Nguyên Tắc 37
Tạo Ra Sự Hoành Tráng
Hình ảnh hoành tráng và động tác cao đạo sẽ tạo ra vầng hào quang quyền lực, vì ai ai cũng đáp ứng. Hãy tổ chức những màn hoành tráng cho người xung quanh thấy, với hình ảnh sống động, biểu tượng rực rỡ làm tôn vinh sự hiện diện của bạn. Lóa mắt vì những cảnh tượng ấy, sẽ không ai để ý xem bạn đang thực sự làm gì.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Vào đầu thập niên 1780, cư dân Berlin đồn về cách chữa trị thần sầu của một bác sĩ mang tên Weisleder. Ông biểu diễn trong một căng-tin bán bia được cải tạo lại, còn bên ngoài là từng hàng dài đủ loại người, từ mù lòa đến què quặt, hoặc bất kỳ bệnh nhân nào mà y học cổ điển đã chê. Khi các bệnh nhân xác nhận rằng ông chữa trị bằng ánh trăng, thì mọi người gọi ông là Bác sĩ Ánh trăng của Berlin.
Đến năm 1783 lại có tin đồn rằng ông đã chữa cho một bà giàu có khỏi bệnh nan y, từ đó ông trở thành siêu sao. Trước đây chỉ thấy dân nghèo Berlin rách rưới xếp hàng, giờ đây còn có bệnh nhân quần áo bảnh bao với cả dãy xa mã lộng lẫy chờ tận hoàng hôn. Dân nghèo sẽ giải thích rằng bác sĩ chỉ trị bệnh vào giai đoạn bạch nguyệt. Nhiều người khẳng định họ được chữa khỏi khi bác sĩ Weisleder kêu gọi thần lực của ánh trăng.
Bên trong căn phòng rộng là hổ lốn đủ loại người, đủ mọi giai cấp và màu da, trông như cái tháp Babel thứ thiệt. Từ trên cao, ánh trăng chiếu xuyên kính cửa sổ rộng lớn. Người ta cho biết bệnh nhân được mời lên lầu, chia thành hai ngã. Nam giới sang bên trái gặp bác sĩ, nữ giới rẽ phải đến phòng của vợ bác sĩ. Mới tới chân cầu thang, bệnh nhân đã nghe tiếng rên la từ trên vọng xuống, nơi tương truyền rằng đã có người mù được chữa sáng mắt.
Chẳng hạn như có bé trai bị đau ngực, bác sĩ sẽ ẵm bé lên soi trước ánh trăng, sau đó xoa vào chỗ đau và thì thầm nhiều câu khó hiểu, cặp mắt vẫn không rời mặt trăng. Sau đó bác sĩ thu tiền và tiễn bệnh nhân ra cửa. Ở đầu bên kia, các bệnh nhân nữ khẳng định bà bác sĩ chữa trị linh nhiệm không kém ông chồng, vì họ cảm thấy những cơn đau nhức đã đỡ hẳn.
Diễn giải
Giả định bác sĩ Weisleder không biết tí ti gì về y học, thì ít ra ông cũng am hiểu tâm lý con người. Ông hiểu rằng không phải lúc nào thiên hạ cũng thích lời lẽ hoặc diễn giải duy lý; họ muốn tác động tức thời đến cảm xúc. Cứ cho họ điều họ muốn, phần còn lại họ sẽ bổ sung đầy đủ, chẳng hạn như việc tưởng tượng rằng mình được chữa trị bằng ánh sáng phản chiếu từ một tảng đá cách xa hàng trăm ngàn dặm.
Bác sĩ Weisleder không cần thuốc men hoặc diễn thuyết dài dòng về năng lực của mặt trăng. Bản thân ánh trăng đã đóng vai trò nam châm thu hút đủ mọi loại mơ tưởng, như lịch sử từng chứng minh biết bao lần. Chỉ cần gắn liền bản thân mình với hình ảnh mặt trăng, bác sĩ đã có thể gom thu quyền lực.
Hãy nhớ rằng ta phải dựa vào đường ngang ngõ tắt để mưu cầu quyền lực. Ta phải luôn vòng né tránh những mối nghi, hoặc tâm lí cưỡng lại ý chí của ta. Hình ảnh là cách đi tắt rất hiệu quả: Chúng né được cái đầu, vốn hay nghi ngờ và kháng cự, và đánh thẳng vào con tim. Hình ảnh áp đảo thị giác, tạo ra nhiều liên kết hùng mạnh, quy tụ mọi người lại với nhau và dấy lên nhiều cảm xúc. Với cặp mắt bị ánh trăng áp đảo, nạn nhân sẽ không còn nhiều cảm xúc. Với cặp mắt bị ánh trăng áp đảo, nạn nhân sẽ không còn khả năng nhận thức mọi trò bịp bợm.
DIANE DE POITIERS
Năm 1536, vị vua tương lai nước Pháp là Henri II tuyển vương phi đầu tiên, Diane de Poitiers. Lúc đó Diane đã 37 tuổi, và là góa phụ của quan đại phu vùng Normandy. Còn Henri chỉ là chàng thanh niên 17 tuổi mới bắt đầu học đòi trác táng. Thoạt đầu quan hệ giữa hai người chỉ có vẻ về mặt tinh thần, nhưng dần dà Henri yêu Diane thật sự, thích ngủ lại phòng nàng hơn là về với người vợ trẻ Catherine de Médicis.
Năm 1547 Vua François băng hà và Henri lên ngôi, Diane cảm thấy vị trí của mình hết sức nguy hiểm. Đã luống tuổi 48, và mặc dù sử dụng đủ loại thuốc trường xuân và sữa tắm dưỡng da, Diane không thể che giấu những vết hằn của thời gian. Giờ đây Henri đã là vua, có khả năng ông sẽ quay lại với hoàng hậu, rồi cũng như những vị vua khác, ông sẽ chọn một vương phi khác trong vô số những mỹ nữ từng làm bao nhiêu triều đình Âu châu phải ganh tỵ với Pháp. Dù sao thì nhà vua cũng chỉ mới 28 tuổi, trông thật hào hoa phong nhã. Nhưng Diane đâu có đầu hàng dễ như vậy, nàng sẽ tiếp tục mê hoặc người tình, như nàng đã mê hoặc suốt 11 năm qua.
Bí mật của nàng nằm trong các hình tượng biểu trưng. Ngay từ lúc đầu mới giao tiếp với Henri, nàng đã chế ra hình ảnh bằng tên họ của hai người đan xen với nhau như một lời thề. Lúc ấy Henri cho thể hiện hình ảnh ấy khắp mọi nơi: thêu lên áo, khắc lên tượng đài, nhà thờ, mặt tiền điện Louvre ở Paris. Hai màu mà Diane ưa thích nhất là đen và trắng nên nàng chỉ mặc y phục toàn màu này, và nàng tận dụng mọi cơ hội để thể hiện hình ảnh tên tuổi quấn quít kia cũng bằng hai màu đen trắng. Ai ai cũng nhận ra biểu tượng ấy và ý nghĩa của nó.
Sau khi Henri lên ngôi, Diane còn tiến xa thêm một bước: tự đồng hóa với nữ thần La Mã cùng tên là Diana. Đây là vị nữ tổ nghề săn bắn, vốn là thú tiêu khiển truyền thống của hoàng gia, đồng thời là môn thể thao mà Henri say mê nhất. Cũng quan trọng không kém là trong nghệ thuật thời Phục hưng, Diana tượng trưng cho sự trong trắng và tiết hạnh. Khi mối liên hệ được tạo ra giữa Diane và nữ thần Diana, mọi người trong triều đều hiểu và thêm phần kính trọng bà. Nêu cao mối quan hệ “trong trắng” giữa bà với nhà vua, hình ảnh ấy đã đặt Diane đứng cao hơn những vụ ngoại tình lăng nhăng của mấy bà vương phi khác.
Để tăng cường hình ảnh đó, Diane cho làm lại toàn bộ lâu đài của bà ở Anet. Bà cho dựng lên một sảnh đường nhiều cột trông giống như ngôi đền kiểu Roman, làm từ đá trắng Normandy xen với đá lửa màu đen tuyền, thể hiện hai màu đặc thù của Diane. Huy hiệu mang tên họ của và bà được khắc khắp mọi nơi, xen lẫn với những biểu tượng của thần nữ Diana. Bên trong là nhiều tấm thảm không lồ kể lại từng giai đoạn trong truyền thuyết của nữ thần. Trong vườn, nhà điêu khắc lừng danh Gouion thực hiện tác phẩm Diane Chasseresse (thần nữ Diane ở tư thế đi săn, hiện vẫn được trưng bày ở bảo tàng Louver) với gương mặt giống Diane de Poitiers như đúc.
Tất cả những thứ này đều gây ấn tượng cực kì mạnh với Henri, và sau đó đi đâu nhà vua cũng ca ngợi vẻ đẹp của tượng nữ thần. Khi cả hai xuất hiện tại Lyon, thần dân trong vùng đã dựng lên hoạt cảnh thần nữ Diana. Thi sĩ trứ danh nhất thời đó là Pierre de Ronsard sản xuất các tác phẩm ngợi ca Diana, và trong dân gian nổi lên một phong trào sùng kính bà. Henri cảm thấy hình như Diane tự tạo cho mình một loại hào quang thần thánh, và hình như ông phải tôn sùng bà suốt đời. Mãi cho đến khi ông băng hà vào năm 1559, nhà vua vẫn trung thành với bà- phong tước công cho bà, ban cho vô vàn bổng lộc, bày tỏ lòng tôn sùng vô bờ đối với vương phi đầu tiên và duy nhất.
Diễn giải
Diane de Poitiers, một phụ nữ xuất thân từ giới trưởng giả đã khéo léo mê hoặc được Henri suốt hơn 20 năm. Lúc vua băng hà thì bà đã vào tuổi lục tuần những vua vẫn một mực yêu thương. Như vậy là nhờ bà hiểu Henri rất rõ. Ông không mấy trí thức nhưng lại say mê dã ngoại, xem kỵ sĩ thi đấu, ngắm các thiếu nữ mặc đẹp. Sự say mê vẻ đẹp thị giác của Henri, Diane thấy rất ấu trĩ và bà đã lợi dụng sự ấu trĩ này mỗi khi có cơ hội thích hợp.
Màn lợi dụng khôn ngoan nhất là vụ tự đồng hóa với nữ thần Diana. Với mánh khóe này, Diane đã đưa cuộc chơi vượt qua hình ảnh vật chất để vươn tới lĩnh vực biểu tượng tâm linh. Biến hình ảnh một tình nhân của vua thành biểu tượng tiết hạnh, quả là một kỳ công, nhưng Diane thực hiện được kỳ công đó. Nếu không dệt được mối dây liên hệ với nữ thần, Diane chỉ là một cung phi đang già đi. Nhưng một khi biểu tượng đó đã xuất hiện, Diane trở thành một sức mạnh huyền thoại để cho mọi người sùng bái.
Bạn có thể sử dụng những hình ảnh tương tự, thêu dệt các tín hiệu thị giác thành một tập hợp mang tính bao quát, như Diane đã làm với màu sắc và huy hiệu. Thiết lập được một hình ảnh riêng biệt như thế, bạn cũng sẽ có vị trí khác với phàm phu. Bạn có thể đẩy cuộc chơi xa hơn một chút: Tìm trong kho tàng quá khứ xem có hình ảnh hay biểu tượng nào thích hợp với vị trí của mình hiện nay, rồi khoác nó lên vai như một long bào. Chiếc áo đó sẽ giúp bạn trông vĩ đại hơn thực tế.
Vì ánh sáng mà mặt trời lan tỏa sang những vì sao khác làm cho tất cả trông giống như các triều thần quanh vua vì sự phân phối ánh sáng không đồng đều và bình đẳng như nhau cho tất cả mọi thứ, vì lợi ích mà nó mang đến cho mọi nơi, sinh ra đời sống, nguồn vui và hoạt động vì sự thường hằng của nó không bao giờ thay đổi. Ta chọn mặt trời như là hình ảnh huy hoàng nhất để đại diện cho một lãnh tụ vĩ đại.
(Vua mặt trời Louis XIV, 1638-1715)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Dùng lời lẽ để củng cố vị trí của mình là trò may rủi: Chữ nghĩa là dụng cụ nguy hiểm và có thể chệch hướng. Chữ nghĩa mà thiên hạ dùng để thuyết phục chúng ta cuối cùng sẽ khiến ta phản ánh hình ảnh họ bằng chữ nghĩa của ta. Ta nghiền ngẫm chữ nghĩa của họ thật lâu và thường khi lại tin điều ngược lại. Ngoài ra chữ nghĩa thường xúc phạm ta, dấy lên nhiều liên tưởng mà người ta nói không được chủ ý.
Trái lại hình ảnh sẽ làm mê cung của chữ nghĩa bị ngắn mạch. Hình ảnh đánh nhau vào cảm xúc, không chừa thời gian cho suy nghĩ hoặc nghi ngờ. Ta hãy tưởng tượng Bác sĩ Ánh trăng cố gắng thuyết phục người chưa tin về năng lực chữa lành của ánh trăng, về mối liên hệ giữa mình với quả cầu xa lắc đó: Có lẽ ông ta sẽ không thành công. Nhưng may thay, ngay khi bước vào đại sảnh, bệnh nhân đã bị chìm trong cảnh tượng huyền bí và ấn tượng, không cần phải tốn nhiều lời vì ánh trăng đã đủ sức thuyết phục.
Bạn nên nhớ rằng chữ nghĩa đưa ta vào thế bị động. Nếu phải mất công giải thích, thì xem như quyền lực của ta đã bị đặt vấn đề. Trái lại, đối với người xem, hình ảnh sẽ áp đặt như điều đương nhiên được quy định sẵn. Hình ảnh khiến người ta không còn muốn hỏi, hình ảnh tạo ra nhiều liên tưởng mạnh mẽ, kháng lại những diễn giải ngoài ý muốn, hình ảnh liên thông tức thì và tạo ra các liên kết vượt xa khỏi những dị biệt xã hội. Chữ nghĩa dấy lên lý luận và chia rẽ; hình ảnh quy tụ mọi người lại với nhau. Đó là dụng cụ quyền lực hùng mạnh.
Đó cũng là quyền lực của biểu tượng. Biểu tượng đại diện cho một điều gì đó trừu tượng hơn. Các ý niệm trừu tượng - sự trinh bạch, lòng ái quốc, tình yêu, dũng khí - đầy những liên tưởng mạnh mẽ về cảm xúc. So với những chữ nghĩa dài dòng văn tự, biểu tượng là đường đi tắt, chứa đựng hàng tá ý nghĩa chỉ trong một câu hoặc một vật đơn giản. Biểu tượng của Vua Mặt trời, nói như Louis XIV, có rất nhiều tầng ý nghĩa, nhưng cái đẹp của nó ở chỗ những liên tưởng không cần giải thích mà thần dân sẽ hiểu được ngay, làm cho Louis nổi bật hơn những vị vua khác, tạo nên một vẻ đường bệ đặc biệt vượt xa trên tất cả chữ nghĩa. Biểu tượng chứa đựng vô vàn quyền lực.
Bước đầu tiên để sử dụng biểu tượng và hình ảnh chính là hiểu được tầm quan trọng của thị giác so với những giác quan khác. Trước thời Phục hưng, người ta nghĩ các giác quan quan trọng như nhau. Nhưng từ đó về sau thị giác vượt trội và trở thành giác quan mà ta tin dùng. Bị người Moor bắt làm nô lệ, họa sĩ Filippo Lippi họa hình chủ nhân mình sống động trên tường. Khi chủ nhân thấy được, ông hiểu ngay sức mạnh của người có khả năng tạo ra bức vẽ ấy nên liền ra lệnh trả lại tự do.
Khi sắp xếp mọi thứ theo thị giác, bạn phải chăm chút thật kỹ lưỡng. Những yếu tố như màu sắc, đều cộng hưởng rất mạnh về mặt biểu trưng. Thiên hạ sẽ hưởng ứng với màu sắc nhanh hơn là với chữ nghĩa.
Khi đại gia lừa Yellow Kid Weil chế ra bản tin tức dạng bức thư ngỏ để quảng cáo các chứng khoán rởm mà ông đang rao bán, ông trang trọng đặt tên là “Bản tin thư Đỏ”, mướn in ấn cẩn thận, với màu đỏ rực rỡ bắt mắt. Màu này tạo ra tâm lý giục giã người xem, khiến họ nghĩ đến sức mạnh và vận may. Trong nhật ký sau này, Weil nhìn nhận những chi tiết đó đóng vai trò quan trọng trong màn lừa đảo. Vì vậy nếu có từ “vàng” trong tít tựa bất kỳ món gì mà bạn định rao bán, hãy in nó màu vàng kim. Vì tai nghe không bằng mắt thấy, nên thiên hạ sẽ đáp ứng với màu sắc nhanh hơn là lời nói. Thị giác có khả năng tác động mạnh đến cảm xúc. Hiệu quả hơn hết là việc phối hợp thành một cái mới – hòa nhập hình ảnh và biểu tượng lại thành điều gì đó chưa từng thấy, nhưng qua sự phối hợp mới ấy, mọi người sẽ cảm nhận tốt hơn một ý tưởng, thông điệp, hay tín ngưỡng mới. Cả đời mình, Hoàng đế La Mã Constantine rất sùng bái thần mặt trời. Nhưng ngày kia khi đang ngắm vầng dương, ông hoàng thấy cây chữ thập hiện trên nền mặt trời. Điều này khiến ông suy ngẫm về uy lực vượt trội của một tôn giáo mới. Sau đó ông không chỉ chuyển sang Công giáo, mà còn khuyến khích cả đế chế La Mã theo đạo mới ấy. Cho dù tất cả các thầy rao giảng hay thuyết dụ hết mình cũng không thể mang lại kết quả tương tự. Hãy phát hiện và liên kết mình với những hình ảnh và biết tượng nào có sức liên thông thần tốc, bạn sẽ nắm được quyền lực vô song.
Hình ảnh thường xuất hiện theo dạng chuỗi nào đó, và trình tự xuất hiện sẽ tạo ra biểu tượng. Ví dụ đối tượng nào xuất hiện trước sẽ tượng trưng cho quyền lực hoặc hình ảnh trung tâm sẽ có tầm quan trọng lớn hơn.
Lúc thế chiến thứ hai kết thúc, tướng Eisenhower lệnh cho các đoàn quân Mỹ dẫn đầu quân đội đồng minh tiến vào Paris đã giải phóng. Tuy nhiên tướng Pháp Charles de Gaulle nhận ra rằng trình tự này hàm ý người Mỹ điều khiển vận mệnh nước Pháp. Sau nhiều nỗ lực sắp xếp và điều đình, tướng De Gaulle và Sư đoàn II Thiết giáp của Pháp được phép dẫn đầu quân đồng minh. Kết quả là sau đó phe đồng minh bắt đầu đối xử với ông như lãnh tụ mới của nước Pháp độc lập. De Gaulle hiểu rằng một lãnh đạo phải đứng đầu đoàn quân đúng theo nghĩa đen. Hình ảnh này sẽ tạo ra mối liên tưởng không thể thiếu, dấy lên những xúc cảm trong quần chúng mà De Gaulle cần có.
Ngày nay trò chơi biểu tượng cũng có thay đổi: có lẽ không còn hợp thời cho bạn đóng vai Vua Mặt trời, hoặc giả để quấn áo bào nữ thần Diana. Tuy nhiên ta vẫn có thể gián tiếp liên kết mình với những biểu tượng ấy. Và tất nhiên ta có thể tạo ra truyền thuyết của riêng mình từ những gương mặt lịch sử đương đại, những người tuy đã vắng bóng nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn rất mạnh trong quần chúng. Điều quan trọng là tạo được một hào quang, một bề thế mà cái vẻ bề ngoài tầm thường của ta không thể tạo ra. Bản thân Diane de Poitiers cũng đâu có sức mạnh lan tỏa như vậy vì bà chỉ là một người bình thường như bao chúng ta. Nhưng chính biểu tượng đã nâng bà cao hơn cõi phàm phu, tạo cho bà vẻ thần thánh.
Biểu tượng vũng còn có hiệu quả lịch lãm vì thường khi biểu tượng phát ý tưởng một cách tinh tế hơn là chữ nghĩa thô thiển. Bác sĩ tâm lý Milton Erickson luôn thử tìm hình ảnh và biểu tượng có khả năng truyền thông với người bệnh, trong khi lời nói lại không thể. Khi tiếp xúc bệnh nhân tâm thần, ông không đặt câu hỏi trực tiếp nhưng chỉ nói bâng quơ, chẳng hạn như kể về ông lái xe băng qua sa mạc Arizona. Khi mô tả hoạt động này, ông tìm cách tiếp cận với biểu tượng mà ông cho là nói lên được vấn đề của người bệnh. Ví dụ nếu nghĩ rằng bệnh nhân cảm thấy bị cô lập. Erickson sẽ nói về một cây cứng cỏi đứng chơ vơ giữa đồng bị gió táp mưa sa. Một khi tạo được liên hệ xúc cảm với biểu tượng đó, bệnh nhân sẽ dễ dàng mở rộng cõi lòng.
Hãy dùng sức mạnh của biểu tượng để quy tụ, hoạt náo và đoàn kết đội quân hay toán làm việc của bạn. Trong thời kỳ loạn lạc tại Pháp năm 1648, phe bảo hoàng định làm bẽ mặt nhóm nổi loạn bằng cách so sánh họ với cái ná dây (tiếng Pháp là fronde), thường được trẻ nhỏ dùng để hù dọa đàn anh lớn hơn. Hồng y De Retz quyết định dùng luôn hình ảnh này để tượng trưng cho phe chống đối: Từ đó, nhân dân gọi phong trào này là La Fronde. Các phần tử chống đối may những miếng vải nhỏ vào mũ của họ trông giống cái ná dây, và từ La Fronde trở thành khẩu hiệu tập hợp. Không có biểu tượng này chưa chắc phong trào tồn tại nổi. Bạn nhớ luôn tìm cho đại nghĩa của mình một biếu tượng có nhiều liên tưởng càng đậm đà cảm xúc càng hay.
Cách tốt nhất để sử dụng hình ảnh và biểu tượng là tổ chức kết hợp chúng vào những buổi trình diễn ấn tượng, một mặt làm cho công chúng ngạc nhiên, mặt khác khiến họ quên đi thực tại đáng buồn. Điều này dễ làm thôi: thiên hạ luôn thích những gì lớn lao, hoành tráng và to tát hơn đời thường. Cứ đánh vào cảm xúc của họ. Rồi họ sẽ đổ xô từng đàn đến với những cuộc trình diễn của bạn. Thị giác là con đường ngắn nhất đi tới con tim.
Hình ảnh
Thập tự và mặt trời. Đóng đinh trên thập giá và bào quang rực rỡ. Chồng hai hình ảnh lên nhau, bạn tạo ra một thực tế mới, một quyền lực mới đang lên ngôi. Biểu tượng – không cần phải giải thích.
Ý kiến chuyên gia:
Thiên hạ luôn bị ấn tượng bởi về bề ngoài hời hợt của vật thể... Vào những thời điểm thích hợp trong năm, một vì vương phải làm cho dân chúng bận bịu và xao lãng bằng những hội hè đình đám.
(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)
NGHỊCH ĐẢO
Không quyền lực nào mà không đi đôi với hình ảnh và biểu tượng. Nguyên tắc này không cho phép nghịch đảo.