Nguyên Tắc 44

Hiệu Ứng Gương Soi

Gương soi phản ánh thực tế, mà cũng là dụng cụ hiệu quả để bạn đánh lừa: Khi bạn làm chiếc gương soi cho đối thủ, nghĩa là hành động y hệt chúng, chúng sẽ không hiểu nổi bạn định làm gì. Hiệu ứng gương soi chế giễu và làm chúng bẽ mặt, khích cho chúng phản ứng quá trớn. Cầm gương soi tâm hồn chúng, chúng sẽ có cảm tình vì tưởng bạn chia sẻ các nguyên tắc của chúng. Cầm gương soi hành động của chúng, bạn sẽ dạy cho chúng một bài học.

PHÂN LOẠI HỌC SƠ BỘ VỀ CÁC HIỆU ỨNG GƯƠNG SOI

Gương soi có thể nhiễu loạn chúng ta. Nhìn ảnh mình trong gương, rất thường khi ta trông thấy những gì muốn thấy – thứ hình ảnh làm ta hài lòng nhất. Ta không muốn nhìn quá gần vì không muốn thấy tàn nhang hay nếp nhăn. Nhưng nếu cố gắng thật kỹ, đôi khi ta có cảm giác nhìn thấy mình như cách người khác nhìn thấy, như một người giữa muôn người, như một đối tượng hơn là chủ thể. Cảm giác này làm ta rùng mình – ta đã nhìn thấy chính mình, từ phía ngoài, ngoại trừ tinh thần, linh hồn và các ý tưởng chiếm chỗ trong ý thức ta. Ta là một vật thể.

Sử dụng hiệu ứng gương soi, ta tái tạo một cách tượng trưng khả năng kể trên, bằng cách phản chiếu hành động của người khác, bắt chước cử chỉ của họ để làm họ bất an và nổi giận. Họ giận vì cảm thấy bị chế giễu, bị nhân bản như một đồ vật, một hình ảnh không hồn. Hoặc ta cũng sử dụng hiệu ứng gương soi nhưng khác đi một chút, họ sẽ cảm thấy bị vô hiệu hóa vì ta đã phản ánh được những ước mơ và khao khát của họ. Trong cả hai trường hợp vừa kể, khi đối thủ cảm thấy bất lực hay giận dữ, ta đều có thể tranh thủ để giật dây hay dụ dỗ họ. Cách làm này hiệu quả bởi vì nó tác động vào những cảm xúc sơ khai nhất.

Trên lĩnh vực quyền lực, gương soi có bốn loại hiệu ứng hoặc tác dụng:

Tác dụng vô hiệu hóa. Thần thoại Hy Lạp kể về quái nhân Medusa lấy rắn làm tóc và có gương mặt xấu xí ghê rợn, đến nỗi hễ ai nhìn vào là lập tức biến thành tượng đá. Nhưng dũng sĩ đa mưu Perseus đã đánh bóng tấm khiên sáng như gương, rồi nhìn vào đó để chặt đầu Medusa. Trong trường hợp này tấm khiên đóng vai trò gương soi, bởi vì gương soi cũng là một loại lá chắn: Mesuda không thể nhìn thấy Perseus mà chỉ thấy hành động của chính mình.

Đó là điểm cốt yếu của tác dụng vô hiệu hóa: Hãy làm những gì đối thủ làm, theo sát hành động của chúng, rồi chúng không thể ngờ chủ tâm ta là gì – chúng đã bị tấm gương làm lóa mắt. Trước kia, đối thủ thường lên kế hoạch đối phó với ta bằng cách dựa vào tính cách riêng của ta. Giờ ta làm chúng hụt hẫng vì khi nhìn vào chúng chỉ thấy chúng mà thôi.

Nhớ lại hồi còn bé, ta thường nổi đóa khi ai đó chọc tức bằng cách lặp lại y hệt những gì ta nói – chỉ một lúc sau là ta muốn đấm cho kẻ ấy một quả. Với người trưởng thành, nếu biết khéo léo ta sẽ làm họ tức điên. Ta dùng tấm khiên che đậy mọi chiến lược và đặt bẫy sẵn, hoặc giả xô đối thủ vào chính những chiếc bẫy chúng giăng sẵn cho ta.

Kỹ thuật hiệu quả này được dùng trong các chiến lược quân sự từ thời Tôn Tử, còn ngày nay nó thường xuất hiện trong những chiến dịch tranh cử. Ngoài ra nó còn hữu ích khi nghi trang được những tình thế mà ta hoàn toàn chưa có chiến lược nào cả. Đó là tấm Gương soi của Chiến binh.

Phiên bản nghịch đảo của tác dụng vô hiệu hóa là Bóng ma: Ta theo dõi từng cử chỉ của đối phương nhưng đối phương không hề thấy ta. Nhờ đó ta thu nhặt được những thông tin có khả năng vô hiệu hóa chúng sau này, khi ta đủ sức cản phá mọi hành động của chúng.

Tác dụng Narcissus. Chàng trai Narcissus nhìn một hình ảnh phản chiếu trên mặt nước hồ thu và đâm lòng yêu tha thiết. Khi phát hiện ra đó chính là hình ảnh của mình, chàng không thể thực hiện trọng vẹn động tác yêu nên quẫn chí nhảy xuống tự tử. Tất cả chúng ta đều có vấn đề tương tự: Trong vô thức, chúng ta tha thiết yêu mến chính mình, nhưng vì không thể có một đối tượng cụ thể bên ngoài nên tình yêu đó không bao giờ được thỏa mãn và lúc nào cũng thao thức.

Ta tận dụng hiểu biết này để nhìn sâu vào tâm hồn kẻ khác, thăm dò những ước mơ thầm kín, những chuẩn mực, sở thích, tâm trạng. Rồi ta phản ánh lại cho họ, ta biến mình thành gương soi. Khả năng này giúp ta điều khiển được họ, thậm chí họ có thể thoáng cảm tình với ta.

Đây là khả năng bắt chước người khác, không chỉ về vẻ bề ngoài, mà cả về mặt tâm lý. Đòn này hiệu quả vì tác động đến tình yêu của một đứa trẻ dành cho chính bản thân, loại tình yêu không được thỏa mãn. Thông thường, người đời khoái kể cho ta nghe về kinh nghiệm hoặc khẩu vị, sở thích của họ. Ít khi nào họ chịu khó nhìn mọi việc qua chính nhãn quan của ta. Tuy rõ chán, nhưng thái độ đó lại là thời cơ cho ta: Hãy phản ánh cho họ thấy là ta hiểu được tình cảm sâu lắng của họ, họ sẽ mềm lòng nghe theo những gợi ý và đề nghị của ta. Ít ai cưỡng nổi cái cảm giác rằng tình cảm tinh tế của mình được phản chiếu một cách hài hòa như vậy, ngay cả khi sự phản chiếu đó là do ta cố ý dựng lên nhằm mục đích lừa đảo.

Tác dụng Narcissus hữu ích trên cả hai bình diện đời sống xã hội và kinh doanh, cung cấp cho ta tấm Gương soi của Kẻ quyến rũ và Gã cận thần.

Tác dụng Đạo đức. Khả năng của lý lẽ rất hạn chế và thường khi đưa đến kết quả ngược lại với điều ta mong muốn. Như Gracián từng nói: “Sự thật dễ thấy nhưng khó nghe”. Tác dụng đạo đức rất tốt để chứng mình ý tưởng của ta qua hành động. Nói cách khác, là ta sẽ dạy cho đối thủ một bài học bằng cách cho chúng nếm mùi bếp núc của chúng.

Với Tác dụng Đạo đức, ta phản ánh lại đúng những gì mà người khác đã làm với ta. Và nên làm sao để họ ý thức được rằng ta đang thực hành chính xác những gì họ đã làm. Để cho họ biết rằng điều họ làm thực sự không chút nào thú vị, chứ nếu chỉ nghe ta than phiền thì họ chẳng những không tin mà còn bực mình. Như vậy khi nếm được kết quả của hành động trước đó được phản chiếu lại, họ mới ý thức hết những tổn thương mà người khác phải gánh chịu. Kỹ thuật này thường được dùng bởi những nhà giáo dục, tâm lý và những ai phải xử lý những cung cách không dễ ưa và không ý thức. Đây là Gương soi của Giáo viên. Trong cung cách người ta đối xử với bạn, cho dù có hay không có việc sai trái, bạn vẫn có lợi khi phản ánh hành động của họ, sao cho họ cảm thấy xấu hổ.

Tác dụng Ảo ảnh. Gương soi dễ đánh lừa, vì chúng làm cho ta có cảm tưởng rằng mình đang nhìn thế giới thực. Thật ra ta chỉ nhìn một miếng ve trai, và hơn nữa trong gương soi, mọi thứ đều đảo ngược.

Sở dĩ nói Tác dụng Ảo ảnh là vì nó tạo ra một bản sao chép hoàn hảo của một vật thể, một nơi chốn, một con người. Nhưng thiên hạ tưởng nó là thật vì nó có bề ngoài rất thật. Đây là kỹ thuật ưa chuộng của các thầy lừa, hoặc nơi nào đòi hỏi sự ngụy trang. Đây là Gương soi của Kẻ lừa đảo.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Mưu mẹo Fouché

Tháng Hai năm 1815, Hoàng đế Napoléon đào thoát khỏi đảo Elba và trở về Paris bằng cuộc hành quân làm nức lòng cả nước. Đi đến đâu ông cũng tập hợp được binh sĩ và nhân dân đủ mọi tầng lớp, và cuối cùng đã đánh đuổi được người kế nhiệm là vua Louis XVIII khỏi ngai vàng. Tuy nhiên sau đó ông phải đối mặt với nhiều khó khăn: Tình hình nước Pháp hoàn toàn thay đổi, đất nước suy kiệt và tan hoang, không còn bất kỳ đồng minh nào ở châu Âu, các bộ trưởng quan trọng và trung thành nhất đều lẩn trốn hoặc rời nước Pháp. Từ chế độ cũ chỉ còn lại một người – Joseph Fouché, cựu bộ trưởng công an. Trước khi còn tại vị, Napoléon từng nhờ Fouché thực hiện tất cả những công tác thuộc loại bẩn thỉu, nhưng thật ra ông chưa bao giờ biết tường tận về vị bộ trưởng này. Tuy tổ chức cả một đội quân mật thám để theo dõi toàn bộ nội các, song Napoléon không thu thập được thông tin hữu ích nào về Fouché. Nếu bị hoàng đế rầy rà về việc nào đó không chu toàn, Fouché sẵn sàng nhìn nhận, gật gù, mỉm cười rồi thay đổi màu sắc như một con tắc kè, tùy theo tình huống. Thoạt tiên thì lối ứng xử đó cũng làm Napoléon thấy dễ chịu và dễ thương, song về lâu về dài hoàng đế lại hoang mang vì cảm thấy con người trơn như lươn ấy luôn qua mặt mình. Đã đôi lần ông thải hồi tất cả các bộ trưởng quan trọng, kể cả Talleyrand, nhưng chưa bao giờ đụng đến Fouché. Vì vậy khi trở lại nắm quyền lực vào năm 1815 và cần được ủng hộ, Napoléon lại tái chỉ định Fouché làm bộ trưởng công an.

Vài tuần sau, bọn mật thám báo cho Napoléon biết Fouché bí mật tiếp xúc với các phần tử nước ngoài, kể cả Metternich nước Áo. Tuy muốn bắt Fouché nhưng Napoléon còn chờ có bằng chứng xác thực. Tháng Tư năm đó, mật vụ bắt được một người đến từ Vienna để trao thư cho Fouché. Khi bị đe dọa xử tử, người này thú nhận bức thư là của Metternich viết bằng loại mực vô hình, với nội dung là triệu tập các gián điệp học tại Basel. Tương kế tựu kế, Napoléon cho mật vụ xâm nhập buổi họp này để nắm bằng chứng liên quan đến Fouché.

Tuy nhiên vài ngày sau, tay mật vụ đó trở về báo cáo Napoléon rằng trong buổi họp hoàn toàn không một tình tiết nào có thể dùng để chống lại Fouché. Hình như là các thành viên buổi họp lại nghi Fouché chơi màn gián điệp nhị trùng, như thể vị bộ trưởng này thật ra trung thành với Napoléon. Về phần mình, Napoléon nghĩ rằng một lần nữa Fouché đã khéo léo qua mặt mình.

Sáng hôm sau khi đến viếng hoàng đế, Fouché ra vẻ như vừa sực nhớ một chuyện: „A, thưa ngài, tôi quên báo ngài biết cách nay mấy hôm tôi nhận được thư của Metternich… Lúc ấy tôi mải suy tính nhiều chuyện quan trọng hơn. Hơn nữa, người đưa thư cũng quên đưa tôi loại mực làm hiện chữ lên… Đây là bức thư nguyên thủy“. Biết chắc ông ta đang giỡn mặt, Napoléon bùng nổ: „Mi là tên phản bội! Lẽ ra ta phải ra lệnh treo cổ ngươi“. Hoàng đế tiếp tục la lối gào thét, nhưng không thể làm gì vì không có bằng chứng. Fouché chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên trước cơn giận dữ của Napoléon, nhưng trong lòng ông lại mỉm cười, vì từ đầu đến cuối ông luôn chơi trò gương soi.

Diễn giải

Suốt từ nhiều năm, Fouché biết Napoléon luôn cho mật thám theo dõi những gương mặt quyền lực, nhờ đó mới tai qua nạn khỏi bằng cách cho mật thám của mình theo dõi mật thám của Napoléon, từ đó vô hiệu hóa mọi hành động tiềm năng của hoàng đế. Trường hợp cuộc gặp mặt Basel, chính Fouché đã dàn dựng mọi thứ để có vẻ như ông ta là người trung chính.

Trong giai đoạn hỗn mang, Fouché không chỉ củng cố quyền lực mà còn phát đạt là nhờ soi rọi những người xung quanh. Trong thời kỳ Cách mạng Pháp ông ta theo phe Jacobin cực đoan; sau giai đoạn Terreur lại là người cộng hòa; đến khi dưới trướng Napoléon ông lại trở thành kẻ bảo hoàng tâm huyết, đến mức Napoléon ban cho làm công tước xứ Otranto. Trong khi phục vụ, ông ta luôn sử dụng hiệu ứng soi để tiên đoán các kế hoạch và ý định của Napoléon.

Hiệu ứng này có ích bởi vì trước hết thiên hạ tưởng bạn nhất trí với họ. Thứ hai, nếu lỡ họ có nghi ngờ chủ tâm sâu xa của bạn thì bạn dùng gương soi làm lá chắn, khiến họ không biết thực chất vấn đề. Ngoài ra bạn còn tiết kiệm được năng lượng tinh thần: khi phản ánh hành động của kẻ khác, bạn sẽ có không gian cần thiết để triển khai chiến lược của riêng mình.

Alcibiades

Từ khi khởi đầu sự nghiệp, vị tướng và chính khách tài ba Alcibiades của Athens (450-404 TCN) sử dụng một vũ khí tuyệt vời để tiến thân trên bậc thang quyền lực. Mỗi lần gặp gỡ đối tác, ông luôn để ý tâm trạng và sở thích của họ, rồi cẩn thận lựa chọn lời nói và hành động thích hợp để phản chiếu những mong muốn sâu kín nhất. Ông thuyết phục họ bằng cách làm họ nghĩ rằng quan niệm của họ xuất sắc hơn người, rằng ông sẽ lấy họ làm gương hoặc giúp họ thành tựu nguyện vọng.

Bản thân triết gia Socrates cũng bị chinh phục. Alcibiades đại diện cho những gì trái lại với lý tưởng của Socrates, vốn nhấn mạnh đến tính đơn giản và chính trực: Alcibiades sống buông thả và không theo nguyên tắc đạo đức nào cả. Tuy nhiên mỗi lần đối diện Socrates ông lại phản ánh sự đúng mực của nhà hiền triết, ăn uống đạm bạc, bách bộ cùng Socrates suốt những khoảng đường dài, chỉ nói chuyện về triết học và đạo đức. Không phải là Socrates vô tình bị Alcibiades lừa, không phải là ông không biết về cách luông tuồng của Alcibiades, nhưng chính điều đó đã khiến ông sụp bẫy: Socrates cảm thấy chỉ khi nào mình hiện diện thì Alcibiades mới tuân chịu một âm hưởng đạo đức, chỉ mình ta mới có loại quyền lực đó đối với hắn. Chính cảm giác này đã đầu độc Socrates, cho nên sau đó ông trở thành người ủng hộ và hâm mộ Alcibiades hết mình, thậm chí có lần liều mạng cứu nguy Alcibiades trong một trận đánh.

Dân chúng Athens xem Alcibiades là nhà hùng biện đệ nhất, vì ông ta có khả năng xuất sắc là rà đúng đài của người đối diện, biết rõ ước mơ của họ, phản ánh đúng những gì họ đang khao khát. Ông ta biết thanh niên Athens khát khao chinh phục những vùng đất mới cho chính mình, thay vì phải sống dưới cái bóng vinh quang của tổ tiên. Và Alcibiades cũng hiểu được niềm hoài cảm của các cựu chiến binh, luôn nhớ về những năm tháng hào hùng khi Athens chỉ huy Hy Lạp chiến đấu với Persia để xây dựng đế chế. Vì vậy Alcibiades soạn ra những bài diễn văn hùng hồn cổ xúy việc xâm lăng đảo Sicily, và mọi người đều nhất trí kế hoạch của ông ta. Alcibiades được chỉ định là thống soái.

Tuy nhiên trước khi ông thống lĩnh binh mã ra trận, ở hậu phương có miệng mồm gièm pha rằng Alcibiades đã mạo phạm đến các bức tượng thần linh. Ông ta biết nếu trở về thì sẽ trúng kế, bị bắt và xử tử. Vì vậy vào phút chót ông rời bỏ hàng ngũ để đầu quân cho đối thủ truyền kiếp của Athens là thành bang Sparta. Tất nhiên cư dân Sparta hoan nghênh người tài ba này, song họ vẫn e ngại về cách sống của ông. Trong khi Alcibiades thích xa hoa thì cư dân Sparta thuộc nòi chiến binh nên sống thật khắc kỷ như trong quân ngũ, vì vậy họ sợ người mới tới sẽ làm gương xấu cho con em họ. Tuy nhiên sau đó họ nhẹ hẳn cõi lòng khi nhận thấy ông ta khác với lời đồn đại: Alcibiades để tóc tự nhiên như họ chứ không cắt cúp kiểu cọ, ông ta tắm bằng nước lạnh, ăn bánh mì thô và xúp đen, mặc loại quần áo đơn giản nhất. Với người Sparta, điều đó có nghĩa là Alcibiades đã nhìn nhận cách sống của họ đúng đắn hơn của Athens. Là người cao quý hơn bản thân họ, ông đã chọn trở thành cư dân Sparta cho dù đó không phải là quê hương ông, và do đó ông xứng đáng được họ tôn vinh trọng vọng. Thành bang Sparta phải lòng Alcibiades và trao cho ông nhiều quyền hành to lớn. Song mặc dù là kẻ hùng biện đại tài, Alcibiades lại không biết điều tiết sức quyến rũ của mình. Chẳng bao lâu sau hoàng hậu Sparta có bầu với ông ta. Alcibiades buộc phải bỏ của chạy lấy người.

Lần này Alcibiades chạy tuốt sang Persia, thoắt một cái chuyển từ cung cách đạm bạc Sparta sang lối sống Ba Tư xa hoa đến từng chi tiết một. Tất nhiên người Persia rất đẹp lòng khi chứng kiến một người Hy Lạp tầm cỡ Alcibiades lại ưa chuộng văn hóa của họ hơn của chính ông ta, và từ đó Alcibiades lại tiếp tục được trọng vọng, bổng lộc và quyền lực. Một khi đã bị lóa mắt vì hiệu ứng gương soi, người Persia không nhận ra rằng đằng sau tấm lá chắn đó, Alcibiades đang chơi trò hai mang, bí mật giúp Athens chống lại Sparta.

Diễn giải

Ngay từ những bước đầu sự nghiệp, Alcibiades có một khám phá giúp ông thay đổi toàn bộ cách tiếp cận quyền lực: Biết rằng mình có tính cách mạnh mẽ và độc đáo, tuy nhiên khi lý luận nảy lửa để thuyết phục, ông lôi kéo chỉ được vài người nhưng lại làm số đông xa lánh. Từ đó ông suy ra rằng để thu phục nhân tâm, thay vì áp đặt những màu sắc của mình, ta nên tiếp thu màu sắc của thiên hạ, như một con tắc kè. Một khi đã bị mờ mắt, họ sẽ không thể nhận ra mọi thủ đoạn tiếp theo của Alcibiades.

Bạn nên nhớ rằng việc yêu lấy bản thân mình, đó là cái chăn mà ai ai cũng quấn. Khi ta định áp đặt cái tôi của mình, mọi người sẽ kháng cự ngay. Tuy nhiên, nếu ta chơi trò phản ánh như gương soi thì thiên hạ sẽ khoái chí, vì họ đang chứng kiến một bản sao của tâm hồn họ. Ta đã tạo ra toàn bộ bản sao đó, vậy hãy dùng nó để dụ dỗ và thao túng họ.

Tuy nhiên nếu sử dụng gương soi một cách cẩu thả thì rất nguy. Khi Alcibiades hiện diện, mọi người cảm thấy mình lớn mạnh hơn, như thể cái tôi của họ được nhân đôi. Nhưng khi vắng ông, họ lại cảm thấy trống rỗng và nhỏ bé, và khi chứng kiến ông phản ánh đối thủ của họ y hệt một kiểu như đối với mình, họ cảm thấy bị phản bội. Vì Alcibiades lạm dụng hiệu ứng gương soi nên mọi người thấy nhàm chán, vì vậy ông luôn phải xoành xoạch thay đổi chỗ ở. Gương soi của Kẻ quyến rũ phải được sử dụng hết sức cẩn thận và có lựa chọn.

Chinh phục vị Vua Mặt trời

Năm 1652 khi chồng vừa qua đời, bà Nam tước Mancini đưa gia đình từ La Mã đến Paris, nơi bà có thể dựa vào thế lực và sự bao bọc của ông anh là Hồng y Mazarin, đang giữ chức thủ tướng Pháp. Bà nam tước có năm người con gái, trong đó có hết bốn người đã làm triều đình sững sờ vì vẻ đẹp và trí thông minh. Mọi người gọi những cháu gái tài sắc của Hồng y Mazarin là Mazarinette, và các cô được mời tham dự hầu hết các buổi họp mặt quan trọng trong triều.

Chỉ có cô Marie Mancini là không may, kém duyên kém sắc hơn, và cuối cùng lại bị gia đình ghét bỏ vì làm hỏng hình ảnh chung. Gia đình khuyên cô nên vào tu viện để khỏi chướng tai gai mắt nhưng cô từ chối. Ngược lại cô siêng năng học tập, nghiên cứu tiếng Latinh và Hy Lạp, hoàn chỉnh tiếng Pháp, ôn luyện kỹ năng âm nhạc. Trong những lần hiếm hoi được gia đình cho phép đi theo tham dự buổi chầu, Marie rèn luyện nghệ thuật lắng nghe, đánh giá mỗi người qua từng nhược điểm và khát khao dồn nén. Đến năm 1657 Marie 18 tuổi gặp gỡ vị vua Louis XIV tương lai kém nàng một tuổi. Nàng quyết định tìm cách làm cho chàng trai này phải yêu mình, để cho gia đình biết mặt.

Việc này xem ra là nhiệm vụ bất khả thi đối với một thiếu nữ tầm thường, song Marie quyết chí quan sát Louis thật tỉ mỉ. Yếu tố đầu tiên cô nhận ra là Louis không ưa tính bông phèng của các bà chị mình, và cũng căm ghét luôn những cú vận động chính trị nhỏ nhen đang tiếp diễn quanh ngài. Marie biết Louis có tâm hồn lãng mạn – ngài thích đọc tiểu thuyết phiêu lưu, một mực đòi đi đầu đội quân diễu hành, nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp và đam mê vinh quang. Triều đình không thỏa những mơ ước ấy, vì triều đình lúc đó là một thế giới tầm phào và nông cạn làm ngài chán phèo.

Marie biết muốn tiến vào con tim ngài, cô phải hình thành một tấm gương soi phản ánh được những ước mơ và khát khao vinh quang của tuổi trẻ. Để bắt đầu cuộc hành trình này, cô lập tức lao mình vào thế giới của những quyển tiểu thuyết, thi ca, và kịch nghệ mà cô biết là nhà vua trẻ ngấu nghiến say mê. Khi Louis bắt đầu nói chuyện với nàng, ông ngạc nhiên thích thú vì nàng nói lên được những điều khuấy động lòng ngài. Nàng thỏa niềm khao khát vinh quang của ngài bằng cách tạo ra hình ảnh của một vị vua nhân từ và quảng đại mà ngài đang xây dựng. Nàng kích thích trí tưởng tượng của ngài.

Khi vị Vua Mặt trời tương lai càng lúc càng đầu tư thời gian để gần gũi trò chuyện với Marie, mọi người hiểu ra là ngài đã yêu người thiếu nữ ít có cơ may nhất triều đình. Mẹ và các chị nàng ớn lạnh khi thấy ngài chiếu cố Marie tận tụy. Ngay cả đi chiến dịch quân sự ngài cũng cho nàng tháp tùng và còn ưu ái bố trí một chỗ thật tốt để nàng chứng kiến cảnh ngài oai phong tiến vào trận mạc. Thậm chí Louis còn hứa sẽ cưới nàng và tôn lên ngôi hoàng hậu.

Tuy nhiên Mazarin không bao giờ để cho nhà vua cưới cháu gái của ông ta, vì Marie không có ích cho nền ngoại giao nước Pháp. Nhà vua phải thành hôn với một công chúa của Tây Ban Nha hoặc Áo Quốc. Năm 1658 Louis phải nhượng bộ sức ép và đoạn tuyệt với quan hệ lãng mạn đầu tiên của đời mình. Nhà vua miễn cưỡng lắm mới ưng thuận, và vào lúc cuối đời ngài vẫn nhìn nhận rằng chưa bao giờ yêu ai hơn Marie Mancini.

Diễn giải

Marie Mancini đã thực hiện trò chơi quyến rũ thật hoàn hảo. Trước tiên nàng giữ khoảng cách để quan sát con mồi. Nơi người khác, ít khi nào tiến trình quyến rũ đi xa hơn bước đầu tiên bởi vì họ hung hăng quá. Bước đầu tiên luôn phải là bước lùi. Với khoảng cách thích hợp, Marie nhận ra những gì làm nhà vua khác với đám đông xung quanh. Bước tiếp theo của nàng là tìm cách phản ánh được những khát khao thầm kín của Louis, để ngài thoáng thấy hình ảnh mà ngài có thể vươn tới – một vị vua vĩ đại thần thánh!

Tấm gương soi đó có nhiều chức năng: Thỏa mãn cái tôi của Louis khi tạo ra một phiên bản thứ hai để ngài nhìn ngắm, và tấm gương cũng độc quyền tập trung vào ngài, tạo cho ngài cảm giác rằng Marie chỉ hiện diện cho mỗi mình ngài. Bị vây quanh bởi một đám quần thần mà tâm trí chỉ nghĩ duy nhất đến tư lợi, nhà vua không thể không cảm động trước tấm lòng của Marie. Cuối cùng gương soi của Marie cũng dựng nên một lý tưởng cho nhà vua đeo đuổi: Chàng hiệp sĩ cao quý của triều đình Trung cổ. Với một tâm hồn vừa lãng mạn và tham vọng, thật không có loại men nào gây say bằng một bóng hồng biết duy trì một hình ảnh phản chiếu chính mình, hình ảnh đã được lý tưởng hóa. Thật ra chính Marie là kẻ đã tạo ra hình ảnh của Vua Mặt trời.

Đó là quyền năng tấm Gương soi của Kẻ quyến rũ: Thể hiện phong vị và lý tưởng của đối tượng, làm cho đối tượng nghĩ rằng ta quan tâm đến tính cách tâm lý của hắn ta, loại quan tâm dứt khoát dễ thương hơn bất kỳ hành động theo đuổi nào quá nóng sốt.

Bạn hãy tìm hiểu xem đối tượng khác với những người xung quanh ở những điểm nào, rồi cầm gương lên mà soi và làm bật những điểm đó ra. Hãy thỏa mãn những ước mơ về quyền lực và sự cao cả bằng cách phản chiếu lý tưởng của đối tượng, chắc chắn đối tượng sẽ đầu hàng.

Ivan Bạo chúa

Năm 1538 khi mẹ Helena qua đời, cậu bé Ivan tám tuổi (sau này được gọi là Ivan Bạo chúa) hoàn toàn mồ côi. Suốt 5 năm sau đó, Ivan bất lực đứng nhìn giai cấp vương tôn, gọi là boyar, gieo rắc kinh hoàng khắp đất nước. Bọn chúng táo tợn đến mức chế giễu cả Ivan, buộc cậu đội vương miện và cầm trượng để ngồi làm vì trên ngai vàng. Khi cậu bé bất an ngồi nhấp nhứ ở rìa ngai, bọn chúng cả cười và nhấc bổng cậu lên, chuyền bổng từ người này sang người khác, để cho cậu thấm thía sự bất lực của mình.

Năm lên 13 tuổi Ivan mưu sát tên boyar đầu đàn và lên ngai trị vì. Nhiều thập niên tiếp theo, tuy ra sức khống chế ảnh hưởng của chúng song Ivan vẫn không thành công. Nỗ lực đổi mới nước Nga và đánh bại kẻ thù đã làm Ivan kiệt sức. Trong khi đó nhân dân lại than vãn về những cuộc chiến không dứt, về công an mật vụ, về lũ boyar bạo tàn. Cả những bộ trưởng cũng nghi ngờ các biện pháp của Ivan. Cuối cùng không chịu nổi nữa, năm 1564 Ivan tạm thời rời bỏ ngai vàng, đưa quần thần và nhân dân vào cái thế phải năn nỉ ông trở lại chấp chính. Lúc này ông lại đẩy kịch bản thêm một bước táo bạo hơn: Tuyên bố thoái vị.

Ivan chỉ định tướng Simeon Bekhulatovich lên thay thế ông trong điện Kremlin. Ông cố tình đưa lên ngôi một người Tartar, và đối với thần dân đó là điều sỉ nhục, vì người Nga xem người Tartar là thứ thấp hèn phản phúc. Nhưng Ivan vẫn nhất mực và còn yêu cầu tất cả dân Nga phải tuân theo hoàng đế mới. Trong khi đó ông lại sinh sống trong một ngôi nhà bình thường ở ngoai ô Moscow, thỉnh thoảng ghé thăm cung điện, cúi mình thi lễ trước ngai vàng, ngồi chung với đám boyar và kính cẩn xin Simeon ban ơn phước.

Theo năm tháng, mọi người thấy rõ rằng Simeon chỉ là một loại phiên bản của Ivan. Ông ta ăn mặc như Ivan, nói năng và hành động như Ivan nhưng không có thực quyền, bởi vì không ai vâng lời ông ta cả. Bọn boyar thấy được sự liên hệ này: Họ làm cho Ivan cảm thấy mình là một người yếu thế đi đòi hỏi ngai vàng, vì vậy bây giờ Ivan chơi hiệu ứng gương soi bằng cách đặt lên ngai vàng một gã yếu thế y như vậy.

Suốt hai năm dài Ivan tiếp tục soi rọi cho nhân dân Nga thấy hình ảnh của Simeon. Tấm gương nói: Chính sự than vãn và bất tuân của các người đã làm ta trở thành vị hoàng đế không quyền, vì vậy ta soi ngược lại cho các ngươi thấy thế nào là một hoàng đế không có thực quyền. Các ngươi đã đối xử với ta thiếu tôn kính, vì vậy ta sẽ làm y hệt như vậy với các ngươi để nước Nga trở thành trò cười của cả thế giới.

Đến năm 1577, không chịu nổi trước sức ép đó, cả bọn boyar lẫn người dân đều nhân danh nước Nga năn nỉ Ivan trở lại ngai vàng. Từ đó ông lên trị vì cho đến khi băng hà vào năm 1584, mọi âm mưu, than thở, suy đoán tài lanh đều biến mất cùng với Simeon.

Diễn giải

Năm 1564 sau khi đe dọa thoái vị, Ivan được trao cho quyền lực tuyệt đối. Nhưng quyền lực này bị xén bớt dần khi từng giai tầng trong xã hội – bọn boyar, giáo hội, chính phủ - đều đòi thêm quyền. Những cuộc chiến chống ngoại xâm đã làm đất nước kiệt lực, xào xáo nội bộ tăng cao, trong khi mọi nỗ lực của Ivan để sắp xếp đều bị chế giễu. Nước Nga trở thành một lớp học huyên náo, nơi đám học trò công khai chế nhạo ông thầy. Nếu thầy than phiền hoặc lớn tiếng thì học trò càng làm hư. Thầy phải dạy cho chúng một bài học, dùng gậy chúng đập ngược lại lưng chúng. Simeon Bekbulatovich chính là tấm gương soi mà Ivan dùng vào việc ấy.

Sau hai năm lấy ngai vàng làm trò cười cho thiên hạ, người dân Nga đã thấm thía bài học. Họ muốn khôi phục Nga hoàng, trao cho ông mọi phẩm cách và lễ kính mà tước vị đó luôn phải có. Nhờ vậy cho đến cuối triều đại, Ivan và nước Nga luôn cơm lành canh ngọt.

Ta phải hiểu rằng người dân bị khóa chặt bởi kinh nghiệm bản thân. Khi ta than vãn rằng họ vô cảm, họ sẽ tỏ vẻ thấu hiểu, nhưng bên trong thì vẫn vô cảm và còn kháng cự nhiều hơn. Mục đích của quyền bính luôn là giảm thiểu sự kháng cự của kẻ khác đối với ta. Vì vậy ta phải dùng mánh khóe, chẳng hạn như phải dạy cho họ một bài học.

Thay vì đăng đàn diễn thuyết, ta hãy tạo ra một loại gương soi rọi lối cư xử của họ. Lúc đó họ sẽ có hai lựa chọn: Hoặc là phớt lờ ta, hoặc họ sẽ bắt đầu suy nghĩ về tự thân. Và cho dù họ có phớt lờ chăng nữa thì xem như ta đã gieo được hạt mầm vào vô thức họ, sau này nó sẽ đâm chồi. Khi soi rọi lối cư xử của họ, ta không ngại gì mà tiện thể thêm thắt chút châm biếm hoặc phóng đại như Ivan đã từng làm bằng cách đưa lên ngôi một người Tartar – xem như một chút dầu mỡ để mở mắt họ ra, làm cho họ thấy được những hành động ngớ ngẩn của họ.

Bác sĩ Erickson và đấng Christ

Bác sĩ Milton H. Erickson, người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý trị liệu chiến lược, có lối giáo dục bệnh nhân một cách gián tiếp nhưng rất hiệu quả, bằng cách tạo ra một dạng hiệu ứng gương soi. Ông xây dựng mô hình tương đồng để người bệnh thấy sự thật của căn bệnh, nhờ đó họ không cưỡng lại điều ông muốn thay đổi. Chẳng hạn khi xử lý những cặp vợ chồng than phiền về vấn đề tình dục, bác sĩ Erickson khám phá rằng lối tâm lý trị liệu theo kiểu truyền thống bằng cách nêu lên vấn đề và cho bệnh nhân trực tiếp đối đầu, chỉ làm cho cả hai vợ chồng lui về thế thủ và mâu thuẫn giữa họ thêm gay gắt. Thay vào đó, ông từ từ dẫn dụ cả hai vào những chủ đề, thường là chủ đề tầm phào nhưng có liên hệ gần xa với mâu thuẫn tình dục.

Ở suất trị liệu đầu tiên, ông cho cả hai nói về thói quen ăn uống, đặc biệt là bữa ăn tối. Bà vợ chỉ thích kiểu ăn thong thả - uống tí gì đó trước khi ăn, mọi thứ phải làm từ từ thật văn minh. Còn người chồng thì muốn ăn ngay món chính với đĩa càng to càng tốt. Trong lúc cuộc nói chuyện tiếp diễn, họ dần nhận ra những điểm tương đồng với vấn đề phòng the. Tuy nhiên ngay lúc mà họ kết nối được liên hệ đó thì bác sĩ lại thay đổi chủ đề, tránh bàn bạc vấn đề thực sự.

Cả hai vợ chồng nghĩ rằng bác sĩ mới bắt đầu hiểu họ và sẽ xử lý vấn đề ngay lần gặp mặt tiếp theo. Nhưng vào cuối suất trị liệu đó, Erickson dặn họ vài ngày sau phải sắp xếp một bữa ăn tối như thế nào mà cung cách ăn uống của cả hai đều được thỏa mãn: Bà vợ sẽ được nhấm nháp chầm chậm, trong khi ông chồng tự do chơi từng đĩa bự mà ông mong muốn. Không biết rằng mình đang hành động theo sự điều khiển tinh vi của bác sĩ, hai vợ chồng bước vào tấm gương soi rọi vấn đề của họ, nơi mà họ sẽ tự tìm ra giải pháp, kết thúc buổi tối hạnh phúc như ý vị bác sĩ – bê luôn tấm gương soi ấy vào giường.

Khi phải xử lý các vấn đề trầm trọng hơn, chẳng hạn như thế giới của bệnh tâm thần phân liệt tự tạo, bác sĩ Erickson luôn cố đột nhập gương soi để hành động ngay trong đó. Có lần ông gặp trường hợp một bệnh nhân cứ cho mình là Jesus Christ – quấn chăn quanh mình làm y áo, thuyết giảng những chuyện trăng sao, pháo kích các bác sĩ y tá và bệnh nhân khác bằng sấm giảng Ky-tô. Không phương pháp hay thuốc men nào trị được trường hợp này, cho đến ngày kia Erickson đến gặp anh ta và nói: “Tôi biết anh có kinh nghiệm của một người thợ mộc”. Vì tự xưng là Christ nên anh ta phải nhìn nhận điều đó. Erickson lập tức yêu cầu anh ta đóng cho một loạt kệ sách và những đồ dùng hữu ích khác. Ở những tuần kế tiếp, khi tiếp tục đục đẽo cưa bào, anh ta ít có thì giờ nhớ nghĩ đến những ảo tưởng về đáng cứu thế và tập trung hơn vào việc làm. Vì công việc thợ mộc chiếm ưu thế, một dịch chuyển tinh thần diễn ra: Những ảo tưởng tôn giáo vẫn còn đó, song chúng thoải mái chìm dần vào bối cảnh, nhờ đó người bệnh có thể thích nghi với tập thể, với xã hội.

Diễn giải

Con người có thể liên lạc bằng ẩn dụ và biểu tượng, vốn cũng là cơ sở của ngôn ngữ. Ẩn dụ là một loại gương soi rọi cái thực và cái cụ thể, và nếu so với việc mô tả thì thường khi gương soi lại nói lên rõ hơn và sâu hơn. Khi ta đứng trước ý chí khó uốn nắn của người khác, sự truyền đạt trực tiếp thường chỉ làm tăng sức đối đầu.

Điều này rõ hơn hết khi ta than phiền về cung cách ứng xử của người khác, đặc biệt ở những lĩnh vực nhạy cảm như chăn gối phòng the. Ta sẽ có cơ may thực hiện một thay đổi bền vững hơn nếu bắt chước bác sĩ Erickson mà xây dựng một bản tương tự, một tấm gương soi tượng trưng cho tình huống, rồi từ từ dẫn lối người kia. Cả Đức Jesus Christ cũng hiểu rằng phải phát biểu kiểu dụ ngôn là cách tốt nhất để giáo dục, vì qua đó ta tạo điều kiện cho người khác tự khám phá sự thật.

Khi phải xử lý những ai lạc lối trong những trầm tư của thế giới ảo (kể cả những người không sống trong bệnh viện tâm thần), bạn đừng xô đẩy họ vào thực tế bằng cách đập tan tấm gương của họ. Ngược lại bạn nên bước vào thế giới của họ để hành động, theo những quy ước của riêng họ, nhẹ nhàng hướng dẫn họ ra khỏi cái nhà kính mà họ đã lạc vào.

Rikyu sụp hố

Takeno Sho-o là bậc thầy về trà đạo, sống ở Nhật Bản ở thế kỷ XVI. Ngày kia khi ông đi dạo, ông nhìn thấy một thanh niên đang tưới hoa gần cổng ra vào. Có hai điều khiến Sho-o phải chú ý – thứ nhất, phong cách làm việc của chàng thanh niên rất tao nhã, và thứ hai là loại hoa hồng Sharon trong vuờn đang rộ nở trông đẹp tuyệt trần. Sho-o dừng chân, tự giới thiệu với chàng thanh niên và biết tên anh ta là Sen no Rikyu. Dù muốn ở lại nhưng công việc cần kíp khiến Sho-o phải kiếu từ. Rikyu mời khách sáng mai đến dùng với mình một chén trà và Sho-o vui mừng nhận lời.

Sáng hôm sau khi đến trước cổng, Sho-o rụng rời nhận thấy trong vườn không còn một chiếc hoa hồng nào. Mục đích hàng đầu của ông là đến ngắm hoa, vì hôm qua ông không đủ thì giờ thưởng ngoạn. Quá thất vọng ông định quay về, nhưng ra đến cổng ông lại dừng chân, ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định bước vào trà thất. Ngay ở ngưỡng cửa ông đã hết sức sững sờ: Trước mặt ông là một chậu hoa treo lủng lẳng từ trần nhà, và trong đó chỉ có một cành Sharon duy nhất, cành hồng đẹp nhất vườn. Hóa ra Sen no Rikyu đã đọc được ý khách, và qua cử chỉ hùng hồn này đã chứng tỏ rằng ngày hôm đó chủ và khách sẽ vô cùng hòa hợp.

Sau này Sen no Rikyu trở thành trà chủ lỗi lạc nhất nước Nhật, và dấu ấn của ông chính là khả năng tuyệt vời để hòa hợp với khách tân.

Ngày kia được mời dự tiệc trà với Yamashina Hechigwan, một môn đồ trà đạo nổi tiếng với máu khôi hài. Khi đến nhà Hechigwan, Rikyu thấy cổng đóng im ỉm, vì vậy ông tự tay mở để bước vào tìm kiếm chủ nhân. Phía bên trong cổng, ông thấy ai đó dã đào sẵn cái hố rồi che bằng vải bạt, khảo đất lên trên. Biết rõ Hechigwan định đùa một phát ra trò, Rikyu chủ động sa chân vào hố làm quần áo lấm lem bùn đất.

Hốt hoảng ra mặt, Hechigwan chạy ra đỡ Rikyu vào bồn tắm, vì lý do nào đó đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ. Tắm xong, Rikyu đến dự tiệc trà với chủ, cùng cười vui về sự kiện vừa rồi. Sau này Rikyu kể lại với một người bạn là ông từng nghe đồn về máu đùa dai của Hechigwan, nhưng vì ông chiều lòng bè bạn nên cố tình sập hố để bảo đảm buổi trà đạo được thành công. Ông kết luận: “Không thể có trà đạo khi chủ và khách không hòa hợp với nhau”.

Diễn giải

Sen no Rikyu không phải là thầy bói cũng chẳng phải là thầy bùa – ông chỉ quan sát những người xung quanh, chú ý những cử chỉ nhỏ nhặt biết nói lên niềm khát khao thầm kín, từ đó tái hiện hình ảnh của nỗi khát khao ấy. Sho-o chưa kịp nói về hồng thì Rikyu đã đọc được điều đó trong mắt khách. Còn nếu phản chiếu ý muốn của một người có nghĩa là đưa chân và hố thì ta cứ việc. Sức mạnh của Rikyu nằm trong việc sử dụng khéo léo tấm Gương soi của Gã cận thần, giúp ông có vẻ như đọc được suy nghĩ của người khác.

Bạn hãy tập sử dụng nhuần nhuyễn loại gương soi này, hãy quan sát tia nhìn của người xung quanh, theo dõi hành vi của họ, vì chúng là hàn thử biểu của niềm vui nỗi buồn, trung thực hơn cả lời nói. Đừng bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, tìm xem những gì nằm dưới mặt nước, rồi bạn biến mình thành tấm gương soi của cái tôi ẩn nấp của họ. Đó là mấu chốt của sức mạnh. Vậy một lần nữa bạn hãy nhớ: Sự truyền thông vô ngôn chứa đựng nhiều sức mạnh nhất.

Yellow Kid Weil

Thầy lừa Yellow Kid Weil là người sử dụng loại Gương soi của Kẻ lừa đảo nhuần nhuyễn nhất trong các bậc thầy lừa đảo. Vố táo bạo nhất là lần Weil dựng cảnh một ngân hàng tại Muncie, bang Indiana. Khi đọc báo biết đến ngày nào đó ngân hàng Merchant Bank di dời trụ sở, Weil tự nhủ đây là cơ hội không thể bỏ qua.

Ông ta thuê toàn bộ trụ sở ngân hàng với đầy đủ trang trí nội thất, bàn ghế văn phòng, khu vực thu ngân… v.v. Rồi ông mua loại bao đựng tiền, viết tên nhiều ngân hàng lên đó, đổ đấy rông-đền kim loại vào, rồi sắp xếp chúng trông thật ấn tượng ở phía sau các quầy thu ngân, chen lấn với hàng chục bó bạc chẻ bằng giấy báo cắt nhỏ. Rồi ông đi thuê một đám bá vơ về cho đủ bộ sậu nhân viên, thậm chí còn mướn cả một tay đầu gấu đóng vai bảo vệ.

Tự xưng là môi giới của đợt đầu tư vào chứng từ tài chính mà ngân hàng đang chào mời, Weil sẽ câu con mồi giàu có thích hợp. Ông sẽ đưa con mồi đến ngân hàng và đòi gặp chủ tịch. Cán bộ ngân hàng bảo hai người phải chờ, điều càng làm cho màn kịch thêm phần trung thực – muốn gặp chủ tịch ai cũng phải chờ. Trong khi chờ, con mồi bị mê hoặc bởi sinh hoạt nhộn nhịp xung quanh, khách hàng ra vào tới tấp, nhân viên nháo nhào tới lui, khách ra về còn gật đầu chào anh bảo vệ lực lưỡng. Quá tin tưởng, con mồi ký gửi hàng chục ngàn đôla mà không việc gì phải lo ngại.

Sau đó Weil còn chơi trò này với một câu lạc bộ du thuyền không người, một trụ sở môi giới bỏ hoang, một văn phòng bất động sản trong thời kỳ di chuyển và một sòng bạc hoàn toàn có thật.

Diễn giải

Việc phản chiếu thực tại cung cấp cho ta nhiều khả năng lừa bịp. Con người có nhu cầu phải tin vào điều gì đó, và bản năng đầu tiên của họ là tin cậy một mặt tiền được chăm chút kỹ. Nói cho cùng thì chúng ta không thể đi lòng vòng trong xã hội này để nghi ngờ hết điều này đến điều nọ, vì như thế mất sức lắm. Ta thường chấp nhận vẻ bề ngoài, và đó là sự cả tin dễ bị thao túng.

Ở trò chơi này, giây phút đầu tiên là quan trọng nhất. Nếu thoạt nhìn qua gương mà con mồi không chút nghi ngờ thì hắn sẽ không nghi ngờ nữa. Một khi đã bước chân vào ngôi nhà những chiếc gương soi do ta dựng lên, họ sẽ không còn khả năng phân biệt thực hư, và ta càng dễ lừa họ.

Hình ảnh:

Tấm khiên của Perseus. Được đánh bóng như mặt gương, nó che không cho quái thú Medusa thấy vị anh hùng, nhưng anh hùng lại nhìn vào đấy để ra tay. Nấp sau gương soi đó, ta có thể lừa bịp, bắt chước và chọc tức. Chỉ một phát ta chặt phăng cái đầu mất cảnh giác của Medusa.

Ý kiến chuyên gia:

Nhiệm vụ của chiến dịch quân sự là giả trang phù hợp với chủ đích của địch… trước tiên là làm điều chúng muốn, tinh vi đón ý chúng. Giữ vững kỷ luật và thích nghi với kẻ thù… Do đó thoạt tiên ta giống như thiếu nữ để địch chịu mở cửa thành, kế tiếp ta lại là con thỏ xổng chuồng, nên địch không thể chặn chân ta.

(Tôn Tử, thế kỷ IV trước công nguyên)

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG TÌNH HUỐNG BỊ SOI NGƯỢC

Gương soi chứa nhiều sức mạnh nhưng cũng đựng lắm mối nguy, trong đó có tình huống bị soi ngược – loại tình huống dường như phản chiếu một hoàn cảnh trước đó, hoặc rất giống một hoàn cảnh trước đó, nhất là ở bề mặt. Ta lâm vào tình thế tương tự mà không hoàn toàn hiểu hết về nó, trong khi những người xung quanh lại am tường, so sánh nó và ta với bất cứ việc gì xảy ra trước đó. Trong hầu hết mọi trường hợp ta bị thiệt hại bởi sự so sánh đó, vì thiên hạ thấy ta có vẻ dở hơn người tiền nhiệm, hoặc giả ta bị hoen ố bởi những điều liên tưởng mà người tiền nhiệm đã để lại sau lưng.

Năm 1864 nhà soạn nhạc Richard Wagner dọn đến Munich ở theo lệnh vua Ludwig II của xứ Bavaria (nay là bang miền Nam của Đức). Ludwig là người hâm mộ Wagner sâu đậm nhất, đồng thời là người người đỡ đầu rộng rãi nhất. Chính sự ủng hộ đặc biệt này làm Wagner trở nên ngông cuồng. Khi đế ngụ tại Munich dưới sự bảo hộ của nhà vua, Wagner muốn ở đâu và làm gì tùy ý.

Ông ta thích ở trong ngôi nhà xa hoa, nhà vua mua tặng ngay. Ngôi nhà này gần nhà cũ của Lola Montez, một kỹ nữ nổi tiếng từng làm cho ông nội của Ludwig II thất điên bát đảo đến độ phải thoái vị. Mọi người cảnh báo Wagner coi chừng ảnh hưởng bởi những suy nghĩ mang tính liên tưởng không tốt, nhưng ông chỉ phì cười. Tuy nhiên không lâu sau nhân dân Munich bắt đầu bực bội với tất cả những ân sủng và tiền tài của vua dành cho Wagner, và họ gọi ông là „Lola hai“ hoặc „Lolotte“. Có lẽ ông vô tình bước vào vết xe đổ của nàng kỹ nữ - ném tiền qua cửa sổ, can thiệp vào những lĩnh vực vượt ngoài chuyên môn của mình, thậm chí xen vào chính trị và cố vấn nhà vua bổ nhiệm nội các. Trong khi đó tình thương mà Ludwig dành cho Wagner có vẻ quá nóng bỏng và không tương xứng với một vị vua – cũng giống như thứ tình cảm mà người ông nội đã dành cho Lola Montez.

Cuối cùng các bộ trưởng đành phải viết cho Ludwig một tối hậu thư: „Bệ hạ đang đứng trước ngã ba đường định mệnh: Bệ hạ phải lựa chọn giữa một bên là tình yêu và lòng tôn kính của nhân dân trung thành, còn bên kia là ‚tình bạn‘ với Richard Wagner“.

Tháng Mười hai năm 1865, Ludwig phải ân cần yêu cầu bạn mình ra đi và đừng bao giờ trở lại. Wagner đã vô tình đặt mình vào tầm phản chiếu của Lola Montez. Mọi hành động của ông đều làm cho người dân lãnh đạm vùng Bavaria nhớ tới người đàn bà đáng sợ kia.

Hãy tránh đừng để bị dính vào kiểu liên tưởng như vậy. Nếu bị phản chiếu ta sẽ mất bớt hoặc mất hẳn quyền kiểm soát đối với những gì bị soi ngược, những hoài niệm và mọi người gắn kết vào ta. Và bất cứ tình huống nào ngoài tầm kiểm soát đều gây nguy hiểm. Cho dù cá nhân hoặc tình huống được soi rọi có những liên hệ tích cực thì ta vẫn thiệt thòi vì không thể sánh bằng với họ, bởi vì quá khứ thường có vẻ vĩ đại hơn hiện tại. Nếu tình cờ thấy mọi người liên hệ mình với một con người hay sự kiện của quá khứ, ta hãy cố hết sức mình để tách khỏi ký ức đó và đập vụn gương phản chiếu.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện