Nguyên Tắc 24

Đóng Vai Triều Thần Thật Hoàn Hảo

Một triều thần sẽ phát đạt trong một thế giới mà mọi thứ đều bị chi phối bởi quyền lực và sự khéo kéo về chính trị. Triều thần đó đã nhuần nhuyễn với nghệ thuật quanh co; hắn nịnh bợ và quy phục cấp trên, sẵn sàng hạ gục tất cả các đồng liêu khác để bám lấy vị trí quyền lực bằng những phương thức cạnh khóe và mềm mỏng nhất. Hãy học và ứng dụng các quy tắc của một kẻ triều thần và sự thăng tiến của bạn trong triều sẽ không còn biên giới.

XÃ HỘI CỦA MỘT TRIỀU ĐÌNH

Đối với bản chất loài người, có một sự thật hiển nhiên là cấu trúc của một triều đình sẽ tự động hình thành quanh tâm điểm quyền lực. Trong quá khứ, triều đình hình thành chung quanh vị chúa tể và triều đình còn có nhiều chức năng: Ngoài việc làm đẹp hoàng gia, quý tộc, và các tầng lớp thượng lưu, để giữ giai cấp quý tộc gần bên và dưới tay chúa, tạo điều kiện cho chúa canh chừng họ. Triều đình phục vụ cho quyền lực ở nhiều mặt, nhưng chức năng chủ yếu vẫn là để tôn vinh chúa tể, tạo ra một thế giới thu nhỏ luôn bon chen để làm đẹp lòng chúa.

Trong cuộc chơi này, vai trò triều thần rất nguy hiểm. Những ghi chú của một lữ khách Ả Rập hồi thế kỷ XIX cho biết ở triều đình Dafur, hiện nay là nước Sudan, mọi triều thần đều phải răm rắp làm y theo những gì vị sultan làm: Nếu trong buổi đi săn, ông ta có ngã ngựa thì cả bầy triều thần cũng phải ngã theo; nếu ông ta bị thường thì họ cũng phải chịu cùng loại thương tổn đó.

Mối nguy lớn hơn là làm phật ý vị chúa tể, có thể dẫn đến hình phạt lưu đày hoặc xử trảm. Người ta ví một triều thần lọc lõi như một nghệ sĩ đi dây thăng bằng, biết làm hài lòng người xem nhưng đừng làm hài lòng thái quá, cúi đầu vâng dạ nhưng phải biết nổi bật giữa đám triều thần, tuy nhiên cũng đừng quá nổi bật đến mức làm cho chúa phải bất an.

Các triều thần lừng danh kim cổ đều là bậc thầy của nghệ thuật vận động kẻ khác. Họ làm cho vua chúa cảm thấy mình vua chúa hơn, bằng cách làm cho tất cả mọi người phải e sợ quyền lực của kẻ trị vì. Họ là những tay phù thủy của vẻ bề ngoài, biết rằng hầu hết những sự việc ở triều đình đều được đánh giá qua vẻ bề ngoài. Những triều thần giỏi đều rất phong nhã lịch sự, đòn tấn công của họ được ngụy trang kỹ và không trực tiếp. Họ làm chủ sự phát ngôn và không nói ra lời thừa nào, có khen cũng khen với chủ đích, có chê cũng chê kín kẽ. Họ giống như thỏi nam châm thú vị - mọi người thích ở gần họ bởi vì họ biết cách chiều lòng mà không hạ thấp mình. Những triều thần giỏi giang nhất đều được chúa sủng ái và hưởng lợi từ vị trí ấy. Nhiều khi quyền lực của họ còn hơn vua, bởi vì họ xuất sắc trong việc gồm thu ảnh hưởng.

Ngày nay nhiều người cho rằng sinh hoạt triều đình là di tích của quá khứ, một loại vật lạ của lịch sự. Đáp lại, Machiavelli cho rằng họ lập luận “như thể vũ trụ, mặt trời, các tinh tú, và loài người đã thay đổi trật tự chuyển động và quyền lực đã khác xa so với vũ trụ, mặt trời, các tinh tú, và loài người của thời xưa”. Ngày nay có lẽ là không còn vị Vua Mặt Trời nào song vẫn còn vô số người tưởng rằng mặt trời quay quanh họ. Hoàng triều có thể ít nhiều đã biến mất, hoặc giả giảm bớt quyền lực, song triều đình và triều thần vẫn hiện diện bởi vì quyền lực luôn hiện diện. Ngày nay hiếm khi một triều thần phải ngã ngựa cho giống chúa, nhưng những quy luật chi phối việc triều chính vẫn vô tận như quy luật của quyền lực. Vì vậy có rất nhiều điều ta nên học hỏi ở các triều thần của thời quá khứ và hiện tại.

CÁC QUY LUẬT TRIỀU CHÍNH

Đừng chơi nổi. Không nên huyên thuyên về bản thân hoặc về thành tích của mình. Càng nói nhiều, ta sẽ làm người khác càng nghi kỵ, từ đó sẽ có kẻ ganh tỵ muốn đâm sau lưng ta. Hãy cẩn thận, thực sự cẩn thận khi nói về những thành tựu của mình. Nói chung là ta nên khiêm nhường.

Có phong cách ung dung. Đừng bao giờ tỏ ra vất vả với công việc. Phải để cho mọi người thấy là tài năng của bạn như dòng chảy tự nhiên, với phong thái ung dung khiến họ nghĩ rằng bạn là thiên tài chứ không phải kẻ cày cho hết việc. Ngay cả khi công việc đòi hỏi phải đổ mồ hôi hột, bạn vẫn phải làm ra vẻ không cần gắng sức – mọi người không thích mấy bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, vốn cũng là một cách thu hút chú ý. Chẳng thà để cho họ ngạc nhiên trước lượng công việc to lớn được bạn thực hiện thật nhàn nhã, còn hơn là họ ngạc nhiên là tại sao bạn phải vất vả như thế.

Nịnh vừa phải thôi. Có thể đối với cấp trên của bạn, bao nhiêu sự nịnh hót cũng không đủ, nhưng nên nhớ cái gì nhiều quá cũng giảm giá trị. Nịnh hót quá lố sẽ làm các đồng liêu ganh tỵ. Hãy học cách nịnh bợ gián tiếp – chẳng hạn như biết rút lui vào bóng tối sau khi thành công, để cho sư phụ mình được nổi bật.

Biết thu hút chú ý. Nghe qua có vẻ mâu thuẫn: Không được chơi nổi, nhưng đồng thời phải biết cách nổi bật. Ở triều đình Louis XIV, hễ vua chú ý nhìn ai thì lập tức người ấy xem như thăng một bậc trong tôn ti phẩm trật. Bạn sẽ không có cơ hội thăng tiến nếu không được chúa chú ý đến giữa đám quần thần. Nghệ thuật chính ở chỗ này. Ban đầu bạn chỉ cần được chúa nhìn thấy, đúng theo nghĩa đen. Vì vậy nên chăm sóc vẻ bề ngoài của bạn, tìm cách tạo ra phong cách và hình ảnh khác biệt – khác biệt một cách tinh vi.

Thay đổi phong cách và ngôn ngữ cho hợp với người mình đang đối thoại. Việc tin vào sự bình đẳng – nghĩ rằng ta phải hành động và ăn nói y như nhau đối với tất cả mọi người, cho dù cấp bậc họ ra sao, thì như thế mới là quân tử - là một lỗi lầm to lớn. Những người dưới ta sẽ xem đó là biểu hiện trịch thượng, còn kẻ trên ta sẽ nghĩ ta là bất kính. Bạn phải thay đổi cách ăn nói xử sự tùy người đối diện. Đó không phải là nói láo, mà chỉ là đóng kịch, và đóng kịch là một nghệ thuật chứ không phải của trời cho. Hãy học nghệ thuật ấy. Điều này đúng với rất nhiều nét văn hóa khác ở triều đình hiện đại: Đừng bao giờ cho rằng chuẩn mực về ứng xử và cách đánh giá của bạn là phổ quát. Không thích nghi được với văn hóa người khác, đó không chỉ là đỉnh cao của sự thô lỗ, mà còn đặt bạn vào thế bất lợi.

Đừng bao giờ là kẻ báo hung tin. Chúa tể sẽ giết kẻ báo hung tin: việc này vẫn lặp đi lặp lại trong lịch sử. Ta phải đấu tranh, và nếu cần nói láo và lừa bịp cũng được, nhưng phải làm sao cho gánh nặng báo hung tin phải đè lên vai người khác. Cố gắng thu xếp như thế nào để chỉ báo tin vui, để khi vừa thoáng thấy ta là chúa vui trong bụng.

Đừng tỏ vẻ thân mật với chúa. Chúa cần có bề tôi chứ không cần bề tôi làm bạn. Ta không nên tiếp cận chúa theo cách thân mật hoặc hành động như thể hai người tâm đầu ý hợp, vì đó là đặc quyền của chúa. Nếu chúa muốn xử sự ngang bằng với ta, ta chiều lòng chúa nhưng nhớ giữ kẽ cẩn trọng, để tỏ rõ khoảng cách giữa hai người.

Đừng trực tiếp phê phán cấp trên. Điều này thoạt nghe đã quá hiển nhiên, nhưng có nhiều khi ta phải biết cách góp ý, bởi vì cứ mãi câm như hến không bao giờ có ý kiến, ta lại lâm vào tình thế rủi ro khác. Ta phải học cách đưa ra lời góp ý càng gián tiếp và lễ độ càng tốt. Hãy suy đi nghĩ lại nhiều lần để cho sự góp ý đó đủ vòng vo. Hãy thật tinh vi và tế nhị.

Đừng đòi hỏi quá nhiều đặc ân. Mỗi khi phải từ chối lời cầu xin của cấp dưới, kẻ bề trên hết sức buồn lòng. Chúa cũng biết áy náy. Càng ít khi xin xỏ đặc ân càng tốt, và phải biết đâu là giới hạn. Thay vì đặt mình vào thế xin xỏ, bạn hãy làm tốt để được chúa tự ý ban thưởng. Đặc biệt quan trọng: Đừng nhân danh người khác mà xin chiếu cố, nhất là nhân danh một người bạn.

Đừng nói đùa về vẻ bề ngoài hoặc sở thích. Thái độ tươi vui và tính khí dí dỏm là đức tính chủ yếu đối với một triều thần tốt, và có nhiều lúc ta cũng nên bỡn cợt một tí cho được việc được lòng. Nhưng bạn nhớ đừng bao giờ bỡn cợt về vẻ bề ngoài hoặc sở thích, vốn là hai lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với kẻ bề trên. Ngay cả khi không có họ ở đó bạn cũng chớ. Nếu không bạn sẽ tự đào mồ chôn mình.

Đừng nhạo báng. Hãy khen ngợi thành tựu của người khác. Nếu cứ chỉ trích bạn đồng liêu, thậm chí những kẻ dưới quyền, những lời chỉ trích ấy sẽ tác dụng ngược lại, lúc nào cũng lởn vởn trên đầu bạn như đám mây đen. Ai cũng tức giận vì một lời nhạo báng. Hãy biết cách khen ngợi vừa phải những thành tựu của kẻ khác, đổi lại bạn sẽ được chú ý thân thiện. Biết cách nói lên sự trầm trồ, và làm cho người ta nghĩ rằng mình trầm trồ thật, là một kỹ năng ngày càng hiếm.

Biết tự nhận thức. Gương soi là một sáng chế kỳ diệu, không có nó ta sẽ phạm phải tội lớn đối với cái đẹp và sự lịch thiệp. Ta cũng cần có tấm gương cho hành động của mình. Đôi khi sự phản chiếu này đến từ lời góp ý của người khác, nhưng đó không phải là phương cách đáng tin cậy: Ta phải là tấm gương soi của chính mình, tập cho được kỹ năng nhìn thấy bản thân mình như người khác nhìn thấy. Liệu ta có quá khúm núm? Liệu ta có quá xum xoe? Liệu ta có cố thu hút sự chú ý quá lộ liễu, như thể ta đang xuống dốc? Hãy biết tự nhận thức và ta sẽ tránh được vô số lỗi lầm.

Làm chủ cảm xúc. Như một diễn viên tài ba, ta phải biết cách khóc cười theo yêu cầu. Ta phải có khả năng che giấu cơn giận dữ cũng như nỗi thất vọng dưới vẻ mặt bình thản và hài lòng. Ta phải điều khiển được vẻ mặt của mình. Muốn gọi đó là dối trá thì cứ việc, nhưng nếu bạn không muốn dấn thân và lúc nào cũng làm người lương thiện và bộc trực, thì sau này nếu mọi người bảo bạn là khó chịu và ngạo mạn thì đừng hỏi tại sao.

Thích ứng với tinh thần thời đại. Tỏ vẻ hoài cổ đôi chút cũng dễ thương, miễn là ta chọn giai đoạn nào đó cách nay ít nhất vài chục năm. Chứ nếu ăn mặc ứng xử như cách nay chừng mười năm thì thật là lố bịch, trừ khi ta thủ vai anh hề triều đình. Tinh thần và cách suy nghĩ của ta phải theo kịp thời đại, cho dù thời đại ngày nay có xúc phạm đến sự nhạy cảm của ta. Tuy nhiên cũng chớ nên đi trước thời đại quá xa kẻo không ai hiểu ta. Tốt nhất ta nên làm theo hay bắt chước tinh thần của thời đại.

Hãy là nguồn vui. Điều kiện này là then chốt. Bản chất tự nhiên của con người là xa lánh những gì buồn bã đáng chán, trong khi sự duyên dáng và nguồn vui tiềm tàng sẽ thu hút ta như những con thiêu thân lao vào ngọn lửa. Hãy là ngọn lửa đó và ta sẽ lên đến địa vị đỉnh cao. Không phải ai cũng dễ dàng được sủng ái, bởi vì không phải ai cũng được trời sinh ra với vẻ duyên dáng và nét thông minh dí dỏm. Nhưng ta có thể kiểm soát được những nét khó ưa của mình và che giấu chúng đi khi cần thiết.

Một người am tường triều đình là người làm chỉ được hành động, tia nhìn và gương mặt; hắn phải sâu sắc và khôn lường; hắn che đậy ý đồ xấu xa, mỉm cười với kẻ thù, kiểm soát cơn nóng giận, ngụy trang các dục vọng, biết làm điều tương phản với cõi lòng, nói và hành động ngược lại với tình cảm của mình.

(Jean de La Bruyère, 1645 – 1696)

MỘT SỐ HOẠT CẢNH VỀ CUỘC SỐNG Ở TRIỀU ĐÌNH

Hoạt cảnh 1

Alexander đại đế, kẻ chinh phục vùng lòng chảo Địa Trung Hải từ Trung Đông đến Ấn Độ, từng thọ giáo với vị thầy vĩ đại là Aristotle, và suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Alexander rất tận tâm với triết học và những lời dạy bảo của thầy. Ông từng than phiền với thầy rằng suốt những chiến dịch kéo dài, mình không có ai để đàm đạo về các vấn đề triết học. Aristotle đề nghị ông chọn Callisthenes, học trò cũ của mình đồng thời là một triết gia rất có triển vọng, làm người hầu chuyện trong chiến dịch sắp tới. Đã được Aristotle dạy cho những kỹ năng của một triều thần, nhưng trong lòng chàng thanh niên rất xem thường những kiến thức ấy. Chàng ta chỉ tin vào triết học thuần túy, vào chữ nghĩa mộc mạc, vào việc nói toạc ra sự thật. Callisthenes lý luận rằng nếu quả thật Alexander thích lắng nghe đến như vậy thì ông ta hẳn sẽ không phật ý khi có người nói thẳng. Trong một chiến dịch của Alexander, Callisthenes đã nói thẳng quá nhiều lần khiến Alexander phải kết liễu đời anh ta.

Diễn giải

Nơi triều chính, sự thẳng thắn là trò thiếu suy nghĩ. Đừng chủ quan đến mức cho rằng chúa sẽ thích nghe những lời gián nghị trung kiên, cho dù những lời khuyên ấy có đúng đắn cách mấy.

Hoạt cảnh 2

Cách nay khoảng hai ngàn năm vào đầu triều đại nhà Hán, các học giả Trung Quốc biên tập quyển Bộ Sử ký. Đó là quyển sách chính thức ghi lại từng triều đại trước đó, bao gồm nhiều chuyện kể, thống kê, điều tra dân số và biên niên chiến trận. Mỗi sử ký như thế có phần gọi là “Những sự kiện bất thường”, trong đó, giữa danh sách các trận động đất và lũ lụt, đôi khi còn có mô tả những hiện tượng lạ như cừu hai đầu, ngỗng bay ngược, những vì tinh tú đột nhiên xuất hiện trên bầu trời, vân vân. Những trận động đất có thể được kiểm tra về mặt lịch sử, nhưng những loài quỷ quái và hiện tượng lạ kỳ có lẽ được cố tình thêm vào, và chuyên xảy ra trong cùng một thời điểm nhất định. Việc này ý nghĩa ra sao?

Hoàng đế Trung Quốc được xem là thiên tử, một sức mạnh của thiên nhiên. Đế quốc của ông ta là trung tâm của vũ trụ, và mọi thứ đều xoay quanh ông. Ông tượng trưng cho sự hoàn hảo của thế giới. Bình phẩm ông ta tức là xúc phạm đến trật tự của trời đất. Không vị quan nào dám bình phẩm hoàng đế, dù chỉ bằng một lời nhẹ nhàng nhất. Nhưng trên thực tế hoàng đế vẫn là con người với những nhược điểm riêng và đất nước vẫn suy vong vì những lỗi lầm của họ. Vì vậy người biên tập sử ký cố tình chen vào những hiện tượng lạ vào biên niên triều chính để cảnh giác những vị vua. Hoàng đế sẽ được thông tin về việc ngỗng bay ngược hoặc nhật nguyệt quá độ để tự cảnh tỉnh rằng hành động của mình làm cho vũ trụ mất quân bình, do đó phải liệu mà thay đổi.

Diễn giải

Với những quần thần Trung Quốc, việc khuyên răn vua là vấn đề rất quan trọng. Qua năm tháng, hàng ngàn chức sắc đã chết khi cố gắng can gián hoặc khuyên răn vua. Muốn được an toàn, họ phải tính sao để những lời lẽ đến tai vua một cách gián tiếp – nhưng nếu quá gián tiếp thì sẽ không được vua để ý đến. Vì vậy họ chế ra quyển biên niên: Không đề rõ ai là người lên tiếng cảnh báo, nhưng lại làm cho vua hiểu được tình hình hệ trọng như thế nào.

Tuy kẻ bề trên của bạn hiện nay không phải là cái rốn của vũ trụ, nhưng ông ta vẫn cho rằng mọi việc quay quanh mình. Nếu bạn bình phẩm, ông ta chỉ thấy người bình phẩm chứ không thấy bản thân người bình phẩm. Giống như các triều thần Trung Quốc, bạn phải tìm cách ẩn mặt phía sau lời bình phẩm. Hãy dùng biểu tượng, cũng như các phương pháp gián tiếp khác để mô tả vấn đề, chứ đừng ló đầu ra chịu báng.

Hoạt cảnh 3

Vào thời kỳ đầu sự nghiệp, kiến trúc sư người Pháp Jules Mansart nhận đơn đặt phác họa thêm vài công trình nhỏ trong cung Versailles của vua Louis XIV. Với mỗi bản thiết kế, ông đều phác theo ý thích của vua, sau đó trình vua xem.

Triều thần Saint-Simon mô tả kỹ thuật tiếp cận vua của Mansart: “Tài năng đặc biệt của ông ta chính là trình vua xem những bản vẽ có chứa điều gì đó chưa được hoàn hảo, thường là dính dáng đến việc thiết kế vườn ngự uyển, vốn là thế mạnh của ông ta. Như Mansart đã dự đoán, thế nào vua cũng chỉ ngay vào chỗ khiếm khuyết và đề nghị cách tu sửa. Mansart lập tức suýt xoa cho tất cả mọi người có thể nghe thấy rằng bản thân mình không thể nào phát hiện ra được vấn đề mà đức vua đã anh minh chỉ rõ. Ông ta sẽ trào dâng khen ngợi, thú nhận rằng so với đức vua thì mình chỉ đáng làm đứa học trò thấp kém”. Đến năm chỉ mới ba mươi tuổi, nhờ thỉnh thoảng sử dụng phương thức vừa kể, Mansart nhận được đơn đặt hàng của cả đời người: Mặc dù tài năng và kinh nghiệm kém hơn nhiều đồng nghiệp, ông ta được vua ban trách nhiệm mở rộng cung Versailles. Từ đó về sau Mansart chính thức trở thành kiến trúc sư riêng của Louis.

Diễn giải

Từ thời niên thiếu, Mansart từng chứng kiến nhiều nghệ thuật nhân hoàng gia đã phải mất đi vị trí ưu tiên của mình, không vì tài năng yếu kém mà do lầm lỗi ứng xử. Tự nguyện sẽ không bước vào vết xe đổ ấy, Mansart luôn làm cho vua tự tin hơn, làm cho vua ngạo nghễ hơn càng công khai càng tốt.

Bạn đừng bao giờ cho rằng tài năng là chủ yếu. Ở triều đình, nghệ thuật ứng xử của một triều thần còn quan trọng hơn kỹ năng. Và kỹ năng lớn nhất chính là làm cho kẻ bề trên cảm thấy mình còn tài hơn những người chung quanh.

>

Hoạt cảnh 4

Jean-Baptiste Isabey trở thành họa sĩ chưa chính thức của triều đình Napoléon. Trong hội nghị Vienna năm 1814, sau khi Napoléon bại trận và bị lưu đày trên đảo Elba, các thành viên hội nghị mời Isabey vẽ lại sự kiện lịch sử này bằng một bức họa sử thi.

Khi Isabey tới Vienna, thương thuyết gia chủ chốt phe Pháp là Talleyrand đến viếng họa sĩ. Cho rằng mình đóng vai trò quan trọng trong cuộc thương thảo nên Talleyrand đề nghị họa sĩ vẽ mình ở vị trí trung tâm. Isabey vui vẻ nhận lời. Vài ngày sau thương thuyết gia chủ chốt phe Anh là Công tước Wellington cũng đến gặp họa sĩ với đề nghị tương tự. Isabey rất lễ phép nhất trí rằng tất nhiên công tước phải ở vị trí trung tâm.

Trở về studio, họa sĩ xem xét tình thế khó xử này. Nếu ưu tiên cho một trong hai người, sẽ xảy ra bất hòa về mặt ngoại giao, dấy lên đủ loại đố kỵ ngay vào thời điểm hết sức cần có hòa bình và hòa hợp. Tuy nhiên đến lúc hạ tấm vải che bức tranh, cả Talleyrand và Wellington đều hài lòng. Tranh vẽ một đại sảnh rất đông các chức sắc ngoại giao và chính khách khắp châu Âu. Ở một phía bức tranh, Isabey vẽ Công tước Wellington đang bước vào phòng và mọi cặp mắt đều hướng về ông, như vậy ông đã trở thành “trung tâm” của mọi chú ý. Còn ngay chính giữa bức tranh, Isabey vẽ Talleyrand chễm chệ ngồi.

Diễn giải

Thường để cho một chủ hài lòng đã khó rồi, giờ phải làm đẹp dạ hai chúa thì triều thần đó phải là thiên tài. Đời triều thần lắm cảnh khó xử như vậy: Làm hài lòng ông này thì ông kia phật ý. Bạn phải khéo léo tìm ra cách tránh được vỏ dưa mà né cả vỏ dừa.

Hoạt cảnh 5

George Brummell, còn được gọi là Beau Brummel, từng nổi trội vào cuối thập niên 1700 nhờ dáng vẻ bề ngoài hào hoa phong nhã, nhờ cách thắt dây giày được đông đảo mọi người bắt chước, nhờ lối ăn nói lắm duyên. Ngôi nhà anh ta ở London được xem là trung tâm thời trang và Brummell là thẩm quyền về tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực ấy. Nếu anh ta không thích loại giày của bạn thì lập tức bạn quăng chúng đi và mua ngay thứ anh ta đang mang. Brummell đã hoành chỉnh nghệ thuật thắt cà-vạt. Người ta đồn là Lord Byron từng thức nhiều đêm trước tấm gương để cố lần cho ra bí mật thắt cà-vạt của Brummell.

Một trong những người hâm mộ Brummell là Hoàng tử xứ Wales, vốn tự cho là người am tường thời trang. Được gia nhập triều đình hoàng tử (và hưởng trợ cấp hoàng gia), chẳng bao lâu sau Brummell tự tin về thẩm quyền thời trang của mình đến mức pha trò về trọng lượng cơ thể của hoàng tử, gọi sư phụ mình là Big Ben. Vì sự thanh mảnh gọn nhẹ chính là đặc điểm quan trọng của một công tử bảnh bao, nên lời nói đùa của Brummell trở thành sự xúc phạm. Lần kia trong bữa ăn tối khi khâu phục vụ có vẻ chậm, anh ta bảo hoàng tử “Đổ chuông đi Big Ben!” Hoàng tử đổ chuông thật, nhưng là để gọi người hầu mời Brummell ra cửa và từ đó không bao giờ cho anh ta trở lại nữa.

Mặc dù không còn được hoàng tử sủng ái, Brummell vẫn tiếp tục đối xử rất ngạo mạn với người khác. Không còn tiền trợ cấp của hoàng gia, anh ta bị nợ ngập đầu song vẫn láo xược nên mọi người dần xa lánh. Cuối cùng Brummell qua đời trong cảnh cùng cực nhất, cô đơn và mất trí.

>

Diễn giải

Chính tài năng tuyệt luân của Brummell đã khiến hoàng tử từ hâm mộ anh ta và từ đó đưa anh ta vào triều. Nhưng ngay cả một người như Brummell, được xem là thẩm quyền về thời trang và khẩu vị, cũng không cưỡng lại được việc nói đùa về vẻ bề ngoài của hoàng tử, mà nguy hiểm hơn hết là lúc có mặt chủ nhân ở đó. Đừng bao giờ pha trò về vẻ mập mạp của người khác, ngay cả pha trò một cách gián tiếp – đặc biệt càng không nên khi kẻ đó là sư phụ bạn. Những ngôi nhà tế bần của lịch sử đầy rẫy loại người từng pha trò như thế đối với chủ nhân mình.

Hoạt cảnh 6

Giáo hoàng Urban VIII muốn được lưu danh về tài làm thơ, nhưng tiếc thay bài thơ hay nhất của ông cũng thuộc loại xoàng. Năm 1629, Công tước Francesco d’Este biết được tham vọng thi ca của giáo hoàng nên phái nhà thơ Fulvio Testi làm sứ giả đến Vatican. Một trong những bức thư của Testi gửi công tước cho biết lý do vì sao ông không được chọn: “Khi cuộc đàm luận chấm dứt, tôi khuỵu gối xuống chào kiếu từ nhưng giáo hoàng ra dấu và bước sang một phòng khác, nơi ngài ngủ và sau khi đến bên chiếc bàn nhỏ, ngài cầm một mớ giấy và mỉm cười quay sang tôi nói ‘Chúng tôi muốn ngài nghe một vài soạn phẩm của chúng tôi’. Liền đó giáo hoàng đọc cho tôi nghe hai bài thơ kiểu Pindar, một bài ngợi ca đức Mẹ đồng trinh, vài bài kia về nữ công tước Matilde.”

Ta không biết biết chính xác Testi nghĩ gì về những bài thơ dằng dặc ấy, bởi vì sẽ rất nguy hiểm nếu ông ta nói ra ý kiến mình, ngay cả trong một bức thư. Song trong thư có đoạn tiếp theo như sau: “Tôi nương theo tâm trạng ngài và bình phẩm từng dòng với độ ngợi khen cần thiết, và sau khi hôn chân ngài vì được hưởng đặc ân đó [được nghe đọc thơ], tôi xin phép cáo lui”. Vài tuần sau, khi đến thăm giáo hoàng, công tước đã xoay xở khéo léo, học thuộc lòng bài thơ của giáo hoàng và ngợi khen nức nở khiến giáo hoàng “vui đến mức gần như mất trí”.

Diễn giải

Ở lĩnh vực sở thích, bạn có xum xoe với chủ nhân bao nhiêu cũng không đủ. Sở thích là một trong những điều nhạy cảm nhất của cái tôi. Sở thích là một trong những điều nhạy cảm nhất của cái tôi. Đừng bao giờ chỉ trích hoặc cật vấn về sở thích hoặc khẩu vị của chủ nhân – bài thơ của chủ nhân luôn tuyệt vời, y trang luôn hoàn chỉnh, và cung cách luôn là khuôn mẫu cho mọi người.

Hoạt cảnh 7

Ở Trung Quốc xưa kia, Chiêu, vua nước Hàn từ năm 358 đến 333 TCN nhậu say và ngủ quên trong ngự uyển. Viên quan chuyên trách giữ gìn vương miện lúc ấy đi ngang qua và thấy vua ngủ vùi không đắp chăn. Vì trời trở lạnh nên quan viên bèn lấy áo khoác của mình đắp đỡ cho vua.

Khi tỉnh dậy trông thấy tấm áo, Chiêu hỏi của ai. Cận thần đáp của quan trông nom vương miện. Vua liền cho đòi quan trông nom áo khoác đến và phạt vì tội chểnh mảng. Vua cũng cho gọi quan trông nom vương miện đến và ra lệnh chém đầu.

Diễn giải

Đừng bao giờ vượt quá giới hạn của mình. Chỉ làm những việc được giao, làm cho thật tốt, và đừng làm gì khác. Nghĩ rằng làm hơn thế sẽ tốt hơn, quả là bạn sai lầm lớn. Đừng ra vẻ cố sức làm, vì như vậy trông như bạn đang cố gắng che đậy điểm kém cỏi nào đó. Làm một việc mà bạn không được giao sẽ khiến mọi người đánh dấu hỏi. Nếu là quan giữ vương miện, bạn hãy trông nom vương miện. Hãy tiết kiệm sinh lực cho những lúc không ở trong triều.

Hoạt cảnh 8

Ngày kia để giải trí, họa sĩ Fra Filippo Lippi (1406-1469) cùng bạn bè dùng thuyền buồm nhỏ ra ngoài khơi Ancona. Họ bị hai thuyền người Moor chặn bắt, tất cả đều bị trói gô lại đưa tới Barbary bán làm nô lệ. Suốt 18 tháng dài Filippo không còn hy vọng gì trở về Italia.

Nhiều lần Filippo trông thấy người mua đi ngang qua, và một ngày kia họa sĩ quyết định phác lại chân dung ông ta bằng than củi đống lửa. Dù chân vẫn bị xiềng, Filippo tìm được bức tường trắng và vẽ chủ nhân bằng kích cỡ người thật, mặc y phục người Moor. Chẳng bao lâu sau chủ nhân nghe được, vì trọn vùng này không ai có biệt tài này cả, do đó họa sĩ có vẻ như là của trời cho. Chủ nhân hài lòng đến mức trả tự do cho Filippo và đưa ông ta vào triều. Tất cả các danh gia vọng tộc vùng duyên hải Barbary đều đến chiêm ngưỡng các bức chân dung do bàn tay tài hoa của Filippo thực hiện, và cuối cùng để tưởng thưởng công lao họa sĩ đã làm vinh danh mình, vị chủ nhân đã cho người đưa Filippo về Italia an toàn.

Diễn giải

Chúng ta đang vất vả làm việc cho người khác, và trong chiều hướng nào đó, cũng giống như bị cướp biển bắt đi bán làm nô lệ. Nhưng cũng giống như Fra Filippo (có thể ở cấp độ thấp hơn) phần lớn chúng ta đều có một tài mọn, một khả năng làm điều gì đó giỏi hơn người khác. Hãy mang tài mọn đó ra phục vụ chủ nhân và bạn sẽ vượt lên trên những triều thần khác. Nếu cần, hãy để cho chủ nhân hưởng hết tiếng thơm, vì đó chỉ là tạm thời: Bạn hãy dùng chủ nhân làm bàn đạp, một phương cách triển khai tài năng của mình, để cuối cùng lấy lại được tự do, thoát kiếp nô lệ.

Hoạt cảnh 9

Người hầu cận của vua Alfonso I vùng Aragon kể vua nghe rằng đêm trước anh ta nằm mơ thấy vua ban cho vũ khí, ngựa chiến, và y phục. Vốn là người rộng lượng, Alfonso nghĩ rằng rất thú vị nếu biến giấc mơ kia thành hiện thực nên liền truyền lệnh ban cho người hầu đúng những thứ anh ta thấy trong giấc mơ.

Lấn sau anh ta lại báo Alfonso biết mình nằm mơ thấy được vua ban thưởng rất nhiều đồng tiền vàng. Lần này Alfonso mỉm cười và bảo “Từ nay về sau khanh đừng tin vào những giấc mơ, vì chúng nói láo đấy.”

Diễn giải

Khi xử lý giấc mơ đầu tiên của người hầu, Alfonso nắm quyền kiểm soát. Biến giấc mơ ấy thành hiện thực, Alfonso xem mình có quyền lực như trời, theo nghĩa nhẹ nhàng và dí dỏm. Tuy nhiên đến giấc mơ thứ nhì, mọi nét thần tiên đều biến mất, mà tất cả chỉ còn là một trò lừa đảo xấu xa. Vì vậy bạn đừng bao giờ đòi hỏi thái quá và biết khi nào dừng lại. Đặc quyền của chủ nhân là ban tặng – ban tặng cái gì và lúc nào là tùy ông ta, và đừng ai thúc giục gợi ý. Đừng tạo cho chủ nhân cơ hội chối từ lời thỉnh cầu của bạn. Tốt hơn là bạn đạt được các ân huệ vì chủ nhân nhận thấy bạn xứng đáng được hưởng, và lúc ấy bạn không cần xin cũng có.

Hoạt cảnh 10

Họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh J.M.W Turner (1755-1851) người Anh lừng danh vì tài dùng màu. Qua tay ông màu sắc trở nên rực rỡ và có độ phát sáng lạ lùng. Những màu sắc ấy sống động đến mức những họa sĩ khác không muốn treo tác phẩm của mình cạnh các bức họa của Turner.

Họa sĩ Sir Thomas Lawrence có lần bị xui xẻo khi kiệt tác của Cologne của Turner nằm chình ình giữa hai bức của ông. Lawrence than phiền với chủ gallery, nhưng ông này lý luận rằng trước sau gì thì cũng phải có tranh của ai đó treo gần tranh của Turner. Nhưng khi nghe được chuyện này, trước khi khai trương cuộc triển lãm, Turner tự ý làm giảm bớt độ sáng màu vàng kim của bầu trời trong bức Cologne, để cho độ màu xỉn xuống bằng màu tranh của Lawrence. Một người bạn của Turner thấy vậy bèn tiến đến với cặp mắt trợn trừng vì kinh hãi: “Anh đã làm gì với bức họa?!” “Ờ thì, chàng Lawrence kia có vẻ đau khổ quá,” Turner đáp, “nhưng không sao đâu, chỉ là muội đèn thôi, sau triển lãm tôi rửa sạch ngay ấy mà.”

Diễn giải

Những âu lo của một triều thần phần lớn liên quan đến việc ứng xử với chủ nhân, vì hầu hết mọi nguy hiểm đều từ đó mà ra. Nhưng bạn đừng vội cho rằng chỉ có chủ nhân mới quyết định số phận bạn. Những đồng liêu và cấp dưới cũng có phần quyết định trong đó. Triều đình là một cái hầm lò vĩ đại với đủ thứ hỉ nộ ái ố. Bạn phải xoa dịu người nào mà bạn cho rằng mai kia sẽ có cơ hội hại mình, bằng cách làm lệch hướng lòng oán giận và ganh tỵ của họ sang kẻ khác.

Là một “triều thần” tài ba, Turner biết rằng thanh danh và sự nghiệp của mình tùy thuộc vào các đồng nghiệp họa sĩ, cũng như vào giới buôn tranh và mạnh thường quân. Biết bao tài năng vĩ đại đã phải ngã đổ vì sự ghen ghét của đồng nghiệp! Chẳng thà tạm thời giảm bớt sự sáng chói của mình còn hơn là chịu búa rìu đố kỵ.

Hoạt cảnh 11

Winston Churchill là một họa sĩ không chuyên, và sau Thế chiến thứ hai, các nhà sưu tập tìm mua tranh của ông. Là chủ nhà xuất bản, cha đẻ của các tạp chí Time và Life, Henry Luce sở hữu một bức như thế và treo tại văn phòng ở New York.

Có lần đi vòng quanh nước Mỹ, Churchill đến viếng Luce tại văn phòng và cả hai cùng ngắm bức tranh. Luce nhận xét: “Đây là bức tranh đẹp, nhưng tôi cho là nó cần có thêm gì đó ở tiền cảnh – có thể là một con cừu”. Luce rất sửng sốt khi thư ký riêng của Churchill điện cho ông ngay ngày hôm sau, và đề nghị ông gửi bức tranh sang Anh Quốc. Luce làm theo, nhưng hết sức áy náy vì biết đâu mình đã xúc phạm vị cựu thủ tướng. Tuy nhiên ít lâu sau Luce được nhận lại bức tranh, với một chút thay đổi: có một con cừu đang gặm cỏ yên lành ở tiền cảnh.

Diễn giải

Về tầm cỡ và thanh danh thì Churchill vượt xa Luce, nhưng Luce cũng là người quyền thế, vậy chúng ta hãy tưởng tượng hai người tầm tầm nhau. Nhưng ngay cả như vậy, hẳn Churchill cũng không có gì phải kiêng dè từ một nhà xuất bản người Mỹ. Vậy tại sao vị cựu thủ tướng lại chiều theo ý của một tay chơi nghệ thuật?

Triều đình – trong trường hợp này là tập thể các nhà ngoại giao và chính khách, và kể cả các nhà báo luôn đeo bám họ - là nơi chốn phụ thuộc lẫn nhau. Sẽ là dại dột nếu đụng chạm đến cái “gu” của những người quyền thế, ngay cả khi họ thấp hơn hoặc bằng bạn. Một người như Churchill mà có thể nuốt trôi sự chỉ trích của một người như Luce, thì quả Churchill là một triều thần ngoại hạng. (Việc ông ta chịu sửa lại bức tranh cũng có thể hàm chứ tí ti trịch thượng, song ông đã làm thật tinh tế khiến Luce không nhận ra chút khinh thị nào). Hãy bắt chước Churchill: Luôn sốt sắng mỗi khi có thể, ngay cả nếu bạn không phục vụ cho bề trên nào, vì như thế rất lợi ích cho bạn.

LỜI CẢNH BÁO VỀ KIẾP BỀ TÔI

Talleyrand là một triều thần hoàn hảo, đặc biệt trong giai đoạn phục vụ ông chủ là Napoléon. Khi hai người mới biết nhau, nhân tiện trong câu chuyện Napoléon: “Tôi sẽ đến ăn trưa ở nhà ông vào một ngày đó”. Talleyrand có ngôi nhà ở Auteuil, vùng ngoại ô Paris. “Tôi rất hân hạnh, thưa tướng quân,” ông đáp, “và vì nhà tôi gần Bois de Boulogne, vào đầu giờ chiều ngài đi bắn súng để giải trí”.

“Tôi không thích bắn súng,” Napoléon đáp, “nhưng tôi thích đi săn. Trong Bois de Boulogne có gấu không?” Napoléon xuất thân từ đảo Corsica, nơi bộ môn săn gấu được hâm mộ. Khi hỏi ở một công viên Paris mà có gấu không, ông ta chứng tỏ mình là kẻ quê mùa, thậm chí là người thô kệch. Tuy nín cười được, nhưng Talleyrand lại không cưỡng nỗi cái ý chơi khăm một vố. Tuy là quan thầy của Talleyrand về mặt chính trị, nhưng về huyết thống và dòng dõi quý tộc thì Napoléon không bằng Talleyrand. Ông ta cúi mình đáp: “Thưa tướng quân, có rất ít, nhưng tôi dám chắc là ngài sẽ xoay xở tìm thấy một con”.

Hai người hẹn nhau là sáng hôm sau Napoléon sẽ đến Auteuil, và cuộc săn gấu sẽ bắt đầu vào đầu giờ chiều. Trong khi chờ đợi, Talleyrand bí mật sai người ra chợ mua hai con heo mọi thật to.

Ăn uống no say và nghỉ ngơi xong, Napoléon bắt đầu cuộc đi săn. Nhận được hiệu lệnh, gia nhân của Talleyrand thả một con heo ra. “Ta thấy một con gấu!” Napoléon reo vui và lập tức phi ngựa đuổi theo. Phải mất nửa giờ sau nhóm đi săn mới bắt được “con gấu”. Tuy nhiên vào lúc sắp reo mừng, Napoléon thấy một sĩ quan phụ tá tiến đến bảo rằng đó chỉ là con heo.

Nổi trận lôi đình, Napoléon tức thì phi ngựa trực chỉ ngôi nhà của Talleyrand. Dọc đường, ông ta hiểu ra rằng mình vừa bị chơi khăm, và nếu tức thì làm rùm beng thì mình chỉ thêm phần thô bỉ. Vì vậy Napoléon cố ra vẻ bình thản nhưng không đạt lắm.

Talleyrand đề nghị Napoléon khoan vội bực mình trở về Paris, mà hãy nán lại săn thỏ, vì săn thỏ là trỏ giải trí ưa chuộng nhất của vua Louis XVI. Ông ta thậm chí còn dâng một bộ súng săn từng là sở hữu của Louis. Bằng những lời bợ đỡ và mơn trớn khéo léo, Talleyrand làm Napoléon nguôi giận và bằng lòng đi săn thỏ.

Đến xế chiều cả nhóm mới khởi hành. Dọc đường. Napoléon nói với Talleyrand “Ta không phải là Louis XVI, chắc chắn là ta sẽ không bắn được con thỏ nào.” Nhưng thật lạ là trong khoảng xế chiều hôm đó công viên đầy dẫy những thỏ là thỏ. Napoléon bắn được ít nhất năm mươi con, và tâm trạng ông chuyển từ giận dữ sang hài lòng. Tuy nhiên đến cuối buổi đi săn, cũng tay sĩ quan phụ tá kia đến thì thầm với Napoléon: “Thưa ngài, nói cho thật lòng, tôi bắt đầu ngờ rằng chúng không phải là thỏ rừng. Tôi e là tên Talleyrand bất lương kia lại chơi mình thêm một vố nữa”. Người cận vệ này có lý, bởi vì trước đó Talleyrand đã sai gia nhân ra chợ mua mấy chục con thỏ nhà thả vào Bois de Boulogne.

Napoléon lập tức phi ngựa một nước về Paris. Sau đó ông ta đe dọa và dặn Talleyrand chớ cho ai biết hai cú chơi khăm đó, nếu không Talleyrand sẽ biết thế nào là lễ độ.

Phải nhiều tháng sau Talleyrand mới lấy lại được niềm tin nơi Napoléon, và sau này hoàng đế không bao giờ quên việc mình bị bẽ mặt.

Diễn giải

Triều thần giống như nhà ảo thuật: Họ đánh lừa bằng vẻ bên ngoài, chỉ để cho thấy những gì mà họ muốn những người chung quanh thấy. Và điều chủ yếu là không được để họ phát hiện cú lừa của mình.

Thông thường, Talleyrand được xem là đấng bề tôi đệ nhất, và lẽ ra ông đã cùng lúc đạt được hai đích (vừa làm hài lòng Napoléon, vừa chơi xỏ ông ta) nếu không có sự can thiệp của tay sĩ quan phụ tá. Nhưng việc làm triều thần, làm bề tôi là một nghệ thuật tinh vi, nếu không phát hiện ra bẫy rập và vô tình lầm lỗi, bạn sẽ triệt tiêu những ngón đòn lợi hại nhất của mình. Đừng để xảy ra trường hợp rủi ro bị lật tẩy, nếu không dưới mắt mọi người, từ vị thế một triều thần phong lưu bạn sẽ chỉ còn là một kẻ lừa đảo khả ố. Đóng vai triều thần hoặc bề tôi là một cuộc chơi rất tế nhị, hãy cố gắng hết mình để ngụy trang dấu vết và đừng bao giờ để cho sư phụ lột mặt nạ bạn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện