Loại bỏ tâm lý tranh đua
Tôi thường nghe mọi người bàn luận về đề tài “tranh đua trong công sở” với thái độ như thể họ đang nói chuyện thời tiết – nghĩa là quá tự nhiên và hờ hững! Nó khiến tôi đi đến kết luận: “Việc tranh đua trong công sở là chuyện không thể tránh khỏi và là thực tế cuộc sống của tất cả mọi người”.
Nhưng mặt trái của tâm lý tranh đua là mọi người sẽ hình thành suy nghĩ rằng: “Tránh đường nào, tôi đang vội chết đi được. Tôi đâu còn bao nhiêu thời gian để thăng tiến. Đây là thế giới của những người đạp lên nhau mà sống!”. Suy nghĩ này sẽ khiến bạn rơi vào cái bẫy của sự sợ hãi, mất kiên nhẫn, muộn phiền, bởi nó liên tục lên tiếng rằng bạn là kẻ thua cuộc. Bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết những người tự nhận mình có tâm lý tranh đua trong công việc đều rất dễ bị kích động và cáu bẳn. Tuy nhiên, cũng có không ít người với cùng tính chất công việc, áp lực, trách nhiệm và lịch làm việc nhưng họ lại trải qua một cách nhẹ nhàng và thú vị. Hiệu quả và năng suất lao động của họ chẳng kém gì những đồng nghiệp hay lo lắng và kích động vì tâm lý tranh đua kia.
Tôi luôn cảm thấy thoải mái khi gặp những người dù phải lăn lộn kiếm sống trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh nhưng không để mình bị cuốn vào cuộc tranh đua điên cuồng và đầy phá hoại kia. Họ né tránh nó bằng cách chú tâm vào công việc của mình.
Những gì xảy ra nơi công sở chiếm lĩnh phần lớn tâm trí bạn, và bạn cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào là tùy thuộc vào khía cạnh mà bạn đã tập trung sự chú ý. Nói cách khác, khi kể về một ngày làm việc, bạn hoàn toàn có thể lâm vào tâm trạng phổ biến: “Ôi, ngày hôm nay của tôi mới tồi tệ làm sao! Đi làm thì bị kẹt xe khủng khiếp. Đến công ty thì vướng vào những cuộc họp triền miên và chán ngắt. Mở miệng ra là cãi cọ và xung đột. Thế có chán không cơ chứ! . Cùng một ngày như vậy, nhưng nếu nghĩ khác đi, bạn có thể kể lại nó như sau: “Tôi lái xe đến công ty và gần như họp hành cả ngày. Các cuộc họp thật sự không dễ chịu với nhiều sự tranh cãi, nhưng tôi đã cố hết sức để kéo mọi người gần lại với nhau. Thật tốt khi tôi đã làm được điều đó”.
Bạn có cảm nhận được sự khác biệt không? Đừng cho rằng tôi đang đề cập đến hai kiểu người khác nhau, người đầu tiên thì “thực tế” còn người thứ hai thì “đang ở trên mây”. Sự thật thì cả hai người này đều không sai khi kể lại ngày làm việc của mình. Sự khác nhau ở đây liên quan đến thái độ nhìn nhận, bởi một người lạc quan còn người kia thì không. Ví dụ kể trên có thể được áp dụng cho những dự định của bạn cũng như cách bạn sử dụng thời gian của mình. Bạn luôn được quyền lựa chọn giữa việc để “mình vướng vào cuộc tranh đua khốc liệt” hoặc nghĩ về nó khác đi.
Bạn có thể bắt đầu loại bỏ tâm lý tranh đua để trở thành người điềm đạm bằng cách quyết định không tranh luận với đồng nghiệp nữa – hoặc mô tả lại ngày làm việc và trách nhiệm của mình theo hướng lạc quan hơn. Khi tâm trí hướng đến những nhìn nhận tích cực và không ngừng tìm kiếm những món quà của cuộc sống, bạn sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác về môi trường công sở. Mọi thứ trong mắt bạn sẽ khác đi, bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều cơ hội tốt cho bản thân và cho mọi người. Bạn sẽ tìm ra nhiều giải pháp hơn, thấy ít rắc rối hơn và ngày càng yêu thích hơn với công việc mình đang làm.