Nguyên Tắc 4

Luôn Nói Ít Hơn Mức Cần Thiết

Bạn định tạo ấn tượng với mọi người bằng lời nói, nhưng hễ nói càng nhiều thì bạn càng có vẻ tầm thường và mất đi khả năng kiểm soát. Dù cần nói một điều gì đó thật bình thường thì bạn cũng nên diễn tả thật mơ hồ, bí ẩn và để ngỏ. Người uy quyền khiến cho kẻ khác phải rụt rè và e sợ vì họ nói ít hơn mức cần thiết. Càng nói nhiều thì bạn càng có xác suất nói ra điều không nói cao hơn.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Gaius Marcius, còn gọi là Coriolanus, là vị anh hùng quân sự vĩ đại của La Mã thời thượng cổ. Hồi đầu thế kỷ thứ V trước công nguyên, ông ta đã thắng nhiều trận đánh, nhiều phen cứu thành phố La Mã thoát khỏi tai ương. Vì phần lớn thời gian ông xông pha trận mạc nên ít cư dân La Mã nào quen biết riêng ông ta, khiến ông trở thành một gương mặt huyền thoại.

Đến năm 454 TCN, Coriolanus tự nhủ đây là lúc mình khai thác tiếng tăm và quyết định dấn thân vào chính trị. Ông ta ứng cử vào chức vụ chấp chính tối cao. Những ứng viên vào vị trí này thường diễn thuyết vào đầu cuộc tranh cử, và khi Coriolanus đứng trước thị dân, ông ta bắt đầu bằng cách khoe ra hàng tá vết sẹo trên người, kết quả của mười bảy năm chiến đấu vì sự an bình cho La Mã. Những vết sẹo oai hùng này khiến mọi người không mấy quan tâm đến những gì ông phát biểu ngay sau đó vì chúng là chứng cớ hùng hồn cho tình yêu nước và lòng dũng cảm của ông, làm cho dân chúng xúc động đến rơi lệ. Coriolanus xem như đã thắng cử.

Tuy nhiên đến ngày đầu phiếu, Coriolanus lại hiên ngay tiến vào nơi diễn đàn, tháp tùng ông ta là cả hội đồng nguyên lão và các danh gia vọng tộc. Những người thường dân hết sức xôn xao về cách diễu võ giương oai như thế vào ngày bầu cử.

Rồi Coriolanus lại đăng đàn diễn thuyết nữa, nhưng lần này hầu như chỉ hướng về thành phần giàu sang thế lực tháp tùng ông. Lời lẽ ông ta ngạo mạn và xấc xược. Tuyên bố mình sẽ thắng cử, ông khoe khoang các chiến tích, pha trò chua ngoa, chỉ trích các địch thủ khác nặng nề và nhấn mạnh đến những của cải mà ông ta sẽ mang về cho La Mã. Nếu lần trước các vết sẹo đã làm dân chúng xao lãng không nghe, thì lần này họ thực sự đã nghe: Họ hoàn toàn không ngờ rằng người chiến binh huyền thoại này cũng chỉ là tên khua môi múa mỏ.

Tin về bài diễn văn thứ nhì của Coriolanus nhanh chóng loan truyền khắp thành phố và đông đảo nhân dân đổi ý và làm ông ta thất cử. Thất bại chua cay, Coriolanus chỉ còn nước là trở về với sa trường, chua chát thề rằng sẽ báo thù những thường dân nào đã chống lại mình. Vài tuần sau, một chiếc tàu thủy to lớn chở ngũ cốc tới La Mã. Viện nguyên lão sẵn sàng phát miễn phí số lúa thóc này cho dân, nhưng khi họ đang chuẩn bị biểu quyết thì Coriolanus xuất hiện và chiếm diễn đàn. Ông ta lý luận rằng việc phân phối miễn phí như thế sẽ phương hại đến tầm vĩ mô của thành phố. Nhiều nguyên lão bị Coriolanus thuyết phục và vụ biểu quyết bị sa lầy. Coriolanus không dừng ở đó: Ông tiến thêm một bước để lên án bản thân ý niệm về dân chủ. Coriolanus đề nghị dẹp bỏ các đại biểu nhân dân và giao quyền cai trị cho giới quý tộc.

Khi tin này lan truyền ra dân chúng thì cơn phẫn nộ của họ đã lên đến đỉnh điểm. Dân chúng yêu cầu đại biểu của họ đến viện nguyên lão để buộc Coriolanus phải ra đối thoại với họ. Ông ta từ chối. Khắp thành phố đều xuống đường. Sợ sẽ diễn ra nhiều cuộc nổi loạn, cuối cùng các nguyên lão phải phân phối ngũ cốc. Các đại biểu tạm hài lòng nhưng nhân dân vẫn cương quyết đòi Coriolanus gặp gỡ và xin lỗi họ. Nếu ông ta hối lỗi và rút lại những gì đã nói thì nhân dân sẽ cho phép ông ta trở ra chiến trường.

Coriolanus xuất hiện lần cuối trước nhân dân và họ chăm chú yên lặng lắng nghe ông ta. Khi bắt đầu, Coriolanus nói chậm rãi mềm mỏng, song càng nói nhiều thì ông ta càng lỗ mãng. Rồi ông ta lại buông ra lời thóa mạ. Giọng điệu vẫn kiêu căng, vẻ mặt thì khinh khỉnh. Coriolanus càng nói thì nhân dân càng phẫn uất. Cuối cùng họ la ó buộc ông xuống không cho nói tiếp.

Các đại biểu nhân dân bàn bạc rồi tuyên án tử hình Coriolanus, truyền lệnh lập tức hành quyết. Đám đông hả dạ ủng hộ quyết định đó. Tuy nhiên giới quý tộc can thiệp và thương lượng giảm án còn lưu đày chung thân. Khi dân chúng La Mã biết rằng bị anh hùng quân sự vĩ đại kia không bao giờ được trở về thành phố nữa, họ ùa ra đường ăn mừng. Trước nay chưa ai từng ăn mừng như vậy, ngay cả sau khi đại thắng ngoại bang.

Diễn giải

Trước khi bước vào chính trường, chỉ bằng tên tuổi mình thôi Coriolanus cũng đã làm kẻ khác khiếp sợ. Chiến công lừng lẫy ngoài trận mạc đã chứng tỏ ông dũng cảm phi thường. Vì ít ai biết rõ về ông nên tên tuổi ông được gắn liền với đủ loại truyền thuyết. Nhưng khi xuất hiện trước dân chúng và bộc bạch những suy nghĩ, tất cả những gì bí ẩn và vĩ đại đều tan biến. Hóa ra vị anh hùng này cũng khoác lác khoe khoang như tên lính quèn. Ông ta lại còn xúc phạm và phỉ báng nhân dân, chừng như ông ta cảm thấy bị đe dọa và bất an. Bỗng dưng người dân khám phá ra rằng Coriolanus không phải như mình tưởng. Truyền thuyết và thực tế khác nhau xa quá, khiến cho ngay cả những người muốn tin vào vị anh hùng của mình cũng phải thất vọng. Coriolanus càng nói nhiều thì càng tỏ ra ít có uy – người nào không kiểm soát được lời nói của mình thì cũng sẽ không thể kiểm soát được bản thân và không xứng đáng được tôn trọng.

Phải chi Coriolanus nói ít thôi, nhân dân sẽ không có dịp bị ông ta xúc phạm, không có dịp biết rõ thực tâm của ông ta. Như thế ông ta sẽ duy trì được vầng hào quang sáng chói, sẽ có cơ may thắng cử, từ đó có cơ hội thực hiện các mục tiêu phản dân chủ của mình. Nhưng cái lưỡi người ta là một con thú mà ít ai kiềm chế nổi. Nó luôn cố gắng thoát khỏi cũi xổ lồng, và nếu không được thuần hóa thì sẽ lồng lộn lên và tọa ra tai họa. Uy quyền không thể tập trung vào những ai hoang phí lời nói.

Nghêu sò hoàn toàn há to miệng lúc trăng tròn.

Khi bắt gặp cảnh này, con cua liền cho một hòn đá hay

cọng rong vào, để cho sò không thể ngậm hết miệng,

sau đó cua tha hồ đánh chén. Đó là số phận những ai mở

miệng quá nhiều, từ đó đặt mình vào tay của người nghe.

(Leonardo da Vinci, 1452-1519)

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Tại triều đình Vua Louis XIV, giới quý tộc và quan lại ngày đêm bàn luận chuyện quốc gia. Họ tham khảo, bàn bạc, thiết lập và phá vỡ liên minh rồi lại bàn bạc cho tới thời điểm quan trọng: Hai người trong số họ sẽ đại diện hai chính kiến và đến gặp Vua Louis để xin quyết định. Sau khi chọn xong người, cả bọn lại bàn tiếp xong nên trình bày vấn đề như thế nào đây? Góc độ nào làm vua hài lòng, góc độ nào khiến ông phật ý? Hai quan đại diện đó sẽ gặp vua vào lúc nào trong ngày và ở chỗ nào trong hoàng cung Versailles? Khi bệ kiến, họ sẽ sắm vẻ mặt ra sao?

Cuối cùng khi sắp xếp xong thì giây phút sinh tử kia cũng đến. Hai quan sẽ tiếp cận vua một cách hết sức cẩn trọng và khi vua sẵn sàng nghe, họ sẽ nêu lên vấn đề và trình bày các giải pháp khả dĩ.

Louis im lặng nghe với vẻ mặt bí ẩn. Khi hai quan trình bày xong và xin ý kiến, vua nhìn họ nói “Trẫm sẽ xem xét”. Rồi vua bỏ đi.

Triều thần sẽ không bao giờ nghe vua nói thêm bất kỳ lời nào về vấn đề đó – vài tuần sau họ chỉ biết kết quả, khi vua đã quyết định và ra lệnh hành động. Louis sẽ không bao giờ thèm hỏi ý kiến quần thần về vấn đề đó lần nữa.

Diễn giải

Louis XIV là người cực kỳ ít lời. Câu nói nổi tiếng nhất của ông là “L’état, c’est moi!” (Ta là Nhà nước). Không còn gì súc tích hơn nhưng lại rõ nghĩa hơn. “Trẫm sẽ xem xét” là một trong nhiều câu cực kỳ ngắn gọn mà Louis XIV đáp lại đủ loại thỉnh cầu.

Không phải lúc nào Louis cũng như thế. Khi còn trẻ, ông ta nổi tiếng nói nhiều, thích thú với tài hùng biện của mình. Càng trưởng thành, ông càng tự buộc vào kỷ luật ít nói, vốn là một điệu bộ, một cái mặt nạ ông dùng để làm cho quần thần không biết đường đâu mà lần. Không ai biết lập trường thực sự, không ai tiên đoán nổi phản ứng của ông. Không ai dám lừa bịp ông bằng cách nói lên những điều mà họ cho rằng ông muốn nghe, bởi vì không ai biết đích xác ông muốn nghe điều gì. Khi tiếp tục nói cho một Louis đang lặng im, họ càng tiết lộ thêm về bản thân mình, vốn là loại thông tin mà sau này Louis sẽ sử dụng một cách hữu hiệu để triệt hạ họ khi cần thiết.

Kết quả là sự im lặng của Louis đã khiến cho những người xung quanh khiếp đảm và nằm trọn trong tầm kiểm soát của ông. Đó là một trong những trụ cột trong uy quyền của ông. Như Saint Simon viết, “Không ai không khéo bằng ông ta trong việc tăng cường giá trị từng lời nói và nụ cười, thậm chí cả những cái liếc mắt. Mọi thứ trong ông đều có giá bởi vì ông biết tạo ra cách biệt và uy nghi của ông càng được tôn cao bằng những lời nói hiếm hoi.”

Với một quần thần, việc nói ra điều không nên nói

còn nguy hại hơn là làm điều không nên làm.

(Hồng y De Retz, 1613-1679)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Dưới nhiều góc độ khác nhau, uy quyền là trò chơi của vẻ bề ngoài, và khi nói ít hơn là cần thiết, chắc chắn bạn sẽ có vẻ cao cả hơn, uy quyền hơn thực tế. Sự im lặng của bạn sẽ làm cho đối phương mất chân đứng. Con người là những cỗ máy suy diễn và giải thích. Họ phải tìm cách biết được những gì bạn đang nghĩ. Nếu bạn biết cẩn thận kiểm soát những gì mình nói ra, họ không thể nào xuyên thấu tâm can bạn được.

Những câu trả lời ngắn cũng như những khoảng lặng buộc họ phải thủ thế, và khi nóng lòng nhảy bổ vào, họ sẽ sốt ruột lấp đầy khoảng lặng ấy bằng đủ loại chú giải và như thế hé mở nhiều thông tin có giá trị về họ và những nhược điểm của họ. Sau cuộc gặp gỡ với ta, lúc ra đi họ cảm thấy như mất mát điều gì và khi về nhà họ sẽ mổ xẻ từng lời nói của ta. Việc tập trung thêm chú ý này sẽ chỉ làm cho uy quyền của bạn tăng lên mà thôi.

Nói ít hơn cần thiết, điều này không chỉ áp dụng cho vua chúa và chính khách. Trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, càng nói ít thì bạn càng có vẻ thâm sâu và bí hiểm. Khi còn trẻ, nghệ sĩ Andy Warhol nhận ra rằng, thường thì thiên hạ sẽ không làm theo những gì ta bảo. Họ sẽ chống lại ta, phá hỏng ước muốn của ta, cãi lại ta chỉ vì đơn giản là họ ương ngạnh. Có lần Warhol nói với người bạn: “Tôi rút ra kinh nghiệm là khi biết im lặng, mình thực sự có nhiều quyền năng hơn”.

Càng lớn tuổi, Warhol áp dụng chiến lược ấy hiệu quả hơn. Những bài trả lời phỏng vấn của ông trông giống những bài tập sấm giảng. Ông luôn nói điều gì đó mơ hồ và nước đôi để người phỏng vấn làm xiếc với trí thông minh của hắn và đoán già đoán non, nghĩ rằng phải có điều gì đó thâm sâu trong những câu nói vô thưởng vô phạt của Warhol. Ít khi nào nghệ sĩ này nói về công việc của mình, mà để cho người khác mặc tình diễn giải. Ông cho biết mình học được kỹ thuật này từ Marcel Duchamp, bậc thầy về những điều bí ẩn. Đây cũng là một nghệ sĩ ở thế kỷ XX, đã sớm nhận ra rằng hễ càng ít nói về tác phẩm của mình thì mọi người sẽ càng nói nhiều về chúng. Và càng được nhiều công luận thì chúng càng có giá trị.

Cứ nói ít hơn là cần thiết, bạn sẽ tạo được cái bề mặt súc tích và mạnh mẽ. Ngoài ra càng ít nói thì càng ít bị rủi ro nói điều càn quấy, thậm chí điều nguy hiểm. Năm 1825 Nga hoàng mới là Nicholas I lên ngôi. Ngay sau đó những người theo chủ thuyết tự do nổi loạn đòi hiện đại hóa đất nước để cho nền công nghiệp và cơ sở hạ tầng theo kịp các nước khác ở châu Âu. Nga hoàng thẳng tay dập tắt bạo loạn, bắt giữ và tuyên án tử hình Kondraty Ryleyev, một trong những thủ lĩnh phe nổi loạn. Đến ngày hành quyết, Ryleyev đứng trên bục treo, cổ tròng dây. Tấm ván di động dưới chân vừa sập, Ryleyev vừa toòng-teng thì bỗng dưng dây đứt khiến hắn rơi bịch xuống đất. Vào thời đó, những sự kiện tương tự được mọi người xem là điềm trời chưa muốn cho tử tội chết, và trong hầu hết các trường hợp hắn ta được tha mạng. Nhưng khi lồm cồm đứng lên, Ryleyev lại nói to với đám đông: “Mọi người thấy chưa, ở nước Nga người ta không biết làm cái gì cho chu đáo, ngay cả một sợi dây tốt cũng không biết làm!”

Tin tức về vụ treo cổ bất thành liền đến tai Nicholas. Mặc dù không vui nhưng dù sao Nga hoàng cũng chuẩn bị ký lệnh ân xá. Vừa cầm bút, hoàng đế hỏi “ Ryleyev có nói gì sau phép lạ đó không ?” Người đưa tin trả lời: “Thưa ngài, hắn bảo ở nước Nga, người ta không biết làm điều gì chu đáo, cho dù đó là một sợi dây.”

“Trong trường hợp này chúng ta sẽ chứng minh điều ngược lại”, và Nga hoàng xé bỏ lệnh ân xá. Sáng hôm sau Ryleyev lại lên đoạn đầu đài, và lần này sợi dây rất tốt.

Ta hãy rút ra bài học: Một khi lời nói đã phát đi rồi, ta không thể thu hồi được. Vậy ta hãy kiểm soát kỹ lời nói. Bạn đặc biệt cẩn thận với những lời châm biếm: sự hả dạ trong chốc lát không đáng với cái giá quá đắt phải trả sau đó.

Hình ảnh:

Oracle ở Delphi. Khi được tham khảo, Oracle, bà đồng bóng chuyên nói sấm ở Delphi chỉ ậm ừ vài ba từ bí ẩn, nhưng được mọi người cho là thâm sâu và cực kỳ quan trọng. Không ai dám phản bác sấm giảng của Oracle, vì cho rằng chúng nắm quyền sinh sát.

Ý kiến chuyên gia:

Nếu thuộc cấp của bạn chưa nói thì bạn chớ động đậy môi răng. Ta im lặng càng lâu thì người khác càng nóng lòng nói trước. Và khi họ khua môi múa mỏ, ta sẽ biết được chủ tâm của họ… Nếu chủ soái không hàm chứa bí ẩn, các quan sẽ tìm ra cơ hội và nắm lấy quyền bính.

(Hàn Phi Tử, triết gia Trung Quốc,

thế kỷ III trước Công nguyên.)

NGHỊCH ĐẢO

Có những lúc nếu mãi câm miệng thì lại không khôn ngoan. Có những tình huống sự im lặng sẽ làm người khác nghi ngờ và cảm thấy bất an, đặc biệt và với thượng cấp của ta. Một lời nói mơ hồ nước đôi sẽ giúp bạn thanh minh những lời đồn đãi mà bạn không ngờ tới. Vì vậy im lặng và ít nói là những chiến thuật mà bạn phải cẩn thận khi sử dụng và chỉ sử dụng đúng lúc. Thỉnh thoảng bạn cũng nên khôn ngoan bắt chước tên hề ở buổi chầu, luôn làm khùng làm điên nhưng trong thâm tâm hắn biết rõ rằng mình khôn hơn hoàng thượng. Hắn nói huyên thuyên để giải trí và chọc cười, và ít ai ngờ rằng hắn không chỉ là một tên khờ.

Ngoài ra nhiều khi ta cũng có thể dùng lời nói làm màn hỏa mù cho ngón lừa sắp thực hiện. Nói lung tung khiến tai đối thủ lùng bùng, hắn sẽ mê muội và đãng trí, và có trường hợp ta nói càng nhiều thì địch thủ càng bớt nghi ngờ. Bởi vì mọi người thường nghĩ rằng kẻ nói nhiều hiếm khi nào mưu mô và hiểm độc, mà thường là vô hại vì ruột để ngoài da. Đây là điều nghịch đảo với chủ trương im lặng của kẻ đang nắm uy quyền: Bạn càng nói nhiều trước mặt họ, họ càng thấy bạn yếu đuối và kém thông minh, nhờ đó bạn càng tăng cơ may lừa đảo.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện