Chương 41

Từ tháng tám đến nay, đã hơn mười ngày Tông Anh không trở lại chung cư 699 năm 1937.

Căn hộ thay đổi rất rõ ràng, bàn ăn không còn sạch sẽ như trước, bên trên chất đầy đồ dùng trẻ em, quần áo và sách vở vứt la liệt ở sô pha, trên bàn trà để một bình sữa trống không, bát sứ trắng vỡ vụn nằm dưới đất, nước canh còn chưa kịp dọn dẹp.

Xem ra Thanh Huệ không giỏi trong khoản chăm sóc trẻ em.

Nghĩ đến đây, Tông Anh chợt nhận ra, giờ này Thanh Huệ và bọn trẻ đều ở nhà, cô tùy tiện xuất hiện trước cửa phòng ngủ của Thịnh Thanh Nhượng, một tay còn nắm chặt tay đối phương, trông hết sức khả nghi.

Cô vội buông tay ra như bị điện giật, trên gác đột nhiên vang lên tiếng trẻ con khóc, Thanh Huệ dựa vào tay vịn nhìn xuống dưới, lúc trông thấy Tông Anh, cô còn tưởng mình hoa mắt, vội vàng ôm A Cửu chạy xuống dưới nhà, dừng lại cách đó vài bước, nhìn chằm chằm Tông Anh, nghi ngờ hỏi: “Tông tiểu thư, chẳng phải chị đã… Ra nước ngoài rồi sao?”

Tông Anh giấu hai tay vào túi quần, cúi đầu nhanh chóng sắp xếp lại tâm trạng và suy nghĩ, đang định mở miệng, Thịnh Thanh Nhượng đã quay người lại, nói: “Lúc ra nước ngoài, Tông tiểu thư gặp vài trục trặc, tạm thời ở lại Thượng Hải hai ngày.”

Tông Anh cho rằng lý do anh đưa ra không có vấn đề gì, Thanh Huệ lại sinh nghi.

Cô hỏi: “Tông tiểu thư tới đây từ lúc nào vậy?”

Lúc này, Tông Anh đang đứng trước cửa phòng ngủ của Thịnh Thanh Nhượng, mặc áo phông và quần ở nhà rộng thùng thình, để lộ mắt cá chân bị muỗi đốt thành vệt đỏ, đầu tóc lộn xộn như vừa tỉnh ngủ, hiển nhiên là qua đêm ở đây.

Thịnh Thanh Nhượng nhanh chóng nhìn Tông Anh, bình tĩnh trả lời Thanh Huệ: “Tối qua, đúng lúc anh ra ngoài thì Tông tiểu thư đến, tá túc một đêm ở đây.”

“Chắc tại em ngủ say như chết, không nghe thấy tiếng gì.” Hai ngày nay, vì chuyện của A Cửu, Thanh Huệ không được nghỉ ngơi tử tế, chạng vạng hôm qua liền mệt mỏi ngủ thiếp đi, ngay cả Thịnh Thanh Nhượng ra ngoài từ lúc nào cũng không biết.

Dáng vẻ của cô khá uể oải, thấy Thịnh Thanh Nhượng đã mặc quần áo chỉnh tề, cô hỏi: “Anh ba, anh vừa về à?”

“Ừ.” Thịnh Thanh Nhượng đang định đưa túi thuốc cho cô, A Cửu nằm trong lòng Thanh Huệ chợt khóc ré lên rồi khó thở.

Tông Anh tiến lên, đưa tay kiểm tra, nhịp thở của cậu bé rất nhanh, nhưng không thông thuận, môi thậm chí tím bầm, hoàn toàn không phải dấu hiệu tốt.

“Lên gác trước đã.” Cô nói, đoạn cầm túi thuốc trong tay Thịnh Thanh Nhượng, tay còn lại ôm nhẹ lưng Thanh Huệ, giục cô ôm đứa bé về phòng.

Hai người vừa lên gác, một cái đầu nho nhỏ ló ra từ căn phòng phía Tây – là A Lai, cậu bé vừa tỉnh ngủ.

Trông thấy Thịnh Thanh Nhượng, cậu dè dặt lên tiếng “Chào buổi sáng, tiên sinh”, sau đó vào phòng khách, giúp Thịnh Thanh Nhượng thu dọn đống hỗn loạn trên bàn ăn và ghế sô pha.

Căn phòng dành cho khách trên gác, nơi Tông Anh từng ngủ, trước mắt biến thành phòng ngủ của Thanh Huệ và A Cửu, bởi mới dọn dẹp sơ qua nên có cảm giác hơi lộn xộn.

Tông Anh đo lại nhiệt độ cho A Cửu, cẩn thận nghe nhịp phổi, lại hỏi Thanh Huệ, lúc này đang luống cuống đứng bên cạnh: “Thằng bé sốt lâu chưa?”

Thanh Huệ đáp: “Cũng khá lâu rồi, em đã cho bú sữa nhưng thằng bé không uống được, tinh thần rất kém.”

Tông Anh nhận ra sự lo âu trong giọng nói của Thanh Huệ, cô đứng thẳng nói: “Cô đừng sợ.” Nói dứt lời, Tông Anh mở túi thuốc ra, lấy miếng dán hạ nhiệt và thuốc siro, lại đưa một hộp cồn và ống nhỏ giọt cho Thanh Huệ: “Cô khử trùng ống nhỏ giọt đi.”

Thanh Huệ làm theo lời cô, tranh thủ nhìn qua mấy hộp thuốc kỳ lạ, càng lúc càng thấy Tông Anh thần bí, nhưng đồng thời cô cũng có cảm giác an tâm đến lạ, như thể tìm được một chỗ dựa vững chắc, nỗi hoang mang nhất thời giảm bớt.

Cô đưa ống nhỏ giọt đã khử trùng cho Tông Anh, nhìn Tông Anh rút thuốc trong lọ ra, khom người mớm cho A Cửu.

Cô hiếu kỳ quan sát, nhưng Tông Anh đột nhiên dừng lại.

Tông Anh vốn định tự mình làm, nhưng cô chợt nghĩ, đây rất có thể là một trong những chuyện Thanh Huệ nhất định phải học, cuối cùng đứng dậy, đưa ống nhỏ giọt cho Thanh Huệ: “Cô làm thì tốt hơn.”

Thanh Huệ bỗng tỏ ra thiếu tự tin, Tông Anh cụp mắt nhìn cô: “Đây không phải việc khó, từ từ cho bé uống thuốc, tôi sẽ dạy cô cách khống chế nhịp độ.”

Được Tông Anh khích lệ, Thanh Huệ hít một hơi, căng thẳng nắm chặt tay, lúc này mới nhận ống nhỏ giọt, cẩn thận mớm thuốc cho A Cửu.

Tông Anh hiển nhiên là một cô giáo tốt, có kiên nhẫn, Thanh Huệ mớm thuốc xong, cuối cùng đứng dậy thở phào nhẹ nhõm, hỏi Tông Anh: “Mớm thuốc này xong sẽ khá hơn ạ?”

Tông Anh lại đáp “Vẫn chưa đâu”, cô lấy cốc đo liều lượng nhỏ trong hộp thuốc: “Mỗi bữa nên cho thằng bé uống liều thuốc tôi viết trên giấy, chỉ cho bé uống đến đây thôi, không cần nhiều.” Lại chỉ miếng dán hạ nhiệt, nói: “Đây là miếng dán hạ nhiệt vật lý, cô chú ý nhiệt độ của thằng bé, khi nào sốt cao mới được dán.”

Nói xong, Tông Anh lại mím môi theo thói quen, cầm lên một túi truyền dịch nhỏ.

Thanh Huệ thấy cô không lên tiếng, hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

Tông Anh lại đặt túi truyền nước xuống, rảo bước ra ngoài.

Lúc đến đầu cầu thang, Thịnh Thanh Nhượng đang bận bịu trong trong phòng ngẩng đầu nhìn cô, hỏi: “Cần tôi giúp gì không?”

“Túi thuốc tôi đưa anh tháng trước ở đây hay ở dinh thự nhà họ Thịnh?”

“Ở dinh thự, cô cần dùng đến nó sao? Tôi sẽ đi lấy ngay bây giờ.”

Tông Anh nói: “A Cửu cần truyền nước, nhưng tôi quên mang dụng cụ. Tôi để khá nhiều trong chiếc túi kia, hẳn là vẫn còn.”

Thịnh Thanh Nhượng nói bằng giọng vững vàng bình tĩnh: “Tôi hiểu rồi, tôi sẽ đi lấy ngay bây giờ.”

Vừa dứt lời, anh lập tức gọi xe, Tông Anh nói: “Còn phải lấy một số thuốc khác nữa, để tôi đi cùng anh.”

Ánh mắt cô toát lên sự kiên quyết, Thịnh Thanh Nhượng suy nghĩ một lát, chỉ nói: “Quần áo vẫn ở chỗ cũ.”

Tủ năm ngăn cạnh cửa phòng ngủ, tầng cuối cùng. Tông Anh nhớ rất rõ.

Cô lấy quần áo ra thay, lúc ra ngoài liền thấy Thịnh Thanh Nhượng đang dặn A Lai để ý nồi cháo: “Chờ nó sôi thì tắt bếp gas, con nhớ kỹ chưa?”

A Lai nghiêm túc gật đầu, anh đứng thẳng dậy, nhìn Tông Anh: “Có thể đi được rồi.”

Tông Anh đi cùng anh xuống tầng dưới, ở quầy phục vụ, Diệp tiên sinh đang ngồi đọc báo, nghe thấy tiếng động, ông ngẩng đầu đứng dậy, vừa trông thấy Tông Anh, sắc mặt ảm đạm phút chốc sáng ngời: “Tông tiểu thư quay lại rồi đấy à! Cô đến từ lúc nào thế?”

Bây giờ không phải lúc tán gẫu, Thịnh Thanh Nhượng trả lời: “Chúng tôi có chút việc gấp, xin phép đi trước.”

Diệp tiên sinh thức thời ngồi xuống, Tông Anh thuận tay lấy tờ báo trong hòm thư.

Thịnh Thanh Nhượng đại khái vài ngày không đến lấy báo, báo chí chất thành một đống, tiếng Trung, tiếng Anh đều có cả.

Tông Anh cầm tờ báo bằng một tay, cúi đầu vừa đi vừa xem, ra khỏi cửa, gió mát ập vào mặt, trên đầu chỉ có tầng mây âm u, không thấy bóng dáng mặt trời.

Thịnh Thanh Nhượng dũ áo khoác ngắn đang vắt trên tay, nhanh chóng khoác lên người cô, chỉ nói một câu “Nhiệt độ hơi lạnh”, rồi lập tức đi đến chỗ xe taxi, mở cửa xe, mời cô vào trước.

Tông Anh phút chốc lấy lại tinh thần, giữ cổ áo ngồi vào xe, vẫn cúi đầu đọc báo.

Tin tức, xã luận, thông báo, quảng cáo, nội dung tờ báo không khác biệt mấy so với trước khi chiến tranh bùng nổ, nội dung cũng không đề cập nhiều đến chiến tranh.

Đây là điểm khác biệt giữa các vùng, với báo chí bên Tô Giới, mọi người quan tâm đến nhiệm kỳ mới của hiệp hội bóng đá vào tháng 9, quan tâm đến sản phẩm mới vừa được bách hoá đưa ra – ngầm chia cắt Thượng Hải thành hai phần – Hoa Giới và Tô Giới, chiến khu và không phải chiến khu.

Một loạt chuyện vụn vặt hằng ngày là lớp vỏ bọc khoả lấp khói lửa chiến tranh.

Tông Anh không thể xem hết, cô ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.

Xe thuận lợi rời khỏi Tô Giới Pháp, đi thẳng đến dinh thự nhà họ Thịnh ở Tô Giới công cộng, lúc đi ngang qua đường Nam Kinh, một toà nhà quen thuộc xẹt qua trước mắt Tông Anh – khách sạn Hoa Mậu, nơi cô từng đặt chân, cũng từng bị đánh bom – nay bắt đầu khai trương lại.

Chiều hôm đó, hai quả bom từ trên trời rơi xuống, tiếng nổ điếc tai nhức óc, máu thịt lênh láng khắp đại sảnh.

Nhưng chỉ một tháng sau, nó lại tiếp tục kinh doanh và đón khách, dường như vụ nổ chưa bao giờ liên lụy đến nơi này.

“Nó khai trương từ khi nào vậy?” Tông Anh bất giác ngồi ngay ngắn lại, ánh mắt vẫn hướng ra ngoài cửa sổ.

“Mới hai ngày nay.” Thịnh Thanh Nhượng nhìn theo tầm mắt cô, lại nói: “Nhà hát lớn bị đánh bom cùng ngày cũng khai trương trở lại, gần đây đang chiếu bộ phim mới.”

Giọng nói của anh toát lên nỗi sầu lo bất lực, cách đó trăm mét, tại trận địa bờ đối diện, lửa đạn đang vang lên đầy chân thực, bên kia là địa ngục, nơi này cũng tuyệt không phải thiên đường.

Trên đường càng ngày càng nhiều binh lính nước ngoài đóng quân, phô bày sự lo âu và khủng hoảng dưới lớp vỏ thái bình giả tạo, cảnh sát phòng tuần bộ lùng bắt khắp nơi nhằm tìm ra kẻ khả nghi và dân chạy nạn bạo loạn, Ban Vệ sinh Tô Giới công cộng đã ban bố báo cáo tình hình bệnh dịch tả đến lần thứ ba… cố gắng duy trì sự trật tự yếu ớt như thủy tinh, chỉ cần một tác động nhẹ sẽ vỡ nát ngay lập tức.

Lúc ô tô chạy tới dinh thự nhà họ Thịnh, mọi người đang sứt đầu mẻ trán vì một đứa trẻ.

Thịnh Thanh Nhượng trình bày mục đích với người gác cửa, chú Diêu nhíu mày nói: “Hiện tại trong nhà rất loạn, tiên sinh tốt hơn hết mau chóng lấy đồ rồi đi đi.”

Tông Anh để ý thấy thái độ của chú Diêu đối với Thịnh Thanh Nhượng đã thay đổi, không còn từ chối không cho anh vào nhà như trước, trái lại còn thêm vài phần thiện ý.

Đã xảy ra chuyện gì trong những ngày cô không ở đây?

Thịnh Thanh Nhượng hỏi ông ta về tình hình trong nhà: “Có chuyện gì xảy ra vậy?”

Chú Diêu nhân tiện nói: “Hôm qua tiểu thiếu gia ra ngoài cùng cô gia, không hiểu sao lại mất tích, mọi người liên tục tìm đến tận giờ giới nghiêm buổi đêm cũng không thấy, đến sáng nay mới được cảnh sát trả lại! Đáng lẽ có thể thở phào một hơi, ai ngờ vừa về nhà, tiểu thiếu gia đột nhiên đi tả, tình trạng vô cùng nghiêm trọng, nhị tiểu thư đang cãi nhau với cô gia!”

Tông Anh nghe ông ta nói hết, biết tiểu thiếu gia mà ông ta đề cập chính là con trai chị hai.

Cô hỏi: “Tìm thấy thằng bé ở đâu vậy chú?”

Chú Diêu nói: “Nghe nói cậu ấy chạy đến khu vực tị nạn phía Tây, nếu không vì người trong nhà thường xuyên qua lại với phòng tuần bộ thì đâu thể tìm được!”

Thịnh Thanh Nhượng khẽ nhíu mày, bình tĩnh nói với Tông Anh: “Bên đó đang xảy ra bệnh dịch tả.”

Tông Anh vô thức mím môi, nhưng không lên tiếng.

Thịnh Thanh Nhượng lại nói: “Tôi vào lấy túi thuốc xong liền đi ra, cô cứ ở đây chờ tôi.”

Tông Anh đứng trong làn gió ẩm ướt man mát, nhìn anh sải bước vào nhà, không kìm được nắm chặt tay.

Vừa bước đến cửa, Thịnh Thanh Nhượng đã nghe thấy tiếng tranh cãi ầm ĩ trong phòng khách, một bên là tiếng trách móc của chị hai, một bên là lời thanh minh, phủi bỏ trách nhiệm của chồng chị ta, câu hỏi đơn giản là “Sao mang con ra ngoài mà không trông, anh lại hú hí với con hát nào đúng không? Rốt cuộc con nào làm anh mê mẩn đến mất trí như thế, ngay cả con trai cũng không thèm quan tâm?”; chồng chị hai thì nói “Nếu đi làm mấy trò mèo mả gà đồng đó, anh việc gì phải dẫn thằng bé ra ngoài? Em động não một chút được không? Tiền đều do em quản, anh làm gì có tiền nhàn rỗi để ra ngoài chơi bời?”, vân vân…

Cuộc tranh cãi chỉ xoay quanh vài vấn đề đó, vĩnh viễn không có điểm cuối.

Thịnh Thanh Nhượng vốn định đi vòng qua họ để lên gác lấy túi thuốc, vừa đi được hai bậc thang, chị hai đột nhiên gọi anh lại: “Sao về nhà mà chẳng chào hỏi lấy một câu? Cứ im ỉm đi vào, định doạ chết người khác hả?!”

Thịnh Thanh Nhượng dừng bước, xoay người bước xuống cầu thang, nghiêm túc nói: “Thịnh Thanh Bình, giận chó đánh mèo lên đầu tôi chẳng có ý nghĩa gì hết, tôi nghĩ chuyện quan trọng nhất mà chị cần làm lúc này không phải là tranh giành đúng sai – mà là đưa A Huy đến bệnh viện, ngay lập tức.”

Nói xong, Thịnh Thanh Nhượng xoay người lên gác, chồng chị hai cũng nương theo lời anh mà nói với chị ta: “Với tình trạng hiện tại của A Huy, ta phải đưa thằng bé vào bệnh viện, em ở đây gây sự có ý nghĩa gì không?”

Cơn tức của chị hai càng gia tăng: “Họ Chu kia, anh đừng hòng nói sang chuyện khác!”

Thịnh Thanh Nhượng dừng bước, nói: “Khu phía Tây đang bùng phát bệnh dịch tả, A Huy vừa từ bên đó về liền đi tả, hy vọng chị có trách nhiệm với thằng bé và những người trong nhà này một chút.”

“Lão Tam, mày có ý gì?!”

Thịnh Thanh Nhượng đã nhắc nhở hết nước hết cái, không còn gì để nói tiếp nữa.

Anh ngoảnh mặt làm ngơ, cứ thế rảo bước lên gác, chị hai gào to sau lưng anh: “Mày đang trù ẻo A Huy hả?! Rốt cuộc mày có ý gì?!”

“Ý anh ấy là bệnh dịch tả là bệnh có độ lây lan cao, nhất định phải cách ly ngay lập tức.”

Nghe thấy tiếng nói, chị hai lập tức quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một bóng người quen thuộc đang đứng cạnh cửa.

Chị ta sửng sốt nhìn đối phương, vô thức hỏi ngược lại: “Cô lặp lại lần nữa xem nào?”

Tông Anh tỏ ra lạnh nhạt, mọi thái độ đều nằm trong đôi mắt lạnh lùng: “Tôi nói là ngay lập tức.”

Lời tác giả:

1. Trung tuần tháng 9, khách sạn Hoa Mậu – nơi từng bị đánh bom – bắt đầu khai trương lại, cùng với đó còn có Nhà Hát Lớn.

2. Theo báo cáo lần thứ ba được phát biểu vào ngày 15 tháng 9 của Ban Vệ sinh Tô Giới công cộng và Tô Giới Pháp, số người mắc bệnh dịch tả ở Tô Giới công cộng là 258, số người mắc dịch tả ở Tô Giới Pháp lên tới 384 người. Từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9, chỉ tính riêng các bệnh viện ở Tô Giới công cộng, họ đã nhận 91 người nhập viện chữa trị bệnh dịch tả, số người bị nghi mắc bệnh dịch tả cũng lên tới 1118 người. Trong Tô Giới công cộng còn có một bệnh viện chuyên môn cách ly, số người tử vong thậm chí còn nhiều hơn. Từ mùng 10 đến 19 tháng 9, tổng cộng 277 người chết vì mắc bệnh dịch tả và kiết lỵ.

Đây chỉ là số liệu của bệnh viện Tô Giới, tạm thời chưa tìm được con số thống kê của Hoa Giới.

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dịch tả có ngắn có dài, ngắn thì khoảng vài tiếng, phát tác rất nhanh, khả năng lây bệnh rất cao, nếu không có biện pháp cách ly, tất cả mọi người trong một tòa nhà cơ bản đều là quần thể tiếp xúc mật thiết, rất nguy hiểm, nên không thể nói rằng “Nếu chị hai đã ngoan cố như vậy thì cứ mặc kệ chị ta đi”, mà cần phải nhắc nhở.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện