Nguyên Tắc 32

Thao Túng Những Mơ Tưởng Viển Vông

Thường khi người ta tránh nhìn sự thật vì sự thật xấu xa và làm mất lòng. Đừng kêu gọi sự thật và thực tế, trừ khi bạn đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với thái độ giận dữ khi người ta vỡ mộng. Cuộc sống khắc nghiệt và khổ sở đến nỗi hễ ai vẽ vời nên sự lãng mạn hoặc hô biến ra những ảo tưởng, người đó sẽ được xem là ốc đảo giữa sa mạc: ai ai cũng đổ xô đến. Khai thác được sự mơ tưởng của đám đông, bạn sẽ có quyền lực lớn.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Thị quốc Venice phát đạt lâu dài đến độ cư dân những tưởng ông trời đứng về phía họ. Từ thời Trung Cổ sang giai đoạn đầu Phục hưng, độc quyền mậu dịch với phương Đông đã giúp cho Venice trở thành đô thị giàu có nhất châu Âu. Nhưng sang thế kỷ XVI mọi thời cơ đều thay đổi. Thế giới Mới rộng mở đã dịch chuyển quyền lực – sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sau này là Hà Lan và Anh Quốc. Venice không thể cạnh tranh về mặt kinh tế vì vậy đế chế của họ thu hẹp dần.

Giờ đây nhiều gia đình quý tộc ở Venice lần lượt phá sản, các ngân hàng bắt đầu đóng cửa. Nhân danh chán nản xuống tinh thần. Dấu vết của vinh hoa vẫn chưa phai mờ khiến cho họ cảm thấy nhục nhã.

Năm 1589 thiên hạ bắt đầu xầm xì về việc “Il Bragadino” sắp đến Venice. Người ta đồn rằng đó là bậc thầy thuật giả kim, một người giàu nứt đố đổ vách nhờ một chất bí mật giúp làm ra được nhiều vàng. Tin đồn lan nhanh là vì cách đấy ít lâu, một quý tộc Venice du hành qua Ba Lan đã nghe sấm giảng rằng Venice có thể trở lại thời oanh liệt nếu cố tìm cho ra người biết thuật giả kim. Vì vậy khi tin đồn lan tới Venice về những vàng ròng mà Bragadino sở hữu – ông ta liên tục rủng rỉnh những đồng tiền vàng trong tay, và cung điện ông ta đầy ắp vật dụng bằng vàng - nhiều người bắt đầu mơ tưởng.

Các gia đình quý tộc cao cấp nhất cử đại diện đến Brescia để diện kiến Bragadino. Họ tham quan cung điện và sững sờ nhìn ông biểu diễn khả năng “chỉ đá hóa vàng”: Lấy một nhúm khoáng sản hầu như không giá trị, rồi hô biến thành vàng bụi. Nghị viện Venice đang chuẩn bị bàn bạc việc chính thức mời ông ta đến lưu trú miễn phí, bỗng có tin rằng Công tước vùng Mantua cũng có cùng lời mời tương tự. Sợ vuột mất nhân tài, Nghị viện gần như nhất trí mời Bragadino đến Venice, hứa hẹn sẽ chi ra hàng núi tiền để cấp dưỡng cho ông sống trong xa hoa nhung lụa – nhưng với điều kiện là ông phải tới ngay.

Cuối năm đó gã Bragadino bí ẩn đến Venice. Dáng vẻ bề ngoài cùng với hai con chó cận vệ khổng lồ làm ông ta trông thật dữ dằn và ấn tượng. Bragadino chọn sống trong một cung điện sang trọng trên đảo vùng Giudecca, mọi chi phí ăn ở cùng với tiệc tùng, y phục và mọi đỏng đảnh khác đều được cộng hòa Venice bao trọn. Cơn sốt giả kim phủ khắp kinh thành. Góc phố nào cũng có người bán ống bễ, than đun, thiết bị chưng cất, tài liệu chuyên môn. Ai ai cũng bắt tay thực hành thuật giả kim - chỉ trừ Bragadino.

Hình như ông ta không vội vã gì chế ra vàng để cứu Venice khỏi rơi vào điêu tàn. Lạ thay chính điều đó làm cho ông được hâm mộ thêm. Tháng ngày qua đi, Bragadino còng nhận được nhiều quà cáp từ mọi phía. Thế nhưng ông lại chả động ngón tay để tạo ra phép lạ mà mọi cư dân Venice đều mong mỏi. Cuối cùng họ bắt đầu mất kiên nhẫn. Thoạt tiên các nghị viên khuyên dân khoan nóng vội vì Bragadino như quái vật thất thường, cần được nuông chiều. Cuối cùng cả giới quý tộc cũng nóng ruột và buộc Nghị viện phải làm gì đó để bù đắp tất cả những khoản chi tiêu.

Mặc dù trong lòng khinh rẻ bọn hoài nghi, nhưng Bragadino vẫn lên tiếng trả lời. Ông ta bảo mình đã đặt trong kho bạc của thành phố loại hóa chất bí ẩn có khả năng nhân lượng vàng lên gấp bội. Nếu muốn, ông có thể sử dụng ngay hóa chất ấy để nhân đôi lượng vàng, nhưng nếu quy trình càng dài ngày thì lượng vàng có được sẽ càng cao. Nếu chịu khó chờ khoảng bảy năm, chất này sẽ nhân số vàng lên gấp ba mươi lần. Hầu hết các nghị viên đều đồng ý chờ để thu hoạch số vàng Bragadino đã hứa. Tuy nhiên những người khác lại nổi giận: Nuôi cái tên táo tợn này bảy năm nữa bằng công quỹ! Và nhiều người dân thường của Venice cũng muốn phản đối. Cuối cùng những kẻ chống đối Bragadino đòi hỏi ông phải chứng tỏ một phần tài nghệ: Tạo ra một lượng vàng kha khá, và nhanh lên!

Bragadino ngạo mạn trả lời rằng vì thành phố Venice quá nóng vội nên làm mất mặt ông, và không xứng đáng cho ông phục vụ. Ông ta rời Venice đến Padua, rồi Munich theo lời mời của Công tước vùng Bavaria. Giống như Venice, Bavaria cũng từng có thời kỳ vàng son nhưng giờ đây đã khánh tận, nên hy vọng dựa vào phép lạ của Bragadino để phục hưng. Nhờ vậy Bragadino tiếp tục lối sống xa hoa mà ông từng hưởng ở Venice, xem như bổn cũ soạn lại.

Diễn giải

Mamugnà là một thanh niên đảo Cyprus sống tại Venice suốt nhiều năm trước khi “tái sinh” thành nhà giả kim Bragadino. Ông ta chứng kiến bầu trời ảm đạm bao trùm cả thành phố, chứng kiến dân chúng cầu mong sự cứu rỗi không biết đến từ nơi nào. Trong khi những thày lừa khác thông thạo những trò lừa qua sự khéo léo tay chân, Mamugnà thông thạo bản chất con người. Ngay từ đầu ông ta đã chọn mục tiêu là Venice, sau đó xuất ngoại kiếm được ít tiền trước khi trở về định cư ở Brescia. Ông cố tình tạo tiếng vang mà ông biết trước sau gì cũng lan đến Venice. Cách một cự ly, hào quang quyền lực của ông còn thêm phần ấn tượng.

Trước hết, Mamugnà không dùng những màn biểu diễn tầm thường để chứng minh những kỹ năng giả kim. Cung điện lộng lẫy, trang trí sang trọng, tay rủng rỉnh vàng, tất cả những thứ ấy là lý lẽ cấp cao, đánh gục những gì duy lý. Và chúng cũng thiết lập chu kỳ giúp cho chuyện lừa bịp của ông luôn trơn tru: Sự giàu sang sờ sờ ra đó càng tăng cường tiếng tăm một nhà giả kim, vì vậy những người bảo trợ như Công tước vùng Mantua sẵn sàng cho ông tiền, từ đó ông có điều kiện sống trong nhung lụa và cuộc sống xa hoa đó lại tăng cường tiếp danh tiếng nhà giả kim, vân vân và vân vân. Chỉ khi nào danh tiếng ấy đã vững chắc rồi và giới thượng lưu đối đầu nhau để giành lấy ông thì ông mới cần đến màn biểu diễn. Tuy nhiên đến lúc đó thiên hạ mới dễ bị lừa: Họ đang muốn tin. Nhìn Mamugnà hóa phép ra vàng, các nghị viên của Venice đã thiết tha muốn tin đến nỗi họ không để ý thấy dưới tay áo ông có ống thủy tinh, từ đó ông mới có thể rải bụi vàng lên nhúm khoáng sản. Thông minh và đỏng đảnh, Mamugnà chính là nhà giả kim hô biến những điều mơ tưởng của dân Venice - và một khi đã tạo được vầng hào quang như vậy thì sẽ không ai để ý những cú lừa đơn giản nhất.

Đó chính là sức mạnh của những mơ tưởng viển vông đã bám rễ trong ta, đặc biệt vào những thời kỳ thiếu thốn và suy thoái. Hiếm khi mọi người tin rằng vấn đề xuất phát từ việc làm sai trái và ngu xuẩn của họ. Phải đổ lỗi cho ai đó hoặc điều gì đó - tức là gã kia, là thiên hạ, là thần linh – vì vậy sự cứu rỗi cũng đến từ bên ngoài. Nếu đến Venice với bản phân tích chi tiết các nguyên nhân suy thoái kinh tế, cùng với giải pháp cứng rắn để khắc phục, hẳn Bragadino sẽ bị cả thành phố cười vào mũi. Thực tế quá xấu xa và giải pháp quá đau đớn - hầu như đó là loại công phu khổ nhọc mà tổ tiên của họ đã bỏ ra để tạo nên một đế chế. Ngược lại việc mơ tưởng – trong trường hợp này là tính lãng mạn của thuật giả kim – thì rất dễ hiểu và dứt khoát dễ nuốt trôi.

Muốn gom thu quyền lực, ta phải tạo ra vui thú cho những người chung quanh – và muốn có vui thú, ta phải chiều theo những mơ tưởng của họ. Đừng bao giờ bảo rằng chúng ta sẽ cải thiện từng bước bằng lao động nặng nhọc, ngược lại hãy vẽ vời những điều thật viển vông, hứa hẹn đổi thay lớn lao và nhanh chóng, bảo đảm tìm được kho vàng.

Ai biết khéo léo để vẽ vời ra lý thuyết ngông cuồng nhất bằng

những màu sắc thích hợp, người ấy sẽ có kẻ tin theo.

(David Hume, 1711-1776)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Chỉ có mơ tưởng không thôi thì không đủ mà cần có một cái nền cuộc sống buồn tẻ và tầm thường. Chính sự ngột ngạt của thực tế đã giúp mơ tưởng viển vông đâm chồi mọc rễ.

Trên cái nền suy thoái chung, một Venice của thế kỷ XVI mơ tưởng phục hồi thời vàng son thông qua phép lạ của thuật giả kim. Bụi sẽ biến thành vàng và cả đế chế sẽ lại huy hoàng như xưa.

Người nào biết biến hóa mơ mộng viển vông từ thực tế ngột ngạt ấy, người đó tiếp cận với rất nhiều quyền lực. Vì vậy khi suy tìm loại mơ tưởng nào có thể tác động đến đám đông, bạn nên tham khảo những sự thật tầm thường đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Cho dù bề ngoài và cuộc sống của thiên hạ có sang cả như thế nào cũng mặc, bạn cứ suy tìm và khai thác những gì thực sự kìm kẹp họ. Nếu thành công, xem như bạn có trong tay chiếc đũa thần quyền lực.

Mặc dù thời thế và con người có đổi thay, song chúng ta cứ xem xét một vài thực tế ngột ngạt đang tồn tại, cùng với những cơ hội kèm theo chúng:

Thực tế: Sự đổi thay quá chậm và từng bước, đòi hỏi lao động nặng nhọc, một tí may mắn, rất nhiều hy sinh, cả núi kiên nhẫn.

Mơ tưởng: Một sự thay đổi đột ngột làm biến chuyển toàn bộ vận hội, không kinh qua giai đoạn lao động, không chờ may mắn, không phải hy sinh, không tốn thời gian, loại thay đổi chỉ diễn ra trong tíc tắc lạ thường.

Tất nhiên đây chính là cốt lõi loại viển vông mà bọn bịp vẫn rao giảng hiện nay và từng đóng vai trò then chốt giúp Bragadino thành công. Bạn hãy hứa hẹn một cuộc đổi thay toàn diện lớn lao – nghèo thành giàu, bệnh thành khỏe, cơ hàn thành hỉ lạc – và sẽ có khối người theo bạn.

Làm cách nào mà tay lang băm Leonhard Thurneisser trở thành ngự y cho quan Đại cử tri vùng Brandenburg hồi thế kỷ XVI mặc dù hắn chưa bao giờ nghiên cứu y học? Thay vì đề xướng việc cắt bỏ những thành phần bị thương tổn, cho đỉa hút máu, hoặc các loại thuốc xổ hôi thối (vốn là những phương thuốc phổ biến thời đó), Thurneisser đưa ra thảo dược ngọt ngào kèm với lời hứa nhanh chóng bình phục. Các triều thần thời thượng đặc biệt thích dung dịch “vàng lỏng uống được” trị giá cả gia tài. Nếu bạn lỡ bị bệnh kỳ quái gì đó, Thurneisser sẵn sàng bốc quẻ và họa bùa cho bạn đeo. Liệu ai có thể cưỡng lại những điều kỳ thú như vậy - được khỏe mạnh cường tráng mà không phải đau đớn khổ nhọc gì cả!

Thực tế: Lĩnh vực xã hội có nhiều quy ước và giới hạn khắt khe. Chúng ta hiểu những hạn chế ấy và biết rằng ngày lại ngày, mình phải chuyển động trong những quỹ đạo quen thuộc ấy.

Mơ tưởng: Chúng ta có thể bước vào một thế giới hoàn toàn mới với những quy ước khác hẳn và sự hứa hẹn những chuyến phiêu lưu kỳ thú.

Đầu thập niên 1700, thủ đô London xôn xao về một ngoại nhân bí ẩn mang tên George Psalmanazar. Ông ta đến từ một nơi mà hầu hết người Anh xem là xứ sở thần tiên: đảo Formosa (nay là Đài Loan). Đại học Oxford mời Psalmanazar dạy ngôn ngữ của đảo; Vài năm sau ông ta lại phiên dịch Kinh thánh sang tiếng của đảo Formosa, rồi viết một quyển sách - lập tức trở thành best-seller - về địa dư và lịch sử hòn đảo. Hoàng gia Anh dự tiệc tối chung với Psalmanazar và khi đến bất cứ nơi nào, ông ta cũng làm cử tọa thích thú với những câu chuyện kỳ lạ, những phong tục lạ lùng của quê nhà Formosa.

Tuy nhiên sau khi ông ta qua đời, người ta mới phát hiện rằng thật ra ông chỉ là một người Pháp với trí tưởng tượng phong phú. Tất cả những gì ông kể về Formosa - chữ viết, ngôn ngữ, văn chương, toàn bộ nền văn hóa - đều do ông bịa đặt. Psalmanazar dựa vào sự hiểu biết của người Anh để thêu dệt một câu chuyện trau chuốt tinh vi nhằm thỏa niềm ao ước của họ về những gì ngoại lai xa lạ. Nền văn hóa Anh thời ấy kiểm soát nghiêm khắc những mơ mộng của nhân dân. Vì vậy đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho Psalmanazar.

Nhiều khi người ta mơ tưởng hương xa đơn giản chỉ vì quá buồn chán. Thầy bịp thường tranh thủ sự ngột ngạt của môi trường làm việc, đơn điệu và thiếu hương phiêu lưu. Chẳng hạn lúc ấy thầy sẽ hê lên về việc khám phá ra kho tàng Tây Ban Nha từng thất lạc bao thế kỷ nay với sự tham gia của một senorita Mexico quyến rũ, có liên quan đến vị tổng thống một đất nước Nam Mỹ - bất cứ những gì giải thoát bạn khỏi sự nhàm chán thường ngày.

Thực tế: Xã hội vụn vỡ và đầy xung đột.

Mơ tưởng: Mọi người đến với nhau trong sự đoàn kết tinh thần.

Vào thập niên 1920, tay lừa đảo Oscar Hartzell làm giàu nhanh chóng từ một vụ xưa như trái đất, liên quan đến Sir Francis Drake – cơ bản là hứa hẹn với bất kỳ ai mang họ Drake một phần tải sản của “kho báu Drake” đã thất lạc từ lâu, mà chỉ mỗi mình ông ta tiếp cận được. Hàng ngàn người từ vùng Trung tây đã sụp bẫy, và Hartzell khôn ngoan biến tập thể này thành một cuộc thập tự chinh chống đối chính phủ và bất cứ ai khác toan ngăn cản không cho các hậu duệ Drake thừa hưởng kho tàng. Họ triển khai một hiệp hội thần bí của những hậu duệ Drake bị đàn áp, tổ chức nhiều cuộc tập hợp và mít tinh gây xúc cảm. Chỉ cần hứa hẹn với một hiệp hội như vậy là ta thâu tóm được nhiều quyền lực, nhưng đó là loại quyền lực nguy hiểm có thể chống ngược lại ta. Đây là hình thức mơ tưởng viển vông mà bọn mị dân thường hay thao túng.

Thực tế: Cái chết. Chết rồi không thể sống lại, quá khứ không thể đổi thay.

Mơ tưởng: Đột ngột đảo ngược lại cái sự thật không chịu đựng nổi ấy.

Cú lừa này có nhiều biến thể, nhưng biến thể nào cũng đòi hỏi bạn phải hết sức khéo léo và tinh tế.

Vẻ đẹp của tranh Vermeer đã từ lâu không còn là vấn đề bàn cãi, tuy nhiên ông sáng tác rất ít, và trên thị trường hết sức hiếm tranh ông. Nhưng vào thập niên 1930, tranh Vermeer lại bắt đầu xuất hiện trong các phòng trưng bày. Khi được mời đến giám định, các chuyên gia đều nhất trí rằng chúng là tranh thật. Thật lạ lùng, Vermeer đã hồi sinh, quá khứ đã bị thay đổi.

Chỉ sau này mọi người mới biết chúng là sản phẩm của một người giả mạo tên là Han van Meegeren. Họa sĩ Hà Lan này đã chọn Vermeer để giả mạo vì ông biết rõ mơ tưởng của dân làng tranh: Tranh sẽ có vẻ thật bởi vì công chúng, và các chuyên gia, tất cả đều hết sức muốn tin chúng là thật.

Bạn hãy nhớ: Điều then chốt đối với sự mơ tưởng viển vông chính là cự ly. Một đối tượng ở xa sẽ hấp dẫn và hứa hẹn hơn, trông đơn giản và không có vấn đề. Vì vậy bạn phải rao bán những gì không thể với tới. Đừng để điều đó trở nên quá quen thuộc; Đó là ảo ảnh từ xa sẽ lùi dần khi nạn nhân tiến đến gần. Bạn đừng bao giờ nói về điều mơ tưởng một cách quá trực tiếp, mà cố tình để cho mơ hồ. Là nhà giả mạo những điều mơ tưởng, bạn buộc phải để nạn nhân đến đủ gần để nhìn thấy và bị cám dỗ, nhưng dù sao cũng giữ họ xa vừa đủ để họ luôn mơ tưởng và ước ao.

Hình ảnh:

Mặt trăng. Không với tới được, luôn thay hình đổi dạng, lúc ẩn lúc hiện. Chúng ta ngắm trăng tưởng tượng, ngạc nhiên và khao khát – trăng luôn gợi lên bao mơ tưởng. Bạn đừng chào mời điều hiển nhiên. Hãy hứa hẹn hái trăng.

Ý kiến chuyên gia:

Lời nói dối là sự quyến rũ, điều bịa đặt, có thể tô son điểm phấn thành một tưởng tượng viển vông. Ta có thể cải trang nó thành một ý niệm thần bí. Trong khi đó sự thật lại là sự việc lạnh lùng nghiêm chỉnh, không thoải mái lắm khi hấp thu. Lời dối trá dễ nuốt hơn. Người bị ghét nhất trên thế giới này là người luôn nói sự thật, là người không bao giờ thêu dệt… Tôi cho rằng việc bịa đặt thú vị và lợi lộc hơn là nói thật.

(Joseph Weil, còn được gọi là “The Yellow Kid”,

1875-1976)

NGHỊCH ĐẢO

Thao túng những điều mơ tưởng viển vông của đám đông rất có lợi nhưng hàm chứa nhiều hiểm nguy. Điều mơ tưởng thường chứa một yếu tố hí lộng – công chúng ý thức lờ mờ rằng mình bị dụ khị, nhưng vẫn tiếp tục mộng mơ và thưởng thức sự giải trí cũng như khuây khỏa để tạm thời thoát khỏi sự buồn chán thường ngày. Vì vậy ta nên thao tác nhẹ nhàng thôi - đừng bao giờ tới quá gần cái chỗ mà ta dự trù kết quả sẽ xảy ra, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro.

Bragadino nhận ra rằng, so với tính khí đồng bóng của dân Venice, đầu óc duy lý của cư dân Munich ít tin vào thuật giả kim. Chỉ có công tước vùng Munich là tin thực sự, vì ông đang rất cần nhiều vàng để cứu vãn tình thế tuyệt vọng. Trong khi Bragadino giở trò quen thuộc là tiêu xài hoang phí và trông chờ và lòng kiên nhẫn thì nhân dân nổi giận. Tiền đã bỏ ra quá nhiều mà kết quả không có chi. Năm 1592 nhân dân đòi thực thi công lý và treo cổ Bragadino. Cũng như những lần trước, hắn hứa mà không giao, nhưng lần này hắn đã đánh giá sai sức chịu đựng của chủ nhà.

Điều cuối cùng: Đừng hiểu lầm rằng hễ điều viển vông thì phải luôn kỳ dị. Đã đành viển vông thì tương phản với thực tế, nhưng đôi khi bản thân thực tế lại quá cải lương và cách điệu khiến người ta lại mơ tưởng những thứ giản đơn. Hình ảnh mà Abraham Lincoln tạo ra cho mình chẳng hạn là hình ảnh của một luật sư nông thôn cây nhà lá vườn với râu quai hàm, hình ảnh một tổng thống của thường dân.

Nhưng trong lúc đóng vai thường dân, Lincoln vẫn giữ khoảng cách riêng. Muốn thao túng những mơ tưởng viển vông, bạn cũng cần giữ khoảng cách an toàn và đừng để nhân vật “thường dân” ấy trở thành quá quen thuộc, nếu không nó sẽ chẳng tạo ra nét viển vông nào cả.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện