Hãy khoan dung với bản thân
Trong một mục trước, tôi đã nhắc đến câu nói: “Sai lầm là thường tình, tha thứ mới là siêu phàm”. Chúng ta có thể áp dụng câu nói đúng đắn này vào cuộc sống của mình. Hãy đối diện với thực tế rằng tất cả chúng ta đều có lúc mắc lỗi lầm trong đời. Chúng ta sẽ phạm sai sót, chệch hướng, đãng trí, mất bình tĩnh và nhiều lỗi lầm khác. Tôi không thể hiểu tại sao thực tế đơn giản này lại khiến nhiều người ngạc nhiên, thất vọng hoặc trầm trọng hóa nó như vậy.
Theo tôi, một trong những thực tế đáng buồn nhất của chúng ta là thiếu khả năng tha thứ, đặc biệt tha thứ chính bản thân mình. Chúng ta luôn ghi nhớ về những tật xấu và sai lầm trước đây của mình, thậm chí là còn dự đoán về những sai lầm mà mình có khả năng mắc phải. Chúng ta thường quá nghiêm khắc với bản thân, thất vọng và nhẫn tâm với chính mình. Ta không ngừng dằn vặt, đổ lỗi cho bản thân, đồng thời là kẻ thù lớn nhất của chính mình.
Thật xuẩn ngốc và vô lý nếu chúng ta không thể khoan dung với bản thân mình. Thực tế cho thấy mỗi chúng ta đều đang trong quá trình vận hành, và dù chúng ta có cố gắng hết sức thì vẫn không thể trở thành người hoàn hảo. Chúng ta đi lên từ lỗi lầm và vấp ngã của chính mình. Trong mọi tình huống, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là phát huy hết những điểm mạnh của mình và nỗ lực nhiều nhất có thể.
Một trong những lý do khiến tôi hạnh phúc là tôi luôn khoan dung trước những lỗi lầm của bản thân. Gần đây, có người đã hỏi làm thế nào mà tôi có thể tỏ ra tử tế với bản thân đến vậy, tôi đùa rằng: “Bởi vì tôi đã phạm nhiều sai sót nên tôi có thể tử tế với mình nhiều hơn”. Quả thật là vậy! Tôi có thể chắc chắn với bạn rằng những sai sót của tôi đều xuất phát từ sự vô ý. Tôi đã cố gắng bằng tất cả khả năng của mình. Đạo đức nghề nghiệp cũng như chuẩn mực về sự hoàn hảo của tôi cũng cao như hầu hết mọi người. Vậy nên, khi tôi khoan dung với chính mình, điều đó không có nghĩa tôi là người hờ hững hay dễ dãi. Tôi biết rằng chúng ta phải chấp nhận lỗi lầm như một thực tế cuộc sống. Hay nhớ rằng tất cả chúng ta đều có quá nhiều trách nhiệm phải gánh vác mỗi ngày. Nó tương tự như việc tôi phải tung hứng hai mươi quả bóng trên không trung trong cùng một thời điểm vậy. Vì thế, nếu bảo tôi không bao giờ để rơi bóng hay mắc lỗi là một điều vô lý.
Bạn có nhận thấy rằng việc nhìn nhận lỗi lầm một cách thực tế sẽ giúp bạn thoát khỏi mọi trở ngại? Nghĩa là khi bạn gây ra lỗi lầm - thậm chí một lỗi ngờ nghệch - thì việc nhìn nhận một cách bình tĩnh sẽ cho phép bạn giữ được tầm nhìn và cảm giác hài hước thay vì tự xỉ vả bản thân. Thay vì tự trách móc: “Mình thật đúng là tên ngốc”, bạn có thể thông cảm cho chính mình: “Thêm một bằng chứng cho thấy mình cũng chỉ là con người bình thường”.
Jack là nhân viên môi giới chứng khoán của một công ty tài chính lớn. Cách đây hơn chục năm, một khách hàng đã yêu cầu Jack đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm của anh ta vào cổ phiếu của công ty Intel(*) Jack - vốn là người khá thận trọng - đã thuyết phục khách hàng của anh rằng đó không phải là ý tưởng hay bởi anh cảm thấy sẽ tốt hơn nếu đầu tư cổ phiếu vào các quỹ hỗ tương.
Nhưng rõ ràng, trong trường hợp này, lời khuyên của Jack đã tước đi dịp may của người khách hàng kia. Bên cạnh đó, Jack còn đưa ra lời khuyên tương tự cho nhiều khách hàng khác nên anh cảm thấy vô cùng ân hận và tự dằn vặt mình. Anh đánh mất luôn sự tự tin và cuối cùng chuyển sang công việc khác. Sở dĩ như vậy là vì anh đã không thể bỏ qua cho bản thân mình. Bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí khách hàng đã thuyết phục anh rằng nhận định và phân tích của anh lúc đó khá vững chắc - khách hàng của anh cũng đạt được lợi nhuận khá cao và anh nên tự hào mới phải. Tuy nhiên, khi không biết tha thứ cho bản thân mình, Jack đã không thể đón nhận những lý lẽ thông thường.
May thay, Jack đã gặp được một chuyên gia tâm lý giỏi và người ấy đã dạy anh chân lý rằng: “Không ai có thể đoán trước tương lai. Chính vì thế, sai lầm là lẽ thường tình”<>/i. Vậy là cuối cùng, Jack cũng có thể tha thứ cho bản thân và trở lại với công việc lập kế hoạch tài chính mà anh yêu thích.
Tất nhiên, cũng có những lỗi lầm đặc biệt dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Lỗi điều khiển không lưu hay lỗi phẫu thuật có thể gây chết người. Thật may là phần lớn lỗi lầm của chúng ta đều không liên quan đến sự sống cái chết mà chỉ là những lỗi nhỏ bị ta trầm trọng hóa lên. Dù chẳng ai thích gây ra lỗi lầm nhưng nếu học cách chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống, bạn sẽ nhận được những kết quả lạc quan. Bạn có thể tha thứ cho bản thân đồng thời loại bỏ mọi căng thẳng liên quan. Vậy nên lời khuyên của tôi rất đơn giản: hãy tha thứ cho bản thân, vì chúng ta chỉ là con người.