MƯỜI BA

“Ban đầu là Goa, giờ lại Úc. Anh kinh doanh cái gì thế?” Vidya nói, mắt em to bằng loại đồng xu một rupi mới.

“Khi Ish viết thư lại cho Fred, Fred đã giữ lời hứa. Bọn anh đã nhận được vé qua thư,” tôi nói. Chúng tôi vừa kết thúc buổi học và tôi muốn báo cho em biết sự vắng mặt sắp tới của mình.

“Vậy hai người đi là ai?” em nói.

“Không phải hai, mà bốn. Ali và ba bọn anh sẽ đi,” tôi nói.

“Mấy anh ngốc gặp may,” em cười.

“Nên là anh sẽ đi vắng mười ngày. Nhưng sách của em thì không. Vidya này, các học sinh của anh đều học tốt. Đừng làm anh thất vọng nhé.”

“Anh cũng đừng làm em thất vọng đấy,” em nói.

“Thế nào?”

“Thôi quên đi. Anh sẽ đi đâu bên Úc?”

“Sydney. Fred ở đó. Ali sẽ tập trong học viện của anh ta một tuần. Khi anh trai em quyết làm một việc gì, thì cậu ta làm cho bằng được mới thôi.”

“Chẳng giống em. Em không thể tập trung được. Em chắc sẽ bị trượt kỳ thi vào trường y. Em sẽ mắc kẹt trong ngôi nhà địa ngục này, dù có vào đại học. Và sau đó em sẽ lấy chồng rồi lọt vào một địa ngục khác trong một xó xỉnh lạc hậu nào đó ở Gujarat.”

“Gujarat đâu có lạc hậu,” tôi vặn lại.

“Có lẽ em quá cấp tiến.”

Chúng tôi lại nhìn vào mắt nhau. Nếu có cuộc thi đầu vào môn láo xược, Vidya sẽ dễ dàng đứng đầu bảng. Tôi mở sách hướng dẫn ôn tập.

“Sao chuyên học hành lại tẻ nhạt thế nhỉ? Tại sao ta phải làm điều gì đó nhạt nhẽo đến thế để trở thành một cái gì đó trên đời này?”

“Vidya này, đừng hỏi những câu triết học. Chỉ hỏi câu về toán thôi,” tôi nói và đứng dậy ra về.

“Anh sẽ mua quà nước Úc cho em chứ?”

“Hỏi anh trai em ấy, cậu ta sẽ mua cho em bất cứ cái gì em muốn.” Tôi xếp sách thành chồng. Không đời nào tôi lại chi nhiều tiền hơn cần thiết. “Dù sao, ngân quỹ bọn anh hạn hẹp lắm,” tôi thanh minh.

Em gật đầu như hiểu ra.

“Vậy anh sẽ nhớ em chứ?”

Tôi tiếp tục cúi đầu.

“Anh cũng có ngân quỹ cho việc nhớ người ta chừng nào sao?” em hỏi.

“Làm bài đi, Vidya. Tập trung nào,” tôi nói rồi ra về.

***

“Các anh vẫn còn mệt hay là muốn đến chỗ tập luyện luôn?” là lời đầu tiên của Fred khi đón chào chúng tôi ở sân bay.

“Giường của tôi đâu?” tôi những muốn hỏi.

Chúng tôi đã bắt chuyến tàu đêm đi từ Ahmedabad đến Mumbai, đợi thêm sáu tiếng nữa để lên chuyến bay mười bốn tiếng đến Sydney quá cảnh ở Singapore. Ba mươi tiếng di chuyển trong môi trường tù túng và tôi buồn ngủ muốn chết đi được.

“Ồ, vậy chúng tôi đến đúng lúc tập luyện à?” Ish nhìn ra đường phố Sydney. Lúc bảy giờ sáng, những người chạy bộ kín cả vỉa hè. Quán cà phê đẹp như trong tranh quảng cáo đang chào bán những món bánh xốp thơm ngon.

Tôi vỗ nhẹ vào những chiếc bánh khakra trong túi mình. Chúng tôi không có tiền mua bánh trong thành phố này.

“Tôi sẽ đến sân tập của học viện sáng nay,” Fred nói khi anh ta nhấn ga. “Tôi đặt chỗ nhà nghỉ cho các anh rồi. Theo tôi nên ngủ một giấc đã. Philip sẽ đón các anh đến tập buổi tối.

***

“Các bạn, đây là Ali. Cậu ta là cầu thủ đánh bóng,” Fred nói với các cầu thủ khác, những người cũng đến đây tập. Ngoài Philip ra, có một gã lực lưỡng tên Peter và một gã ném bóng, đeo kính, tên Steve. Tôi quên ngay những cái tên khác.

Fred hét, “Chạy năm vòng nào mọi người. Chạy sát đường biên, không chạy tắt.”

Hai tiếng đầu tiên tập luyện ở Úc là tập luyện để chết. Năm vòng quanh sân học viện tương đương với hai mươi vòng ở sân công viên Nana, và năm mươi vòng sân ngân hàng. Sau cuộc chạy, chúng tôi tập không biết bao nhiêu lượt gập bụng, chống đẩy và tập nằm co người. Ba huấn luyện viên riêng, mỗi người giám sát năm học viên. Lần đầu tôi rên rỉ, một người chạy đến chỗ tôi. Lần sau anh ta nói, “Thôi đóng kịch đi, anh bạn.”

Sau buổi tập sức bền, chúng tôi ra sân. Tôi bảo họ tôi không phải cầu thủ, nhưng tôi vẫn phải chơi hỗ trợ.

“Bóng này, ném đi,” Fred đưa bóng cho Ali.

“Thực sự nó không ném được đâu,” Ish nói.

“Tôi biết, cứ burl đi,” Fred vỗ tay.

Philip vào vị trí bắt bóng ở ngoài biên, gần tôi.

Burl là gì thế?” tôi hỏi anh ta.

“Tiếng lóng của Úc, anh bạn ạ,” Philip cười. “Nghĩa là thử đi.”

Ish đề nghị chơi giữ gôn, nhưng Fred bảo nó hãy chơi ở vị trí slip. Khả năng ném bóng của Ali không tương xứng với những cầu thủ cấp bang này. Roger vụt bóng ra ngoài biên mấy lần. Có lần bóng bay đến giữa Philip và tôi, và chúng tôi phải vất vả đón bóng.

“Rattle chân đi, anh bạn,” một cầu thủ chơi bắt bóng khác quát tôi. Chẳng cần ai dịch, tôi cũng biết ý là “nhanh chân lên”.

Tôi ném bóng lại. Tôi đang làm gì ở giữa cái sân này của nước Úc vậy?

Ngày trôi đi, vốn từ vựng Úc của tôi cũng tăng. “Onya” nghĩa là “làm tốt lắm”. Một pha bóng dễ ăn thì gọi là “piece of piss”, trong khi một pha bóng tốt thì gọi là “pack a wallop.” Muỗi thì gọi là “mozzie”, và đồ uống nhẹ thì gọi là “coldy”. Khi tôi trốn vào nhà vệ sinh để xả, Philip xông vào xổ thêm mấy từ lóng. “Anh đi xông ống xi-phông à?”

Trời bắt đầu tối.

“Đến giờ nghỉ rồi,” Fred thông báo, dù Ali chưa được đánh bóng.

Fred nhíu mày trước vẻ mặt đăm chiêu của Ish lúc ở phòng thay đồ.

“Tôi không sao,” Ish nói.

Omi và Ali đang dạo bộ bên ngoài.

“Fair dinkum?”

Ish ngồi ghế ngước nhìn lên.

“Anh ta hỏi mày có nói thật không,” tôi phô diễn khả năng ngôn ngữ mới được khai quật.

“Ngày mai tập mấy giờ, Fred, nói bằng tiếng Anh nhé,” Ish nói.

“Anh là whinger à?” Fred nói.

“Whinger nghĩa là...” tôi nói thì Ish cắt ngang.

“Tao biết whinge là gì, ai đó làm ơn giải thích xem lý do mời một cầu thủ đánh bóng hàng ngàn dặm đến đây mà không cho nó đánh bóng là gì không?”

Fred mỉm cười, “Ồ, anh muốn cậu bé của anh được đánh bóng hả. Để làm gì? Để nó ghi được vài điểm sáu à. Anh muốn thằng bé khoe mẽ ngay từ ngày đầu à?”

“Tôi không...”

“Anh bạn này, tôi thấy rất nhiều tài năng. Mỗi đứa trẻ được học bổng AIS đều có tài năng riêng. Nếu tôi không đánh gục niềm kiêu hãnh của chúng, chúng sẽ suốt đời ngạo mạn. Các vận động viên thể thao không phải ngôi sao điện ảnh, anh bạn ạ. Dù đất nước các anh đối xử với họ như vậy.”

“Nhưng Fred này...”

“Người Ấn các anh có tài năng, còn sự rèn luyện thì không - cứ tin tôi đi, anh bạn.”

“Chúng tôi chỉ ở đây có một tuần,” giọng Ish quẫn bách.

“Tôi sẽ khiến một tuần này có ích. Nhưng bài học hôm nay quan trọng lắm. Nếu nó không khiêm tốn, nó sẽ chẳng tồn tại lâu đâu,” Fred nói, rồi nhìn đồng hồ. “Tôi có hẹn với bà xã rồi. Tôi chuồn đây.”

***

“Cụng nào!” mọi người hét lên. Chúng tôi cụng chai màu nâu sẫm, loại bia XXXX, còn gọi là chú lùn fourex.

“Chào các anh!” cô phục vụ Hazel ôm lấy Fred, trông cô quá hấp dẫn so với một cô phục vụ.

“Ồ...” học viên của Fred kích anh ta sau khi cô gái đã đi rồi.

“Không đời nào, các bạn. Bà xã tôi sẽ không tha cho tôi nếu tôi đong đưa người khác đâu,” Fred nói. “Nhưng các anh còn độc thân. Các anh hẳn phải có những cô gái Ấn Độ xinh đẹp chứ.”

Mọi người nhìn chúng tôi.

“Chúng tôi không có bạn gái,” Omi nói.

“Tại sao không? Phụ nữ Ấn Độ hấp dẫn lắm mà,” Michael nói, trợn tròn mắt.

“Mải mê công việc quá,” tôi nói.

“Mải mê ư? Tôi chưa bao giờ nghe nói có gã nào mải mê công việc, không có thời gian đi root đấy anh bạn,” Roger nói.

Mọi người bật cười. Root nghĩa là, ừm, thôi bỏ đi.

“Xem mấy em xinh tươi kia thế nào,” Michael nói khi bốn cô gái bước vào.

“Em mặc đồ nâu kia, không tồi đâu,” Michael nói. “NCR 5.”

“NCR 10,” Roger nói.

“Còn em mặc đồ xanh?” Philip nói.

“NCR 0. Xông vào đi các anh,” Roger nói. Mọi người cười phá lên.

“NCR là gì?” tôi hỏi khi thấy mùi toán học trong bầu không khí.

“NCR là Number of Cans Required. Số bia cần uống để có hứng làm tình với một cô gái,” Fred nói.

“Michael đã hẹn hò với một cô ả xấu khủng khiếp. Anh ta thừa nhận phải NCR 40,” Roger nói. Mọi người cười rần rần.

“Đây, các anh háu đói,” Hazel nói, giọng cợt nhả, khi cô chuyển đĩa thức ăn.

Người Úc chủ yếu ăn thịt. Chúng tôi chỉ ăn pizza, vì là lựa chọn duy nhất nhận ra được.

“Anh cần ăn nhiều protein hơn,” Michael nói, cơ bắp tay anh ta nổi rõ trong khi anh ta nhai.

Omi bảo, “Tôi uống hai lít sữa mỗi ngày.”

Ish ngồi cạnh Fred. Tôi không thể nghe cuộc trò chuyện của họ. Tuy nhiên, tôi thấy Ish thường xuyên gật gù. Tôi bỏ những câu chuyện cưa cẩm của người Úc và lại chỗ Ish.

“Nếu anh là người ném bóng, và anh cầm bóng trong tay, anh kiểm soát trận đấu. Anh phải đảm bảo người đánh bóng biết ai mới là chủ,” Fred đang nói. “Với Ali cũng vậy thôi. Cậu bé không chỉ cần đánh bóng thôi đâu, cậu ta cần cho mọi người trong đội thấy cậu ta là chủ.”

“Đúng,” Ish nói.

“Các cầu thủ của tôi cuối cùng sẽ tìm ra cách để ném bóng đối với Ali. Một tinh thần kiên quyết có thể chống lại tài năng. Nhà vô địch phải có cả hai.”

Ish gật đầu.

“Chào Govind!” Fred đã nhìn thấy tôi. “Không muốn nghe tư vấn tán gái sao? Chúng tôi đang nói toàn những chuyện tẻ nhạt của huấn luyện viên.”

Ngực Ish căng tràn niềm kiêu hãnh khi Fred gọi nó ở vai trò ngang bằng.

Tôi nhớ ra gì đó. “Hôm qua anh nhắc đến học bổng. Là cái gì thế? Mà thực ra, ngành thể thao ở Úc hoạt động như thế nào.”

“Anh muốn biết tại sao nước Úc luôn thắng hả?”

“Không phải bao giờ cũng thắng,” Ish nói.

“Đúng vậy, ơn trời. Chúng tôi thích vượt trội hơn đối phương, nhưng chúng tôi cũng thích chiến đấu. Khi có một thách thức, nó sẽ làm lộ ra người giỏi nhất.”

“Đúng, dù không phải bao giờ cũng vậy, nhưng đội Úc thắng rất nhiều lần. Mọi kỳ Olympic, có hàng đống huy chương dành cho nước Úc. Trong môn cricket, sự thống trị vẫn tiếp tục. Làm sao lại thế, Fred?” tôi nói.

“Có nhiều lý do, anh bạn ạ. Nhưng không phải bao giờ cũng thế này đâu.” Fred nhấp ly nước đang sủi tăm. “Thực ra, vào đại hội Olympic1976 ở Montreal, nước Úc không hề giành được huy chương nào.”

“Nhưng năm ngoái các anh thi đấu rất tốt mà,” Ish nói.

“Đúng, ở Sydney 2000. Nước Úc giành được 56 huy chương, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Những nước này có dân số gấp mười lần.” Anh ta dừng lại. “Người Úc coi thất bại ở Montreal là quốc sỉ. Nên chính phủ thành lập một Học viện Thể thao Úc, hay AIS và khởi động một chương trình học bổng tốt nhất thế giới.”

Fred uống hết cốc nước và tiếp tục:

“Và ngày nay AIS có hàng trăm nhân viên - là những huấn luyện viên, bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Họ có nguồn tài chính hai trăm triệu đô la và có cơ sở vật chất tuyệt vời. Trọng tâm của chương trình này là, họ trao bảy trăm học bổng mỗi năm.” Fred đẩy đĩa spaghetti về phía tôi.

Tôi vừa lắng nghe vừa vật lộn với những sợi mì như dải ruy băng. Tôi tính toán, bảy trăm học bổng trên hai mươi triệu dân thì tương đương với bao nhiêu học bổng ở Ấn Độ. Con số tương ứng là ba mươi lăm nghìn học bổng thể thao mỗi năm mới đạt được tỉ lệ này.

“Thế học bổng là gì? Tiền ư?” Ish muốn biết.

“Không chỉ có tiền, anh bạn ạ. Toàn diện hết thảy. Huấn luyện của chuyên gia, chỗ ăn ở, tham gia các giải đấu, khoa học thể thao, thuốc men - bất cứ thứ gì. Và điều tuyệt vời nhất là được trở thành một phần cộng đồng ấy, nơi mà mọi người dành hết tâm lực cho môn thể thao của mình. Tôi không thể mô tả cảm giác đó,” Fred nói, mắt anh ta sáng lên.

“Tôi biết cảm giác đó,” Ish nói. Dù mắt Ish không phải màu xanh, chúng cũng sáng lên rạng rỡ.

Người phục vụ dọn đĩa khi chúng tôi ăn xong.

“Có cầu thủ nổi tiếng nào trưởng thành từ chương trình này không?”

“Ôi hàng đống. Michael Bevan, Adam Gilchrist, Justin Langer, Damien Martyn, Gienn McGrath, Ricky Ponting, Andrew Symonds, Shane Warne...”

“Anh đang nói gì thế? Đó toàn huyền thoại cricket cả,” Ish nói.

“Huyền thoại - từ hay lắm,” Fred cười. “Hy vọng có ngày tôi sẽ được như vậy.”

“Anh cũng nhận được học bổng à?” tôi nói.

Fred gật đầu.

“Anh đã là huyền thoại rồi, Fred,” Ish nói.

“Không, tôi chỉ mới bắt đầu. Và tôi cho các cậu biết nhé, cái danh xưng huyền thoại ấy còn xa mới với được. Anh lấy chút tài năng rồi khuôn đúc cho khéo, thế là chuyện tốt đẹp xảy ra. Hiểu theo nghĩa đó, nước Úc có thể tạo ra các huyền thoại.”

“Còn chúng tôi thì không thể,” Ish hỏi.

“À, các anh có thể chứ, dù ngay lúc này các anh đang dựa trên tài năng nhiều hơn là rèn luyện. Dân số các anh đông, một số nhỏ nhoi trong đó sinh ra đã xuất chúng rồi. Như Tendulkar, hay có thể là Ali.”

“Đúng, nhưng,” Ish chắp tay trái vào tay phải, “thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu ở Ấn Độ cũng có một loại hình đào tạo thế này.”

“Cricket sẽ chấm dứt. Ấn Độ sẽ thống trị và các đội bóng như chúng tôi chẳng là gì cả. Ít nhất thì lúc này chúng tôi có thể tự gọi mình là ‘huyền thoại’.” Fred lấy ngón tay ra dấu đóng ngoặc kép khi nói chữ cuối cùng.

***

Những ngày hôm sau Ali được đánh bóng. Mỗi người ném bóng đều trải qua cú sốc vì bị nã những điểm sáu. Tuy nhiên, Ali không trổ hết màn trình diễn, và vẫn chơi ổn định. Thằng bé ghi được năm mươi điểm trong hai lượt đánh bóng. Vào sáng thứ Sáu, Ali đánh bóng kiểu phòng ngự. Quả bóng đi không xa. Ali quyết định đứng tại vạch ném bóng.

“Chạy đi, được thêm điểm đấy,” Ish hối thúc từ đường biên.

“Chạy đi Ali,” Ish lại nói. Ali tỏ vẻ ngạc nhiên trước chỉ đạo này, nhưng nó đã chạy.

“Nhanh lên,” Ish gào, “đừng có ngủ.”

Ali chạy nhanh hơn khi cầu thủ bắt bóng trả bóng lại cho người ném.

“Nhảy đi,” Ish nói. Ali nhào người tới. Nó chạm tới vạch, nhưng toàn bộ trọng lượng cơ thể đổ lên gót chân trái. Mọi người vội vã chạy đến, thằng bé nằm trên sân, nghiến răng và kìm nén những giọt nước mắt.

“Ồ, đứng lên đi. Không phải lúc đóng kịch đâu,” Ish nói.

“Bình tĩnh nào anh bạn,” Fred nói với Ish và ra hiệu gọi bác sĩ. Chỉ vài phút sau, một nhân viên y tế đến và chườm túi đá lên mắt cá sưng vù của Ali.

“May mà không rạn xương hay trật khớp. Trông như dây chằng bị chấn thương nhẹ thôi,” bác sĩ nói, bôi thuốc giảm đau và băng bó lại. Ali dựa vào bác sĩ, cố đi tập tễnh. “Nghỉ chơi hai ngày nhé. Cháu sẽ ổn thôi.”

“Đừng lo, vài tiếng nữa nó sẽ lại chơi thôi,” Ish nói với vẻ ngượng ngập. Tội lỗi dâng trong mắt nó.

“Nào mọi người,” Fred vỗ tay, “ngồi xuống đã.”

Chúng tôi ngồi trên sân, vây quanh Fred.

“Các anh đã lớn và là những cầu thủ rắn rỏi. Các anh muốn chơi hết sức. Nhưng tôi có nhấn mạnh cũng không thừa đâu - rằng hãy tôn trọng giới hạn cơ thể của mình.”

“Tôi tôn trọng chứ,” Ish nói, cảm thấy buộc phải cất lời, “nhưng có thể ghi thêm điểm nữa. Và đó là điều người Ấn Độ chúng tôi thường bỏ lỡ. Chúng tôi không muốn quăng mình xuống nước. Chúng tôi không muốn mạo hiểm.”

“Trò chơi này không phải việc thể hiện ta đây là bậc trượng phu. Anh không thể dấn thân quá nhiều trong khoảnh khắc đến mức anh sẽ quên...”

“Quên cái gì?” tôi nói.

“Quên rằng anh có một cơ thể mong manh. Đánh mất nó, và coi như anh xong đời. Anh phải bảo vệ nó. Và Ish này, anh phải bảo vệ học trò của mình.”

Ish cúi đầu xuống.

“Cái lưng ác hiểm đã suýt chấm dứt sự nghiệp của tôi ngay khi tôi chỉ vừa mới khởi đầu,” Fred nói. “Có thể tôi đã phải đi bán quần áo suốt phần đời còn lại của mình, vì đó là công việc duy nhất tôi kiếm được.”

Anh ta nói thêm, “Tôi đã mắc chính sai lầm đó, muốn tự giết mình vì trận đấu tôi chơi ngày hôm đó. Nhưng nếu muốn có một sự nghiệp, các anh nên nghĩ về lâu dài. Đúng vậy, đam mê là quan trọng. Nhưng cái đầu phải tỉnh táo trong trận đấu.”

Về sau, ở trong phòng thay đồ Ish xin lỗi Fred. “Tôi sẽ không bao giờ để Ali bị thương.”

“Thằng bé giỏi lắm. Tôi hơi ngạc nhiên với nó đấy. Tối Chủ nhật các anh về đúng không?”

“Đúng, còn hai ngày nữa,” Ish nói. “Không thể tin một tuần trôi qua nhanh thế.”

“Sáng Chủ nhật tôi mời ăn sáng nhé. Tôi muốn các anh gặp một người quan trọng.”

***

Bãi biển Bondi đẹp đến mức cần phải có cuốn sách ảnh khổ lớn dành riêng cho nó. Trước tiên là bầu trời. Bầu trời nước Úc có màu sắc khác với bầu trời Ấn Độ. Thực ra nó có màu giống như màu xanh da trời trong các cửa hàng sơn và trong veo đến nhức cả mắt. Mọi thứ sạch bong. Biển thì có thể nhìn xa hàng dặm. Và trên bờ, Thái Bình Dương vỗ vào bờ cát mịn tạo thành những con sóng hoàn hảo. Chúng mạnh mẽ đến mức có thể lướt lên được, nhưng lại dịu dàng đủ để bạn thấy thư thái.

Nhưng mùa hè năm ấy, phần đẹp nhất của bãi biển này là con người nơi đây - những người không phải đàn ông. Nghĩa là, những người phụ nữ. Rực rỡ và ngực trần. Và nếu trong đời bạn chưa bao giờ thấy phụ nữ để ngực trần, thì những nơi như thế này sẽ cho bạn thấy.

“Ở đây phải có đến cả trăm cô gái nhỉ,” Ish huýt sáo. “Và mỗi người là một kỳ quan!”

Đúng thật. Như thể mọi phụ nữ đẹp trên thế giới gửi email cho nhau và quyết định hẹn gặp ở Bondi.

“Bọn mày muốn ô không?” tôi nói khi chúng tôi dừng lại ở một điểm tráng lệ. Sáu phụ nữ ngực trần chơi ném đĩa bay ở đó.

“Oa, có thể thấy t... oài,” Omi chỉ tay gợi ý.

“Có một trăm phụ nữ ở đây. Nên chúng ta có hai trăm cái ngực để nhìn,” tôi nói và bị trêu chọc vì ở đâu cũng lôi toán ra được.

Lớn lên ở một nơi mà chiếc áo không tay cũng tạo scandal, thì để ngực trần đúng là thứ mà một gã lắm chữ sẽ gọi đó là “biến đổi hệ hình”.

“Tao không thể chơi với họ được. Tao chưa bao giờ xem trò ném đĩa bay,” Ish nói.

“Thử xem cô tóc vàng kia, èo, hoành thật,” tôi nói. Ồ vâng, khi đang ở Disneyland, thì hãy chơi đi.

“Hẳn thiên đường là thế này đây. Mắt tao mỏi quá vì không chớp được,” Omi nói.

Thật buồn cười, nhưng mà sau vài phút thì những bộ ngực trần kia trở nên bình thường. Tôi nghĩ những thứ hay ho thì ta làm quen rất nhanh. Tôi thích mỗi ngày được ngắm một cô ngực trần, trong một trăm ngày liền như thế, còn hơn là nhìn một trăm bộ ngực trần chỉ một lần. Tôi ngồi lên cát. Ish và Omi nhanh chóng xuống bơi, và để xem ở dưới nước những phụ nữ ngực trần kia có ướt át nóng bỏng hơn không. Vâng, chúng tôi là một lũ bệnh hoạn.

Tôi để ý thấy một cô da ngăm ngồi dưới tán ô cạnh tôi. Cô mặc chiếc áo sơ mi bên ngoài bộ bikini, lưng cô quay về phía tôi. Mái tóc đen dài của cô xõa xuống tấm lưng thon. Cô bôi thứ gì đó lên tóc, có lẽ là dầu hoặc nước thơm hay thứ gì đấy mà các cô gái thấy cần thiết cho sự tồn tại của họ.

Trong tôi có gì đau nhói. Tôi cảm tưởng như ai đó đấm vào ngực mình. Cô gái da ngăm kia vuốt tóc giống y như cách vuốt tóc của Vidya. Tôi thấy Omi và Ish đang khoát nước phía ngoài xa. Bọn chúng cười đùa dìm nhau xuống.

Những ý nghĩ ngẫu nhiên chạy trong đầu tôi, như những ngón tay bôi dầu trên tóc. Nếu Vidya có ở đây chẳng phải tuyệt lắm sao? Đây chẳng phải là điều em mong chờ nhất sao? Tự do trên tất thảy mọi thứ khác? Em không có tinh thần Bondi sao, dù tôi hẳn sẽ giết em nếu em bước đi trong bộ bikini. Đợi đã nào, tôi sẽ giết em hay anh trai Ish của em sẽ giết em đây? Sao tôi phải quan tâm? Nhưng tôi đã nói sẽ giết em à? Và sao tôi lại nghĩ về em trong khi có rất nhiều cô gái ngực trần xinh đẹp làm phân tán tư tưởng tôi ngay lúc này? Và tại sao đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng nghĩ đến em? Và tại sao đầu óc tôi không ngớt hỏi những câu ngốc nghếch?

Nếu bạn bắt đầu nhớ một cô gái cách xa hàng ngàn dặm, dù quanh bạn có đầy những cô gái ngực trần, thì có điều gì đó rất rất không ổn. Tôi mở sổ ghi chép luôn mang bên mình. Tôi muốn tiết kiệm một khoản tiền cho ba tháng tới. Tôi nhìn thấy một sợi tóc dài. Đó không phải là tóc của Ish hay Omi hay của tôi. Chỉ một người duy nhất tôi quen có tóc dài. Cuốn sổ tay tôi đã mở ra để quên em, lại làm tôi nhớ em hơn.

Omi chạy đến chỗ tôi. Nước trên người nó rỏ xuống chân tôi. Tôi gấp sổ lại.

“Nước tuyệt thật. Nào, xuống nước đi,” nó vừa nói vừa hổn hển.

“Không, tao có việc. Tao phải đi gọi điện,” tôi nói.

“Gọi cho ai?”

“Nhà cung cấp,” tôi nói không dám nhìn thẳng vào mắt.

“Gọi ở đây à? Không đắt lắm sao?”

“Gọi nhanh thôi, tao cần ít tiền xu,” tôi nói khi gom tiền lẻ.

“Ở Bondi mà mày cũng làm việc à? Tùy mày đấy, tao xuống bơi đây,” Omi nói và chạy xuống biển.

Tôi thu dọn đồ của mình và bước về phía khu vực mua sắm trên bãi biển. Tôi tìm thấy điện thoại công cộng.

Tôi quay số của em.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện