Chương 28: Vào pháo binh

Trở về từ điện Buckingham, Bàn cảm thấy cuộc đời mình sao quá may mắn. Hôm nay, anh đã hoàn thành được bước đầu tiên trên hành trình chinh Tây của mình. Nhưng, quan trọng nhất, anh đã biết Sophia là ai, cả dung mạo của nàng và... anh cũng có cơ hội nhìn thấy nàng mỗi tuần.

- Vương gia, thần thấy có điều không ổn.

Phan Huy Ích dội một gáo nước lạnh vào đầu khi Bàn kể về thu hoạch hôm nay, đương nhiên là sau khi bỏ đi những chi tiết về người trong lòng. Ông nói tiếp:

- Thử nghĩ, Hiệp sĩ là một tước vị. Một người trong nước được phong tước đã khó, nói chi người ngoài. Theo thần thấy, đây là họ đang muốn lợi dụng ta.

- Thần đồng ý với Đại học sĩ – Lê Hồng Quân nói. – Thần thấy, có lẽ họ muốn ràng buộc Vương gia. Có thể sau này Vương gia sẽ bị khó xử nếu bang giao giữa hai nước bị rơi vào tình thế xấu.

- Thần cũng nghĩ như vậy – Mạc Văn Khoa lên tiếng. – Vương gia có nhớ tích Tử Sở làm con tin nước Triệu hay không?

Bàn lúc này lâm vào suy tư. “Lẽ nào lại thế? Nhưng quả đúng là nếu muốn vào quân trường thì không thể là người ngoài”. Đúng lúc này, Phạm Thái tiến lên, đưa cho Bàn một đường ra:

- Nếu quả đúng như ba vị nói thì đây chưa hẳn là việc xấu.

- Tại sao? – Cả bốn người, bao gồm cả Toản cùng hỏi.

- Này nhé. Thứ nhất, chỉ có được phong tước thì Vương gia mới có thể danh chính ngôn thuận ra vào quân doanh. Cái chúng ta cần là học tập kinh nghiệm của họ. Trong thời gian còn chưa xuất dương, thần có nghiên cứu qua lịch sử Anh Cát Lợi. Họ từng rất nhiều lần phải lấy ít mà thắng được mạnh. Lại nữa, họ cũng là quốc gia đầu tiên thực hiện cái gọi là “Cách mạng công nghiệp”. Chính từ cuộc cách mạng này, họ đã tiến bộ vượt xa các nước xung quanh và bắt đầu trở thành bá chủ ở phương Tây.

Nhìn một lượt mọi người, anh lại nói tiếp:

- Cái chúng ta cần học nhất chính là hai thứ. Đầu tiên là cách họ lấy ít thắng nhiều, sau lại chính là “Cách mạng công nghiệp”.

- Thần thì nghĩ xa hơn một chút – Phan Huy Chú nãy giờ đứng nghe lúc này ứng lời. – Nên nhớ Vương gia không chỉ muốn dừng lại ở Anh Cát Lợi. Chính việc phục vụ trong quân đôi có thể giúp Ngài đến thăm các quốc gia khác. Đồng minh hiện nay của Anh Cát Lợi ở Châu Âu này còn có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai nước này cũng rất mạnh. Trong trường hợp xấu, Vương gia có thể đề nghị đến hai quốc gia này rồi từ từ tiếp tục tìm hiểu thêm về họ.

- Ta cũng nghĩ như vậy – Bàn nắm bắt ngay điều này để kết thúc mọi việc. – Theo ta thấy, việc trước tiên là thâm nhập vào quân trường của họ, học hỏi cách huấn luyện của họ. Sau đó, ta sẽ tìm cơ hội để đến những quốc gia đồng minh. Lại nữa, những người còn lại trong đoàn, các khanh đã phân chia các hạng mục học tập chưa?

Phan Huy Chú tiến lên, đưa một cuộn giấy cho Bàn rồi nói:

- Mấy ngày nay, cha thần phải lo liệu việc thương thảo với Anh Cát Lợi nên việc lập danh sách do thần và Phạm Thái lo liệu. Mọi việc đã phân định xong cả rồi, kính mong Vương gia quá mục.

- Không cần đâu, anh nói sơ qua đi.

- Thưa Vương gia, số người trong nhóm ba trăm, cộng thêm thần nữa sau khi đến được Anh Cát Lợi chỉ còn hai trăm năm mươi bốn người. Trong đó, có một phần ba sẽ theo học ở trường Oxford, một phần ba sẽ đi học ở các xưởng dệt, đóng tàu, luyện chế thép, y dược. Một phần ba còn lại sẽ học việc tại các hãng buôn.

- Ta còn muốn lọc ra một nhóm nhỏ nữa để làm công tác thám báo. Đương nhiên, càng bí mật càng tốt.

Sau khi mọi người họp xong, bản phân chia công tác lại được chỉnh lý một phen. Hài lòng với những gì đang diễn ra, Bàn bảo mọi người qua về nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày sau làm việc.

Hai ngày sau, Bàn có mặt ở Quân trường Hoàng gia ở ngoại thành London. Hôm nay, nhìn anh chẳng khác nào một người lính Anh Cát Lợi với bộ quân phục màu đỏ, đội nón đen, lưng giắt theo thanh kiếm lưỡi nhỏ. Có khác chăng đó là về chiều cao, Bàn quá “lùn” so với những người lính khác. Tuy thế, anh cũng không lấy làm xấu hổ, khác hẳn với tình cảnh ở đêm dạ vũ hôm trước. Ấy là nhờ đêm qua anh vô tình nhớ lại một câu nói mà Toản đã dặn dò trước khi xuất dương “Anh đừng lấy làm hổ thẹn vì chiều cao của mình. Em nhớ có một người Phú Lang Sa nói thế này ‘Trí tuệ của một con người được tính bằng khoảng cách từ vầng trán đến bầu trời’, người nói là một người rất thấp”. Bàn thật không biết, người mà Toản nhắc tới chính là Napoleon Bonaparte, Hoàng đế nước Pháp sau này.

Bước vào phòng chỉ huy, người tiếp đón anh là một Trung sĩ có tên William.

- Chắc Ngài là Trung Úy Jack? Tôi được lệnh đón Ngài và phân Ngài vào một binh chủng phù hợp. Lý ra tôi có thể tùy ý mà phân định. Nhưng tôi đã biết Ngài là ai, thế nên, làm như vậy thật không phải phép. Ngài muốn vào binh chủng gì?

- Ồ! Cám ơn anh, Trung sĩ. Nhưng anh có thể cho tôi xem qua các nhóm binh chủng trên thực địa hay không? Tôi nghĩ chắc cũng tốn không quá nhiều thời gian. Sau đó, tôi sẽ cho anh biết quyết định của mình.

- Hiện tại, ở trong Quân trường chỉ có ba binh chủng, là bộ binh, kỵ binh và pháo binh. Còn Hải quân Hoàng gia thì không đóng ở đây. Vả lại, yêu cầu để trở thành Hải quân là rất cao. Với tầm vóc của Ngài, lời khuyên của tôi là không nên theo binh chủng này.

- Thế thì tôi nghe anh vậy.

- Được rồi, vậy tôi sẽ dẫn Ngài đi dạo một lượt.

Nói rồi, Bàn theo chân William tham quan một vòng Quân trường.

- Có lẽ là chúng ta sẽ đến Kỵ binh trước. Vì vừa lúc, hôm nay có sự hiện diện của Trung tá Arthur, Arthur Wellesley.

- Ý anh nói là em ruột của Hầu tước Wellesley?

- Đúng là Ngài ấy. Ngài biết không, trước đây người ta nói Ngài ấy là một người chỉ biết ăn chơi lêu lổng, không làm nên trò trống gì. Thế mà tôi lại biết, Ngài ấy là một nhà cầm quân đại tài ấy chứ.

- Sao anh lại biết?

- Vì tôi chính là một Binh nhất trong trung đoàn South Esset do chính Ngài chỉ huy lúc ở Ấn Độ. Không có sự thông minh của Ngài thì chúng tôi đã chết hết.

- Ấy vậy mà tôi nghe nói Ngài ấy không ra gì cả.

- Phải nói là không ra gì trước khi Ngài mười chín tuổi, lúc ấy đang mang hàm Thiếu Úy. Sau này, tôi nghe nói Ngài đã thay đổi sau khi tình yêu tan vỡ. À… Ngài ấy kia rồi.

Bàn nhanh chóng theo William tiến về hướng của Arthur. Phải mô tả anh ta thế nào nhỉ? Một chàng trai dong dỏng cao, gương mặt khá tuấn tú nếu như không có chiếc mũi khoằm. Arthur đang chải lông cho con ngựa chiến của mình, việc anh không bao giờ để người khác làm thay.

- Trung sĩ William Becker, xin chào Trung tá – William tiến đến và chào Arthur theo nghi thức quân đội.

- Nghỉ, ra là cậu à William? Con gà mái nhà cậu đẻ chưa? – Ý Arthur muốn hỏi vợ anh ta sinh con chưa, vốn dĩ anh chàng này hay gọi vợ mình là con gà mái.

- Dạ chưa ạ, chắc phải tháng sau.

- Cậu tìm tôi có việc gì thế?

- Đây là Trung úy Jack Nguyễn. Tôi đưa Ngài ấy đi tham quan quân trường trước khi lựa chọn binh chủng.

- Chào Trung tá – Bàn cũng bước đến chào.

- Tôi biết Ngài, Ngài là Thân vương của nước An Nam đúng không?

- Vâng, chính là tôi.

- Ngài chưa lựa chọn binh chủng cho mình à? Có cần lời khuyên không?

- Vâng, xin Ngài cho tôi lời khuyên. Trước khi đi, nhà Vua của tôi khuyên nên tìm cách gặp được Ngài.

- Ngài ấy biết tôi à?

- Tôi tin chắc là hai người chưa từng gặp nhau. Nhưng nhà Vua nói đã nghe các tu sĩ kể lại về Ngài, nhất là thời gian Ngài ở Ấn Độ và trước đó.

- Ở Ấn Độ thì không phải nói làm gì. Người ta đưa tôi lên đến tận mây xanh. Chủ yếu là thời gian trước đó, họ nói gì về tôi?

- Cái này thì không được tốt lắm.

- Ý họ là tôi ăn chơi lêu lổng chứ gì? Còn Ngài, Ngài nghĩ sao?

- Có điều Ngài không biết về tôi. Ở trong nước, trước đây tôi cũng nổi tiếng là lười nhất trong những người lười biếng của Hoàng tộc.

- Ha… ha… ha… thế là chúng ta giống nhau rồi. Nói xem, Ngài có thế mạnh về cái gì? Cưỡi ngựa giỏi không? Biết làm toán không?

- Ý Ngài là?

- Nếu cưỡi ngựa giỏi có thể vào kỵ binh, giỏi tính toán thì vào pháo binh. Còn bộ binh à, quên đi.

“Mình cưỡi ngựa đi chơi thì còn được chứ còn phóng nước đại trên sa trường thì đành chịu. Còn tính toán thì, ha… ha… nghề của chàng. Trước đây mình có theo mấy người truyền giáo học về Toán học và Vật lý học. Chọn pháo binh vậy”.

- Tôi tính toán cũng không đến nỗi nào. Thôi thì chọn pháo binh vậy. Nhưng tại sao pháo binh phải giỏi làm toán?

- Phải rất giỏi nữa là đằng khác. Thử nghĩ nhé, quả đạn bắn ra từ một khẩu pháo ở góc ba mươi độ và bốn mươi lăm độ sẽ có điểm rơi khác nhau, bốn mươi lăm độ bay xa hơn. Quan trọng là bay xa tới đâu. Cái cần của người chỉ huy pháo binh là trong tích tắc tính được khoảng cách này.

Ra là thế. Trước giờ, lúc dùng đại bác, người Đại Việt chỉ ướm bừa mà bắn, hiệu quả vì thế không cao. Hôm nay là lần đầu tiên Bàn nghe nói đến cách sử dụng đại bác như vậy. “Hóa ra, việc các môn khoa học có sự giúp ích lớn đến như vậy. Không nghĩ đến ngay cả trò chơi sinh tử là chiến tranh cũng phải áp dụng đến. Nếu như Đại Việt biết áp dụng nhuần nhuyễn thì nhà Đại Thanh thua chắc rồi”, Bàn nghĩ thầm.

- Để tôi giới thiệu cho Ngài một người. Đó là Đại úy John Smith, bậc thầy tính toán đạn đạo. Ngài theo tôi.

- Vâng, xin nhờ Ngài.

Bàn lại theo Arthur đến gặp John Smith, anh ta cũng là cựu lính chiến của Trung đoàn South Esset như William và là thuộc cấp của Arthur. Rất nhanh, nhờ sự thân thiện cố hữu thể hiện trên gương mặt mình cũng như những lời nói khiêm tốn có chừng mực, Bàn chiếm được cảm tình của Smith.

Cuối cùng, anh được phân vào trung đội pháo binh số mười ba với tư cách là trung đội trưởng. Với người phương Tây, số mười ba luôn đại diện cho sự xui xẻo, không ai muốn mình dính líu đến con số này. Bởi vậy, không có một ai muốn chỉ huy trung đội này. Mà càng cần phải nói thêm, chưa có một trung đội trưởng nào sống quá ba tháng khi phục vụ ở chính trung đoàn này, số mười ba quả là xui xẻo.

“Mình là người Á Đông, không tin vào con số mười ba này. Vả lại, nếu mình dám nhận, có lẽ Arthur và Smith sẽ đánh giá cao hơn về mình”, Bàn nghĩ.

Tiếp nhận trung đội, việc đầu tiên sau khi làm quen với mọi người là Bàn cho thuộc cấp… nghỉ hai ngày. Anh bảo, “Phải cho anh em có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, gần đến năm mới rồi”. Cái chính là để tạo thiện cảm cho binh lính, tỏ rõ cho mọi người thấy anh quan tâm đến tình cảm và nguyện vọng của thuộc cấp. Song, điều chính yếu là để anh có thời gian học về các cách bố trận cũng như phối hợp tác chiến cơ bản với các binh chủng khác.

Hai ngày sau đó là thời gian Bàn nằm ở nhà. Bàn giờ đây là Trung úy của pháo binh Hoàng gia nên được cấp cho một căn nhà năm trong khu vực tập trung của các sĩ quan. Anh nhai ngấu nghiến các kiến thức về phương thức dàn trận của pháo binh.

Phải nói là thời này, pháo binh chưa thực sự có đòn đánh cho riêng mình, và cũng là đơn vị binh chủng dễ bị hy sinh nhất trên chiến trường. Phải vận chuyển một cỗ đại bác đã là phi thường khó khăn. Di chuyển trong trân chiến lại càng là điều không thể. Từ xưa đến nay, pháo binh luôn được dàn hàng ngang trước đoàn quân. Khi vào trận, các khẩu đại bác sẽ khai hỏa trước tiên, sau đó là sự tiến công của bộ binh cùng kỵ binh. Hỏa lực của pháo binh trên chiến trường cũng là lớn nhất. Chính vì thế, pháo binh luôn là mục tiêu bị triệt hạ đầu tiên. Vả lại, nếu tính toán không kỹ, quả đạn pháo sẽ không phải rơi vào trận địa quân thù mà chính là đoàn quân của phe ta đang xung phong trước mặt.

“Thế này thì hỏng mất. Tại sao pháo binh không nấp ở một nơi kín đáo nhỉ? Khi vào trận, pháo binh lúc đó chính là kỳ binh. Địch sẽ không hiểu vì sao đạn pháo lại rơi xuống đầu, và chúng xuất phát từ đâu”.

Nghĩ vậy, Bàn lấy giấy, viết ra phương thức phối hợp tác chiến mới. Đây chính là đóng góp đầu tiên của anh dành cho Anh Cát Lợi. Cũng chính vì điều này, anh đã nhanh chóng thu được cảm tình của binh sĩ và giới sĩ quan quân sự trong thời gian tới.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện