MƯỜI BỐN

Điện thoại đổ chuông hai lần. Tôi ngắt máy. Tôi đã nghĩ sẽ rời khỏi buồng điện thoại. Rồi tôi lại bỏ thêm xu vào và quay tiếp.

“A lô? Anh Ishaan à?” Vidya nói khi nhấc máy.

Cú điện thoại ngốn hết số tiền xu trị giá hai đô la.

Tôi lại ngắt máy. Tiên sư, mình đang làm quái gì đây? Tôi lại dùng những đồng xu mới để gọi. Em cầm máy ngay.

“Anh à, có nghe em nói không?”

Tôi đã làm điều sến nhất có thể. Tôi chỉ thở thôi. Hẳn tôi đã sang cái giới hạn một tên biến thái, nhưng tôi không tìm thấy gì tốt hơn để nói.

“Govind à?” em nói, giọng em thận trọng.

Em đoán được hơi thở tôi à? Con bé này làm sao ấy nhỉ? “Chào em,” tôi nói. Tôi không thể kìm lòng hơn được nữa.

“Govind, èo ơi. Em nhìn thấy số quốc tế. Vậy, anh nói đi?”

Trong tất cả những câu được nói trên điện thoại, tôi ghét câu “anh nói đi” nhất. Tôi có nhất thiết phải nói gì chỉ vì đã gọi điện không?

“À, anh...”

“Ở Úc thế nào? Có vui không? Anh nói đi?”

Nếu em lại bảo anh nói đi, tôi sẽ giết em mất. Nhưng có lẽ tôi nên nói cho em chuyện gì đó, tôi nghĩ.

“Ừ, tuyệt lắm. Em sẽ thích chỗ này cho mà xem,” tôi nói.

“Chỗ nào? Anh kể nữa đi? Anh đang ở đâu?”

“Bãi biển Bondi. Đẹp lắm. Một nơi tuyệt vời,” tôi nói. Dĩ nhiên, tôi mô tả thật ngớ ngẩn. Nhưng mà đó là lần đầu tiên bạn gọi cho một cô gái mà đáng ra bạn không được gọi.

Để thêm phần lo lắng, điện thoại ngốn xu với tốc độ tàn bạo. Tôi liên tục phải bỏ thêm tiền lẻ vào, vì cái điện thoại khốn nạn cứ mỗi ba mươi giây lại xơi một đô la.

“Chà. Trong đời em chưa thấy biển thật bao giờ. Nó thế nào? Nước trải dài đến vô cùng không? Anh có thể nhìn mãi được không?”

“Có chứ, và bầu trời cũng vô tận.” Ngu! Nói gì khác đi chứ, cứ mượn lời của cô ấy thế.

“Ish và Omi đâu?”

“Họ ở dưới nước. Còn anh ở bốt điện thoại,” tôi nói.

Em hỏi cái câu mà tôi không muốn em hỏi.

“Vậy sao anh lại gọi?”

“Chẳng có gì đâu. Chuyện ôn thi sao rồi? Phần tích phân quan trọng lắm đấy.”

“Anh gọi để hỏi tích phân à?”

“À, và...”

“Anh có nhớ em không?”

“Vidya.”

“Gì cơ?”

“Đừng hỏi vớ vẩn.”

“Em nhớ anh. Nhiều lắm,” em nói. Giọng em nặng nề.

“Ừ, thế à, thế... èo,” tôi nói, nhà vô địch về những câu trả lời đơn điệu vô cảm.

“Vâng... và không phải nhớ người gia sư. Mà là bạn. Một người bạn rất tốt.”

“Người bạn rất tốt” là một hạng mục nguy hiểm với các cô gái Ấn Độ. Từ đây bạn có thể đẩy tiến độ rất nhanh. Hoặc là, nếu phạm sai lầm, bạn sẽ xuống hạng mục thấp nhất do phụ nữ Ấn Độ sáng tạo ra - anh trai kết nghĩa. Anh trai kết nghĩa thực ra nghĩa là “anh có thể trò chuyện với tôi, nhưng đừng bao giờ nghĩ linh tinh về bất cứ điều gì khác.” Một giọng nhỏ nhẹ trong đầu tôi dần quát lên, “thằng ngu, bảo mày nhớ cô ấy đi, không mày sẽ suốt đời làm anh kết nghĩa đấy.”

“Anh có. Nếu em ở đây, Sydney sẽ tuyệt hơn nhiều.”

“Ôi, đấy là điều tuyệt nhất mà anh từng nói với em.”

Tôi không nói gì. Khi bạn nói gì đó tốt đẹp, đừng vội vã nói tiếp và làm hỏng luôn cái lời hay ý đẹp kia.

“Anh có thể mua quà gì cho em đây?” tôi nói.

“Không phải tiền nong eo hẹp à?” em nói.

“Ừ, nhưng một chút sẽ không ảnh hưởng gì...” tôi nói.

“Em có ý này. Lấy cho em một ít cát ở bãi biển nơi anh đang đứng. Như vậy em sẽ có một mẩu Sydney bên mình.”

Cát ư? Giờ đó lại là đề nghị kỳ quái nhất. Nhưng ít nhất nó cũng rẻ. Đúng hơn là miễn phí.

“Thật ư?” tôi nói.

“Vâng, mang cho em một hộp diêm đầy cát. Và bỏ vào chút cảm xúc, nếu còn chỗ,” em nói.

Điện thoại nhấp nháy. Nó đe dọa tôi phải tống thêm tiền cho nó, không thì cuộc trò chuyện lãng mạn đầu tiên của tôi sẽ bị sát hại. Tôi không còn tiền xu nữa.

“Này, anh phải đi đây. Hết tiền lẻ rồi,” tôi nói.

“Vâng, anh về sớm nhé. Có người nhớ anh đấy.”

“Ba hôm nữa anh về. Anh cũng nhớ em,” tôi nói và hắng giọng. Cuối cùng tôi có thể nói ra điều mình nghĩ.

“Và em muốn nói với anh một điều...” em nói.

“Gì thế?”

Bíp. Bíp. Bíp. Cái công ty Úc ngu ngốc tên là Telstra đã phá hoại giây phút lãng mạn đầu tiên của tôi.

Tôi quay lại. Tôi nghĩ về cô gái chỉ muốn có cát. Tôi cũng nghĩ các công ty điện thoại kiếm được bao nhiêu, vì tôi gọi mới một tí thôi đã tốn hết cả một bữa ăn.

Tôi đi qua một nhà hàng ngoài trời sang trọng tên là Blue Orange Café. Người Úc tạo cho từ ung dung thêm một nghĩa mới. Mọi người ngồi hàng giờ liền chỉ với một cốc bia. Những cô phục vụ xinh đẹp tung tăng đi lại, đưa cho khách bánh nhân thịt và sandwich nướng.

Tôi lấy một hộp diêm trên quầy bar, rồi đổ hết que diêm vào thùng rác. Tôi quay ra bờ biển, cho đến khi làn nước bọt chạm vào ngón chân tôi. Tôi nhìn quanh rồi cúi xuống. Tôi nhồi một ít cát vào hộp diêm, rồi bỏ hộp vào túi.

“Này, mày đang làm gì thế?” Omi nói khi nó từ sau những con sóng hiện ra, trông như nàng tiên cá xấu xí nhất quả đất.

“Không gì cả, mày đang làm gì bên này? Sóng ở bên kia hay hơn chứ,” tôi nói.

“Tao đến gặp mày. Tao mượn ít tiền xu mua Coca được không. Tao thấy khát.”

“Tiền xu hết rồi. Còn chút tiền cho hôm nay, nhưng tiền đấy để ăn trưa.”

“Hết rồi à?” Omi nói.

“Ừ,” tôi nói, tức tối. Tôi không thích khi những người kém khôn ngoan hơn tôi lại chất vấn tôi.

“Mày đã gọi cho ai thế?” Omi nói.

“Nhà cung cấp.”

“Nhà cung cấp nào.”

“Hỏi gì lắm thế, ăn trưa thôi. Mày lau người đi.”

“Vidya à?”

Tôi chết lặng người nhìn nó. Phỏng đoán thật ngẫu nhiên. Việc quái gì đến nó chứ.

“Gì cơ?” tôi nói, ngạc nhiên.

“Đừng dối tao.”

“Thôi nào Omi, sao tao phải gọi cho Vidya?”

“Tao không ngu lắm đâu.”

“Mày thế mà,” tôi nói.

Chúng tôi bước về phía nhà hàng, tôi trước nó ba bước.

“Tao nhìn thấy cách hai đứa nhìn nhau,” nó nói khi cố đuổi kịp tôi.

“Biến đi,” tôi nói và đi nhanh hơn. Chúng tôi đến khu vực Camphell Parade, một dãy các quán bar và cà phê gần bãi biển.

“Và tao nhận thấy... Mày chưa bao giờ nói chuyện về con bé kể từ khi dạy cho nó,” nó nói.

Chúng tôi vào trong quán Hog’s Breath Café (quán cà phê Hơi thở của lợn). Sau năm ngày ở đất nước này, cái tên ấy không còn lạ nữa.

Chúng tôi ngồi đối diện. Tôi cầm thực đơn để che mặt, tránh nói chuyện.

“Mày thích thì cứ giấu. Nhưng tao biết.”

Tôi thả thực đơn xuống.

“Chẳng có chuyện gì cả, ừm, OK, có lẽ cũng có. Nhưng chẳng có gì phải lo,” tôi nói.

Tôi lại nấp sau thực đơn.

“Có một quy tắc bất thành văn giữa đàn ông Ấn Độ với nhau, mày đã phạm phải.”

“Quy tắc nào?” tôi nói và dập thực đơn lên bàn.

“Đừng tấn công em gái của bạn thân. Mày đừng có làm thế. Vì như vậy là đi ngược với nguyên tắc.”

“Quy tắc à? Cái gì thế này, quân đội chắc? Và tao đâu có tấn công con bé. Con bé tấn công tao chứ,” tôi nói.

“Nhưng mày để con bé tấn công mày. Mày đã để con bé làm vậy.”

“À, không hẳn là bị tấn công. Cũng có tổn thương đâu. Tao cảm thấy ổn,” tôi nói.

Tôi nghịch những que tăm trên bàn để tránh nhìn vào mắt nó.

“Mẹ kiếp, thế bọn mày đến đâu rồi?”

“Gì cơ? Này Omi, gọi Ish đến ăn đi. Nó không biết chúng ta ở đây và nó chẳng biết gì đâu.”

“Đúng, nó không biết gì thật,” Omi nói và bỏ đi.

Một nhóm ồn ào chỗ bàn bi-a gần chúng tôi. Tôi có năm phút cho đến khi Ish quay lại. Những ý nghĩ diễn ra trong tôi. Omi sẽ nói gì đó ngu ngốc với nó không? Không, Omi không ngốc thế.

Omi và Ish vừa bước vừa cười. OK, mọi thứ đều tốt.

“Hog’s Breath à? Mày có thể nghĩ ra cái tên nào xấu hơn cho nhà hàng không?” Ish nói và bật cười.

“Có chứ,” Omi nói.

“Đừng nói ra. Mà nhà vệ sinh đâu nhỉ? Tao phải đi thông...” Ish nói.

“Đằng kia,” tôi ngắt lời và chỉ vào góc. Tôi biết tiếng lóng của Úc đủ dùng đến hết đời.

“Mày đã ngủ với con bé chưa?” Omi tiếp tục.

“Mày đã nói gì với nó?” tôi nói.

“Mày nghĩ tao ngu à?”

“Ừ.”

“Tao chưa nói. Cho tao biết, mày đến giai đoạn nào rồi?” Omi nói.

“Giai đoạn à?” tôi nói.

“Đúng, có giai đoạn ‘mới chỉ nhìn’, giai đoạn phổ biến nhất ở thành phố cổ. Rồi giai đoạn ‘mới chỉ nói chuyện’. Rồi giai đoạn ‘cầm tay’. Và...”

“Không giống thế đâu. Bọn tao khác.”

“Mẹ kiếp, đó là giai đoạn nâng cao. Khi mày nghĩ mối quan hệ của mày khác với bất cứ thứ gì trên đời. Đừng làm gì ngu ngốc, được chứ?”

“Ngu ngốc à?”

Omi cúi người thì thầm.

“Mày biết ngu ngốc mà. Ish sẽ giết mày, hoặc bố con bé sẽ làm. Hoặc bất kỳ thằng đàn ông nào liên quan đến con bé sẽ làm. Nhớ thằng lái ô tô không? Tin tao đi, mày không muốn như thằng kia đâu, hay như cái xe.”

“À, chuyện này thực ra không có gì. Bọn tao chỉ là bạn tốt thôi,” tôi nói và nhìn về phía nhà vệ sinh.

“Đáng lẽ ra người ta phải cấm cụm từ chỉ là bạn tốt. Không có gì dễ gây nhầm lẫn hơn. Mày là gia sư con bé đấy, khỉ thật. Con bé bao tuổi rồi? Mười bảy à?”

“Vài tháng nữa sẽ sang mười tám.”

“Ồ tuyệt lắm,” Omi nói.

Ish ra khỏi nhà vệ sinh. Nó mải tán chuyện phiếm với mấy gã Úc đang chơi bi-a.

Tôi quay sang Omi.

“Tao không muốn nói về chuyện này. Đừng lo, tao sẽ không làm gì ngu ngốc. Con bé kém môn toán. Tao không biết tại sao lúc đầu lại đồng ý dạy.”

“Vậy thì thôi dạy đi?” Omi nói.

“Chúng ta ăn được chưa, tao muốn ăn lắm rồi,” tôi nói và giở thực đơn.

“Tao chỉ muốn nói...”

“Ish,” tôi hét lên. “Mày ăn gì? Bánh mì tỏi là món rẻ nhất trên thực đơn.”

“Gì cũng được, tao tin mày,” nó gào hét lại, tiếp tục chơi bi-a với mấy gã người Úc.

Câu cuối cùng của nó cứ treo dập dờn trong đầu tôi như ván trượt trên bờ biển Bondi.

***

“Nhà ở đây khủng thật,” tôi nói khi chúng tôi qua khu dân cư giàu có tên là Doubie Bay.

Fred đến đón chúng tôi đi ăn sáng ngày Chủ nhật, ngày cuối cùng chúng tôi ở đây. Ish, Omi và Ali ngồi ở ghế sau chiếc xe mui trần Saab của Fred, còn tôi ngồi ghế trước. Không khí mát lạnh thổi lên tóc chúng tôi khi chúng tôi chạy qua những con phố Sydney buổi sáng sớm.

“Nhưng hầu hết mọi người ở những nơi khiêm tốn,” Fred nói. “Ở Úc, chúng tôi không khoe khoang số tiền mình kiếm được hay là anh đang lái xe gì. Thậm chí, người ta còn không hỏi anh làm gì. Cậu có biết người ta hay hỏi gì nhất không?”

“Là gì?” Ish nói.

“Anh chơi môn gì, người ta hỏi thế đấy,” Fred nói.

“Tôi yêu nước Úc. Ước gì Ấn Độ tiếp cận thể thao với tinh thần như vậy.” Ish rướn người ra trước.

“Ở đây thể thao là nỗi ám ảnh quốc gia,” Fred nói. “Điều ám ảnh ở đất nước các cậu là gì?”

“Có rất nhiều người. Và nhiều ám ảnh lắm. Vấn đề là thế,” Ish nói.

“Nhưng tôn giáo và chính trị là những chuyện lớn. Và hai thứ đó cộng lại thì càng lớn hơn,” tôi thêm vào.

“Tránh xa mấy chuyện đó đi. Chính trị Úc là trò hề,” Fred nói, tắt động cơ.

Chúng tôi đỗ xe trong khu vực gọi là Paramana Park. Fred đưa chúng tôi đến nhà hàng Lachan trong khu vực Nhà Thuộc địa Cũ. Chúng tôi vào trong nhà hàng, có hai người đàn ông đang đợi chúng tôi.

“Chào ông Greener, ông Cutler.” Fred giới thiệu chúng tôi với hai người cao tuổi kia.

“Và đây là cậu bé tài năng sao?” ông Greener vỗ lưng Ali.

“Vâng, tài năng như thể đấng bề trên cử họ xuống đây,” Fred nói khi chúng tôi đã ngồi vào bàn.

“Các quý ông đây là người giúp tôi mua vé cho các cậu. Không phải bạn gái cũ của tôi,” Fred nói và nheo mắt với chúng tôi.

“Gì cơ?” Ish nói khi chúng tôi hiểu mục đích Fred mời chúng tôi. Chuyện này không chỉ là chơi một tuần.

“Còn nhớ cuộc điện thoại của tôi ở Goa không? Là cho các ông đây,” Fred nói.

“Ông Greener là chủ tịch Học viện Thể thao Úc, và ông Cutler là người đứng đầu chương trình học bổng AIS.” Fred phết bơ lên bánh mì nướng. “Tôi đã kể cho họ về Ali. Cậu bé tốt ra sao, thực sự tốt, và nếu được đào tạo bài bản cậu ta có khả năng sẽ tiến rất xa ra làm sao.”

Tôi thấy mặt Ish đanh lại vì chờ đợi. Họ định cấp học bổng cho Ali sao?

“Nếu cậu bé giỏi như Fred và đồng đội của anh ta nói,” ông Greener nói, “chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể giúp được.”

“Cảm ơn ông, cảm ơn,” Ish nói nhưng Fred suỵt bảo nó yên lặng. Phấn khích quá độ là vấn đề thường trực của Ish. Em gái nó cũng thế. Có lẽ do di truyền.

“Anh thấy đấy,” ông Cutler hắng họng, “AIS lựa chọn các đề cử từ những học viện của các bang. Tôi có thể cho Ali được chọn. Tuy nhiên, Ali không sống trong bang nào của Úc cả.”

“Vậy là?” Ish nói.

“Theo quy định của AIS, người nhận học bổng phải cư trú tại Úc, hoặc ít nhất là người đang trong quá trình trở thành người cư trú ở Úc.”

“Chúng ta không tạo ngoại lệ được sao?” tôi nói.

Omi còn mải ăn hơn trò chuyện. Omi và Ali hầu như chẳng nói gì trong suốt chuyến đi. Giọng Úc quả là khó với chúng.

“À, cách duy nhất chúng tôi có thể làm là thế này,” ông Cutler nói và lấy ra một tập hồ sơ. Ông mở hồ sơ rồi đặt lên bàn một số mẫu khai.

“Vì chuyện này mà Cutler phải nghiêm túc tác động tới cục nhập cư đấy,” ông Greener cười thân thiện.

“À, đây là đơn xin nhập quốc tịch Úc. Như các cậu biết đấy, nhiều người trên thế giới muốn có. Nhưng ở đây, dựa vào tài năng tuyệt vời thế này, chúng tôi muốn mời Ali nhập quốc tịch Úc.”

Ali và Omi ngừng ăn khi thấy các tờ khai trên bàn.

“Nó sẽ thành người Úc sao?” Omi nói.

“Cậu bé sẽ là một nhà vô địch,” Fred nói.

“Bố mẹ cậu ta sẽ có quyền cư trú. Và Ish, cậu có thể.... các bạn cậu đây nữa, cũng có thể làm đơn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng mọi cách. Các cơ hội rất cao,” ông Cutler nói.

“Cậu yêu nước Úc.” Fred nheo mắt với Ish.

“Hãy nghĩ cho tương lai cậu bé. Như tôi được biết, điều kiện gia đình cậu bé cũng eo hẹp lắm,” ông Cutler nói.

Ý họ là nghèo. Tôi gật đầu. Cuộc sống của Ali sẽ thay đổi. “Họ có lý,” tôi bảo Ish, nó vẫn thấy bàng hoàng.

“Sao các cậu không hỏi Ali trước? Đấy là cuộc đời và quyết định là của cậu bé,” ông Greener nói.

“Đúng, đừng gây áp lực,” Fred nói, lật cả hai bàn tay.

Chúng tôi giải thích lời mời cho Ali nghe bằng từ ngữ đơn giản, trong khi người phục vụ dọn bàn.

“Vậy, Ali này... em muốn gì nào?” Ish nói.

“Nếu em được vào đội tuyển, em sẽ chơi cho đội nào?” Ali nói.

“Úc,” ông Cutler nói.

“Nhưng cháu là người Ấn,” Ali nói.

“Nhưng cháu có thể là người Úc. Chúng ta là một xã hội đa văn hóa,” ông Greener nói.

“Không,” Ali nói.

“Gì cơ?”

“Cháu là người Ấn. Cháu muốn chơi cho đội Ấn. Không đội nào khác.”

“Nhưng cháu này, chúng ta sẽ tôn trọng cháu như đất nước cháu tôn trọng. Và huấn huyện tốt nữa,” ông Greener nói.

“Cháu có huấn luyện viên tốt rồi,” Ali nói và nhìn Ish. Mặt Ish rạng lên vì giây phút hãnh diện nhất nó từng có.

“Nếu cứ ở nước cháu thì sẽ khó vào đội tuyển lắm. Huấn luyện viên của cháu biết như vậy,” ông Cutler nói.

Sau một lát, Ali chậm rãi nói.

“Cháu không thành cầu thủ cũng chẳng sao, nhưng nếu cháu không ở Ấn Độ thì không được,” Ali nói. Có lẽ nó không hàm ý gì sâu xa, nhưng đó là lời sâu sắc nhất nó nói ra.

“Nhưng,” ông Cutler nói. Ông rướn ra trước và đặt tay lên vai Ali.

Ali xích lại nấp sau người Ish.

Mấy vị quan chức cố thêm nửa tiếng nữa. Họ hỏi liệu chúng tôi có thể nói chuyện với bố mẹ Ali không, nhưng rồi nhận ra việc này không thành. Tôi vẫn trò chuyện lịch sự.

“Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi nhận ra đây là một vinh dự rất rất lớn,” tôi nói. “Xin lỗi Fred. Những gì anh làm cho chúng tôi thật lớn lao.”

“Không phải lo đâu, anh bạn. Cậu bé này rất giỏi, và cậu ấy biết như vậy. Nếu anh có thể làm hàng tỉ người tự hào, tại sao phải bận tâm đến mấy chục triệu dân chúng tôi?” Fred nói và bật cười. Anh ta không tỏ ra thất vọng. Tinh thần thượng võ, tôi đoán vậy.

Chúng tôi tiễn các quan chức ra xe.

“Đừng bận tâm, anh bạn. Có lẽ lần tới, trong trường hợp này là kiếp sau. Cậu có thể là người Úc, ai mà biết được?” ông Greener nói khi ông ngồi vào ghế lái của chiếc xe Honda Accord màu bạc.

“Cháu không muốn,” Ali nói, khuôn mặt nó xuất hiện từ đằng sau Ish.

“Gì cơ?”

“Cháu không muốn làm người Úc ở kiếp sau. Dù có một trăm kiếp, thì cháu muốn mãi là người Ấn Độ,” Ali nói.

Một máy bay bay qua đầu chúng tôi. Tôi ngước lên bầu trời. Tôi vui vì đêm nay mình sẽ về nhà.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện