy chuyện lại làm như không có chuyện gì trước tất cả mọi người, cậu giỏi lắm! Con trai hay con gái, đều không thể lúc nào cũng mạnh mẽ được đâu. Nếu cậu mệt, tớ cho cậu mượn vai để dựa vào. Yếu đuối nhưng đừng gục ngã, thế nhé!

Chi nháy mắt với tôi cùng nụ cười đầy tin tưởng. Tôi bật cười và xoa đầu cô bạn. Đúng là bà cụ non mà.

- Mà này, cậu dạy tớ tiếng Nhật đi, chúng mình học cùng nhau. OK?

Thế là ngày Chủ Nhật mỗi tuần, hai đứa lại lê la tìm hết mọi ngóc ngách của thành phố những quán cà phê yên tĩnh để "cày" tiếng Nhật. Nhiều lúc chán học, tôi chở Chi lang thang lượn lờ phố phường, những con phố gắn liền mười bảy năm trong cuộc đời chúng tôi, đã quá đỗi thân quen, trở thành một phần kí ức sẽ không thể nào quên. Đi chán, hai đứa sẽ tạt vào quán kem xinh xinh ở một góc nhỏ ở ngã tư dẫn ra biển, nơi có thế nhìn bao quát được cả cái hàng phượng vĩ dài ơi là dài nối từ con đường này qua con đường khác, và ăn thật nhiều, ăn cho khi nào lưỡi tê cứng mới thôi. Phượng đã chuyển màu, từ những mầm lá xanh non mơn mởn đã đậm màu hơn, tán lá đã rộng hơn, che mát cả con đường tự bao giờ. Hoa phượng sắp nở, lại sắp đến mùa chia tay.

***

Cuối tháng ba, mùa nắng đã về. Nắng trải dài trên từng hàng cây xanh mát, từng con đường dài đầy gió, từng ngõ phỗ nhỏ tôi vẫn qua mỗi ngày. Lũ học sinh cuối cấp như chúng tôi lại bắt đầu tất bật chọn trường, làm hồ sơ với những dự định, mong ước riêng. Tôi nộp hồ sơ vào một trường đại học top giữa, cùng với ước mơ du học dang dở.

Trong lớp có tin đồn tôi và Chi là một đôi. Chi có vẻ không quan tâm mấy, thế nên, tôi cũng mặc kệ và chỉ trả lời qua loa lấy lệ với đám chiến hữu khi được hỏi tới, rằng chúng tôi là bạn thân. Nhưng tận trong sâu thẳm, tôi biết mối quan hệ của này không đơn giản chỉ là thế. Nó mập mờ vô định, trên bạn thân và chưa đến ngưỡng tình yêu. Cái ranh giới ấy, có vẻ mỏng manh nhưng đầy rắc rối. Tôi nghĩ tôi thích Chi, thích rất nhiều. Nhưng thế thì sao chứ? Chi thích tôi hay không, tôi cũng không rõ. Mà kể ra, nếu Chi thích tôi, thì mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Bố mẹ và chị gái Chi chuyển vào Sài Gòn từ lâu, bạn ấy chỉ là muốn tận hưởng nốt những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò trên mảnh đất quê hương nơi đã sinh ra và lớn lên này, nên đã xin ở lại cùng ông bà ngoại một thời gian. Thi tốt nghiệp xong, Chi sẽ vào trong đấy cùng gia đình, thi đại học và học luôn ở đấy và có thể sẽ chẳng quay lại nơi này nữa. Còn tôi, nước Nhật vẫn là một niềm khao khát, một chân trời mới cần được khám phá, để chạy trốn khỏi nỗi buồn nơi đây. Mỗi đứa một phương liệu rằng mai sau sẽ ra sao? Chẳng ai trả lời được. Cứ để lại cho mình chút kí ức đẹp về nhữn ngày tháng học trò, còn hơn là vượt qua ranh giới để rồi chẳng bao giờ có thể quay lại được nữa. Có lẽ, Chi cũng nghĩ thế.

.....

Kogoesou na benchi

Yorisou koibito-tachi

Ikutsumo no ai no kotoba ga umarete wa kieru

Eien wa doko ni mo nai

Dare mo fureru koto wa nai

Demo kimi ga warau to sono saki wo

Shinite mitaku naru te wo nobashitaku naru

..... (*)

(.....

Những băng ghế lạnh lẽo

Những đôi tình nhân qua đường từng muốn ngồi đó

Biết bao lời yêu thương đã trao rồi cũng đã nhạt nhòa

Chẳng có điều gì là mãi mãi trường tồn

Cũng chẳng có ai có thể chạm đến được

Nhưng khi cậu mỉm cười, niềm tin trong tớ bừng sáng

Muốn vươn đến và chạm vào một tương lai mới

.....)

Ngày bế giảng, sân trường ngập trong màu nắng, màu áo dài trắng tinh khôi, màu hoa phượng đỏ rực rỡ, ngập trong tiếng ve rộn rã, tiếng khóc nghẹn ngào của thầy cô, bạn bè. Tôi lặng người, cố gắng nghi nhớ những khuôn mặt, những góc sân trường thân thương đã từng gắn bó. Thế là, lại chia ly sao?

***

Chi bay sau một tuần thi tốt nghiệp, tôi không đến tiễn, chỉ nhắn nhủ vài điều vụn vặt với bạn ấy qua điện thoại và Facebook. Tôi sợ cảm giác cô đơn, bất lực vây quanh mỗi khi nhìn máy bay cất cánh mang theo những người thân yêu nhất của mình, muốn níu giữ nhưng không cách nào kéo lại được. Liệu rằng sau lần chia tay này, bao lâu nữa sẽ lại trùng phùng? Có thể vài năm, mười năm, vài chục năm, hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ nữa. Tương lai mà, chẳng ai nói trước được điều gì cả. Ngày hôm đó, tôi đã nằm trong phòng cả buổi tối, để tua lại những kí ức xưa cũ và nghe giai điệu đầy da diết của "Life is..." lặp đi lặp lại đầy khắc khoải:

Jibun wo tsuyoku misetari

Jibun wo umaku misetari

Doushite bokura wa konna ni

Ikigurushii ikikata erabu no?

Mabuka ni kabutta boushi wo

Kyou wa hazushite miyou yo

Sukoshi midareta sono kami mo

Kawaikute boku wa suki da yo

Kaze ni odoru kareha

Nureta shibafu no nioi

Kimi to nekoronde miageta nani mo nai sora

Kotae nado doko ni mo nai

Dare mo oshiete kurenai

Demo kimi wo omou toko no mune wa

Nanika wo sakenderu sore dake wa shinjitsu

..... (*)

( Cứ mãi tỏ ra mình mạnh mẽ

Cứ mãi tỏ ra mọi chuyện đã tốt hơn

Sao ta cứ phải chọn lấy một cuộc sống

Đến cả đến mỗi hơi thở cũng cảm thấy khó khăn

Hôm nay hãy tháo bỏ chiếc mũ ấy đi

Chiếc mũ luôn bị kéo thấp để che hết mắt cậu

Để tớ được nhìn mái tóc hơi rối của cậu

Trông rất dễ thương, và tớ thích nó

Những chiếc lá khô bay lượn theo gió

Mùi thơm của những nhánh cỏ ướt

Ta tựa lưng vào nhau và ngước nhìn bầu trời cao trong

Chẳng đâu có câu trả lời

Cũng chẳng ai dạy chúng ta hiểu

Nhưng khi nghĩ về cậu, trái tim tớ đã rơi lệ đấy

Và chỉ duy nhất điều ấy là sự thật mà thôi

.....)

Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, thường là trao đổi bài vở hay kể cho nhau nghe những điều vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Sắp thi Đại học, Chi cũng bận rộn hơn, tôi thì vẫn thế. Vẫn cố gắng như trước, tập quen với một mình, với cô đơn vây kín. Nhiều hôm dậy thật sớm đạp xe ra biển chờ đón bình minh, ngay khi tia nắng đầu tiên vừa ló dạng, mỉm cười một cái thật tươi với nắng, với cát với gió. Lại một ngày mới bắt đầu!

***

Ngay khi lấy được giấy chứng nhận tốt nghiệp, tôi bắt đầu nộp hồ sơ vào những trường Đại học có chỉ tiêu xét học bổng ở Nhật, kì thi đại học chỉ còn là một trải nghiệm nhỏ để hoàn thành mười hai năm đi học. Cho dù có nhận được học bổng hay không bố vẫn để tôi bay sang bên đó. Tôi không kể điều này với ai, kể cả Chi, vẫn cùng nhau học bài và động viên cô bạn cùng cố gắng. Những tháng ngày chênh vênh, nhàn hạ cứ thế trôi qua...

Thi đại học xong, tôi khóa Facebook, đổi số điện thoai, dùng hòm mail khác, muốn biến mất một thời gian để nhìn ngẫm lại những gì đã qua, chỉ nói với bố và ông bà là đi du lịch thư giãn. Thế là lại vác ba lô, một mình rong ruổi tự tìm niềm vui trên những chuyến đi, tự làm một việc gì đó đánh dấu tuổi mười tám, đánh dấu mùa hè trưởng thành của mình. Suốt một tháng đó, tôi nhận ra được nhiều bài học quý giá về cuộc sống qua những mảnh đời trớ trêu trên những mảnh đất còn nhiều khó khăn. Mọi thứ xung quanh đều mới mẻ, lạ lẫm, nhưng tôi có thể làm mọi thứ mình muốn, cả những thứ chưa bao giờ làm, thậm chí còn chưa từng nghĩ đến trước đó. Đi nhiều, qua nhiều thử thách, tôi dần tập cho mình tính kiên nhẫn và thận trọng hơn trước khi quyết định một việc gì đó. Những chuyến đi giúp tôi nhận thấy mình đặc biệt, và may mắn khi được sinh ra trên cuộc đời này, và hơn hết, chỉ cần mỉm cười, mọi việc rồi sẽ được giải quyết.

Trở về với những trải nghiệm đáng quý, tôi nghĩ mình cần sống khác. Thăm ông bà nhiều hơn, cùng ông chăm vườn cây cảnh, đánh cờ, nói chuyện phiếm, cùng bà đi chợ nhặt rau, thấy đời tươi đẹp hơn. Tôi gửi cho Chi chiếc vòng tay mang về từ miền núi Tây Bắc cùng với tấm bưu thiếp chỉ vẻn vẹn vài chữ: "Tạm biệt cậu. Keep smiling!". Tôi tin, Chi sẽ hiểu.

Trong lúc chờ xin visa và các thủ tục khác, tôi vào Đà Lạt thăm và chào mọi người. Nhóc em vẫn lanh chanh như trước, đã cao hơn một tí và vẫn mè nheo như hồi xưa lúc hai anh em còn chung một nhà. Lúc ở sân bay, nó chạy lại ôm chầm lấy tôi rồi khóc ngon lành, làm mắt tôi cũng đỏ hoe theo. Mẹ và ông bà đều khỏe cả, mẹ kêu tôi gầy và đen đi. Tôi chỉ cười. Cảm giác vẫn ấm áp như ngày nào. Có lẽ, đây chính là gia đình.

Trên đường về, tôi ghé vào Đà Nẵng thăm thằng bạn. Hai thằng đạp xe một vòng quanh thành phố, ngó nghiêng hết chỗ này đến chỗ khác rồi lại rủ nhau ra biển chạy đua như hồi nào, quen thuộc như một ngày cuối tuần xa xưa. Tối đến, nó rủ tôi ra bờ sông Hàn, ngắm thành phố tấp nập, đầy màu sắc về đêm. Hai thằng ngồi kể cho nhau nghe tất cả những khó khăn từ lúc bắt đầu cuộc sống mới, những thay đổi cần thích nghi, những ngày tháng ôn thi vất vả như thế nào. Khoảnh khắc đêm khuya, ngay lúc cây cầu dịch chuyển khỏi trục đỡ, và từ từ quay sang ngang, thằng bạn chợt hỏi tôi: "Bây giờ, tao sống rất tốt. Thế còn mày, mày có ổn không?".

Tôi nhìn ánh đèn lấp lánh hắt xuống mặt nước, mỉm cười thấy lòng nhẹ tênh. Chỉ cần như thế, là đủ.

Cuối tháng mười, tôi bay. Gió lại về, mùa đông lại đến, nhưng cái nắng vẫn còn vấn vương đôi chút làm không gian ấm hẳn lên. Tôi đi một mình, chẳng để ai ra tiễn. Trong phòng chờ, ngước nhìn bầu trời trong xanh bên ngoài cửa kính, tôi bất giác cười toe, bên tai còn văng vẳng giai điệu dịu dàng như còn sót lại của ngày hôm qua:

.....

Demo kimi ga warau to sono saki wo

Shinite mitaku naru te wo nobashitaku naru (*)

.....

(.....

Nhưng khi cậu mỉm cười, niềm tin trong tớ bừng sáng

Muốn vươn đến và chạm vào một tương lai mới

.....)

Tạm biệt nhé, mùa đông nơi đây

Tạm biệt nhé, tuổi mười bảy đầy những vấp ngã và trưởng thành.

Tạm biệt, tuổi thanh xuân của tôi!

(*): Lời bài hát "Life is..." của ca sĩ Ken Hirai  

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện