Phần XV – Do đâu mà cái xắc bạc giấy còn nhẹ thêm vài ngàn livrơ nữa
Tàu đỗ ở ga, Vạn Năng là người đầu tiên trên toa tàu bước xuống, theo sau anh ông Fogg dìu bà bạn trẻ đặt chân lên sân ga. Phileas Fogg định đến thẳng chiếc tàu bể đi Hồng Kông, để thu xếp cho bà Aouda ăn nghỉ ở đó được thuận tiện, ông không muốn rời xa bà chừng nào bà đang còn ở trên cái xứ sở nguy hiểm cho bà đến thế.
Vào lúc ông Fogg sắp ra khỏi ga, một viên cảnh sát lại gần ông và nói:
– Ông là Phileas Fogg?
– Tôi đây.
– Người này là người hầu của ông? – viên cảnh sát chỉ vào Vạn Năng hỏi thêm.
– Vâng
– Xin mời cả hai ông đi theo tôi.
Ông Fogg không biểu lộ một chút ngạc nhiên nào. Viên cảnh sát là người đại diện của pháp luật, và đối với mọi người Anh thì pháp luật là thiêng liêng. Vạn Năng, với những thói quen người Pháp của ảnh, muốn lý sự, những viên cảnh sát cầm dùi cui đụng khẽ vào anh, và Phileas Fogg ra hiệu bảo anh cứ phục tùng.
– Bà này đi với chúng tôi được không? – Ông Fogg hỏi.
– Có thể được, – viên cảnh sát đáp.
Viên cảnh sát dẫn ông Fogg, bà Aouda, và Vạn Năng đến một đội xe song mã, một kiểu xe có bốn bánh và bốn chỗ ngồi, đúng hai ngựa. Xe bắt đầu chạy. Không ai nói gì trong suốt chặng đường kéo dài khoảng hai mươi phút.
Cái xe thoạt đầu đi qua “khu phố đen” với những phố xá chật hẹp, hai bên là những căn nhà ổ chuột, trong đó lúc nhúc một đám dân tứ chiếng bẩn thỉu và rách rưới; rồi xe chạy qua khu phố tây với những nhà gạch vui mắt, những hàng dừa rợp mát, những cột buồm tua tủa, và mặc dầu mới sướm bảnh mắt đã có những người cưỡi ngựa sang trọng và những cỗ xe tráng lệ phóng trên đường phố.
Chiếc xe song mã dừng lại trước một ngôi nhà trông bề ngoài rất bình thường, nhưng chắc hẳn không phải là nhà của tư nhân. Viên cảnh sát cho những tù nhân của mình xuống, người ta có thể thực sự gọi họ bằng cái tên ấy, và dẫn họ đến một phòng có cửa sổ lắp chấn song sắt, và bảo họ:
“Đến tám giờ rưỡi các ông sẽ trình diện trước quan tòa Obadiah”.
Rồi anh ta rút lui và đóng cửa lại.
“Thôi! Bị tóm rồi!” Vạn Năng kêu lên, buông mình xuống một cái ghế tựa.
Bà Aouda liền nói ngay với ông Fogg bằng một giọng không giấu nổi xúc động.
“Thưa ông, xin ông cứ bỏ mặc tôi! Chính vì tôi mà các ông bị truy nã! Chính vì để cứu sống tôi!”.
Phileas Fogg chỉ đáp lại là chuyện ấy không thể có được. Bị truy nã vì cái vụ “Xátti” ấy ư! Vô lý! Đời nào những kẻ như thế lại dám trình diện trước tòa? Hẳn là có sự nhầm lẫn gì đây. Ông Fogg nói thêm rằng trong bất kể trường hợp nào ông cũng không bỏ mặc bà thiếu phụ và ông sẽ đưa bà đến Hồng Kông.
– Nhưng mười hai giờ trưa thì tàu biển chạy rồi! – Vạn Năng nhắc.
– Trước mười hai giờ trưa chúng ta sẽ ở trên tàu, – ngài quý phái lạnh như tiền chỉ trả lời đơn giản như vậy.
Câu nói được khẳng định rành mạch đến nỗi Vạn Năng không thể không tự nhủ:
“Hẳn chứ! Nhất định là thế! Trước mười hai giờ trưa ta sẽ ở trên tàu!” Nhưng anh cũng chưa chắc dạ cho lắm!
Tám giờ rưỡi, cửa buồng mở. Viên cảnh sát lại hiện ra và dẫn các tù nhân sang phòng bên. Đó là một phòng xử án, và một công chúng khá đông, gồm người Âu và người bản xứ, đã tề tựu trong tòa án.
Ông Fogg, bà Aouda và Vạn Năng ngồi trên một chiếc ghế dài đằng trước chỗ ngồi của quan thẩm phán và viên lục sự.
Quan thẩm phán ấy, tức quan tòa Obadiah, hầu như liền ngay đó bước vào, theo sau là viên lục sự. Đó là một người to lớn, béo tròn. Ông nhấc bộ tóc giả, treo ở một cái đinh và lanh lẹn đội vào đầu.
“Vụ kiện thứ nhất”, ông nói.
Nhưng đưa tay lên đầu, ông kêu lên:
– Ủa! không phải bộ tóc giả của tôi!
– Dạ đúng vậy, thưa ngài Obadiah, bộ tóc của tôi đấy ạ. – Viên lục sự đáp.
– Ông bạn Oysterpuf yêu quý, một vị quan tòa làm sao có thể ra lời phán quyết minh mẫn với bộ tóc giả của viên lục sự được!
Việc trao đổi bộ tóc giả được tiến hành. Trong thời gian những thủ tục dự bị ấy, Vạn Năng sôi lên sùng sục vì nóng ruột, anh thấy cái kim đồng hồ có vẻ chạy nhanh kinh khủng trên mặt đồng hồ lớn của tòa án.
– Vụ kiện thứ nhất. – quan tòa Obadiah lại nói.
– Phileas Fogg? – viên lục sự Oysterpuf gọi.
– Tôi đây, – Ông Fogg đáp.
– Vạn Năng?
– Có mặt! – Vạn Năng đáp.
– Tốt! – quan tòa Obadiah nói. – Các bị cáo, thế là đã hai ngày nay người ta rình đón các ông ở tất cả các chuyến tàu từ Bombay đến.
– Nhưng người ta buộc cho cúng tôi tội gì nào? – Vạn Năng nóng nảy kêu lên.
– Rồi các ông sẽ biết, – quan tòa đáp.
– Thưa ngài, – Ông Fogg lúc này mới nói, – tôi là một công dân Anh, và tôi có quyền…
– Người ta đã làm gì thiếu tôn trọng ông chưa? – ông Obadiah hỏi.
– Chưa hề.
– Tốt! cho mời nguyên cáo vào.
Theo lệnh quan tòa, một cánh cửa mở ra và viên mõ tòa đưa ba giáo sĩ Ấn Độ vào.
“Thôi đúng rồi! – Vạn Năng lẩm bẩm, – đúng là bọn vô lại định thiêu sống bà bạn trẻ của chúng ta đây mà!”.
Các giáo sĩ đứng trước quan tòa, và viên lục sự cất cao giọng đọc một tờ đơn kiện về tội phạm thánh, buộc tội ông Phileas Fogg và người hầu của ông ta đã xâm phạm một nơi thờ phụng của đạo Bà-la-môn.
– Các ông nghe rõ chưa? – quan tòa hỏi Phileas Fogg.
– Thưa ngài, rõ, – Ông Fogg trả lời và nhìn đồng hồ, – và tôi thú nhận.
– A! ông thú nhận?…
– Tôi thú nhận và tôi đợi ba giáo sĩ này đến lượt họ cũng thú nhận những gì họ định làm ở chùa Pillaji.
Các giáo sĩ nhìn nhau. Họ có vẻ không hiểu gì về những lời của bị cáo.
“Hẳn thế! – Vạn Năng hùng hổ kêu lên, – ở chùa Pillaji ấy, nơi họ định đem thiêu sống nạn nhân tế thần của họ!”.
Các giáo sĩ càng sửng sốt và quan tòa Obadiah thì hết sức ngạc nhiên.
– Nạn nhân tế thần nào? – ông hỏi. – Thiêu sống ai? Ở giữa thành phố Bombay ư?
– Bombay nào? – Vạn Năng kêu lên.
– Tất nhiên. Đây không phải chùa Pillaji mà là chùa Malebar-Hill, ở Bombay.
– Và tang chứng thì đây, đôi giày của kẻ phạm thánh, – viên lục sự nói thêm, rồi đặt một đôi giày lên bàn làm việc của ông.
– Giày của tôi! – Vạn Năng kêu lên ngạc nhiên đến cùng cực, không thể ghìm được tiếng kêu bất giác bật ra ấy.
Ta đã có thể đoán ra sự nhầm lẫn trong đầu ông chủ và người hầu. Cái sự kiện trong ngôi chùa ở Bombay họ đã quên rồi, nhưng chính nó đã đưa họ đến trước vành móng ngựa ở Calcutta.
Thật vậy, viên thanh tra cảnh sát Fix đã hiểu tất cả lợi ích mà ông có thể khai thác được từ cái việc rủi ro này. Ông hoãn giờ khởi hành của mình lại mười hai tiếng đồng hồ, đến làm thầy dùi cho các giáo sĩ chùa Malebar-Hill: biết rõ là chính phủ Anh tỏ ra rất nghiêm khắc với loại tội phạm này, ông hứa hẹn với họ những khoản bồi thường lớn; rồi trên chuyến tàu sau, ông dẫn họ rượt theo tên phạm thánh. Nhưng do thời gian mất vào việc giải phóng người thiếu phụ góa chồng, Phileas Fogg và người hầu của ông đã đến Calcutta sau Fix và đám người Ấn Độ. Trong khi ấy thì các quan tòa đã được diện báo từ trước là phải bắt giữ các bị cáo khi họ xuống tàu. Ta có thể hình dung sự thất vọng của Fix khi được tin Phileas Fogg vẫn còn chưa đến thủ đô Ấn Độ. Ông đã phải nghĩ rằng tên trộm của ông đã xuống một ga nào đó trên tuyến đường sắt xuyên bán đảo, và đã lỉnh trốn trong những tỉnh phía bắc. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Fix ôm trong lòng những nỗi lo héo hắt ruột gan rình tên trộm ở nhà ga. Cho nên ông vui sướng biết chừng nào khi trông thấy hắn ngay buổi sáng này từ trên tàu bước xuống, cùng đi với một người đàn bà trẻ mà quả thật ông không thể giải thích được sự có mặt. Ông lập tức phóng một viên cảnh sát đi bắt hắn, và như thế là ông Fogg, Vạn Năng và bà vợ góa của vương hầu xứ Bundelkund được dẫn đến trước quan tòa Obadiah.
Và nếu Vạn Năng không quá mê mải vào công việc của mình, anh hẳn đã nhìn thấy, ở một góc tòa án, viên thám tử dang theo dõi cuộc tranh tụng với một hứng thú dễ hiểu, bởi vì Calcutta, cũng như ở Bombay, cũng như ở Suez, lệnh bắt vẫn còn chưa đến tay ông!
Trong khi ấy quan tòa Obadiah đã ghi vào biên bản lời thú nhận, ông chịu nhận đã xâm phạm bằng một bàn chân bất kính nền gạch của ngôi chùa Malebar-Hill, ở Bombay, vào ngày 20 tháng mười, nay kết án ông Vạn Năng nói trên mười lăm ngày tù và một khoản tiền phạt ba trăm livrơ (7,500 phật lăng).
– Ba trăm Livrơ? – Vạn Năng kêu lên, anh chỉ thật sự bị kích động vì món tiền phạt quá lớn.
– Yên lặng! – viên mõ tòa nói giọng the thé.
– Và, – quan tòa Obadiah nói thêm, – căn cứ vào chỗ không có gì chứng tỏ cụ thể rằng giữa người hầu và ông chủ không có sự đồng lõa và bất kể thế nào ông này cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động và cử chỉ của một người tôi tớ làm cho mình, nay giam giữ ông Phileas Fogg nói trên và kết án ông tám ngày tù với một trăm năm mươi livrơ tiền phạt. – Ông lục sự cho gọi vụ kiện khác!
Fix, ở trong góc phòng cảm thấy một niềm khoái trá không sao kể xiết, Phileas Fogg bị giữ tại tám ngày ở Calcutta, thật là quá đủ để cái lệnh bắt có thời giờ đến tay ông. Vạn Năng chết điếng người, án phạt này thật tai hại cho ông chủ anh. Thế là đi đời món tiền cuộc hai vạn livrơ, và tất cả chỉ vì anh đã quá rỗi hơi đâm vào cái chùa khốn khiếp ấy.
Vẫn bình tĩnh chẳng khác gì cái án này không chút liên quan đến ông, Phileas Fogg cũng chẳng thèm chau mày nữa. Nhưng vừa lúc viên lục sự gọi vụ kiện khác, ông đứng dậy và nói:
– Tôi xin nộp bảo lãnh.
– Đó là quyền ông, – quan tòa đáp.
Fix cảm thấy lạnh sống lưng, nhưng lại yên lòng khi nghe quan tòa ấn định. “do tư cách người ngoại quốc của Phileas Fogg và người hầu của ông”, số tiền bảo lãnh cho mỗi người là một món tiền kếch xù một nghìn livrơ (25,000 phật lăng).
Thế là ông Fogg sẽ phải mất hai nghìn livrơ, nếu ông không chịu ngồi tù.
“Tôi trả”, – nhà quý phái ấy nói.
Và rút từ cái sắc trong tay Vạn Năng ra một gói bạc giấy, đặt lên bàn viên lục sự.
– Món tiền này sẽ hoàn lại khi ông ra khỏi nhà giam, – quan tòa nói. – Trong khi chờ đợi, ông được tự do vì đã có bảo lãnh.
– Đi thôi, – Phileas Fogg nói với người hầu của mình.
– Nhưng ít ra họ cũng phải trả giày cho tôi đã chứ! – Vạn Năng kêu lên với một cử chỉ phẫn nộ.
Họ trả lại anh đôi giày.
“Cái của này sao mà đắt gớm! – anh lầm bầm. – Hơn một nghìn livrơ một chiếc! Chưa kể nó còn làm rày tôi nữa!”.
Vạn Năng tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, đi theo sau ông Fogg, còn ông thì đưa cánh tay cho bà thiếu phụ, Fix vẫn còn hi vọng tên trộm không bao giờ dám bỏ hai nghìn livrơ và hắn sẽ chịu tám ngày tù. Thế là ông bám theo sau Fogg.
Ông Fogg gọi xe, và ba người lên xe ngay. Fix chạy theo sau, chẳng bao lâu cái xe dừng lại trên một bến tàu của thành phố.
Tàu Rangoon đang thả neo trong vũng, cách bờ nửa dặm, lá cờ, báo hiệu tàu sắp khởi hành đã kéo lên đỉnh cột buồm. Đồng hồ điểm mười một tiếng. Ông Fogg vẫn sớm được một giờ. Fix thấy ông xuống xe, bước lên một cái xuồng với bà Aouda và người hầu của ông, viên thám tử giậm chân hậm hực.
“Thằng khốn nạn! – ông kêu lên, – nó chuồn rồi! Dám quẳng đi hai nghìn livrơ! Xài phí như một thằng ăn cắp! Chà! Ta sẽ theo hút nó đến tận cùng trời cuối đất nếu cần, nhưng với điệu tiêu xài này thì tất cả số tiền nó ăn cắp được cũng đến nướng hết mất thôi!”
Ngài thanh tra cảnh sát suy nghĩ như vậy là có căn cứ. Quả thật, từ khi Phileas Fogg rời Luân Đôn, tính cả tiền đi đường lẫn các khoản tiền thưởng, tiền mua voi, tiền bảo lãnh và tiền nộp phạt, ông đã vung đi hơn năm nghìn livrơ (125,000 phật lăng), và khoảng phần trăm của số tiền thu hồi lại được để thưởng cho các thám tử cứ rút dần đi mãi.