Chương 8. Người anh
Sau khi cô giáo ra đề tập làm văn "Tả anh của em" thì cả lớp bàn tán xôn xao, sôi nổi mặc dù đó là bài tập ra về nhà làm, tuần sau mới phải nộp.
Thằng Tình huơ tay, khoe:
- Anh tao hết sẩy à nghe! Ẳnh là cầu thủ bóng đá hạng A1 toàn quốc đó mày! Tao mà tả ảnh thì ngon lành! Sút nè!
Thằng Đạt trề môi:
- Anh tao oai hơn anh mày nhiều. Anh tao là bộ đội, ảnh có súng bắn đạn thật nè!
Thằng Dũng nhún vai:
- Có vậy mà cũng khoe! Anh tao là kỹ sư ở hãng Xi-trô-en tao còn chưa thèm khoe nữa là! Hễ xe hơi mà hư, ảnh chỉ cần đụng ngón tay út vô là "bình bịch", bình bịch" liền!
Nghe nói tới xe hơi, mấy ông nhỏ châu đầu vô nghe. Đang lúc đó, thằng Thịnh bước lại:
- Gì đó tụi mày?
- Anh thằng Dũng là kỹ sư xe hơi mày ơi, tất cả xe chạy trong thành phố là do ảnh sửa hết đó! -
Một đứa nói.
- Hứ, tưởng gì! Tụi mày biết thủy thủ là gì không?
Tụi bạn reo lên:
- Biết, biết! Thủy thủ là số dách rồi! Bộ anh mày là thủy thủ hả?
Thịnh vênh mặt:
- Chứ gì nữa!
Một đứa tò mò:
- Vậy anh mày là hải quân chứ gì? Thịnh "hừm, hừm" trong miệng, không trả lời thẳng là đúng hay không, nhưng nhìn điệu bộ của nó thì đích thị anh nó là hải quân rồi.
Bỗng một đứa kêu lên:
- Anh nó đâu phải là hải quân. Tao biết anh nó mà. Anh nó chỉ đi đánh cá thôi!
Thịnh đỏ mặt, giả bộ ngó lơ chỗ khác. Nhưng trong bọn, có đứa nói:
- Đánh cá hay hải quân gì cũng vậy thôi! Hễ đi biển là ngon rồi, y như Xin-bát trong truyện "Nghìn lẻ một đêm"!
Cứ vậy hết đứa này đến đứa khác, đứa nào cũng đưa anh mình ra khoe và tìm đủ mọi cách để chứng minh chỉ có anh mình mới là người đứng đầu trong tất cả các người anh trên thế giới.
Chỉ có thằng Thời và thằng Quân, hai đứa ở cạnh nhà nhau, là không tham gia vô cuộc tranh chấp sôi nổi đó. Quân không đem anh mình ra khoe với một lý do chính đáng là vì nó không có anh. Còn thằng Thời có anh nhưng lại cố ý giấu vì một lý do hoàn toàn khác. Số là anh nó đi thanh niên xung phong, quanh năm cuốc đất đào kênh ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh, công việc chẳng có gì hấp dẫn mà tên tuổi cũng chẳng ai biết đến, thành ra trước những ông anh rực rỡ của tụi bạn tự nhiên nó có mặc cảm về ông anh "cù lần" của mình. Và vì vậy, suốt buổi nó chỉ ngồi nghe và ngưỡng mộ các ông anh không phải của mình, trong lòng vừa buồn rầu cho số phận mình hẩm hiu vừa thèm thuồng một ông anh "hách xì xằng" như tụi bạn.
Để khắc phục cái thực tế phũ phàng đó, về nhà là Thời bắt tay ngay vô việc bịa ra một người anh tưởng tượng. Nó đã phải vẽ ra rồi xóa đi rồi vẽ ra trong óc của nó hàng chục lần mới chọn được cho mình một ông anh vừa ý. Đó là một ông anh ca sĩ.
Trong ý nghĩ của nó, ca sĩ là một người nổi tiếng nhất. Nó đã từng được ba mẹ dẫn đi coi ca nhạc nhiều lần, nó đã chứng kiến niềm vinh quang của người ca sĩ khi những tràng vỗ tay nổ ra như bắp rang và kéo dài không ngớt của đông đảo khán giả vang lên trong rạp hát, thậm chí có người còn bước hẳn lên sân khấu tặng hoa cho ca sĩ nữa. Thật là tuyệt vời! Đó là chưa kể người ca sĩ hằng đêm còn xuất hiện trên ti-vi trước sự chờ đợi của hằng bao nhiêu người. Ngoài ra, người ca sĩ còn cười tươi, duyên dáng suốt một năm trên tấm lịch của biết bao gia đình và được treo ở chỗ đẹp nhất trong nhà.
Do đó, trong bài làm của mình, Thời quyết tâm biến anh nó từ một thanh niên xung phong chân lấm tay bùn thành một ca sĩ bảnh ba ođể địch lại những ông anh kỹ sư, cầu thủ...của tụi bạn.
Chiều thứ bảy, thằng Quân qua nhà thằng Thời chơi. Ngay lập tức, Thời đem bài của mình ra khoe bạn.
Thằng Quân càng đọc càng ngạc nhiên:
- Ủa, anh mày làm ca sĩ hồi nào?
- Có, tao có một ông anh làm ca sĩ.
Quân tỏ vẻ ngờ vực:
- Sao tao không biết ảnh?
- À, đó là vì...sau khi lấy vợ, ảnh ở riêng, ở tít bên Phú Nhuận lận!
- Sao tao không thấy ảnh về chơi? Mày nói xạo! Để tao hỏi lại mẹ mày nghe?
Nghe vậy, Thời hoảng hốt:
- Thôi, thôi, tao giỡn chút xíu mà mày làm gì hỏi kỹ vậy. Nói thiệt với mày, đây là ông anh con bác tao.
- Sao mày không tả anh Hai mày mà đi tả con ông bác?
Thời tặc lưỡi:
- Thì tả ai lại không được, miễn là anh thôi chứ!
Đột nhiên Quân lên giọng:
- Nhưng tao biết chắc là mày xạo. Mày cóc có ông bác nào hết!
Bị sửa gáy hoài, Thời nổi sùng:
- Thì tao cũng cần cóc gì ông bác nào! Bài làm này do tao bịa ra đó. Cô giáo đâu có bắt buộc phải tả đúng anh mình thật đâu mà sợ.
- Nhưng tại sao mày không tả anh mày?
- Tại tao thích bịa hơn chứ sao! Mày cũng phải bịa ra kia mà!
Quân gãi đầu:
- Tại vì tao không có anh. Còn mày thì khác.
- Cũng vậy thôi chứ khác gì.
Quân nheo mắt nhìn bạn:
- Tao biết tại sao mày bịa ra ông anh ca sĩ rồi.
Thời giật mình đánh thót:
- Sao?
- Tại mày muốn có một ông anh ngon hơn tụi thằng Tình, thằng Thịnh chứ gì!
- Ờ đó, rồi sao?
Bị nói trúng tim đen, Thời đành phải thú nhận. Quân cười ranh mãnh:
- Đâu có sao, nhưng đã bịa thì bịa cho tới nơi luôn! Mày bỏ ông anh ca sĩ đi, tao sẽ chỉ cho mày tả một ông anh còn nổi tiếng gấp mấy chục lần ca sĩ lận.
- Đâu? Mày tả sơ sơ thử coi! - Thời háo hức gịục.
Quân vừa tả vừa vung tay làm điệu bộ:
- Nghe kỹ nè: Anh là một người dày dạn phong trần, tóc phất phơ trong gió, đôi chân giang hồ của anh đã từng giẫm nát bao nhiêu quãng đường dài, dọc ngang qua trăm nơi nghìn chốn.
Thỉnh thoảng, anh dừng chân đứng trước đám đông, trước bao nhiêu cặp mắt đang nhìn anh thèm thuồng, và anh dõng dạc hô to...
Đang thao thao bất tuyệt, Quân đột ngột dừng lại hỏi:
- Sao, mày thấy ông anh này có oai không?
Thời gật đầu lia:
- Oai, oai!
- Hơn ông anh ca sĩ của mày chưa?
- Hơn nhiều! - Thời thừa nhận.
- Vậy mày tả ông anh này hả?
- Ừ! - Thời đồng ý liền nhưng nó còn thắc mắc - Khi nãy mày tả tới chỗ ảnh hô to trước đám đông nhưng ảnh hô gì sao mày không nói?
Quân nhe răng cười:
- Tao định nói rồi, nhưng để tao hỏi ý kiến mày coi mày có thích không đã rồi tao mới nói. Mày biết ảnh hô gì không?
- Làm sao tao biết được, nhưng chắc oai lắm hở mày?
- Ừ, oai lắm! Ẳnh hô: "Cà rem cây đây! Hai đồng một cây đây!". Ẳnh bán cà rem dạo mà!
Nói xong, Quân ôm bụng cười sằng sặc còn thằng Thời thì tức anh ách vì bị lừa, nó đấm thùm thụp lên lưng bạn:
- Nghỉ chơi mày ra!
- Ai biểu mày ham thứ "xịn" chi!
Quân đưa bài tập làm văn lại cho bạn:
- Trả ông anh ca sĩ lại cho mày nè!
- Đừng có chọc quê! Tụi nó mà đọc bài làm của tao, tụi nó lác mắt luôn.
- Nè! - Quân đột ngột đề nghị - Mày không chịu tả anh Hai của mày thì để tao tả nghe?
- Ừ, mày tả đi. Tao cho mày mượn ảnh đó. Tao không hiểu mày khoái tả ảnh ở chỗ nào.
- Mày không khoái nhưng tao khoái. Ba tao nói những người như ảnh có cuộc sống đẹp, đi xây dựng đất nước...
Thời nhăn mũi:
- Mày làm như những người khác không ai xây dựng đất nước hết.
- Nhưng ba tao nói ảnh phải chịu đựng nhiều gian khổ.
- Thì ai mà chẳng biết chuyện đó, nhưng tả ảnh vô bài làm thì đâu có oai. Cứ tả cái xẻng, cái cuốc của ảnh hoài chán thấy mồ!
- Tao đâu có cần oai. Tao khoái anh mày nên tao tả ảnh, vậy thôi!
- Nhưng mày đâu có biết ảnh nhiều?
- Sao không biết, ảnh kể chuyện cho tao nghe hoài!
Thề là mấy ngày sau, thằng Quân đem nộp cho cô giáo bài văn tả anh của thằng Thời, còn thằng Thời thì đem nộp bài văn tả một ông anh...không biết của ai.
Tới ngày cô giáo trả bài tập, cả lớp xôn xao bàn tán. Thời đinh ninh ông anh ca sĩ của mình nếu không chiếm giải nhất thì ít ra cũng đoạt giải nhì hoặc giải ba. Không ngờ, khi cô hô điểm từng đứa thì bài thằng Thời chỉ được có 5 điểm. Ba bài đạt điểm cao nhất là của Đạt, Thịnh và Quân, mỗi bài được 8 điểm.
Sau khi trả bài, cô giáo nhận xét:
- Kỳ này các em làm bài tương đối tốt, không có em nào dưới điểm 5. Có lẽ là vì em nào cũng có anh và anh là người gần gũi, thân thuộc trong gia đình cho nên em nào cũng tả được. Riêng bài của em Đạt, em Thịnh và em Quân có bố cục gọn gàng, ít sai lỗi chính tả và chân thực nhất.
Đặc biệt bài của em Quân viết rất xúc động. Bây giờ em Quân đứng lên đọc bài làm của mình cho cả lớp nghe!
Mỗi lời nói của cô giáo như một mũi kim chích vô trái tim của thằng Thời, đau nhói. Nó không ngờ nhờ ông anh "thiệt" của nó mà thằng Quân được điểm 8, lại còn được cô giáo khen hết lời. Còn nó thì như một thằng ngốc chính cống, nằm trên đống vàng mà không hay, để rốt cuộc người khác làm giàu nhờ của cải của mình. Nó càng nghĩ lại càng tiếc, càng tức. Nó có cảm giác đây là một sự gian lận mà chính thằng Quân là đứa cướp đoạt phần vinh quang đáng ra phải thuộc về nó. Và trong sự ghen tị tối tăm mặt mũi đó, nó đứng bật dậy, không kịp suy nghĩ:
- Thưa cô, đó là anh của em chứ không phải anh của bạn Quân ạ.
Cô giáo ngạc nhiên:
- Tại sao là anh của em? Anh của em là ca sĩ kia mà!
Thời lúng túng giải thích:
- Đó là...em bịa ra ạ. Bạn Quân cũng vậy, bạn ấy mượn anh của em để tả chứ bạn ấy làm gì có anh.
Quân đứng lên:
- Nhưng em biết anh của bạn ấy, thưa cô! Ẳnh hay kể chuyện cho em nghe và em cũng rất mến ảnh nên em tả ảnh trong bài làm.
Cô vẫy tay ra hiệu cho hai đứa ngồi xuống rồi nói:
- Các em tả anh của mình hay bịa ra một người anh, điều đó không ai bắt buộc. Nhưng nếu tả anh thật của mình thì tốt hơn, bởi vì đó là người anh mà mình nhìn thấy, hiểu biết và gắn bó, do đó mình tả sẽ sống động, chính xác và nhiều tình cảm hơn. Anh của các em, có người làm nghề này có người làm nghề nọ, nói chung nghề nào cũng tốt, không có nghề nào cao quý và nghề nào thấp hèn. Tuy nhiên trong thời kỳ đang xây dựng lại đất nước như hi65n nay thì hình ảnh người thanh niên xung phong đi đến các công trường, nông trường đề lao động có một ý nghĩa nổi bật. Bên cạnh đó, dù người anh trong bài làm không phải là anh ruột của mình, nhưng em Quân đã có tình cảm yêu mến với người anh đó, nên bài làm vẫn rất chân thành và xúc động.
Thôi em Quân đọc đi!
Quân đứng dậy, cầm cuốn tập bằng hai tay, bắt đầu đọc.
Cả lớp im lặng, lắng nghe:
"Những ngày đào kinh ở Củ Chi, anh của em và đồng đội đã hì hục lấp hàng trăm hố bom trên khắp làng mạc đồng ruộng. Rồi trên những mảnh đất khô cằn đó, suốt ngày đêm, dù dưới mưa dầm hay nắng gắt, anh vẫn không ngơi tay cuốc từng lát đất để mong ngày mai có những con kinh chở dòng nước ngọt tưới mát ruộng lúa. Có đôi khi cuốc phải đá ong, những kẽ tay rịn máu đỏ lòm mà anh không biết, phải đến khi các bạn kêu lên anh mới ngừng tay để băng bó".
Từng chữ, từng câu từ từ chảy vô trái tim tức tối của thằng Thời như một dòng suối êm mát, xoa dịu mọi tình cảm nhỏ nhen và gợi lên một niềm xúc động lạ lùng. Hình ảnh của anh Hai nó dần dần hiện lên trong bài văn của bạn. Những câu chuyện đó, những chi tiết đó, Thời biết từ lâu nhưng nó không hề để ý, thậm chí còn coi thường, sao bây giờ trong bài văn của bạn, chúng lại đẹp đẽ và cảm động đến như vậy!
"Những ngày anh về phát hoang trồng dừa ở nông trường Duyên Hải, muỗi bay từng đàn như trấu, bệnh sốt rét rất nhiều và gai chà là đâm đau thấu xương, anh vẫn không hề chán nản. Còn nước ngọt thì hiếm hoi vô kể, những lu nước ngọt từ Nhà Bè chở tới bằng ghe, anh và các bạn coi quý hơn cả vàng!".
Cả lớp vẫn im phăng phắc, tưởng chừng có thể nghe rõ tiếng ruồi bay. Giọng thằng Quân vẫn đều đều:
"Má kêu anh về thành phố làm việc mấy lần, anh không về, anh đòi ở lại. Anh sống gian khổ ghê, ăn mặc lại rất xuềnh xoàng, cứ bộ đồ màu cỏ và đôi dép râu mà đi dạo phố. Nghe nói anh ăn uống thiếu thốn lắm, vì ở xa thành phố đi chợ rất khó khăn. Người anh gầy, da anh ngày càng đen. Em chê anh, anh chỉ cười hiền lành và nói: Tụi anh phải chịu đựng gian khổ xây dựng đất nước để ngày mai các em lớn lên được sung sướng. Em nghe anh nói mà muốn khóc. Em thương anh ghê".
Thằng Quân đọc xong rồi mà cô giáo chưa cho ngồi xuống. Cô mãi nhìn đi đâu ra ngoài cửa sổ, đâù óc vẫn còn suy nghĩ đến những hình ảnh của bài văn. Trong lớp cũng chẳng đứa nào vỗ tay, chỉ có những gương mặt thừ ra vì xúc động. Chợt cô quay lại, ra hiệu cho Quân ngồi xuống. Lúc đó, cả lớp như bừng tỉnh, tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy.
Thằng Thời không vỗ tay. Nó ngồi gục mặt xuống bàn, nước mắt ướt hai bên má. Nó cảm thấy xấu hổ với anh nó. Nó cảm thấy có lỗi khi phải nhờ đến bài tập làm văn của một người bạn thì mới hiểu hết anh mình. Một lúc sau nó ngẩng đầu lên và nhoài người kéo vạt áo thằng Quân làm thằng này quay lại nhìn. Nếu biết suy nghĩ như người lớn thì thằng Thời nói "Tao cảm ơn mày" nghe nó sâu sắc hơn, nhưng vì không phải là người lớn nên nó chỉ lắp bắp:
- Tao...xin lỗi mày!
1983