Nghiệp Âm - Quyển 2 - Chương 17: Quẻ bói hầu tiên

Bấy giờ, trời đã về chiều, mây đen hùng đồ kéo đến che lấp đi ánh nhật nguyệt. Cảnh vật bốn bề trước mắt trở nên thật tiêu điều, ảm đạm. Thầy Hữu vội vã châm điếu du lịch, khói thuốc mờ nhạt lững lờ trong cơn mưa trông thực thi vị. Chúng tôi đứng nép về một bên trước cổng chào tam quan của đền Bảo Lộc, thầy Hữu đánh điện gọi cho Tử Thanh, khuôn mặt hết sức hồi hộp, lo lắng. Lần một, lần hai, Tử Thanh đều không bắt máy, thầy Hữu thấy vậy thì lại càng sốt sắng hơn, đoạn lập tức ra hiệu cho chúng tôi đi vào sâu trong đền. Theo như thầy Hữu nói, đất này vốn dĩ là nơi phát tích của nhà Trần, việc đặt đền Bảo Lộc trên nền cũ có lẽ không chỉ đơn thuần với mục đích cúng bái. Nếu như xét theo hướng đi của dòng Châu Giang, kể từ đoạn huyện Mỹ Lộc ra đến cửa Hữu Bị, chắc chắn sẽ có những điểm long mạch tích tụ, thế đất trở nên vượng phát. Bởi lẽ, xét theo phong thuỷ, nước là nguồn dẫn của long mạch, nước tụ ở đâu, huyệt kết sẽ nằm ở đó, tuỳ theo sự to nhỏ khác nhau mà người ta sẽ định đoạt về ý nghĩa và lợi ích của huyệt. Phàm là các điểm giao nhau của những con sông, dòng chảy sẽ rất khó đoán. Trên mặt nổi, ta thường chỉ thấy nước chảy theo một đường thẳng, nhưng dưới lòng đất, con nước hoàn toàn có thể rẽ ngang, xiên trái, đâm phải, tuy chỉ kéo dài độ vài trăm mét, nhưng những điểm có sự thay đổi như vậy, tất cả đều mang lại một nguồn linh khí rất lớn. Việc xây nhà, đặt mộ, nếu có thể làm được các trên nền đất có huyệt nước ngầm chảy qua, công danh tiền tài ắt sẽ hoạch phát đến khôn cùng. Đền Bảo Lộc cũng dựa trên thuyết phong thuỷ ấy mà sắp đặt vị trí. Tuy rằng đền thờ ngày nay đã bị di dời vào phía bên trong, cách đền cũ chừng ba trăm mét, nhưng có lẽ, địa điểm hiện tại cũng đã có sự tính toán, kiểm tra kĩ lưỡng của những người biết về địa lý, phong thuỷ, thuộc dòng dõi nhà Trần. Chúng tôi vào đến sân chính của đền thờ, nơi này quả thật rộng lớn, trước mặt là đền chính thờ chủ Hưng Đạo Đại Vương, bên trái có chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu, tất thẩy đều được quây tụ lại thành một quần thể văn hoá tâm linh đồ sộ. Chúng tôi tiến gần chính điện thì bất ngờ thấy có sự lạ, tiếng người nữ nhân kêu gào vọng lại thực thảm thiết, nhân mạng đứng xem la liệt chật cứng mấy bên cửa. Phải khó lắm chúng tôi mới chen vào được bên trong. Bấy giờ, anh Thuận chẳng nói chẳng rằng, toàn thân bất động, ánh mắt kinh hãi nhìn thẳng về phía trước. Xem bộ dạng của anh ta thì sự việc lúc này ắt hẳn là rất quái dị. Đánh mắt theo anh Thuận, tôi bất ngờ cả kinh khi thấy ngay trên chiếu hầu, dưới ban thờ lớn đặt bài vị gỗ sơn thếp vàng. Một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, cánh tay nổi lên chằng chịt là những vết cào xé. Kì lạ hơn, nữ nhân này cứ lăn qua lăn lại trước ban thờ, có lúc lại quỳ đầu dập lậy, lúc thì lại lấy tay đấm thùm thụp vào thân thể. Bất giác, anh Thuận hô hoán sang phía thầy Hữu,

-Thầy Hữu, là mẹ cháu, mẹ cháu đấy.

Thầy Hữu ở kế bên hình như đã biết được điều này, đoạn đảo mắt xung quanh một vòng rồi từ từ tiến lại gần bên chiếu hầu. Mấy người ở đó thấy vậy thì định can ngăn, có người cho rằng đây là hiện tượng cơ hành, phàm là những người hợp căn hợp số với cửa thánh, khi đến đền phủ đa phần hành động đều trở nên kì quặc, khó hiểu. Phải là thầy cao tay lắm thì mới xin tha cho được, bằng không thì chỉ có nước dồ dại. Anh Thuận nghe được những lời đó thì lại càng lo lắng, anh ta toan lao vào đỡ mẹ dậy thì liền lúc có một bàn tay từ phía sau giữ chặt anh ta lại, không ai khác, đó chính là Tử Thanh.

-Để thầy Hữu lo, cậu lao vào là hại mẹ cậu đấy thôi.

Sự xuất hiện bất ngờ của Tử Thanh như đánh thức anh Thuận dậy giữa cơn bấn loạn. Ba người chúng tôi bấy giờ tập trung cao độ vào những hành động của thầy Hữu trên chiếu hầu. Thoạt, gió trời nổi lên như bạo vũ, đèn điện trong đền chập choạng, khoảnh khắc giao nhau giữa canh sáng và canh tối cũng đủ làm con người ta thất kinh. Lúc ấy, chỉ còn lại duy nhất là thứ ánh sáng bập bùng từ mấy ngọn đèn dầu, nhà đền chìm vào quang cảnh thật khác thường. Dưới nền màu vàng vọt xưa cũ, những vật phẩm được bày biện trong gian phòng như đương sống dậy. Từ những đường nét trạm trổ rồng phượng trên các cột gõ, cho đến những tấm bảng sắc phong linh thần đồ sộ, tất thẩy đều đang được hiện hữu một cách rõ rệt, quả là đượm hồn và thi vị. Đoạn, trong cơn mù mịt của cuồng phong, có tiếng người dội lại từ trên cao, âm sắc lọt qua mấy cánh cửa mà đổ dồn vào trong chính điện.

-Đất vương thần sinh khí vẫn còn đây, cửa thần tử há để quỷ xâm phạm. Nay nhân nghĩa ta xét còn duyên nghiệp, kiếp phù sinh lấy công trạng chuộc thân.

Giọng nói vang vọng trong không gian nghe thực kiêu hùng. Chỉ trong giây lát, mây đen đã tan đi, gió lớn đã ngừng thổi, đèn điện xung quanh lại trang hoàng lên nhà đền một màu sắc tươi mới, diễm lệ. Bấy giờ, chúng tôi mới thấy rõ được hình ảnh của cô Trà, người đàn bà chất phát vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của tâm linh. Thật thương tâm cho cảnh thân tàn, ma dại. Về phần thầy Hữu, người ta hoàn toàn có thể bắt gặp được là những hành động kì quặc, khó hiểu. Một tay thầy cầm chặt tấm vải ngũ sắc dài chừng nửa mét, một tay lại cầm que nhang còn đương cháy dở. Đoạn thầy Hữu dung đầu nhang chấm hai chấm nhỏ ở đuôi của tấm vải. Kế đó, thầy Hữu dùng tấm vải cuốn chặt quanh bụng của cô Trà. Chỉ trong chớp mắt, cô Trà lập tức đứng dậy như người bình thường, có điều, cặp mắt của cô thì lại vô hồn, bất định, rất khó để diễn tả. Thầy Hữu bấy giờ vội vàng thỉnh một ngọn đèn dầu ở trên chính ban xuống. Ngay khi ngọn lửa trong bầu thủy tinh cháy lên đến giữ dội, thầy Hữu lập tức di chuyển ra phía bên ngoài, hướng thẳng về cổng chào tam quan của Bảo Lộc. Bất giác, cô Trà cũng theo chân của thầy Hữu mà đi ra ngoài, chúng tôi thấy sự lạ như vậy thì cũng khó lòng mà đứng yên cho được. Khi vừa ra đến cổng tam quan, bầu thủy tinh trên ngọn đèn dầu bất ngờ vỡ toang, cô Trà sau đó thì ngã gục xuống. Thầy Hữu lúc này nhanh nhẹn bắt quyết, lấy hai lòng bàn tay của mình chụm lại rồi đánh mạnh vào lưng cô Trà, đoạn hô,

-Nhập xác

Người cô Trà lập tức rung lên bần bật, ánh mắt chằng chịt là những tia đỏ trông rất kinh dị. Anh Thuận đứng kế bên vì không kìm được lòng nên đành quỳ xuống van xin để thầy Hữu cứu mẹ. Chàng thanh niên can trường, sắt đá, bản thân đã trải qua muôn vàn những phong trần, khó khăn, nay vì tình mẫu tử mà hai dòng lệ lại trực trào, quả thật khiến cho con người phải cảm động.

-Đỡ mẹ cậu dậy, phía trước có một quán trọ, ta đã thuê sẵn phòng, thằng Đoan cũng đang ở đó.

Tử Thanh nói rồi liền quay sang bên phía thầy Hữu, hai người này cùng anh Thuận dìu cô Trà đi vào quán trọ cách đền tam quan chỉ hơn chục mét. Ngồi trong gian phòng chật hẹp, anh Đoan và cô Trà đang nằm li bì trên một chiếc giường gỗ đã có phần mục rũa, bốn người chúng tôi quây quần trên manh chiếu cói, thầy Hữu liên tục đốt thuốc để trấn tĩnh lại tinh thần. Anh Thuận lúc bấy giờ mới mở lời,

-Vậy mẹ cháu và thằng Đoan bây giờ nên tính thế nào hả thầy?

Thầy Hữu trầm ngâm một hồi, ánh mắt nhìn ra bên ngoài hiên cửa mà thực não nề,

-Như về thằng Đoan thì chúng ta đã có thể tạm thời yên tâm, hiện tại cơ thể của nó sẽ dần dần bình phục sau lần phá ngải trước. Còn về cái Trà, điều này ta vẫn còn đang băn khoăn, mọi chuyện xảy ra hôm nay thực bất ngờ quá. Tử Thanh, cậu nói rõ sự tình xem sao?

Tử Thanh nghe thế thì liền đáp,

-Sở dĩ khi mới đến đây, cô Trà và thằng Đoan đều đương có sự tỉnh táo về mặt thần thức. Cô Trà vì nghe được sự linh ứng của Trần triều trong việc trừ tà sát quỷ nên một mực đòi vào bên trong để yết bái linh thần. Tôi ban đầu cũng có can ngăn, nhưng bản thân thực chất lại muốn đánh liều một phen xem sao, biết đâu có thể cứu giúp được cô Trà sớm hơn. Ấy vậy mà ai ngờ, khi chúng tôi bắt đầu đặt chân vào chính điện, cô Trà lại nói rằng cảm thấy hai bên bả vai bị đè nặng, biết có sự lạ, tôi bèn để cô Trà tùy nghi hành sự một mình dưới đền Bảo Lộc. Mặt khác, tôi ngược ra phía ngoài để tìm đường lên đền Khải Thánh, xin quẻ nhờ Vương thánh chỉ điểm. Lúc mọi việc xong xuôi, tôi trở lại dưới này thì vừa hay bắt gặp mấy người và sự kiện kì dị của cô Trà.

Thầy Hữu nghe Tử Thanh nói đến đây thì liền cắt lời. Giường như trong việc này cũng có một phần sơ xuất của Tử Thanh nên cô Trà mới phải lâm vào cảnh hoạn nạn. -Việc để cái Trà đi vào đền Bảo Lộc đã là một sự nguy hiểm mà ngay cả bản thân ta cũng không thể lường trước được. Lần này xảy ra sự việc như trên nguyên do ắt hẳn nằm ở sự hỗn loạn âm dương trong người của cái Trà, âm thịnh, dương suy, hồn phách của vong ngải đã đạt vượt ngưỡng dòng dương khí đương chảy trong con người. Chính vì thế, khi bước vào đền phủ, thánh nhân lập tức trục vong trục quỷ ra khỏi tiền đường. Nhưng ngặt nỗi, vì vong quỷ này và bản thân của cái Trà được tồn tại song hành với nhau, âm dương có sự bổ trợ để cân bằng giữa hai phía. Nếu như liền lúc trục xuất vong quỷ ra ngoài, sự mất cân bằng về âm trong người cái Trà sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tánh mạng. Nên suy cho cùng, câu nói “kiếp phù sinh lấy công trạng chuộc thân”, ắt hẳn muốn ám chỉ đến việc phá hận ngải. Đối với quỷ thần, nhân sinh luôn được đong đếm, cân nhắc giữa hai chữ cho và nhận. Muốn được cửa thần phù cứu giúp, bản thân ta phải đánh đổi bằng một công trạng hoặc một thành tích nhất định. Có công thì mới có thưởng, ấy được gọi sự là công bằng, không ai hơn ai, không ai nợ ai, tất thẩy đều được quy về cán cân của nhân sinh, duyên nghiệp. Tử Thanh, cậu thử nói xem ban nãy bốc quẻ nên luận giải như nào?

-Quẻ này muốn chúng ta hầu bóng.

Thầy Hữu giường như không mấy bất ngờ trước sự việc này. Đoạn hỏi kĩ,

-Hầu bóng sao, ta cũng đã đoán biết được điều đó, chỉ là không rõ được chi tiết tường tận, cậu thử cứ nói tiếp xem.

Tử Thanh bấm độn, cậu ta đưa ánh mắt nhìn ra phía bên ngoài như thể đang đắn đo lắm,

-Giá hầu lần này phải được thực hiện vào đầu giờ sửu, chỉ hầu duy nhất một người, không cần đàn lễ trang nghiêm, cầu kì.

Thầy Hữu sốt sắng,

-Ý cậu muốn nhắc đến là vị nào?

Lời nói có phần gấp gáp của thầy Hữu khiến cho Tử Thanh chột dạ, giường như cậu ta đương muốn chấn tĩnh lại chính bản thân mình.

-Giá Trần triều, Đệ Nhị Vương Cô.

Bầu không khí lúc bấy giờ trở nên nặng nề, mấy người chúng tôi nhìn nhau, ai nấy cũng giữ cho mình một trạng thái của sự lo lắng, bất an. Thầy Hữu, một người thông hiểu học thuật, nhưng khi nghe qua lời nói của Tử Thanh thì lại có phần do dự, cân nhắc, ắt hẳn trong cuộc trò chuyện này có ẩn chứa nội tình. Đoạn thầy Hữu châm vội lấy điếu thuốc, giường như cái thứ á phiện bình dân này biết cách để làm cho suy nghĩ của con người ta được chậm lại. Thầy Hữu nói,

-Vương Cô Đệ Nhị là một giá hầu rất khó, bản thân ta cũng chưa từng thực hiện qua bao giờ. Hơn nữa, lúc này để tìm được hai người hầu dâng, được cung văn, được khăn chầu, áo ngự thì đúng là khó quá.

Tình hình lúc này ngày một bế tắc, tuy rằng đã có đường đi nước bước tiếp theo, nhưng chúng tôi vẫn rất khó để tìm ra được một đối sách có thể cân bằng giữa mọi chuyện. Nhưng cổ nhân vốn có câu, tuỳ cơ ứng biến, thầy Hữu lúc này cho rằng sự việc đã đến lúc cấp bách, dù khó khăn, thiếu thốn thì cũng vẫn phải làm.

-Trong đạo Mẫu, người ta thường vẫn hay truyền miệng, sạch sành sanh thì mới được manh áo đỏ, chưa kể đến rằng phật thánh chứng tâm chứ không hề chứng lễ. Lần này đành nhờ Tử Thanh đứng lễ hầu giá Vương Cô Đệ Nhị, ta sẽ làm người dâng đối. Đàn mãn chắc có lẽ chắc không cần thịnh soạn, chỉ cần hợp tình hợp lý với giá hầu Vương Cô là được. Khăn chầu áo ngự ta nghĩ không khó, thành Nam là đất Vương thần, đền to phủ lớn lại nhiều, việc mua bán đồ đạc phục vụ nghi thức hầu bóng vốn chẳng thiếu thốn.

Chúng tôi triển khai công việc theo dự định của thầy Hữu, cũng phải đến gần khuya thì Tử Thanh và bác tài mới đi mượn được bộ khăn chầu áo ngự giá Vương Cô về. May thay, người thủ nhang của đền Bảo Lộc khi ấy lại có sự quen biết với bác tài, người này tình nguyện giúp đỡ chúng tôi về việc trải chiếu hầu đêm ngay trên sân chính tước cửa đền. Chưa hết, người đàn ông này còn ngỏ ý muốn được tham gia vấn hầu, vì sự hiếu kỳ của ông ta đối với cách làm mà chúng tôi đã nói, nên bản thân đã quyết định rủ thêm một người bạn già đến để hỗ trợ. Một người gõ phách, hát văn, một người chơi sáo trúc và đàn nhị. Tất thẩy như vậy đã là tương đối so với ý nguyện ban đầu của thầy Hữu.

Đêm ấy, cuối giờ tý, trăng lên cao chót vót tận đỉnh đầu, cảnh sắc trước nhà đền vô tình trở nên lung linh, huyền ảo. Những đường nét trạm trở rồng phượng trong quần thể kiến trúc Bảo Lộc như được cách điệu, sống động bởi thứ ánh sáng nguyệt quang thật đượm hồn. Tiếng gió nhè nhẹ quây quần lại bên cạnh chỗ chúng tôi, nó khiến cho thần thức của con người được sảng khoái, được minh mẫn hơn bao giờ hết. Thầy Hữu bấy giờ đương mải bầy biện, bố trí những đồ vàng mã ra xung quanh, nhìn đàn lễ đơn điệu chỉ có mâm xôi gà, vài cái hình nhân, lác đác là những mâm tiền vàng chồng chéo thực khiến cho con người ta phải cảm thấy chạnh lòng. Ít có vấn hầu nào ở thuở này mà lại thiếu thốn đến trăm đường như vậy. Thầy Hữu cẩn trọng đếm từng hình nhân giấy một, đoạn gọi Tử Thanh lại, hai người này tranh luận một hồi, cũng không nghe rõ rằng nói gì, chỉ thấy khuôn mặt của thầy Hữu rất buồn bã. Hình như, Tử Thanh lúc đó có nhắc đến vấn đề tên tuổi,

-Thôi thì đã là ý trời, thầy cứ ghi tên tuổi của ta vào đấy, hậu quả ra sao ta sẽ tự mình gánh chịu. Bản thân ta cùng mọi người đi được tới đây cũng đã là một sự thành công vượt ngoài vận số rồi.

Thầy Hữu vẻ mặt buồn bã, giường như cuộc tranh luận với Tử Thanh có điều gì đó không ổn. Hai người này quay trở lại chiếu hầu, thầy Hữu cố ý sắp đặt một ban thờ nho nhỏ với đầy đủ hương hoa, đèn nhang, chính giữa là một tấm bài vị bằng gỗ có ghi mực tàu, màu sắc vẫn còn rất tươi mới. Tử Thanh ngồi xuống chính giữa chiếu, cậu ta bấy giờ đã khoác lên mình một bộ quần áo mà thầy Hữu gọi là phù hợp với giá hầu của Vương Cô Đệ Nhị. Thứ trang phục này lấy tông màu chủ đạo là sắc vàng tươi, chính giữa có thêu hình phượng rất cầu kì, chân áo còn điểm thêm vài nét của thứ hương sắc mây trời trông thực bắt mắt. Đoạn thầy Hữu cẩn thận đội chiếc khăn xếp có điểm châm ngọc lên đầu của Tử Thanh. Đúng lúc này, hai người ở bên ngoài bắt đầu gõ phách, thổi sáo, tiếng hát văn trầm bổng bay vào không gian đêm trường như mang lại cho con người ta một trạng thái vô cùng lạ kì, thứ cảm giác có lẽ chỉ tồn tại trong những hình ảnh mang tính hoài cổ.

-Trên toà vàng công ơn tiên thánh, dưới điện tiền phụng thỉnh Vương Cô. Tối linh thiên hạ được nhờ, dấu thiêng ghi để phụng thờ khói hương.

Cung văn dâng ý đến đây thì Tử Thanh tay cầm hai que nhang, cậu ta vái ba vái trước ban thờ, đoạn vái sang bên trái một lần, bên phải một lần, hành động xem ra thực rất đẹp mắt. Thế rồi, cậu ta đứng lên, toàn thân lùi lại phía sau hai bước. Tại đây, cậu ta xoè thẳng bàn tay của mình mà đưa lên cao. Ngay sau đó, Tử Thanh tiến về phía trước ba bước, cậu ta quỳ gối lậy trước bài vị gỗ một hồi. Thầy Hữu thấy thế thì liền châm một bó nhang lớn, đưa vào tay của Tử Thanh, hành động rất cung kính không hề giống như cách ứng xử với một người nhỏ tuổi. Tử Thanh một tay nhận lấy bó nhang từ phía thầy Hữu, một tay thì lại chắp lấy hai ngón mà điểm nét xung quanh bó nhang, hành động tựa hồ như đang viết chữ. Việc xong, cậu ta lùi lại mấy bước, tay cầm bó nhang đương cháy phập phùng mà đưa vào không trung. Thỉnh thoảng, cậu ta hô lên mấy tiếng nghe thực oai hùng.

-Bạch Đằng nổi trận giao phong, quân thù bỏ xác giữa dòng trường giang. Bá Linh quỳ gối quy hàng, Vương Cô dẹp hết Phạm Nhan đẳng tà.

Cung văn tấu nhạc ngày một thêm dồn dập, Tử Thanh lúc này trên tay đương cầm một kì lệnh ngũ sắc, một thanh kiếm bản dài, bóng loáng. Cậu ta đưa kiếm lên ngang ngực, tung cờ về phía sau, toàn thân uyển chuyển trong từng hành động, điệu bộ hệt như một vị dũng tướng đương xông trận. Lát sau, Tử Thanh trao lại khí giới và kì lệnh cho thầy Hữu, cậu ta ngồi xuống trước ban thờ, khuôn mặt có đến vài phần cương nghị. Giữa lúc cảnh khuya đang son sắc, thầy Hữu rót liền ba chén rượu lớn, đoạn đặt vào lòng bàn tay mà đưa sang phía Tử Thanh. Miệng nói,

-Con tấu lậy cô muôn trùng bách bái, nhất tâm con nhất tưởng, nhất dạ lại nhất cầu, ghế cô thanh đồng một long một dạ, chí nguyện tâm thành, hôm nay được bắc ghế cô ngồi bắc ngôi cô ngự, cô nhận đồng thương đồng nhận lính thương lính, cô lệch kê méo nắn, ấm cửa lửa sang để ghế cô được hai chữ vuông tròn, cầu được như ý nguyện được tòng tâm đầu năm chí giữa nửa năm về cuối chín tháng đông ba tháng ngà. Thanh đồng học pháp nên pháp học thuật thông thuật, bốn mùa xuân hạ thu đông hầu vai các thánh. Cô ban danh ban diện cho ghế của cô, cho huynh đệ tứ phương trăm họ về khâm trực cửa cô được đắc lễ đắc bái, đắc lộc đắc tài, chu viên hoàn hảo mười phân vẹn mười. Lậy cô.

Tử Thanh bấy giờ nhấp một chung rượu, miệng cười tựa như xuân sắc của muôn hoa,

-Ta Trần Triều, Đệ Nhị Vương Cô, Đại Hoàng công chúa chính cung. Vậy là nay đã đủ được tam niên xuất thế rồi nhỉ. Ta có lời ban khen cho thanh đồng của ta nhất tâm tưởng, vạn tâm cầu, trên thì nhớ tới hồng ân trời biển của chư vị phật thánh chúa tiên, của cửa đình thần tam tứ phủ cha con cô. Dưới lại tỏ lòng trung nghĩa một dạ một mực vì đạo vì đời. Nay lại không quản đường xá xa xôi, nhất tâm về yết bái dưới bản đền Bảo Lộc nơi chốn tổ của Trần Triều thần vương. Chưa kể còn thiết lập được đàn tràng trên chay dưới mặn kính trình cửa thiên địa đất trời, phát tấu biểu quan kính tiến ngũ phương sứ giả. Quà lễ ngày hôm nay sẽ được đưa về cửa lục bộ thượng từ Trần Triều của cha con cô. Ta chứng minh công đức cho pháp sự pháp sư, tờ vàng cánh sớ minh bạch rạch ròi văn hay chữ tốt chí nguyện tâm thành. Nay ta giáng đàn giáng lễ nhập bóng gia phong. Ta cho thần khí được vào tay, lại cho thao thao chư vị binh hùng của ta đi theo đến cửa tam giang Bạch Hạch mà phá trận quỷ vong, để thơm danh nức tiếng muôn đời tam niên xuất thế.

Thầy Hữ vẻ mặt hồ hởi, đoạn vái lạy ba vái. Thầy tâu,

-Cô ở trên cô soi rõ tỏ tường, nay nhân mạng tổn vong, nữ nhân thất thế, người quỷ bất phân. Lại có thần kiếm bảo vương trừ tà sát quỷ thỉnh cô ngự giá phá giải hận vong, cứu lấy nhân mạng.

Tử Thanh cười lớn một tiếng, hai tay vỗ xuống đất nghe thực mạnh bạo,

-Xưa nay Trần Triều oai linh một cõi, kẻ tốt luận công kẻ gian luận tội, minh minh bạc bạch như vậy sao có thể ưu ái được cho bất kì một ai. Nay ta đảm bảo tánh mạng cho nữ nhân kia, cho vong hận vong được yên ổn, chỉ cần tam niên xuất thế nhất tâm nhất dạ phá trận bạch đại công cáo thành, ta tự khắc báo cho cách mà hoá giải bùa yểm. Ta hạ lệch cấp thiết cho tất thẩy nhân mạng mau mau cùng âm tướng Trần Triều đi về Bạch Hạc để đẩy lùi gian nguy, trả lại linh khí vạn năm cho đất Nam Việt.

Tử Thanh bấy giờ toàn thân như nhẹ bẫng, anh ta nhắm nghiền hai mắt, toàn thân hơi ngả ra phía sau mà xoay đảo liên hồi. Thầy Hữu thấy thế thì liền ra hiệu cho chúng tôi váy lậy. Cung văn bên ngoài tấu lên khúc nhạc nghe thật vui tai,

-Trần Triều Kiếp Bạc linh từ, Thiên Trường Mỹ Lộc phụng thờ khói hương. Chí Linh ghi lại dấu thiêng, sử xanh còn để lưu truyền đời sau. Bắc Nam đôi xứ đảo cầu, Vương Cô bảo hộ bền lâu muôn đời.

Còn tiếp...

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện