Phiêu lưu
Sam đi học, Martha đi chợ.
Như bị nam châm hút, bà tìm đến quầy tin học trong siêu thị. Bà tự động dừng lại trước cái máy tính mà Sam đã chỉ cho bà. Bà muốn kiểm tra công thức nấu món ragu thịt trắng. Hàng trăm công thức khác nhau hiện ra. Có lẽ Sam nói đúng: ít hóa ra lại thành nhiều.
Bà gõ "Gargantua". 2.250.000 kết quả! Lướt qua toàn bộ số kết quả còn mất nhiều thời gian hơn là đọc cuốn này ấy chứ!
Bà nghĩ đến tội lỗi đáng yêu của mình và gõ "sô cô la": 1.980.000 từ mục, công thức, địa chỉ, lịch sử, nhà máy và tệ hơn nữa là hình ảnh. Bà quá nóng lòng thực hiện một lệnh tìm kiếm khác, cái máy khiến bà bị mê hoặc. Bà hiểu người ta có thể bị lạc như thế nào trong đó. Thôi nào, tìm một lần nữa thôi: viêm khớp. 1.140.000 bài viết. Sẽ phải quay lại đây. Có lẽ trong lúc Sam đi học đàn...
Hồi còn ở một mình, không phải ngày nào Martha cũng đi chợ. Chẳng điều gì hối thúc bà. Nhẩn nha chính là sự xa xỉ lớn nhất. Phơi quần áo, là quần áo, sắp xếp gọn gàng, mọi việc ấy đều có thể chịu được khi người ta làm theo ý mình. Tuy nhiên bà vẫn tuân theo một thói quen: ấy là ăn trưa lúc 13 giờ, vừa ăn vừa nghe đài France Inter. Một ngày của bà diễn ra theo nhịp các chương trình phát sóng trên radio. Bà biết tất thảy các nhà báo, những người pha trò, những hoạt náo viên. Radio chính là trung tâm "giáo dục thường xuyên" của bà, là trường đại học dành cho người lớn tuổi, là nguồn giải trí của bà.
Đây rồi, Sam trở về háu đói như mọi ngày, oằn mình trước đống bài tập được giao sáng nay, rã rời sau một nửa ngày buồn nản.
- Kể bà nghe xem nào.
- Bà ơi, bà sẽ không muốn biết đâu!
- Bà muốn so sánh với thời của mình!
- Đấy chính là điều tệ nhất đấy, không có gì thay đổi cả. Không gì hết, từ thời Charlemagne (1). Sự tẻ nhạt, các giáo viên, bài tập vẫn y như ngày xưa.
- Thế cháu có giải pháp nào hay hơn không?
- Thay sách vở bằng máy tính, giáo viên gửi bài tập qua email. Và thay vì phải đến trường thì chúng ta sẽ ở nhà học trong yên tĩnh.
- Nói một cách khác, cháu đang yêu cầu được là kẻ tự kỷ. Kế hoạch hay đấy. Không gặp ai, không bao giờ bước chân ra khỏi nhà, chỉ giao du với cái màn hình thôi.
- Nó xứng đáng được như thế mà. Mà bà ơi, cháu muốn chỉ cho bà thấy máy tính có thể làm được những gì.
- Nó có bao giờ đi chợ, nấu nướng thay mình được đâu!... Bà căm ghét việc đi chợ!
- Vừa hay, bà ơi. Bà có thể mua trên mạng và sẽ được giao hàng tận nhà đấy.
- Có thể làm thế hay sao?
- Cháu đảm bảo mà bà.
- Thế thì chiều nay ta sẽ xem xét việc này.
Martha không dám kể là sáng nay bà đã đến quầy máy tính.
- Bà này, bà có thể sống mà không có điện thoại không?
- Bà không phải kiểu có thể buôn chuyện hàng giờ, nhưng phải thừa nhận là bà sẽ gặp khó khăn. Bà vẫn thích được thỉnh thoảng nói chuyện với các con.
- Sống mà không có máy tính cũng không phải là việc dễ làm đâu bà ạ. Bà phải dùng máy tính thôi.
Sam mang đĩa ra bồn rửa bát. Martha có một chiếc máy rửa bát, nhưng chỉ có hai cái đĩa thế này thì chẳng bõ.
- Không tivi, chẳng máy tính, bà như sống ở thời tiền sử ấy.
- Bà thích thời tiền sử.
- Bởi vì bà chưa biết thời hiện tại. Bà thử liệt kê những thứ bà thích xem nào? Tài sản quý nhất của bà là gì?
- Cháu.
- Cháu đâu phải tài sản.
- Các cuốn sách của bà.
- Thế thì bà có thể đọc chúng trên màn hình.
- Bà thích đọc trên giường và lật giở các trang sách... Thế còn cháu thì sao, Sam của bà, tài sản quý nhất của cháu là gì?
- Cái máy tính của cháu.
- Thế còn sức khỏe, tình bạn, tình yêu, may mắn, hòa bình trên thế giới, nội tâm thanh thản? Thành công?...
- Không thể thành công nếu không có máy tính.
- Thế còn cây đàn piano của cháu?
- Bà nói đúng, chiếc piano này là một báu vật. Cháu sẽ chơi bản nhạc mới để bà nghe nhé.
Một tác phẩm của Debussy (2). Sam đánh còn vài đoạn nhỏ chưa hoàn hảo. Martha phải tìm cho thằng bé đĩa nhạc có tác phẩm này do một nghệ sĩ piano nổi tiếng chơi mới được.
(1): Một vị hoàng đế, cha đẻ của trường học.
(2): Nhà soạn nhạc người Pháp (1862-1918)