Chương 48: Âm mưu

Khách sạn Toàn Thịnh, một trong những khách sạn bậc nhất thành Gia Định. Không ai biết nó xuất hiện khi nào. Chỉ biết, trước đây nó chỉ là một khách điếm thường thường bậc trung có một cái tên hết sức bình thường – Nhã Phương điếm – nằm ngay tại điểm tiếp giáp của Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn. Có lẽ, lúc ban đầu, đây chỉ là một lữ điếm do một người nào đó có tên Nhã Phương mở ra. Có được một vị trí đắc địa, nhưng không hiểu sao, lữ điếm ngày càng vắng khách. Mãi đến cách nay bảy năm, nó bị mua lại. Không ai biết người chủ mới là ai, là nam hay nữ, là già hay trẻ. Tổng quản lý lại là một người phụ nữ tên Trần Thanh Trúc, một cái tên rất đẹp. Từ ngày được sang lại cho chủ mới, lữ khách bé nhỏ bỗng nhiên lột xác. Nó được xây lại theo kiến trúc nửa Tây, nửa Ta với mái ngói theo phong cách tư dinh của quan lại cùng những ban công ở mỗi tầng như kiểu của người Pháp và được đổi thành tên mới Toàn Thịnh. Khách sạn cao năm tầng với nhà hàng ở tầng một và ba mươi hai phòng ngủ, đặt trong khuôn viên rộng khoảng một mẫu ta, cùng với hai mặt tiền.

Chỉ với bảy năm ngắn ngủi, từ một lữ điếm bình thường, nó đã lột xác thành một khách sạn lớn. Khách khứa ra vào thường xuyên. Điều gì làm nên sự thay đổi chóng mặt ấy? Rất đơn giản, chủ nhân của nó hẳn là một thiên tài kinh doanh khi nhận thấy đây chính là vị trí đắc địa, nằm giữa ba cụm dân cư lớn của người Việt, người Hoa và người phương Tây, đặc biệt là người Pháp. Ông ta hay bà ta mời về những đầu bếp thượng thặng có thể nấu được các món ăn Việt, Hoa và Pháp. Lại nữa, những tờ truyền đơn với hình ảnh bóng bẩy giới thiệu về khách sạn được phát rộng rãi ở các khu chợ, bến cảng, thương xá.

Các bữa tiệc lớn của giới nhà giàu mới nổi, quan lại người Việt và các thương nhân phương Tây thường xuyên được tổ chứa nơi đây. Nổi tiếng nhất có lẽ là bữa tiệc có tên Toàn Thịnh Yến. Điều gì làm nên tên tuổi của bữa đại tiệc này? Đó chính là phong cách phục vụ và các món ăn vốn dĩ chỉ có trong Ngự Trù phòng của Hoàng cung. Khách đến dự có cảm giác như mình là một ông hoàng đúng nghĩa với các cung nữ hầu quạt hai bên. Có khác chăng với các buổi thịnh yến trong hoàng cung là nó chỉ có khoảng hai mươi món ăn được dọn lên.

Hôm nay, sương phòng phía đông được một nhóm người phương Tây bao hết. Toàn Thịnh yến cũng được dọn lên. Có điều, những vị khách này không cần người phục vụ. Họ có việc gì cần bàn bí mật và không muốn người ngoài nghe được chăng? Có lẽ là vậy. Với những nhà hàng khác, họ không cần phải làm thế, nhưng nơi đây là đâu, tất cả nhân viên phục vụ đều bắt buộc phải học và hiểu tiếng Anh Cát Lợi, Phú Lang Sa và tiếng Hoa để làm việc tốt hơn. Nhóm thực khách gồm có tám người, ba người Phú Lang Sa, hai người Hà Lan, hai người Tây Ban Nha và một người Bồ Đào nha. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Phú Lang Sa.

- Cái bọn Việt Nam này càng quá đáng - một người Hà Lan nói với giọng điệu bực mình. - Hàng hoá của chúng tôi bị kiểm soát chặt chẽ từ ngoài khơi. Không biết chúng có ý gì nữa.

- Hàng của tôi cũng vậy - người Hà Lan còn lại lên tiếng. - Ghê tởm hơn là chúng tôi phát hiện hàng hoá của mình mất đi khá nhiều sau khi kiểm soát, không phải bọn chúng lấy thì vong ai vào đây nữa.

- Tôi thì có khá hơn gì mấy ông đâu - người Bồ Đào Nha duy nhất cảm thán. - Đây là tình hình chung. Bọn chúng trước cấm người của mình buôn bán với chúng ta. Sau lại thấy có cấm cũng vô ích nên tìm cách khác là chặn từ ngoài khơi và cướp đi ít nhiều. Rõ ràng là còn kinh khủng hơn bọn cướp biển nữa.

Lúc này, một trong ba người Phú Lang Sa mới nói:

- Nói thật với mấy ông, người Pháp chúng tôi cũng chẳng khá hơn đâu. Để giải quyết, chúng tôi đã có cách nhưng...

- Nhưng thế nào? - Mấy người phương Tây đồng thanh.

- Biện pháp tốt nhất là mẫu quốc chúng ta sẽ gửi quân thường trực đến đây. Chúng ta sẽ tạo ra một hồi binh biến. Vấn đề là chúng ta không có cái cớ nào hợp lý. Vả lại, người nắm quyền hiện nay là Thái tử Cảnh, người mà chúng tôi gọi là Thiếu tá Cảnh.

- Có gì mà khó - một người Tây Ban Nha nói. - Muốn có cớ, dễ thôi, chúng ta chấp nhận bỏ một đội tàu buôn. Khi bọn chúng kiểm tra tàu, chúng ta kiếm cách nào đó để chúng tấn công. Sau đó nói Việt Nam vô cớ đánh đắm tàu buôn của ta là được. Còn tay Thái tử kia, hắn làm gì mà các ông phải sợ?

- Barbados! Các ông không biết rồi. Để tôi giới thiệu, bên cạnh tôi đây là Đại tá Lampier, người từng cùng vào sinh ra tử với Thiếu tá Cảnh. Ngài ấy sẽ nói cho các ông rõ.

Người đàn ông trung niên được gọi là Lampier lúc này mới được những thương nhân kia chú ý. Ông ta cao to, vạm vỡ, mang vẻ đẹp điển hình của người Phú Lang Sa với tóc vàng, mắt xanh. Lampier bắt tay mọi người rồi nói:

- Các ông có tin một sĩ quan chỉ với ba trăm kỵ binh đã có thể diệt gọn một tiểu đoàn bộ binh gần hai nghìn người để cứu thoát hai mươi lăm người khác không?

Các vị thực khách trên bàn đều lắc đầu nguầy nguậy tỏ vẻ không tin. Ông ta nói tiếp:

- Ấy thế mà có đấy, mà lại là một vị thiếu tá mới chỉ mười bảy tuổi. Không ai khác, đó chính là Thiếu tá Cảnh. Đó là vào những ngày chúng tôi ở Ai Cập. Khi đó, anh ta là sĩ quan dưới quyền tôi. Chúng tôi có gần một nghìn kỵ binh và chia hai đường tiến về Cairo. Nhóm quân của tôi bất ngờ rơi vào phục kích của quân Anh, bị giết gần hết, chỉ còn có hai mươi lăm người. Tình thế lúc đó vô cùng cấp bách. Chính Thiếu tá Cảnh cho quân vòng lại diệt gọn đoàn lính Anh kia cứu chúng tôi ra.

Các vị khách lại một lần nữa mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Họ không thể không tin. Vì ai cũng biết, hai năm trước, Tổng tài Napoleon Bonaparte sau khi bị Phó đô đốc Nelson đánh bại trên biển Hồng Hải thì bị vây ở Ai Cập hơn một tháng dài. Đường duy nhất để sống sót chính là tiến về Cairo. Lần đó, quân đội Pháp dù chiến thắng cuối cùng nhưng vẫn thiệt hại nặng nề. Hơn nữa, người kể lại việc này chính là một sĩ quan cao cấp tham gia đoàn quân viễn chinh năm đó. Vẫn chưa hết, Lampier lại nói thêm:

- Tổng tài có lệnh cho chúng tôi mang theo năm mươi chiến thuyền cấp ba cùng hai mươi thuyền đổ bộ mang theo mười nghìn lính đến đây. Nếu như Việt Nam tốt đẹp với chúng ta thì mười nghìn lính này sẽ giúp họ bình ổn nội loạn. Bằng ngược lại sẽ đánh chiếm luôn. Điều tiên quyết là Thiếu tá Cảnh nếu còn sống thì không được động binh. Tổng tài vẫn nhớ đến công lao của anh ta, Ngài rất quý Thiếu tá Cảnh.

- Chà... Vậy thì việc này hơi khó. - Barbados tặc lưỡi.

Lát sau, một người Hà Lan tên Van de Heim nói:

- Có cách rồi. Đại tá, chẳng phải ông đã nói anh ta từng là thuộc cấp và có ơn giải cứu ông sao? Ông có thể mời anh ta đến dự buổi Toàn Thịnh yến ở đây với lý do ông không thích dự tiệc trong cung. Vả lại ở đây có các món ăn Châu Âu. Chúng ta chọn một loại thuốc kịch độc có dược tính phát tán chậm, lén bỏ vào thức ăn. Khi ra về, chúng ta uống thuốc giải đã chuẩn bị sẵn. Còn anh ta, ha... ha... anh ta sẽ về với ông trời của mình.

- Không được - Lampier phản đối. - Đành rằng giết anh ta là vì lợi ích quốc gia dù tôi có hơi áy náy. Nhưng người ta sẽ dễ đang truy ra chúng ta là hung thủ.

- Không đúng. Hung thủ là chủ nhân của khách sạn này. Chúng ta tuy có uống thuốc giải nhưng liều chưa tới yêu cầu. Sẽ có những triệu chứng tương tự đối với chúng ta. Chứng tỏ ai cũng trúng độc và hung thủ là...

Suy nghĩ một lát, Lampier vỗ bàn cái bốp, khen kế hoạch hay rồi quyết định sẽ thực thi vào ngay ngày hôm sau.

Cuộc mật đàm tưởng chừng như không ai biết này không ngờ lại lọt vào tai một người, nữ tổng quản lý xinh đẹp của khách sạn. Thực tế, mỗi sương phòng tại nhà hàng đều có gắn những ống đồng. Đầu kia của chúng lai đặt ở trong phòng của tổng quản lý. Bởi thế, mọi kế hoạch của nhóm người phương Tây này đều lọt vào tai Trần Thanh Trúc. Vậy thực tế khách sạn này do ai làm chủ và vì mục đích gì?

Sau khi mấy vị thực khách kia ra về, Trần Thanh Trúc kéo một sợi dây. Lát sau, có tiếng nói phát ra từ một ống đồng gần đó:

- Có chuyện gì? Nói đi.

- Báo cáo TL một, G một có việc muốn gặp trực tiếp.

- Mức độ quan trọng?

- Mức A.

- Được rồi, cô xuống đây.

Thì ra sợi dây được nối với căn phòng bên dưới. Như vậy, thật ra Thanh Trúc và TL1 là ai?

Thanh Trúc tiến tới bức tranh treo phía sau bàn làm việc. Đằng sau nó là một lối đi bí mật được ngăn cách với căn phòng bởi cánh cửa sắt ngụy trang sau bức tranh. Mở cửa ra, Thanh Trúc bước xuống những bậc cầu thang dẫn đến một căn phòng nhỏ. Cô gõ cửa ba tiếng rồi lại tiếp hai tiếng nữa. Đây chính là mật lệnh, có người đáp lời ngay sau đó:

- G một, vào đi, cửa không khoá.

Thanh Trúc mở cửa bước vào. Trước mặt cô là một người thanh niên với chiếc mặt nạ bằng đồng.

- Có chuyện gì?

- Báo cáo, có một nhóm người đến khách sạn Toàn Thịnh dùng bữa trưa và bàn với nhau một âm mưu ám sát Thái tử Cảnh. Họ cũng có ý định đổ vấy lên đầu chúng ta.

- Âm mưu thế nào?

Lúc này, Thanh Trúc kể lại toàn bộ câu chuyện cho người có mật danh TL một kia. Người thanh niên tỏ vẻ chăm chú lắng nghe. Có lẽ đây chính là chủ nhân thật sự của khách sạn. Và nơi đây cũng chính là căn cứ của một tổ chức tình báo. Chính việc các thành viên dùng mật danh để xưng hô đã nói lên điều đó. Sau khi nghe xong câu chuyện, TL một nói:

- Cô không cần phải lo nghĩ nhiều. Cứ để mọi việc diễn ra theo như ý của họ.

- Nhưng thưa, họ có ý định đổ tội cho ta.

- Họ không có cơ hội thực hiện điều đó đâu. Cô hãy cho người mật báo cho Cảnh lúc tan tiệc, dặn y đi tìm ngự y.

- Vậy còn mục tiêu lần này của chúng ta cũng là giết y mà. Thế tại sao lại còn báo cho y? Tôi không hiểu.

- Cô không hiểu cũng đúng thôi vì ta chưa nói hết. Thật ra, nhiệm vụ giết Cảnh cũng chỉ là để kích động cho người Phú Lang Sa nổ súng mà thôi. Dù y không chết thì lúc này mọi việc đã được an bài, hai bên có một trận chiến là điều chắc chắn. Chúng ta coi như không làm gì cũng hoàn thành nhiêm vụ rồi.

- Tôi hiểu rồi.

Qua ngày hôm sau, Thái tử Cảnh được báo là có một người từ Phú Lang Sa đến thăm, ngạc nhiên hơn, đó lại chính là người chỉ huy của mình năm xưa ở Ai Cập, Đại tá Lampier. Mấy ngày nay, Cảnh thấy trong người khá khó chịu, mình mẩy đau nhức, thỉnh thoảng lại sốt cao. Tuy nhiên, nể tình cùng chung sinh tử năm xưa, Cảnh vẫn đáp ứng gặp ông ta và tham dự Toàn Thịnh yến sau khi thay một bộ trang phục bình thường. Nói thật, anh cũng rất muốn một lần thử qua bữa tiệc này và với tư cách một người dân thường ít ai biết đến.

Mọi việc diễn biến đúng y như những gì mà người Hà Lan Van de Heim đã lên kế hoạch. Có khác chăng là khi Cảnh bước ra khỏi khách sạn, một nữ nhân viên phục vụ chạy tới, dúi vào tay viên vệ binh đi tháp tùng anh một mẫu giấy rồi chạy biến. Lẽ dĩ nhiên, nó cũng đến tay Cảnh. Anh mở ra, bên trong chỉ ghi vài dòng ngắn gọn:

“Những người phương Tây kia hạ độc trong thức ăn của Ngài. Chúng tôi biết được việc này nhưng không thể làm cách nào báo tin vì họ đã bao vây và uy hiếp. Không biết họ có ý gì nhưng ngài hãy mau đi tìm lang y, đây là loại độc phát tác chậm”.

Cảnh biến sắc khi đọc những dòng này. Anh lập tức bảo một người vệ binh mà thực tế chính là cấm vệ quân dùng tốc độ nhanh nhất mở đường đến thẳng nhà vị ngự y trong cung. Đến nơi, Cảnh được bắt mạch. Quả đúng như những gì ghi trong mẫu giấy nọ, anh đã bị hạ độc. Viên ngự y nói:

- Thái tử, ngài đã bị trúng một loại kịch độc phát tán chậm. Cũng may là đến đây kịp thời nên cũng không đáng lo ngại. Có điều…

- Có điều thế nào? Ông mau nói.

- Loại độc này sẽ không giết được Thái tử khi uống thuốc của tôi vừa mới cho người đi sắc. Thế nhưng, ngài có biết là mình đang có bệnh trong người hay không? E là bệnh sẽ nặng hơn đó.

- Quan trọng là có nguy hiểm hay không?

- Thần quả thật chưa tiên liệu được vì loại độc tố này đã làm mạch đập của ngài bị ảnh hưởng. Có thể cũng chẳng sao đâu. Ngài cứ uống thuốc, ngày mai thần sẽ vào cung chẩn bệnh một lần nữa.

Viên ngự y quả thật có tài khi mà Cảnh không bị chất độc kia giết chết. Có điều, đúng như lời ông ta nói, căn bệnh nhẹ mấy hôm nay trở nặng hơn. Cảnh cảm thấy toàn thân đau nhức, ê ẩm, lại thấy rét lạnh, anh lên cơn sốt. Tuy nhiên, cơn sốt nhanh chóng qua đi. Việc bây giờ là phải mời Trịnh Hoài Đức đến bàn về việc xảy ra vừa rồi và đưa ra đối sách.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện