Chương 44: Vương tử - Vận hội mới
- Sophia! Hôm nay là ngày gì, em biết không?
Bàn âu yếm đặt lên má vợ một nụ hôn và hỏi nhỏ. Sophia nhẹ nhàng tựa đầu vào vai anh và nói bằng thứ tiếng Việt trọ trẹ:
- Hôm nai là celebrate một nam ngài cúi của chúng ta.
- Em nói đúng rồi. Em xem anh tặng gì cho em nè.
- Cái gì vại anh?
- À, quên mất. Em nhắm mắt lại đi. Close your eyes.
Sophia cười tươi và nhắm mắt lại. Bàn đứng dậy, lấy từ trong tủ, nơi anh lưu trữ các loại văn kiện một vật. Đó chính là mô hình thu nhỏ của điện Buckingham. Anh cầm nó đến trước mặt vợ, lại lén lút hôn lên má cô rồi nói:
- Em mở mắt ra được rồi. Open your eyes.
- Buc... Buckingham Palace. Oh my God.
Sophia cảm thấy rất kích động, đến nỗi nói ra một câu tiếng Anh Cát Lợi. Đã lâu lắm rồi cô không nhìn thấy toà cung điện nơi mình sinh sống hơn hai mươi năm qua. Nước mắt chảy rưng rưng từ đôi mắt đẹp, cô ôm chầm lấy chồng.
- Đẹp không? Chính tay anh làm đó. Anh biết em nhớ nhà.
- Đẹp lắm! Em cám on anh. Em yêu anh nhiều lắm.
Đúng lúc này, bụng Sophia đau dữ dội. Cô sắp sinh chăng? Theo tính toán của hai vợ chồng, ngày họ đón thiên thần bé nhỏ chào đời phải đến một hoặc hai tuần nữa. Nhưng ai biết, có lẽ do Sophia quá cảm động mà đứa bé muốn ra đời chăng. Bàn quýnh quáng cả lên. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh hét lớn lên:
- Ngự y, người đâu, mau mời ngự y. À không, mau mời bà mụ.
Cô cung nữ đứng hầu bên ngoài tức tốc chạy đi. Mấy tuần lễ nay, Bàn nghe lời Thái hậu Ngọc Hân, dọn vào ở hẳn trong cung để dễ bề chăm sóc. Những lúc anh bận công việc cũng có Thái hậu và cô em gái út qua chơi và nói chuyện.
- Phải rồi, cô mau báo cho hai vị Thái hậu biết tin Vương phi sắp âm bồn, mau – Bàn chỉ vào một tên thái giám ở gần đó.
- Nô tài, tuân chỉ.
Y dạ thưa rồi tức tốc chạy đi. Chẳng bao lâu sau, người ngự y già dẫn theo một người phụ nữ chạy đến. Ông ta nhanh chóng bắt mạch cho Sophia, đoạn quay sang Bàn:
- Vương gia, mời Ngài ra ngoài cho. Vương phi sắp lâm bồn. Ở đây không có việc cho đàn ông chúng ta.
- Ta… ta không được ở lại trong này sao?
- Đây là đại kỵ. Vương gia, mời theo tôi, cứ để bà Lý lo cho Vương phi.
Bàn nghe lời bước ra bên ngoài. Lòng anh lúc này nóng như lửa đốt. Anh lo cho Sophia, lo cho đứa bé trong bụng cô. Bàn lóng ngóng, hết nhìn vào trong phòng, rồi lại nhìn ra ngoài sân; hết đứng lên rồi lại ngồi xuống. “Chúa ơi, cầu xin Ngài cho mẹ tròn con vuông”. Bàn lâm râm cầu nguyện, từ ngày đính hôn với Sophia, anh cũng chọn theo Cơ đốc giáo như vợ mình.
Lại thêm một lúc nữa, một cô bé mười hai tuổi, tóc thắt bím chạy ào tới, luôn miệng hỏi:
- Anh ba, anh ba. Chị ba sinh em bé chưa?
Cô bé này ngoài tiểu Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo thì còn ai vào đây nữa. Sau lưng cô bé là hai vị Thái hậu dẫn theo tiểu Vương gia Nguyễn Quang Đức. Đến nơi, Bùi Thái hậu lại là người lên tiếng trước:
- Bàn, vợ con sinh chưa?
- Dạ, bà mụ đang ở bên trong, con không được vào nên không biết. Con lo quá. Hai dì ơi, hai dì là phụ nữ, hai dì vào xem vợ con giúp con với.
- Ừ, để hai dì vào xem – Lê Thái hậu cười và nói.
Đúng lúc này, Tổng quản Thái giám Vũ Lâm Thái chạy đến. Lúc này, tiểu thái giám Tiểu Thái năm xưa cũng đã là một người trưởng thành. Anh nói với Bàn:
- Vương gia, Hoàng thượng và Hoàng hậu đến rồi.
- Sao nhanh thế, Hoàng thượng đến rồi à? Lại có cả Hoàng hậu nữa ư?
- Dạ đúng, Hoàng hậu còn ẵm theo tiểu Hoàng tử nữa.
Nhân đây cũng nói thêm, năm đức vua của chúng ta lên mười sáu, cậu đã cưới người mình yêu là cô bé Đoàn Thị Ngọc Lan làm vợ. Thật ra, hai người đến được với nhau cũng khá trắc trở. Phải nói đến ban đầu chính Thái hậu Lê Ngọc Hân giới thiệu em gái út của mình là Lê Ngọc Bình cho Toản, định bụng sẽ cho hai người cưới nhau. Tuy nhiên, Toản đã cương quyết cự tuyệt. Cậu bảo, như thế mình phải gọi Lê Thái hậu là gì? Là dì hay là chị? Gọi là dì bởi bà là vợ của cha mình. Gọi là chị vì bà cũng là chị ruột của Ngọc Bình. Cuối cùng, cho đến khi Toản đưa Ngọc Lan đến yết kiến hai vị Thái hậu thì mọi việc mới bắt đầu êm đẹp. Từ trong ánh mắt của cô bé, Thái hậu Lê Ngọc Hân như nhìn thấy lại chính mình, một cô bé thông minh, sắc sảo nhưng lại có tâm hồn hiền hậu. Chính bà chứ không phải mẹ ruột của Toản là người đầu tiên lên tiếng ủng hộ mặc dầu nếu làm như thế, em gái mình sẽ mất đi cơ hội. Thế là một đám cưới linh đình được tổ chức và hai năm sau, Hoàng hậu trẻ tuổi đã hạ sinh một bé trai, đặt tên là Nguyễn Quang Nghĩa.
Quay về thời điểm hiện tại, Toản chạy vội đến chỗ anh mình rồi nói:
- Anh ba, chị sinh chưa? Là trai hay gái?
- Chú tư à. Anh cũng chưa biết nữa. Sốt ruột quá đi.
- Anh ba! – Ngọc Lan vui vẻ nói – Anh đừng sốt ruột quá, em nghĩ chắc sẽ là mẹ tròn con vuông thôi.
- Cũng cầu như vậy thím ạ. Nhưng mà…
Vừa hay ngay lúc này, một tràng tiếng khóc vang lên. “Sinh rồi”, Bàn vui sướng nghĩ thầm trong bụng, đoạn chạy nhanh đến cửa phòng. Sau một ít phút, bà mụ bước ra, trên tay là một đứa bé còn đỏ hỏn.
- Vương gia, mẹ tròn con vuông. Là một vương tử, tiểu vương gia.
- Con… con… con trai à?
Bàn lắp bắp nói vài tiếng rồi ẵm lấy đứa bé từ tay bà mụ. Lúc này, Lê Thái hậu bước ra, trên môi bà là một nụ cười vui vẻ.
- Coi kìa. Làm cha rồi mà cứ nhảy cẩng lên như con nít thế là sao? Không có chút ý tứ giữ hình tượng tí nào.
- Dạ… dạ… Tại con vui quá mà thôi. Dì ơi, dì xem, nó thật đẹp.
Phải nói đây là một đứa bé rất xinh đẹp với làn da trắng muốt. Chốc chốc, tiểu vương tử bé nhỏ hé mở đôi mắt nhìn những gì mình thấy đầu đời. Chính lúc này người ta mới thấy cậu có đôi mắt màu xanh thật đẹp, có lẽ được thừa hưởng từ mẹ mình. Đôi tay búp măng khẽ vung vẩy rồi sau đó lại khóc ré lên.
- Nó đói đấy mà – Lê Thái hậu ôn tồn nói. – Để dì ẵm bé vào cho mẹ để bú. À, con có nghĩ ra cho bé cái tên nào chưa?
- Con… con chưa ạ.
- Thế thì suy nghĩ nhanh lên nhé. Bé phải có ngay cái tên mới may mắn.
Nói rồi bà ẵm tiểu vương tử vào bên trong. Bàn quay sang hỏi Toản:
- Chú tư, chú nghe dì nói rồi đó. Chú thì có tài hơn anh. Chú nghĩ thử xem nên đặt cho cháu nó cái tên thế nào?
- Em tưởng anh đã có tên cho cháu rồi chứ. Ngay lúc này, em chỉ có thể nghĩ đến một cái tên thôi. Con em tên Nghĩa, vậy đặt cho cháu cái tên là Nhân đi. Xét về vai vế, cháu nó là anh, ghép với tên của con em thành ra là Nhân Nghĩa.
- Tuyệt quá. Vậy nếu bất cứ đứa con nào của mấy anh em mình sau này ra đờ cũng lấy tên là Lễ nhé, rồi đến Trí và Tín. Vậy nhé, con của anh sẽ là Nguyễn Quang Nhân.
- Nguyễn Quang Nhân, tên hay lắm đó anh ba. – Ngọc Lan lúc này cũng chia vui với Bàn.
Vậy là, đúng vào ngày cha mẹ mình kỷ niệm một năm ngày cưới, tiểu Vương tử Nguyễn Quang Nhân đã cất tiếng khóc chào đời. Điều này như một dấu hiệu báo trước điềm lành, may mắn cho gia đình nhỏ.
Để bá tính có thể chia vui với Hoàng tộc, Toản đã cho cả nước tổ chức lễ hội trong ba ngày. Điều này mang lại cho dân chúng cảm thấy một niềm vui và hy vọng nho nhỏ. Hai năm liên tiếp, hai đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba của Hoàng tộc ra đời, báo hiệu một thời đại mới bừng bừng sức sống đã mở ra. Khắp nơi, người ta đều thấy được những đổi thay theo chiều hướng có lợi hơn. Những đứa trẻ mới ra đời như muốn nói, nguồn sinh khí mới đã đến rồi. Ngày đất nước được thống nhất cũng sắp đến gần rồi.
Nói như vậy nhưng cũng có một người hơi kém vui. Đó chính là Nguyễn Quang Thùy. Tại sao à? Vì hai người em của anh đã có vợ, lại sinh con nữa. Còn bản thân anh, vợ thì chưa có, nói gì đến con. Tuy thế, cứ mỗi lần vào cung, không hiểu sao cứ mỗi lần tiểu hoàng tử khóc, vào tay anh là dứt khóc ngay, lại cười rất tươi nữa. Tiểu vương tử mới ra đời cũng không là ngoại lệ. Dường như là Thùy có duyên với con trẻ. Chính vì cả hai đứa bé thể hiện ra điều này mà anh lại tỏ ra yêu thương chúng vô cùng.
Và quả như mọi người tin tưởng, tiểu vương tử ra đời đã mang lại cho nhà Tây Sơn những tin vui tới tấp.
Đầu tiên là Thượng thư, Bộ trưởng bộ Công nghiệp Vũ Huy Cẩn báo cáo người của ông đã thành công khi tạo được những rãnh xoắn cho nòng đại bác. Ông gọi chúng là những khương tuyến. Điều này giúp cho quả đạn đại bác bay đi với tốc độ cao hơn, đường đạn cũng ổn định hơn. Lại nữa, kết hợp với công nghệ luyện kim mới được du nhập từ phương Tây, Vũ Huy Cẩn cho người thử đúc những khẩu đại bác mới nhỏ hơn, nhẹ hơn nhưng lại có uy lực và tầm bắn tương đương với những loại hiện tại. Kết quả là họ lại thành công. Việc này đã mở ra cho nhà Tây Sơn một lợi ích to lớn. Những khẩu đại bác cũ được nấu chảy ra và đúc mới. Thông thường, cứ ba khẩu đại bác loại cũ lại có thể được đúc lại thành năm khẩu mới, làm cho sức mạnh của quân đội nhà Tây Sơn tăng lên đáng kể.
Tiếp nữa là sự thành công của việc phổ cập chữ Quốc ngữ. Sau gần tám năm kiên trì, cuối cùng thì chữ Quốc ngữ hoàn toàn được đón nhận. Bất cứ người dân nào cũng đã biết đọc, biết viết, không còn phải lặn ngụp trong nạn mù chữ nữa. Nói đến thành công này phải kể đến công sức của những nhà truyền giáo phương Tây cùng những Giáo dân người Việt. Chính điều đó làm cho Tôn giáo mới này được dễ dàng chấp nhận hơn. Nhà Tây Sơn vẫn dùng Phật giáo làm quốc giáo, nhưng cũng không cấm đạo Thiên Chúa và Cơ đốc giáo vốn được những người Anh Cát Lợi du nhập vào.
Cùng với sự thành công của chữ Quốc ngữ là sự hoàn chỉnh của hệ thống giáo dục mới. Chiếu theo lệnh của Toản, bất cứ người dân nào đến tuổi cũng đều phải đi học. Bắt đầu từ sáu tuổi, trẻ em bất kể là nam hay nữ đều phải đến trường. Cùng với sự tư vấn của các vị giáo sư người Anh Cát Lợi, Toản chỉ đạo cho Nguyễn Thiếp biên soạn giáo trình dạy học phù hợp cho từng lứa tuổi với mười hai cấp lớp. Theo đó, học sinh được chia làm hai cấp gồm tiểu học với năm lớp từ lớp một đến lớp năm và bắt đầu từ sáu tuổi. Cấp thứ hai là Trung học với hai cấp nhỏ: Sơ Trung và Cao Trung. Trong đó, Sơ Trung gồm bốn lớp gọi là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ; Cao Trung gồm ba lớp gọi là đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Giữa mỗi cấp đều có một cuộc thi chuyển cấp, học sinh vượt qua được cấp một giấy chứng nhận. Riêng cấp Cao trung, học sinh kết thúc lớp đệ nhị phải vượt qua một kỳ thi để đạt được giấy chứng nhận “Bán Tú tài” và học tiếp lớp đệ nhất. Tương tự, kết thúc lớp đệ nhất là kỳ thi “Tú tài”. Với trường hợp học sinh thi rớt “Bán tú tài” sẽ phải phục vụ trong quân ngũ năm năm, sau đó sẽ học tiếp lớp đệ nhất. Thêm nữa, học sinh tốt nghiệp Tú tài sẽ được chọn cho mình một trường Đại học để tiếp tục con đường học vấn hoặc ra làm việc cho các cơ quan nhà nước; bằng ngược lại, dĩ nhiên là phải phục vụ cho quân đội nhưng chỉ với hai năm. Đi cùng với các cấp lớp là các trường học được mở ra rộng khắp, mỗi tỉnh đều có ba trường tiểu học, hai trường sơ trung và một trường cao trung. Riêng học sinh tiểu học được miễn học phí hoàn toàn.
Thành công thứ tư là sự phát triển của cả công nghiệp và nông nghiệp. Nói như thế đương nhiên cũng phải kể đến ngành thương nghiệp, bởi lẽ chính thương nghiệp là cầu nối giữa công nghiệp, thương nghiệp và người dân. Các sản phẩm, nhất là lúa gạo, thủy hải sản ngày càng dồi dào hơn. Người dân khu vực do nhà Tây Sơn quản lý lúc này không còn lo về việc thiếu ăn nữa.
Và cuối cùng là sự thành công trong quân sự. Lúc này, khu vực Tây Nguyên đã hoàn toàn nằm trong quyền khống chế của nhà Tây Sơn. Bộ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Quang Huy đích thân chỉ huy những đợt tấn công trấn áp và bình định toàn vùng. Các thể chế và chính sách hiện tại cũng được áp dụng ở vùng đất mới, cư dân người Kinh cũng được mời đến để khai hoang và lập nghiệp. Song song với Tây Nguyên, Đô đốc Lộc, Đô đốc Long, Đô đốc Bảo cũng đã hoàn toàn dẹp yên Thượng Lào. Cũng phải nhắc lại, vào lúc này, nước Ai Lao lúc này chính là một nước chư hầu của Đại Việt. Nhân lúc Đại Việt xảy ra nội chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn vùng Thượng Lào tỏ ra chống đối. Dựa vào sự giúp đỡ của Miến Điện, họ thường xuyên gây hấn với mong muốn thoát khỏi sự khống chế của Đại Việt.
Vậy là thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã hội tụ đủ ở mảnh đất này. Chúng đã mở ra cho nhà Tây Sơn một cơ hội mới, cơ hội để thống nhất giang sơn. Tuy nhiên, để có được điều đó, Toản còn rất nhiều việc phải làm. Giờ đây, Bàn đã về nước. Ba anh em đã trùng phùng. Chính lúc này là thời điểm để họ xây dựng các bước tiếp theo, tiến hành dồn ép và tiêu diệt nhà Nguyễn ở phương Nam.