MƯỜI SÁU
“Cái bánh sôcôla nào là nhỏ nhất?” tôi đang ở Ten, khu Navrangpura, hiệu bánh ngon nhất Ahmedabad.
Vidya bước sang tuổi mười tám đúng ngày 19 tháng Mười một năm 2001. Giờ đây em có thể chính thức tự đưa ra quyết định. Còn không chính thức, em đã làm như vậy kể từ khi sinh ra.
“Không cần túi đâu,” tôi nói khi bỏ hộp bánh vào ba lô đựng sách. Tôi ôm ba lô trong lòng, giữ cho thẳng đứng, mãi cho tới khi đến nhà Vidya.
Vào nhà Vidya trong khi giấu cái bánh quả là cũng khó. Việc Ish có nhà càng làm chuyện tệ hơn. Ấn Độ đang đấu với Anh trên sân Vườn Địa đàng Kolkata trong trận đấu buổi tối. Ish đã yên vị trên xô pha cùng bánh kẹp, sữa, khoai tây chiên và bánh quy - mọi thứ nó cần để sống sót qua tám giờ tới. Bố Ish ngồi tại bàn ăn, tiếp tục nghiên cứu luận án tiến sĩ của ông về báo chí Ấn Độ. Thường thì khi Ish ở nhà, chú ấy lộ vẻ căm ghét ra mặt.
Tôi kẹp ba lô dưới nách cho nó thẳng đứng.
“Ấn Độ đang đánh bóng - Ganguly và Tendulkar. Ghi được bảy mươi điểm, chưa mất người nào sau mười lượt bóng,” Ish nói và gào lên, “Mẹ ơi, nước xốt!”
Bố nó cầm chai nước xốt cà chua trên bàn ăn và đặt cộp xuống bàn uống nước trước mặt con trai ông.
“Cảm ơn bố,” Ish nói. “Bố xịch sang được không. Con không xem được ti vi.”
Bố Ish cau có nhìn con trai mình rồi bỏ đi.
“Không ngồi đi,” Ish nói với tôi.
“Bận gia sư,” tôi nói, chỉ vào phòng Vidya.
“Ồ, mày đến vì chuyện đó hả. Nó học cả vào ngày sinh nhật cơ đấy, thật chăm chỉ.”
“Có người nghiêm túc với cuộc đời của mình...” bố Ish cằn nhằn trong khi vẫn đọc báo.
Ish nhấn nút âm lượng trên điều khiển ti vi đến mức to nhất để phản đối.
“Mẹ nó đã biến nó thành quái vật,” bố Ish nói và bỏ vào phòng ngủ.
Tendulkar đánh bóng ghi bốn điểm, và quái vật vỗ tay.
“Đừng lo, bố tao không sao đâu,” Ish nói khi thấy vẻ mặt lo lắng của tôi. “Này, bảo nó tao gửi lời chúc mừng nhé. Nó sẽ thích đấy. Sáng nay tao quên mất.”
Ish vơ lấy cái bánh kẹp, nhét vào thật nhiều khoai tây chiên, rồi đổ lên nước xốt. Nó cắn một miếng thật to. Bạn tôi đã tìm ra hạnh phúc của nó. Tôi phải tìm hạnh phúc cho mình.
Tôi lên cầu thang, tim tôi dồn dập.
“Chúc mừng sinh nhật, Cô Gái Mười Tám,” tôi cất lời chào khi đóng cửa.
Em mặc chiếc áo kurti màu đỏ lóng lánh, và quần trắng. Lựa chọn quần áo hơi diện quá, nhưng vào ngày sinh nhật thì thế cũng ổn, tôi nghĩ.
“Anh có biết mười tám là số duy nhất có giá trị lớn gấp hai lần tổng các chữ số của nó không?” em nói.
Tôi lấy bánh ra và đặt lên bàn nhựa màu trắng.
“Bánh mua ở Ten cơ đấy! Có người sắp vào giới thượng lưu đây,” em đùa.
“Em thích sôcôla mà. Họ làm loại bánh này ngon nhất.” Tôi mở hộp ra. Em đứng dậy và đến cạnh tôi để xem bánh.
“Anh đã thay đổi kể từ khi chúng ta bắt đầu chuyện này.”
“Chuyện gì?” tôi trộm nhìn cặp mắt to của em.
“Chuyện này,” em nói và bước đến hôn tôi. Từ tháng trước, gần như buổi học nào chúng tôi cũng hôn nhau, nên đấy không phải chuyện gì to tát. Đôi khi chúng tôi hôn mỗi lần em giải được một bài toán. Lần khác, chúng tôi hôn trong lúc giải lao mười lăm phút. Có lần, chúng tôi chẳng hề hôn, vì em phải làm bài thi thử. Tuy nhiên, buổi sau chúng tôi sẽ bù đắp lại, sẽ dành mười phút đầu giờ học để hôn nhau, và phần còn lại là trao đổi về những lỗi trong bài làm của em. Khi thấy thèm muốn, chúng tôi lại hôn. Khi cảm thấy tội lỗi, chúng tôi lại học. Bằng cách nào đó, trong vòng một tiếng đồng hồ, chúng tôi cân bằng khá ổn giữa việc học toán và chuyện yêu đương.
Chúng tôi đến mép sân thượng. Tia nắng cuối cùng đã biến mất, bầu trời chuyển sang màu cam sẫm. Cơn gió ban đêm mang chút hơi lạnh. Phía xa xa, chúng tôi thấy mái vòm ngôi đền nhà Omi.
Em đan tay vào tay tôi, và nhìn tôi. “Anh nói xem,” em nói khi gạt một lọn tóc trên mặt, “em có nên trở thành bác sĩ không?”
Tôi lắc đầu.
“Vậy làm sao em thoát khỏi đây được?”
“Nộp đơn vào bất cứ trường nào rồi đi thôi,” tôi nói.
“Làm thế nào?” em nói và giật mạnh tay tôi. “Em kiếm đâu ra tiền lệ phí nộp hồ sơ? Em sẽ sống thế nào ở Mumbai?”
“Bố mẹ em cuối cùng sẽ xuống nước thôi. Họ sẽ trả chi phí học tập cho em. Cho đến khi đó...”
Một đợt ồn ào náo động khắp khu phố và làm chúng tôi giật mình. Ấn Độ đã ghi được sáu điểm.
“Cho đến lúc đó thì sao?” em nói sau khi tiếng ồn ngớt đi.
“Cho đến lúc đó thì anh sẽ chu cấp cho em,” tôi nói. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Em mỉm cười. Chúng tôi đi bộ dọc quanh khuôn viên sân thượng.
“Vậy gia sư của em không còn nghĩ em cần giải mấy bài toán nữa?”
“Giải bài toán cuộc đời còn quan trọng hơn,” tôi nói.
“Là gì thế?”
“Em là ai, lựa chọn giữa điều em muốn làm và điều mọi người trông chờ ở em. Và làm sao để giữ được điều em muốn mà không để người khác quá bực mình. Cuộc đời là một bài toán tối ưu hóa, có hàng ngàn biến số và những ràng buộc.”
“Có thể nào vừa chạy trốn vừa không làm bố mẹ bực mình không nhỉ?”
“Em có thể giảm thiểu việc làm người khác bực mình, nhưng không thể triệt tiêu hoàn toàn được. Chúng ta chỉ có thể tối ưu hóa cuộc đời, không bao giờ giải quyết được,” tôi nói khi đến góc sân.
“Em có thể nói một chuyện kỳ quặc không?”
“Gì thế?”
“Khi anh dùng toàn những từ toán học cao siêu, giống như mấy thuật ngữ trên trời này,” em nói, tay làm động tác hất từ trên đầu lên trời.
“Ừ.”
“Nó làm em thấy ham muốn lắm.”
“Vidya, sự bạo dạn của em...” tôi nói, bị sốc.
“Làm anh đỏ mặt à?” em nói và bật cười.
“Chúng ta sẽ cắt bánh hay làm gì nào?” tôi nói để thay đổi chủ đề.
“Dĩ nhiên, xin mời theo em đến quán cà phê Vidya,” em nói.
Chúng tôi chuồi xuống dưới bể nước và ngồi lên sàn. Em đã mang lên sáu chiếc gối hồng và một cái chăn. “Em lấy từ phòng ra, nên chúng ta sẽ có bữa tiệc nhỏ ở đây,” em nói và đưa cho tôi hai chiếc gối. Dưới gối em để một máy nghe nhạc.
“Nhạc nhé?” em nói, khuôn mặt em xinh như một bài hát.
Tôi gật đầu.
“Em sẽ bật Boyzone, ban nhạc yêu thích của em,” em nói.
Tôi lấy ra gói mười tám ngọn nến mà người ta bỏ cùng vào hộp bánh.
“Thắp hết nến đi,” em nói.
Tôi muốn đi bật đèn sân thượng, vì trời đã tối.
“Đừng có bật,” em nói và kéo tay tôi khi em thắp nến. “Nếu có người đến thì sao?”
“Cả bố mẹ em đều đau đầu gối. Họ không bao giờ lên sân thượng. Còn Ish, trận bóng còn kia mà.”
Chúng tôi nghe hai lượt reo hò ầm ĩ liên tục trong khu phố. Lượt đánh bóng của Ấn Độ đã vào pha cuối.
Em buông tay tôi khi tôi ngồi xuống. Trông em thật đẹp bởi ánh nến lung linh tỏa trên khuôn mặt. Một bài hát có tên “No matter what” bắt đầu cất lên. Như mọi bản tình ca, lời ca dường như viết ra chỉ dành riêng cho chúng tôi.
Dù họ có nói gì với ta,
Dù họ có làm gì,
Dù họ có dạy gì ta,
Thì điều ta tin mới là thật.
Ánh nến dường như lay động theo điệu nhạc. Em dùng dao nhựa trong hộp để cắt bánh. Tôi lại cầu chúc cho em, và đưa miếng bánh vào miệng em. Em giữ miếng bánh trong miệng, và rồi hướng người về phía tôi. Em đẩy tôi lên gối, và miệng em kề sát miệng tôi để chia món bánh.
Em hôn tôi như chưa bao giờ được hôn trước đó. Không phải em làm gì đó khác biệt, nhưng dường như ẩn sau nụ hôn ấy có nhiều cảm xúc hơn. Đôi tay em để trên vai tôi, rồi luồn xuống áo tôi.
Nhạc vẫn tiếp.
Anh không thể chối bỏ điều anh tin
Anh không thể là con người khác được
Anh biết tình yêu này là mãi mãi
Lúc này đây, điều ấy mới là quan trọng
Tôi không biết là do ánh nến hay do tâm trạng ngày sinh nhật hay do cái gối hay là gì. Nhưng lúc ấy tôi mắc sai lầm thứ hai trong đời.
Tôi mở cúc trên chiếc áo kurti của em, rồi luồn những ngón tay mình vào. Một giọng nói bên trong ngăn tôi lại, tôi rút tay ra. Nhưng em tiếp tục hôn tôi, trong khi em cởi những cúc áo còn lại. Em kéo tay tôi về phía em.
“Vidya...” Lúc này, tay tôi đã ở vào nơi mà đối với bất kỳ gã trai nào cũng là nơi không thể rút ra được nữa. Nên, tôi xuôi theo dòng, theo những cảm xúc, những ham muốn, bản năng hay cái gì đó mà người ta dùng để chỉ cái thứ làm tan biến lý trí con người.
Em cởi áo kurti. “Bỏ tay anh ra đi, chúng không trốn đâu.”
“Hả?” tôi nói.
“Không thì làm sao em cởi áo được?” em nói, chỉ vào áo lót của em. Tôi đặt tay lên bụng em, em cởi áo lót ra và nằm lên người tôi.
“Cởi ra đi,” em nói, kéo áo tôi lên. Lúc này, nếu em bảo thì tôi có thể nhảy xuống khỏi sân thượng. Tôi làm theo lệnh em ngay.
Nhạc vẫn không dứt, và chúng tôi vẫn không dừng. Chúng tôi tiến xa hơn, xa hơn, khi những ngọn nến nhỏ lần lượt tắt. Những giọt mồ hôi lấp lánh trên cơ thể chúng tôi. Trong suốt lúc ấy Vidya không nói gì, ngoại trừ một lần vào giữa chừng.
“Anh sẽ yêu bên dưới người em chứ?” em nói, sau khi em đã làm như vậy với tôi.
Tôi đưa miệng xuống, rồi đi ngược lên. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau khi hai người thành một. Tiếng gào hét trong khu dân cư tiếp tục khi đội Anh mất hai người nữa.
Chỉ còn lại bốn ngọn nến đang cháy khi chúng tôi xong việc. Chúng tôi xếp sáu cái gối để làm thảm, rồi nằm lên đó. Chỉ sau khi làm chuyện ấy xong chúng tôi mới nhận ra trời lạnh thế nào. Chúng tôi lấy áo khoác tôi đắp lên người, và luồn bàn chân lạnh dưới gối.
“Ôi, em là người trưởng thành, và em không còn trinh nữa, tuyệt thật đấy. Cảm ơn Thượng đế,” em nói và cười khúc khích. Em nằm thu mình cạnh tôi. Cảm nhận hiện thực dội về khi đam mê lắng xuống. Mày đã làm gì thế Govind Patel?
“Em vẫn nổi da gà này,” em nói và nâng cánh tay lên. Những vết nổi nhỏ xíu màu hồng trên làn da trắng, trơn mướt của em.
Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt, Govind, mày định làm gì đấy? Chạm vào chấm da gà cô ấy à? Giọng nói trong tôi mạnh hơn.
“Em rất mừng vì chuyện này đã xảy ra. Anh có thế không?” em nói.
Tôi yên lặng.
“Nói gì đi chứ.”
“Anh nên về thôi.”
“Anh không thích ở đây à?”
“Đây ư? Em có thấy là chúng ta đang ở trên đầu bố mẹ và anh trai em không?”
“Đừng có làm toáng lên,” em nói.
“Anh xin lỗi. Anh lo quá,” tôi nói.
“Đừng mà,” em nói và ôm tôi. Em cảm thấy cơ thể tôi run rẩy. “Anh có sao không?”
Tôi không biết tại sao, nhưng mắt tôi ngấn nước. Có lẽ tôi thấy sợ. Có lẽ vì chưa từng có ai ôm tôi như vậy, và hỏi tôi có ổn không. Có lẽ tôi không bao giờ biết mình có thể cảm thấy như thế này. Có lẽ vì tôi đã phản bội bạn thân nhất của mình. Thường tôi chả bao giờ khóc, nhưng có quá nhiều lý do xảy ra một lúc, tôi không thể không khóc được.
“Này, em là con gái. Khóc là việc của em,” em nói.
Tôi nhìn vào đôi mắt ngấn ướt của em.
Tôi ngồi dậy mặc đồ vào. Chúng tôi ra ngoài khi ánh trăng chiếu lên sân thượng. Tôi xem đồng hồ. Tôi đã kéo dài giờ học quá ba mươi phút.
“Em yêu anh,” em nói từ phía sau khi tôi mở cửa sân thượng.
“Chúc mừng sinh nhật em,” tôi nói và ra về.
“Này, mày lỡ phần hay nhất rồi. Chúng ta sẽ thắng trận này. Ở lại xem đi,” Ish nói khi tôi xuống dưới nhà.
“Không, tao hơi mệt. Tao sẽ xem ở nhà,” tôi nói khi ra đến cửa chính.
“Ở lại ăn tối đi cháu,” mẹ Ish nói trong lúc dọn bàn. “Cô làm món đặc biệt nhân sinh nhật Vidya.”
“Không thưa cô, mẹ cháu đã nấu ở nhà rồi,” tôi nói. Tôi đã ăn mừng sinh nhật con gái bà rồi.
“Thật là cậu bé ngoan,” bà nói trìu mến khi tôi rời ngôi nhà.