Chương 20: CÔ JOHNSON, BÀ MERCADO, ÔNG REITER

Ynghĩ đó khiến tôi bị sốc mạnh. Tôi không bao giờ ngờ cô Johnson, một người có trình độ đứng đắn, mực thước đến thế!

Song tôi nhớ lại cuộc trao đổi giữa bác sĩ Reilly và ông Poirot trước mặt tôi tối đó, và trước mắt tôi mở ra nhiều chân trời mới.

Nếu cô Johnson là người viết thư, ta có thể giải thích nhiều điều. Tôi không nghĩ cô đi đến chỗ giết người, song lòng căm thù đã thúc đẩy cô tìm cách đe dọa hòng làm bà Leidner sợ mà rời khỏi đoàn khảo sát, thôi không bao giờ theo chồng sang phương Đông nữa.

Nhưng, bà Leidner bị giết, và cô Johnson hối hận day dứt: cô tiếc là đã độc ác một cách vô ích, đã thế những thư cô viết trở thành bình phong che khuất thủ phạm. Cô gục xuống khóc trong hoàn cảnh ấy, không phải là lạ. Thực bụng, cô Johnson không phải người ít tình cảm, vì thế cô tiếp thu ngay những lời an ủi của tôi: "Trước những gì không thể cứu vãn, phải chấp nhận."

Tiếp đó, tôi nhớ lại nhận xét bí hiểm mà theo cô có thể biện minh cho thái độ của mình: "Bà ấy không phải là người tốt!".

Tôi phải làm gì bây giờ?

Tôi trằn trọc hồi lâu trên giường, và cuối cùng quyết định sẽ nói ngay với ông Poirot khi có dịp.

Hôm sau ông trở lại, nhưng tôi không có một phút nào để chuyện riêng với ông. Lúc duy nhất có dịp đối diện ông, tôi định nói thì ông đã khẽ ghé vào tai tôi:

- Tôi sắp gặp cô Johnson... Ở phòng chung. Cô vẫn giữ chìa khóa phòng bà Leidner chứ?

- Vâng - tôi đáp.

- Tốt. Cô hãy vào phòng ấy, đóng cửa cẩn thận rồi kêu lên một tiếng - đừng hét, tất nhiên - đơn giản một tiếng kêu báo động, ngạc nhiên, không phải tiếng thét hoảng sợ. Nếu có ai nghe thấy, cô bịa ra chuyện gì đó... chẳng hạn vừa bước hụt.

Đúng lúc ấy, cô Johnson xuất hiện ngoài sân, nên tôi không đủ thì giờ kể lại với Poirot.

Tôi đoán được ý đồ của ông. Ông vừa kéo cô Johnson vào phòng chung, tôi liền vào phòng bà Leidner, khép cửa lại.

Nghĩ lúc ấy thật buồn cười, một mình trong phòng, chẳng đau gì mà lại phải kêu. Hơn nữa, không biết nên kêu to hay nhỏ ở mức nào. Tôi liền "ồ!" một tiếng khá to, rồi một tiếng nữa to hơn, và tiếng thứ ba nhỏ hơn.

Rồi tôi đi ra, chuẩn bị sẵn sàng để nếu ai hỏi thì nói mình vừa vấp ngã. May thay, không có ai. Poirot và cô Johnson đang chuyện trò rất sôi nổi, rõ ràng không bị tiếng kêu ngắt quãng. Tôi nghĩ bụng: thế là đã rõ. Hoặc là cô Johnson đã tưởng nghe thấy tiếng kêu, hoặc đó lại là chuyện khác hẳn.

Ngại không muốn làm phiền, tôi ngồi sụp xuống ngoài hiên. Tiếng họ nghe rất rõ.

- Tình hình rất tế nhị - Poirot nói - Giáo sư Leidner rất yêu vợ...

- Nói tôn thờ thì đúng hơn - tiếng cô Johnson.

- Ông ấy luôn luôn nhắc rằng mọi người trong đoàn đều yêu quí bà! Còn họ, họ biết nói gì hơn là cũng phụ họa theo ý ấy? Hoàn toàn chỉ vì lịch sự. Vậy đó có phải là sự thật... hay trái lại? Tôi tin rằng chìa khoá mở màn bí ẩn nằm trong sự nắm bắt thật rõ tính cách của bà Leidner. Tôi cần thu thập ý kiến... mà ý kiến phải thật trung thực... của từng người trong đoàn, sau đó mới xác định được. Đó là lý do vì sao hôm nay tôi lại đến đây. Tôi biết giáo sư Leidner đi Hassanich. Do đó tôi có cơ hội để gặp từng người, yêu cầu cộng tác.

- Ý kiến của ông hoàn toàn đúng - cô Johnson nói.

- Mọi người phải bỏ hết định kiến... Đừng nói là không nên nói xấu người chết... rằng không nên thế này thế nọ... Trong một vụ án hình sự, những kiểu nghĩ như vậy chỉ làm cho sự thật khó hiện ra.

- Tôi chẳng có gì phải giữ ý với người chết. Nhưng với ông Leidner thì khác. Dù sao, đó cũng là vợ ông.

- Đúng vậy, đúng vậy. Các bạn ngần ngại khi nói gì xấu về vợ của thủ trưởng, tôi thông cảm. Nhưng đây không phải là một bản chứng nhận đạo đức, mà là một vụ giết người bí ẩn. Cố tình bảo người bị giết là mẫu mực về đức hạnh không giúp gì cho cuộc điều tra.

- Thì tôi có gọi bà là thiên thần đâu! - Cô Johnson chua chát.

- Vậy với tư cách là phụ nữ, cô hãy nói thẳng nhận xét của cô về bà Leidner.

- Hừm, trước hết xin báo với ông là tôi không khách quan đâu... tất cả chúng tôi đều như vậy... đều một lòng một dạ với ông Leidner. Bà Leidner đến đây, chúng tôi đều không thích, cho là bà làm mất thì giờ và sự tập trung của ông. Ông chiều bà quá làm chúng tôi bực. Tôi nói thẳng, dù điều đó sẽ không có lợi cho tôi. Tôi không thích bà có mặt ở đây, nhưng không để lộ ra. Người đàn bà ấy đến đây, làm rối sinh hoạt của chúng tôi.

- Chúng tôi? Cô nói chúng tôi?

- Phải, là tôi muốn nói ông Carey và tôi. Chúng tôi là những người làm việc ở đây lâu năm nhất. Sự đảo lộn này làm chúng tôi khó chịu. Điều đó khá tự nhiên, dù có vẻ hơi ích kỷ. Mọi sự thay đổi hết.

- Thay đổi những gì?

- Ồ, thay đổi tất. Trước đây chúng tôi sinh hoạt vui vẻ, đầm ấm, đùa bỡn, trêu chọc nhau như bạn trong tập thể. Giáo sư Leidner cũng vui nhộn như học trò.

- Bà Leidner đến đảo lộn tất cả?

- Ồ! Tôi không quy hết trách nhiệm cho bà, dù sao thì năm ngoái, mọi việc vẫn tốt hơn. Song ông chớ nghĩ rằng chúng tôi có mâu thuẫn cụ thể gì với bà. Bà luôn đối xử tốt và thân ái với tôi. Vì thế đôi khi tôi thấy hối hận...

- Dù sao, năm nay sự có mặt của bà kéo theo sự thay đổi hoàn toàn... một không khí khác hẳn?

- Phải, hoàn toàn. Thực ra, tôi không biết đổ tại cái gì. Mọi thứ càng ngày càng xấu... trừ công việc. Nhưng không ai trong chúng tôi làm chủ được mình nữa. Lúc nào cũng chập chờn, như sắp mưa bão.

- Và cô cho đó là do ảnh hưởng của bà Leidner?

- Trước khi bà ta đến, chúng tôi sống rất hòa hợp - cô Johnson nói như khẳng định - Song ông có thể nói là do tôi ít quảng giao, nên chống lại mọi sự thay đổi. Cũng được, vậy ông đừng đếm xỉa đến ý kiến tôi nữa.

- Cô hãy vui lòng nói về tính tình, tâm trạng của bà Leidner?

Sau chút do dự, cô Johnson thong thả đáp:

- Tất nhiên, tính bà ta rất thất thường, vui đấy rồi lại cau có đấy. Hôm nay rất ngọt ngào với mình, hôm sau không buồn nói một lời. Thực ra, là người tốt, quan tâm đến từng người một. Tuy nhiên, cũng thấy bà ta đã được nuông chiều suốt cuộc đời. Bà ta coi việc được ông Leidner ân cần chăm sóc là chuyện tự nhiên. Có lẽ bà chưa đánh giá đúng giá trị của chồng... một nhà khoa học rất lỗi lạc! Đôi khi tôi thấy bực. Luôn luôn bồn chồn, sợ bóng sợ gió, tưởng tượng ra đủ thứ chuyện để làm mình làm mẩy! Cho nên khi giáo sư Leidner mời cô Leatheran đến, tôi thấy nhẹ cả người. Ông không thể vừa làm việc vừa lo dỗ dành vợ.

- Theo ý riêng cô, cô nghĩ thế nào về những lá thư nặc danh?

Tôi không cưỡng được trí tò mò, ngả người ra đằng trước cho đến khi nhìn thấy cô Johnson quay mặt vào ông Poirot. Cô đáp lại, giọng hoàn toàn bình thản và tự chủ:

- Có người nào bên Mỹ thù ghét, cố tình đe dọa làm bà khốn khổ,

- Có thế thôi?

- Thì đó là ý kiến của tôi. Bà ta chắc có nhiều kẻ thù, thư đó hẳn là của một nữ tình địch.

- Nhưng cô nhớ cho... lá thư cuối cùng không qua đường bưu điện.

- Việc ấy có gì là khó. Phụ nữ đã ghen tuông thì không trở ngại nào ngăn nổi.

Cô ta nói đúng quá, tôi nghĩ bụng.

- Có thể cô có lý. Nhân tiện xin hỏi, cô có biết cô Reilly, con gái bác sĩ?

- Sheila Reilly? Biết chứ!

Poirot làm bộ bí mật:

- Tôi nghe nói (tất nhiên, không nói gì với bác sĩ) có chuyện yêu đương giữa cô ta và một người trong đoàn của giáo sư Leidner. Cô có biết không?

Cô Johnson lộ vẻ thích thú:

- Ồ! Anh chàng Coleman và David Emmott đã nhiều lần mời cô ta nhảy. Trong các tối khiêu vũ ở Hassanich các tối thứ bẩy, hai chàng tranh nhau để được vinh dự đó. Tôi không cho là Sheila để tâm chuyện đó. Là cô gái da trắng duy nhất ở đó, cô còn nhảy với nhiều sĩ quan trẻ ở căn cứ không quân.

- Vậy những lời đồn ấy là không có căn cứ?

- Tôi không dám chắc! - cô Johnson nói, vẻ đăm chiêu - Đúng là cô ta hay tha thẩn ở khu khai quật. Hôm nọ, bà Leidner trêu ông David Emmott, nói là Sheila đang bám theo chàng... Câu nói đùa không đúng chỗ. Ông David không thú gì. Phải, Shella hay đến đây. Cái buổi chiều hôm xảy ra án mạng ấy, thấy cô ta cưỡi ngựa về phía công trường. Cô ta hất đầu nhìn vào chiếc cửa sổ mở. Nhưng cả David Emmott và Coleman hôm ấy không làm việc ở đó. Richard Carey đang ở khu khai quật. Có thể cô ta thích một chàng trai nào ở đây... nhưng cô ta là gái hiện đại, cô có cho yêu đương là chuyện nghiêm chỉnh đâu. Tóm lại không thể nói cô thích ai trong hai người. Cả hai đều tốt.

Cô tò mò nhìn Poirot, hỏi:

- Chuyện ấy thì liên quan gì đến vụ án?

Ông Poirot giơ hai tay lên trời:

- Cô làm tôi ngượng quá. Chắc cô cho tôi là kẻ ngồi lê đôi mách. Nhưng biết làm sao được? Bao giờ tôi cũng quan tâm đến chuyện tình cảm của lớp trẻ.

Cô Johnson thở một hơi dài.

- Tất cả đều rất tốt đẹp nếu không có gì quấy rối mối tình của họ.

Poirot thở dài đáp lại. Tôi không hiểu có phải cô Johnson muốn gợi lại trong ký ức một mối tình trắc trở nào hồi trẻ. Tôi rất muốn biết ông Poirot có vợ chưa, hay như người ta thường nói về người nước ngoài, có bồ bịch gì không. Trông ông buồn cười đến mức tôi không thể tưởng tượng có chuyện ấy.

- Sheila Reilly không thiếu cá tính. Cô ta còn trẻ và không được giáo dục tốt, song về cơ bản vẫn là một cô gái thẳng thắn.

- Tôi tin lời cô.

Poirot đứng dậy, nói thêm:

- Trong nhà hiện còn ai không nhỉ?

- Chắc có Marie Mercado. Đàn ông ra công trường hết, cứ như là họ muốn tránh cho xa. Cũng chẳng trách họ. Ông có muốn tôi đưa ông ra khu khai quật...

Ra đến ngoài hiên, cô bảo tôi:

- Hay cô Leatheran có thể đưa ông ra?

- Ồ được - tôi đáp

- Và rồi ông về ăn trưa với chúng tôi nhé?

- Xin vui lòng.

Cô Johnson trở về làm việc ở phòng chung.

- Bà Mercado đang ở trên sân thượng - tôi nói với Poirot - Ông có muốn lên gặp bà ấy trước?

- Cũng được. Nào, ta lên.

Trong lúc trèo thang, tôi hỏi:

- Tôi đã làm theo lời ông dặn, ông nghe thấy gì không?

- Không một tiếng động.

- Như vậy là lương tâm cô Johnson thanh thản - tôi nói - Cô cứ trách mình là không can thiệp kịp thời khi nghe tiếng kêu.

Bà Mercado ngồi trên lan can, hơi ngả người về phía trước, đang tập trung suy nghĩ gì nên không nghe tiếng chúng tôi lên. Đến khi Poirot đứng trước mặt, cất tiếng chào, bà mới giật mình ngửng đầu. Tôi thấy nét mặt bà mệt mỏi, mắt quầng thâm.

- Lại là tôi đây - Poirot nói - Hôm nay tôi gặp bà vì một lý do đặc biệt.

Rồi ông lại nói giống như đã nói với cô Johnson: ông cần bà mô tả chân dung thật chân thực về bà Leidner.

Bà Mercado, vốn không thẳng thắn như cô Johnson, mở đầu bằng những lời khen trái với suy nghĩ thật:

- Với người chưa biết bà, thì nói làm sao đây? Một con người bí ẩn, khó hiểu, không giống ai. Chắc cô cũng có cảm giác ấy, phải không cô? Tâm thần bất định và tính khí thất thường, nhưng người ta sẵn lòng khoan dung, vì bà đối xử tốt với mọi người, lại rất khiêm tốn nữa! Không biết gì về khảo cổ, bà chịu khó học hỏi chồng về các phương pháp hóa học để xử lý kim loại, và giúp cô Johnson chắp dán đồ gốm. Chúng tôi đều rất mến bà.

- Vậy những điều người ta nói với tôi đều sai, thưa bà? Thiên hạ nói trong nhà này có một bầu không khí ngờ vực, không thoải mái.

Bà Mercado mở to đôi mắt đen đục:

- Ai nói thế với ông? Cô Leatheran? Giáo sư Leidner? Ông này thì tội nghiệp, có biết gì đâu.

Bà ném cho tôi một cái nhìn thù nghịch.

Mặt Poirot nở một nữ cười rạng rỡ, nói vui:

- Thưa bà, tôi có gián điệp của tôi chứ.

Thoáng thấy mi mắt bà Mercado rung lên, chớp chớp. Giọng nói bà dịu lại:

- Ông thấy không, sau sự kiện như vừa qua, mỗi người đều ra vẻ ta biết những điều không hề có thật!... Nào là không khí căng thẳng, nào là linh tính. Toàn chuyện bịa đặt, nói vuốt đuôi.

- Thưa bà. những lời đó chứa đựng phần lớn sự thật.

- Tất cả những điều họ nói với ông đều sai. Chúng tôi sống ở đây như một gia đình êm ấm.

Lúc Poirot cùng tôi ra khỏi nhà để ra công trường, tôi bất bình:

- Bà ấy nói dối một cách trắng trợn! Tôi tin chắc bà ta căm ghét bà Leidner bằng tất cả tâm hồn!

- Ta nói chuyện với bà ấy không phải để nghe sự thật - Poirot đồng ý.

- Mất thì giờ vô ích - tôi đế thêm.

- Không hẳn ... không hẳn đâu. Miệng một người nói dối, thì mắt lại lộ ra sự thật. Không biết bà Mercado này sợ cái gì? Tôi đọc thấy sự sợ hãi trong tròng mắt bà ta. Nhất định bà e ngại điều gì. Rất đáng chú ý.

- Ông Poirot, tôi có chuyện này nói riêng với ông.

Tôi kể chuyện xẩy ra tối qua, và nói tôi ngờ cô Johnson là tác giả các thư nặc danh. Tôi kết luận:

- Lại là một mụ nói dối leo lẻo! Thế mà sáng nay cứ trả lời tỉnh bơ với ông về những lá thư.

- Phải - Porot nói - Lời tuyên bố của cô ấy cũng rất đáng chú ý. Cô ta không ngờ là đã làm tôi hiểu rằng cô ta hoàn toàn biết là có những thư nặc danh... Mà đến nay, đã có ai nói việc ấy cho mọi người biết đâu. Cũng có thể hôm qua giáo sư Leidner đã nói với cô ấy việc này, hai người vốn là bạn thân. Nếu không thì thật là lạ phải không?

Uy tín của Poirot vọt lên rất cao trong mắt tôi, ông ta thật tài tình khi dẫn dắt để buộc cô ta nói đến những bức thư!

- Ông có định hỏi cô về vấn đề ấy? - tôi hỏi.

Poirot có vẻ ngạc nhiên:

- Không! Không! Không dại gì lộ ra điều mình biết. Đến phút cuối cùng, tôi giữ tất cả trong này (ông gõ gõ lên trán). Đến lúc thích hợp, tôi mới chồm ra như con báo... và thế là tất cả mọi người phải sững sờ!

Tôi không khỏi mỉm cười hình dung ông Poirot là con báo.

Lúc này chúng tôi đã tới công trường. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Reiter, đang chụp ảnh những bức tường đổ nát. Chụp xong, ông giao máy và đồ đoàn cho thằng bồi, bảo nó mang về nhà.

Poirot hỏi vài câu về kỹ thuật nhiếp ảnh, ông Reiter vui vẻ trả lời, có vẻ sung sướng vì có người quan tâm đến công việc của mình.

Đến lúc ông xin lỗi vì phải cáo từ, Poirot mới đi vào vấn đề chính. Thực ra, ông không đặt những câu hỏi dã sắp sẵn, mà tùy theo tính cách của người được hỏi. Tôi thấy không cần mỗi lần lại kể lại nguyên văn những lời hỏi, đáp. Với những người hiếu biết, có lý trí như cô Johnson, ông đi thẳng vào mục đích; với một số người khác, ông hỏi vòng vo, nhưng rồi cuối cùng vẫn đạt điều mình muốn.

- Có, có, tôi hiểu ông hỏi gì - ông Reiter nói - nhưng thực ra, không biết tôi có giúp gì được không. Đây là lần đầu tôi làm việc ở đây, chưa tiếp xúc nhiều với bà Leidner. Xin lỗi, tôi không thể nói gì hơn.

Tôi thấy giọng nói ông có cái gì căng cứng, song âm điệu không có vẻ người nước ngoài. Tất nhiên ông nói tiếng Anh theo lối Mỹ.

- Ít nhất ông cũng nói ông ưa hay không ưa bà ấy? - Poirot hỏi.

Ông Reiter đỏ mặt, lắp bắp:

- Bà là người dễ thương và rất thông minh. Có trí tuệ.

- Tốt, ông ưa. Bà ấy có ưa ông không?

Má ông Reiter càng ửng đỏ:

- Ồ! Tôi không nghĩ là bà quan tâm đến tôi. Một hai lần, tôi muốn giúp bà cũng không xong, tôi vụng về, làm bà ấy bực. Thực ra tôi chỉ có ý tốt sẵn sàng làm mọi việc...

Poirot thấy thương hại sự lúng túng của Reiter.

- Được rồi... Được rồi... Ta sang vấn đề khác. Không khí trong nhà có dễ chịu không?

- Ông hỏi thế nào cơ?

- Thế này... Mọi người có vui vẻ không? Có hay chuyện trò, vui nhộn?

- Không... không... không thật như thế. Có một chút căng thẳng...

Ông ngừng nói, vẻ như đấu tranh với chính mình rồi mới tiếp:

- Tôi vốn nhút nhát, vụng về, không nổi bật ở chỗ đông người. Giáo sư Leidner luôn ưu ái tôi, nhưng.. khỉ thế, tôi vẫn không hết rụt rè. Đánh vỡ cốc chén, nói những điều không nên nói. Tóm lại, tôi không nắm bắt được cơ hội.

Quả thật, trông ông ta đúng là chàng hậu đậu.

- Tuổi trẻ như thế là thường - Poirot mỉm cười - Với thời gian, các bạn sẽ già dặn hơn.

Sau khi chào từ biệt, chúng tôi tiếp tục đi.

Poirot bảo tôi:

- Cô ý tá ạ, cậu này hoặc là một chàng trai đơn giản, hoặc là đóng kịch giỏi.

Tôi không trả lời, tâm trí lại bị xao xuyến bởi ý nghĩ là quanh đây có một tên sát nhân nguy hiểm và rất bản lĩnh.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện