Chương 11. Út Quyên và Tôi

Nếu chẳng may được sinh ra trên cõi đời này, bạn hãy cầu mong mình là người cuối cùng xuất hiện trong gia đình, sau một lô một lốc những kẻ làm anh làm chi khác. Đừng nôn nóng, cũng đừng vội vàng. Hãy chờ bọn họ xô đẩy, chen lấn nhau chui ra hết, lúc đó bạn hãy thong thả đặt chân lên mặt đất, ung dung cất tiếng khóc chào đời và hùng hồn tuyên bố: "Ta là con út". Là con út bao giờ cũng tuyệt. Khi trong nhà vang lên những tiếng mè nheo,tiếng léo nhéo cãi cọ, tiếng khóc thét và không sớm thì muộn cảnh tượng hỗnloạn này sẽ bị dẹp yên bởi tiếng roi vụt đen đét của các đấng bề trên thì ngay trong cảnh nước sôi lửa bỏng đó, người con út vẫn cứ thoái hiểm như thường. Trong những cuộc ấu đả tay đôi, người con út luôn luôn được bố mẹ bênh vực và bao che, mặc dù trong phần lớn các trường hợp, hắn là kẻ gây chiến hung hăng nhất. Hắn thường lợi dụng cái ân huệ đặc biệt của mình bằng cánh tấn công vô tội vạ các huynh trưởng và sau đó khoái trá thưởng thức vẻ mếu máo của đối thủ trước đòn trừng phạt bao giờ cũng oan uổng của các đấng sinh thành.

Vì tất cả những ưu điểm không tìm mà thấy đó, bằng mọi giá bạn hãy cố trở thành một đứa con út đi! Đừng như tôi. Nghĩa là đừng có một đứa em nào hết ráo.

Nếu buộc phải có một đứa em thì cố mà có đứa em trai. Một đứa em trai dù sao cũng đỡ tồi tệ hơn nhiều. Anh em trai bao giờ cũng dễ hợp tác với nhau trong các trò quấy phá, dễ thông đồng nhau đánh lừa bố mẹ và tuyệt nhất là lúc

náo cũng sẵn sàng che giấu những lỗi lầm của nhau.

Em gái thì đừng hòng. Đó là một sinh vật bề ngoài thì dịu dàng nhưng trong bụng lại chứa gươm dao bén ngót. Như nhỏ Quyên em tôi chẳng hạn. Nó là chúa mách lẻo. Dường như mẹ tôi cố tình sinh ra nó để nó làm nhiệm vụ "canh me" tôi.

Ác thay, nó lại tỏ ra chí thú với công việc ác nhơn thất đức này một cách sốt sắng. Quanh năm suốt tháng, nó chỉ chờ cho tôi sơ sẩy trong cuộc đồi là tức tốc phi báo ngay với mẹ tôi. Mà những chuyện sơ sẩy thì tôi có hàng đống.

Từ khi mở mắt chào đời đến nay, nhỏ Quyên đem lại tai họa cho tôi không biết bao nhiêu mà kể. Vì nó, ngày nào tôi cũng bị rầy la, mắng mỏ. Vì nó, cứ vài ngày một lần tôi bị phạt quỳ gối hoặc khoanh tay úp mặt vô tường, thỉnh thoảng lại ăn đòn quắn đít.

Nói chung, tôi thù nó tận xương tủy. Rất nhiều lần tôi muốn bợp tai nó nhưng lại không dám. Chỉ những khi kèm cho nó học, tôi mới tranh thủ trả thù được chút đỉnh. tất nhiên tọi không dám động tay động chân. Tôi chỉ xổ cơn ấm ức bằng cách gầm gừ quát tháo:

- Cái đầu mày làm bằng đất sét hay sao ấy!

- Học hành kiểu này lớn lên chỉ có nước đi lượm bao ni-lông!

- Mày ngu còn hơn bò, Quyên ơi!

Thường thường, nhỏ Quyên chỉ chịu đựng sự xài xể nặng nề của tôi được chừng hai câu. Tới câu thứ bao là nó bắt đầu sụt sịt. Thoạt đầu là những tiếng nấc nho nhỏ, rồi tiếng nức nở ngày càng lớn, thấm đẫm bi thương và oan ức. Tôi dáo dác dòm chừng về phía cửa phòng làm việc của ba tôi, miệng nạt khẻ:

- Mày có im đi không, đồ mít ướt!

Tôi làm thinh còn đỡ. Tôi vừa mắng nó là "đồ mít ướt", nó càng rống tợn. Thế là tôi mặt mày tái mét và chẳng có cách nào hơn là bấm bụng năn nỉ:

- Thôi, nín giùm đi mà! Con gái mà khóc trong xấu lắm!

- Xấu kệ em! - Nó vùng vằng - Ai bảo anh kêu em là con bò!

- Tao đâu có bảo mày là con bò! - Tôi chống chế - Tao chỉ so sánh mày với nó thôi!

Rồi thấy lới bào chữa của mình có vẻ vụng về, tôi vội vã nói thêm:

- Nhưng từ nay về sau, tao sẽ không mắng mày nữa đâu!

Nhỏ Quyên không biết tôi buột miệng hứa đại cho qua cơn khủng hoảng. Nó lập tức nín khóc và đưa tay quệt nước mắt:

- Anh nói thật chứ?

- Sao lại không thật! - Tôi khịt mũi - Trước nay tao có nói gạt mày bao giờ đâu!

Nhỏ Quyên bĩu môi:

- Xí! Anh gạt em cả tỉ lần!

Tôi gãi đầu:

- Nhưng gạt hoài chán rồi, bậy giờ tao không thích gạt nữa!

Nhỏ Quyên có vẽ bùi tai. Nó ngước mắt nhìn tôi:

- Nói phải giữ lời à nghen!

Tôi "ừ", giọng thiếu tin tưởng, nhưng nhỏ Quyên không đủ tinh tế để nhận ra điều đó. Bắt tôi nói phải giữ lời chẳng khác nào bắt khỉ đừng leo cây! Có tài thánh mới hòng làm nổi!

Quả nhiên, hôm sau mới ngồi vào bàn chỉ cho nó học được khoảng mười phút, tôi đã quên béng mất lời hứa hôm qua. Thấy nó cứ nhầm lẫn lung tung các phép tính, đã vậy miệng lại còn chóp chép nhai kẹo một mình, tôi ngứa mắt, gắt:

- Đồ con bò...

Câu nói vừa thốt ra khỏi miệng, tôi chợt nhận ra sự sơ sẩy của mình, liền giật mình nói trớ:

-... trèo lên cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà!

Nhỏ Quyên ngạc nhiên giương mắt nhìn tôi:

- Anh đọc gì vậy?

- Tao đọc thơ! - Tôi gãi cổ, ấp úng - Dạo này không hiểu sao tự dưng tao thích đọc thơ ghê!

Mắt nhỏ Quyên vẫn thao láo:

- Nhưng sao anh lai đọc "con bò trèo lên cây cau"? "Con mèo trèo lên cây cau" chứ! Con bò đâu có biết trèo cây...

Đang nói, chợt như nhận ra sự tinh quái trong ánh mắt tôi, nhỏ Quyên bật kêu lên một tiếng và xô ghế đứng dậy.

- Mày đi đâu đó? - Tôi hốt hoảng.

- Em biết rồi! Anh vừa mắng em!

- Tao mắng mày hồi nào?

Vừa nói tôi vừa chồm người qua bàn để giữ tay nó, nhưng nhỏ Quyên nhanh như chồn tinh. Nó thụt lui một bước tránh khỏi thế chộp của tôi và quay mình chạy thẳng xuống bếp.

Tôi thắc thỏm nhìn theo bước chân thoăn thoắt của nó, biết rằng tai họa sắp sửa đổ ụp xuống đầu. Mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ bỏ qua những lỗi lần như thế này của tôi. Nghĩ đến viễn ảnh đen tối đó, tôi bất giác buộng một tiếng thở dài và len lén thò ta rồ rẫm cặp mông tội nghiệp.

Nếu bạn nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra đều do lỗi của tôi thì bạn nhầm to.

Nếu bạn có một đứa em gái út và bạn biết giữ mồm giữ miệng - nghĩa là không thỉnh thoảng ngâm ngợi những câu thơ kiểu như "con bò trèo lên cây cau" - thì

không phải vì vậy mà bạn có thể vui hưởng thú thanh bình. Một đứa con gái dù sao cũng là một đứa con gái. Dù cho chó một chiếc đũa thần chạm vào người, nó cũng chẳng thể trở thành một nàng tiên hiền dịu được. Dĩ nhiên biến thành

một mụ phù thuỷ thì lại là chuyện khác.

Nhỏ Quyên em tôi hoàn có thể làm khổ tôi mà không cần bất cứ một lý do chính đáng nào.

Tôi bỏ trong úi một bịch kẹo chocolat và lẻn ra sau hè ngồi đọc Đô-rê-môn.

Đĩ nhiên tôi có thể ngồi đọc sách trong phòng, nếu tôi muốn. Nhưng tiếng học bài ê a của nhỏ Quyên thường khiến tôi mất hứng. Trước đây, hồi bằng tuổi nhỏ Quyên bây giờ, tôi cũng có thói quen mỗi khi học bài phải ngoác mồm đọc rõ to, làm như nếu không gân cổ gào toáng lên hàng xóm sẽ không biết là tôi chăm học vậy. Nhưng bây giờ thấy nhỏ Quyên học bài theo cái lối ầm ĩ đó, tôi không tài nào chịu nổi, cứ như thể bị tra tấn bởi giàn máy karaoke hai trăm năm mươi watt.

Tôi ngồi bệt xuống mặt hiên xi-măng mát lạnh, lưng tựa vào tường, vừa nhai kẹo vữa dõi mắt theo những trang truyện tranh, cuộc sống trong những khoảnh khắc đó đối với tôi thật vô cùng thú vị..

Nhưng giây phút kiếm hoi đó kéo dài không lâu. Tôi chưa kịp tận hưởng hết buổi sáng chủ nhật ngọt ngào thì nhỏ Quyên đã lò dò bước ra.

- Anh đang làm gì đó? - Nó hỏi, làm như không nhìn thấy tôi đang cầm cuốn sách trên tay vậy.

- Tao đọc sách! - Tôi ậm ừ đáp, mắt vẫn không rời trang sách.

- Cuốn gì vậy?

Vừa hỏi nhỏ Quyên vừa bước lại gần tôi.

- Đô-rê-môn! - Tôi đáp, giọng vẫn không niềm nở hơn.

Ngay từ khi nhỏ Quyên vừa xuất hiện, tôi đã biết khó lòng yên ổn với nó.

Tôi chỉ thầm mong nó hỏi qua quít một, hai câu rồi biến đi cho tôi nhờ. Nhưng nhỏ Quyên không tỏ vẻ gì sắp sửa bỏ đi cả. Nó nhìn chằm chằm vào cuốn sách trên tay tôi:

- Anh đọc xong chưa, cho em mượn đi!

- Xong đâu mà xong! - Tôi hừ mũi - Tao còn đọc đến trưa!

Rồi sợ nó cứ đứng lải nhải bên tai, tôi quắc mắt:

- Sao đang học bài mày lại chạy ra đây?

- Em học xong rồi!

- Xong rồi hả? - Tôi tặc lưỡi - Xong rồi thì... đi chỗ khác chơi đi!

Nhỏ Quyên không màng để ý đến lời đề nghị khẩn thiết của tôi. Nó vẫn nhìn tôi lom dom, lần này nó đã nhận ra tôi không phải chỉ ngồi đọc sách:

- Anh ăn gì vậy?

- Ăn gì kệ tao! - Tôi bực mình

Nhỏ Quyên không nói gì. Nó lặng lẽ đến sát bên tôi, nhón gót và nhướn cổ nhìn vào túi áo tôi.

- Mày làm trò gì vậy?

Vừa nạt tôi vừa đưa tay bụm túi áo lại.

Nhỏ Quyên toét miệng cười:

- Em xem thứ anh đang ăn kẹo gì!

Tôi giật thót:

- Kẹo dừa chứ kẹo gì!

- Không phải kẹo dừa! - Nhỏ Quyên nheo mắt nghi ngờ - Ăn kẹo dừa là phải bóc giấy! Đằng này anh bỏ tọt vào miệng!

Trong lúc tôi đang bối rối chưa nghĩ ra cách chạy tội, nhỏ Quyên đã hỏi tiếp luôn:

- Anh lên lấy chocolat trong tủ của mẹ phải không?

Câu chất vấn của nó khiến tôi tái mặt:

- Mày đừng có nói bậy!

- Để em vào xem là biết ngay!

- Này, này...

Bất chấp những tiếng kêu tuyệt vọng của tôi, nhỏ Quyên giả điếc bỏ đi luôn.

Như các bạn thấy đấy, cái thói mách lẻo của nhỏ Quyên đã làm hại tôi ghê gớm. Mà thực ra tôi có làm gì đắc tội với nó đâu. Tôi đã biết thân biết phận rút lui êm ra ngoài hè, nhường phòng học lại cho nó, vậy mà cũng chẳng yên thân. Sau khi lãnh trận đòn quắn đít vì cái tội đánh thó chocolat trong tủ, tôi càng hận nhỏ Quyên. Và tôi quyết tâm trả đũa. Thù này mà không báo, khi già khọm tôi chết đi sẽ không tài nào nhắm mắt.

Tôi theo rình rập nó suốt ba ngày liền, cuối cùng đánh cắp được chùm dây thun "bảo bối" nó vẫn cất trong cặp.

Tất nhiên nhỏ Quyên không hề hay biết gì về trò đạo tặc của tôi. Tới giờ đi học, nó vẫn thản nhiên ôm cặp tung tăng ra khỏi nhà. Mãi đến khi ra chơi, lục cặp tìm chùm dây thun để chơi nhảy dây với tụi bạn như thường lệ, nhỏ Quyên mới phát hiện bảo vật của mình không cánh mà bay.

Buổi trưa về tới ngõ, nhác thấy tôi đang ngồi loay hoay với đống đồ chơi trước hiên, nó đã bù lu bù loa:

- Anh lấy chùm dây thun của em! Anh lấy chùm dây thun của em!

Tôi giả vờ ngơ ngác:

- Chùm dây thun nào?

Mắt nhỏ Quyên chưa gì đã ngân ngấn nước:

- Chùm dây thun em vẫn để trong cặp chứ chùm dây thun nào!

Tôi hừ mũi:

- Mày đừng có vu oan cho tao! Tao lấy dây thun của mày làm gì!

- Anh lấy làm gì làm sao em biết! Trả lại cho em!

Nhỏ Quyên vẫn không hạ giọng. Nó chẳng tỏ vẻ gì tin tưởng vào lời nói của tôi. Có lẽ nó biết thừa tôi chẳng phải là một ông anh tử tế gì.

- Tao đã nói rồi! Tao không lấy! - Tôi nhún vai, mặt cố tỏ ra hờ hững.

Biết chẳng thể nào trấn áp được tôi, nhỏ Quyên liền giở "độc chiêu":

- Anh không trả, em méc mẹ cho coi!

Trước nay, miếng đòn lợi hại này của nhỏ Quyên bao giờ cũng khiến tôi lật đật đầu hàng. Nhưng lần này tôi không sợ. Tôi đã tính toán kỹ rồi. Mẹ hỏi, tôi cứ chối phắt là xong. Chẳng có chứng cớ buộc tội, nhỏ Quyên sẽ chẳng làm gì tôi được. Nghĩ vậy nên tôi sầm mặt:

- Cho mày méc! Tao cóc sợ!

Quả như tôi dự liệu, mẹ tôi có vẻ phân vân trước "vụ án" này.

- Con có lấy chùm dây thun của em không! - Mẹ hỏi giọng thận trọng, mắt nhìn tôi dò xét.

Tôi giả nai:

- Con đâu có lấy! Chắc nó bỏ quên đâu trong lớp!

- Em đâu có bỏ quên! - Nhỏ Quyên đứng bên cạnh gào lên - Nhất định là anh lấy của em!

Tôi không buồn đáp lại lời tố cáo của nó, chỉ hừ mũi ra vẻ oan ức. Trước bộ mặt ngây thơ vô tội của tôi, lần đầu tiên trong đời mẹ tôi tỏ ra do dự khi xét xử tôi. Cuối cùng, mẹ thở dài quay sang nhỏ Quyên:

- Thôi để mẹ mua cho con chùm dây thun khác!

"Vụ án" thế là chìm lỉm, hệt như sỏi ném xuống hồ. Mặt tôi nhơn nhơn trong khi nhỏ Quyên mặt mày hậm hực cứ như thể nếu ăn thịt được tôi nó sẽ không ngần ngại nhai xương tôi rau ráu.

Vụ "ám hại" thành công rực rỡ đó giúp tôi "sáng mắt" ra. Bây giờ tôi mới biết trach chấp công khai với nhỏ Quyên trước nay là chuyện rồ dại. Muốn trả thù được nó, tôi chỉ có cách chơi trò "ném đá giấu tay"!

Sau một tuần lễ án binh bất động, tôi bắt đầu nghĩ đến một âm mưu mới. Lần này mục tiêu đánh cắp của tôi là hộp bút chì màu. Hành động mờ ám của tôi được tiến hành vào lúc nửa đêm, khi cả nhà đều đi ngủ, nên không một ai biết.

Nhỏ Quyên vốn là một đứa ngăn nắp và cẩn thận. Buổi tối sau khi học bài và làm bài xong, bao giờ nó cũng lục đục chuẩn bị tập vỡ bút thước cho ngày mai. Sau khi đã kiểm tra và sắp xếp gọn gàng tất cả mọi thứ vào cặp, nó mới yên tâm vào ngủ. Sáng hôm sau, rửa mặt, chải đầu và thay quần áo xong, nó chỉ việc ngồi vào bàn ăn sáng rồi ung dung xách cặp đi học, không phải luống cuống lục đục tìm tìm và vội vã nhặt nhạnh mỗi nơi mỗi thứ như tôi.

Nhưng cũng chính nhờ nó nề nếp như vậy tôi mới thực hiện trót lọt hành vi ám muội của mình.

Sáng hôm đó, như thói quen, "xực" xong nửa khúc bánh mì kẹp thịt, nhỏ Quyên quơ cặp tót ra khỏi nhà, lòng chẳng mảy may nghi ngờ. Trong khi đó, tôi nhìn theo những bước chân của nó mà nở từng khúc ruột.

Buổi trưa, đúng như tôi chờ đợi, nhỏ Quyên bước vô nhà với bộ mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước.

Lần này, không để nó kịp tru tréo, tôi đã nhanh miệng hỏi trước, giọng ra vẻ quan tâm:

- Mày làm sao vậy?

Tôi ngạc nhiên khi thấy nhỏ Quyên không làm om sòm như mọi lần. Chỉ có nước mắt nó chảy dài trên má:

- Anh biết thừa mà còn làm bộ hỏi!

Tôi đưa tay gãi đầu:

- Tao có biết gì đâu!

Nhỏ Quyên nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:

- Anh giấu hộp chì màu của em!

Tôi nhún vai:

- Mày chỉ giỏi đoán mò! Tao giấu hộp chì màu của mày làm gì! Chắc mày bỏ quên ở đâu đó thôi!

- Bỏ quên sao được mà bỏ quên! Tối hôm qua chính tay em cất nó vô cặp đàng hoàng!

Trong khi tôi đang bối rối, đã sụt sịt nói thêm:

- Không có hộp chì màu, sáng nay em bị diểm hai môn tập vẽ! - Giọng nó đột nhiên nức nở - Mẹ mà biết, chắc em bị quỳ gối suốt buổi!

- Mẹ không phạt mày đâu! - Tôi an ủi nó, cảm thấy áy náy vô kể.

Nhỏ Quyên không nói gì. Nó chỉ ngồi thừ bên bàn, thút tha thút thít. Nó chẳng buồn đòi lại hộp chì màu nơi tôi, cũng chẳng thèm dọa méc mẹ. Không rõ vì nó sợ mẹ sẽ phát hiện ra điểm hai của nó hay vì nó nghĩ có méc mẹ cũng chẳng ăn thua gì, bởi cũng như trong "vụ án" chùm dây thun bữa trước, trong vụ này chẳng có chứng cớ gì buộc tội tôi được. Dù sao vẻ đau khổ của nó cũng khiến tôi bứt rứt buột miệng:

- Tại sao mày không hỏi mượn chì màu nơi mấy đứa bạn?

- Mấy đứa ngồi cùng bàn với em cũng bị điểm hai! - Nhỏ Quyên đưa tay quệt nước mắt - Tụi nó đâu có bút chì màu, trước nay chỉ toàn mượn của em!

Tôi thở một hơi dài, không rõ mình đang buồn hay đang vui. Lẽ ra trả được thù, lòng tôi phải phơi phới lắm, nhưng tôi lại chẳng thấy sung sướng tí tẹo nào cả. Tôi chỉ định đánh cắp mọi thứ của nhỏ Quyên cho bõ ghét, không ngờ hậu quả lại đi quá xa. Điểm hai đối với một học sinh trung bình như tôi là một điều đáng xấu hổ, huống hồ đối với một đứa học giỏi như nó.

Tôi nhìn ra sân nắng, đã mấy lần định thú thật việc làm tai quái của mình và trả lại hộp chì màu cho nhỉ Quyên, nhưng sau một hồi lưỡng lự, tôi lại tặc lưỡi ngồi im. Nói ra, nhỡ nó nổi khùng méc mẹ, hậu quả sẽ không biết đâu mà lường.

Cuối cùng, tôi quyết định không nhắc gì đến chuyện đó và lần đầu tiên kể từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi cảm thấy nhỏ Quyên thật sự đáng thương.

Nếu bạn ở trong tâm trạng của tôi lúc này, chắc chắn bạn cũng sẽ hành động như tôi. Nghĩa là cố tỏ ra một ông anh tử tế, dù đối với tôi trở thành người tử tế là điều vô cùng khó khăn.

Nỗi thù hận của tôi với nhỏ Quyên sau sự kiện hộp bút chì màu tự dưng giảm sút đi rất nhiều. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi dành cho nó nhiều tình cảm hơn trước đây. Vẫn còn đó khoảng cách diệu vợi giữa người anh cả bị bỏ bê và người em út được nuông chiều hết mực. Tuy nhiên, tôi đã thôi đánh thó đồ đạc của nó một cách vô tội vạ. Tôi cũng không còn tìm cách so sánh nó với con bò hay một con vật ngu ngốc nào đó nữa.

Nói chung, trước đây tôi ghét nhỏ Quyên, tôi muốn nó nếm mùi đau khổ giống như tôi vẫn thường xuyên, nhưng không hiểu sao tôi lại sợ nhìn nó khóc. Sự tru tréo, lu loa của nó khiến tôi căm tức bao nhiêu thì tiếng nức nở thắt ruột thắt gan của nó lại khiến tôi xốn xang bấy nhiêu. Nhất là sự khốn khổ cam chịu của nó khi lãnh điểm hai môn tập vẽ khiến lòng tôi xìu đi như một quả bóng xì hơi.

Suốt ba ngày liên tiếp, sự căng thẳng thường trực xưa nay giữa tôi và nhỏ Quyên đã trở nên hòa hoãn. Tiếng quát tháo của tôi mỗi khi kèm nó học đã bớt nặng nề và không còn đinh tai nhức óc. Những sự mất cắp lặt vặt và không chứng cớ tuyệt nhiên biến mất. Không khí chưa đến nỗi ngọt ngào như ướp mật nhưng đã thôi bị vẩn đục bởi những tiếng mè nheo, cãi cọ và tố khổ lẫn nhau.

Trong khi tôi đinh ninh cuộc sống cứ tiếp tục phẳng lặng một cách đáng yêu và nhỏ Quyên sẽ đời đời không phát hiện ra những trò đạo tặc của tôi trước đây thì một biến cố thình lình xảy đến.

Chiều hôm đó, tôi đang trên đường đi học về thì bị Liêm sẹo chăn lại.

Liêm sẹo là một thằng nhãi to con, bán vé số dạo, hùng cứ ở hẻm Chuồng Ngựa. Nó mặt mày lấm tấm mụn, tóc đinh, trán sẹo, trông cô hồn không thể tả. Khu vực hoạt động của nó nằm ngay trên đường đi học của học trò trường tôi nên hai bên vẫn thường xuyên đụng độ.

Mới hôm qua đây, Liêm sẹo và đàn em đã chọc bọn con gái trường tôi khóc thét. Chúng bu quanh giật tóc, cốc đầu và thi nhau buôn những lời mất dạy khiến bọn con gái co rúm người lại và túm tụm giữa đường, nước mắt vòng quanh.

May mà đám con trai tụi tôi tới kịp và nhảy vào giải vây, bọn con gái mới thoát nạn, nếu không chả biết sẽ còn xảy ra những chuyện tệ hại gì.

Có lẽ vì trận ẩu đả hôm qua mà chiều nay Liêm sẹo đón đường phục hận!

Tôi thắc thỏm nhủ bụng và liếc mắt về phía sau nhưng chẳng thấy bóng dáng một đứa bạn nào.

Thường ngày tôi không ngán Liêm sẹo vì tụi con trai lớp tôi bao giờ cũng đi chung với nhau. Nhưng chiều nay, tôi và nhỏ Quyên được ba mẹ hứa cho đi theo dự đám cưới một người bạn nên tiếng chuông tan học vừa vang lên, tôi đã quơ vội chiếc cặp và một mình vội vã phóng về phía trước, bỏ mặc tụi bạn đang lững thững tít đằng sau.

Tôi không ngờ chính vì vậy mà bây giờ tôi phải lâm vào cảnh đơn thân độc mã đối diện với gương mặt đằng đằng sát khí của Liêm sẹo. Cố nén tiếng đập thình thịch trong ngực, tôi nhìn kẻ ngáng đường vờ vịt hỏi:

- Có chuyện gì vậy mày?

Vẻ lo lắng của tôi không qua khỏi mắt Liêm sẹo. Nó cười hô hố:

- Mày đừng có làm bộ làm tịch! Tao gặp mày để đòi món nợ hôm qua chứ để làm gì!

Tôi liếm môi, cố hoãn binh:

- Tao có nợ gì mày đâu!

- Món nợ mày nè!

Không để tôi kịp thực hiện âm mưu kéo dài thời gian, vừa mở miệng Liêm sẹo đã tung ngay nắm đấm vào ngực tôi. Đòn tấn công đột ngột của nó khiến tôi không lùi kịp. Tôi né người qua một bên và lãnh ngay cú đấm vào vai đau điếng.

Ngay tức khắc, tôi vung chiếc cặp trên tay đập vào cạnh sườn nó đánh "bộp". Liêm sẹo liền phản kích bằng một cú đá.

Ngay từ khi vừa bắt đầu, trận chiến đã diễn ra ác liệt và trong thoáng mắt, không hiểu bằng cách nào tôi và Liêm sẹo đã dính chặt vào nhau, người này bá cổ người kia và đều tận lực tìm cách ngán cẳng lẫn nhau.

Hai đối thủ cùng mím môi trì kéo, cùng quay vòng vòng và cuối cùng ngã đánh "huỵch", tôi nằm dưới còn Liêm sẹo đè lên trên, tay chặn ngang cổ tôi.

Chỏi hai chân lẫn hai khuỷu tay xuống mặt đường đầy cát sỏi, tôi giãy giụa quên cả đau rát, cố lật người lại nhưng chẳng ăn thua gì. Tình cảnh của tôi lúc này chẳng khác gì một con cá bị đè dưới một tấm thớt to đùng.

Không vùng thoát ra được, tôi ngọ ngoạy đầu đảo mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy một ai quen. Chung quanh tôi lúc này toàn là bọn đàn em của Liêm sẹo. Chúng túa ra từ các chỗ nấp và vây quanh hò hét trợ oai cho thủ lĩnh.

Đang dòm dáo dác, tôi bỗng tái mặt khi nhác nhìn thấy nhỏ Quyên đi ngang, tay cầm một gói giấy gì đó. Nãy giờ cố ý tìm kiếm người quen để cầu cứu nhưng nay bất chợt gặp "người quen", tôi bỗng thấy lạnh người và nằm im thin thít. Thậm chí tôi còn mong Liêm sẹo ấn đầu tôi xuống sát đất hơn nữa để nhỏ Quyên khỏi phát hiện.

Ba mẹ tôi chúa ghét trò đánh nhau. Trong các tội trạng của tôi trước đây, tội đánh nhau thường được kê lên hàng đầu và dĩ nhiên lãnh hình phạt nặng nhất.

Nhỏ Quyên mà trông thấy tôi ôm nhau lăn lộn dưới đất với Liêm sẹo, chắc chắn nó sẽ méc ngay với mẹ tôi và tôi sẽ nhừ đòn. So với những cú va chạm trong những trận ác chiến với tụi Liêm sẹo, đòn roi của mẹ tôi bao giờ cũng đau hơn nhiều.

Liêm sẹo có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi thình lình nằm im không buồn động cựa, hệt như chết rồi. Không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, nó lo lắng nhỏm người dậy. Liêm sẹo quả là một đứa khốn khiếp. Lúc tôi cầu mong nó ngồi lên thì nó cố sức thì nó cố sức đè tôi xuống, còn lúc tôi muốn nó đè tôi bẹp dí nó lại bất thần chồm người lên.

Quả như tôi lo lắng, Liêm sẹo vừa nhấc mình lên, nhỏ Quyên đã nhận ra tôi ngay.

- Trời đất, anh làm gì thế này? - Nó la lên và đâm bổ ngay lại chỗ tôi "nằm".

Tôi mở mắt, ấp úng:

- Tao có... làm gì đâu!

Thấy tôi chưa chết, vừa buông tôi ra, Liêm sẹo lại vội vã chồm tới.

- Không được đánh nhau nữa! - Nhỏ Quyên hốt hoảng kêu to.

- Đừng có làm ầm lên như thế! Ngay cả mày cũng không thoát được đâu!

Một đứa trong bọn Liêm sẹo quát lên, vừa nói nó vừa lừ lừ tiến về phía nhỏ Quyên với vẻ hăm dọa khiến tôi giật thót. Nhưng tôi chưa kịp lên tiếng ngăn cản thì nó bỗng đột ngột đứng lại và quay sang Liêm sẹo, mặt biến sắc:

- Bỏ xừ rồi! Tụi nó tới đông quá!

Liêm seo ngẩng đầu lên, nhớn nhác nhìn về phía đầu đường và hậm hực rít qua kẽ răng:

- Thôi, rút! Đợi dịp khác!

Rồi nhanh như một tia chớp, nó đứng bật ngay dậy và trong khi tôi chưa kịp hoàn hồn, nó đã chui tọt vô ngõ hẻm bên đường. Đồng bọn của nó cũng vậy, trong nháy mắt đã biến mất không tăm tích.

Tụi bạn tôi trờ tới, tức tối:

- Sao mày không níu chân nó lại?

Tôi liếc nhỏ Quyên, giọng não ruột:

- Tao chết tới gáy mà níu với kéo cái cóc khô gì!

Nếu bạn là tôi, lúc này hẳn bạn cũng đưa tay lên sờ gáy và phấp phỏng không biết lát nữa đây, khi về đến nhà, cái đầu của mình có còn được nằm nguyên trên cổ nữa hay không. Đánh nhau bầm mình bầm mảy, quần áo nhem nhuốc bèo nhèo, cặp vở xốc xếch tan tác, cái trò này đối với tôi và bạn có thể là một thứ vui hấp dẫn và không kém phần lành mạnh nhưng đối với các bậc làm cha làm mẹ lại là một tội lỗi tày đình không thể tha thứ.

Trước hành vi "phạm pháp quả tang" nghiêm trọng này của tôi, nhỏ Quyên dù tử tế đến mấy vẫn cảm thấy có bổn phận tố cáo với các đấng bề trên để các vị răng đe và trừng phạt tôi một cách đích đáng, huống chi nó là đứa được sinh ra với nhiệm vụ theo dõi mọi hành vi bất hão của tôi để sau đó tường thuật lại cho mẹ tôi với đầy đủ mọi chi tiết, những chi tiết có thật lẫn những chi tiết mà cái đầu hắc ám của nó có thể tưởng tượng ra.

Chỉ riêng với chuyện đánh nhau thôi, tôi đã có thể nói "vĩnh biệt cuộc đời" được rồi. Vậy mà trong khi nhặt nhạnh giùm tôi những đồ đạc vương vãi trên mặt đất - những thứ văng ra từ trong cặp khi tôi dùng nó làm vũ khí nện nhau chí tử với Liêm sẹo - nhỏ Quyên lại bất thần la lớn:

- Ôi, hộp bút chì màu của em đây mà!

Tiếng kêu của nó khiến tôi rụng rời. Người chết điếng, tôi chẳng biết làm gì hơn là tự nguyền rủa mình tơi bời. Thật ngu ơi là ngu, cất đâu không cất lại cất ngay trong cặp, cái đồ ăn trộm ấy!

Nhỏ Quyên huơ qua huơ lại hộp chì màu trước mặt tôi, giọng đắc thắng:

- Hết chối rồi nhé!

- Chối cái khỉ mốc! - Tôi gượng gạo - Đó đâu phải là hộp chì màu của mày!

Nhỏ Quyên nhăn mũi:

- Của em rõ ràng! Có tên em dưới đáy hộp đây nè!

Vừa nói nó vừa chìa đấy hộp vào sát mắt tôi. Thẹn quá hóa giận, tôi gạt phắt tay nó ra:

- Mắt tao có đui đâu mà mày để sát rạt vậy!

Nhỏ Quyên không thèm để ý đến vẻ cáu kỉnh của tôi. Nó hừ giọng:

- Vậy mà anh nói dối mẹ là anh không lấy hén!

Tôi như người ngậm nếp dẻo trong mồm, không nói không rằng, lặng lẽ cúi xuống khóa cặp và lủi thủi rảo bước:

Nhỏ Quyên đi bên cạnh, tiếp tục lải nhải:

- Vậy chùm dây thun bữa trước cũng anh lấy phải không?

Tôi vẫn lặng thinh không đáp, cũng chẳng biết đáp như thế nào.

- Em sẽ méc mẹ! - Nhỏ Quyên đột ngột lên giọng hăm he - Cả chuyện anh đánh nhau hôm nay nữa!

Như thình lình bị ai chĩa súng vào người, tôi thót bụng lại và ngập ngừng mở miệng:

- Mày đừng có méc mẹ! Để tao trả lại chùm dây thun cho mày! - Rồi dường như thấy chừng ấy vẫn chưa đủ, tôi hạ giọng tỉ tê - Tao sẽ cho mày đồ chơi của tao! Mày muốn món gì tao cho mày món đó!

- Em thèm vào đồ chơi của anh! - Nhỏ Quyên "xì" một tiếng - Anh đừng hòng dụ em!.

Thái độ quyết liệt của nhỏ Quyên khiến tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi biết nó sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi về chuyện tôi lén lút đánh thó đồ của nó, nhất là đã khiến cho nó lãnh một điểm hai oan uổng môn tập vẽ. Hơn nữa, trước mặt mẹ, tôi còn chối leo lẻo, lại còn đổ cho nó cái tội hay bỏ quên mọi thứ ở trường.

Bao nhiêu ấm ức tích tụ lại, bây giờ có dịp phát tiết, dễ gì nó chịu bỏ qua.

Đang bần thần nghĩ ngợi, tôi chợt nghe đau rát nơi khuỷu tay, liền cúi xuống dòm. Hóa ra lúc nãy vật nhau với Liêm sẹo, do cố chỏi dậy, khuỷu tay tôi đã bị tróc một mảng da và bây giờ đang bắt đầu rỉ máu.

Mừng rỡ còn hơn Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ, vừa nhìn thấy vết trầy, tôi đã hí hững xuýt xoa:

- Ối chà, đau quá!

Nhỏ Quyên rơi ngay vào cái bẫy của tôi. Nó nhướn cổ tò mò:

- Gì vậy?

Tôi không trả lời nó, vẫn ngoác mồm rên rỉ:

- Ối chà chà, chậc, chậc...

Nhỏ Quyên lộ vẻ lo lắng. Nó cầm cánh tay tôi đưa lên sát mắt.

- Trời tưởng gì! - Săm soi "nghiên cứu" một hồi, nó bĩu môi - Trầy da có chút xíu mà om sòm!

Nó nói mặc nó, giọng tôi mỗi lúc một thảm não:

- Ối cha, đau quá! Đau tận xương luôn!

Đôi mắt nhỏ Quyên ánh lên vẻ nghi ngờ:

- Anh đừng có giả bộ! Nếu đau sao không đau từ khi nãy mà đến bây giờ mới đau?

- Mày ngu quá! - Tôi nhăn nhó - Khi nãy vi trùng nó còn đứng ngoài, bây giờ nó đã bò tuốt vô bên trong rồi!

Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác của nó, tôi ôm lấy khuỷu tay, thều thào:

- Lần này chắc tao chết! Vi trùng mà đã vào tới xương thì chẳng ai sống sót nổi!

Nhỏ Quyên bắt đầu hoảng. Nhưng nó vẫn cố nói cứng:

- Chết sao được mà chết! Trước nay em chẳng thấy ai chết vì một vết trầy bao giờ!

- Tại mày chưa thấy đó thôi! - Tôi khịt mũi - Còn tao, tao thấy hoài! Người ta chết hàng đống! Vi trùng này là vi trùng tê-ta-nốt chứ bộ!

Nhỏ Quyên liếm môi:

- Vi trùng tê-ta-nốt là sao?

- Là chết chứ sao! Vi trùng tê-ta-nốt độc lắm, không tin mày hỏi mẹ xem! Nó đã dính vô ai, người đó coi như đi đời!

Vừa nói tôi vừa liếc trộm nhỏ Quyên, thấy mặt mày nó xanh lè xanh lét.

Chắc nó đã tin lắm.

- Nhưng làm sao anh biết đó là vi trùng tê-ta-nốt? - Nhỏ Quyên cố hỏi, như muốn đánh tan nỗi lo sợ.

- Sao lại không biết! - Tôi cười khảy - Vi trùng tê-ta-nốt nó không giống các loại vi trùng khác. Nó vừa bò vừa... cắn. Đang nói tôi bỗng bật kêu lên "ối cha" và rảy mạnh cánh tay như thể cố làm cho vi trùng văng ra.

Nhỏ Quyên tròn mắt hồi hộp:

- Nó lại cắn anh nữa hả?

Tôi quay mặt đi chỗ khác:

- Ừ, nó vừa cắn.

- Đau lắm hả? - Giọng nhỏ Quyên ái ngại.

- Ừ, đau khủng khiếp luôn! Cứ như thể bị ai lấy đinh đóng vào xương ấy!

Mặt nhỏ Quyên lộ vẻ hoang mang:

- Bây giờ phải làm sao?

- Thì chờ chết chứ làm sao! - Tôi thở một hơi dài thườn thượt rồi rầu rĩ nói tiếp - Tao mà chết đi mày sẽ thui thủi một mình!

Nhỏ Quyên không nói gì nhưng mặt nó bỗng dưng trắng bệch. Chắc nó đang nghĩ đến viễn cảnh kinh hoàng tôi vừa vẽ ra.

- Lúc đó sẽ không có ai chơi với mày, không có ai kèm cho mày học! - Tôi nói và thoáng nghe tiếng sụt sịt bên cạnh.

Giọng tôi càng ngậm ngùi:

- Trước đây thỉnh thoảng tao có quát mắng mày nhưng đó là tao muốn mày học hành tiến bộ, - tôi ngập ngừng một chút rồi ai oán kể lể - vậy mà mày lại thù tao, mày méc mẹ cho tao bị đòn!

Tôi nói như người sắp chết, và tôi "trăn trối" đến đâu, nước mắt nước mũi nhỏ Quyên chảy ròng ròng đến đó.

Cuối cùng, như không chịu nổi cảnh "sinh ly tử biệt", nó níu chặt cánh tay tôi, nức nở kêu lên:

- Em đâu có thù anh! Anh đừng chết!

Tôi cố giữ bộ mặt héo hắt:

- Làm sao không chết được! Vi trùng đã tiến gần đến tim tao rồi! Chỉ ngày mai là tao ngủm! - Đang nói, tôi bỗng tặc lưỡi reo lên - A, tao nghĩ ra rồi! Có một cách!

Nghe vậy, nhỏ Quyên mừng quýnh. Nó lay mạnh tay tôi, hối hả:

- Cách gì vậy? Anh nói cho em nghe đi!

Tôi nghiêm trang:

- Phải tạo ra sức đề kháng của cơ thể để chống lại vi trùng!

Nhỏ Quyên há hốc mồm:

- Tạo ra sức đề kháng? Làm sao tạo ra?

Tôi hắng giọng:

- Phải giữ tâm hồn yên tĩnh, không được sợ sệt hay lo âu. Như vậy cơ thể sẽ mạnh lên. Nó sẽ "uýnh" bọn vi trùng chạy dài.

Nhỏ Quyên thở phào:

- Tưởng sao chứ như vậy thì dễ ợt!

- Không dễ đâu! - Tôi khụt khịt mũi - Ruột tao lúc này đang rối lên đây! Tao cứ thấy sờ sợ thế nào, chẳng làm sao "yên tĩnh" nổi!

- Thì anh đừng sợ nữa! - Đang nói, nhỏ Quyên bỗng tò mò - Mà anh sợ chuyện gì vậy?

Tôi nhìn lên trời, nín thở đáp:

- Tao đang sợ... mày méc mẹ chuyện tao đánh nhau!

Nhỏ Quyên chớp mắt:

- Em sẽ không méc đâu!

Tôi nuốt nước bọt:

- Nhưng mày sẽ méc chuyện tao đánh cắp hộp chì màu của mày!

- Chuyện này em cũng không méc! - Nhỏ Quyên trấn an tôi.

- Thế còn chuyện chùm dây thun?

Nhỏ Quyên nhanh nhẩu:

- Chuyện chùm dây thun cũng vậy. Em sẽ không nói cho ai biết.

Tôi như mở cờ trong bụng. Mỗi lời hứa của nhỏ Quyên như một làn gió mát thổi vào hồn tôi. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi lại gạ tiếp:

- Nhưng không phải chỉ có ba chuyện đó. Sau này mày cũng không được méc bất cứ chuyện gì!

Lần này nói xong, lắng tai một hồi chẳng thấy nhỏ Quyên ừ hử, tôi liền lật đật "bổ sung":

- Vi trùng tê-ta-nốt nó nguy hiểm ghê lắm! Khi bị cơ thể chống lại, nó không bị tiêu diệt hẳn mà chỉ chạy trốn loanh quanh đâu đó trong người. Nó nấp một chỗ, chờ khi nào mình hơi lo lắng là nhảy ra giết chết tươi mình ngay!

Thấy tôi đem cái chết ra dọa, nhỏ Quyên không dám chần chừ nữa, mà gật đầu ngay:

- Ừ, em sẽ không méc anh bất cứ chuyện gì nữa!

Tôi vẫn chưa yên tâm:

- Mãi mãi sau này?

Nhỏ Quyên cắn môi:

- Mãi mãi sau này!

Nó vừa nói xong, vết trầy nơi khuỷu tay tôi tự dưng hết đau ngay. Hệt như có phép tiên vậy. Và tôi sung sướng hiểu rằng kể từ phút giây này những bóng mây u ám của cuộc đời đã vĩnh viễn trôi qua.

Này bạn, nếu chẳng may được sinh ra trên cõi đời này, bạn hãy cố cầu mong cho mình có một đứa em út. Là em gái lại càng tuyệt. Như Út Quyên của tôi vậy. Bạn có thích một đứa em đáng yêu một cách thú vị như vậy không?

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện