Chương 53: Hội đàm​

Thành Phú Yên, hai ngày trước.

Nguyễn Phúc Ánh bị đánh thức bởi tiếng đàn dặt dìu phát ra từ khu vườn râm mát phía sau căn phòng mình đang ngủ. Ngoài kia, mặt trời đã lên cao.

“Mấy giờ rồi nhỉ?” – Nguyễn Phúc Ánh ngồi dậy, xoa xoa mắt. Phải nói đêm hôm qua chính là đêm ông ngủ ngon nhất mấy năm gần đây, không, phải nói đúng hơn là mấy mươi năm gần đây mới phải. Cuộc đời ông đến tận hôm nay chưa từng có một ngày bình yên. Nếu không phải ngày đêm lo việc quốc sự thì cũng là phiêu bạt nơi trời Tây hay chạy trốn kẻ thù. Ông đã cảm thấy quá mệt mỏi.

Làm xong vệ sinh cá nhân, ông thong thả dạo bước ra vườn. Tiếng chim hót líu lo như lay động mọi giác quan. Cảnh vật thật yên bình. Ôi! Sao ông yêu đến thế những khoảnh khắc bình yên này. Kể ra nhà Tây Sơn đối xử với ông cũng không đến nỗi tệ. Nguyễn Ánh sau ngày buông tay không bị nhốt vào lao ngục hay một nơi nào khắc nghiệt. Ngược lại, nơi ông đang ở là một căn nhà rộng rãi, nói đúng hơn thì đây chính là một biệt viện nghĩ dưỡng với một tòa nhà một tầng với hai mươi lăm căn phòng ngủ. Nơi đây vốn chính là nơi nghỉ dưỡng của các Chúa Nguyễn, ông bà của Ánh thuở đất nước còn chìm trong thế cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh. Phía sau nhà là một cái hồ cá rộng lớn đặt giữa một khu vườn râm mát.

Tiếng đàn réo rắt vẫn còn ngân vang, đủ sức xoa dịu những tâm hồn mêt mỏi, chán chường với cuộc sống đấu tranh mỗi ngày. Hòa cùng với nó là tiếng sáo cao vút. Rõ ràng có một sự phối hợp rất ăn ý giữa hai người với hai món nhạc cụ khác nhau. Nếu tiếng đàn dập dìu có sức xoa dịu tổn thương tâm hồn thì tiếng sáo cao vút kia lại thể hiện một ước mơ, một hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.

“Ai có thể ở đây lúc này và cùng song tấu một khúc nhạc hay đến thế?” – Trong lòng Ánh nghĩ thầm. Thật ra, ông đã có cho mình một đáp án, chỉ là ông vẫn còn ngờ ngợ. Cuối cùng thì ông cũng đã đến được nơi cần đến. Trước mặt ông là một cái hồ cá với những cây hoa súng nở rộ. Phía trên, những nhành dương liễu rũ xuống, làm dịu đi cái nóng vốn rất oi bức ở mảnh đất miền Trung cát cháy này. Bên hồ là một đôi thanh niên nam nữ thoạt nhìn còn rất trẻ, độ tuổi áng chừng mười tám, đôi mươi. Người nữ mỉm cười, lướt đôi tay ngọc gãy lên khúc nhạc du dương với chiếc đàn tranh. Người nam với dáng đứng tiêu sái, đôi mắt lim dim, thả hồn vào điệu sáo thanh tao.

Nguyễn Ánh cũng đứng lại. Đôi mắt ông khép lại, thưởng thức điệu nhạc tuyệt mỹ này. Bất giác, ông nhoẻn miệng cười, ngâm lên một khúc thơ:

Tiếng đàn theo gió bay xa

Giục người quân tử nơi xa tìm về

Hòa cùng tiếng sáo đê mê

Mang theo mộng đẹp nhìn về tương lai​

Đôi thanh niên nam nữ thoáng ngừng trong giây lát rồi lại tiếp tục song tấu một khúc nhạc khác, thanh âm vui tươi, trong sáng hơn. Lúc này, tiếng sáo như chuyển tải hình ảnh một người anh hùng xông pha trận mạc, tiết tấu nhanh, mạnh mẽ. Trong khi đó, người con gái thả vào lòng người một giai điệu ngọt ngào như tâm tình người vợ nơi quê nhà đêm ngày mong ngóng bóng dáng tình quân. Nghe một lúc, Ánh lại ngâm lên một khúc thơ khác:

Trai anh hùng chí tại bốn phương​

Vung gươm ngang dọc chốn sa trường​

Đập tan giặc giã, hận chiến tranh

Xây đắp giang sơn, sống an lành

Xa nơi tiền tuyến người có hiểu

Vợ hiền, con nhỏ, nhớ bao nhiêu

Một lòng ngóng trông ngày đoàn tụ

Buông bỏ gươm đao, thú thanh nhàn​

- Thật hay cho câu “Một lòng ngóng trông ngày đoàn tụ – Buông bỏ gươm đao, thú thanh nhàn”. Gia Long, ngài dậy rồi à?

- Ta dậy rồi. Nếu ta không lầm thì ngài đây là Tây Sơn Cảnh Thịnh, còn đây là...

- Chính thị tôi là Cảnh Thịnh. Còn đây là tiện nội, Đoàn Thị Ngọc Lan.

- Ra là vậy. Hai vị quả là trai tài gái sắc. Ánh tôi khâm phục.

- Ngài nói quá. À, mấy hôm nay ngài có gì không hài lòng không?

- À không. Mọi việc rất tốt. Ta không nghỉ tới các ngài lại không đem chúng ta nhốt lại.

- Nhốt lại? Tại sao phải nhốt lại? Ngục tù vốn chỉ dành cho tội phạm. Các ngài đã phạm tội gì? Mong muốn Giang sơn thống nhất là có tội chăng?

Nghe xong câu nói của Toản, Ánh hết sức ngạc nhiên. "Như thế nào mà y nói như vậy? Có phải là y đang cố tình đánh lừa ta? Nhưng xem nét mặt thì không giống như là giả tạo", Ánh suy tính trong lòng. Đang định hỏi lại, Toản đã cướp lời nói trước:

- Khoan đã. Bây giờ chưa phải lúc chúng ta nói chuyện này. Ngài mới ngủ dậy, chưa dùng bữa sáng đúng không? Chúng tôi cũng vậy. Vậy thì ba người chúng ta cùng nhau dùng điểm tâm đã.

- Vậy thì, mời. Ta cũng rất vui khi nói chuyện với ngài.

Bữa điểm tâm đơn sơ được dọn lên với món bánh tráng cuộn cá nục hấp cùng với trà sen thơm lừng. Đây cũng là một trong những món ăn yêu thích của người dân biển miền Trung. Món ăn tuy có đơn sơ nhưng lại thấm đượm bản chất người dân nghèo miền biển cát cháy và giông bão triền miên.

Sau bữa sáng, ba người quay lại hồ cá, nơi cây đàn tranh vẫn còn nằm yên trên chiếc bàn nhỏ. Có khác chăng là có thêm một chiếc bàn trà đơn sơ. Toản và Ánh ngồi đối diện nhau bên bàn trà. Phần Ngọc Lan, cô ngồi xuống bên cây đàn tranh của mình, gảy lên một khúc nhạc nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Ánh khẽ liếc nhìn Ngọc Lan với vẻ ái ngại. Ông dù là người có tư tưởng khá tiến bộ nhưng văn hoá Nho gia cũng đã ăn sâu vào máu. Bàn việc đại sự quốc gia lại có một nữ tử bên cạnh, với ông là một điều khó chấp nhận được. Hiểu được điều này, Toản nhìn vào ông và nói với vẻ đỉnh đạc:

- Gia Long Bệ hạ! Xin ngài cứ yên tâm. Nàng sẽ không tham dự vào cuộc nói chuyện giữa hai ta. Thú thật với ngài, tôi là người tôn trọng văn hoá dân tộc nhưng cũng không đến mức quá bảo thủ. Nữ tử thì sao? Vẫn còn đó những bậc anh thư như Bà Trưng, Bà Triệu hay Ỷ Lan Nguyên Phi. Hon là nữ tử nhưng cũng có chính kiến của mình. Có đôi khi, nữ tử còn có những cái nhìn sâu sắc, thấu tình đạt lý và những ý kiến còn xuất sắc hơn nam nhân. Dù vậy, tôi rất tôn trọng ngài nên không cho nàng can dự vào buổi đàm luận của chúng ta. Nàng chỉ ngồi đó gảy lên vài khúc nhạc. Đôi khi, trong những lúc chúng ta cảm thấy căng thẳng, tiếng đàn lại giúp xoa dịu tinh thần, giữa ngài và tôi sẽ dễ dàng thông cảm cho nhau hơn.

- Ngài đã nói thế thì ta cũng chấp nhận vậy. Quả thực, đôi lúc tôi có cảm giác ngài phải là một người nhiều tuổi hơn, giàu kinh nghiệm hơn. Điều này thật hiếm thấy với một người ở độ tuổi như vậy. Thế mà ngài lại hội tụ đủ những điều đó, chỉ có thể nói trước mặt ta là một thiên tài. Ôi! Giá mà bên cạnh ta cũng có một thiên tài như vậy, thế cuộc ngày nay cũng đã khác.

- Thực ra là ngài có đó nhưng lại nhận không ra đó thôi. Ý tôi chính là con trai ngài, Duệ Thái tử Cảnh.

- Không thể nào. Tuy là y có tài thật nhưng chưa xứng với hai chữ "thiên tài" đâu.

Ngoài mặt, Ánh nói thế nhưng trong thâm tâm ông, Cảnh là một niềm tự hào. Nghe đối phương nói vậy, Toản thoáng mỉm cười rồi hỏi:

- Tôi tin là ngài cũng biết loại chữ viết những truyền giáo người phương Tây biên soạn cho người Việt. Đó là loại chữ viết dễ học, dễ dùng mà chúng tôi đã phổ biến cho dân.

- Loại chữ này, ta có biết và cũng có học qua. Nói thật, nếu người chiến thắng là ta thì ta cũng sẽ cho dùng loại chữ viết này. Cũng như ngài, ta không muốn quá lệ thuộc vào người phương Bắc.

- Thế thì việc đơn giản hơn rồi. Tôi sẽ cho ngào xem một bức thư viết bằng loại chữ viết này. Nhưng trước hết, xin ngài hãy bình tĩnh và kìm lòng. Vì đây là thư do chính con ngài, Thái tử Cảnh viết và ngài sẽ hiểu vì sao con trai mình là một thiên tài. Hơn nữa, trong đó còn có một tin không vui.

Ánh thoáng có chút bất ngờ khi nghe điều này. Ông cầm lấy mẫu giấy Toản đưa. Đây chính là bức thư Cảnh thông qua khách sạn Toàn Thịnh gửi cho Toản. Đương nhiên, Toản đã cắt đi đoạn nói về thân thế thực sự của hai người.

Ánh đọc từng dòng chữ của con mà lệ tuôn rơi. Ông không ngờ con trai mình lại có tầm nhìn xa như vậy, lai tài giỏi như vậy. Ông lại vô cùng đau đớn khi biết bệnh tình của y.

Như hiểu được lòng của vị vua oai hùng một cõi, tiếng đàn chợt vang vọng, thể hiện hết tác dụng sửa chữa những thương tổn tâm hồn của mình. Một lúc sau, Ánh quay sang chắp tay nói với Ngọc Lan:

- Cám ơn, Ngọc Lan Hoàng hậu. Tiếng đàn của cô cũng giúp ta vơi đi chút ít nỗi đau buồn.

- Không có chi, Bệ hạ. Thiếp không giúp được gì nhiều. Chỉ mong tiếng đàn của mình lam cho cuộc đàn luận này dễ dàng hơn thôi.

- Cảnh Thịnh! Quả là ngài đã đúng khi an bài Hoàng hậu ở đây. Ta phục ngài rồi.

- Gia Long Bệ hạ quá khen. Chúng ta quay về việc chính thôi. Xin hỏi, suy nghĩ của ngài thế nào sau khi đọc thư?

- Ta đã già, quá già rồi. Thật khó mà tin những người trẻ tuổi như ngài và con ta lại có tầm nhìn xa như vậy. Ta đoán, chắc ngài đã phái binh đi viện trợ Gia Định rồi chứ?

- Tôi đã phái binh đi cách nay bảy ngày rồi. Người thống lĩnh hải quân chính là anh ruột của tôi, Chinh Tây Vương Nguyễn Quang Bàn, trên bộ thì lại là tướng quân Đặng Văn Phi, con trai của Thượng tướng quân Đặng Văn Long. Tôi đoán, giờ này có lẽ Thái tử đã ra đi và người Phú Lang Sa đã động binh.

- Ta tin vào phán đoán của ngài.

Gương mặt Ánh như già thêm cả chục tuổi. Ông hiểu, thế cuộc nay đã xác định và dã tâm của người Phú Lang Sa cũng nhanh chóng sẽ bị dập tắt.

- Ta là kẻ thua cuộc. Dù có thất vọng nhưng lại tâm phục, khẩu phục, khác với Phụ vương ngài. Nhưng ta cũng mừng là ngài vẫn còn biết nghĩ đến bá tính, nghĩ đến sự tồn vong của dân tộc. Ngài nói đi, ngài muốn ta làm gì?

- Họa ngoại xâm thực ra chưa phải là đã bị dập tắt. Dã tâm của người phương Bắc và người Phú Lang Sa, kể cả Anh Cát Lợi vẫn còn đó. Nhưng nếu tôi có cách để cả hai chúng ta đều là người chiến thắng, ngài có tin không?

- Không thể nào. Điều này không thể xảy ra. Thắng là thắng, thua là thua, ta phải chấp nhận.

Thật. Trăm nghĩ, nghìn nghĩ Ánh vẫn không thể nào hiểu được Toản đang nghĩ gì. Có câu "thắng làm vua, thua làm giặc", không thể nào có chuyện cả hai cùng "làm vua". Chỉ có một lý do duy nhất: đầu hàng. Khi đó, Ánh sẽ thành về tôi của Toản. Thân là một vị vua, điều này là một sự xỉ nhục.

- Gia Long Bệ hạ! Xin ngài hãy bình tâm mà nghe tôi nói. Ngài có tin, trong thời gian rất ngắn sắp tới, Hoàng đế chỉ còn trên danh nghĩa, quyền lực nằm trong tay bá tính. Chỉ khi nào Giang sơn lâm nguy hay có kẻ chuyên quyền, Hoàng đế mới là người đứng ra giữ bình yên cho bá tính hay không?

- Làm gì có chuyện đó. Nếu Hoàng đế không có thực quyền thì ta và ngài tranh đấu cho ngôi cửu ngũ chí tôn để làm gì?

- Vậy mà sẽ có đó. Ngài thử ngẫm lai xem. Trong lịch sử nước nhà, có vương triều nào là mãi mãi trường tồn hay không? Sẽ có một ngày, vương triều đu có mạnh cách mấy cũng xuất hiện một hôn quân. Vua ép dân phản, vương triều sụp đổ.

- Đúng vậy, thiếu gì những vị vua như thế. Lý Long Đỉnh khi xưa là một điển hình. Nhưng như vậy thì đã sao?

- Như vậy cho thấy dân mới là gốc của quốc gia. Dân như nước, quân như thuyền. Nước bình yên phẳng lặng thì thuyền sẽ nhẹ nhàng lướt sóng. Nhưng khi nước giận dữ sục sôi, thuyền sẽ lật nhào. Nếu như vậy, tôi thà giao vận mệnh đất nước vào tay bá tính. Phần mình, tôi sẽ giữ vai trò người định hướng.

Nói đến đây, Toản dừng lại cho Ánh có thời gian suy nghĩ. Rõ ràng ý tưởng nay của Toản chính là nền Quân Chủ Lập Hiến. Nhưng trong tình cảnh hiện tại, làm thế nào cho Nguyễn Ánh hiểu được mới là vấn đề khó nhất. Sự im lặng giữa hai người kéo dài một thời gian khá lâu. Xung quanh không còn bất kỳ tiếng nói nào. Chỉ có tiếng đàn tranh réo rắt nhu dẫn dắt suy nghĩ của hai người.

"Lẽ nào y lại để cho bá tính lựa chọn cho mình người thích hợp nhất để lãnh đạo? Lẽ nào tất cả mọi người đều có thể làm quan?" Những câu hỏi lởn vởn trong đầu Ánh. Bất giác, Ánh nhớ đến một đất nước ở Châu Âu mà mình có lần đọc được trong những cuốn sách lịch sử thời còn ở trên đất Phú Lang Sa. Đó chính là Đế quốc Hy Lạp với hình thức nghị viện. Nhưng những nghị viên đó lại do giới quý tộc và nhà giàu chọn lựa.

- Hay là ngài có ý muốn nói đến thể chế như đế quốc Hy Lạp ngày xưa với hình thức nghị viện?

- Đó là nghị viện của giới quý tộc và nhà giàu, không phải là của mọi người dân. Thể chế mới của chúng ta cũng sẽ tương tự như vậy nhưng sẽ có khá nhiều thay đổi. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ huy động được tất cả sức mạnh của cả dân tộc. Ý ngài thế nào?

- Ta vẫn còn mơ hồ lắm. Nhưng nếu có thể giúp Giang sơn thu về một mối, ta sẽ sẵn sàng đáp ứng. Cái khó là làm sao để bá tính nghe theo. Ngài cũng biết, dân ở phía Bắc không thích ta và dân ở phía Nam không thích ngài.

- Vấn đề này tôi cũng tính rồi. Nhưng trước hết, có một việc cần làm rõ. Tôi biết lý do ngài tuy từng bại trong tay Phụ hoàng tôi nhưng không phục, lại còn hận. Vì chính Phụ hoàng từng xúc phạm phần mộ của tổ tiên nhà họ Nguyễn. Xúc phạm như thế nào có lẽ không cần phải nói nữa.

Nhận thấy Ánh thoáng có chút phẫn uất, Toản dừng lại một chút để ông bình tâm lại. Đoạn, anh nói tiếp:

- Ông bà có câu: "nợ cha, con trả". Tôi xin thay mặt cha nói lời xin lỗi đến với gia tộc ngài. Đồng thời, cho người xây lại từ đường nhà họ Nguyễn. Không biết ý ngài thế nào?

- Thôi, chuyện đã qua thì cũng qua rồi. Bây giờ có oán trách thì cũng được ích gì. Oán thù nên cởi. Lẽ ra, với cương vị người chiến thắng, ngài không cần làm những việc như thế này. Vậy mà ngược lại, ngài lại có hành động như bây giờ cho thấy ngài là một con người độ lượng và biết nghĩ đến bá tính lê dân. Ngài nói sao thì cứ làm vậy đi.

- Có được câu nói này của ngài, tôi cảm thấy mừng lắm. Giờ đây, tôi xin nói ra kế hoạch của mình.

Nói đoạn, Toản bắt đầu nói rõ. Trước hết, anh không còn gọi Ánh là ngài nữa. Xét theo vai vế, Toản gọi ông là chú. Cảm mến sự chân thành của anh, Ánh đã đồng ý. Tiếp nữa là kế hoạch. Theo đó, chiến bại của Ánh ở đèo Cù Mông bị giấu nhẹm đi. Thay vào đó, cả hai sẽ tuyên bố là bất phân thắng bại. Đúng lúc người Phú Lang Sa tấn công Gia Định. Vì thương cho dân lành, không muốn Giang sơn rơi vào tay giặc, cả hai tiến hành hoà đàm ở Phú Yên. Điều quan trọng là có sự hoà giải giữa hai nhà. Nguyễn Ánh cũng đã có tuổi nên lui về, chấp nhận nhường lại Giang sơn cho Toản nhưng ông vẫn giúp cho vị tân Hoàng đế với vai trò cố vấn cùng tước vị Thái thượng Hoàng.

Nói đến tước vị Thái thượng hoàng, lẽ ra nó chỉ dành cho một vị vua khi đến tuổi già muốn nhường ngôi cho con cháu. Phải nói Ánh vô cùng nhạc nhiên với quyết định này của Toản. Song, ông nhanh chóng bị thuyết phục bởi câu nói tiếp theo "Giờ đây hai ta đã là chú cháu. Chúng ta đã là người một nhà. Hơn nữa, chú đồng ý thoái vị nhường lại Giang sơn cho cháu. Ấy không phải là hành động của một vị Thái thượng hoàng là gì. Hơn nữa, thực tâm cháu mong muốn chua xem cháu như con cháu trong nhà. Vả lại, việc hoà giải dân tộc và đoàn kết dân tộc phải bắt đầu từ chua cháu mình".

Vậy là, Toản nhờ đó mới thuận lợi tiếp quản miền Nam. Nguyễn Ánh cũng được lòng dân miền Bắc, được xem như một người hết sức cao thượng và biết lo nghĩ cho bá tính lê dân.

Theo đó, quả thật như lời Toản nói, cả hai người đều thắng. Và quan trọng hơn, Nguyễn Ánh cũng thoát khỏi tiếng xấu đầu hàng. Cả hai quyết định sẽ đưa một hạm đội và một quân đoàn gấp rút về Gia Định đánh đuổi người Phú Lang Sa. Phần họ sẽ thư thả về sau ít ngày.

Vậy là cuộc nội chiến kéo dài mấy mươi năm giờ đây đã chính thức khép lại. Nó kết thúc không theo cách mọi người hay nghĩ, sẽ có kẻ thắng người thua, cũng không có cảnh người thắng tru diệt cả gia tộc người bại. Ngược lại, người đứng đầu hai thế lực lại bắt tay nhau, xem nhau như họ hàng máu mủ. Họ dùng cách kết thúc này để bảo toàn những tinh hoa, nhân tài cho dân tộc. Và một trang sử mới cũng đã được viết lên. Một dân tộc anh hùng và yêu chuộng hoà bình đã chính thức tỉnh lại sau cả trăm năm say ngủ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện