Chương 24: Trời Long Đất Lở
Cây nụy đao này riêng cán đã dài một thước năm tấc. Thông thường các võ sĩ của đảo Phù Tang đều cầm đao bằng cả hai tay. Đao pháp của họ khác hẳn với Trung Thổ, so với kiếm pháp lại càng khác xa.
Trong tay A Cát giờ đã có nụy đao, khác nào người thợ rèn cầm bút mà đập sắt, chàng thư sinh lấy búa mà viết chữ. Có cũng chẳng bằng không có còn tốt hơn.
Nhưng chàng vẫn đón lấy cây đao. Dường như chàng đã bị mất hết cả năng lực phán đoán, không còn phán đoán được hành động như vậy có bình thường hay không nữa. Trong thoáng chốc tay chàng chạm vào cán đao thì ánh kiếm như chớp lòe đã xé toạc không gian bay tới. Thanh kiếm dài ba thước bảy tấc đã đâm vào không môn (khoảng thân thể không được che chở bảo vệ trong khi giao đấu - ND), cây nụy đao dài tám thước hết cách thi triển! Kiếm quang vừa lóe đã đến yết hầu A Cát. A Cát rung bàn tay một cái, “cách” một tiếng vang lên, cây nụy đao gãy thành hai đoạn.
Từ chỗ vừa bị đá ném trúng khi nãy gãy thành hai đoạn.
Đá ném trúng giữa thân đao. Mũi đao dài hơn ba thước rơi xuống. Vẫn còn mũi đao dài ba thước đột ngột vọt lên.
Mũi kiếm của Cừu Nhị tiên sinh như con rắn độc đâm tới chỉ còn cách yết hầu A Cát chưa đầy ba tấc, nhát kiếm này đâm ra vốn tuyệt đối chuẩn xác và chí mạng thực sự.
Nhỗ đao, ra tay... mỗi một động tác, lão đã tính toán rất chuẩn xác rồi... Có điều lão lại không tính đến chước này.
“Keng” một tiếng, lửa tóe ra, đao đã đánh trúng kiếm, không phải mũi kiếm mà là đầu mũi kiếm! Không ai có thể trong thoáng giây đỡ đòn ngược lên như ánh chớp đâm tới lại đón đúng vào đầu mũi kiếm! Không ai ra tay lại có thể mau lẹ chuẩn xác đến thế! Có thể không phải tuyệt đối không có ai, có thể hãy còn một người! Có nằm mộng Cừu Nhị tiên sinh cũng không thể tưởng tượng ra A Cát lại là người ấy! Đầu mũi kiếm bị chấn dội, Cừu Nhị tiên sinh liền cảm thấy một sự chấn dội kỳ lạ từ thân kiếm truyền sang bàn tay, cánh tay, sang vai... Sau đó lão như cảm thấy có trận gió thoảng qua. Cây đao gẫy trong tay A Cát như đã hóa thành trận gió nhẹ nhàng thổi lướt qua người lão. Lão nhìn thấy ánh đao, cũng có thể cảm thấy được trận gió này nhưng hoàn toàn không biết làm cách nào để tránh né hay che đỡ.
Khi gió ào tới liệu có ai né tránh khỏi gió? Liệu có ai biết được gió từ đâu thoảng tới?
Tuy vậy lão vẫn chưa tuyệt vọng vì lão biết lão còn một người bạn đang chực hờ ở đằng sau A Cát... Phần lớn người trên giang hồ đều cho là kiếm pháp của Cừu Nhị tiên sinh đáng sợ hơn kiếm pháp của Mao Đại tiên sinh.
Chỉ có Cừu Nhị tiên sinh tự biết cách nhìn nhận đó sai lầm đến ngu xuẩn, đáng buồn cười đến như thế nào và cũng chỉ có lão tự biết nếu Mao Đại tiên sinh muốn lấy mạng lão thì chỉ còn một chiêu đã đủ để làm việc đó rồi.
Đó là một chiêu thực sự trí mạng, đó là kiếm pháp thực sự đáng sợ. Không ai có thể lường được tốc độ, sức mạnh và sự biến hóa của chiêu này chỉ vì chưa có ai được thấy qua.
Lão cùng Mao Đại tiên sinh ra sống vào chết hoạn nạn có nhau trong suốt bao nhiêu năm mà lão cũng chỉ nhìn thấy có một lần.
Lão tin chỉ cần Mao Đại tiên sinh ra tay bằng chiêu này thì dù A Cát có may mắn tránh thoát cũng chẳng còn thừa sức đâu mà làm bị thương người khác.
Lão tin chắc bây giờ Mao Đại tiên sinh nhất định phải ra tay! Cũng trong khoảnh khắc không có gì đo lường chưa đựng được đó lão bỗng nghe có tiếng quát trầm trầm :
- Dưới đao!
Tiếng quát vang lên, tiếng gió ngừng ngay lập tức, ánh đao cũng đồng thời tiêu tan.
Kiếm của Mao Đại tiên sinh cầm trong tay đã tới sau đầu A Cát.
Khí kiếm lạnh ngắt khác nào băng tuyết ngàn đời không tan chảy trên đỉnh núi xa xăm tuy ta không sờ tay vào được nhưng vẫn cảm thấy được ý lạnh nhọn sắc như kim châm của nó, khiến cho huyết dịch lẫn cốt tủy ta bị buốt lạnh thấu vào.
Kiếm vốn lạnh sẵn nhưng chỉ có kiếm nằm trong tay cao thủ thực sự mới có thể phát ra khí kiếm buốt lạnh đến như vậy.
Nhát kiếm bay tới bỗng nhiên dừng lại đột ngột chỉ cách mạch máu lớn sau đầu A Cát không đầy nửa tấc.
A Cát không động. Chàng khi động thì như gió núi, khi không động thì như trái núi. Nhưng dù trái núi cũng có khi phải sạt đổ.
Môi chàng khô nẻ giống như vách đá trên đỉnh núi cao, trơ trơ không lộ một nét biểu hiện gì.
Chẳng lẽ A Cát không biết cây kiếm sau đầu chàng kia chỉ cầm đâm tới một tấc nữa thì máu của chàng sẽ tuôn ra bằng hết?
Chẳng lẽ thật tình chàng không sợ chết?
- Bất kể gã có sợ chết thật hay không, lần này thì gã chết chắc chắn rồi!
Cừu Nhị tiên sinh thở dài sườn sượt, Lão Chủ Lớn cũng thở dài thật dài chỉ còn chờ kiếm của Mao Đại tiên sinh đẩy tới thêm.
Mao Đại tiên sinh đăm đăm nhìn vào mạch máu phập phồng sau cổ A Cát nhưng ánh mắt lại mang một dáng vẻ rất kỳ dị, dường như đầy dẫy oán độc, lại dường như tràn trề đau khổ.
Tại sao kiếm của lão lại không đâm vào đi? Lão còn chờ gì nữa?
Cừu Nhị tiên sinh nhịn không được bật nói :
- Lão khỏi phải sợ cho ta!
Đao của A Cát chỉ cách yết hầu của Cừu Nhị tiên sinh chừng một tấc.
- Trong tay ta vẫn còn kiếm cơ mà. Ta còn cầm chắc có thể né được nhát đao này!
Mao Đại tiên sinh vẫn không có phản ứng gì.
Cừu Nhị tiên sinh bảo :
- Cứ coi như ta tránh không thoát thì lão vẫn cứ giết được gã! Người này không chết thì anh em ta chẳng còn đường sống đâu! Chúng ta không thể không mạo hiểm một phen xem sao!
Lão Chủ Lớn nói ngay :
- Đây tuyệt nhiên đừng coi là mạo hiểm, cơ hội của các vị lớn hơn của gã nhiều!
Mao Đại tiên sinh bỗng cười to. Nét cười cũng như ánh mắt của lão thật là kỳ quái.
Khi tiếng cười của lão cất lên cũng là lúc kiếm của lão rút về từ cạnh đầu A Cát đâm vọt đi đâm thẳng vào vai Cừu Nhị tiên sinh.
“Keng” một tiếng. Kiếm trong tay Cừu Nhị tiên sinh rơi xuống, máu đỏ phọt ra, phọt cả lên mặt ông ta.
Mặt Cừu Nhị tiên sinh vừa căm giận vừa kinh ngạc đến méo xệch.
Lão Chủ Lớn cũng nhảy dựng lên.
Chẳng ai nghĩ được sự biến hóa này, chẳng ai hiểu Mao Đại tiên sinh sao lại làm như vậy?
Có thể chỉ có Mao Đại tiên sinh cùng A Cát biết mà thôi.
Nét mặt A Cát vẫn không lộ một nét tình cảm nào, dường như sự diễn biến này vốn đã nằm trong dự đoán của chàng.
Chỉ riêng trong mắt chàng vẫn ngập tràn đau khổ thậm chí còn đau khổ sâu sắc hơn cả ánh mắt của Mao Đại tiên sinh.
Bỗng Mao Đại tiên sinh thở dài bảo :
- Phải chăng chúng ta năm năm rồi không gặp nhau?
Câu này là nói với A Cát. Coi bộ không phải họ chỉ biết nhau mà có khi còn là bạn hữu của nhau nhiều năm.
Mao Đại tiên sinh lại bảo :
- Mấy năm lại đây ngươi sống khá không? Có đau bệnh gì không?
Bạn bè nhiều năm không gặp gỡ bỗng dưng gặp lại dĩ nhiên phải hỏi han nhau, đây là một câu hỏi rất thông thường nhưng câu này từ miệng Mao Đại tiên sinh thốt ra dường như mở miệng mà cũng chẳng quay đầu lại.
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Dù sao ta cũng đã nhận ra ngươi, tại sao ngươi vẫn không chịu quay đầu lại để ta nhìn xem ngươi chứ?
A Cát bỗng thở dài bảo :
- Dù sao ngươi đã nhận ra ta thì hà tất phải nhìn xem nữa làm gì?
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Thế thì ít ra ngươi cũng nên xem ta biển đổi ra sao vậy?
Tiếng của lão nói rất nhẹ nhàng nhưng lại như một tiếng thét khản đặc.
Cuối cùng A Cát cũng quay đầu. Vừa quay lại mặt chàng đã biến sắc. Người đứng trước mặt chàng chẳng qua chỉ là một ông già tóc bạc phơ phơ và cũng chẳng có chỗ nào đặc biệt lạ lùng đáng sợ cả. Nhưng nhìn nét biểu hiện trên mặt lão thì so với việc gặp một con quái vật thời hồng hoang ta còn phải giật mình hơn nhiều.
Mao Đại tiên sinh lại cười, tiếng cười càng kỳ quái hơn :
- Ngươi xem có phải ta biển đổi rất nhiều không?
A Cát dường như định nói gì nhưng lại chẳng có tiếng nào phát ra.
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Giá chúng ta ngẫu nhiên gặp nhau giữa đường, chỉ sợ người chẳng nhận được ra.
Ông ta chợt quay mặt hỏi Lão Chủ Lớn :
- Có phải ông đang lấy làm lạ là gã nhìn thấy ta tại sao lại giật mình như thế chứ gì?
Lão Chủ Lớn chỉ còn biết gật đầu. Quả thực lão nghĩ không ra quan hệ giữa hai người này là thế nào đây?
Mao Đại tiên sinh lại hỏi :
- Ông xem gã bao nhiêu tuổi rồi?
Lão Chủ Lớn nhìn A Cát ngần ngừ bảo :
- Hơn hai chục, chưa đến ba mươi
Mao Đại tiên sinh hỏi tiếp :
- Còn ta?
Lão Chủ Lớn nhìn ông ta đầu đầy tóc bạc phơ cùng những nét nhăn đầy mặt thì nghĩ thầm trong bụng là nên nói bớt đi ít tuổi nhưng cũng chớ nên bớt quá nhiều.
Đang nghĩ thì Mao Đại tiên sinh bảo :
- Ông xem tôi có phải khoảng chừng sáu chục không?
Lão Chủ Lớn bảo :
- Thoạt nhìn thì các hạ độ sáu chục, nhưng xem kỹ thì chỉ độ năm ba năm tư thôi!
Mao Đại tiên sinh bỗng dưng cười vang.
Ông ta cười như xưa nay chưa được nghe chuyện gì đáng cười hơn nhưng tiếng cười của ông ta nghe kỹ chẳng có nét cười vui nào thậm chí có mấy phần như tiếng khóc.
Lão Chủ Lớn nhìn Mao Đại tiên sinh rồi lại nhìn A Cát bảo :
- Chẳng lẽ tôi toàn đoán sai ư?
Cuối cùng A Cát thở dài bảo :
- Tôi tuổi Hổ, năm nay chẵn ba mươi hai
Lão Chủ Lớn bảo :
- Còn ông ấy?
A Cát đáp :
- Ông ta chỉ hơn tôi ba tuổi
Lão Chủ Lớn giật mình nhìn Mao Đại tiên sinh. Bất kỳ ai cũng không thể nào nhìn nhận con người này mới ba mươi nhăm tuổi.
- Sao ông ấy mau già đến như vậy?
A Cát đáp :
- Vì cừu hận!
Cừu hận quá sâu sắc cũng chẳng khác gì đau thương quá sâu sắc, cả hai thứ đều khiến người ta đặc biệt dễ dàng già lão suy bại.
Tất nhiên Lão Chủ Lớn hiểu rõ đạo lý này nhưng không nén được mà phải bật hỏi :
- Ông ấy hận gì?
A Cát đáp :
- Ông ấy hận tôi!
Lão Chủ Lớn thở dài hỏi :
- Tại sao ông ấy lại hận ngươi?
A Cát bảo :
- Vì tôi dan díu với vợ chưa cưới của ông ấy!
Mặt chàng lại biến thành hoàn toàn không lộ một tình cảm nào chỉ nhạt nhẽo nói tiếp :
- Lần ấy tôi vốn thành tâm đến chúc mừng nhưng đến đêm thứ hai họ đính hôn thì tôi dẫn vợ chưa cưới của ông ấy đi theo.
Lão Chủ Lớn hỏi :
- Và vì ông ấy cũng yêu người ấy chứ gì?
A Cát không trả lời trực tiếp vào câu hỏi ấy mà chỉ lạnh lùng bảo :
- Chỉ vì sau khi dắt nhau đi ăn ở với nhau nửa tháng tôi đã bỏ cô ấy.
Lão Chủ Lớn bảo :
- Sao ngươi lại có thể làm được cái việc như thế?
A Cát đáp :
- Vì tính tôi thích thế
Lão Chủ Lớn hỏi :
- Chỉ cần ngươi thích bất kỳ việc gì ngươi cũng làm ư?
A Cát đáp :
- Phải!
Lão Chủ Lớn thở dài sườn sượt bảo :
- Bây giờ thì coi như ta rõ cả rồi!
A Cát hỏi :
- Rõ cái gì?
Lão Chủ Lớn bảo :
- Vừa rồi ông ấy không giết ngươi vì không muốn ngươi chết quá nhanh! Ông ấy muốn để ngươi sống cũng như ông ấy chịu đủ mọi sự dày vò rồi mới từ từ mà chết!
Mao Đại tiên sinh đang cười bỗng ngưng bặt, rồi đột ngột quát to :
- Mẹ ngươi đừng có vãi rắm rít ra nữa!
Lão Chủ Lớn ngẩn người.
Mao Đại tiên sinh nắm chặt tay quyền, đăm đăm nhìn A Cát dằn từng tiếng :
- Ta nhất định bắt ngươi phải nhìn ta, chỉ vì ta muốn ngươi phải rõ một điều...
A Cát lắng nghe.
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Ta hận không phải ngươi mà là hận bản thân mình vì thế ta mới tự dày vò mình đến cơ sự này!
A Cát trầm ngâm, cuối cùng chàng chậm chạp gật đầu bảo :
- Ta rõ rồi!
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Ngươi có tha thứ cho ta chăng?
A Cát lúng túng :
- Ta... ta... tha thứ cho ngươi từ lâu rồi!
Mao Đại tiên sinh thở dài nhẹ nhõm như thể cất được gánh nặng ngàn cân đè trên vai xuống. Sau đó ông ta quỳ xuống, quỳ trước mặt A Cát lẩm bẩm :
- Cảm ơn ngươi... cảm ơn ngươi!
Cừu Nhị tiên sinh từ lâu đến giờ ngây người ngạc nhiên nhìn Mao Đại tiên sinh bỗng nhịn không nổi gào lên :
- Gã cuỗm vợ ngươi đi chơi chán rồi vứt bỏ, ngược lại ngươi còn xin gã tha thứ, còn cảm ơn gã... Ngươi... ngươi... Sao khi nãy không nhường ta một kiếm giết gã cho xong!
Vì khi nãy kiếm của lão đang động vẫn còn cơ hội ra tay. Lão đã thấy A Cát bị lời lão nói làm cho phân tâm ai ngờ bạn bè của lão lại ra tay cứu A Cát.
Mao Đại tiên sinh khe khẽ thở dài bảo :
- Lão cho là khi nãy ta cứu gã thật ư?
Cừu nhị tiên sinh giận hỏi :
- Chẳng lẽ còn không phải vậy?
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Ta cứu không phải là gã mà là lão! Vừa rồi nhát kiếm đó ngươi ra tay thì chết ngay không có chỗ chôn!
Mao Đại tiên sinh cười gượng rồi nói tiếp :
- Cứ cho là ta vong ân bội nghĩa cứ cùng ngươi ra tay cũng chẳng chạm được mảng lông gã đâu!
Lửa giận của Cừu Nhị tiên sinh biến thành kinh lạ, ông ta biết người bạn này không có nói ngoa nhưng không nén nổi đành hỏi :
- Khi nãy hai ta song kiếm giáp đánh thành thế “Thiên Địa Giao Thái” gã còn có cách phá được ư?
Mao Đại tiên sinh đáp ngay :
- Gã có cách!
Mặt ông ta chợt lộ vẻ tôn kính mà bảo :
- Trên đời chỉ có một mình gã, chỉ có một cách...
Cừu Nhị đột nhiên biến sắc mặt bảo :
- Thiên Địa câu phần ư?
Mao Đại tiên sinh đáp ngay :
- Không sai, “Địa phá thiên kinh, Thiên địa phân cầu”! (Đất phá trời kinh, đất trời đều cháy).
Cừu Nhị tiên sinh kêu lên thất thanh :
- Lẽ nào gã là người ấy?
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Đúng gã đấy!
Cừu Nhị tiên sinh luống cuống lùi lại, dường như đứng không vững nữa.
Mao Đại tiên sinh bảo :
- Đời ta chỉ làm có mỗi một việc thành tội không thể cứu nổi, nếu không phải có một người giữ cho ta bí mật đó thì ta đã chết chẳng có đất chôn rồi!
Cừu Nhị tiên sinh bảo :
- Gã chính là người ấy ư?
Mao Đại tiên sinh đáp :
- Chính đấy!
Ông ta lại chậm rãi nói tiếp :
- Đó là chuyện đã qua từ nhiều năm trước. Những năm lại đây ta vẫn thường gặp gã nhưng gã chẳng bao giờ để cho ta có dịp nói, chẳng bao giờ chịu nghe nói trọn một câu, còn bây giờ..
Còn bây giờ câu ấy cũng không nói trọn được nữa... Đột nhiên một làn ánh sáng lạnh im hơi lặng tiếng bay vút tới :
một đoạn cây đao dài ba thước cắm phập vào lưng ông ta... Máu tươi phụt ra. Khi Mao Đại tiên sinh ngã xuống dường như Trúc Diệp Thanh cười nụ.
Người ra tay không phải gã. Người ra tay không cười, chàng thiếu niên bình thời mặt lúc nào cũng mang sẵn nụ cười rất đáng yêu giờ cũng không cười.
Thấy gã ra tay, Lão Chủ Lớn giật mình. A Cát cũng giật mình. Cừu Nhị tiên sinh cũng giật mình và phẫn nộ, nghiêm giọng quát :
- Kẻ này là ai?
Chàng trai trẻ đáp :
- Tôi là “Chú em”!
Gã chầm chậm đi tới bảo :
- Tôi chẳng qua chỉ là một kẻ không tên tuổi, một thằng nhỏ vô dụng mà thôi. Các bậc đại anh hùng, đại kiếm khách như các vị dĩ nhiên sẽ chẳng giết tôi nào!
Cừu Nhị tiên sinh giận giữ bảo :
- “Sát nhân giả tử”. Bất kỳ ai giết người cũng vậy!
Ông ta giơ kiếm lên.
“Chú em” mặt không đổi sắc điềm nhiên bảo :
- Chỉ có tôi là không thế! Tôi biết rõ là ông không giết nổi tôi!
Cừu Nhị tiên sinh kiếm cầm trong tay rồi nhịn không được hỏi ngay :
- Tại sao?
“Chú em” bảo :
- Vì chỉ cần ông ra tay nhất định có người sẽ giết ông hộ tôi ngay!
Cừu Nhị tiên sinh hỏi :
- Có thật thế không?
“Chú em” đáp :
- Thật chứ!
A Cát nén không được hỏi :
- Ai sẽ giết ông ta hộ ngươi?
“Chú em” bảo :
- Đương nhiên là ông!
A Cát bảo :
- Tại sao ta đương nhiên giết người cho ngươi?
“Chú em” bảo :
- Chỉ vì tôi vốn không có tên họ, lại vô dụng, nhưng có một người mẹ rất hiền rất quen ông.
Sắc mặt A Cát thay đổi :
- Chẳng lẽ mẹ ngươi là... là...
Giọng chàng khản đi, chàng không nói được ra cái tên ấy, cái tên mà chàng đã cố gắng quên đi nhưng lại vĩnh viễn không quên nổi.
Chàng không nói ra nhưng “chú em” đã nói ra thay chàng :
- Mẹ tôi là đại tiểu thư nhà Mộ Dung thế gia ở Giang Nam là tiểu sư muội của Mao Đại tiên sinh...
Trúc Diệp Thanh mặt lộ vẻ cười, nói tiếp thay “chú em” :
- Tên đẹp của vị đại tiểu thư đó là Mộ Dung Thu Hoạch!
Tay A Cát lạnh giá, lạnh vào đến tận xương tủy.
“Chú em” nhìn chàng lạnh lùng bảo :
- Mẹ tôi dặn dò năm bảy lượt, bảo là ra ngoài thấy kẻ nào bịa đặt rông càn bôi nhọ tiếng tăm nhà Mộ Dung thế gia nếu tôi không thay mẹ tôi giết đi thì không báo đáp được cho mẹ, huống hồ lão Mao Đại tiên sinh này vốn là người trong họ Mộ Dung thế gia, tôi có làm thế này chẳng qua chỉ là thay mẹ tôi làm việc chấn chỉnh trong nhà mà thôi!
A Cát vận sức nắm chặt hai tay quyền bảo :
- Mẹ ngươi làm Chưởng môn chấp pháp nhà Mộ Dung từ bao giờ?
“Chú em” đáp :
- Cũng chưa lâu lắm!
A Cát hỏi :
- Sao mẹ ngươi không giữ ngươi ở bên mình?
“Chú em” thở dài bảo :
- Chỉ vì tôi là đứa trẻ không nhìn được mặt ai, căn bản không đủ tư cách để vào được nhà Mộ Dung thế gia, đành sống gửi thác nhờ vào nhà người ta làm hạng người vào luồn ra cúi mà thôi!
Sắc mặt A Cát biến hẳn, trong mắt ngập tràn khổ đau và bi phẫn. Mãi rất lâu sau chàng mới khẽ hỏi :
- Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
“Chú em” đáp :
- Tôi năm nay mới mười lăm.
Lão Chủ Lớn giật mình, bất kỳ ai cũng không thể nhìn ra chàng thiếu niên này vẫn chỉ là một đứa bé mới mười lăm tuổi.
“Chú em” nói :
- Tôi biết người ta nhất định chẳng nhìn nhận tôi năm nay mới mười lăm tuổi thì cũng như người ta đâu có nhìn nhận Mao Đại tiên sinh năm nay mới ba mươi nhăm tuổi!
Gã bỗng bật tiếng cười vẻ cười cực kỳ thê thảm :
- Đó có lẽ chỉ vì cuộc đời tôi quá khổ sở so với con cái người khác nên cũng có mau lớn khôn hơn con nhà khác.
Kinh nghiệm trong khổ đau rõ ràng dễ dàng làm một đứa trẻ trưởng thành nên người lớn.
Cừu Nhị tiên sinh nhìn “Chú em”, lại nhìn A Cát rồi bỗng dậm chân cúi xuống ôm xác người bạn bỏ đi không ngoái lại.
Lão Chủ Lớn thấy ông ta ra đi bản thân sợ phải đi nên không nhịn được bật nói :
- Cừu Nhị tiên sinh, xin hãy dừng bước!
“Chú em” lạnh lùng bảo :
- Ông ấy biết rõ suốt đời này việc báo thù là vô hy vọng rồi, có ở lại há chẳng càng thêm mất thú ư?
Câu nói này “xóc óc” rất làm tổn thương người khác, nam nhi trên chốn giang hồ liều mạng sống chẳng qua cũng chỉ vì lời lẽ kiểu này. Nhưng bây giờ “Chú em” đã tính chắc là Cừu Nhị tiên sinh dù có nghe thấy cũng vờ làm như không nghe thấy, vì lời gã nói ra đúng là một sự thực khó lòng tranh cãi.
Chính vì vậy “chú em” không ngờ được là Cừu Nhị tiên sinh lại lùi bước, lão đã ra đến cửa còn trở vào, từng bước lùi trở vào, trên khuôn mặt trắng bệch lộ vẻ rất kỳ quái, không phải là đau buồn, phẫn nộ mà là kinh hoàng, khiếp sợ.
Lão chẳng còn là loại trẻ trai nóng máu, cũng chẳng phải là người không biết thị phi nặng nhẹ. Rõ ràng lão không nên quay lại mới phải, trừ phi lão vẫn còn một con đường khác để rút lui! “Chú em” thở dài lẩm bẩm :
- Rõ ràng là người thông minh, tại sao cứ khăng khăng chuốc lấy những điều chẳng thú vị gì?
Ngoài cửa có người lạnh lùng lên tiếng :
- Vì lão không còn đường để đi chứ sao!
Tiếng nói nguyên ở rất xa, chỉ nghe ngoài sân lát đá kêu “cộc” một tiếng đã thấy đến ngoài cửa, tiếp đó lại thấy “cộc” tiếng nữa, người ngoài cửa kia đã vào trong phòng.
Người này bên trái một tay áo rỗng giắt vào thắt lưng, chân bên phải bị tiện cụt tới gối nhưng lắp một đọan chân gỗ, mắt bên trái bị một vết dao chém xiên từ trên góc trái xuống lòi cả xương mày trắng hếu. Té ra đây là một người tàn phế một tay, một chân, một mắt! Lẽ ra với hình dạng thế này con người phải xấu xa, nanh ác, ghê sợ... nhưng người này lại không như vậy! Ông ta chẳng những ăn mặc chững chạc, áo quần hoa lệ, mà còn là một người đàn ông đầy vẻ quyến rũ, ngay cả vết dao chém ngang mặt cũng nghiễm nhiên ngầm mang một vẻ cuốn hút tàn khốc. Quần áo ông ta mặc làm toàn bằng tơ, trên đai lưng ngọc thắt ở bụng phệ dắt xeo xéo một cây kiếm ngắn.