Phần XXIII – Cái mũi của Vạn Năng được kéo dài quá khổ như thế nào

Ngày hôm sau, Vạn Năng mệt nhử, đói lả, tự nhủ bằng bất cứ giá nào cũng phải ăn và ăn càng sớm càng tốt, tất nhiên anh cũng có một lối thoát bán đồng hồ của anh đi, nhưng anh thà chết đói còn hơn. Bây giờ, hoặc sẽ không bao giờ là lúc chàng trai trung hậu này phải sử dụng đến giọng hát khỏe, nếu không phải là du dương, mà trời đã phú cho anh.

Anh biết vài khúc hát Pháp và Anh, và anh quyết định thử một cái xem sao. Người Nhật chắc phải mê âm nhạc, vì ở đất nước họ mọi việc đều được cử hành theo tiếng chũm chọe, tiếng chiêng trống, và với tài nghệ của một nghệ sĩ Âu Châu kỳ tài thì họ chỉ có thể tán thưởng mà thôi.

Nhưng có lẽ tổ chức một cuộc hòa nhạc vào lúc mờ sáng ngày hơi sớm quá, và những người mê nhạc bị khua dậy bất thần sẽ không trả cho nhà ca sĩ những đồng tiền có hình Đức Thiên Hoàng.

Vậy là Vạn Năng quyết định chờ vài giờ nữa, nhưng anh vừa đi vừa nghĩ mình có vẻ diện quá không phải một nghệ sĩ hát rong, và anh liền nảy ra ý định đổi quần áo lấy bộ cánh tầm thường hợp địa vị mình hơn. Và lại việc đổi chác sẽ làm dôi ra một món tiền các thêm mà anh có thể dùng ngay để thỏa mãn cơn đói của mình.

Ý đã quyết, chỉ còn thực hiện. Tìm kiếm mãi Vạn Năng mới phát hiện ra một người bản xứ buôn đồ cũ. Bộ quần áo Âu Châu vừa ý ông, và chẳng bao lâu Vạn Năng ra khỏi cửa hàng súng sính trong một cái áo chùng Nhật Bản cũ, đầu đội chiếc khăn vấn đã bạc màu với thời gian. Nhưng để bù lại, vài đồng tiền đã xủng xoẻng trong túi anh.

“Tốt, – anh nghĩ, – ta tưởng tượng như mình đang dự hội hóa trang vậy!”.

Mối quan tâm đầu tiên của Vạn Năng, khi anh đã “Nhật hóa” như thế, là bước vào một quán trà nom xuềnh xoàng, và tại đây, với vài mẩu thịt gà còn lại và vài nắm cơm, anh ăn sáng như mọi con người mà bữa trưa vẫn còn là vấn đề phải giải quyết.

“Bây giờ, – anh nghĩ bụng, sau khi đã no nê hồi sức, – vấn đề là không được mất tinh thần. Ta không còn phương kế bán bộ cánh tầm thường này lấy một bộ khác có vẻ Nhật hơn nữa. Vậy thời phải tìm cách rời bỏ càng sớm càng tốt cái nước Mặt Trời này, nơi chỉ để lại cho ta một kỷ niệm thảm hại!”.

Vạn Năng liền nghĩ ngay đến việc thăm dò các tàu bể sắp nhổ neo đi Mỹ. Anh định xin làm đầu bếp hoặc hầu bàn, tất cả công xá chỉ cần đổi lấy cái vé tàu và ăn uống trên tàu. Một khi đã tới San Francisco anh sẽ liệu tính sau. Điều quan trọng là vượt qua bốn nghìn bảy trăm hải lý Thái Bình Dương này nằm giữa nước Nhật và Tân thế giới.

Vạn Năng vốn không phải loại người nghĩ rồi để đấy, bèn tiến về phía cảng Yokohama. Nhưng anh càng đến gần tàu thì ý định của anh khi mới nãy ra thấy đơn giản thế mà bây giờ lại có vẻ không thực hiện được. Người ta cần gì đến cái anh đầu bếp hoặc hầu bàn trên một bể tàu Mỹ, và với kiểu ăn mặc lố lăng như thế này thì anh có thể gây được lòng tin cho ai? Nhờ ai giới thiệu bây giờ? Biết đề trình giấy tờ gì?

Đang nghĩ miên man như thế mắt anh đụng vào một tấm biển quảng cáo to tướng do một người hề vác diễu đi các phố Yokohama. Tấm biển quảng cáo ấy viết ra tiếng Anh như sau:

Đoàn xiếc nhào lộn Nhật Bản

Của

Ngài William Batulcar đáng kính.

Những buổi trình diễn cuối cùng

Trước khi lên đường đi Hoa Kỳ

Của

NHỮNG MŨI DÀI – NHỮNG MŨI DÀI

Dưới sự bảo trợ trực tiếp của Thần Tingou

Ly kỳ hấp dẫn!

“Hòa Kỳ! – Vạn Năng kêu lên, – đúng cái ta đang cần đây rồi!…”

Anh đi theo người treo biển quảng cáo, và cứ theo gót anh ta, chẳng mấy chốc anh lại trở vào thành phố Nhật Bản. Mười lăm phút sau, anh lại đứng trước một cái lều rộng, trên nóc lều cắm phấp phới nhiều chùm cờ nhỏ, và những vách ngoài có vẽ, không theo phép phối cảnh nhưng với màu sắc thật lòe loẹt, cả một đoàn nghệ sĩ làm trò tung hứng.

Đó là rạp xiếc của ngài Batulcar đáng kính, một thứ “bácnom”47 người Mỹ, giám đốc một đoàn nghệ sĩ múa rối, tung hứng, hề, nhào lộn, đi thăng bằng trên dây, vận động viên thể dục, mà theo quảng cáo sẽ trình diễn buổi cuối cùng trước khi rời đất nước Mặt Trời đi Hoa Kỳ.

Vạn Năng bước vào một hành lang có nhiều cột ở phía trước lều, và anh hỏi Batulcar. Ông Batulcar đích thân ra gặp.

– Anh muốn gì? – ông hỏi Vạn Năng, mà thoạt đầu ông gặp cho là một người dân bản xứ

– Ngài có cần một người hầu không? – Vạn Năng hỏi.

– Một người hầu, – ông “bácnom” vừa kêu lên vừa vuốt bộ râu rậm màu xám mọc um tùm dưới cằm, – tôi có hai người hầu, ngoan ngoãn, trung thành không rời tôi nửa bước, và phục vụ tôi không công với điều kiện là tôi nuôi họ… Và họ đây, – ông vừa nói thêm, chỉ vào hai cánh tay lực lưỡng, chằng chịt những đường gân to như những sợi dây đàn đại hồ cầm.

– Vậy là tôi không được việc gì cho ngài sao?

– Đúng thế.

– Khổ chưa! Tôi mà được đi theo các ngài thì hay quá.

– Ô này, – ngài Batulcar đáng kính nói, – ông mà là người Nhật thì cũng như tôi là một con khỉ! Vậy cớ chi ông lại ăn mặc thế này?

– Ai ăn mặc được như thế nào thì ăn mặc như thế!

– Đúng, đúng đấy. Ông là người Pháp phải không?

– Phải, một dân Paris chính cống.

– Vậy ông hẳn biết làm trò nhăn nhó?

– Quả có thể, – Vạn Năng trả lời, phật ý vì thấy cái lời yêu cầu ấy lại được gợi lên chính từ quốc tịch của mình. – người Pháp chúng tôi, chúng tôi biết làm trò nhăn nhó, đúng thế, nhưng cũng không hơn được người Mỹ!

– Đúng. Này, nếu tôi không lấy anh làm người hầu, thì tôi có thể lấy anh làm hề. Anh hiểu chứ, anh bạn. Ở Pháp người ta trưng bày ra những anh hề nước ngoài, còn ở nước ngoài thì trưng ra những anh hề Pháp!

– A!

– Vả lại anh khỏe mạnh kia mà?

– Nhất là khi tôi vừa ra khỏi bàn ăn.

– Và anh biết hát chứ?

– Biết. – Vạn Năng đáp, xưa kia anh cũng đã từng góp giọng trong vài cuộc hòa nhạc vỉa hè.

– Nhưng anh có hát được trong tư thế giồng cây chuối, mới một con quay đang quay trên bàn chân trái, và một thanh kiếm đặt thăng bằng trên bàn chân phải không?

– Hẳn chứ! – Vạn Năng đáp, nhớ lại những bài tập vỡ lòng thời niên thiếu.

– Anh thấy không, tất cả công việc là thế đó! – ngài Batulcar đáng kính đáp.

Bản hợp đồng được ký tức khắc và ngay tại chỗ.

Rốt cuộc thế là Vạn Năng đã kiếm được một chỗ đứng. Anh được nhận vào làm tất cả mọi việc trong cái gánh xiếc Nhật nổi tiếng này. Điều đó không thú vị gì cho lắm, nhưng chưa đầy tám ngày nữa anh đã lên đường đi San Francisco.

Cuộc biểu diễn, đã được ngài Batulcar đáng kính quảng cáo om sòm, phải bắt đầu vào ba giờ, và chẳng bao lâu những nhạc cụ ghê gớm của một dàn nhạc Nhật, trống, chiêng, đã khua ầm lên ngoài cửa, ta thừa biết Vạn Năng chưa thể tập kịp một trò nào, nhưng anh phải lấy đôi vai chắc nịch của mình làm đế cho đại tiết mục “chồng người” do những Người-Mũi-Dài của thần Tingou biểu diễn. Cái trò “ly kỳ hấp dẫn” ấy của buổi biểu diễn phải kết thúc cả loạt các tiết mục khác.

Trước ba giờ, các khán giả đã tràn ngập căn lều rộng. Người Châu Âu và người bản xứ, người Trung Quốc và người Nhật Bản, đàn ông, đàn bà, trẻ con đổ xô vào các dãy ghế dài chật hẹp và các hàng ghế lô trước mặt sân khấu. Các nhạc công đã rút vào bên trong, và dàn nhạc đầy đủ, với những cồng, chiêng, phách, sáo, trống nhỏ và trống lớn, điên cuồng tấu lên.

Cuộc biểu diễn chỉ gồm toàn những tiết mục nhào lộn múa rối đó. Nhưng ta phải thừa nhận người Nhật là những người làm trò thăng bằng giỏi nhất trên đời. Người này, với cái quạt và những mẩu giấy nhỏ, biểu diễn tiết mục bướm và hoa thật đẹp mắt. Người kia, với làn khói thơm từ cái tẩu của mình, thoăn thoắt phác trong không khí một hàng chữ xanh xanh, tạo thành lời chúc mừng cử tọa. Một người tung hứng với những cây nến đang cháy, mà anh lần lượt thổi tắt khi chúng qua trước miệng anh, rồi lại lấy cây khác châm lên mà vẫn không phút ngừng trò tung hứng thần diệu của mình. Người khác, với những con quay đang quay tạo nên đủ kiểu kết hợp kỳ dị nhất; dưới tay anh, những cái máy quay vù vù ấy dường như đóng một đời sống riêng trong cuộc xoay tròn bất tuyệt của chúng; chúng chạy trên những ống tẩu hút thuốc, trên những lưỡi kiếm, trên những sợi dây thép trông đúng như những sợi tóc căng từ đầu sân khấu này đến đầu kia, chúng xoay quanh những bình pha lê lớn, chúng leo những thang tre, chúng chạy toán loạn vào mọi xó xỉnh, tạo nên những hiệu quả hòa âm thật kỳ lạ bằng cách kết hợp những âm độ khác nhau của chúng. Các nghệ sĩ tung hứng chúng, và chúng quay tròn trong không khí; họ quăng chúng đi bằng vợt gỗ như những quả cầu, mà chúng vẫn cứ quay, họ đút chúng vào trong túi của họ, và khi họ lấy ra, chúng vẫn cứ quay, quay cho đến khi một cái lò xo bật ra kiến chúng nở thành những chùm hoa!

Chẳng cần miêu tả ra đây những tiết mục kỳ diệu của các nghệ sĩ nhào lộn và vận động viên thể dục. Những trò nhào lộn trên thang, trên sào, trên quả cầu, trên các thùng lăn, v.v… được thực hiện với một sự chính xác tuyệt diệu. Nhưng cái đỉnh của biểu diễn là tiết mục của những “Người-Mũi-Dài”, những nghệ sĩ thăng bằng kỳ lạ mà Châu Âu chưa từng biết đến.

Những Người-Mũi-Dài ấy hợp thành một tập đoàn đặc biệt dưới sự bảo trợ trực tiếp của Thần Tingou. Ăn bận như những anh hùng thời trung cổ, họ mang một cặp cánh lộng lẫy hai bên vai. Nhưng nét đặc trưng nhất là công dụng của cái mũi ấy. Những cái mũi ấy không có gì khác hơn là những thanh tre dài năm, sau, mười piê, cái này thẳng, cái kia cong, cái nhẵn thín, cái sần sùi. Vậy mà, chính là trên những bộ phận được chắp vào mặt một cách chắc chắn ấy đã diễn ra tất cả những động tác thăng bằng của họ. Một tá những tín đồ của thần Tingou nằm ngửa ra, và các bạn họ đến nô đùa trên những cái mũi của họ dựng đứng lên như những ống thu lôi, nhảy nhót, bay đi bay lại từ mũi này sang mũi khác, và thực hiện những trò nhào lộn khó tin nhất.

Tiết mục cuối cùng đã được báo trước với công chúng là tiết mục chồng người, trong đó chừng năm chục Người-Mũi-Dài kết thành “Xa giá của thần Jaggernaut”. Nhưng đáng lẽ chồng người bằng cách lấy vai làm điểm tựa, các nghệ sĩ của ngài Batulcar đáng kính chỉ được lắp vào nhau bằng mũi của họ. Nhưng một trong những người ghép thành cái bệ của xa giá đã bỏ đoàn, và Vạn Năng được chọn thay anh ta, vì chỉ cần khỏe mạnh và khéo léo là đủ.

Tất nhiên, chàng trai đứng đắn tự cảm thấy rất đỗi sượng sùng khi gợi lại một kỷ niệm đáng buồn thời trẻ, anh phải khoác bộ áo trung cổ, được trang điểm bộ cánh sặc sỡ, và đội một cái mũi dài sáu piê gắn vào giữa mặt! Nhưng rốt cuộc thì cái mũi này, đó là cần câu cơm của anh, và anh đành nhận nó.

Vạn Năng bước vào sân khấu, và đến xếp hàng bên những người phải ghép thành cái bệ của Xa giá thần Jaggernaut. Tất cả nằm dài xuống đất, mũi chồng lên trời. Một tốp diễn viên thăng bằng thứ hai đến nằm trên những mũi dài, một tốp thứ ba chồng lên trên, rồi một tốp thứ tư, và trên những cái mũi chỉ đỡ ở đầu nhọn của nó ấy, một lâu đài người chẳng mấy chốc dựng lên đến tận tấm màn vẽ da trời trên nóc rạp.

Thế nhưng, giữa những tiếng vỗ tay rào rào, và tiếng kèn trống của dàn nhạc vang ầm như sấm, chồng người bỗng rung chuyển, mất thăng bằng, một trong những cái mũi của bện tụt đi, và cả công trình đổ sập xuống như một lâu đài bằng giấy…

Đó là lỗi của Vạn Năng lúc ấy đã bỏ vị trí của mình, băng qua hàng rào không cần sự hỗ trợ của đôi cánh, và trèo lên dãy lan can bên phải, anh phục xuống chân của một khán giả kêu lên:

– Ôi! Ông chủ! Ông chủ!

– Anh đấy à?

– Tôi đây!

– Thôi được! Thế thì ra tàu bể ngay thôi, anh bạn!…

Ông Fogg, bà Aouda cùng đi với ông, và Vạn Năng vội vã qua các hành lang ngoài lều. Nhưng ở đây họ gặp ngài Batulcar đáng kính điên khùng đòi những khoản bồi thường về sự “vỡ” tiết mục. Phileas Fogg làm dịu cơn giận dữ của ông bằng một nắm bạc giấy. Và, đến sáu giờ rưỡi, đúng vào lúc tàu sắp chạy. Ông Fogg và bà Aouda đặt chân lên chiếc tàu bể Mỹ, theo sau còn có Vạn Năng, với cặp cánh trên lưng, và trên mặt vẫn còn cái mũi dài sáu “piê” mà anh chưa kịp vứt ra!

................

[←47]

Barnum: Ông chủ một phường xiếc biểu diễn những kỳ nhân quái vật.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện