Chương 54: Nhường ngôi​

"Hoàng thượng lâm triều"

Ngày 30 tháng 3 năm 1801.

Đây là thời điểm quan trọng của cả đất nước. Hai ngày trước, Nguyễn Ánh đã quay về Gia Định. Đi cùng với ông là Quang Toản, Quang Thuỳ cùng mười ba người thuộc Bộ Chính trị nhà Tây Sơn chỉ trừ Nguyễn Văn Tuyết, Thái hậu Bùi Thị Nhạn và Ngô Thời Nhiệm. Bảy bạn quân của miền Nam vẫn được giữ lại ở Phú Yên, chỉ có các tướng lĩnh cấp cao quay về. Dù sao đi nữa, Toản vẫn có chút lòng phòng bị. Rủi chẳng may đến phút cuối, Ánh trở giáo quay lại đâm mình một nhát thì hoá ra công sức bấy lâu đổ sông đổ biển hết. Cả tướng Nguyễn Văn Thành sau mấy ngày dưỡng thương ở Diên Khánh cùng Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Trương bị bắt ở Pleiku cũng được đưa về.

Đoàn người nghỉ ngơi một ngày. Hôm sau, tất cả quan viên, tướng lĩnh thân tín được mời đến họp kín. Cuộc họp này còn có sự hiện diện của vua tôi nhà Tây Sơn, lẽ dĩ nhiên. Khác với các vị quan khác, những người này hiểu rõ sự tình chiến cuộc giữa hai nhà. Thế nên, họ không có gì ngạc nhiên khi Ánh và Toản nói lại kế hoạch của mình. Khi nói đến kế hoạch để Ánh làm Thái thượng hoàng, Toản bất ngờ nói:

- Các vị. Trước khi nói đến việc tiếp theo, ta có việc muốn tuyên bố. Thì hằn giữa Phụ hoàng và Gia Long Bệ hạ chắc mọi người cũng hiểu được nguyên do. Nay thời cuộc đã khác, cũng chính là lúc cởi bỏ oán thù. Khi về đến Phú Xuân, ta sẽ sai người khôi phục tổ miếu nhà họ Nguyễn. Các vị thấy thế nào?

- Hoàng thượng! - Phan Huy Ích nói - Đây là việc nên làm. Thần không dám nói mình đại diện cho tất cả mọi người. Chỉ nói riêng bản thân thần, việc này sẽ giúp hai nhà cởi bỏ oán thù. Lê dân trăm họ vì thế mà cũng cảm thấy vui. Việc đoàn kết toàn dân tộc cũng dễ dàng hơn.

- Cảnh Thịnh Bệ hạ! - Người lên tiếng là Lê Quang Định - Thần thấy ngài nên định ngày khai mở Tổ miếu thành một ngày lễ. Gọi là "Ngày hoà giải" và được kỷ niệm hằng năm. Đây chính là dấu mốc quan trọng cho toàn dân tộc nhớ lại tổ tiên mình đã từng tranh đấu sống còn. Nay hai nhà đã hoà hợp và xây dựng một nền hoà bình thịnh trị. Và cũng nhắc nhở mọi người, chúng ta là đồng bào, phải yêu thương và đoàn kết với nhau.

- Hoàng thượng! - Bùi Thị Xuân cũng xen vào - Thần thấy, nhân đây, chúng ta cũng khôi phục luôn tổ miếu của nhà họ Trịnh. Dù sao đi chăng nữa, họ cũng là những người sống chết vì giang sơn. Chẳng qua do thời cuộc đưa đẩy mà họ lên tiếm quyền.

Ý kiến của ba người làm dậy lên một không khí bàn luận sôi nổi. Điều làm mọi người bất đồng duy nhất chính là lập Tổ miếu nhà họ Trịnh. Vả lại, hậu nhân dòng họ này còn mấy người đâu. Tuy nhiên, chính Nguyễn Ánh là người hết sức ủng hộ. Chính dòng họ này đã cùng gia tộc ông tranh đấu cả trăm năm, ông cũng không thích cho lắm. Nhưng suy cho cùng thì lời của Xuân nói lại rất đúng. Vả lại, oán thù nên cởi, không nên kết. Cuối cùng thì mọi người cũng đồng ý.

Tiếp theo, Toản lại làm dấy nên một hồi phong ba khi tiếp tục tuyên bố:

- Các vị. Gia Long Bệ hạ dù sao thì cũng là người cùng thời với Phụ hoàng ta. Bản thân ta cũng rất phục con người ngài. Ta muốn hoà giải dứt khoát hơn. Ta muốn bái ngài làm nghĩa phụ.

"Ái chà chà! Chú tư nhà mình thật là cao minh. Làm như vậy là hoàn toàn dập tắt tư tưởng nổi loạn của Nguyễn Ánh rồi đây". Cả hai người anh của Toản không hẹn mà lại cùng nhau có chung suy nghĩ. Quả thật đây là nước cờ cao minh. Một mặt giúp Ánh thuận lợi làm Thái thượng hoàng. Mặt khác, Ánh sẽ không còn lý do gì để mà phản lại nữa. Cả hai anh em nhìn nhau và cùng cười. Quang Thuỳ lên tiếng nói:

- Phải đó. Nhưng không chỉ có chú tư nhà ta. Cả ta và chú ba cũng muốn nhận ngài làm nghĩa phụ. Chú Ánh à, xin ngài hãy chấp nhận.

- Con cũng đồng ý. - Quang Bàn nói thêm - Chú cũng biết Phụ hoàng chúng con mất sớm. Chú tư còn ít tuổi nên thiếu sự chăm sóc của Người nên không có gì phải bàn. Ngay cả hai người con lớn chúng con, từ nhỏ đã phải xa Người mà cùng các chú lăn lộn sa trường. Chúng con cũng thèm muốn có được tình thương của người cha. Vả lại, Thái tử Cảnh cũng là một trong những người con nể trọng, trước mộ cậu ta, chúng con xem nhau như anh em. Gọi người một tiếng nghĩa phụ cũng không có gì quá đáng.

Một người như Ánh làm sao mà lại không hiểu được tâm tư và suy tính của mấy anh em họ. Nhưng ngẫm lại, ông thấy Bàn nói vô cùng có lý. Vả lại, ông vừa mất một đứa con, nay bỗng dưng được đền bù bằng ba đứa khác, lại tài giỏi vô song thì còn gì bằng. Ông nói:

- Nếu các con không ngại như vậy thì ta hà cớ gì mà không nhận ba con làm nghĩa tử?

- Nghĩa phụ trên cao, xin nhận một lạy của nghĩa tử.

Ba anh em đồng thanh nói và lạy Ánh một lạy. Phải nói cái lạy này có giá trị vô cùng khi mà nó mang lại sự ổn định cho cả đất nước. Từ chính cái lạy này, Giang sơn mới thật sự gọi là thống nhất.

Đoạn, Ánh và Toản tiếp tục nói về kế hoạch của họ. Toản cũng hé lộ một ít về thể chế mới. Anh biết mình không thể áp dụng ngay lập tức mà là từng bước một.

Việc tiếp theo nữa là Phan Huy Ích trình bày sơ lược cách tổ chức chính quyền, giáo dục và kinh tế mà nhà Tây Sơn đang áp dụng. Những người ở miền Nam dù đã biết được ít nhiều qua những tin tình báo trước đây vẫn không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi nghe chính miệng Ích nói ra. Vào cuối buổi họp, Toản nói thêm:

- Còn hai việc nữa ta muốn làm ngay. Thứ nhất là dẹp bỏ Tô giới và sáp nhập Gia Định, Sài Gòn và Chợ Lớn lại thành một gọi là thành phố Sài Gòn. Ta muốn nơi đây trở thành thành phố lớn nhất cả nước, phát triển nhất cả nước về kinh tế. Ta làm điều này là để tạo thành thế chân vạc. Theo đó, cố đô Thăng Long sẽ là thủ phủ văn hoá, Sài Gòn là thủ phủ kinh tế, tài chính, Phú Xuân là thủ đô, là nơi chính trị sẽ phát triển và nằm giữa cả hai thành phố. Cả ba sẽ là bộ mặt của quốc gia.

- Chúng thần đồng ý. - Mọi người cùng đồng thanh.

- Thứ hai. Ta muốn Đại Việt ta từ nay sẽ có tên mới: Vương quốc Việt Nam, hay chỉ cần gọi là Việt Nam thôi.

...............

Quay trở lại với buổi thượng triều. Nguyễn Ánh sai lão thái giám già tuyên đọc chiếu chỉ mình vừa soạn đêm qua. Giọng tuyên chỉ the thé vang lên, hầu như tất cả mọi người đều giật mình hoảng hốt.

"Phụng thiên thừa vận,

Hoàng đế chiếu viết,

Trẫm từ ngày nhận di mệnh tổ tiên, không ngày nào lại không lo nghĩ. Nếu không phải là bình loạn thì cũng là nghĩ cách làm cho quốc thái dân an.

Nhờ phúc ấm của tổ tiên, ở vùng đất trẫm trị vì mấy năm qua, dân tình ấm no, yên bình. Trẫm chỉ còn một mối lo lớn nhất. Đó là thu Giang sơn về một mối.

Nhân việc đã tích lũy đầy đủ quân lương, quân nhu, trẫm quyết tâm đánh một trận cuối cùng với mười lăm vạn quân. Định bụng, trận này sẽ dẹp tan Nguỵ quốc mà giờ đây ta phải gọi bằng tên đúng là nhà Tây Sơn.

Đến khi hai quân chính thức đụng độ, trẫm nhận ra một sự thật. Đối phương cũng là một phương thái bình thịnh trị. Cảnh Thịnh là một vì vua trẻ, tài giỏi và yêu dân như con. Quân đội của họ mạnh hơn ta nhiều lắm. Mười lăm vạn quân chỉ còn hơn bảy. Bại cục đã định.

Trong lúc này, giặc Phú Lang Sa lại lập mưu giết Thái tử, xâm chiếm nước ta. Điều bất ngờ lại là chính Cảnh Thịnh đến gặp trẫm. Anh ta đề nghị trước mắt bãi binh, lại phái quân thần tốc tiến về giải cứu Gia Định. Và sự thật đã chứng minh là việc đồng ý bãi binh là chính xác.

Trẫm nhiều đêm qua suy nghĩ rất nhiều. Thực tế là quân ta bại cục đã định. Nhưng Cảnh Thịnh lại không lấy đó làm kiêu ngạo, lại bày cho ta một kế để "cả hai cùng thắng", giấu nhẹm trận thua của chúng ta. Từ đó cho thấy đây cũng chính là một vì vua nhân đức mà cả Giang sơn đang cần. Trẫm quyết định hoà giải với nhà Tây Sơn. Mới hôm qua thôi, trẫm quyết định thu ba anh em nhà Tây Sơn làm nghĩa tử.

Nay, trẫm lại ra một quyết định. Từ sau ngày hôm nay, trẫm sẽ thoái vị, nhường ngôi cho Cảnh Thịnh. Từ nay Giang sơn đã thực sự thu về một mối.

Vậy các Khanh khi xưa đã tận trung với trẫm thế nào thì nay cũng hãy tận trung với nghĩa tử ta như vậy.

Khâm thử"

Cả triều thần phút chốc cảm thấy sững sờ. Thật ra, việc Nguyễn Ánh thất bại là điều mà ai cũng đều biết. Từ chính việc ông về Gia Định cùng Toản đã tố cáo tất cả. Họ cũng lờ mờ đoán ra giữa hai vị vua có một thỏa thuận ngầm nào đó. Thật không ngờ, chính Toản là người đề nghị Ánh giấu nhẹm việc mình bại trận. Thế mà chính ông lại tự thừa nhận thất bại của mình. Qua đó cũng thấy rõ đây quả là hai con người cao thượng và biết nghĩ đến cảm nhận của đối phương, biết nghĩ đến lê dân và đáng được mọi người tận trung. Giữa lúc mọi người im lặng, Toản lên tiếng:

- Nghĩa phụ. Sao người không nghe con, giấu nhẹm kết quả chiến cuộc đi? Phải giữ trong lòng các quan và bá tính hình tượng một vị vua oai hùng chứ. Đằng này...

- Nghĩa tử! Ta biết con suy nghĩ cho ta. Kế sách "cả hai cùng thắng" quả thật là tuyệt. Thế nhưng, "cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra". Mọi người rồi cũng sẽ biết. Chi bằng chính ta thừa nhận tất cả. Vậy sẽ tốt hơn.

- Thần đồng ta với Bệ hạ. - Một vị quan già bước lên - Thật thần rất phục hai vị. Người làm nghĩa phụ thì dám nhìn thẳng vào sự thật. Người làm nghĩa tử lại biết hy sinh cái tôi của kẻ chiến thắng, hướng đến lợi ích của dân tộc trước hết và nghĩ đến sĩ diện của nghĩa phụ. Cho dù trong hai vị, ai là vua, thần cũng thề tận trung.

- Đúng vậy! Chúng thần thề tận trung.

- Quang Toản! Con thấy chưa? Đôi khi dám nhìn thẳng vào sự thật lại tốt hơn rất nhiều so với né tránh. Đây chính là kinh nghiệm của người đi trước.

- Nhi tử đã hiểu. Xin nghĩa phụ an lòng. Bởi vậy, việc người lui vào hậu trường làm cố vấn cho con với tư cách Thái thượng hoàng là phúc của con, phục của lê dân trăm họ.

Vậy đấy. Cuối cùng cuộc nội chiến kéo dài cả trăm năm kết thúc bằng một cách không ai dám nghĩ tới. Không có sự trả thù tanh máu. Không có cảnh nồi da xáo thịt. Tất cả đều đến từ những con người được xem là thiên tài và biết nghĩ cho dân tộc. Vậy là từ nay, lịch sử nước nhà chinh thức bước sang trang mới với viễn cảnh voi cùng tươi sáng.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện