Chương 37: Nhìn Thấu Lẽ Sống Chết

Bên cạnh lão có một chàng thiếu niên mặc hoa hoét đứng ra cãi lại :

- Đây đâu phải chỉ là vết thương xoàng! Vị tiên sinh này bị thương rất nặng đến nỗi tận giờ học sinh này cũng chưa được thấy bao giờ!

“Chú em” trợn mắt nhìn gã bảo :

- Ngươi là thứ gì?

Thiếu niên kia bảo :

- Học sinh không phải là “thứ gì”, học sinh là người tên là Giản Truyền Học.

“Chú em” hỏi :

- Ngươi là con của Giản Phục Sinh hả?

Thiếu niên đáp :

- Dạ phải!

“Chú em” bảo :

- Người đã tên là Truyền Học tức là đã được truyền học vấn của lão, chắc về đường học vấn cũng không ít nhỉ!

Giản Truyền Học bảo :

- Học sinh tuy tài non học kém nhưng về phương diện y lý khuôn vàng thước ngọc cũng biết được một chút.

Gã trỏ người đứng sau bảo :

- Các vị chú bác ở đây cũng toàn là các bậc giỏi giang, những vết thương chúng tôi chữa khỏi người khác nghĩ tất cũng chữa không khỏi đâu!

“Chú em” nổi giận bảo :

- Sao ngươi nghĩ người khác chữa tất cũng không khỏi?

Giản Truyền Học bảo :

- Vết thương trên mình vị tiên sinh đây tổng cộng năm chỗ, hai chỗ là vết thương cũ, ba chỗ thì mới cách đây vài ngày bị người dùng kiếm sắc đâm thành thương tích. Tuy không phải ở nơi yếu hại nhưng nhát kiếm nào cũng đâm vào rất sâu thành thương tích ở gân cốt nơi cơ khớp!

Gã thở dài rồi nói tiếp :

- Người bệnh giá sau khi bị thương được chạy chữa ngay thì có thể còn cứu được. Tiếc thay sau khi bị thương lại phải lao lực quá độ, rồi lại còn uống rượu nặng vào quá nhiều nên làm cho vết thương bắt đầu hoại tử.

Gã phân tích bệnh lý câu nào cũng có căn cứ, “Chú em” chỉ còn nước đứng mà nghe.

Giản Truyền Học bảo :

- Nhưng nghiêm trọng nhất lại chính là hai vết thương cũ. Cứ coi như chúng tôi chữa khỏi vết thương mới đi thì ông ấy cũng chỉ sống được có bảy ngày nữa thôi!

“Chú em” biến sắc mặt hỏi gặng :

- Bảy ngày?

Giản Truyền Học đáp :

- Nhiều nhất là bảy ngày!

“Chú em” hỏi :

- Nhưng hai chỗ bị thương cũ nhìn chẳng thấy liền vết lại rồi ư?

Giản Truyền Học đáp :

- Chính vì vết thương liền miệng vì thế nhiều nhất mới được bảy ngày!

“Chú em” bảo :

- Ta không hiểu!

Giản Truyền Học bảo :

- Dĩ nhiên công tử không hiểu rồi. Số người hiểu được chuyện này cũng không có nhiều đâu. Chẳng may cho ông ấy lại quen một người mà cũng vừa may lại là bạn bè của ông ấy.

“Chú em” nghe lại càng chẳng hiểu gì :

- Là bạn bè của ông ấy ư?

Giản Truyền Học bảo :

- Ông ấy bị thương xong vừa may được gặp ông bạn kia có mang theo thuốc kim sang loại tốt nhất và cũng vừa khéo lại có mang theo cả hóa cốt tán.

Gã thở dài một cái rồi nói tiếp :

- Thuốc kim sang sinh cơ, hóa cốt tán làm nhũn xương. Khi thấy vết thương liền miệng chính là lúc sang độc đã đi vào xương. Trong bảy ngày nữa, một trăm ba mươi bảy khúc xương của ông ấy sẽ hóa thành máu mủ.

“Chú em” nắm chặt tay Giản Truyền Học, nắm rất chặt hỏi :

- Không có thuốc gì chữa được loại độc này à?

Giản Truyền Học đáp :

- Không có!

Gã trả lời gọn lỏn, khẳng định dứt khoát khiến người khác không thể nghi ngờ, càng không thể không tin.

Nhưng để “Chú em” nhất định phải tin điều này thì thật là đau khổ, tàn nhẫn biết bao! Chỉ cần Giản Truyền Học nói ông bạn kia là ai và nếu để “Chú em” biết thì nỗi đau khổ càng sâu sắc.

Chỉ có đau khổ thôi, không thể có gì khác được. Vì có muốn hận, “Chú em” cũng không thể nào hận được! Người cần yêu thì không được yêu, người cần hận cũng không được hận, đối với một chàng tuổi trẻ máu còn chưa lạnh lùng, nỗi đau khổ này chịu đựng sao đây?

Gã chợt nghe Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Nhiều nhất bảy ngày, ít nhất thì mấy ngày?

“Chú em” không dám quay lại nhìn Tạ Hiểu Phong, cũng không muốn nghe Giản Truyền Học trả lời. Nhưng rồi “Chú em” vẫn phải nghe thấy.

- Ba ngày!

Giản Truyền Học trả lời tuy dứt khoát và rõ rệt, giọng nói cũng có vẻ đau thương không thể nào khác được :

- Ít nhất cũng chỉ được ba ngày!

Một con người bỗng nhiên phát hiện cuộc sống của mình chỉ còn lại vẻn vẹn có ba ngày ngắn ngủi thì sẽ có phản ứng thế nào?

Phản ứng của Tạ Hiểu Phong lại rất đặc biệt. Tại sao chàng còn cười được?

Phải chăng vì sự khinh miệt và châm biếm đối với cuộc sống? Hay vì đã đàng hoàng nhìn thấu suốt hết cả?

“Chú em” bỗng xoay mình chạy tới, cao giọng hỏi :

- Tại sao ông vẫn còn cười được? Ông vẫn còn cười được cơ à?

Tạ Hiểu Phong không trả lời mà hỏi lại :

- Mọi người từ xa tới, chẳng lẽ chủ nhà lại không có rượu khoản đãi ư?

Giản Truyền Học tự nhiên run cả tay, đến lúc này gã mới thở ra một hơi dài.

ý nghĩ “uống một chén” thông thường đâu chỉ thực sự uống có một chén.

Ba chén vào bụng rồi, tay Giản Truyền Học mới khôi phục lại được sự ổn định vững vàng. Rượu có khi giúp người ta giải tỏa được thần kinh, ổn định được tinh thần.

Nhưng đã là thầy thuốc ngoại khoa quanh năm cầm dao mổ thì không được có đôi tay thường run rẩy.

Tạ Hiểu Phong từ nãy đến giờ vẫn đăm đăm nhìn hai tay của Giản Truyền Học bỗng cất tiếng hỏi :

- Ngươi hay uống rượu, nhưng uống không được nhiều?

Rồi chàng hỏi tiếp ngay :

- Nếu một người thường uống rượu phải chăng vì người đó thích uống rượu?

Giản Truyền Học đáp :

- Đại khái là thế!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Đã thích uống rượu, tại sao không uống nhiều?

Giản Truyền Học bảo :

- Vì uống quá nhiều sẽ tổn hại thân thể, vì vậy...

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Vì vậy về tâm lý ngươi thích uống rượu, nhưng không thể không miễn cưỡng khống chế bản thân chứ gì!

Giản Truyền Học cúi đầu thừa nhận.

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Vì ngươi còn muốn sống nữa, muốn sống thêm nhiều năm nữa, sống càng dai càng hay!

Giản Truyền Học càng không thể phủ nhận. Cuộc sống quí báu như thế có ai lại không tiếc?

Tạ Hiểu Phong nâng chén uống cạn bảo :

- Mỗi con người đang sống nhất định trong lòng ôm ấp nhiều việc muốn làm mà không dám làm vì mỗi con người còn muốn sống thì khó tránh khỏi những điều trái buộc, những điều cấm đoán kiêng kỵ!

Giản Truyền Học lại thở dài thật dài, cười gượng bảo :

- Trong đám chúng sinh đông nhung nhúc có ai mà không bị gò bó, được tùy tâm sở dục!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Có một loại người.

Giản Truyền Học hỏi :

- Loại nào cở

Tạ Hiểu Phong mỉm cười :

- Loại người biết mình chỉ còn sống có mấy ngày nữa!

Chàng lại cười. Nhưng trừ chàng ra còn ai dám cười? Ai nỡ cười và cười được?

Trong mọi bi kịch của loài người còn có bi kịch nào buồn thương hơn cái chết?

Loại buồn thương vĩnh hằng! Rượu đủ rồi.

Mà lại vẫn chưa đủ! Tạ Hiểu Phong bỗng hỏi :

- Nếu ngươi biết chắc là ngươi chỉ còn sống được có mấy ngày nữa trong mấy ngày ấy ngươi sẽ làm gì?

Đây là một vấn đề rất vi diệu, kỳ diệu mà đầy hứng thú nhưng cũng mang theo một sự châm biếm thật tàn nhẫn.

Có lẽ rất nhiều người đêm vắng người thưa không tài nào chợp mắt được mới tự hỏi mình như vậy.

“Nếu ta chỉ còn sống được có ba ngày nữa thì trong ba ngày ấy ta sẽ làm gì?”

Nhưng người mang vấn đề này đi hỏi người khác chắc cũng không nhiều.

Người mà Tạ Hiểu Phong hỏi không phải là một người vớ vẩn nào đó mà là một người cùng ngồi ngay ở đấy.

Trong đám uống rượu bỗng có người đứng bật dậy cao giọng bảo :

- Nếu phải là tôi thì tôi sẽ đi giết người!

Người này tên là Thi Kinh Mặc.

ở vùng Tây Hà, họ Thi là một nhà có danh giá. Tổ tiên họ Thi đều là nho y rất nổi tiếng, truyền đến Thi Kinh Mặc vừa chín đời, đời nào cũng là hạng quân tử giữ tròn quy củ nhà Nho.

Thi Kinh Mặc cũng là quân tử tính tình trầm lặng ít nói, trang nhã lễ độ. Bây giờ bỗng bật nói ra câu đó là những người quen biết ông ta đều phải ngạc nhiên.

Tạ Hiểu Phong chỉ cười hỏi :

- Ông định đi giết người ư? Giết bao nhiêu người?

Thi Kinh Mặc dường như giật mình vì vấn đề đó, lẩm bẩm bảo :

- Giết bao nhiêu người ư? Ta có thể giết được bao nhiêu người nhỉ?

Tạ Hiểu Phong vẫn hỏi :

- Ông định giết bao nhiêu người?

Thi Kinh Mặc bảo :

- Tôi vốn định giết một người, bây giờ nghĩ lại thì hãy còn hai người nữa cần giết!' Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Họ có lỗi với ông à?

Thi Kinh Mặc nghiến răng, mắt bừng lửa giận dường như kẻ thù ở ngay trước mắt mà bất kỳ lúc nào ông ta cũng sẵn sàng chém rụng đầu họ.

Tạ Hiểu Phong thở dài bảo :

- Rất tiếc là ông hãy còn sống nhiều ngày nữa vì vậy ông đành nhìn họ tiêu dao tự tại sống thêm còn lâu, rất có thể là còn khoái lạc hơn cuộc sống của ông nữa là khác!

Thi Kinh Mặc ngồi ngẩn ra rất lâu, hai bàn tay nắm chặt thả lỏng dần ra, lửa giận trong mắt cũng dịu dần, âm thầm bảo :

- Quả không sai, bởi vì tôi còn sống nữa vì vậy cũng đành để họ sống thôi!

Giọng ông ta tràn trề nỗi buồn rầu cam chịu, được sống nữa, đối với ông ta mà nói đã trở thành một loại gánh nặng cuộc đời.

Ông ta không sao nén nổi mà không tự hỏi lòng :

- Một con người được sống tiếp tục, là hạnh phúc hay là bất hạnh?

Tạ Hiểu Phong bỗng ngay mặt đăm đăm nhìn Giản Truyền Học, hỏi :

- Còn ngươi?

Giản Truyền Học nãy giờ vẫn trầm ngâm suy nghĩ, dường như bị vấn đề hỏi làm cho giật mình :

- Tôi ư?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ngươi là người rất có tài năng, xuất thân tử tế, có học hành tử tế, lại cương cường chính trực, tưởng rằng toàn được người đời tôn trọng. Chắc bản thân ngươi dĩ nhiên chẳng dám làm chuyện gì vượt ngoài quy củ của lễ giáo chứ!

Giản Truyền Học không thể phủ nhận điều đó.

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Nếu ngươi chỉ còn được sống ba ngày nữa thì ngươi làm gì?

Giản Truyền Học bảo :

- Tôi... tôi sẽ đi sắp xếp hậu sự cho tử tế, sau đó lặng lẽ đón chờ cái chết!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Thật không?

Giản Truyền Học gật đầu rồi bỗng đứng dậy cao giọng bảo :

- Không phải tôi nói thật đâu, hoàn toàn không phải thế!

Gã uống liền một mạch ba chén rượu xong mới nói to :

- Nếu quả thật tôi chỉ còn sống có ba ngày nữa tôi phải đi ăn uống cho thỏa thích, cờ bạc gái điếm cho long trời lở đất, tôi sẽ bắt bọn điếm toàn thành lại trần truồng tất cả ra mà chơi cút bắt...

Bố gã giật mình nhìn con trai :

- Ngươi... ngươi sao lại nghĩ chuyện làm những điều như thế?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Làm những chuyện ấy vốn cũng thú lắm chứ! Nếu như ông chỉ được sống ba ngày nữa chưa biết chừng ông cũng đi làm như vậy cũng nên!

Giản Phục Sinh lúng túng :

- Tôi... tôi...

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Cũng rất tiếc là cha con ông còn sống lâu vì vậy trong lòng các người nghĩ ngợi tưởng chết rồi cũng lại chỉ dám nghĩ thầm trong bụng mà thôi!

Giản Phục Sinh thở dài bảo :

- Nói thực, đến nghĩ tôi còn chưa dám nữa là!

Một chị vú trạc hai bảy, hai tám tuổi đang bê một đồ lớn thịt vịt hầm hơi nóng ngùn ngụt bước vào. Chị này trông cũng khá xinh.

Tạ Hiểu Phong bỗng hỏi chị ta :

- Nếu ngươi chỉ được sống có ba ngày nữa thì ngươi định làm gì?

Chị vú bị hỏi vậy thì giật nẩy mình, trù trừ không dám nói ngay.

“Chú em” sa sầm mặt bảo :

- Tạ tiên sinh đã hỏi, ngươi phải trả lời thật thà!

Chị vú vừa thẹn thùng vừa khiếp sợ, cuối cùng đỏ bừng mặt bảo :

- Tôi lấy chồng!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Trước nay ngươi chưa lấy ai ư?

Chị vú đáp :

- Chưa ạ!

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Sao chưa lấy?

Chi vú bảo :

- Tôi từ bé bị bán đi làm con hầu, làm sao lấy được ai mà ai chịu lấy tôi?

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Nếu ngươi chỉ sống có ba ngày thì bất cứ người nào cũng lấy chứ!

Chị vú bảo :

- Miễn là đàn ông là được và miễn là đàn ông còn sống là được!

Một cô gái lỡ thì hai bảy hai tám tuổi muốn lấy chồng thì không có gì đáng ngạc nhiên nhưng đáng ngạc nhiên mà không ai nghe lọt tai là phần sau của câu trả lời.

Lúc ấy chị vú mặt mày rạng rỡ sướng vui rồi bỗng dưng cười lớn bảo :

- Lấy chồng xong, tôi giết anh ta ngay!

Mọi người giật mình :

- Ngươi đã lấy người ta sao lại muốn giết người ta?

Chị vú bảo :

- Vì tôi chưa bao giờ được làm người vợ góa nên vẫn thường thèm được nếm mùi vị người vợ góa chồng xem như thế nào!

Mọi người ngây mặt nhìn nhau muốn cười mà cười không nổi. Không ai ngờ được một người con gái như vậy lại có được cách nghĩ “tuyệt cú” như vậy.

Chị vú nói tiếp :

- Chỉ tiếc là tôi chưa được chết nên chẳng những chắc chắn làm bà góa là không được rồi mà muốn có chồng cũng không xong!

Chị ta cúi đầu khe khẽ thở dài đặt bát thịt trên tay xuống, cúi đầu ra khỏi phòng.

Im lặng rất lâu bỗng một người ngồi trong tiệc lẩm bẩm :

- Nếu quả thật tôi chỉ còn sống có ba ngày nữa, tôi sẽ lấy chị ta!

Người này tên là Vu Tuấn Tài là một danh y nhưng lại sống rất kỳ quặc, hình dạng quái dị chẳng những lưng gù chân thọt mà mặt còn rỗ như tổ ong bầu.

Ông ta là người rất nổi tiếng cả tiếng thơm lẫn tiếng xấu vì vậy người làm mối đi dạm vợ cho ông ta dùng đủ trăm phương ngàn kế để giới thiệu nhưng chỉ cần nghe đến tên “ông lang rỗ” là nhà gái năm lần bảy lượt từ chối ngay thậm chí có lần bà mối còn bị nhà gái dùng chỗi quét ra khỏi cửa.

Tạ Hiểu Phong hỏi Vu Tuấn Tài :

- Ông định lấy chị ta thật chứ?

Vu Tuấn Tài đáp :

- Người đàn bà này sạch sẽ, lại xinh xắn. Lấy được người vợ thế này thì gọi là nhà có phúc, chỉ đáng tiếc...

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Chỉ đáng tiếc là ông còn sống chưa chết, hơn nữa lại giữ cho đẹp bộ mặt nhà ông nên không thể đem kiệu bát cống đến đón người như chị vú về làm vợ chứ gì!

Vu Tuấn Tài chỉ còn biết gật đầu thở dài mà uống rượu.

Tạ Hiểu Phong bỗng cười. Mọi người đều nhìn chàng cười.

Tạ Hiểu Phong bỗng bảo :

- Các ông vừa muốn hỏi tôi là một người biết rõ ràng mình chắc chắn chết đến nơi sao còn cười được chứ gì? Sao các ông không hỏi đi!

Không ai trả lời, không có ai có thể trả lời được! Tạ Hiểu Phong trả lời thay họ :

- Bởi vì trong lòng các ông giờ đang thầm hâm mộ tôi là các ông nghĩ gì nhưng không dám đi làm thế còn tôi dám đi làm ngay!

Một con người có thể tùy tâm thích gì khoan khoái làm như vậy trong mấy ngày, tôi tin là sẽ có rất nhiều người hâm mộ mong được như thế nhưng chỉ ngầm ở trong lòng thôi! Vu Tuấn Tài uống liền hai chén rượu bỗng hỏi :

- Còn ông? Trong ba ngày này ông định làm gì?

Tạ Hiểu Phong đáp :

- Tôi muốn ông lấy nàng!

Vu Tuấn Tài hỏi :

- Lấy nàng nào?

Tạ Hiểu Phong đáp :

- Lấy em gái nuôi của ta!

Vu Tuấn Tài hỏi :

- Em gái nuôi của ông? Ai là em gái nuôi của ông?

Tạ Hiểu Phong bỗng bỏ đi ra ngoài, lôi chị vú xinh đẹp nãy giờ núp ngoài cửa nghe trộm vào trong phòng.

- Đây là em gái nuôi của ta!

Vu Tuấn Tài ngẩn người ra. Chị vú xinh đẹp cũng ngẩn người ra.

Tạ Hiểu Phong hỏi chị ta :

- Ngươi họ gì, tên là gì?

Chị vú cúi đầu đáp :

- Đi làm con ở làm gì có họ, chủ đặt cho tôi một cái tên gọi là Phương Mai, nên tên tôi là Phương Mai.

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Giờ ngươi có họ rồi, họ Tạ!

Phương Mai hỏi :

- Họ Tạ?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Giờ ngươi là em gái nuôi của ta. Ta họ Tạ, ngươi chẳng họ Tạ thì còn họ gì?

Phương Mai bảo :

- Nhưng ông... ông...

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Ta là Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong nhà họ Tạ ở Thần Kiếm sơn trang hồ Lục Thủy núi Thúy Vân Phong đây!

Phương Mai dường như đã nghe thấy tên này :

- Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong nhà họ Tạ ư?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Bất kỳ ai đã làm em gái nuôi của Tam thiếu gia nhà họ Tạ tuyệt không thể là chuyện mất thể diện được!

Chàng trỏ vào Vu Tuấn Tài bảo Phương Mai :

- Người này tuy chẳng đẹp trai nhưng nhất định là một người chồng tốt!

Phương Mai cúi đầu xuống càng thấp.

Tạ Hiểu Phong kéo tay cô ta lại đặt vào tay Vu Tuấn Tài bảo :

- Bây giờ ta tuyên bố các ngươi đã là vợ chồng, có ai phản đối không?

Không ai. Dĩ nhiên là không có ai! Việc vui mừng này vốn không phải là việc vui mừng thông thường, hoàn toàn không hợp quy củ thậm chí còn có vẻ hoang đường nữa là khác. Nhưng đã là việc vui mừng thì bất kể loại việc vui mừng gì đều làm tinh thần người ta phấn chấn chỉ có Thi Kinh Mặc vẫn tỏ vẻ bi ai.

Tạ Hiểu Phong từ tốn đi lại gần ông ta hỏi :

- Người này là bạn ông ư?

Thi Kinh Mặc hỏi :

- Người nào cở

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Người có lỗi với ông đấy!

Thi Kinh Mặc đáp :

- Tôi vẫn coi là bạn, nhưng...

Tạ Hiểu Phong hỏi :

- Người ấy làm lỗi gì với ông?

Thi Kinh Mặc mím chặt miệng không thốt ra một lời nào, nhưng mắt thì đã có ngấn lệ chảy.

Chuyện này ông ta không tiện nói ra cũng không muốn nói.

Bất kể thù hận lớn đến đâu, nỗi đau khổ sâu sắc đến đâu ông ta đều có thể nghiến răng mà nhịn chịu nhưng không có cách nào nhịn được sự việc này đem tới nhục nhã cho cuộc đời ông ta.

Tạ Hiểu Phong nhìn Thi Kinh Mặc, mắt lộ đầy vẻ đồng tình thông cảm bảo :

- Tôi thấy ông là người thật thà!

Thi Kinh Mặc cúi đầu bảo :

- Tôi chẳng qua chỉ là kẻ vô dụng mà thôi!

ý của người thật thà bảo thông thường người thật thà chỉ là kẻ vô dụng. Nhưng Tạ Hiểu Phong lại bảo :

- Thì ít ra ông cũng được học hành!

Thi Kinh Mặc bảo :

- Có khi vì tôi có học nên mới trở thành vô dụng như thế đấy!

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Dùng được chứ!

Thi Kinh Mặc cười, trong tiếng cười có mang ý châm biếm tự cười mình :

- Dùng được? Dùng được việc gì cơ chứ?

Tạ Hiểu Phong bảo :

- Có lúc dùng ngòi bút cũng giết được người đấy!

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện