Chương 15: MỘT GỢI Ý CỦA POIROT
Khi mọi người ra hết, bác sĩ Reilly đứng lên, ra đóng cửa cẩn thận. Sau khi đưa mắt nhìn Poirot, ông đóng nốt một cửa sổ còn mở ra sân, rồi về ngồi xuống cùng mọi người.
- Tốt! - Poirot nói - Bây giờ chúng ta họp hẹp, có thể nói thoải mái. Ta đã nghe mọi người trong đoàn nói... À mà này, cô đang nghĩ gì vậy?
Tôi đỏ mặt. Không thể chối cãi: lão thám tử nhỏ bé này có cái nhìn thấu suốt tâm can. Ông ta đã nhìn thấy cái ý nghĩ vừa thoáng trong đầu tôi hay tại vẻ mặt tôi để lộ quá rõ ý nghĩ của mình?
- Ồ! Không có gì! - Tôi ngập ngừng đáp.
- Thôi đi, cô y tá, đừng bắt thám tử phải chờ đợi - bác sĩ Reilly động viên.
- Thật mà, không có gì. Tôi chỉ chợt nghe ra rằng nếu ai đó biết hoặc nghi ngờ điều gì, chắc khó nói ra trước mặt mọi người... đặc biệt là trước giáo sư Leidner.
Thật bất ngờ, Poirot gật đầu tán đồng:
- Đúng thế, đúng thế. Điều cô nói rất đúng. Song tôi xin giải thích: cuộc họp vừa rồi là có mục đích. Ở Anh, trước mỗi cuộc đua, người ta dắt ngựa ra trình diễn, giới thiệu. Ngựa diễu qua khán đài để ai nấy nhìn và đánh giá. Đó là lý do tại sao tôi họp mọi người. Để điểm mặt tất cả những người tham dự.
Giáo sư Leidner hung hăng đối lại:
- Không một phút nào tôi lại chấp nhận có ai dưới quyền tôi dính vào vụ án này.
Rồi quay về phía tôi, ông nói như ra lệnh:
- Cô y tá, cô hãy nói ông Poirot biết tất cả những gì nhà tôi nói với cô cách đây hai ngày.
Thể theo yêu cầu ấy, tôi kể lại, cố gắng giữ nguyên từng lời của bà Leidner. Tôi kể xong, Poirot nhận xét:
- Rất tốt! Rất tốt! Tôi hoan nghênh cách nói rõ ràng, trật tự của cô. Rất, rất bổ ích.
Ông quay lại ông Leidner:
- Ông có những lá thư đó không?
- Có đây. Tôi chắc ông muốn xem chúng ngay.
Poirot cầm các lá thư, nghiên cứu kỹ. Tôi cứ nghĩ ông sẽ rắc thuốc lên hoặc soi kính hiển vi để tìm dấu tay, nhưng không. Xem ra ông thám tử này thuộc lớp người cổ, không biết các phương pháp hiện đại, vì ông chỉ đọc thư như mọi người phàm trần khác.
Đọc xong, ông đặt thư trước mặt, khẽ ho một tiếng, nói:
- Bây giờ, ta cần sắp xếp các sự việc cho thứ tự. Lá thư đầu tiên, bà Leidner nhận được ít lâu sau khi kết hôn với ông ở Mỹ. Sau đó còn một số thư nữa mà bà đã hủy. Rồi đến lá thư thứ hai, và tiếp đó ít lâu, cả hai người thoát khỏi bị chết ngạt vì khí đốt. Sau đó, hai ông bà đi du lịch nước ngoài, và trong gần hai năm không có thư nào. Đến đầu mùa công tác ở đây, tức là khoảng ba tuần trở lại, lại có thư. Phải thế không nào?
- Phải.
- Thấy vợ luôn luôn sợ hãi, ông gặp bác sĩ Reilly nhờ giới thiệu một cô y tá, tức cô Leatheran đây để làm bạn với bà, cho bà bớt lo?
- Phải.
- Một vài chuyện xảy ra: bàn tay gõ cửa sổ, bộ mặt ma quái xuất hiện sau cửa kính, những tiếng động nghe thấy ban đêm trong phòng cổ vật. Bản thân ông không từng chứng kiến những sự việc đó?
- Không.
- Mà thực ra chỉ mình bà Leidner biết?
- Cha Lavigny có nhìn thấy ánh sáng trong phòng cổ vật.
- Đúng. Tôi đã có ghi.
Sau một phút yên lặng, Poirot hỏi:
- Vợ ông có để lại di chúc?
- Không.
- Tại sao?
- Vì bà thấy không cần thiết.
- Bà không có tài sản sao?
- Có, lúc sinh thời, ông bố cho bà một số tiền lớn song bà không được đụng tới vốn. Nếu chết, tiền đó thuộc về các con bà, nếu bà có con. Bà chết mà không có con, tài sản sẽ chuyển cho Bảo tàng Pittstown.
Poirot gõ gõ lên bàn, nói:
- Vậy ta có thể loại ngay một động cơ của vụ án. Mỗi khi có người bị giết, ngay từ đầu bao giờ tôi cũng tự đặt câu hỏi: cái chết này lợi cho ai? Trường hợp này là một bảo tàng. Chứ nếu bà Leidner mất đi mà để lại tài sản lớn, tôi sẽ hỏi ngay ông: Ai là người thừa kế? Ông... hay người chồng trước? Nhưng ở đây không có chuyện đó. Như đã nói, đầu tiên tôi nghĩ đến vấn đề lợi ích. Thứ hai, bao giờ tôi cũng nghi ngờ chồng hoặc vợ của nạn nhân! Tuy nhiên, có ba điều bênh vực ông: một là ông không hề bén mảng đến phòng vợ suốt chiều qua; hai là vợ chết thì ông nghèo đi chứ không giàu lên. Và ba là...
Poirot ngừng lời.
- Ba là gì?
- Hừm! Có những thái độ khiến tôi không thể lầm. Thưa giáo sư Leidner, tình yêu với bà nhà là mối tình lớn của đời ông, có phải không?
Giáo sư trả lời đơn giản:
- Phải.
- Ta tiếp tục - Poirot nói.
- Nhanh lên một chút, không biết bao giờ mới xong - bác sĩ Reilly có vẻ sốt ruột.
Poirot ném cho bác sĩ một cái nhìn trách móc:
- Cứ từ từ, ông bạn. Trong một vụ án mạng như thế này, phải xem xét mọi khía cạnh một cách tuần tự, có phương pháp. Không bao giờ tôi xa rời nguyên lý ấy. Sau khi đã gạt đi nhiều khả năng, chúng ta đang tới một điểm rất quan trọng. Nên đánh bài ngửa, không giấu giếm điều gì.
- Đồng ý - bác sĩ Reilly nói.
- Vì vậy tôi yêu cầu phải nói hết sự thật - Poirot tiếp.
Giáo sư Leidner nhìn ông, ngạc nhiên:
- Xin bảo đảm là tôi đã nói hết những gì tôi biết. Tôi có giấu gì đâu.
- Giáo sư Leidner... hãy suy nghĩ kỹ... Ông chưa nói hết.
- Hết rồi! Còn chi tiết nào mà ông không biết?
Giáo sư tỏ vẻ khắc khoải. Poirot lắc đầu:
- Chẳng hạn, ông chưa giải thích vì sao ông đưa cô Leatheran vào nhà này.
Giáo sư Leidner hơi lúng túng.
- Thì tôi nói rồi... Vợ tôi tâm thần không ổn định... luôn sợ hãi...
Poirot ngã người về phía trước, đưa tay chặt lên chặt xuống:
- Không, không và không! Còn một lý do khác. Vợ ông gặp nguy hiểm, bị dọa giết. Ông không gọi... cảnh sát, không mời thám tử tư... mà lại một y tá. Không rõ ràng chút nào!
- Tôi... tôi... tôi nghĩ...
Mắt đỏ dừ, ông ngưng bặt. Poirot động viên:
- A!... Ông nghĩ gì?
Giáo sư vẫn im lặng.
- Các lời khai của ông đến nay theo tôi là hợp lý, trừ vấn đề cô y tá. Tại sao lại y tá? Chỉ có thể một lời giải thích. Ông không tin vợ ông bị nguy hiểm.
Giáo sư Leidner khẽ kêu lên, như được giải thoát.
- Ôi, đúng thế! Tôi không tin bà ấy bị nguy hiểm gì.
Poirot chăm chú nhìn giáo sư như mèo rình mồi, chỉ chờ chuột con xuất hiện là chồm lên.
- Vậy ông tin là thế nào?
- Tôi không biết... không biết.
- Không, ông biết. Ông biết rất rõ là đằng khác, để tôi giúp ông nhé... Tôi nói thế này, không biết có đúng không: ông nghi là chính vợ ông đã viết những thư đó?
Còn biết trả lời sao? Poirot đoán quá đúng. Giáo sư Leidner giơ tay như xin chịu thua.
Tôi thở một hơi dài. Thế ra tôi cũng đã đoán đúng. Tôi nhớ lại cái giọng lạ lùng của ông Leidner khi trao đổi với tôi về những lá thư. Bỗng mặt ông Poirot nhìn xoáy vào tôi:
- Cô y tá, cả cô cũng đã nghĩ như thế?
- Vâng - tôi thực thà đáp - tôi cũng có ý nghĩ ấy.
- Tại sao?
Tôi liền nói rằng chữ viết trong các thư nặc danh hao hao giống chữ trên phong bì mà Coleman đưa tôi.
Poirot quay lại ông Leidner:
- Vậy ông cũng thấy là hai thứ chữ giống nhau?
Giáo sư cúi đầu:
- Vâng, có thế. Chữ nhỏ và sít hơn chữ của Louise. Chữ bà ấy to và thưa hơn, nhưng nhiều nét lại giống nhau. Để tôi chỉ ông xem.
Từ túi trong, ông rút mấy lá thư, chọn một cái đưa cho Poirot. Đó là một lá thư của bà viết cho ông. Poirot so sánh thật kỹ với các thư nặc danh.
- Đúng vậy - ông lẩm bẩm... - Các chữ s và e đều giống nhau. Tôi không phải chuyên gia chiết tự, và không dám đoán chắc (mà tôi cũng chưa thấy hai nhà chiết tự nào lại đồng ý nhau chuyện gì), song có thể tạm khẳng định hai thứ chữ giống nhau một cách lạ kỳ. Rất có thể chúng đều do một người viết. Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn, ta chưa nên vội kết luận.
Ngả người vào lưng ghế, ông trầm ngâm nói tiếp:
- Lúc này ta có ba giả thuyết: một, chữ giống nhau chỉ là tình cờ; hai, các thư đe dọa do bà Leidner viết, vì lý do nào đó ta không rõ; ba, là do một người khác viết, nhưng cố tình bắt chước chữ bà Leidner. Nhằm mục đích gì? Ta chưa tranh luận. Dù sao, nhất định chỉ là một trong ba giả thuyết.
Ông suy nghĩ một lát, rồi quay về giáo sư Leidner, hỏi:
- Khi ông nghi là bà Leidner viết những thư đó, thì ông nghĩ gì?
Giáo sư lắc đầu:
- Tôi vội gạt ngay cái ý tưởng kỳ cục đó đi.
- Ông có tìm cách lý giải sự việc đó?
- Tôi nghĩ, hay là ký ức sâu xa về quá khứ đã làm tâm thần vợ tôi suy yếu, và bà đã viết những thư đó một cách vô ý thức. Có thể lắm chứ, phải không bác sĩ? - Giáo sư quay lại hỏi Reilly.
Bác sĩ nhăn mặt, trả lời chung chung:
- Với bộ óc con người thì cái gì cũng có thể xảy ra.
Rồi ông đưa mắt nhìn Poirot có vẻ ăn ý nhau, và Poirot nói tiếp:
- Các lá thư là rất đáng chú ý, song ta không chỉ dừng ở đó. Ba lời giải đặt ra.
- Ba?
- Phải. Lời giải thứ nhất, rất đơn giản. Người chồng trước của vợ ông vẫn còn sống. Hắn viết thư đe dọa, rồi thực hiện lời đe dọa. Nếu chấp nhận lời giải này, nhiệm vụ chúng ta là tìm xem hắn vào rồi ra khỏi đây bằng cách nào mà không ai biết.
Cách giải thích thứ hai. Bà Leidner, vì những lý do cá nhân nào đó, tự mình viết những thư đó. Vụ suýt chết ngạt cũng là do bà dựng lên (nên nhớ là chính bà thức dậy trước rồi báo cho ông biết có mùi hơi đốt thoát ra). Tuy nhiên, nếu do bà viết, thì bà chẳng gặp nguy hiểm gì. Vậy phải tìm hung thủ ở chỗ khác, tức là trong số những người của đoàn khảo sát. Đó là kết luận lô gích duy nhất - Poirot nói trịnh trọng, mặc cho giáo sư Leidner phản đối.
Một người trong đoàn đã giết bà vì tư thù. Người đó phải biết có chuyện những bức thư... hoặc ít nhất biết là bà Leidner đang sợ một ai đó. Và hung thủ đã lợi dụng điều đó để hành động mà không bị ngờ. Hắn biết trước rằng người đầu tiên bị tình nghi, sẽ là tác giả của những thư đe dọa kia.
Một biến thể khác của lời giải này là hung thủ biết chuyện cũ của bà Leidner, đã chủ động viết những thư ấy. Nhưng trường hợp này, tại sao hắn lại bắt chước chữ viết của bà? Hắn đang muốn để cho mọi người tưởng là có kẻ ở bên ngoài đột nhập kia mà...
Cách giải thích thứ ba, theo tôi, là hay nhất. Tôi cho các thư là do người chồng trước của bà Leidner viết - hoặc là thằng em trai của hắn. Và người đó hiện đang là thành viên của đoàn khảo cổ.