Chương 55: Lễ đăng cơ
Tin tức về việc nhường ngôi của Nguyễn Ánh nhanh chóng lan xa. Trong mấy ngày này, nó cũng là chủ đề được bàn tán xôn xao khắp mọi miền của đất nước. Sức thu hút của đề tài này lớn đến nỗi nó cũng được đưa vào thơ ca. Ngay cả những đứa trẻ cũng thuộc nằm lòng:
Nghe vẻ nghe ve
Từ ngày lập quốc
Trải mấy nghìn năm
Này là sự lạ
Có ông vua trẻ
Đổi mới canh tân
Thế nước vững vàng
Dẹp tan ngoại loạn
Thêm vua họ Nguyễn
Yêu nước thương dân
Nức tiếng xa gần
Không ngại gian khó
Nếm mật nằm gai
Chờ ngày phục quốc
Hai miền đất nước
Chiến loạn phân ly
Vua trẻ phương Bắc
Đóng ở Phú Xuân
Gia Định phương Nam
Ấy đất họ Nguyễn
Giang sơn thống nhất
Chí của hai vua
Tranh đấu lâu ngày
Vẫn chưa phân định
Đến năm Tân Dậu
Một ngày tháng hai
Phương Nam đại bại
Giặc Phú Lang Sa
Thừa cơ xâm lược
Thế sự khó lường
Ngờ đâu vua trẻ
Chẳng muốn hơn thua
Một phen bày kế
Muốn để hai vua
Đều là người thắng
Kết quả phân tranh
Sai người giấu nhẹm
Binh chia hai đường
Phương nam dẹp giặc
Lại bái Nguyễn vương
Lên hàng nghĩa phụ
Giải hết oán cừu
Giang sơn thống nhất
Nghĩa lớn đại thành
Mừng vui khôn tả
Bỗng chiếu ban ra
Nguyễn vương bố cáo
Trận chiến hôm nào
Thật ra mình bại
Thoái vị nhường ngôi
Cho người nghĩa tử
Nếu hiểu sâu xa
Cũng thành nghĩa lớn
Nghe vẻ nghe ve
Trải qua mấy ngày sóng gió, thành Gia Định nhanh chóng trở về với sự yên bình vốn có. Khác chăng chỉ là khắp nơi, người ta giăng đèn kết hoa. Vị vua mới mấy ngày nữa sẽ làm lễ đăng cơ tại đây. Ngày trước, đa phần dân chúng không thích nhà Tây Sơn. Với họ, các chúa Nguyễn khi xưa và ngày nay là vua Gia Long mới là vị quân chủ của mình. Đó cũng chính là lý do vì sao khi năm xưa vua Quang Trung dù ai cũng biết là anh minh thần võ cũng không cách nào bắt được Nguyễn Ánh, dân chúng che chở cho ông ta. Rồi các vị nhân sĩ giỏi giang nức tiếng cũng không hề muốn giúp sức cho vị anh hùng cờ đào áo vải. Nhưng nay lại khác. Chính vị vua mà họ thương yêu lại lên tiếng bênh vực và nhường ngôi cho vua Cảnh Thịnh. Nhưng cũng cần phải nói thêm, người dân xứ nam này kể cũng phóng khoáng. Họ chẳng mấy khi quan tâm ai là vua, chỉ cần người nào đó họ thích, đem lại cuộc sống no đủ thì họ ủng hộ, có vậy thôi.
Hôm nay, đường phố Gia Định xuất hiện hai ông cháu. Đứa bé mới lên ba, trông rất hiếu động, hoạt bát và thông minh. Nó thấy đám trẻ con tụ tập hát bài vè thì cũng thắc mắc dữ lắm. Nó hỏi ông mình:
- Nội ơi! Con nghe người ta hát có từ “nghĩa lớn”. Thế, nghĩa lớn là sao hở ông?
- Thăng ơi, con còn nhỏ lắm, chưa hiểu được nghĩa lớn là gì đâu.
- Không! Thăng lớn rồi. Thăng còn biết viết tên mình nữa cơ. Hôm trước thấy mấy anh đi học thầy đồ về có nói tiểu nghĩa với đại nghĩa. Nghĩa lớn có phải là đại nghĩa không nội?
- Cháu của ông giỏi quá. Ừ thì nghĩa lớn chính là đại nghĩa con à. Mà tiểu nghĩa và đại nghĩa đều là từ nghĩa mà ra. Vậy con có hiểu không?
- Hiểu… hiểu… hiểu… Ông nội đừng coi thường Thăng. Ai làm cho người khác vui vẻ, hạnh phúc là có nghĩa. Làm lợi cho ít người là tiểu nghĩa, làm lợi cho nhiề người hơn là đại nghĩa.
- Ha… ha… Thăng giỏi lắm. Thế nội hỏi con nè. Tại sao trong nam, người ta nói nhà Tây Sơn là giặc Ngụy thế mà sao bây giờ họ lại nói là nhà vua có đại nghĩa?
- Vì “thắng làm vua, thua làm giặc” ạ. Ổng thắng và thống nhất giang sơn nên đem lại lợi ích cho nhiều người hơn hồi trước nữa nên mới có đại nghĩa.
- Vậy tại sao vua Gia Long thua, lại nhường ngôi cũng có đại nghĩa? Lẽ ra phải nói ông ta hèn nhát, sợ chết nên làm vậy mới đúng chớ.
- Vì ông ta không muốn dân khổ vì chiến tranh nữa ạ. Vả lại, ông ta là người chính trực, không vì sợ xấu hổ mà giấu nhẹm trận thua đó.
- Giỏi lắm! Cháu nội của ông vậy là hiểu rồi đó. Được rồi. Nội thưởng cho con một chén chè nha.
- Hoan hô! Ông nội có đại nghĩa.
Cậu bé nhảy cẩng lên khi được ông dẫn đến một quán chè gần đó. Cậu nhanh chóng chỉ vào nồi chè hạt sen to tướng mà bảo ông mua cho. Cuộc đối thoại giữa hai ông cháu cho thấy cậu bé này tuy nhỏ mà đã sớm hiểu chuyện. Cậu tỏ ra rất thông minh. Cậu tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng, chính là vị Lãnh Binh Thăng uy dũng ngày sau.
Không chỉ có hai ông cháu mà hầu như những người phương nam này ai cũng hiểu được vì sao cả hai vua đều thành nghĩa lớn. Họ tuy có vẻ ngoài phóng khoáng, không tranh đua với đời, lại có vẻ chân chất hiền lành nhưng lại rất thông minh. Điều này đã được minh chứng khi mà dòng chảy lịch sử chưa bị thay đổi, họ đã nhanh chóng hòa nhập và có tư tưởng vô cùng tiến bộ khi mà người Phú Lang Sa xâm chiếm đất nước. Và còn có những người hiểu thấu đáo hơn. Quang Toản đạt thành đại nghĩa không khó giải thích. Việc Nguyễn Ánh cũng đạt thành đại nghĩa thì có phức tạp hơn đôi chút. Thế mà họ hiểu hết đấy. Nguyễn Ánh thấy chỉ có sức mạnh của nhà Tây Sơn mới cứu đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm, ông vì nghĩ tới hạnh phúc của muôn người mà chấp nhận bỏ qua thù hằn, nhận ba người con nuôi, thoái vị nhường ngôi, lại còn ra sức bênh vực và ủng hộ cho Toản. Một người bình thường khó có thể làm được điều này bởi lẽ, dù có ai được xưng tụng là hiền nhân cũng khó tránh khỏi suy nghĩ làm sao cho mình thu được nhiều lợi ích nhất. Ông làm thế, bề ngoài có vẻ như mất đi rất nhiều, song, trên thực tế, ông lại thu được rất nhiều. Ông đã có được sự kính ngưỡng của toàn dân, ông lại chứng tỏ mình là người có lòng vị tha.
……………
Hôm nay là ngày 29 tháng 4 năm 1801, tức là ngày 17 tháng 3 năm Tân Dậu.
Đã một tháng kể từ ngày Nguyễn Ánh tuyên bố thoái vị nhường ngôi. Điều kỳ lạ mà ai cũng thấy. Đó là buổi lễ đăng cơ lại được cử hành ở cổng thành Tây chứ không phải là trong triều. Từ mấy ngày trước, quan quân đã phong tỏa hoàn toan nơi đây. Một tế đàn cao được dựng lên. Người ta còn nhung thấy từng thùng thuốc nổ được mang tới. Tế đàn đương nhiên là phải có. Còn thuốc nổ thì để làm gì đây?
Từ sáng sớm, dân chúng đã nô nức kéo về xem lễ. Họ đứng thành từng vòng, xem ra rất trật tự. Nhiều người bỗng dưng trào nước mắt. Họ có người là những bậc trí giả già nua, cũng vì vui mừng Giang sơn đã đến ngày thống nhất. Còn có những người khóc vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân thường được xem thấy đại lễ quan trọng bậc nhất.
Đến dự khán đại lễ ngoài bá quan còn có đại diện của Anh Cát Lợi, đại diện của các nước lân bang gồm Xiêm, Cao Miên, Ai Lao, Miến Điện, chức sắc các tôn giáo, đại diện các hãng buôn lớn của cả người Việt lẫn phương Tây và Trung Hoa. Sự hiện diện của các nước khác kể cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng việc các tôn giáo và thương buôn cũng được mời đến lại làm người ta ngạc nhiên. Chưa hết, các nước nhỏ xung quanh đều được mời, thế tại sao không có nhà Mãn Thanh? Toản và bề tôi của mình đang tính toan gì đây?
Đó là nói về con người. Trên tế đàn, người ta thấy có bảy chiếc bàn với bảy món đồ tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế. Phía trước là một bộ hương án với hai cây nến lớn cùng với lư hương. Phía sau là một chiếc trống đồng truyền thống được đặt trên giá cao.
Phía dưới đài, Toản cùng Nguyễn Ánh ngồi trên hai chiếc ngai vàng. Trước mặt họ là hai hàng bá quan văn võ hợp cùng hàng ghế của các khách mời thành hình chữ U.
Đúng tám giờ sáng, giờ lành đã điểm, vị Thái giám già hầu cận Nguyễn Ánh bao năm xuống lên:
"Giờ lành đã đến. Mời chư vị bá quan, các vị quan khách cùng lê dân bá tính đứng dậy".
Sau khi tất cả mọi người đều đã đứng dậy và ổn định, ông ta mở chiếu chỉ nhường ngôi ngày trước Nguyễn Ánh cho tuyên đọc sau khi trở về Gia Định. Ngoại trừ bá quan, tất cả mọi người ở đây chưa từng nghe qua. Giờ đây, họ mới tin những đồn đoán trước kia là thật. Quả đúng là Nguyễn Ánh vì đại nghĩa và rất thẳng thắn khi tự nhận mình đã bại, rồi ông còn nhận ba anh em Thuỳ, Bàn, Toản làm con nuôi nữa. Tất cả mọi người lúc này đã thật sự khâm phục hai vị vua từng đứng ở hai đầu chiến tuyến. Lúc này, vị Thái giám lại xướng tiếp:
"Mời Gia Long Bệ hạ lên đài thắp nến, hương và tuyên bố nhường ngôi".
Lúc này, Ánh đứng dậy, tiến lên tế đàn trên cao. Ông thắp sáng một ngọn nến, thắp lên ba cây nhang trầm, khấn vái trời đất. Đoạn, ông nói:
"Kính lạy trời cao, kính lạy tổ tiên, cùng kính lạy thần dân trăm họ. Trẫm từ ngày gánh vác việc Giang sơn, kế thừa đại thống cũng đã trải mấy mươi năm. Đến nay, thời cuộc đã khác, sứ mạng của Trẫm cũng đến hồi kết thúc. Nay, Trẫm ở đây, kính cáo với tất cả. Từ ngày hôm nay, Trẫm thoái vị và nhường ngôi cho nghĩa tử và cũng từng là địch thủ rất đáng nể phục, Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn".
Tiếp theo, Toản cũng được mời lên tế đàn. Vị Thái giám lại tiếp:
"Thỉnh Gia Long Bệ hạ truyền cho tân hoàng bảy món tín vật tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế".
Từng món tín vật được Ánh trao cho Toản. Đầu tiên là chiếc Hoàng bào tượng trưng cho gánh nặng Giang sơn, chiếc mũ Long quán tượng trưng cho ngôi cửu ngũ chí tôn, thanh gươm tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế, tấm bản đồ đất nước tượng trưng cho cả Giang sơn, Ngọc tỷ, Một quyển sách tượng trưng cho việc chính sự, Một cây súng nạm vàng tượng trưng cho quân đội.
"Mời tân Hoàng thắp lên ngọn nến đánh dấu ngày đầu tiên lĩnh mệnh trời cùng thắp ba nén nhang để tế cáo trời đất" - lão Thái giám lại nói.
Toản y lời làm theo. Khi anh vừa cắm xong ba nén nhang trầm vào lư hương cũng là lúc bá quan văn võ đồng loạt quỳ xuống mà tung hô vạn tuế. Lúc này, vị Thái giám già lại một lần nữa lên tiếng:
"Thành lễ. Mời Hoàng thượng nói đôi lời và ban đạo thánh chỉ đầu tiên".
Nghe thấy lời này, Toản thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng, những lễ nghi rườm rà cũng đã xong. Đứng trên đài cao nhìn xuống bá quan và dân chúng, anh dõng dạc mà nói:
“Kính cáo với trời đất, tổ tiên cùng lê dân trăm họ,
Toản nay nhận mệnh trời, lên ngôi cửu ngũ. Dù sao, Toản vẫn là người phàm, chắc chắn sẽ mắc nhiều sai lầm. Đến khi đó, khẩn mong lê dân trăm họ thương mà bỏ quá cho. Tuy vậy, Toản hứa sẽ cùng với mọi người đưa nước Việt ta thành một quốc gia hùng cường, đời sống của muôn người được ấm no, hạnh phúc.
Nay Toản lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Lại cho dùng Quốc hiệu Việt Nam trên toàn cõi đất nước. Quốc hiệu này nhắc cho mỗi người nhớ rõ, chúng ta là dân tộc Việt, sinh sống ở phương Nam. Toản muốn chúng ta tách khỏi hoàn toàn sự ảnh hưởng của người Trung Hoa ở phương Bắc mà đại diện là Đại Thanh triều.
Sau lại truy phong cho Phụ hoàng Quang Trung – Nguyễn Huệ là Anh Võ Thái thượng hoàng, nghĩa phụ Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh là Nhân nghĩa Thái thượng hoàng. Toản còn trẻ, kính mong nghĩa phụ đảm nhận việc cố vấn. Lại nữa, kính dâng nghĩa phụ Hoảng giản, nếu Toản có lầm đường lạc lối, nghĩa phụ có quyền dùng nó mà đánh Toản trước mặt muôn dân.
Đó là sắc lệnh thứ nhất. Cái thứ hai chính là. Các quan địa phương tiến hành thống kê lại nhân khẩu. Mỗi người dân Việt từ nay trở đi được gọi là công dân và được phát một thẻ gọi là Chứng minh thư. Tác dụng của nó là để mỗi người dù đi đến đâu cũng được biết đến là người dân nước Việt. Đây là việc quan trọng, yêu cầu quan viên tiến hành làm gấp.
Thứ ba, mỗi người từ khi sinh ra, lớn lên, già lão, bất kể là nam – phụ – lão – ấu đều có quyền được học hành đến nơi đến chốn. Vậy, từ hôm nay, Toản lệnh cho các địa phương xây dựng trường học, phân cấp từ Tiểu học đến Sơ trung, Cao trung. Nên nhớ, giáo dục, văn hóa là cái gốc của mỗi con người, điều này cần được nghiêm chỉnh thực hiện.
Thứ tư, mấy nghìn năm qua, dân ta chịu ảnh hưởng nặng nề của người phương Bắc. Chữ viết của chúng ta dù là chữ Nôm vẫn là chữ của họ. Toản muốn dân ta cắt đứt hoàn toàn sự ảnh hưởng này. Hai trăm năm gần đây, những nhà truyền giáo phương Tây đã giúp người dân ta sáng tạo ra một loại chữ viết mới. Toản đã cho người nghiên cứu cải tiến và phổ cập ở toàn miền Bắc. Đây là thứ chữ viết dễ học, dễ dùng. Từ ngày hôm nay, tất cả mọi người trên toàn lãnh thổ đều phải học thứ chữ này và nó sẽ có tên là chữ Quốc ngữ.
Thứ năm, để thống nhất trên toàn quốc, Toản cho dùng hệ thống tiền tệ mới thay cho hệ thống cũ. Theo đó, tiền xu vẫn được sử dụng như bình thường nhưng là loại mới. Ngoài tiền xu, còn có tiền giấy với mệnh giá lớn. Xin bá tính miền Nam yên tâm sử dụng. Toản cho tới nay đã áp dụng thử nghiệm ở toàn miền Bắc và nhận được sự hài lòng bởi tính tiện dụng của nó. Các quan viên địa phương sẽ thay mặt Toản giải thích và đổi tiền cho mọi người.
Thứ sáu, Toản sẽ thay đổi chính sách đất đai. Theo đó, mỗi người dân đều có đất để trồng trọt, chăn nuôi, tất cả nông sản, hoa lợi đều thuộc về mình. Mỗi năm hoặc mỗi tháng, tuy theo thu hoạch của mỗi người mà quy thành tiền để đóng thuế nhưng mức đóng không được quá mười phần trăm. Chính sách này như thế nào thì trong vòng một tháng nữa, mọi người sẽ được phổ biến.
Thứ bảy, Toản sẽ cho cải cách chế độ quân ngũ. Theo đó, các binh sĩ già lão, trên hai mươi bảy tuổi sẽ được trả về quê an dưỡng và sinh sống. Mỗi người sẽ được cấp vốn để tính kế sinh nhai. Toản lại không cần truy thu lương thực hay tiền tài mỗi tháng. Thay vào đó, mỗi người dân trên mười tám tuổi hàng năm phải đóng góp một số tiền rất nhỏ gọi là Phí An ninh – Quốc phòng, và số tiền này cũng không quá một phần trăm thu nhập.
Thứ tám, Toản phân đất nước thành ba miền Bắc, Trung, Nam để tiện bề quản lý. Mỗi miền đều có một thủ phủ riêng. Theo đó, miền Bắc lấy cố đô Thăng Long làm thủ phủ và sẽ là đại diện cho nền văn hóa của dân tộc. Miền Trung lấy Kinh thành Phú Xuân làm trung tâm và sẽ đại diện cho hệ thống chính quyền trung ương. Miền Nam sẽ lấy Gia Định làm thủ phủ và sẽ đại diện cho nền kinh tế, tài chính của cả nước.
Thứ chín, về thành Gia Định. Toản nhận thấy quy mô hiện nay không phù hợp với tầm vóc của nó. Toản ra lệnh sát nhập Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn làm một và lấy tên mới là Thành phố Sài Gòn. Tô giới cũng bị bãi bỏ. Toản sẽ cho người quy hoạch lại thành phố để nó trở thành một thành phố kiểu mẫu cho cả nước. Người dân Gia Đinh, Sài Gòn, Chợ Lớn hãy lấy đó làm niềm tự hào của mình.
Thứ mười, mọi người cũng biết, với hỏa lực quân sự hiện nay, thành quách không còn đủ khả năng phòng thủ như ngày xưa nữa. Chỉ cần một quả đạn đại bác cũng có thể làm nó lung lay. Vả lại, các bức tường thành vô tình cũng trở thành biểu tượng của sự ngăn cách. Trong khi đó, Toản muốn mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt bất cứ một ai. Do vậy, từ hôm nay, Toản ra lệnh phá bỏ toàn bộ các bức tường thành trên toàn quốc. Bắt đầu từ thành Gia Định. Nhưng khác với các địa phương khác, nơi đây, Toản cho giữ lại một phần của tường thành phía Đông để làm minh chứng cho lịch sử.
Thứ mười một, Toản chủ trương đoàn kết tôn giáo. Mỗi người đều có tự do tín ngưỡng theo một tôn giáo nào mình thích. Bởi vậy, lệnh cấm tôn giáo sẽ được triệt để bãi bỏ. Các vị chức sắc tôn giáo, các vị nếu cần nơi thờ phụng, là Chùa miếu, là Nhà thờ, là Đình viện, chỉ cần các vị thấy cần thiết, Toản sẽ duyệt cho xây mới hay sửa chữa tùy nhu cầu.
Thứ mười hai và cũng là cuối cùng. Lệnh bế quan tỏa cảng từ nay cũng sẽ phá vỡ hoàn toàn. Toản cho phép mọi thương buôn khắp nơi đổ về đây buôn bán. Toản cũng khuyến khích thương buôn trong nước vươn ra thế giới bên ngoài mà làm giàu cho mình và cho đất nước. Nếu ai có phương án khả thi, Bộ Thương nghiệp sẽ hỗ trợ người đó hết mình. Báo cho các vị một tin vui, hiện nay, Anh Cát Lợi đang có hiệp ước với chúng ta, Toản sẽ giúp các vị vượt biển để buôn bán hợp pháp. Ngoài ra, sứ bộ của triều đình cũng sẽ đi trước, đến các nước khác đặt mối quan hệ để tiện bề cho mọi người sau này. Nên nhớ, nếu chúng ta chỉ nhập mà không xuất, nền kinh tế chắc chắn sẽ suy yếu, chúng ta sẽ trở thành người bị lệ thuộc. Hãy cho toàn thế giới biết, chúng ta cũng có những món hàng hóa đặc trưng của mình.
Những lời của Toản đã hết. Giờ đây, mọi người hãy nhìn về bức tường thành phía trước, nó sẽ bị đánh sập hoàn toàn. Con kính mời nghĩa phụ lên đánh một hồi trống, sau hồi trống này, tường thành sẽ biến mất. Và hồi trống này cũng chính là tiếng trống báo hiệu nền hòa bình thịnh trị mới trên toàn cõi Giang sơn chính thức bắt đầu”.
Dứt lời, Nguyễn Ánh nhận lấy hai chiếc dùi, tiến về chiếc trống đồng đặt trên cao. Ông vung tay đánh một hồi trống giòn giã, vang vọng. Nước mắt ông không hiểu tự lúc nào lại chảy ra. Ông chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi. Đây chính là giây phút đất nước hoàn toàn quy về một mối. Có khác chăng, người đứng đầu đất nước không phải là ông. Song, điều này có là gì khi mà người nhận mệnh trời lại là nghĩa tử của mình, là người dù nhỏ tuổi hơn vẫn được ông nể trọng với tính cách khoan dung, đại lượng mà tài giỏi vô song.
Hồi trống vừa dứt cũng là lúc hàng loạt tiếng nổ vang rền. từng mảng, từng mảng tường thành đổ sụp xuống. Rất nhiều người dự khán bỗng dưng rưng rưng lệ. Họ khóc, những giọt nước mắt chảy ra chính từ tấm lòng của họ. Họ khóc nhưng trong bụng lại vui mừng khôn tả. Bức tường đổ xuống cũng đại diện cho quá khứ u mê, trầm luân đã biến mất. Trước mắt họ là một chân trời mới, diện mạo của Giang sơn từ đây sẽ thay đổi hoàn toàn. Sự an bình thịnh trị từ nay sẽ trường tồn. Một đất nước hùng cường bắt đầu được sinh ra. Con rồng đất Việt đã bừng tỉnh và bay lên chín tầng trời.