Chương 49: Phát hiện mới

Một ngày như mọi ngày, Toản đến phòng làm việc của mình sau khi dùng bữa sáng. Hôm nay, anh thấy trên bàn của mình có đặt một phong thư. Một điều rất lạ, phong thư được niêm phong bằng sáp, biểu tượng con dấu lại không phải thuộc về một người nào của triều Tây Sơn. Nhìn thật kỹ, Toản cảm thấy bất ngờ bởi anh hiểu được nó đến từ một người ở bên kia chiến tuyến, Duệ Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh. Một dấu đóng ghi chữ tuyệt mật đến từ CPQ bằng mực đỏ cùng với ngày tháng ghi ở mặt trước phong thư cho thấy nó được chuyển đến từ Cơ quan Phản gián Quốc gia và gửi đi cách nay bốn ngày.

Bằng thái độ hết sức tò mò, Toản mở niêm phong, rút ra một bức thư và bắt đầu đọc:

Gửi người bạn đến từ thế kỷ hai mươi mốt,

Toản chợt cảm thấy mồ hôi lạnh tuôn ra ướt đẫm cả lưng áo. “Tại sao… Tại sao Nguyễn Phúc Cảnh lại mở đầu bằng một câu hết sức lạ lùng như vậy?” – Toản thầm nghĩ. Ngạc nhiên hơn, tại sao anh ta lại biết Toản chính là anh chàng David Ho đến từ thế kỷ hai mươi mốt năm xưa. Chữ viết trên thư lại chính là chữ quốc ngữ, điều mà không bao giờ thấy ở Hoàng thất và bá quan nhà Nguyễn.

Có lẽ bạn hết sức ngạc nhiên khi đọc dòng đầu tiên của lá thư này. Và có lẽ cũng không khó để bạn nhận ra, tôi cũng như bạn, là người cùng thời, cùng đến với thế kỷ này. Cũng có lẽ, chúng ta đến đây với cùng thời điểm.

Nói thêm điều này nữa, có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn. Bạn có nhớ đến cơn lốc xuất hiện ở bảo tàng Quang Trung? Nói đến đây chắc bạn cũng hình dung ra được rồi chứ. Tôi còn biết chắc cơn lốc xoáy đó xuất hiện là chính vì bạn và tôi cũng là người bị nó cuốn đi. Tôi biết tên bạn là gì, David Ho đúng không? Tôi biết điều này vì tôi chính là người hướng dẫn viên du lịch của bạn, Phạm Phú Long.

Thú thật, lúc đầu tiên khi đặt chân đến đây, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên, lại rất thích thú nữa. Là một người có nghiên cứu lịch sử, điều tôi phải làm vì mình chính là một hướng dẫn viên du lịch mà. Thế nhưng, sau đó, tôi lại lâm vào khủng hoảng, tôi rất sợ khi phát hiện ra mình biến thành Nguyễn Phúc Cảnh, người sẽ chết vì căn bệnh đậu mùa mà y học nước nhà vô phương điều trị vào năm 1801. Tôi không cam tâm, thật lòng không cam tâm. Phải mất hai hôm tôi mới bình ổn được tâm tình của mình. Tôi bắt đầu tìm hiểu mình đang ở đâu trong dòng chảy lịch sử. Rồi cuối cùng tôi cũng xác định được mình đang ở vào năm 1792, tức là còn chín năm nữa là mình sẽ ra đi.

“Hóa ra là anh ta cũng bị kéo về thời đại này cùng với mình” – Toản nghĩ. “Hèn gì mình cảm thấy lạ khi nghe anh ba nói đã từng gặp Hoàng tử Cảnh ở Châu Âu mấy năm trước, điều mà trong lịch sử lại chẳng hề xảy ra”.

Tôi suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã quyết định. Dù sao thì mình không thể trở về thế kỷ hai mươi mốt vậy thì chính mình sẽ cải biến số phận của Hoàng tử Cảnh mà giờ đây đã trở thành Duệ Thái tử. Phụ hoàng, tôi tạm gọi Nguyễn Ánh là cha, vốn không đặt quá nhiều niềm tin vào tôi nên có lẽ, tôi sẽ phải tự hành động. Tôi dự tính, mình phải đi khỏi Việt Nam một thời gian, đến hết năm 1801 mới về. Khi đó, tôi chắc chắn mình sẽ không có khả năng mắc chứng bệnh này nữa. Thế là tôi dành ra ba năm để học cách tự vệ cho chính mình, cùng học cách mà vua chúa dùng để trị nước. Bất ngờ là những biểu hiện của tôi lúc này lại bắt đầu được Phụ hoàng xem trọng. Tôi được giao những trọng trách lớn hơn và cuối cùng là vị trí thành chủ thành Gia Định cùng nhiệm vụ xử lý mọi việc khi nhà vua xuất chinh.

Cũng trong thời gian này, tôi đã phát hiện ra anh. Chính những sự thay đổi của Miền Bắc cùng những “phát minh” như phổ biến chữ Quốc ngữ, hạt nổ, khai thác than đá đã tố cáo anh. Nói thật, lúc này tôi cảm thấy rất ganh tỵ. Cùng nhau trở về đây, anh thuận lợi mọi bề khi là một ông vua, muốn gì có nấy trong khi tôi chỉ là một Hoàng tử, lại chẳng được quan tâm gì nhiều. Nhưng thế thì sao nào, không phải là trong lịch sử, đến năm 1802 thì nhà Tây Sơn bị thất bại sao. Cho dù là anh có muốn thay đổi kết quả thì cũng phải mất ít nhất là mười năm mới có thể có đủ lực đánh bại Phụ hoàng. Trước mắt, tôi phải tìm cách “thoát chết” cái đã.

Những ngày tôi ở Châu Âu sau đó, tôi đã ra sức để mà học hỏi kinh nghiệm và phương pháp chiến đấu của người Pháp đặng sau này có thể giúp Phụ hoàng. Hơn nữa, được nói chuyện và chiến đấu bên cạnh thần tượng của mình, Hoàng đế Napoleon Bonaparte là một điều hết sức tuyệt vời. Ông ta ban đầu chỉ xem trọng tôi vì những tin tình báo về loại vũ khí mới mà theo tôi biết, đến giờ phút này người Pháp vẫn chưa tìm ra mấu chốt nằm ở đâu. Sau này, nhờ những chiến công cũng như những đóng góp của tôi mà ông ta dần dần quý mến tôi hơn. Chính ông ta đã phát biểu, nếu một ngày nào tôi còn sống, ông ta sẽ không bao giờ có ý định xâm phạm Việt Nam.

Thế rồi, qua những vị bác sĩ và những nhà nghiên cứu về sinh học, tôi biết chắc một điều, bản thân mỗi người đều có mang trong mình những con vi rút chết người này, chỉ là khi gặp điều kiện môi trường phù hợp sẽ chính thức phát bệnh. Tôi lại nhớ ra, không phải lúc nhỏ mình đã được chích ngừa đậu mùa sao? Tôi cảm thấy chán chường kinh khủng. Tôi quyết định trở về nước mà quên mất một điều mãi đến hôm nay mới nghĩ ra. Con vi rút kinh khủng kia chỉ phát ra tác hại khi gặp điều kiện thuận lợi. Tức là nếu tiếp tục ở lại Châu Âu thì nó sẽ không làm gì được tôi.

Nói về tôi bấy nhiêu là đủ. Tôi trở về nước và làm việc thuận theo tự nhiên thôi, cũng không có hùng tâm tráng chí gì bởi lẽ đằng nào mình cũng phải chết. Vả lại, có một điều này, dù sao, trong tâm tưởng của mình, tôi rất yêu đất nước, yêu nhà Tây Sơn. Đến cách đây mười ngày, tôi được Đại tá Lampier mời đến khách sạn Toàn Thịnh dự yến tiệc. Lúc ra về, tôi lại được cảnh báo mình đã trúng độc rồi phát hiện mình lại mắc một căn bệnh. Đối chiếu với nhũng triệu chứng gần đây, tôi đã khẳng định, căn bệnh quái ác kia đã đến. Thật không khó để suy đoán ra khách sạn này chính là tác phẩm của anh. Tôi đã thử nghĩ, biết đâu không phải là người Pháp hạ độc tôi mà chính là do các anh sai người ám sát. Mấy ngày qua, tôi đã cho người thám thính và phát hiện ra người Pháp quả là đang điều đến hơn bảy mươi tàu chiến, cách Phú Quốc khoảng một trăm hải lý. Tôi chợt hiểu, anh dù đang đứng bên kia chiến tuyến cũng không muốn thấy cảnh đất nước bị xâm chiếm bởi người Pháp. Có lẽ anh cũng biết là chẳng cần phải ám sát tôi làm gì. Việc người Pháp tấn công chắc cũng chẳng làm anh mấy bận tâm và có lẽ có lợi cho anh nữa. Nhưng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để gây chiến với họ. Anh còn đang lo lắng cho trận thư hùng nam bắc. Vậy thì chắc chắn việc tôi bị hạ độc là kiệt tác của người Pháp.

Thêm điều này nữa. Mấy ngày nay, tôi không nhận được tin tức gì về tướng Nguyễn Huỳnh Đức. Tôi hiểu ra một điều, anh đã làm thay đổi lịch sử và nhà Tây Sơn sẽ chiến thắng chung cuộc. Bởi thế, tôi mới mạo muội viết cho anh bức thư này. Mong rằng dù gì thì anh cũng hãy nghĩ đến đồng bào mình. Hãy phái đến đây một đoàn thuyền chiến để nhấn chìm người Pháp xuống sâu dưới đáy biển. Chắc điều này sẽ không khó đối với anh. Việc chiến thắng quân Miền Nam đã nằm trong tay anh rồi. Với ưu thế về hỏa lực, cộng với việc đánh bại cánh quân của Nguyễn Huỳnh Đức mà theo tôi chính là nguyên nhân mà không có một tin tức nào chuyển về thì có lẽ trong vòng một tuần lễ nữa theo cách tính của người thời đại chúng ta, anh sẽ dành được toàn thắng với mức tổn thất tối thiểu. Tôi viết ra đây bằng tất cả lòng chân thành của mình. Phụ hoàng đem ra trận gần như là toàn bộ binh lực rồi. Thành Gia Định lúc này chỉ có mười bảy nghìn binh sĩ lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Lại còn bốn vạn quân dự bị rải rác khắp các tỉnh thành nữa là hết.

Tôi thật đã suy nghĩ rất lâu và rất kỹ mới viết ra những dòng này. Bí mật về khách sạn Toàn Thịnh tôi cũng giữ kín. Ngay tối nay, tôi sẽ chủ động đến tìm gặp người nữ Quản lý của khách sạn để gửi bức thư này. Mong rằng nó sẽ đến được tay anh.

Gia Định, ngày 12 tháng 3 năm 1801 (theo lịch người Pháp và cũng là lịch anh đang dùng),

Phạm Phú Long

P/s: Sau này, xin anh đem hài cốt của tôi về chôn ở huyện Hoài Ân nhé. Tôi vốn là người sinh ra và lớn lên ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định trong thời đại của chúng ta.

Gấp bức thư lại, trong lòng Toản nổi lên nhiều cảm xúc khó tả. Anh thấy cảm thương cho một con người chỉ vì chính mình vô tình rơi vào tình cảnh hiện tại. Anh lại càng thấy phục sự thông minh của anh ta. Chắc chắn một điều, nếu anh ta không bi quan vì số phận thì kết quả ngày nay đã khác, Miền Nam sẽ còn phát triển rực rỡ hơn bây giờ nhiều. Và anh còn khâm phục anh là một người biết suy nghĩ vì đất nước.

Suy nghĩ thật nhiều, Toản đã ra quyết định của mình. Trận chiến với Nguyễn Ánh cũng sắp đến hồi kết thúc. Thành Diên Khánh lúc này đã nằm trong tay của Đặng Văn Phi. Nhà Tây Sơn lúc này vẫn còn một quân đoàn lớn cùng khoảng mười lăm nghìn quân dự bị đang trú đóng ở kinh thành Phú Xuân. Lại còn có một hạm đội đang đóng ở Vịnh Hạ Long nữa chứ. Đã đến lúc ra đòn quyết định, tấn công tổng lực đối với nhà Nguyễn ở phương nam rồi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Quang Huy cùng hai người anh được mời gấp đến văn phòng của Toản. Lúc này, anh không cần sự bàn bạc của ban tham mưu nữa, cần quyết định ngay. Cũng phải mất một tiếng sau, ba người nọ mới có mặt. Trên mặt họ, ai cũng biểu hiện ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu mình được vời đến là vì việc gì. Có một điều mà ai cũng nhận thấy, nhà vua hôm nay rất khác, có vẻ rất căng thẳng. Không đợi mọi người lên tiếng, Toản nói ngay vào đề:

- Hai anh cùng với Bộ trưởng. Chắc rằng các vị cảm thấy rất ngạc nhiên khi được triệu tập gấp đến như vậy. Có một tin tình báo hết sức quan trọng và đáng tin cậy vừa chuyển đến. Đã đến lúc chúng ta đánh đòn quyết định với Nguyễn Ánh rồi. Hơn nữa, lần này phải kể đến việc tiêu diệt luôn dã tâm của người Phú Lang Sa.

- Bệ hạ – Nguyễn Quang Huy thưa. – Không biết tin tình báo nói thế nào.

- Mọi người chú ý nhé. Hiện thời, Nguyễn Ánh gần như đã dồn hết binh lực để quyết chiến với ta ở đèo Cù Mông. Trong thành Gia Định chỉ còn mười bảy nghìn quân, đây là con số chính xác, cùng với bốn mươi nghìn quân dự bị rải rác các nơi. Ngoài ra, có hơn bảy mươi chiến thuyền của người Phú Lang Sa đang phong tỏa ngoài khơi vùng biển phía nam.

- Tin tức này từ đâu mà chú có, chú tư? – Thùy hỏi.

- Từ chính kẻ đối đầu với ta, Duệ Thái tử Cảnh. Nhưng em biết, đây là tin hết sức chính xác. Tại sao em lại tin tưởng vào tin này của y thì sau này các anh và tướng quân đây sẽ hiểu. Nhưng trước mắt, không thể để lọt việc này ra ngoài.

- Bệ hạ. Thần còn sống đến ngày nay và có địa vị thế này đều là do một tay ngài ban cho. Thần sẽ không thắc mắc. Ngài cũng không cần giải thích lý do, cứ ban một lời, thần sẽ thi hành ngay lập tức.

- Tốt, ta tin tưởng vào anh. Chúng ta hiện đã chiếm được thành Diên Khánh. Cánh quân đó sẽ không cần quay lại bao vây Phú Yên và đèo Cù Mông nữa. Khanh hãy lệnh cho họ nam tiến, hạ thành Gia Định.

- Thần tuân lệnh.

- Anh hai, anh hãy đem theo hai phần ba quân đoàn một tiến về đèo Cù Mông. Anh được trao toàn quyền thống lĩnh, dứt khoát đánh tan mười vạn quân của Nguyễn Ánh.

- Được. Chú cũng biết anh ngứa tay lắm rồi.

- Anh ba, anh đi biển nhiều năm. Bây giờ anh hãy lên soái hạm Vinh Quang, điều toàn bộ chiến thuyền Định Quốc cùng hai phần ba hạm đội một một đường tiến về Gia Định. Anh phải đi một vòng lớn, tránh không cho hạm đội hai và ba biết. Anh hãy nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền của người Phú Lang Sa xuống đáy biển, quyết không cho một tên nào sống sót. Và nhớ, chúng ta không thu nhận hàng binh.

- Được. Anh sẽ chứng tỏ cho người Châu Âu biết, người Việt chúng ta không phải là quả hồng mềm.

- Còn nữa, anh hai. Việc xách động đám người Thiên Địa hội và cướp biển ở phía Bắc tiến hành thuận lợi không?

- Hết sức thuận lợi. Hiện giờ nhà Thanh không có tâm tư để lo cho chúng ta đâu.

- Thế thì tốt, thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã nằm trong tay chúng ta. Thời khắc làm nên lịch sử đến rồi.

Nói đến đây, ánh mắt của Toản như bừng lên muôn ngàn tia sáng. Người yếu bóng vía nhìn vào có lẽ sẽ cảm thấy run sợ mà lẩy bẩy tay chân. Với hai người anh lớn, họ hết sức tin tưởng em mình sẽ làm nên nghiệp lớn. Và sự sắp đặt của vua Quang Trung ngày xưa khi không giao Đế vị cho hai người con lớn mà để cho họ phù trợ vua em đã hoàn toàn phát huy tác dụng. Ba anh em lúc này cùng nắm lấy tay nhau. Họ cùng nhau hét lớn, “Tây Sơn bất bại. Tây Sơn trường tồn. Đại Việt trường tồn”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện