Chương 29
Hôm sau, lúc Tiểu Lục vừa mở mắt đã thấy một núi tiền ngay giữa cung điện, không phải ngọc ngà châu báu mà là cả một núi tiền đồng cao ngất ngưởng.
Tiểu Lục sa sầm mặt mày khi nhìn thấy núi tiền lấp lóa. Chuyên Húc tủm tỉm cười sau hơn chục ngày trầm ngâm, lặng lẽ. Thập Thất vốn xưa nay rất kiệm lời, trầm tính cũng phì cười, nói với Tiểu Lục:
– Ta chưa từng được thấy núi tiền như thế này.
Nghe thấy tiếng cười của Chuyên Húc, Tiểu Lục liền quăng cây nạng gỗ đi, đổ người vào núi tiền, lăn mấy vòng liền. Thập Thất cười hỏi:
– Vui không?
– Mình mẩy khá đau.
Tiểu Lục nằm dạng tay dạng chân trên núi tiền, tỏ vẻ hài lòng:
– Nhưng chí ít cũng đã biết cảm giác được lăn qua lăn lại trên núi tiền là thế nào.
Cả Chuyên Húc và Thập Thất đều bật cười.
Đám cung nữ muốn ra vào cung điện đều phải đi vòng qua núi tiền. Mỗi lúc ra vườn hóng mát, dù đứng ở bất cứ góc độ nào, Tiểu Lục và Thập Thất cũng nhìn thấy những đồng tiền lấp lánh chói mắt.
Một đêm trăng sáng như gương, Tiểu Lục nổi hứng muốn ngắm trăng, vừa hí hửng mở tung cửa sổ thì thấy trước mặt là một núi tiền sừng sững, nhấp nháy.
Dù là cảnh đẹp hay người đẹp đều sẽ trở nên ảm đạm, thất sắc trước núi tiền ấy.
Tiểu Lục không chịu nổi nữa, ra lệnh cho người hầu:
– Dọn cái núi tiền kia đi!
Người hầu cung kính thưa:
– Đây là mệnh lệnh của Bệ hạ, nếu công tử muốn di dời, phải xin phép Bệ hạ trước đã.
Lần sau gặp Tuấn đế, Tiểu Lục liền chủ động thưa với ngài:
– Thảo dân không thích núi tiền nữa.
Tuấn đế điềm tĩnh gật đầu, chỉ có Chuyên Húc – người thân cận với ngài nhiều năm mới nhận ra nụ cười thoáng qua trong mắt ngài.
Kể từ hôm đó, mỗi khi Tuấn đế gạn hỏi sở thích của mình, Tiểu Lục không dám trả lời quàng xiên nữa, mà ngoan ngoãn khai báo thành khẩn. Vì nếu không, Tiểu Lục sẽ phải chịu đựng những thứ mình không ưa mỗi ngày.
Hai chân dần bình phục, Tiểu Lục không cần đến cả đôi nạng gỗ mà chỉ chống một bên cũng có thể đi lại, thậm chí đã có thể tự đi một đoạn ngắn mà không cần đến nạng.
Tiểu Lục thích bay nhảy, ghét bị giam hãm mãi một chỗ, nên khi đôi chân vừa cử động linh hoạt hơn, nàng lập tức mở rộng phạm vi luyện tập vượt ra khỏi điện Hoa Âm. Tiểu Lục thích chống nạng đi lại trong nắng chiều bảng lảng, cho đến khi toàn thân đổ mồ hôi mới chịu dừng lại.
Thập Thất luôn ở cạnh nàng.
Tiểu Lục lại được dịp huyên thuyên:
– Đàn ông thường mê các cô gái xinh đẹp mà trên cơ thể không có mùi mồ hôi, nhưng chớ nên cưới họ về làm vợ. Cuộc sống của chúng ta có quá nhiều bộn bề, phiền phức, khiến con người sầu muộn, những nỗi bực bội tích tụ dần trong cơ thể. Nếu chịu khó đi bộ dưới nắng để cơ thể toát mồ hôi thì mọi ưu phiền sẽ theo đó mà thoát ra ngoài. Người phụ nữ khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái mới có tâm hồn thoáng đãng, tấm lòng rộng mở, không ích kỷ, không nhỏ nhen. Như em chẳng hạn, gần đây em thấy lòng nhiều phiền muộn, nhưng chỉ đi bộ một vòng dưới nắng thế này là lại thấy phơi phới, phấn chấn lên rất nhiều.
Thập Thất liếc nhìn Tiểu Lục, mỉm cười không nói.
Bỗng có tiếng chim lanh lảnh vang trong không trung, rồi một chú Huyền điểu từ đâu bổ nhào xuống, đậu lại bên cạnh Tiểu Lục. Huyền điểu ngả người về phía trước, đầu cúi thấp như đang vái chào Tiểu Lục, cũng như đang mời chào nàng xoa đầu nó. Tiểu Lục lùi dần lùi dần, cây nạng gỗ rớt xuống, nàng tập tễnh bỏ chạy. Thập Thất muốn lao tới đỡ nàng, nhưng Tuấn đế và Chuyên Húc vừa xuất hiện thì một nguồn sức mạnh phi thường đã ngăn Thập Thất lại. Nhận thấy Huyền điểu không gây hại cho Tiểu Lục, Thập Thất cũng yên tâm hơn, cậu thôi phản kháng, yên lặng quan sát. Thấy Tiểu Lục tỏ ra thờ ơ với mình, Huyền điểu ngoẹo đầu sang bên, tỏ vẻ băn khoăn, rồi chầm chậm đuổi theo Tiểu Lục. Tiểu Lục sải bước, nó cũng bước theo. Tiểu Lục ngã bổ nhào ra đất, Huyền điểu tưởng Tiểu Lục bày trò đùa giỡn với nó, nó hoan hỉ kêu lên một tiếng, cụp cánh lại, bắt chước Tiểu Lục, lăn lộn dưới đất. Lăn hết mất vòng, nó thò cổ, nhích lại gần Tiểu Lục.
Tiểu Lục nhìn nó chăm chú nhưng không chịu chạm vào nó. Huyền điểu buồn bã, nỉ non, dụi đầu vào tay Tiểu Lục, gõ gõ làm nũng nàng. Điệu bộ của nó như muốn nói với nàng: Nếu nàng không chịu an ủi nó thì nó sẽ còn nũng nịu mãi không thôi. Tiểu Lục đành chào thua, chìa tay ra, vuốt ve nó.
Huyền điểu vỗ cánh rộn ràng, vươn cổ cất cao tiếng hát, niềm hân hoan phơi phới của nó khiến những người xung quanh không khỏi cảm động, vui lây. Tiểu Lục vịn vào thân Huyền điểu đứng lên.
– Sao nhà ngươi ăn nhiều vậy, để đến nỗi béo tốt thế này!
Vừa dứt lời, ngẩng lên liền trông thấy Tuấn đế và Chuyên Húc. Tiểu Lục cười ngượng ngịu, chỉ tay vào Huyền điểu, bảo:
– Con chim béo núc này rất có duyên với thảo dân, thảo dân đoán nó là chim mái.
Tuấn đế cất tiếng:
– Huyền điểu này vốn là tọa kỵ của cô con gái lớn Tiểu Yêu của ta. Lúc nó vẫn còn là một quả trứng, Tiểu Yêu thường ôm nó ngủ hằng đêm. Lúc chui ra khỏi vỏ, người đầu tiên Huyền điểu trông thấy cũng là Tiểu Yêu. Tiểu Yêu đặt tên cho nó là Viên Viên và ngày ngày suốt ruột hỏi ta khi nào mới được cưỡi Viên Viên bay lên trời. Câu trả lời của ta luôn là: Chờ tới khi cả con và Viên Viên cùng lớn lên. Nay Viên Viên đã lớn, nhưng Tiểu Yêu của ta vẫn chưa trở về.
Tiểu Lục vái lạy xin lỗi:
– Thảo dân không biết chú chim này là tọa kỵ của Vương cơ, khi nãy có phần thất lễ, cúi mong Bệ hạ thứ tội.
Tuấn đế chăm chú nhìn Tiểu Lục một lúc rồi cùng Chuyên Húc lặng lẽ rời đi.
Khi họ đã đi khuất, Tiểu Lục vịn vào tay Thập Thất, ngồi xuống mỏm đá. Huyền điểu sáp lại gần nàng nhưng Tiểu Lục đẩy nó ra:
– Đi chỗ khác chơi.
Viên Viên tủi thân, cọ cọ vào tay Tiểu Lục mấy cái rồi sải cánh bay đi. Tiểu Lục nghỉ ngơi một lát, cười bảo Thập Thất:
– Về thôi.
Thập Thất đưa nạng gỗ cho Tiểu Lục, cùng nàng trở về điện Hoa Âm.
… Tiểu Lục đã có thể chầm chậm cất bước mà không cần đến nạng gỗ. Nàng rất thích đi bộ từ điện Hoa Âm đến Y Thanh Viên nhưng không bao giờ vào trong vườn, nàng chỉ ngồi hóng mát dưới tán cây bên ngoài khu vườn, sau đó lại chầm chậm đi bộ về điện Hoa Âm.
Một ngày nọ, thời tiết vô cùng nóng nực, Thập Thất đi bộ cùng Tiểu Lục đến Y Thanh Viên, mồi hôi đầm đìa, hai má Tiểu Lục đỏ bừng bừng vì nắng nóng. Lúc ngồi nghỉ dưới tán cây, Tiểu Lục nhấp một ngụm nước rồi than thở:
– Giá mà có quả dưa gang ướp lạnh để ăn lúc này nhỉ.
Thập Thất lập tức đứng lên bảo:
– Ta vừa thấy cung nữ ướp lạnh mấy quả dưa, để ta đi lấy một quả cho nàng.
Tiểu Lục cười bảo:
– Em chỉ buột miệng nói vui thôi, lát nữa về ăn cũng được.
– Rất nhanh thôi, ta sẽ quay lại ngay.
Thập Thất đi như bay. Tiểu Lục đặt bình nước xuống, dành bụng chờ món dưa lạnh.
Nàng chợt nhớ lại hồi bé mình rất thích nghịch nước. Mùa nóng, nàng thường ngâm mình trong nước rất lâu, không chịu lên. Mẹ phải dụ nàng bằng cách bưng một đĩa dưa gang đảo qua đảo lại, vừa đi vừa ăn ngon lành, gợi ý rằng nếu không chịu lên bờ, mẹ nàng sẽ ăn hết, không phần nàng nữa. Khi ấy, nàng sẽ trèo lên bờ ngay tức khắc, chạy đến bên mẹ, há miệng chờ mẹ đút.
Có một đám người đang đi về phía khu vườn, Tiểu Lục hờ hững liếc họ một cái, không thấy ai quen nên cứ điềm nhiên ngồi đó. Chợt một thiếu nữ xinh đẹp xông tới, trừng mắt giận giữ nhìn Tiểu Lục:
– Ngươi… ngươi… sao ngươi lại ở đây?
Lúc này Tiểu Lục mới để ý đến cô gái, có nét gì đó rất quen, hình như đã gặp ở đâu đó thì phải. Chỉ đến khi nhìn kỹ trang phục, Tiểu Lục mới nhận ra. Không ngờ dung mạo thật của A Niệm lại xinh đẹp đến vậy, quả là một mỹ nữ hiếm có. Tiểu Lục mỉm cười đáp:
– Ta… ta… ta… sao ta lại không được ở đây?
A Niệm tức phát điên:
– Đây là nhà ta, ngươi là đồ đê tiện bỉ ổi, ai cho ngươi ở đây! Bay đâu, bắt hắn lại cho ta!
Hải Đường và một hầu nữ nữa mỗi người túm lấy một cánh tay của Tiểu Lục, nhấc bổng lên. A Niệm không thèm vào vườn đi dạo nữa mà lập tức quay về.
Tiểu Lục chẳng buồn phản kháng, mặc cho bọn họ trói tay giải đi. Về đến nơi ở của A Niệm là điện Hàm Chương, A Niệm bắt đầu hạch tội Tiểu Lục:
– Nói mau, đã biết tội chưa?
Tiểu Lục chẳng hề sợ hãi, vẫn tươi cười đưa mắt nhìn chung quanh. Hải Đường vốn không ưa gì Tiểu Lục, thấy hắn tỏ vẻ khinh nhờn, không biết trời cao đất dày là gì, liền đá vào khớp gối của hắn. Tiểu Lục ngã bổ nhào về phía trước, quỳ rạp trước mặt A Niệm.
A Niệm nhìn Tiểu Lục đầy khinh bỉ:
– Cuối cùng ngươi cũng rơi vào tay ta! Chuyên Húc bảo rằng ngươi từng cứu mạng huynh ấy nên ta sẽ không giết ngươi, nhưng không thể tha cho ngươi được. Hôm đó, ngươi… hôm đó, ta… ta… nhất định phải trả mối thù này!
Nhớ đến hành vi sàm sỡ của Tiểu Lục hôm đó, A Niệm không ngăn nổi nước mắt. Chuyên Húc hỏi han nàng nhiều lần nhưng nàng không dám nói với huynh ấy mà chỉ khóc lóc, kể lể với mẹ khi trở về Ngũ Thần Sơn. Nhưng mẹ nàng… chỉ biết ôm nàng vào lòng, vỗ về nàng mà thôi.
A Niệm quát:
– Kéo cánh tay hắn ra.
Hai thị nữ lại gần, kéo hai cánh tay của Tiểu Lục lên cao. A Niệm bắt đầu suy ngẫm xem nên sử dụng hình phạt gì. Oái ăm thay, từ nhỏ đến lớn, A Niệm luôn được bao bọc trong vòng tay yêu thương, chiều chuộng của mọi người, nàng chưa từng chứng kiến cảnh tượng tra tấn khủng khiếp nào cả, hình phạt nặng nề nhất mà nàng biết, là đánh chết. Nhưng vì Chuyên Húc, nàng không thể giết Tiểu Lục. Sau một hồi suy nghĩ, nàng tấm tức ra lệnh:
– Đánh vào tay hắn!
Hải Đường nghiến răng nghiến lợi đánh vào tay Tiểu Lục bằng chiếc gậy làm từ gỗ mum vạn năm tuổi. Tiểu Lục nhếch môi cười, còn cố tình bỡn cợt A Niệm:
– Tấm lưng cô em vừa mềm vừa thơm, dẫu có đánh gãy tay ta, ta cũng thấy xứng đáng. Kể từ lần được vuốt ve nàng, ta vẫn ngày đêm tơ tưởng…
A Niệm tức đến nỗi toàn thân run lên bần bật, nước mắt tuôn rơi xối xả.
Người Cao Tân vốn coi trọng tiết hạnh, lễ giáo. Sau khi Tuấn đế lên ngôi, các quy định lễ giáo đã được nới lỏng hơn, thoải mái hơn, nhưng A Niệm là Vương cơ… Đám thị nữ sợ hãi, bàng hoàng. Hải Đường không dám để Tiểu Lục ăn nói quàng xiên, liền ra lệnh cho một thị nữ chuyên làm công việc dọn dẹp tháo giày của ả ra, nhét vào miệng Tiểu Lục.
– Để xem ngươi còn ăn nói bậy bạ được không!
Hải Đường quay sang an ủi A Niệm:
– Thưa Vương cơ, tên tiện dân thối tha này từng có thù oán với Vương cơ nên hắn cố tình nói những lời xằng bậy đó để chọc tức Người, hủy hoại thanh danh của Người. Xin Vương cơ chớ tin lời, kẻo trúng kế hắn.
Đám thị nữ hiểu những lời cảnh báo của Hải Đường, và cũng tin rằng một kẻ linh lực thấp kém như Tiểu Lục không thể lại gần Vương cơ nên cũng hùa theo bợ đỡ A Niệm. Ả nhanh nhảu nhất bảo:
– Vương tử Chuyên Húc là Vương tử của Hiên Viên, không phải Vương tử của chúng ta, cậu ấy sinh sống ở đây chẳng qua là nương nhờ Bệ hạ, Vương cơ đâu cần phải vị nể. Người muốn giết thì cứ giết, xong việc sẽ bẩm rõ với Bệ hạ, chắc chắn Ngài sẽ không trách tội Vương cơ.
Cơn tức giận của A Niệm đã lên tới đỉnh điểm, nàng ra lệnh:
– Đánh! Đánh gãy tay của hắn, vả vào miệng hắn, cứ đánh cho hắn chết, ta sẽ chịu trách nhiệm!
Hai thị nữ vác gậy gộc nện cho Tiểu Lục tả tơi. Tiểu Lục đã thôi cười, tập trung toàn bộ suy nghĩ vào câu nói khi nãy của ả thị nữ. Câu nói ấy tưởng như rất bình thường nhưng lại chứa đựng thông tin quan trọng. Chuyên Húc bị đưa đến Cao Tân từ nhỏ, mọi người đều nói rằng Hoàng đế gửi hắn đến Cao Tân làm con tin và cam đoan sẽ không tấn công Cao Tân. Hơn hai trăm năm qua, Chuyên Húc chưa từng quay về Hiên Viên. Trong mắt người đời, Chuyên Húc tuy mang danh Vương tử Hiên Viên nhưng thực chất chỉ là một đứa trẻ bị bỏ rơi, bị đẩy đến Cao Tân làm con tin mà thôi.
Thập Thất vội vã mang dưa ướp lạnh đến cho Tiểu Lục nhưng không thấy nàng đâu. Cậu lần theo dấu vết đến cửa điện Hàm Chương thì bị thị vệ chặn lại.
Nghe thấy tiếng gậy gộc vang lên trong điện, Thập Thất liều mình xông vào nhưng ngày càng nhiều thị vệ ào tới ngăn cản. Thập Thất bị đám thị vệ vây chặt.
Vì A Niệm là cô con gái duy nhất của Tuấn đế nên đám thị vệ không dám khinh suất, liền lập tức cử người đi bẩm báo với Tuấn đế. Cung điện của Vương phi Tĩnh An, mẹ ruột A Niệm cách điện Hàm Chương không xa nên vừa nghe thị nữ bẩm báo rằng có kẻ xông vào cung điện của Vương cơ, bà lập tức chạy tới.
Vương phi bước vào nơi ở của A Niệm thì thấy mặt mũi con gái trông rất khó coi nhưng y phục vẫn chỉnh tề, vậy là con gái bà không hề hấn gì.
Trông thấy mẹ, A Niệm gượng nở nụ cười, vừa ra dấu bằng tay hỏi mẹ:
– Sao mẹ lại tới đây?
Từ nãy đến giờ, Tiểu Lục vẫn cúi đầu, mặc cho đám thị nữ ra sức đánh đập. Nhưng khi nghe tiếng A Niệm gọi mẹ, nàng khẽ rùng mình, muốn ngẩng lên nhìn, nhưng lại không dám nhìn. Người đàn bà này tuy không phải Vương hậu nhưng là người vợ duy nhất của Tuấn đế, rất ít người được thấy mặt bà. Nghe đồn Tuấn đế rất mực yêu thương và chỉ có bà ta là người vợ duy nhất. Không nghe thấy tiếng Vương phi, chỉ thấy tiếng A Niệm ra lệnh:
– Dừng lại!
Tiểu Lục chầm chậm ngẩng đầu lên, trái tim nàng như tan vỡ vào khoảnh khắc nhìn rõ dung mạo Vương phi. Tiểu Lục gào lên thảm thiết:
– Mẹ ơi, mẹ…
Nàng bị nhét giày vào miệng nên chỉ có thể phát ra những âm thanh mơ hồ, nhưng đôi tay nàng tha thiết hướng về phía trước, nàng ra sức giãy giụa, cố gắng vùng thoát ra khỏi đám thị nữ để bám chặt lấy người phụ nữ đoan trang trong y phục màu xanh, đứng ở đằng kia.
Máu chảy đầm đìa trên đôi tay Tiểu Lục khiến người phụ nữ khiếp sợ, bà lùi lại phía sau. A Niệm vội vã ôm chặt lấy mẹ, gào quát:
– Mau giữ tên tiện dân đó lại!
Đám thị nữ sợ Tiểu Lục gây thương tích cho Vương phi nên ra sức ghì xuống đất, khóa chặt cả chân tay hắn. Tiểu Lục như điên dại, nàng ra sức vùng thoát, quẫy đạp, nàng muốn ôm lấy Vương phi.
– Mẹ ơi… mẹ…
Tiểu Lục ú ớ, nghẹn ngào.
Vương phi kinh hãi nhìn Tiểu Lục như nhìn một kẻ điên loạn. Nước mắt tuôn rơi lã chã, Tiểu Lục vẫn ráng sức chìa tay về phía Vương phi, nàng chỉ muốn được chạm vào mẹ, ôm chặt lấy mẹ, không cho mẹ rời xa mình.
– Mẹ ơi… mẹ… xin đừng bỏ con…
Nàng muốn hỏi bà, vì sao năm xưa lại nỡ bỏ rơi nàng? Mẹ đã hứa sẽ đến đón nàng, nhưng lại một đi không trở lại. Lẽ nào vì nàng gây ra lỗi lầm gì? Bất kể nàng đã gây ra lỗi lầm gì, chỉ cần mẹ nói cho nàng biết, nàng sẽ sửa. Chỉ cần mẹ đừng rời xa con. Lẽ nào con đúng là đứa con hoang đáng chết như lời đồn đại? Mẹ ơi, hãy cho con biết, vì sao đành lòng bỏ rơi con?
***