MƯỜI BẢY

“Giữ chặt vào, nó đang rung đấy,” Omi nói. Nó đứng nhón chân trên ghế để với lên trần nhà. Chúng tôi muốn treo những dải ruy băng ba màu lên quạt trần. Tôi giữ chân ghế. Ish đứng cạnh chúng tôi, tay nó cầm hồ và cuộn băng dính.

“Tao ngã mất,” Omi cảnh báo, trượt chân phải khỏi ghế.

“Không phải lỗi của tao. Cái ghế này lỏng chân rồi,” tôi nói.

Tôi chưa bao giờ muốn tổ chức ngày Cộng hòa một tuần nữa sẽ đến. Tuy nhiên, chúng tôi muốn ăn mừng sự vực dậy của mình một năm sau trận động đất. Dù nghĩ về ngày hôm đó vẫn còn khiến tôi run rẩy, tôi vẫn thấy nhẹ nhõm vì đã trả hết các món nợ. Việc kinh doanh của chúng tôi tăng gấp ba lần so với một năm trước, và tất cả đều xảy ra tại cửa hàng này.

“Chuẩn bị cho ngày 26 tháng Một à? Cố lên nhé,” Mama đi vào làm chúng tôi mất tập trung. Omi ngã từ trên ghế xuống sàn nhà. Những dảy ruy băng rơi trên đầu nó.

“Tại mày đấy!” nó cáo buộc tôi, và mọi người cười ồ.

Mama đặt một túi màu nâu đựng bánh gối, cùng với những tờ bướm màu vàng lên bàn. Chúng tôi mỗi người lấy một cái bánh.

“Một năm kể từ ngày kinh hoàng,” Mama thở dài. “Ta rất tự hào vì các cháu làm việc chăm chỉ để lại đứng trên đôi chân của mình. Có một điều thay đổi nữa. Govind, cháu còn nhớ không? Đừng bao giờ từ bỏ nhé?”

Tôi gật đầu. Đúng vậy, niềm tin của tôi vào Thượng đế đã giúp tôi năm ngoái. Và tôi muốn tiếp tục niềm tin ấy.

“Khi cháu tin vào Thượng đế, những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Và đó là lý do ta mang đến thứ này,” Mama nói và chuyển những tờ bướm màu vàng cho mỗi chúng tôi.

Tôi đọc đầu đề.

Chaitavani Yatra

Mọi người yêu mến Rama đều được mời đến Ayodhya

Tôi đọc thêm.

Đảng Hindu muốn đưa liên tiếp những làn sóng người đến đền Ayodhya. Việc ấy sẽ nhắc nhở chính phủ thế tục về vấn đề ngôi đền.

Tờ bướm có thông tin chi tiết để liên hệ với Mama, những đảng viên khác, cùng các ngày xuất phát và cách ký tên tham gia chuyến đi. “Chúng ta có một hạn chót,” trên tờ bướm viết, không đề cập chính xác một ngày nào.

“Không tốt sao?” Mama hỏi tôi.

“Có ạ, Parekh-ji đã nói rồi, hãy chủ động. Cậu sẽ được chú ý,” tôi nói.

“Các cháu phải đến đấy,” Mama nói. “Thực ra, chuyến đi tháng Hai chỉ dành cho thanh niên thôi. Đến ta cũng không được đi. Con trai ta sẽ đi lần này. Các cháu sẽ có người đồng hành tốt đấy.”

Tôi vẫn không nói gì.

“Đi cũng dễ mà. Tàu chạy thẳng từ ga Ahmedabad, chuyến Sabarmati Express,” Mama nói và nhìn tôi tha thiết. Tôi phải tỏ ra hứng thú dù không muốn đi.

“Mất bao lâu ạ?” tôi nói.

“Ba hai tiếng, một chiều.”

“Đi lại không thôi cũng mất ba ngày rồi. Làm sao đi được bây giờ Mama?” tôi nói, mặt xệ xuống. “Năm mới có nhiều việc lắm.”

“Cuộc đời còn nhiều thứ ngoài kiếm tiền,” Mama nói. Ông đứng dậy ra về.

Tôi mở ngăn đựng tiền, lấy ra hai xấp. “Đây là tiền thuê nhà ba tháng tới.”

“Có ai hỏi tiền đâu?” Mama nói trong khi nhét tập tiền vào túi áo kurta. “Lần này các cháu phải đi với em nó đấy. Nó quý các cháu lắm.”

“Mama, đừng buồn nhé. Chúng cháu sẽ đi khi việc vãn hơn. Khoảng tầm tháng Ba, lúc ấy có kỳ thi,” tôi nói.

“Vậy đến lúc ấy đừng thoái thác. Quyết định tháng Ba nhé?” Mama nói.

Chúng tôi gật đầu. Tôi cầm cái chổi và quét vụn bánh gối samosa.

“OK, ta nên đi thì hơn. Ta phải đặt vé cho chuyến đi tháng Hai,” Mama nói và đứng dậy.

“Để cháu đặt cho cậu,” Omi nói.

“Thật ư? Cảm ơn cháu nhiều lắm, cháu yêu. Ta phải đi Gandhinagar hôm nay, không còn thì giờ nữa,” Mama nói. Ông lấy trong túi ra cái phong bì.

“Trong này có đầy đủ tên và tiền. Dhiraj và tám người khác. Mua vé giường, đi ngày 20 tháng Hai, và về một tuần sau đó,” Mama nói.

Omi bỏ phong bì vào túi áo.

***

“Sáu, bảy, tám, không, lần đó không tính vì chúng ta không thật sự,” Vidya lẩm nhẩm trong khi nằm cạnh tôi.

Omi đã đến nhà ga để tiễn cậu em họ. Ish trông cửa hàng. Tôi, viện cớ sửa mấy bài toán chỉnh hợp và tổ hợp, lại trần truồng nằm cạnh em gái nó.

“Em đếm gì thế?” tôi đờ đẫn hỏi.

“Số lần chúng ta quan hệ,” em đáp. “Èo, đã lên tám rồi.”

“Em theo dõi à?” tôi nói.

“Em theo dõi nhiều thứ lắm.”

“Như cái gì?”

“Như hôm nay là 21 tháng Hai, chỉ năm ngày nữa là đến kỳ kinh của em. Vì vậy, hôm nay là ngày an toàn.”

“An toàn mà. Anh đã dùng bao cao su,” tôi vừa nói vừa đẩy gối cho thoải mái.

“Ồ vậy à? Vậy bây giờ anh tin vào vật lý hơn toán học à?” em nói và khúc khích cười. Em xoay người lại, chống khuỷu tay lên, ngón chân chạm vào cẳng chân tôi.

“Anh còn xấu hổ khi mua bao cao su không?”

“Anh mua tại một hàng thuốc lạ ở Satellite. Anh mua đủ dùng thời gian dài.”

“Ồ thế à,” em leo lên người tôi. “Vậy dùng thêm vài cái nữa thì không sao nhỉ?”

Sau đó, số lần của chúng tôi đã lên đến chín.

“Cháu về đây ạ,” tôi nói với mẹ Vidya. Tôi ghét phần này nhất, thời điểm mà cô ấy mời tôi ăn hay hỏi tôi sao lại làm việc vất vả thế.

Tôi bước về nhà, đầu đầy những suy nghĩ. Chín lần trong hai tháng. Bình quân mỗi tuần một lần. Chín lần nghĩa là tôi không còn lý lẽ gì mà biện minh nữa. Tôi không thể nói rằng tôi đã làm tình với em chỉ là sự cố ngẫu nhiên, trong một phút nông nổi. Bạn không thể ngẫu nhiên làm gì đó đến chín lần. Dù đôi khi, những chuyện ngẫu nhiên khác có thể xảy ra. Và tôi phát hiện ra đúng năm ngày sau đó.

***

“Có điều này anh nên biết,” em nói.

Chúng tôi đến bãi cỏ bên ngoài Hiệp hội Nghiên cứu ngành Vải sợi Ahmedabad (ATIRA). Em đã nhắn tin cho tôi rằng chúng tôi cần “đi dạo khẩn cấp,” chẳng biết nghĩa là sao. Chúng tôi đã bảo mọi người ở nhà là phải đi mua cuốn sách hướng dẫn môn toán rất hay. Không ai vặn vẹo gì cả. Bãi cỏ ở ATIRA nằm trong khu đồi Vastrapur, có nhiều người dạo bộ vào buổi tối. Vài cặp đôi nắm tay nhau. Tôi cũng muốn nắm tay, nhưng không nắm. Chúng tôi nhìn chằm chằm xuống mặt đất, đi thật chậm. Những chị già béo mặc sari và mang giày, với quyết tâm giảm cân, đi vượt qua chúng tôi.

“Có chuyện gì thế?” tôi nói và mua một gói lạc.

“Có thứ bị trễ,” em nói.

Tôi cố nghĩ xem em ám chỉ cái gì. Tôi không đoán được.

“Là cái gì?” tôi nói.

“Kinh nguyệt của em,” em nói.

Đàn ông chẳng biết trả lời thế nào khi bàn về chuyện thai sản. Phần lớn thì chuyện này làm họ bồn chồn.

“Thật ư? Thế nào?” tôi nói, cố lựa lời.

“Thế nào là sao? Đáng ra phải có từ hôm qua rồi, ngày 25, nhưng mà chưa có.”

“Em chắc không.”

“Gì cơ? Có mà em không biết sao?” em nói và dừng lại để nhìn tôi.

“Không, ý anh là em có chắc 25 tháng Hai là đến kỳ không?”

“Em không dốt toán đến mức ấy đâu.”

“Được rồi, nhưng mà...” tôi nói. Tôi đã gây ra vấn đề. Tôi chẳng có gì giá trị để mang ra trong cuộc thảo luận. Tôi mời em ăn lạc. Em từ chối.

“Nhưng sao?” em nói.

“Chúng ta dùng biện pháp tránh thai mà. Còn kinh nguyệt phụ nữ thì sao nhỉ? Có phải bao giờ cũng đúng ngày không?” tôi hỏi. Trên đời này không có gì luôn tuyệt đối đúng thời điểm cả.

“Của em thì đúng đấy. Thường thì em chẳng quan tâm. Nhưng vì em với anh, dù có hơi chậm một chút cũng làm em sợ. Càng sợ lại càng chậm.”

“Em muốn đi khám bác sĩ không?” tôi tuyệt vọng gợi ý giải pháp.

“Và nói sao? Bác sĩ khám xem cháu có thai không à?”

Lại một từ thai sản khác làm đàn ông rối loạn. Không, em không nói thế. “Em không có thai chứ?” tôi nói.

Mồ hôi tứa ra trán như thể tôi vừa chạy ba vòng quanh bãi cỏ ATIRA. Tôi xoa tay và hít thật sâu.

“Tại sao không?” em bật lại, mặt em căng thẳng. “Anh động viên an ủi em đi chứ, đừng thở hồng hộc như thế.”

“Ngồi xuống đây đi,” tôi nói và chỉ một cái ghế. Tôi ném gói lạc vào thùng rác. Em ngồi cạnh tôi. Tôi đấu tranh xem có nên quàng tay qua vai em không. Vì tôi gần gũi em quá nên mới ra cơ sự này. Em vẫn không nói gì. Hai giọt nước mắt em lăn xuống. Trời ơi, tôi phải nghĩ ra gì đó. Đầu óc tôi xử lý các phương án theo tốc độ ánh sáng, (a) Làm em cười - ý tưởng tôi, (b) Bước đi và bỏ mặc em - không được, (c) Gợi ý một giải pháp khả dĩ như phá chẳng hạn - trời ơi không, (d) Ôm em - có lẽ, được rồi, ôm em, ôm em và bảo em rằng tôi sẽ ở bên em. Làm ngay đi, thằng ngu.

Tôi dịch sát lại, ôm lấy em. Em vùi mặt vào vai tôi mà khóc. Tay em bấu áo tôi.

“Đừng lo, anh sẽ ở bên em,” tôi nói.

“Tại sao, sao lại bất công thế? Tại sao chỉ mình em đối mặt với chuyện này?” em khóc. “Tại sao anh không thể mang bầu lúc này?”

Vì về mặt sinh học tôi là đàn ông, tôi muốn nói. Nhưng tôi nghĩ em biết rồi.

“Nghe này Vidya, chúng ta dùng phương pháp tính ngày, chúng ta dùng biện pháp tránh thai. Anh biết dù không chính xác một trăm phần trăm, nhưng xác suất là rất thấp...”

Vidya chỉ biết lắc đầu và khóc. Toán luôn là thứ kinh hoàng để mang ra trấn an người ta. Không ai tin vào xác suất trong giây phút bấn loạn này.

Một gia đình bước qua. Người đàn ông mang đứa bé trên vai. Tôi thấy đó như biểu tượng cho gánh nặng tiềm tàng của đời tôi. Ý nghĩ về con tàu lại hiện ra. Tôi hai mươi tuổi. Tôi có những ước mơ lớn về kinh doanh. Tôi phải nuôi mẹ. Mà ngoài chuyện đó, tôi còn phải chăm lo cho sự nghiệp của bạn bè nữa. Còn Vidya? Em mới mười tám. Em còn phải học cao hơn, làm nhân viên PR hay gì đó mà em muốn. Em không thể chuyển từ cuộc sống tù túng này sang một nhà tù khác. Được rối, tình huống tệ nhất là tôi đề cập chuyện phá. Em ngồi xịch ra. Khóc làm cho mắt em thêm ướt và khuôn mặt em ửng hồng. Trông em lại thêm phần xinh đẹp. Tại sao đàn ông lại không thể ngừng chú ý đến sắc đẹp nhỉ? Vài phút sau chúng tôi đứng lên dạo bước.

“Đợi vài ngày nữa xem. Chúng ta sẽ xem phải làm gì,” tôi nói khi đến trạm đỗ xe.

“Có lẽ là báo động giả. Em đang phản ứng thái quá. Em nên đợi một vài ngày nữa trước khi kể cho anh,” em nói. Em siết ngón tay tôi khi đang ở trên xe. Khuôn mặt em hết bình tĩnh lại chuyển sang lo âu.

Chúng tôi lặng yên không nói gì trên xe khoảng chừng năm phút. Rồi tôi phải nói ra điều đó. “Vidya này, nhỡ mà, nhỡ mà không phải báo động giả. Chúng ta sẽ làm gì đây? Hay chúng ta nên bàn sau nhỉ?”

“Anh nói xem, anh muốn làm gì?”

Khi phụ nữ hỏi lựa chọn của ta thì trong đầu họ đã lựa chọn rồi. Và nếu bạn muốn duy trì sự đúng mực, bạn nên chọn y như vậy.

Tôi nhìn vào mắt em, để tìm câu trả lời em trông đợi ở tôi. Tôi không tìm được.

“Anh không biết. Với anh chuyện này quá lớn, không phải một tin tức thông thường. Anh không thể nói chúng ta sẽ làm gì. Có bầu, phá thai, anh không biết những chuyện này nó thế nào.”

“Anh muốn em phá thai à?”

“Không, không. Anh bảo anh không biết. Thế còn lựa chọn khác, kết hôn à?”

“Thôi nhé, em mới mười tám. Em vừa học xong trung học,” em nói.

“Vậy thì sao?”

“Em không biết. Em không muốn nghĩ. Thôi đừng nói nữa,” em nói.

Chúng tôi yên lặng suốt hành trình còn lại trên ô tô.

“Này, em cầm cuốn sách toán này khi về nhà,” tôi nói và đưa cho em cuốn sách khi em về đến nhà.

Đêm hôm ấy, Vidya và tôi nhắn tin cho nhau đến cả chục lần, chỉ hỏi nhau “anh/em ngủ chưa” và “chưa”.

***

“Chuyện gì thế?” Ish nói khi tôi nằm gục đầu lên bàn thu ngân.

“Không sao. Ngủ không ngon lắm,” tôi nói.

“Tại sao? Đang nghĩ về con gái Pandit-ji à,” Ish cười. Tôi phớt lờ nó. Từng giờ từng phút, tôi muốn gửi cho Vidya tin nhắn hỏi “có chuyện gì chưa”. Nhưng em sẽ trả lời tôi cùng một câu. Tôi giở lịch theo dõi suốt những ngày chúng tôi ân ái vừa qua. Ngoài lần đầu cách đây vài tháng, thì những lần khác tôi đã dùng biện pháp tránh thai. Liệu còn lý do trễ nào khác không? Tôi không biết và không thể hỏi ai được. Ish và Omi có lẽ còn không biết ngôn ngữ thai sản. Và tôi có biết phụ nữ nào khác ngoài Vidya đâu. Tôi không thể hỏi mẹ được. Tôi cầm điện thoại lên. “Thế nào rồi?” tôi gửi một tin nhắn chung chung. “Chẳng có gì cả,” em đáp lại.

Đêm tiếp theo, tôi cũng ngủ được đôi chút. Tôi bật ra khỏi giường lúc sáng sớm để nhắn tin cho em. Em đã gửi tin nhắn cho tôi rồi, “hơi đau một chút, chẳng có gì khác”.

Tôi ném điện thoại đi. Tôi muốn đến cửa hàng sớm để lấy hàng trong kho ra. Thế nào đó, tôi lại ghét sự trễ thế không biết.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện