Nguyên Tắc 17
Thật Giả Khó Lường
Loài người là những sinh vật của thói quen, luôn muốn nhìn thấy người khác thực hiện những điều quen thuộc. Nếu ta nằm trong khuôn khổ đó, họ sẽ cảm thấy làm chủ được tình hình. Hãy làm đảo lộn mọi thứ: chủ động tự tạo một vẻ khó lường. Thấy ta xử sự không nhất quán, không nhằm vào đâu, họ sẽ hụt hẫng và mỏi mòn giải đoán hành động của ta. Đưa đến cực điểm, chiến lược này có khả năng hù dọa và khủng bố.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Tháng 5 năm 1972, nhà vô địch cờ vua Boris Spassky canh cánh chờ đợi địch thủ Bobby Fisher tại Reykjavik, thủ đô Iceland. Theo kế hoạch thì hai người gặp nhau giành chức vô địch Cờ vua Thế giới, nhưng Fisher lại đến trễ do đó ván đấu phải tạm hoãn. Fisher không đồng ý với số tiền thưởng, với cách chi trả, với các điều kiện hậu cần ở Iceland. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể rút lui.
Spassky cố gắng kiên nhẫn. Trưởng đoàn cờ vua của Nga cảm thấy bị xúc phạm và gợi ý Spassky bỏ về nhưng anh ta quyết đấu cho bằng được. Spassky biết mình có khả năng đánh bại Fisher, và không thể để vuột mất chiến thắng vĩ đại nhất sự nghiệp. “Có vẻ như mọi nỗ lực của ta cũng bằng thừa,” Spassky nói với một đồng chí. “Nhưng ta không thể làm gì khác hơn, bởi vì bóng đang ở phần sân Fisher. Nếu hắn đến thì ta đấu, hắn không đến thì ta không đấu. Kẻ muốn tự sát luôn nắm quyền chủ động.”
Cuối cùng Fisher cũng đến Reykjavik, nhưng các vấn đề, cùng với lời hăm dọa rút lui vẫn còn đó. Fisher chê sảnh đường nơi tổ chức cuộc đấu, phê phán dàn ánh sáng, than phiền về tiếng ồn các máy quay phim, thậm chí ghét mấy cái ghế ngồi thi đấu. Đến thời điểm này thì đoàn Liên Xô chủ động đe dọa rút lui.
Sự hù dọa này có vẻ hiệu nghiệm: Sau nhiều tuần câu giờ, sau nhiều cuộc thương lượng lê thê làm người chờ phải điên tiết, Fisher mới gật đầu. Nhưng đến hôm chính thức giới thiệu, anh ta đến rất trễ, và vào ngày bắt đầu cuộc “Thi đấu của thế kỷ”, anh ta lại trễ. Tuy nhiên lần này hậu quả sẽ rất gay: Nếu đến quá trễ, Fisher sẽ bị xử thua ván đầu. Vậy điều gì đang diễn ra? Phải chăng anh ta đang chơi đòn tâm lý? Hay là Bobby Fisher lại sợ Boris Spassky? Đối với những đại kiện tướng đang hiện diện, và với Spassky, hình như cậu bé vùng Brooklyn này đã sợ xanh cả mắt. Fisher xuất hiện lúc 5 giờ 09 phút, đúng một phút trước khi ván đấu bị hủy.
Ván đầu tiên là cực kỳ quan trọng, vì nó thiết lập không khí chung của cuộc đấu trong những tháng tới. Ván đầu thường là cuộc tranh đấu chậm chạp và thầm lặng, khi hai đối thủ bày binh bố trận và cố gắng giải mã các chiến lược của đối phương. Nhưng ván này lại khác, Fisher có nước cờ sai lầm rất sớm, có lẽ là nước tệ hại nhất cả sự nghiệp, và cả khi bị Spassky dồn vào đường cùng, hình như anh ta muốn chịu thua. Nhưng Spassky biết Fisher không bao giờ chịu thua. Ngay cả khi bị chiếu tướng, anh ta cũng chiến đấu đến cùng, làm cho đối phương phải mòn mỏi. Tuy nhiên lần này có vẻ như anh ta chịu trận. Rồi đột nhiên Fisher tung ra một nước táo bạo khiến cả phòng phải xì xào vì kinh ngạc. Nước cờ này làm cho Spassky bị choáng, tuy nhiên sau đó Spassky phục hồi và thắng được ván đấu. Nhưng không một ai biết rõ ẩn ý của Fisher. Phải chăng anh ta chủ động để thua? Hay là thật sự rúng động? Xính vính? Hay thậm chí như có người bảo là anh ta điên rồi?
Sau khi thua ván đầu, Fisher còn lớn tiếng hơn để than phiền về phòng ốc, về máy quay và về mọi thứ khác. Thậm chí anh vắng mặt luôn ở ván tiếp theo. Lần này thì ban tổ chức thực sự nổi cáu: Xử Fisher thua ván đó. Giờ thì anh ta đang ở thế bất lợi: Hai không. Một tình huống mà chưa một ai dám vác mặt trở lại để mong giành chức vô địch. Rõ ràng là Fisher đã mất thăng bằng rồi. Vậy mà ở ván thứ ba, tất cả mọi khán giả đã nhớ rằng tia nhìn của Fisher có điều gì đó rất dữ tợn, tia nhìn rõ ràng làm cho Spassky chột dạ. Và mặc cho cái huyệt mà Fisher đã đào sẵn cho mình, anh ta tỏ ra vô cùng tự tin. Rồi anh cũng đi một nước có vẻ giống sai lầm giống ở ván trước – song gương mặt vênh váo khiến Spassy nghi có cái bẫy. Và mặc dù có cố gắng suy nghĩ tìm kiếm nhưng nhà vô địch Nga vẫn không phát hiện, và khi chưa kịp định thần thì đã bị Fisher chiếu bí. Thật ra chính lối đánh không chính thống của Fisher đã làm Spassky căng thẳng thần kinh. Khi ván đấu kết thúc, Fisher nhảy dựng lên và chạy như bay ra ngoài, vừa đấm vào bàn tay, vừa reo to với những người cùng hội cờ rằng “Tớ đã nghiền hắn bằng bạo lực!”
Ở những ván tiếp theo, Fisher có những nước đi chưa từng thấy, những nước không phải kiểu của anh. Giờ đến phiên Spassky sai lầm. Khi thua ván thứ sáu anh ta bật khóc. Một đại kiện tướng nói “Sau vụ này rồi, Spassky phải tự hỏi xem trở về Nga có an toàn không.” Sau ván thứ tám, Spassky tuyên bố đã biết sự thật: Bobby Fisher đang thôi miên mình. Spassky quyết định không nhìn vào mắt Fisher nữa; nhưng anh ta vẫn thua.
Sau ván 14, Spassky cho tổ chức họp báo và tuyên bố người ta mưu đồ kiểm soát trí não mình. Anh ta nghi trong ly nước cam phục vụ tại bàn thi đấu bị bỏ thuốc mê. Hoặc giả người ta thổi hóa chất vào không khí. Cuối cùng anh ta công khai nói thẳng phe Fisher đã đặt thiết bị gì đó trong ghế ngồi để tác động trí não mình. KGB bật nút báo động: Boris Spassky đang đưa Liên bang Xô-viết vào thế khó xử!
Ban tổ chức mang ghế đi rọi X-quang cùng những xét nghiệm khác nhưng không tìm ra điều khả nghi. Truy xét khắp phòng, người ta chỉ phát hiện xác hai con thiêu thân chết khô trong máng đèn. Spassky bắt đầu kêu mình bị ảo giác. Tuy cố gắng chơi tiếp nhưng đầu óc anh đã rối bời. Spassky không thể tiếp tục. Đến ngày 2 tháng 9, anh ta bỏ cuộc. Mặc dù còn tương đối trẻ, song Spassky không bao giờ phục hồi sau thất bại này.
Diễn giải
Ở những ván đầu, Fisher không thành công vì Spassky có khả năng tuyệt vời phát hiện mọi chiến lược của đối thủ rồi phản đòn. Anh ta mềm dẻo và kiên nhẫn, xây dựng lối tiến công đánh bại địch thủ không chỉ ở bảy nước cờ mà còn xa đến chừng bảy mươi nước. Một kiện tướng nói Spassky không chỉ tìm nước cờ tối ưu, mà còn đi nước nào làm cho đối phương bị bối rối.
Tuy nhiên cuối cùng Fisher cũng biết đó là một trong những mấu chốt thành công của Spassky: Với những địch thủ có lối chơi có thể đoán trước được, Spassky sẽ dựa vào đó mà tiến công, dựa vào chiến lược của địch để diệt địch. Trong cuộc thi đấu giành chức vô địch này, chiến lược sinh tử của Fisher là chiếm thế chủ động, và làm cho Spassky hụt chân. Rõ ràng là thời gian chờ đợi đã tác động đến tâm lý Spassky. Song điều tài tình nhất là những sai lầm cố ý của Fisher, ra vẻ không có chiến lược nào nhất quán cả. Điều anh ta làm thật ra là cố gắng làm xáo trộn những mô thức cũ, những mô thức mà Spassky đã quá quen thuộc, ngay cả chịu hy sinh ván thứ nhất và bị xử thua ván thứ hai.
Spassky từng nổi tiếng về sự điềm tĩnh và cái đầu lạnh, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời mà anh ta không hình dung nổi thực chất của đối phương. Từ đó anh ta từ từ rối loạn, cho đến cuối cùng anh là người trông có vẻ điên.
Môn đánh cờ cô đọng được tinh túy của cuộc đời. Thứ nhất, muốn chiến thắng bạn phải hết sức kiên nhẫn và nhìn xa; thứ hai, vì trò chơi được xây dựng trên mô thức, khuôn mẫu, nguyên cả loạt đường đi nước bước đều được mọi người chơi đi chơi lại. Đối phương sẽ phân tích chiến lược của ta để cố tiên đoán các bước kế tiếp. Làm sao để hắn không thể lường được, không còn cơ sở nào để xây dựng chiến lược, ta sẽ được lợi. Trên bàn cờ cũng như ngoài đời, khi người khác không thể hình dung mưu đồ của bạn, họ sẽ bị treo tim trong trạng thái sợ hãi – chờ đợi, bất định và rối ren.
Cuộc sống ở triều đình là cuộc đấu cờ u buồn và ảm đạm,
đòi hỏi ta phải bày binh bố trận, thiết lập và thực hiện chiến lược, đối phó kế hoạch của địch thủ. Tuy nhiên đôi khi ta nên chấp nhận rủi ro và đi nước cờ nào bất thường và khó lường nhất.
(Jean de La Bruyère, 1645-1696)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Không gì đáng sợ hơn điều đột ngột và bất ngờ. Chính vì thế mà ta rất sợ những cơn cuồng phong và động đất. Ta không biết lúc nào chúng xảy ra. Và khi đã xảy ra một lần rồi thì ta sợ sệt chờ lần kế tiếp. Ở mức độ thấp hơn một chút, những người ứng xử bất thường cũng tác động ta như vậy.
Loài thú thường ứng xử theo một lề thói nhất định, chính vì thế mà ta biết cách săn bắt chúng. Chỉ loài người mới có khả năng thay đổi ứng xử một cách có ý thức, biết tùy cơ ứng biến và vượt qua tập tục lẫn thói quen. Nhưng ít ai ý thức sức mạnh đó. Họ thích sự dễ xuôi của thói quen, thích buông xuôi theo bản chất con thú, có khuynh hướng lặp đi lặp lại cùng những động tác cũ. Như thế là vì họ sẽ không phải nỗ lực và họ lầm tưởng rằng chừng nào mình không làm phiền người khác thì người khác cũng không làm phiền mình. Bạn nên hiểu rằng người quyền lực thường gây sợ hãi khi cố ý làm kẻ khác bất an, nhằm chiếm thế chủ động. Đôi lúc ta cũng nên cắn mà không sủa, làm cho đối phương phải run sợ vào lúc họ ít nghi ngờ nhất. Đó là một cái mánh mà những kẻ mạnh thường dùng từ nhiều thế kỷ rồi.
Filippo Maria, vị công tước cuối cùng của dòng Visconti ở Italia hồi thế kỷ XV, thường cố tình làm ngược lại những gì mọi người nghĩ mình sắp làm. Chẳng hạn ông ta bỗng dưng quan tâm rất mực đến một triều thần, rồi đến khi kẻ kia hy vọng được đề bạt thì lại bị Filippo đối xử hết sức lạnh nhạt. Quá xấu hổ, hắn chuẩn bị rời xa triều đình thì đột nhiên ông tước ra lệnh quay lại để đối xử với hắn thật độ lượng. Tâm trạng rối bời, vị triều thần tự hỏi phải chăng mình đã quá lộ liễu về tham vọng được đề bạt nên công tước bực mình, nên từ đó hắn đóng vai một bầy tôi thấp hèn không dám ước mơ xa. Lúc đấy Filippo sẽ phê phán hắn không có chí cầu tiến nên đuổi đi xa.
Điều then chốt khi đối đãi với Filippo khá đơn giản: Đừng cho rằng mình biết trước điều ông ta muốn. Đừng dự đoán những gì sẽ làm ông ta hài lòng. Đừng bao giờ xen vào điều bạn muốn, mà chỉ nên chiều theo ý ông ta. Rồi chờ xem các diễn biến. Giữa mớ bòng bong bất định do ông khéo léo tạo ra, uy quyền của công tước thật cao tột, tự tại, và không ai thách thức.
Sự khôn lường thường khi là chiến thuật bậc thầy, song kẻ yếu vẫn có thể sử dụng thật hiệu quả. Lúc sa cơ thất thế hoặc bị đối phương áp đảo về quân số, ta cứ tung ra một loạt những động tác khó lường. Kẻ thù sẽ bối rối và rút lui hoặc phạm phải sai lầm.
Mùa xuân 1862 trong thời kỳ Nội chiến Mỹ, tướng Stonewall Jackson cùng 4.600 lính của những bang ly khai tấn công dồn dập đội quân đông đảo hơn của các bang Liên hiệp tại Shenandoah Valley. Cách đó không xa, tướng George Brinton McClellan đang dẫn khoảng 90.000 quân từ thủ đô Washington đổ xuống, mục tiêu là bao vây thành phố Richmond, thủ phủ của phe ly khai. Thời gian cứ trôi qua, và tướng Jackson đều đặn dẫn quân ra khỏi Shenandoah Valley, rồi lại dẫn quân về.
Nhìn qua, hành động này không có nghĩa lý gì cả. Phải chăng Jackson định mang quân giải vây Richmond? Hay là ông ta định tấn công Washington khi McClellan không có mặt để bảo vệ thủ đô? Hay đơn giản là để tiến lên miền Bắc để thoải mái tàn phá? Tại sao đội quân ít người của Jackson lại có vẻ như đi lòng vòng.
Chính vì không hiểu ý của hành động này nên bộ chỉ huy quân Liên hiệp không dám tiến về phía Richmond, họ phải chờ xem cuối cùng Jackson muốn gì. Trong khi đó, phe miền Nam tranh thủ cơ hội này để củng cố lực lượng. Lẽ ra nếu tấn công ngay thì quân miền Bắc đã có thể nhanh chóng nghiền nát miền Nam, nhưng vì mãi chần chừ để đối phương đủ thời gian tiếp viện nên không thể chiến thắng. Khi gặp trường hợp địch đông hơn, Jackson thỉnh thoảng dùng kế này. “Khi có điều kiện, ta luôn làm địch thủ hoang mang, bất ngờ, và bị đánh lạc hướng,” Jackson nói, “… chiến thuật này luôn thành công và một toán quân nhỏ có thể tiêu diệt binh đội lớn hơn.”
Nguyên tắc này không chỉ đúng trong trường hợp chiến tranh mà ngay cả ở những tình huống thường ngày. Mọi người luôn cố giải đoán hành động của ta để phát hiện ý đồ, từ đó chống lại ta. Ta cứ thực hiện một hành động kỳ quặc không thể hiểu nổi, địch thủ sẽ rơi vào thế thủ. Vì không hiểu ta nên chúng hoang mang, ta lợi dụng tâm lý này để khống chế chúng.
Có lần Pablo Picasso nói: “Sự suy tính tốt nhất là không suy tính gì cả. Khi bạn đạt được sự nổi tiếng nhất định, mọi người thường cố gắng đoán thử xem bạn đang suy tính việc gì. Vì vậy ta không nên trù tính quá cẩn thật những gì mình sắp làm. Tốt hơn là ta nên hành động bông lông.”
Có một thời gian Picasso cộng tác với tay buôn tranh Paul Rosenberg. Thoạt đầu ông dành cho nhà buôn một phạm vi khá rộng để xử lý sản phẩm xuất xưởng. Rồi đến ngày kia, không vì lý do nào, Picasso thông báo là sẽ không đưa bức tranh nào cho Rosenberg nữa cả. “Ông ta phải mất hai ngày để thử đoán nguyên do,” Picasso giải thích. “Tôi cứ ăn ngủ, làm việc bình thường trong khi ông ta phải mất thì giờ tìm hiểu.” Hai hôm sau một Rosenberg lo âu căng thẳng đến bảo Picasso: “Này ông bạn, nói cho cùng thì ông chẳng nỡ bỏ rơi tôi nếu tôi trả ông ngần này (Rosenberg nâng số tiền mua tranh lên khá cao), cao hơn hẳn số tiền thường khi tôi vẫn trả cho ông, đồng ý chứ?”
Sự khó lường không chỉ là một phương tiện gieo rắc lo sợ. Bạn cứ đảo lộn những hành động thường ngày, mọi người sẽ để ý quan tâm. Mọi người sẽ xầm xì, đoán già đoán non, càng đoán càng xa sự thật, nhưng đầu óc lại luôn nghĩ về bạn. Cuối cùng hễ càng bất định thì bạn càng được nể. Chỉ có kẻ ở bậc thang dưới cùng mới để cho người khác đoán được hành động của mình.
Hình ảnh:
Cơn lốc xoáy. Ta không thể đoán trước lúc nào trận cuồng phong xảy ra. Cường độ, tốc độ, và hướng di chuyển luôn thay đổi. Không thể nào chống trả. Cơn lốc xoáy gieo rắc kinh hoàng và hoảng hốt.
Ý kiến chuyên gia:
Đấng minh quân rất bí ẩn, không ai biết ông ở đâu, không ai biết tìm ông nơi nào. Ngự trên cao, ông vô vi tự tại, còn bên dưới thì bề tôi run sợ.
(Hàn Phi Tử, thế kỷ thứ III TCN)
NGHỊCH ĐẢO
Nếu biết khéo léo, bạn vẫn có thể tận dụng tính dự kiến: Tạo ra một khuôn mẫu hành động để cho mọi người quen thuộc và an tâm, từ đó mới ru ngủ họ. Họ chuẩn bị tinh thần thích ứng với những gì họ nhận định về ta. Ta có nhiều cách dùng: Thứ nhất là tạo ra hỏa mù, rồi nấp sau đó mà đánh lừa. Thứ hai, thỉnh thoảng ta sẽ thực hiện điều gì đó ra ngoài khuôn mẫu, làm đối phương hoang mang đến mức khỏi xô cũng ngã.
Vào năm 1974, theo kế hoạch dự kiến thì Muhammad Ali và George Foreman sẽ so găng tranh chức vô địch boxing hạng nặng. Ai cũng có thể dự kiến trận đầu: George bự sẽ cố giáng một đòn nốc-ao ngàn cân, trước khi Ali nhảy nhót xung quanh để bào mòn sức lực của George. Đó là cách đánh quen thuộc của Ali, đó là khuôn mẫu suốt mười năm không đổi. Nhưng nếu như vậy thì Foreman có lợi thế: Quả đấm của anh ta nổi tiếng sát thủ, và nếu chịu khó kiên nhẫn thì trước sau gì Ali cũng phải nhào vô tấn công. Nhưng nhà chiến lược Ali lại có kế hoạch khác: Khi dự họp báo trước trận đấu, Ali cho biết sẽ thay đổi phong cách và sẽ ra đòn thật nặng như Foreman. Không ai tin vào lời tuyên bố này, và Foreman lại càng không. Bởi vì như thế là Ali liều lĩnh tự sát, cho nên ai cũng cho là Ali giả vờ như mọi khi. Rồi đến lúc chỉ còn ít phút trước giờ võ sĩ thượng đài, huấn luyện viên của Ali nới lỏng dây văng quanh sàn đấu, điều mà huấn luyện viên nào cũng làm khi gà nhà quyết ra đòn chí tử. Nhưng không ai tin mánh khóe đó cả. Chẳng qua chỉ là dàn cảnh mà thôi.
Trước sự sững sờ của khán giả, Ali đã làm đúng những gì đã tuyên bố trong buổi họp báo. Trong khi đó Foreman những tưởng anh ta sẽ nhảy nhót lòng vòng như mọi khi, đàng này Ali tiến thẳng tới và ra đòn búa tạ, phá hỏng chiến lược của địch thủ. Bị thất thế bất ngờ, Foreman phí rất nhiều sức, không phải vì rượt đuổi Ali, mà do ra đòn lung tung, và càng lúc càng ăn nhiều cú phản đòn của Ali. Cuối cùng Foreman gục ngã vì một cú móc phải ngoạn mục. Vì thói quen cho rằng người khác sẽ ứng xử y chang khuôn mẫu đã ăn quá sâu trong tâm tưởng, đến ngay cả Foreman cũng không chịu tin khi Ali tuyên bố thay đổi cách đánh. Foreman đã sụp bẫy – cái bẫy mà địch thủ đã báo trước.
Thêm lời cảnh báo: Sự khó lường đôi khi cũng có thể làm hại bạn, đặc biệt khi bạn ở thế yếu. Nhiều lúc ta cũng nên cho người khác được an tâm và yên ổn thay vì làm cho họ hoang mang. Sự bất định đẩy lên quá cao sẽ bị xem là thiếu dứt khoát, hoặc thậm chí là biểu hiện tâm thần. Bản thân khuôn mẫu có sức mạnh riêng, và bạn có thể hù dọa người khác khi phá lệ. Loại sức mạnh đó chỉ nên được sử dụng có cân nhắc.