Chương 5 - Chim Trời Đâu Phải Là Điềm Báo
Trời đất ơi! Chỉ thiếu chút nữa là tôi đã nghiến bánh xe lên nó – trong thời gian xây nhà, Agnieszka cho tôi mượn chiếc Fiat nhỏ – và kìa có một con chim cú mèo! Một cánh gãy, nó nằm giữa đường đi. Con chim vẫn còn sống! Ula chạy đi lấy một cái hộp các tông, và đứng nhìn từ đằng xa, vì Ula cho rằng, chim là phải bay, còn tôi cho ngay con chim cú mèo vào hộp và đặt lên ghế trước. Đó chẳng phải là điềm báo hay sao? Điềm báo là tôi sẽ có nhà của riêng mình, và cuối cùng thợ điện sẽ đến, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, trời sẽ lạnh vừa vừa thôi, đường ống nhà tôi sẽ không vỡ, vì tôi đã có nước! Còn con cú mèo này sẽ được Manka chạy chữa và nó sẽ ở trên tầng áp mái nhà tôi!
Điềm báo là chuyện cực kỳ hệ trọng trong đời.
Tôi thích mình ở cái tính không hét lên kinh tởm nếu nhận được một gói phân ngựa, mà vui mừng, vì đã có một con ngựa ở đây.
Tôi đặt con cú mèo lên ghế trước, Ula đứng cách một khoảng cách an toàn, lên tiếng hỏi tôi tính sao với vụ này. Với vụ này, tôi sẽ để cho cô bạn trông nom thợ điện, vì nếu không cứu được con cú mèo thì chuyện nhà cửa của tôi sẽ bung bét chẳng đâu vào đâu. Được cái Ula tốt tính, mặc dù vẫn nghĩ lũ chim không sinh ra để đi dưới đất. Cô hứa sẽ để mắt tới đám thợ điện một cách cẩn thận.
Tôi gọi điện đến trạm thú y. Manka bảo tôi đi mua thức gì cho nó ăn. Tôi mua một con gà rán. Tôi không biết bọn chim có ăn thịt đồng loại hay không, nhưng một con cú mèo như thế này chắc là chim ăn thịt chứ còn gì . Tôi đuổi lũ mèo đi chỗ khác và nhốt con cú vào nhà vệ sinh. Hắn sẽ cảm thấy như đang ở trong rừng, vì trong buồng kín này Manka có một cây ngọc giá to đùng và mấy cái ghế mây – có thể chưa được là rừng, nhưng dù sao cũng ấm cúng, và có cây. Lũ mèo đứng rình cả hàng bên cửa nhà vệ sinh. Mèo vốn mê thịt chim mà.
Manka vào, nẹp cánh cho con chim. Cô bảo, phải đưa nó đến vườn bách thú thôi, ở đó có hẳn một ban chuyên trách chim muông. Lạ thật, sao họ không lập các ban chuyên trách đàn ông nhỉ? Được vậy thì thế giới này hẳn sẽ dễ chịu và an toàn hơn. Tôi đẩy con gà ra trước mỏ con cú. Nó uể oải. Nó ăn, song có vẻ không thích. Tôi ra ngoài và giải thích cho Manka biết, tại sao tôi phải cứu con chim cú này. Vì đó là điềm báo. Vì tôi mà cứu được nó, thì cũng cứu được cái nhà.
Manka vào nhà vệ sinh, bắt con cú từ trong giỏ ra, đặt lên bàn, bên cạnh món thịt hầm. Mấy con mèo chắc mẩm món thịt chim săn được cho bữa tối của chúng đang được sửa soạn.
- Chị ngốc lắm, – Manka nói với tôi khá thô lỗ. – Ngu lâu khó đào tạo. Thần kinh nó vừa thôi. Chị nhìn thấy điềm thì tự đi mà giải hạn. Đây là con chim, bà chị ngốc ạ, nó sẽ không xây nhà cho chị đâu. Chim trời đâu phải là điềm báo!
Nhưng sau đó Manka bảo, vết thương của con cú sẽ lành thôi.
Cô ta lắm lời như thế làm gì chứ?
* * *
Ula gọi điện báo thợ điện đã tới, Tosia gọi điện bảo tôi gọi điện cho ông để ông đừng ép nó ăn xúp. Con chim cú ngồi buồn thiu trong nhà vệ sinh. Mấy chú mèo chầu chực bên khe cửa.
Chẳng mấy nữa trời sẽ chuyển lạnh. Lá đang rụng bớt khỏi cành. Nhà hầu như đã xong, mỗi tội tường còn ướt. Mọi người khuyên tôi đốt lò sưởi., sẽ ấm cả gian nhà, mà lại rẻ. Tôi không có nguồn sưởi ấm nào khác. Thế là tôi đốt lò – tuyệt vời, nhưng tôi không thể nói là ấm.
Tôi lo cho con cú. Tôi lo cho con Borys. Mẹ tôi gọi điện phàn nàn, con Borys cắn rách một mảng ghế bành của mẹ. Tôi gọi điện cho bố, bảo bố đừng ép Tosia ăn xúp. Bố dặn, gọi điện muộn một tí, vì Tosia vẫn chưa về, nó không chịu học, mà bố thì đã kiệt sức. Chiều tối, tôi gọi cho Tosia, con gái tôi bảo, nó ghét món xúp, và cô giáo dạy toán thì dốt ơi là dốt. Tôi gọi cho Borys bảo hắn không được cắn rách bàn ghế. Tôi gọi điện cho mẹ và nói, con sẽ nghĩ cách. Tôi phải ráng chịu thôi. Không còn lâu nữa. Tất cả chúng tôi phải ráng chịu thôi.
Tôi sợ mình không chịu nổi.
Agnieszka gọi điện và bảo, trước dịp lễ, tôi và Tosia hãy đến nhà nó mà ở. Nó hỏi Grzesiek, ý anh thế nào, Grzesiek bảo các cô để cho tôi yên.
Xét thấy, ông có vẻ không chịu nổi Tosia, Tosia không chịu nổi ông, còn mẹ không chịu nổi con Borys, chúng tôi quyết định tôi và Tosia chuyển đến nhà Agnieszka, Borys chuyển đến nhà Manka, máy tính đi với tôi, con cú mèo ở lại trong nhà vệ sinh chừng nào nó còn chưa khỏe.
Tôi chia tay Manka. Phụ nữ chỉ nên lấy phụ nữ. Phụ nữ sống chung thoải mái hơn nhiều. Còn khoản sex, thỉnh thoảng có thể cho một gã đàn ông nào đó xài một lần. Nếu thích. Riêng tôi chắc chắn không bao giờ thích chung đụng với bất kỳ gã đàn ông nào nữa. Tôi cạch hẳn rồi.
* * *
Ở nhà Agnieszka và Grzesiek thật dễ chịu. Họ có nhà to, hai đứa con, trong đó có đứa cháu gái bé bỏng của tôi. Đứa trẻ thứ hai suốt ngày chơi ngoài sân, đá bóng. Tôi chỉ nhìn thấy nó độ mười giây trong bếp, lại còn bị cánh cửa tủ lạnh che khuất. Nhờ bộ đồ thể thao tôi nhận ra nó là con trai. Cũng có thể đó là con trai nhà hàng xóm, chúng giống hệt nhau, cũng vào lục tủ lạnh nhà họ. Nhìn mặt tôi không phân biệt được.
Agnieszka và Grzesiek cũng nuôi chó. Con chó tên là Klopot, tính nết rất hợp với cái tên này {Khó khăn - tiếng Ba Lan}. Hắn thường nằm ở lối đi, gầm gừ. Họ cũng có một con mèo. Con mèo tên Kleofas và là con mèo quý nhất trong toàn hệ mặt trời.
Con mèo vài hôm mới đi về nhà một lần. Đúng ra là lết về nhà. Lần thì sứt tai, lần thì rách bụng. Họ phải gọi bác sĩ thú y. Tiếc là Manka không ở gần, vì cô có thể chữa chạy cho con Kleofas, kiếm tiền đủ nuôi Mikolai, bốn con mèo, và thanh toán khoản tiền điện thoại đã tăng sáu trăm tám mươi phần trăm so với năm ngoái, vì cậu Mikolai đã yêu.
Chỉ riêng với con mèo Kleofas, Agnieszka và Grzesiek phải chi trung bình mỗi tháng vài trăm zloty. Cái tai của nó cùng với việc chữa bệnh cầu khuẩn và các lần thăm khám căn bệnh này tốn hết một nghìn hai trăm zloty. Như vậy có thể hình dung toàn bộ con mèo giá bao nhiêu. Tạm thời Kleofas chưa được thả, vì các mũi khâu còn mới (chi hết sáu trăm zloty kể cả tiền chụp điện). Theo tôi, họ thuê hẳn một bác sĩ thú ý rồi trả lương cho người ta thì chắc rẻ hơn. Hoặc mua một chiếc máy chụp X-quang.
Tạm thời bà mẹ vợ sống chung với họ và ở trong một phòng tách biệt. Tổng cộng nhà có sáu phòng. Thằng cha kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà này phải bị phạt giam ở đây cho đến hết đời mới phải. Mặc dù ngôi nhà rất rộng, chúng tôi vẫn gặp nhiều phiền toái. Agnieszka bảo, ngày mai chúng ta sẽ tính, trong tổng số hai trăm bốn mươi mét vuông phải tìm cho được một chỗ trống nho nhỏ cho tôi, Tosia và máy tính.
Vì tôi cần yên tĩnh để làm việc, Agnieszka đề nghị tôi ngủ ở phòng bóng bàn, dưới tầng hầm, trải đệm. Vì từ hôm nay cậu con trai của họ cùng đứa bạn thân sẽ ngủ trong phòng bé gái, cho nên Tosia sẽ ngủ trong phòng cậu con trai, còn phòng ngủ của họ thì hai vợ chồng và bé gái sẽ ngủ chung, như họ đã hứa với cô bé. Phòng tiếp khách thì không ai có thể ngủ được, vì là lối đi lại – ra bếp, ra tủ, ra tiền sảnh. Và xuống nhà tắm dưới nhà.
Chúng tôi phân chia phòng ngủ xong lúc một giờ đêm, nhưng con trai của họ đòi ngủ với bố mẹ, đứa bạn của nó bảo rằng, nếu vậy thì cậu ta sẽ về ngủ ở phòng của nó, cho nên bé gái phải về phòng của mình ngủ cùng Tosia. Bé gái không bằng lòng.
Tôi đi xuống phòng bóng bàn – chỉ có tôi dễ tính nhất nhà.
* * *
Ba giờ đêm, những âm thanh khó chịu khiến tôi thức giấc. Tôi đến chết mất. Có ai đó ho, khụt khịt. Hoặc húng hắng. Hoặc khò khè. Rồi tiếng cào cấu. Tiếng sột soạt.
Có cướp.
Tôi nằm im, vờ như không có ở đây. Tôi không nằm lâu được, bởi liền sau đó ngửi thấy mùi thối khó chịu. Tôi chui ra khỏi túi ngủ. Bật đèn. Ngay bên đầu tôi, con Kleofas đang cào, cố chôn xuống nền nhà lát gạch thứ nó vừa bĩnh ra.
Tôi cầm túi ngủ lên và quyết định vào ngủ trong phòng khách. Biết làm sao. Tôi lặng lẽ lần ra khỏi phòng bóng bàn. Tôi không bật đèn, sợ đánh thức cả nhà. Tôi trải túi ngủ xuống chiếc đi văng thấp. Chiếc đivăng động đậy và nói bằng giọng của Grzesiek:
- Để cho tôi yên!
Té ra là lúc một giờ đêm đứa bạn của thằng con trai chui vào phòng ngủ của hai vợ chồng vì cu cậu sợ. Grzesiek định đi sang phòng con trai, nhưng lại thấy cô con gái ngủ ở đó, vì không thích ngủ chung với Tosia. Anh ta nghĩ, có lẽ chỉ còn cách ra phòng khách mới ổn. Thế là tôi đành mang túi ngủ sang chiếc đivăng nhỏ hơn. Lúc nào tôi cũng là người vất vả nhất.
Grzesiek ngồi dậy, ngoài lời yêu cầu để cho được yên, anh ta còn rủ tôi ăn một cái gì đó, vì khi bực mình thì phải ăn, mà tôi lại đang bực anh ta, còn anh ta thì hiếu khách v.v... Chúng tôi vào bếp và làm mấy thứ đồ ăn. Chúng tôi bật tivi, có thể có chương trình gì đó. Đúng lúc trên kênh Plus bắt đầu đến đoạn kinh dị. Trong căn phòng tối om, một gã cầm cưa lưỡi tròn lùng sục. Và máu, rất nhiều máu. Thật kinh tởm! Đương nhiên là chúng tôi ngồi xem.
Năm giờ sáng, Agnieszka đi tìm Grzesiek, xuống phòng, vì mở mắt ra cô thấy mình nằm bên hai thằng nhóc, Agnieszka vốn rất quấn quýt chồng. Cô uống trà cùng chúng tôi. Tôi bảo con Kleofas tháo dạ.
- Ôi, – Agnieszka lo lắng, – chắc tại tiêm nhiều thuốc kháng sinh đấy mà.
Cô em họ không mảy may bận tâm tới chuyện Kleofas đã bĩnh cái hậu quả đường ruột ngay bên đầu tôi.
Sáu giờ sáng hai thằng bé chạy xuống nhà. Hỏi liệu chúng có được đi đá bóng hay không? Mười hai phút. Tuyết rơi. Agnieszka ra lệnh cho hai thằng phải vào giường ngay. Một lát sau cô cháu bé bỏng xuống nhà và hỏi một cách văn hoa, tại sao ở các nhà khác người ta ngủ yên được, còn nó, thật đáng tiếc, lại không kiếm được những nhà như vậy. Con bé đe sẽ giết ai đó.
Đúng vào lúc này con chó Klopot cho rằng ngày mới đã bắt đầu, và nó muốn ra ngoài đi dạo ngay lập tức. Grzesiek khoác thêm áo lông bên ngoài bộ pajama và đi ra. Con Kleofas lợi dụng lúc nhốn nháo chạy theo, lao vào đống tuyết. Agnieszka gọi Grzesiek, đuổi theo đi chứ, Grzesiek quát Agnieszka hãy im đi, quát con Klopot hãy thôi đi và đừng có kéo, quát con Kleofas hãy để cho người ta yên.
Bé gái thét toáng lên, nó muốn được yên tĩnh dù chỉ chút xíu và muốn ngủ, hai thằng nhóc con hét toáng lên, chúng nó im rồi còn gì, Tosia kêu, tại sao lại đánh thức nó dậy, khi ngay đến nhà của mình nó cũng không có và nó muốn về với ông. Bé gái quát Tosia đừng có tru tréo như vậy khi nó đã phải nhường cả phòng của mình, và nó không có chỗ nào để ngủ cả. Agnieszka quát con gái, con phải biết giữ mồm.
Tôi xuống tầng hầm dọn đống phân của con Kleofas. Tôi mở cửa sổ. Tôi quay lại lấy chăn. Tôi đóng cửa sổ, tôi quay lại lấy thêm cái chăn và túi ngủ. Tôi đẩy bàn đánh bóng ra chặn cửa. Không ai vào chỗ tôi được nữa.
Tôi ngủ thiếp đi.
* * *
- Chị sẽ không chuyển nhà được, kể cả trước lễ Phục sinh năm tới, – ông láng giềng, người mang đến tặng ba bộ cửa nói với tôi, nhờ việc đó ông ta đã đổi những bộ cửa tốt hơn ở nhà mình. Trời giá lạnh thế này. – Tôi dám cược một thùng sâm banh là chị sẽ không thể chuyển nhà trước cuối năm.
Tôi chấp nhận đánh cược.
Sau đó tôi được biết, toàn bộ hàng xóm của tôi đã cùng đánh cược là băng giá sẽ khiến đường ống nước nhà tôi vỡ toác. Một số người cam đoan sẽ vỡ, nhưng trước Noel, một số khác lại bảo sẽ vỡ, sau Năm mới. Đường ống đã không vỡ.
Vào ngày thứ hai sau lễ Noel tôi đến nhà Manka – cô ta gọi bảo tôi đến khẩn cấp và ngay tức khắc. Khẩn cấp và ngay tức khắc và ô tô bị hỏng. Ắc quy chết. Tôi bảo Grzesiek chở tôi đi. Như thường lệ, thoạt tiên Grzesiek bảo tôi hãy để cho anh ta yên, sau đó anh ta chở tôi đến nhà Manka. Khó khăn lắm tôi mới chào hỏi được, vì con Borys nhảy như điên, vẫy đuôi rối rít (ở đây nó cũng cắn rách cửa chính), tôi lao ngay vào nhà vệ sinh, thăm con chim cú mèo. Không còn thấy một vết tích nào của con chim. Lạy Chúa, vậy là tôi không thể hoàn thành ngôi nhà được rồi, tôi thua cuộc rồi, tôi thích sâm banh đến thế cơ mà. Manka theo tôi vào, sao lại có chuyện tồi tệ như vậy hả!
- Chị ngốc không chịu nổi, em đưa nó đến vườn bách thú rồi, em không biết chữa chạy lũ chim gãy cánh, ở đây có điện thoại, lẽ ra chị phải cảm ơn em đã đi một tiếng rưỡi đồng hồ trong cái thời tiết chết tiệt này, để đến cái vườn bách thú phải gió kia, lại còn bị tắc đường nữa chứ, đúng là điềm báo làm cho chị mê muội mất rồi! Ở đó người ta sẽ chữa lành cho con chim!
Cô ấn vào tay tôi mảnh giấy ghi số điện thoại. Tôi không thích ai gọi mình là ngốc, nhưng tôi mừng đến nỗi đã hôn Manka một cái.
Vậy chuyện gì mà lại phải khẩn cấp và ngay tức khắc như thế? Cô ta yêu rồi! Chỉ cần chịu cô đơn ba tuần là cô nàng sẽ quên tiệt, rằng đàn ông chính là nguyên do của mọi đau khổ và nước mắt! Rằng có thể thích một vài anh chàng, được thôi, nhưng đừng có cưới xin. Khá lắm thì họ cũng chỉ là những anh chàng không ăn ảnh như các cựu chồng của chúng ta! Rằng luôn luôn bắt đầu từ yêu, tiếp đó là giải tán. Cô ta không còn nhớ điều đó nữa. Bị mờ mắt rồi, chỉ nói được có thế này:
- Nhưng mà anh này khác.
Chẳng nhẽ cô ta đã quên rằng, tất cả bọn họ đều cùng một giuộc hay sao. Anh này khác… Trong đời, tôi không thấy người đàn ông nào khác biệt cả. Nghĩa là họ có khác nhau, nhưng chỉ bề ngoài – và cũng chỉ chút xíu thôi – khác với… tỉ dụ như khác với tổng thống. Và cũng chỉ một số người mà thôi. Còn Manka, tôi thấy cô ta mất giá quá rồi.
Lạy Chúa, xin hãy che chở con trước gã đàn ông sau này con sẽ nghĩ là “khác”.
Con Borys sủa ngậu lên khi tôi ra về.
* * *
Ở nhà, chúng tôi đang bả nốt thạch cao lên bức tường.Vẫn lạnh, mặc dầu đã đốt hết công suất lò sưởi. Nhưng không sao. Sắp đến lúc tôi mãn nguyện rồi, không bao giờ và không còn ai quấy rầy nữa, v.v… Còn vài ngày nữa. Chỉ vài ngày nữa thôi.
Như mọi ngày, cứ tối đến là bắt đầu sinh chuyện hôm nay ai ngủ chỗ nào. Hôm nay có thêm bạn của bé gái, thế chỗ thằng bạn của cậu con trai vắng mặt. Tosia đang ở nhà ông ngoại, vì nó nhớ ông, thế nhưng có mấy người quen vừa gọi điện từ ngoài ga, bảo ngày mai họ đi Kanary, họ có thể đến ngủ nhờ được không. Grzesiek cố can thiệp để họ buông tha, nhưng Agnieszka gào lên: Mời đến đi. Sau đó cô nói:
- Cái cây có chết vẫn đứng thẳng, ngồi xuống đi mẹ ơi.
Bà mẹ Agnieszka tức giận nhìn cô và ngồi xuống.
Tôi lại ngủ với con mèo Kleofas trong phòng bóng bàn, Kleofas bị đinh chọc vào hông, khi về nhà nó bị què và lại giã kháng sinh. Nếu không phải tôi sắp có nhà riêng, chắc tôi phải treo cổ mất. Ngày mai tôi đến tòa soạn nhận đợt thư mới.
* * *
Tôi buồn. Lần cuối cùng tôi ngồi trong phòng bóng bàn. Xe ô tô cho ngày mai đã đặt. Bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ ở nhà mình. Tosia, tôi và con Borys . Cuộc đời tôi với giới đàn ông từ nay cạch hẳn nhau rồi. Có đúng là giá trị của một người phụ nữ chỉ được đo bằng người đàn ông mà chị ta chung sống hay không?
Cô ả răng vàng mới sinh một thằng con trai. Tosia đã đến chỗ họ – nghĩa là đến chỗ bố, nghĩa là đến chỗ Cựu chồng tôi. Lúc về nhà nó phấn khởi lắm. Nó bảo, nó phải sớm có em bé.
Tôi cần phải ngồi vào bàn giải quyết chồng thư, lại hai mươi bốn lá. Có điều sao tôi thấy buồn buồn. Tôi ước gì Tosia đừng thích qua lại đó nhiều như vậy. Chung cục, hay hơn cả là họ nên dắt nhau đến một phương trời khỉ gió nào đó cho rảnh mắt.
Kính thưa tòa soạn,
Chồng tôi bỏ mẹ con tôi đã hơn sáu năm nay. Bây giờ anh ta tự ý liên lạc với đứa con trai mà anh ta đã không thèm đoái hoài suốt nhiều năm qua và muốn duy trì quan hệ với nó, con trai tôi thì không còn nhớ những tổn thương mà mẹ con tôi phải gánh chịu…
Lại cái gọi đàn ông!
Thưa chị,
Cho dù những lời nói của tôi có vẻ tàn nhẫn đối với chị, tôi xin nói thật lòng. Quả là tuyệt vời khi con trai của chị, dẫu sau nhiều năm, đã giành lại được bố. Cái khôn ngoan của người mẹ là ở chỗ phải tạo thuận lợi và chấp nhận thực tế rằng con trai mình cần có bố và tạo thuận lợi...
Con trai thì được, xin mời. Nhưng tôi thà rằng Jola đừng dễ thương như vậy đối với Tosia. Xét cho cùng thì nó không phải là con gái của cô ta! Cô ta đã có đứa con riêng của mình rồi kia mà.!
Ôi, lại anh chàng Xanh Lơ! Có phải vợ anh ta, sau khi đánh mất sạch ý thức về bản thân, đã quay lại?
Thưa chị,
Tôi đã nhận được ý kiến đầy lo ngại của chị về đề tài đàn ông. Tôi đang đắn đo một điều, phải chăng chị cũng đang trong hoàn cảnh y hệt như tôi? Vì chỉ có như vậy mới lý giải nổi sự chán ghét đến mức ấy của chị đối với đàn ông, cái khuynh hướng muốn đánh đồng…
Chuyện khỉ khô gì thế này? Tôi với sự chán ghét đàn ông ấy hả? Vì tôi đã viết thẳng thắn cho anh ta về những lý do… Ô, không đời nào!
Grzesiek vào phòng và hỏi tôi có thích chơi bài cho đủ bốn chân không. Đồng ý, tôi thích, thư chưa đọc, thư chẳng chạy đi đâu. Đó là buổi tối cuối cùng của chúng tôi.
Grzesiek tìm bộ bài, tôi hỏi xem đêm nay ngủ nghê thế nào đây, Agnieszka bảo bé gái lấy chiếc túi xách ngoài phòng khách đem vào phòng của mình rồi quay lại đây, vì mẹ có vài lời muốn nói với con.
Cô cháu gái bé bỏng của tôi, bé thôi chưa đủ, lại còn lắm điều. Tôi không can thiệp – đứng ngoài quan sát người khác hành hạ con thường dễ chịu hơn. Ngoài chuyện hay lý sự, nó còn có tính ưa nói tục, khiến tôi luôn bật cười, và một đứa bạn gái mà nó đang tránh mặt. Bởi nó lại chổng đít vào cô bạn, cho nên bị gọi vào để nói chuyện nghiêm túc.
Con chó của họ nằm nghễu nghện giữa lối đi – không biết các bạn có để ý một nguyên lý thế này: chó càng to càng hay chắn lối đi; con mèo của họ cào vào cửa kính đòi được ra ngoài, không ai nhìn thấy (tôi chỉ là khách); cậu con trai của họ chạy khắp phòng khách, nô đùa, đá bóng, không thèm để ý đến những lời nhắc nhở của bố mẹ; chiếc radio của họ gào thét inh tai nhức óc trong phòng bếp – ôi, bức tranh thường nhật của một gia đình.
Trong tiếng gầm gừ của con chó đang hậm hực với quả bóng, tiếng chân cậu con trai giậm thình thịch, giọng ông radio Zet ông ổng tán dương đợt bán buôn thảm trải nền nhà mới, tiếng cô em họ tôi gọi ầm ĩ, mở cửa cho con mèo ra ngoài với, tôi loáng thoáng nghe cuộc nói chuyện nghiêm túc. Đại loại, cô cháu gái bé bỏng của tôi không được coi thường bạn gái của mình. Nó hãy hình dung, nó mà ở địa vị cô bạn thì sao. Hãy thương bạn một tí. Và chơi thân với bạn. Và khoan dung với bạn. Trả lời các câu hỏi một cách lịch sự. Cố gắng kết thân với nhau. Bởi con người ta mỗi người một khác. Có những người tưởng như không có gì hấp dẫn nhưng lại rất tuyệt vời. V.v…, v.v…, những lời dạy bảo mới chí lý làm sao.
Cô cháu gái bé bỏng của tôi cố cãi rằng, không phải với người nào nó cũng kết bạn, rằng đằng nào thì cô bạn kia cũng không chịu nghe, và rằng nó không thích, nó không thể, nó sẽ không làm vậy.
Con chó cáu tiết rốt cuộc vồ lấy quả bóng, thằng con trai la hét om sòm, đòi giằng lại ngay kẻo nó làm rách bóng, tôi mở cửa cho con mèo, giọng nói trong radio gào lên “tôi là phụ nữ”, còn cô em họ tôi tiếp tục những lời dạy bảo chí lý. Cô cháu gái bé bỏng không chịu nhún nhường rốt cuộc đã hứa rằng nó sẽ thay đổi thái độ và cuộc họp kết thúc tại đó. Tuy nhiên, cuối cùng nó nói thêm: “Bố mẹ chẳng hiểu gì cả.”
Đến đây Grzesiek quyết định can thiệp và hỏi, chúng tao không hiểu cái gì. Không biết tại sao anh ta lôi cả tôi vào, tôi hiểu hết kia mà.
Bé gái lại hỏi:
- Bố mẹ còn nhớ hồi con bị viêm phế quản không?
Bố mẹ nhớ.
- Bố mẹ có nhớ một tuần liền con không đến trường không?
Bố mẹ cũng nhớ. Nhạc inh tai suốt từ sáng sớm.
Con bé thò tay với quả táo.
- Đi rửa tay cái đã, – bố quát.
- Con không chịu nổi nó, – con bé nói rồi cắn quả táo.
- Có chuyện gì? – mẹ nó hỏi.
- Nó ghê gớm lắm.
- Không có ai ghê gớm cả, – mẹ con bé dịu giọng.
- Con thử kể cho bố mẹ nghe xem nào, – ông bố vốn luôn chối mình đang xem phim tâm lý Mỹ đề nghị.
- Thế là, – con bé ghếch chân lên bàn, – nghỉ một tuần xong con đã đến trường, bố mẹ nhớ không?
Bố mẹ nhớ. Chúng tôi thở phào. Lúc này chuyện hai năm rõ mười.
- Nó hỏi con, tại sao suốt cả tuần con không có mặt ở trường. Con bảo với nó là con bị ốm. Nó hỏi, con đã làm gì? Con bảo với nó là con bị ốm. Thế còn hôm thứ Hai? Tao ốm. Còn thứ Ba? Tao nằm và tao đọc. Còn thứ Tư? Tao nằm và tao xem tivi.
Tôi thấy họ đã muốn chấm dứt cuộc độc diễn và bắt con gái đi vào thực chất của vấn đề, tuy nhiên cố kiềm chế.
- Nó lại hỏi con, thế còn thứ Năm? Tao cũng nằm. Thế cậu làm gì vào cuối tuần? Thế là con bảo nó, hôm thứ Bảy, khi những người khách cuối cùng đã ra về hết và người ta chở bố đến phòng tạm giam những người say, thì tao dọn kính cửa bị vỡ, đem vỏ chai bán cho cửa hàng thu mua, rồi dùng tiền đó đi Warszawa…
Mặt hai vợ chồng chuyển sang xanh mét, tôi không ngạc nhiên mảy may.
- … mà tiêm chích. Tao ngủ ở nhà bà dì, vì ở nhà đầy mùi thuốc lá và không ai thèm để ý gì cả.
Mặt cô em họ tôi đỏ ửng, còn ông chồng vốn nhạy cảm túm lấy tay vợ rồi hỏi với giọng hết sức bình thản:
- Rồi nó bảo sao?
- Chính thế, – con cháu tôi đáp, – Và lúc đó nó hỏi: Thế cậu làm gì hôm Chủ nhật?
Chúng tôi im tiếng.
Con bé đặt quả táo cắn dở lên bàn, kéo lê cái túi trên nền nhà, đi về phòng mình. Chúng tôi ái ngại nhìn nhau. Tôi choáng. Con bé khép cánh cửa sau lưng nó lại.
Chú em rể tôi nước mắt đã chảy ròng ròng. Tôi nhìn cô em họ. Nó cũng nghẹn họng. Vì cười. Grzesiek đứng dậy và lại tìm bộ bài. Agnieszka đứng dậy và hỏi, ai đã thả Kleofas trong khi nó phải ở trong nhà. Grzesiek đáp một cách dễ thương rằng, cứ để cho con Kleofas đi.
Thật là may phúc, kể từ mai tôi sẽ có cuộc sống riêng và không còn phải bận tâm đến mấy đứa cháu, mấy con mèo, mấy con chó và sinh hoạt gia đình của cô em họ tôi nữa.
* * *
Một giờ đêm, tôi ngồi vào máy tính. Tôi hồi âm cho anh chàng Xanh Lơ.
Thưa anh,
Tôi lấy làm lạ là anh cố trao đổi thư từ với tôi về việc riêng của tôi. Công việc của tôi là tư vấn và cung cấp các thông tin mang tính chuyên môn cho bạn đọc. Tôi thấy anh bắt đầu chế nhạo tôi. Trong tâm lý học, áp đặt cho người khác những tính cách mà mình chưa rõ mười mươi thì gọi là quy chụp. Trong một trong số những lá thư của anh, tôi có cơ hội quan sát sự quy chụp đó vận hành ra sao.
Tôi nghĩ anh không ưa đàn ông, và anh không lấy làm lạ khi một gã trong bọn họ phải lòng vợ anh. Cho dù không bao giờ tôi chia sẻ thông tin về cá nhân tôi – lần này tôi xin phá bỏ nguyên tắc ấy và tiết lộ với anh rằng, tôi chưa bao giờ có vợ và vợ không bao giờ phải làm cái việc phản bội tôi. Đối với đàn ông (trái với anh) tôi cũng không hề có một xúc cảm nào, bởi vì họ không thể là đối thủ của tôi
Kính thư thay mặt tòa soạn…
Đúng là một gã đàn ông vô liêm sỉ!
Ngày mai, lần đầu tiên trong đời tôi được ở nhà riêng của mình rồi! Ôi, cuộc đời mới đẹp làm sao! Không còn những con chó Klopot và những con mèo Kleofas, không còn lũ cháu và bạn bè của chúng, không còn chuyện yêu cầu để cho tôi được yên, không còn phiền toái vì bệnh đường ruột, không có trò đá bóng trong nhà và chơi bài đến tận ba giờ đêm – sẽ là bình yên, yên tĩnh – một cuộc sống mới!