Chương 13: Một năm nữa trôi qua
Chúng tôi đang chè chén trên sân thượng học viện. Giờ đã là sinh viên năm ba, rượu chè không còn là thứ mới mẻ nữa. Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi có thể uống bớt đi và không cần phải nôn ọe để chứng tỏ mình đã có một buổi nhậu xả láng. Hôm nay, chúng tôi muốn uống cho quên sầu vì hai lý do. Đầu tiên, sau một năm ròng xem xét hồ sơ, khoa cơ khí đã lạnh lùng từ chối dự án dầu bôi trơn của Ryan. Hai là, tôi đã làm hỏng thêm một bài thi vấn đáp nữa. Riêng việc thi trượt vấn đáp thì không còn ai cừ hơn tôi!
“Quên cái dự án dầu bôi trơn đi. Tớ đã phí quá nhiều thời gian vào đó. Nhưng Hari, cậu nhìn lại mình đi, sao lúc nào cũng ríu hết cả lưỡi lại thế nhỉ?” Ryan nói. Trong mạch máu cậu ấy chắc huyết cầu tự tin còn nhiều hơn cả hồng cầu.
“Tớ cũng chỉ ước gì mình biết tại sao.” Tôi nheo mắt lại giận dữ.
“Mà cậu biết đáp án những câu hỏi vấn đáp đó đúng không?” Alok hỏi.
Tôi gật đầu. Có ích gì đâu. Ba năm luyện thi vấn đáp cũng chẳng khiến tôi thôi chết đứng.
“Ryan, cậu biết tỏng tớ ghét cay ghét đắng trò thi vấn đáp rồi còn gì. Còn cậu thì sao, chắc chán đời lắm hả,” tôi nói.
“Chán gì mà chán? Tớ chỉ bỏ ra mười đêm thức trắng để viết đi viết lại bản đề cương đó, cộng thêm cả trăm giờ đồng hồ trong phòng thí nghiệm. Thế mà cuối cùng, lão Cherian ấy chỉ phán, ‘Lạc quan và diệu kỳ quá mức.’ Tớ chỉ chực vặn cho lão gãy cổ,” Ryan tuyên bố.
“Nhưng cậu vẫn một mực đinh ninh rằng ý tưởng của mình không hề tồi,” Alok nói thẳng.
“Tất nhiên rồi, ngay cả thầy Veera cũng phải công nhận. Nhưng Cherian thì không, mà lão lại là trưởng khoa. Mà thôi, kệ xác nó đi.”
“Thế là toi hẳn rồi à?” tôi hỏi.
“Về phía tớ thì toi rồi. Nhưng thầy Verra có thể vẫn sẽ cố kiếm tài trợ tư nhân hay cái gì đại loại thế. Nhưng nói chung là toi rồi,” Ryan nói.
Alok ngồi im, tay ngoáy lỗ mũi, miệng nhấp vodka. Ghê rợn thật đấy, nhưng tôi chẳng buồn để tâm. Thói quen vốn là một liều miễn dịch vô cùng hữu hiệu.
Tôi quay sang nhìn Alok. “Thôi ít ra cậu vẫn còn được vui vẻ.”
“Vui?” Alok vặn lại, “Đùa đấy à.”
“Sao có chuyện gì?” tôi hỏi.
“Chả có gì. Chả có cái quái gì hay ho trong cuộc đời tớ cả. Thế nên tớ chẳng bao giờ được vui. Bà chị sắp ế, đấy là tin gần đây nhất.”
Alok nói không sai. Gia đình đau khổ, điểm số đì đẹt, và bạn bè bất bơ đâu phải những con đường dẫn tới niềm vui. Nhưng ít ra cậu ấy còn có thú tiêu khiển ngoáy mũi khi ngồi bên bạn bè.
“Neha sao rồi?” Alok hỏi.
“Ổn thôi. Cô ấy là thứ duy nhất giữ chân tớ lại cái trường IIT này.”
“Nói cứ như đúng rồi. Thế cậu đã tiến xa thêm được bước nào chưa?” Ryan hỏi.
“Xa thế nào nữa? Đã hôn nhau rồi đấy thôi,” tôi đáp.
“Ờ, nhưng đấy là cả mười năm về trước rồi còn gì. Mà ngoài hôn hít thì còn nhiều thứ khác nữa chứ. Cậu có biết không đấy? Hay là trước mặt cô ấy cậu cũng bị chết đứng luôn?”
Alok cười khúc khích.
“Xéo đi Ryan,” tôi nói. “Neha không phải loại con gái đấy đâu.”
“Nhưng cậu thì là loại con trai như thế. Nên hãy uốn cô ấy theo luôn đi.”
“Bằng cách nào?”
“Có phải việc gì tớ cũng dạy được cho cậu đâu.”
Khi trời đã tối, chúng tôi quay về Kumaon. Thời gian vẫn còn trôi, xin cám ơn Thượng đế, vì điều đó có nghĩa là chúng tôi rồi cũng sẽ có ngày thoát khỏi chốn này.
“Nghĩ tới ngày học xong thật sướng biết bao,” tôi nói.
“Ít ra bọn mình đã thực hành thuần thục được HĐK,” Alok nói.
“Tất nhiên,” Ryan cười khẩy, “lần cuối bọn mình phải tự làm bài khi nào nhỉ?”
“Nói thế chứ đôi lúc tớ vẫn thấy hãi hãi,” tôi thú nhận.
“Tại sao? Mấy ông thầy có bao giờ chấm bài kỹ đâu. Chẳng phát hiện được đâu,” Ryan gạt đi, vẫn với vẻ ngạo mạn cố hữu.
“Tớ nghe nói Cherian rắn lắm,” Alok nói.
Chúng tôi sẽ sắp được kiểm chứng ngay thôi; rốt cuộc thì cũng tới lúc thầy Cherian dạy chúng tôi kỹ thuật và quản lý công nghiệp, gọi tắt là Kỹ Quản Công.
“Ừ, cuối cùng thì cũng đến lượt lão giời đày dạy mình. Tớ sẽ không đi học một buổi nào của lão,” Ryan nói.
“Cậu có cần đâu. Theo HĐK thì môn đó là của Hari,” Alok nháy mắt. “Chàng trai của chúng ta muốn ghi điểm với nhạc phụ.”
“Thì cũng sẽ phải có một lúc nào đó tớ muốn Neha công khai chuyện bọn tớ với bố cô ấy. Nếu tớ cúp hết lớp ông ấy thì còn ra gì,” tôi nói.
“Tớ thù ghét lão,” Ryan phán thẳng băng.
Không ai dám cúp tiết học đầu của Cherian. Tất nhiên, trừ Ryan. Tôi tò mò muốn nhìn tận mắt hình hài ác quỷ đã hành hạ bạn gái và bạn nối khố của mình. Những đứa khác thì muốn tới xem trưởng khoa cơ khí của trường kỹ thuật đứng đầu cả nước. Mọi người bảo khi còn là sinh viên IIT, Cherian đạt điểm tổng kết mười tuyệt đối. Tôi không biết nhiều về con người ông, trừ việc con gái ông là điểm mười tuyệt đối trong mắt tôi.
Tôi vào lớp sớm năm phút, và lần đầu tiên trong ba năm học, tiến lên ngồi bàn đầu. Chẳng biết tại sao, nhưng tôi rất muốn đạt điểm tối đa trong môn của ông. Có thể một con A môn Kỹ Quản Công sẽ tạo dựng được hình ảnh tốt, để Neha dễ bề giới thiệu tôi hơn. Nghe cũng xuôi tai – “Bố ơi, đây là Hari – anh chàng đứng đầu môn Kỹ Quản Công của bố đấy,” rõ ràng phải xuôi hơn “Bố ơi, đây là Hari. Anh chàng đì đẹt điểm C trong môn bố dạy.”
Đúng chóc chín giờ sáng, thầy Cherian bước vào lớp, mang theo một chồng sách khổng lồ như vừa ăn cướp từ trong thư viện.
“Cả lớp chú ý. Ta bắt đầu tiết học thôi,” giọng ông chắc nịch.
Cảm giác lần đầu diện kiến phụ huynh bạn gái thật lạ. Tôi không thể không để ý thấy rằng Cherian chỉ là một bản sao méo mó của Neha, cứ như thể bức tượng sáp của cô đã bị thổi phồng lên rồi bị hơ cho chảy lỏng tỏng. Ông có quai hàm và khuôn mặt tròn giống cô, nhưng mặt ông to gấp đôi mặt cô, với những lớp thịt chảy xệ thay thế cho hai gò má căng mịn. Mái tóc dài đẹp của cô giờ biến thành một khoảng hói trụi, to hơn cả một chiếc bánh hamburger trong tiệm ăn nhanh Nirula. Nếu Neha hóa trang để đóng phim kinh dị, thì cô sẽ nhìn hệt như ông bố.
“Nghiên cứu về thời gian và chuyển động là cốt lõi của môn Kỹ Quản Công. Là kỹ sư, các anh chị phải biết chia nhỏ các hoạt động của con người xuống những khâu nhỏ hơn để đo đạc được, và hãy thôi nói chuyện riêng ngay ở hàng thứ ba,” thầy Cherian ném mẩu phấn vào hai đứa sinh viên đang không nhịn được việc dấm dúi kể chuyện cười trong giờ.
“Nhạc phụ của cậu đấy,” Alok thầm thì.
“Chắc ông ấy ăn tươi nuốt sống tớ mất,” tôi đáp.
Cherian nghe thấy tiếng rì rầm, và ngưng viết bảng. Rồi ông quay lại và đập mạnh cục lau bảng lên bàn. “Không ai được phép nói trong sáu mươi phút tới,” ông tuyên bố bằng giọng dằn mặt, đến Saddam Husein chắc cũng phải rùng mình. “Rõ chưa?”
Bụi phấn bay mù lên như một đám mây, như thể ông thầy vừa thả một quả lựu đạn trong phòng. Không ai thấy được rõ khuôn mặt méo mó của ông sau đám mây dày đặc ấy. Tôi tự hỏi làm sao Neha có thể sống cả một cuộc đời bên con người như thế, và chỉ muốn giải cứu cô ngay trong khoảnh khắc này. Tôi mơ tới việc bỏ trốn cùng cô qua đường mái nhà trong khi Cherian đang ngủ. Nhưng rồi tôi sẽ đưa cô đi đâu? Ký túc thì nào có tiện nghi gì, vì ba đứa chúng tôi còn phải chui vào một phòng.
Ví dụ đầu tiên của Cherian về việc nghiên cứu thời gian và chuyển động là về một xưởng may. Giả sử ta có năm công nhân, thế thì hoặc là ta chia cho một người may trọn một cái áo, hoặc là mỗi người đảm nhiệm một khâu. Tỉ dụ như, người thứ nhất cắt vải, người thứ hai may, người thứ ba đơm khuy, cứ như thế.
“Việc chia nhỏ nhiệm vụ thế này gọi là một dây chuyền sản xuất. Nhưng ta phải đảm bảo các khâu đều chiếm một khoảng thời gian như nhau để tránh bị nghẽn dây chuyền.”
“Thế nên, nếu cắt vải mất sáu phút, trong khi may chỉ mất ba phút, thì hai người có thể cùng được phân công làm khâu đầu. “Theo cách này, ta có thể đạt được một dây chuyền sản xuất nhanh gọn. Công nhân có thể tập trung nâng cao kỹ năng trong khâu của mình. Thêm nữa, ta không cần mua thêm thiết bị - chẳng hạn thay vì năm cái kéo thì chỉ cần một,” ông giảng.
Nghe hợp lý quá còn gì. Xét cho cùng, đó là những việc kỹ sư nên làm đúng không? Hướng dẫn cho công nhân làm việc hiệu quả hơn, và động não ra những cách tiết kiệm nguyên vật liệu.
“Ông ấy giảng hay đấy chứ,” tôi nói.
“Tập trung chép đi. Bài thi có thể ra bất kỳ câu nào đấy,” Alok đáp.
Béo sẽ mãi mãi là một kẻ bí bét, tôi nghĩ bụng, trừ việc ngoáy mũi. Ý tôi là, dù tôi không phải là một kẻ quá sáng dạ, nhưng đôi khi ngồi học cũng phải nghe chứ. Ai như cậu này, chỉ ghi ghi chép chép và nôn ra bài thi. Tôi định bụng sẽ thảo luận về môn Kỹ Quản Công này với Ryan.
Sau mười phút, thầy Cherian hạ phấn xuống. Ông đã sửa dữ liệu ví dụ xưởng may tới mười lần, để minh họa những tổ hợp phân chia thời gian và nhân lực khác nhau. Theo phong cách IIT điển hình, một ví dụ đơn giản bằng cách nào đó đều được xào xáo để chuyển thành những phương trình phức tạp. Rồi ông giao bài tập cho tiết sau với những phương trình này, điều này đồng nghĩa với ít nhất hai tiếng đồng hồ trong thư viện tối nay.
“Cậu đần độn hay sao mà lại bảo môn Kỹ Quản Công vớ vẩn này là thú vị?” Ryan mắng khi tôi kể lại cho cậu ấy nghe về tiết học.
“Thì sao chứ? Cậu nghĩ mà xem, thay vì mỗi người tự cắt rồi tự may…”
“Thế là ta phải hạ cấp mỗi thợ may xuống thành một người chuyên cắt vải hoặc đơm khuy à? Thế họ là gì chứ, những rô bốt chết tiệt à?”
“Không, chỉ là phân công thông minh thôi. Đây, nếu cậu áp dụng phương trình tối ưu hóa…”
“Mặc xác cái phương trình. Cậu muốn người công nhân về nhà nói gì chứ? Rằng hôm nay tôi dệt được mười cái áo? Hay hôm nay tôi cắt được năm mươi mảnh vải? Cậu có nhận ra mỗi công việc sẽ trở nên buồn tẻ và khiến não ù lì đi đến thế nào không?”
“Thế là ngốc thì có,” tôi nói, “vấn đề là cải thiện năng suất.”
“Nhưng nếu mỗi công nhân tự may áo từ đầu đến cuối và cải thiện mẫu mã thì sao? Đúng là một mớ lải nhải vớ vẩn của lão Cherian, coi con người chẳng hơn gì những cỗ máy không não.”
“Tớ nghĩ cậu nên đi học thử một buổi, Ryan ạ. Tớ không giải thích được, nhưng ông ấy giảng có lý lắm.”
“Đương nhiên rồi, với cậu thì lại chẳng có lý. Cậu muốn tóm con gái ông ấy mà lị.”
“Ơ, im đi, cứ đi học thử thì biết. Đến lúc cậu cho cái hệ thống này một cơ hội rồi đấy.”
“Chỉ là một hệ thống nát bét, nên không có cơ hội cơ hiếc gì nữa. Nào, đưa bài giải đây tớ còn chép.”
Tôi gặp Neha ngoài cổng học viện để hẹn hò đi dạo. Một buổi hẹn hò đi dạo có nghĩa là ta tản bộ một quãng dài cùng bạn gái để hít thở không khí trong lành và nói chuyện sâu xa, đó là lý thuyết. Trên thực tế, đi dạo là hay ho nhất vì nó miễn phí. Với tôi, đó là lựa chọn hiển nhiên, sau khi đã viêm màng túi nặng vì tới lượt mình đổ xăng cho xe Ryan. Neha chọn đường đi, một quãng đường năm cây số cả đi lẫn về, từ khuôn viên trường tới một khu làng gần đó.
“Nào nói em nghe đi, anh nghĩ sao về bố em?” Neha hỏi như thể muốn thấy tôi nhảy lên vì hứng thú.
“Chưa biết rõ lắm nhưng có vẻ ông nghiêm khắc thật đấy. Hằng ngày em sống thế nào được nhỉ?”
“Ông rất ưa sinh viên giỏi đấy. Em mong anh sẽ được điểm tốt trong môn của ông.”
“Anh đang cố đây. Nhưng trước giờ anh chưa bao giờ được A cả. Và mỗi tuần ông giao cả tá bài tập. Lại thêm vòng vấn đáp anh vốn căm ghét.”
“Nếu anh được A thật thì em sẽ nói với ông rằng mình là bạn.”
“Ừ thì anh đang cố. Mà mình đi đâu đấy?”
“Cứ đi đi, em có chủ ý rồi.”
Tôi giữ im lặng, hy vọng cô đã chọn một nơi hẻo lánh. Khi hẹn hò, ta chỉ mong được tới những chốn ấy, một chốn không có người xung quanh, không có gì để làm. Ấy thế mà, ta chỉ thấy hàng tá những tiệm ăn nhanh, rạp phim, tiệm kem, đều tập trung vào thị trường hò hẹn. Thay vào đó, sao họ không xây những loại phòng trống nhỉ?
Neha dẫn tôi đi men theo một con đường mòn nối sang làng Katwaria. Mấy đứa bé mặc thiếu áo thiếu quần tò mò nhìn chúng tôi như nhìn sinh vật lạ. Hai con trâu sổng chuồng cũng đi dạo đêm, một con hình như đi theo chúng tôi.
“Em chắc là em biết đường đấy chứ?” tôi nghi ngờ hỏi.
“Đương nhiên. Thấy cái đền thờ cuối đường không? Kia kìa.”
Tôi nheo mắt. Cách đấy chừng nửa cây số có một lá phướn đền thờ. Một lúc sau, con trâu thôi không theo chúng tôi nữa, và hai đứa chúng tôi có được chút riêng tư.
Khi tới đền thờ, chúng tôi ngồi xuống lan can bên những bậc thang bị bỏ mặc lâu ngày. Một con chó hoang đang gà gật mở mắt nhìn chúng tôi. Trước đền là đường ray xe lửa, tôi đoán là đường trong tuyến vòng cung Delhi, tuyến xe lửa địa phương chẳng ai thèm đi, chỉ chạy vài tiếng một lần.
“Cái đền này sao lại mọc lên giữa đồng không mông quạnh thế này?” tôi hỏi, nắm tay cô một cách tự nhiên. Con chó chẳng để ý chúng tôi, và xung quanh không một bóng người.
“Em nghĩ chắc có dịp đặc biệt thì người làng mới đến khấn, nhưng em thích chỗ này,” Neha dựa người vào tôi.
Chúng tôi hôn nhau, tôi không biết ai là người bắt đầu trước. Đó là một việc hay ho khi ta có bạn gái ổn định: ta không phải chật vật mỗi khi muốn hôn. Nhưng đó là giới hạn xa nhất Neha có thể chạm tới. Tôi đặt bàn tay lên vai cô. Rồi với một động thái hoàn toàn có chủ ý, nhưng lại mang vẻ vô tình, tôi để bàn tay tự trượt xuống ngực cô. Biết đâu lần này phản xạ của cô không mạnh như những lần trước.
“Không!” Đúng lúc hay ho thì Neha đẩy tôi ra và đứng dậy.
“Em đẹp quá,” tôi cố tỏ vẻ ngọt ngào.
“Thôi đi,” cô khúc khích cười, “anh có sến thế chứ sến nữa cũng chẳng ích gì đâu. Ở ngay đền thờ mà không biết xấu hổ.”
Lại thế nữa, tôi nghĩ bụng. Cứ như thể việc hôn hít ở đền thờ thì chẳng sao, nhưng ngay khi “bàn tay bất cẩn trượt xuống” thì lại bị quở. Neha là bà chúa mâu thuẫn.
Tôi cố tiến lại gần cô, vì tranh luận cũng chẳng ích gì.
“Chỉ hôn thôi nhé. Anh biết việc này là sai trái còn gì,” cô cảnh cáo.
Chúng ta ôm ấp hôn hít, đúng hơn là tôi-cố-gắng-ôm-ấp-hôn-hít trong nửa giờ, rồi đến giờ cô phải về. Chúng tôi đứng dậy, ném cho con chó một cái nhìn, và tản bộ theo lối cũ.
“Anh có biết anh trai em đã chết trên đường ray này không?” cô hỏi.
Đến giờ, tôi vẫn chưa được nghe tường tận việc anh trai Neha mất thế nào. Những câu chuyện rùng rợn không phải là sở thích của tôi, nhưng con trai thì phải lắng nghe bạn gái thôi. “Thế à? Không, anh không biết. Chuyện xảy ra thế nào?”
“Em vẫn còn nhớ hôm ấy là ngày 11 tháng Năm. Anh em ra ngoài chạy bộ. Ý em là, bố nhận được cuộc gọi. Mãi đến chiều tối ông mới nói cho cả nhà nghe và em… em thậm chí còn không được phép đi xem thi thể anh ấy.” Giọng cô run lên.
Chúng tôi đã quay lại ngôi làng, nên tôi không biết có nên để cho cô dựa vào vai tôi mà khóc không. Nhưng cô tự mình dựa vào, nên tôi cứ để yên.
“Neha, mọi chuyện sẽ ổn thôi,” tôi để ý thấy hai thằng nhóc nhìn chúng tôi lom lom. Chắc chúng mới chỉ được thấy trai gái ôm nhau trên phim.
Khi số lượng trẻ con xúm lại nhìn chúng tôi tăng lên tới tám đứa, thì Neha mới rời khỏi vai tôi.
“Ơ, ở đâu ra nhiều trẻ con thế?” Cô gái gạt nước mắt. Tám đứa trẻ, hầu hết trần truồng, nhìn chúng tôi chòng chọc như xem phim.
“Thấy chưa, cô này là diễn viên đấy,” tôi bảo bọn trẻ.
“Raveena Tandon,” một đứa ba tuổi lên tiếng.
Neha bắt đầu cười phá lên, khiến tôi nhẹ cả người, vì những cơn rầu rĩ của cô vốn thường kéo dài.
Chúng tôi đi tiếp tới khi gần đến trường, nơi hai đứa phải chia tay.
“Biết đâu có ngày em lại được giới thiệu anh là người đứng đầu môn của ông thì sao nhỉ,” cô nháy mắt với tôi rồi cất bước đi trước.
Tôi đợi đúng năm phút sau rồi mới đi về ký túc. Tôi yêu cô ấy phải không? Tôi đá một viên sỏi; giá như cô ấy không tốt đẹp mọi lúc mọi nơi như thế thì hay biết mấy!