Chương 23: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA KHOA HỌC HUYỀN BÍ

Tang lễ diễn ra rất xúc động. Tất cả thành viên của đoàn khảo cổ, cũng như cả hội người Anh ở Hassanich đều tham dự. Cả cô Shiela Reilly, mặc đồ màu sẫm, cũng đi sau xe tang. Chắc hẳn cô cảm thấy bứt rứt về những lời không tốt đã nói về người quá cố.

Về tới nhà, tôi vào phòng giáo sư Leidner để nói về việc tôi xin chấm dứt công tác. Ông rất nhã nhặn, cảm ơn tôi về những việc đã làm (mà nào tôi đã làm được gì!) và nhất định tặng tôi thêm một tuần lương nữa.

Tôi từ chối, nói mình không đáng được hưởng sự ưu ái đó:

- Thật tình, tôi không muốn lĩnh gì hết, trừ tiền tàu xe.

Nhưng ông không nghe.

- Thưa giáo sư, tôi có cảm giác đã không làm tròn trách nhiệm. Tôi có mặt, mà không cứu bà nhà khỏi thảm họa.

- Cô chớ nghĩ như vậy - ông nói giọng thành thực - Nói cho cùng, tôi mướn cô có phải để làm thám tử đâu. Tôi không hề ngờ là tính mệnh vợ tôi bị đe dọa, mà chỉ cho là bà suy nhược thần kinh. Cô không việc gì phải tự trách mình. Nhà tôi yêu cô, tin cậy cô. Nhờ có cô mà những ngày cuối cùng của bà thanh thản, vui vẻ hơn. Thế là cô đã làm tròn trách nhiệm y tá.

Giọng ông hơi run, và tôi đọc được ý nghĩ của ông: ông day dứt tự trách mình vì đã coi nhẹ những cơn mê hoảng của vợ.

- Thưa giáo sư - tôi hỏi - giáo sư đã có ý kiến gì về những thư nặc danh chưa?

- Tôi chẳng biết nghĩ thế nào - ông thở dài - Còn ông Poirot nghĩ sao?

Tôi trả lời lấp lửng:

- Hôm qua, ông chưa có kết luận gì.

Tôi để ý xem giáo sư phản ứng thế nào. Hôm trước mải vui, vì chứng kiến tình thương mến giữa ông với cô thư ký Johnson, tôi quên bẵng vấn đề các lá thư. Ngay bây giờ, tôi cảm thấy nói chuyện ấy là không hay lắm. Cứ cho là cô ta viết đi, thì cô Johnson đã phải trả giá bằng sự hối hận của mình. Tuy nhiên, tôi rất muốn dò xem ông Leidner có biết gì chuyện ấy không.

- Thông thường, thư nặc danh phần lớn do đàn bà viết - tôi nói.

- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng trường hợp này, có thể là chính Frederick Bosner viết.

- Vâng, không loại trừ khả năng ấy, nhưng tôi không tin.

- Tôi tin! Bảo do người trong đoàn viết là vô lý. Đó chỉ là giả thuyết oái ăm của ông Poirot. Sự thật đơn giản hơn. Hung thủ, rõ ràng là một tên điên loạn, đã cải trang thế nào đó, và lảng vảng quanh đây. Chiều hôm đó nó đã tìm cách đột nhập. Lũ gia nhân, bị đấm mõm bằng tiền, có thể nói dối.

- Khả năng ấy cũng không thể loại trừ.

Ông Leidner tức tối nói tiếp:

- Nghi ngờ như ông Poirot thì dễ quá ! Theo tôi, không người nào trong đội khảo sát của tôi dính líu vào vụ này. Tôi làm việc với họ, tôi phải hiểu họ chứ!

Đột nhiên ông dừng lại, rồi nói tiếp:

- Có phải do kinh nghiệm mà cô cho rằng thư nặc danh thường là của đàn bà?

- Không phải tất cả mọi trường hợp. Nhưng phụ nữ thường có thói quen hờn dỗi, ghen tức, làm như vậy cho hả.

- Có phải cô ám chỉ bà Mercado?

Ông lắc đầu nói luôn:

- Dù bà ấy có tâm địa đen tối muốn làm việc hèn hạ ấy, bà cũng không có sự tinh tế cần thiết để thực hiện.

Lúc này, tôi nghĩ tới những lá thư đầu tiên cất trong cặp da của bà Leidner. Nếu bà Leidner quên khóa chiếc cặp ấy, rất có thể bà Mercado hôm nào đó có một mình ở nhà, đã tìm thấy và đọc thư. Đơn giản vậy, nhưng đàn ông lại hay không nghĩ tới!

- Ngoài bà Mercado, ở đây không còn phụ nữ nào khác ngoài cô Johnson - tôi nói, đồng thời quan sát ông.

- Nghi ngờ vậy thật lố bịch.

Ông mỉm cười, chấm dứt câu chuyện. Chưa bao giờ ông nghĩ cô Johnson là tác giả các lá thư. Tôi định mở miệng, song lại thôi. Ai lại tố cáo một người cùng giới, vả lại tôi chẳng thấy thái độ hối hận thực bụng của cô Johnson đó sao? Không nên trở lại quá khứ và làm ông Leidner thất vọng, đau buồn thêm.

Vậy là đã thỏa thuận: ngày mai tôi sẽ đi và nhờ bác sĩ Reilly giới thiệu, tôi sẽ tạm nghỉ một, hai ngày ở nhà bà giám đốc bệnh viện trong khi chờ làm thủ tục về nước.

Giáo sư Leidner có nhã ý tặng tôi một vật gì của bà Leidner làm kỷ niệm.

- Ồ! không - tôi từ chối - ông quá quan tâm...

Ông nài nỉ:

- Tôi muốn cô mang đi một cái gì. Nếu còn sống, nhà tôi cũng sẽ đồng tình.

Ông đề nghị tôi lấy những đồ trang điểm bằng đồi mồi.

- Không. Tôi không dám nhận những thứ quý như vậy.

- Cô biết là bà nhà tôi không có thân thích. Những đồ ấy, còn ai dùng.

Tôi thông cảm với ông, chả lẽ để chúng rơi vào tay bà Mercado tham lam, hoặc đem chúng tặng cô Johnson.

- Cô cứ suy nghĩ đi - ông nói, vẫn bằng giọng nhã nhặn - Đây là chìa khóa hộp nữ trang của Louise, thích gì cô cứ cầm. Và nhờ cô đóng gói hộ tất cả quần áo của bà ấy. Bác sĩ Reilly sẽ đem chúng tặng cho những gia đình nghèo ở Hassanich.

Tôi vui vẻ giúp ông Leidner làm việc này. Bà Leidner chỉ mang theo đến Tell Yarimjah những thứ cần dùng thiết yếu; chẳng mấy lúc tôi đã bỏ xong mọi quần áo vào hai chiếc va li. Tất cả các giấy tờ đều đựng trong cặp da. Hộp nữ trang chỉ có vài thứ bình thường: một nhẫn nạm ngọc, một ghim cài bằng kim cương, một chuỗi ngọc đeo cổ, hai ghim cài bằng vàng và một vòng cổ hổ phách.

Tất nhiên, tôi không hề muốn cầm đồ ngọc hoặc kim cương, và lưỡng lự giữa chiếc vòng hổ phách và bộ đồ trang điểm. Xét cho cùng, tôi cầm bộ đồ này cũng chẳng sao, ông ta đã vui lòng tặng tôi không nhằm ý đồ gì, và tôi không cần khách sáo. Dù sao, bà Leidner cũng đã từng quý tôi. Tôi xếp va li, khóa cái hộp để sẽ trao lại cho giáo sư, cùng với tấm ảnh ông thân sinh bà Leidner và một số vật dụng khác.

Làm xong mọi việc, tôi thấy căn phòng trở nên trống rỗng, buồn bã. Chẳng còn việc gì, vậy mà như có sức mạnh nào giữ tôi ở lại. Linh tính như mách bảo tôi còn phải chứng kiến hoặc phát hiện một cái gì. Không mê tín, nhưng tôi cảm thấy linh hồn bà Leidner phảng phất trong phòng, muốn giao cảm với tôi.

Nhớ hồi làm việc ở bệnh viện, một số cô bạn thường có một miếng ván, trên ghi những câu thần chú kỳ quặc. Bây giờ đến lượt tôi cũng trở thành một cô đồng chăng? Tôi đi quanh phòng, xê dịch các bàn ghế, nhưng không phát hiện chỗ kín hay ngăn kéo hai đáy nào.

Cuối cùng (có thể các bạn cho tôi là dở người, nhưng, có những lúc ta không làm chủ được hành vi của mình), tôi làm thử một thí nghiệm: nằm dài lên giường, nhắm mắt lại; cố quên bản thân mình và tưởng tượng mình là bà Leidner ở buổi chiều tai họa ấy.

Tôi là một phụ nữ bình thường, mực thước, không hề là môn đệ của khoa học huyền bí. Nhưng năm phút sau rõ ràng tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng như cô đồng. Để dấn thêm vào tình trạng ấy, tôi lẩm nhẩm:

- Tôi là bà Leidner... Tôi là bà Leidner... Tôi nằm trên giường... thiu thiu ngủ. Lát nữa... lát nữa... cửa sẽ mở.

Tôi lặp đi lặp lại các câu ấy... như để tự kỷ ám thị.

Bây giờ là một giờ rưỡi... thời khắc sắp đến... cửa sắp mở... cửa sẽ mở... ta sẽ biết là ai vào.

Tôi không rời mắt khỏi cái cửa sắp mở. Tôi sẽ thấy cửa mở... và tôi sẽ biết người nào mở cửa.

Trưa hôm đó, hẳn là trí óc tôi có hơi mệt mỏi, nên mới tượng tượng mình sẽ khám phá ra bí mật bằng cách ấy.

Nhưng lạ thay, tôi bỗng thấy lạnh buốt dọc xương sống, lan cả xuống đôi chân, cảm thấy chân tê liệt, vô cảm. Tôi nghĩ thầm: Hồn sắp nhập rồi, và người sẽ thấy...

Một lần nữa, tôi lại nói đều đều:

- Cửa sắp mở... Cửa sắp mở...

Tứ chi tôi càng thêm lạnh buốt, tê dại.

Và lúc đó, từ từ, tôi thấy cánh cửa hé mở.

Ôi kinh khủng!

Cả đời tôi chưa bao giờ khiếp hãi đến thế. Tôi nằm im, tim lạnh ngắt, không động đậy được một ngón tay.

Cánh cửa mãi không chịu mở hẳn. Nhưng từ từ, từ từ, nó vẫn mở.

Bill Coleman bình thản bước vào, ông ta suýt kêu lên vì sợ. Còn tôi thì chồm khỏi giường, hét to, chạy ra đứng giữa phòng.

Coleman sững người, bộ mặt hồng càng đỏ lên, ông ta há hốc mồm:

- Ôi, ôi, cô y tá! Có chuyện gì?

Tôi trở về với thực tại:

- Ối trời, ông Coleman! Ông làm tôi sợ chết khiếp!

- Tôi xin lỗi.

Ông ta cầm trong tay một bó hoa đỏ, loại hoa dại mọc trên sườn đồi Tell, mà bà Leidner rất thích. Coleman càng đỏ mặt:

- Ở Hassanich không có cửa hàng bán hoa; tôi thấy nếu không đặt một vòng hoa lên mồ người quá cố thì thật buồn, vì vậy tôi định đem bó hoa nhỏ này cắm vào chiếc lọ bà Leidner vẫn có trên bàn... chỉ để tỏ ra chúng tôi không quên bà. Cô có thể cho ý nghĩ đó là trẻ con...

Tình cảm ông Coleman thật đáng trân trọng. Vậy mà ông cứ tỏ vẻ xấu hổ, lúng túng như tất cả những người Anh khi bị bắt gặp đang cảm tình lai láng.

- Trái lại, đó là sự quan tâm rất đáng quí.

Tôi lấy chiếc lọ, đổ đầy nước và cắm hoa. Qua hành động này, tôi càng thấy quý ông Coleman, một con người tốt bụng, đầy tình cảm. Ông không hỏi tại sao tôi thét lên khi thấy ông vào. Càng tốt, nếu không, tôi biết giải thích làm sao?

Tôi sửa sang lại quần áo, tự nhủ: "Lần sau, mày phải cẩn thận. Đừng tập tọng làm thầy mo, cô đồng".

Sau đó, tôi chuẩn bị hành lý và luôn bận bịu tay chân cho đến hết ngày.

Cha Lavigny tỏ ý tiếc thấy tôi ra đi. Cha nói mọi người đều mến tôi vì sự trầm tĩnh đầy lý trí. Lý trí! Nếu cha trông thấy tôi làm gì trong phòng bà Leidner!

- Hôm nay không thấy ông Poirot nhỉ - cha nói.

Tôi cho cha biết là cả ngày hôm nay Poirot ra bưu điện để gửi điện tín.

Cha Lavigny nhướn đôi lông mày:

- Đi đánh điện tín? Sang Mỹ ư?

- Có lẽ vậy. Ông ấy bảo đánh điện "đi khắp nơi". Các ông người nước ngoài bao giờ cũng nói quá.

Nói rồi, tôi đỏ mặt, chợt nhớ cha Lavigny cũng là người nước ngoài. Song cha chỉ cười và hỏi tôi có tin tức gì về người mắt lác chưa. Tôi nói là không biết.

Cha còn muốn biết chinh xác giờ nào tôi và bà Leidner nhìn thấy hắn ta kiễng chân cố nhòm vào trong cửa sổ. Cha nói:

- Rõ ràng là tên này quan tâm đặc biệt đến bà Leidner. Lắm lúc tôi tự hỏi, hay hắn là người da trắng, ngụy trang thành người Irắc.

Tôi suy nghĩ khá lâu về giả thuyết này. Tôi đã cho anh ta là người bản xứ, vì chỉ chú ý đến y phục và màu da vàng.

Cha Lavigny ngỏ ý muốn đi đến chỗ mà tôi và bà Leidner đã bắt gặp người lạ.

- Để xem xem hắn có đánh rơi vật gì không. Biết đâu đấy? Trong các truyện trinh thám, thủ phạm thường hay mắc sơ suất.

- Nhưng trong đời thực thì chúng cáo hơn nhiều.

Tôi đưa mấy đôi tất mà tôi vừa vá, đặt lên bàn trong phòng chung để của ai người ấy đến lấy. Rồi, chẳng còn việc gì làm, tôi đi lên sân thượng.

Trên đó đã có cô Johnson, nhưng cô không nghe tiếng tôi lên. Tôi đến sát gần mà cô cũng không biết.

Và tôi nhận ra cô gái già này đang bối rối chuyện gì.

Đứng giữa sân thượng, cô nhìn đăm đăm về phía trước, vẻ mặt lo âu, dường như vừa nhận ra điều gì mà lý trí cô không chịu chấp nhận.

Tôi sửng sốt. Xin chớ nhầm lẫn: tôi hôm trước, cô có dáng vé bối rối, nhưng hôm nay nét mặt khác hẳn. Tôi lại gần, hỏi:

- Cô Johnson, có chuyện gì vậy?

Cô quay đầu lại, nhìn tôi một cách lơ đãng.

- Có chuyện gì? - tôi gặng.

Cô nhăn mặt... như để nuốt nước bọt, và nói giọng khàn:

- Tôi vừa nhìn ra một điều.

- Điều gì. Nói tôi nghe. Trông cô như không được khỏe.

Cô định hồi tĩnh lại, nhưng vô ích. Cô nói giọng nhợt nhạt:

- Tôi vừa nhận ra người ta có thể từ bên ngoài đột nhập mà không ai trông thấy.

Tôi nhìn theo hướng mắt cô, nhưng chẳng thấy gì. Ông Reiter đang đứng trước cửa phòng ảnh, và cha Lavigny đi ngang qua sân... Không có gì khác.

Tôi quay lại, thấy nét mặt cô có vẻ thật kỳ lạ.

- Thật tình, tôi không hiểu cô định nói gì. Cô nói rõ xem sao?

Cô lắc đầu:

- Không phải lúc này... để sau đã. Ôi! Lẽ ra ta phải biết sớm! Lẽ ra phải biết sớm hơn!

- Thì cô cứ nói tôi nghe nào!...

Nhưng cô lại lắc đầu:

- Để tôi suy nghĩ đã.

Rồi cô đi qua mặt tôi, xuống thang gác. Tôi không đi theo, mà ngồi lại trên lan can, cố nghĩ mà không ra. Sân chỉ có một lối vào, là cái cổng vòm. Trước cổng này, anh gánh nước đang ngồi nói chuyện với anh nấu bếp. Không ai vào mà họ không trông thấy.

Tôi lắc đầu, phân vân, rồi cũng đi xuống sân.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện