Đừng hứa hẹn quá nhiều

Mãi đến một vài năm trước tôi mới nhận ra thói quen hay hứa hẹn của mình. Trong một ngày làm việc, tôi hứa rất nhiều điều với mọi người (dù thoạt nghe chúng không hẳn là lời hứa hẹn) và sau đó thì tôi cảm thấy hối hận. Và điều đáng nói, chính việc hứa hẹn này là nguyên nhân cơ bản khiến tôi cảm thấy căng thẳng.

Hãy nghĩ về những việc mà chúng ta đã đồng ý thực hiện giúp mọi người (dù đôi lúc không thể xem chúng là lời hứa), hay những hứa hẹn mà chúng ta buột miệng một cách vô thức, chẳng hạn như: “Tôi sẽ gọi lại cho anh sau”, “Tôi sẽ ghé qua chỗ anh”, “Tuần tới tôi sẽ gửi anh bản sao”, “Tôi sẽ lấy đồ cho anh” hoặc “Hãy gọi tôi bất cứ lúc nào anh cần người làm thay ca”. Thậm chí, những câu buột miệng như: “Không có vấn đề gì” cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối bởi như vậy có nghĩa là bạn đã chấp nhận lời đề nghị trong khi lại chưa chắc mình sẵn lòng thực hiện hoặc có khả năng thực hiện hay không. Thực tế, bạn đã cho phép người khác yêu cầu bạn thực hiện một vài điều, thậm chí nhiều điều cho họ, bởi vì bạn nói với họ là “không có vấn đề gì”.

Tôi từng mắc phải thói quen này và vướng vào nó mỗi ngày. Một vài người hỏi nhờ tôi làm vài việc như: “Anh có thể gửi cho tôi bài báo của anh được không?”; và tôi đáp lại ngay lập tức: “Chắc chắn rồi. Không vấn đề gì”. Thậm chí, tôi còn viết vào giấy để ghi nhớ nó. Vậy là tới cuối ngày hoặc cuối tuần, tôi có một trang đầy những lời hứa phải thực hiện. Lúc đó, tôi thường hối hận, thậm chí là bực mình vì đã hứa hẹn quá nhiều. Vì phải hoàn thành những lời hứa nên tôi thiếu thời gian hoặc phải gấp rút thực hiện những chuyện riêng của bản thân mình.

Chắc hẳn có nhiều người giống tôi khi để bản thân lâm vào tình cảnh phải nỗ lực để hoàn thành lời hứa. Rõ ràng, càng hứa hẹn, bạn càng chịu nhiều áp lực khi thực hiện chúng để làm hài lòng mọi nguời.

Ở đây, tôi muốn làm rõ vài điều. Tôi không khuyên bạn đừng hứa hẹn và cũng không bảo rằng việc hứa hẹn là không cần thiết. Tôi chỉ muốn khuyên bạn hãy cân nhắc trước khi hứa hẹn bất kỳ điều gì. Khi hạn chế đưa ra lời hứa, bạn sẽ không còn quá căng thẳng vì phải giữ lời nữa! Chẳng hạn, tôi thường cam đoan với các nhà xuất bản: “Tôi hứa sẽ gửi nó vào giờ này tuần tới” trong khi thực tế, các nhà xuất bản chẳng cần tôi hứa hẹn mà chỉ cần tôi nỗ lực hết sức. Nhưng vì đã đưa ra lời hứa nên tôi buộc phải cố gắng giữ lời bằng mọi cách. Một lời hứa không khiến bạn căng thẳng. Nhưng nếu hứa hẹn quá nhiều, chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối.

Tôi đã học cách đánh giá mức độ quan trọng của từng yêu cầu. Chẳng hạn, nếu người ta nhờ tôi gửi bài báo của tôi, có thể tôi sẽ đồng ý (nhưng không nêu rõ thời gian), hoặc từ chối và gợi ý cho họ cách tìm bài viết ấy qua các nguồn công cộng.

Tôi cũng học được cách bớt đi những đề nghị tự nguyện làm điều gì đó cho mọi người. Ví dụ, thay vì bảo: “Này, tôi sẽ gửi cho cậu cuốn sách mà chúng ta đang nói đến”, tôi chỉ tự nhủ nó trong đầu. Như vậy, tôi vẫn có thể gửi sách cho người này nếu tôi muốn hoặc nếu có thời gian mà không bị ràng buộc vì lời hứa của mình.

Khi hạn chế đưa ra lời hứa hẹn, bạn sẽ nhận về hai lợi ích chính. Đầu tiên, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức khi chỉ tập trung vào những lời hứa thật sự quan trọng. Thứ hai, khi bạn hứa ít đi, những lời hứa của bạn sẽ thật sự có ý nghĩa, cả với bản thân bạn và với người nhận được. Nếu hứa hẹn quá nhiều, bạn dễ nhầm lẫn giữa các lời hứa với nhau cũng như không đánh giá được mức độ quan trọng của chúng. Cuối cùng, có thể bạn lại thất hứa với người mà bạn yêu thương nhất. Ngược lại, nếu hứa ít đi, bạn có thể kiểm soát mọi thứ và tập trung vào ưu tiên của mình.

Tôi sẽ không hứa với bạn rằng bí quyết này sẽ giúp ích cho bạn – nhưng tôi chắc rằng nó có thể.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện