Phần XXXII – Phileas Fogg mở một cuộc chiến đấu trực diện chống lại số phận không may như thế nào

Tàu China ra đi dường như đã mang theo cả hy vọng cuối cùng của Phileas Fogg.

Thật vậy, không một tàu bể nào khác trong những tàu bể chạy thẳng từ Châu Mỹ sang Châu Âu, dù là những tàu xuyên đại dương Pháp, những tàu của “Đường hàng hải Ngôi sao trắng”, những tàu của Công ty Imman, hay những tàu của đường Hambourgeoise, hoặc tàu nào khác. Lại có thể thỏa mãn được kế hoạch của nhà quý phái.

Thật vậy, tàu Pereire, của Công ty Đại Tây Dương Pháp mà những con tàu tuyệt diệu có thể sánh ngang về tốc độ và vượt về tiện nghi so với tất cả những tàu của tuyến khác, không trừ một tàu nào – chỉ ngày hôm sau nữa, ngày 14 tháng chạp, mới lên đường. Và vả lại, cũng như những tàu của Công ty Hambourgeoise, nó không chạy thẳng đến Liverpool hoặc Luân Đôn, mà đến Le Havre, và chặng đường phụ ấy từ Le Havre đến Southampton sẽ làm Phileas Fogg bị chậm lại, khiến những cố gắng cuối cùng của ông trở thảnh vô ích.

Còn các tàu Imman. Mà một trong số đó, cái Đô Thị Paris, sẽ ra khơi ngày hôm sau, thì cũng chẳng nên nghĩ đến làm gì. Những tàu ấy chuyên dùng vào việc di dân, máy yếu, chúng chạy hơi nước cũng chẳng khác chạy buồm, và tốc độ cúa chúng vào loại kém. Để đi Nữu Ước đến nước Anh, chúng phải dùng nhiều thời gian hơn số thời gian còn lại của ông Fogg để thắng cuộc.

Nhà quý phái đã hiểu tường tận tất cả tình hình trên sau khi tra cứu cuốn Bradshaw, cuốn sách cho ông biết những hoạt động từng ngày của ngành hàng hải xuyên đại dương.

Vạn Năng cảm thấy rã rời. Đến chậm chuyến tàu biển mất bốn mươi lăm phút, điều đó làm anh kiệt sức. Chính là lỗi ở anh, đáng lẽ phải giúp đỡ ông chủ thì anh lại không ngừng gieo rắc trở ngại trên đường đi của ông! Và khi anh nhớ lại tất cả những biến cố dọc đường, khi anh nhẩm tính những khoản tiêu mất không và chỉ vì lợi ích của riêng anh thôi, khi anh nghĩ rằng vụ đánh cuộc khổng lồ này, thêm những chi phí to lớn của cuộc viễn du đã trở thành vô dụng, sẽ làm ông Fogg phải hoàn toàn bị lụi bại, thì anh hết lời nguyền rủa mình.

Tuy vậy, ông Fogg không hề trách móc anh, và khi rời đi khỏi kè đậu các tàu xuyên Đại Tây Dương, ông chủ chỉ nói:

“Mai ta sẽ liệu sau. Thôi ta đi.”

Ông Fogg, bà Aouda, Fix, Vạn Năng qua sông Hudson tại bến đò khu Jersey, và lên xe ngựa đi đến khách sạn Thánh Nicolas, ở đường Quảng lộ. Họ nhận phòng, và một đêm yên ả đối với Phileas Fogg đắm chìm trong giấc ngủ ngày ấy thật ngắn, nhưng khá dài với bà Aouda và các bạn của bà thì cứ trăn trở không sao ngủ được.

Hôm nay là ngày 12 tháng chạp. Từ ngày 12, bảy giờ sáng, đến ngày 21, tám giờ bốn mươi phút tối còn chín ngày mười ba giờ và bốn mươi lăm phút. Vậy nếu Phileas Fogg đã đi được từ hôm trước trên tàu China, một trong những tàu bể tốt nhất của đường hàng hải Cunard, thì ông sẽ đến Liverpool, rồi đến Luân Đôn, trong những thời hạn mong muốn!

Ông Fogg rời khách sạn ra đi một mình, sau khi đã dặn dò người hầu đợi ông và báo trước cho bà Aouda lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng.

Ông Fogg đi đến bờ sông Hudson và trong số những tàu cột ở bến hoặc thả neo trên sông, ông tìm kỹ xem có tàu nào sắp lên đường không. Nhiều tàu đã treo cờ hiệu khởi hành và chuẩn bị ra khơi theo con nước buổi sáng, bởi vì trong cái hải cảng Nữu Ước mênh mông và kỳ diệu này, không ngày nào không có một trăm con tàu lên đường đi đến tất cả mọi điểm trên trái đất: nhưng phần lớn đó là những tàu chạy buồm, và chúng không thể hợp ý Phileas Fogg.

Nhà quý phái tưởng như đã thất bại trong cố gắng cuối cùng của mình thì ông trông thấy một cái tàu buôn có chân vịt, dáng thon thả neo trước Pháo đài cách đó nhiều nhất một tầm56, ống khói nhả ra từng cuộn khói lớn cho thấy nó đang chuẩn bị lên đường.

Phileas Fogg gọi một cái xuồng và sai vài mái chèo, ông đến bên thang tàu Henrietta. Một tàu có vỏ sắt, mà tất cả phần thân tàu từ mặt trước trở lên đều bằng gỗ.

Thuyền trưởng tàu Henrietta đang ở trên tàu, Phileas Fogg trèo lên boong và xin gặp thuyền trưởng. Ông ta ra tiếp ngay:

Đó là một người trạc năm mươi tuổi, một thứ sói bể, một kẻ hay cấm ca cấm cẳn hẳn là khó chơi. Mắt to, nước da màu đồng han, tóc đỏ, cổ vạm vỡ. Ông không có vẻ gì là một người của xã hội thượng lưu.

– Có phải ông là thuyền trưởng? – Ông Fogg hỏi.

– Tôi đây.

– Tôi là Phileas Fogg, ở Luân Đôn.

– Còn tôi, Andrew Speedy, ở Cardif.

– Tàu ông sắp chạy?…

– Một giờ nữa.

– Ông chở hàng đi đâu.

– Bordeaux.

– Hàng gì vậy?

– Sỏi chất trong lòng tàu. Không có hàng. Tàu tôi đi lần này không chở hàng.

– Ông có hành khách?

– Không có hành khách. Tôi không bao giờ lấy hành khách. Thứ hàng ấy cồng kềnh mà hay phải khám xét lắm.

– Tàu ông chạy tốt?

– Từ mười một đến hai mươi hải lí? Tàu Henrietta ai cũng biết.

– Ông có bằng lòng chở tôi đến Liverpool không, tôi với ba người nữa.

– Đến Liverpool? Tại sao không đến Trung Quốc?

– Tôi nói Liverpool.

– Không!

– Sao không?

– Không. Tôi đi Bordeaux, và tôi sẽ đến Bordeaux.

– Bất kể giá nào?

– Bất kể giá nào.

Viên thuyền trưởng đã nói với một giọng không cho cãi lại.

– Nhưng còn ông chủ tàu Henrietta… – Phileas Fogg nói lại.

– Chủ tàu của tôi, – viên thuyền trưởng đáp – tàu này của tôi.

– Tôi thuê tàu ông.

– Không.

– Tôi mua.

– Không.

Phileas Fogg vẫn điềm tĩnh. Tuy vậy tình thế thật nghiêm trọng. Ở Nữu Ước không như ở Hồng kông, và ông thuyền trưởng tàu Henrietta không giống ông chủ tàu Tankadère. Cho đến nay, tiền bạc của nhà quý phái vẫn luôn thắng mọi trở lực. Lần này thì tiền bạc đã thất bại.

Thế nhưng phải tìm bằng được cách vượt Đại Tây Dương bằng tàu thuỷ, nếu không qua được đại dương bằng khinh khí cầu, cái việc hết sức mạo hiểm, và vả chăng không thể thực hiện được.

Nhưng hình như Phileas Fogg đã có một chủ kiến, bởi vì ông nói với viên thuyền trưởng:

– Thế ông có bằng lòng đưa tôi đến Bordeaux không?

– Không, cho dù ông có trả tôi đến hai trăm đô la!

– Tôi trả ông hai nghìn (10.000 phật lăng).

– Mỗi người?

– Mỗi người.

– Và các ông có bốn người?

– Bốn.

Viên thuyền trưởng Speedy gãi đầu, tưởng đến rách cả da đầu. Tám nghìn đô la kiếm thêm mà không phải thay đổi cuộc hành trình. Điều đó đáng để ông gạt sang một bên các mối ác cảm công khai với tất cả mọi loại hành khách với giá vé hai nghìn đô la, đó không phải là hành khách nữa, đó là món hàng quý.

– Chín giờ thì tôi đi, – viên thuyền trưởng chỉ nói gọn, – và nếu ông và các bạn ông, các ông có mặt ở đây cả không?…

– Chín giờ chúng tôi sẽ ở trên tàu! – Ông Fogg đáp lại không kém gọn lỏn.

Lúc ấy tám giờ rưỡi, rời khỏi tàu Henrietta, lên xe đến khách sạn Thánh Nicolas, từ đó đưa bà Aouda, Vạn Năng và cả ông Fix không dứt ra được mà ông rất lịch sự mời cùng đi, nhà quý phái đã làm mọi việc ấy với sự điềm tĩnh cố hữu của ông trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Vào lúc tàu Henrietta bắt đầu lên đường, tất cả bốn người đã có mặt trên tàu.

Khi Vạn Năng biết được cái quý giá của chặng đường đi cuối cùng này, anh bật lên một tiếng “Ồ” kéo dài, chạy qua tất cả các quãng của một âm giai bán âm thấp xuống!

Còn viên thanh tra Fix thì nghĩ bụng rằng dứt khoát Ngân hàng Anh dù có gỡ ra được cũng không thể nguyên lành. Thật vậy, khi về tới đích và cứ cho là tên Fogg không còn ném thêm vài nắm tiền xuống biển nữa, thì cái xắc bạc giấy cũng đã hụt đi trên bảy nghìn livrơ (175.000 phật lăng).

.............

[←56]

Dịch chữ encablure: Khoảng bằng một phần mười hải lí, tức 185,2m.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện