TẬP 1: TRƯỜNG TƯƠNG TƯ - Chương 1: Lời nói đầu

Chàng là gió thoảng mặt hồ,

Thiếp là sen nở bên bờ, gió lay.

Gặp nhau tuy chỉ thoáng mây,

Nhưng lòng thương mến kiếp này đã trao.

Chàng là mây trắng trên cao,

Thiếp là trăng tỏ nép vào mây kia.

Yêu nhau thề chẳng xa lìa,

Sắt son gắn bó, sẻ chia ngọt bùi.

Chàng là cây lớn ngất trời,

Dây leo là thiếp, trọn đời quấn quanh.

Sánh đôi như lá với cành,

Tựa nương như thể môi răng cận kề.

Nhân gian vui lắm, buồn ghê.

Đời người tan hợp, chốn về nơi đâu?

Nguyện cùng chàng mãi bên nhau,

Không rời xa, mãi bên nhau, không rời…[1]

[1] Bản dịch thơ của Nguyễn Vinh Chi.

Thuở hồng hoang sơ khai, vũ trụ còn hỗn độn, Bàn Cổ Đại Đế đã phân chia Trời và Đất.

Khi ấy, Thần tộc, Nhân tộc và Yêu tộc[2] cùng chung sống trong khoảng không gian giữa Trời và Đất. Khoảng cách giữa Trời và Đất không quá xa xôi. Con người sống trên mặt đất, Thần tiên sống trên núi thiêng. Con người có thể lên gặp Thần tiên thông qua chiếc thang bắc lên Trời.

[2] Thần tộc: Chỉ các vị thần có linh lực cao cường, thường cư ngụ trên các đỉnh núi thiêng, tuổi thọ dài lâu. Nhân tộc: chỉ con người, sống trên mặt đất. Yêu tộc: chỉ các loài yêu quái.

Bàn Cổ Đại Đế có ba thuộc hạ thân thiết như ruột thịt. Người có thần lực cao nhất trong số ba thuộc hạ của ngài là một phụ nữ. Vì đã trải qua rất nhiều niên đại, không có tài liệu nào ghi chép về tên họ của bà. Chỉ biết rằng, bà lập ra nước Hoa Tư, nên người đời sau gọi bà là Hoa Tư Thị. Hai người còn lại đều là nam giới. Người mang họ Thần Nông cai quản vùng Trung nguyên. Người mang họ Cao Tân cai quản phía Đông, bảo vệ vùng đất thiêng Than Cốc, nơi mặt trời mọc và nguồn nước thiêng Quy Khư.

Sau khi Bàn Cổ Đại Đế qua đời, thiên hạ đại loạn. Hoa Tư Thị quá ư chán ghét các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, bà quyết định xa lánh thế sự, chọn một vùng đất xa xôi, xây dựng lên nước Hoa Tư xinh đẹp, hòa bình. Nhưng bà được hậu thế ghi nhận không phải vì nước Hoa Tư xinh đẹp ấy, mà vì người con trai Phục Hy và người con gái Nữ Oa của bà.

Ngài Phục Hy và bà Nữ Oa đều là những bậc đại đức, uy dũng, được mọi anh hùng trong thiên hạ kính phục. Hai ngài đã có công chấm dứt chiến tranh, đem lại nền hòa bình mà bấy lâu Đại hoang[3] trông ngóng. Vùng đất vốn mang nặng thương tích chiến tranh dần dần khôi phục sinh khí.

[3] Đại hoang: Chỉ thế giới của chúng ta vào thuở sơ khai.

Ngài Phục Hy và bà Nữ Oa được tôn vinh thành Phục Hy Đại Đế và Nữ Oa Đại Đế.

Sau khi Phục Hy Đại Đế qua đời, bà Nữ Oa muôn phần đau xót, bèn về quy ẩn ở nước Hoa Tư. Kể từ đó không ai còn thấy bà. Sự sống chết của bà trở thành bí mật. Bộ tộc Phục Hy, Nữ Oa kể từ đó, ngày một suy yếu.

Thần tộc Hiên Viên nhỏ bé ở phía Tây Bắc Đại hoang dần trở nên lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của vị thủ lĩnh trẻ tuổi. Mấy nghìn năm sau, Hiên Viên tộc đã có thể sánh ngang với hai Thần tộc cổ xưa của Đại hoang là Thần Nông và Cao Tân. Ba đại Thần tộc chia nhau cai quản ba phương: Thần Nông ở Trung nguyên, Cao Tân ở Đông Nam, Hiên Viên ở Tây Bắc.

Thần Nông Viêm đế lấy thân mình thử nghiệm hàng trăm vị thảo dược, cứu giúp muôn dân khỏi nỗi thống khổ bị bệnh tật hành hạ, nên được muôn người yêu kính. Người trong thiên hạ tôn ngài là Ông tổ nghề y. Nhờ có Thần Nông Viêm đế, Đại hoang hình thành nên thế chân vạc vô cùng vững chắc.

Nhưng sau khi ngài qua đời, cục diện đã thay đổi, Hiên Viên Hoàng đế vốn là người tài trí lỗi lạc, mưu lược kiệt xuất, ngài đã thống nhất Trung nguyên sau khi trải qua cuộc chiến khốc liệt với nước Thần Nông.

Có điều, thống nhất không có nghĩa cuộc chiến đã kết thúc, vì thực tế là, một cuộc chiến khác đã bắt đầu.

Sau nhiều năm đấu tranh gian khổ, hai bộ tộc Thần Nông và Hiên Viên đã dần dần xây dựng nên một đời sống chung hòa bình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai bộ tộc này vẫn âm thầm, dai dẳng như núi lửa, bất cứ khi nào cũng có thể bùng nổ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện