Chương 2. Những đứa trẻ cùng lớp
Cái tin chúng tôi được nghỉ học một tuần quả là một bất ngờ thú vị.
Sáng nay, chuông reo vào lớp đã hơn mười phút, cô Lan vẫn không thấy xuất hiện. Trong khi cả lớp đang ồn ào bàn tán thì cô hiệu trưởng xuống báo: cô Lan ốm, chúng tôi được nghỉ hết tuần này.
Cô hiệu trưởng vừa quay ra, thằng Cường đã hét toáng:
- A ha! Thế là tớ khỏi phải học bài!
Nhỏ Thúy reo:
- Mình sẽ chơi nhảy dây suốt!
Tôi cũng hân hoan không kém:
- Tớ sẽ đi Vũng Tàu thăm bố tớ. Tớ sẽ tha hồ tắm biển!
Ba đứa tôi chưa hết hí hửng, nhỏ Nam Lai đã nạt ngang:
- Cô giáo ốm, các bạn vui lắm hả?
Nhỏ Nam Lai là lớp trưởng. Nó lên tiếng, chúng tôi đành im miệng. Hơn nữa, nó hỏi "móc họng" kiểu đó, chẳng biết phải đáp thế nào. Chẳng lẽ bảo thật là mình rất vui?
Mãi một lát, Cường mới ấp úng:
- Tớ vui vì khỏi phải học bài chứ đâu phải vì...cô giáo ốm!
Tôi lập tức hùa theo:
- Tớ cũng vậy! Tớ chỉ vui vì sắp được đi thăm bố tớ thôi!
Nhỏ Nam Lai nguýt dài:
- Các bạn muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, nhưng chiều nay phải tới thăm cô!
Trưa đó, trong bữa cơm, tôi nói với mẹ ý định đi thăm bố của tôi.
Mẹ bảo:
- Nếu con muốn, đi ngay chiều nay cũng được. Chiều nay có ô-tô của cơ quan bố con đi Vũng Tàu.
- Không được, mẹ ạ! - Tôi khịt mũi - Sáng mai con mới đi được. Chiều nay con phải đi thăm cô giáo.
Ba giờ chiều, cả bọn có mặt ở nhà Nam Lai, đợi nó dẫn đi. Chỉ có Nam Lai là biềt nhà cô Lan. Nó từng tới nhà cô nhiều lần để giúp cô cộng điểm và sắp xếp sổ sách. Nhỏ Nam Lai bảo nhà cô rất nghèo. Chồng cô là cán bộ địa chất, quanh năm đi suốt. Cô ở nhà một mình, làm bạn với bà hàng xóm sát vách.
Đường đến nhà cô rất ngoằn ngoèo. Nhỏ Nam Lai dẫn cả bọn chui qua nhà lồng chợ, quanh ra phía sau những hàng rau cải, nhảy qua ba vũng nước rồi đến một con hẻm.
Nhà cô Lan ở cuối hẻm. Đó là một căn nhà nhỏ, mái tôn vách ván, nằm liền dãy với những căn nhà khác. Khi chúng tôi gõ cửa, bà hàng xóm ở nhà bên cạnh thò đầu ra. Thấy chúng tôi, biết là học trò cô Lan, bà bước qua mở cửa:
- Các cháu vào đi!
Cô Lan đang nằm trên chiếc giường kê sát cửa sổ. Thấy chúng tôi vào, cô chậm chạp chỏi tay ngồi dậy, giọng đượm mừng vui:
- Các em vào đây với cô!
Thấy cô cử động có vẻ khó nhọc, nhỏ Nam Lai vội bước dậy đỡ lưng cô:
- Cô cứ nằm nghỉ đi!
Nhỏ Thúy hỏi, giọng lo âu:
- Cô bị bệnh gì thế hở cô?
Cô Lan đặt tay lên ngực:
- Phổi cô có nước, hễ trở mình là đau nhói. Các bác sĩ bảo cô vào nằm viện để họ lấy nước ra, nhưng cô không muốn. Cô chỉ ở nhà chích thuốc thôi!
Thằng Cường làm không:
- Vào nằm viện tốt hơn chứ cô?
- Thì tốt hơn! Nhưng nằm viện sẽ mất hàng tháng, cô sẽ không thể dạy các em được! Vả lại, nghĩ đến cảnh các bác sĩ sẽ đâm mũi kim to sụ vào lưng mình, xuyên tới tận phổi để rút nước, cô sợ lắm!
Nhìn cô Lan vừa nói vừa rụt cổ, tôi ngạc nhiên nhận thấy cô chẳng giống chút nào với vẻ oai nghiêm ở trên lớp. Trước mặt tôi là một phụ nữ hiền lành, nhỏ nhắn, ốm đau và đơn độc. Tôi không rõ chứng bệnh của cô có liên quan gì đến việc cô phải suốt ngày hao hơi khản tiếng với bọn tôi không, nhưng dù không phải như vậy, sự vui mừng của tôi trước tin cô ốm sáng nay quả là một thái độ đáng xấu hổ!
- Rồi ai chăm sóc và lo cơm nước cho cô, hở cô? - Tôi day dứt hỏi.
- Các em đừng lo! Cô đã nhờ bác hàng xóm!
Rồi như không muốn chúng tôi lo lắng, cô hỏi sang chuyện học tập của từng đứa.Cô dặn chúng tôi trong thời gian nghỉ sắp tới, mỗi ngày nên dành ra một ít thì giờ ôn bài cho khỏi quên. Cô dặn chúng tôi phải vâng lời bố mẹ. Cô khuyên không nên ăn quà vặt ngoài đường vì mùa này đang có dịch tả. Cô còn nói nhiều nhiều nữa, đến nỗi nhỏ Nam Lai phải nháy mắt bảo chúng tôi xin phép cô ra về để cho cô nghỉ.
- Tối nay tớ sẽ ôm tập đến ôn bài với nhỏ Thúy! - Trên đường về, thằng Cường bỗng buộc miệng tuyên bố.
Nhỏ Thúy lắc mái tóc:
- Buổi tối ôn bài, còn ban ngày mình đến chơi với cô! Mình chẳng thích chơi trò nhảy dây nữa!
Nhỏ Nam Lai không nói gì. Nó chỉ khụt khịt mũi và liếc tôi. Nhưng tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lũi bước, mãi đến tận nhà. Chỉ đến khi mẹ tôi giục thu xếp đồ đạc để sáng mai đi Vũng Tàu thăm bố, tôi mới ngập ngừng lên tiếng:
- Ngày mai con chưa thể đi được mẹ ạ!
1989