Chương 57: Kế hoạch chống ngoại xâm​

Trở lại với buổi thượng triều đầu tiên sau lễ Đăng cơ. Sau khi bãi triều, Toản mời các vị trong bộ Chính trị, bộ Quốc phòng cùng Nguyễn Ánh và hai người anh đến vườn hoa phía sau. Tại đây, một bàn tiệc nhỏ đã được bày ra với trà, rượu và vài món ăn nhẹ. Toản nói:

- Nghĩa phụ và các vị Khanh gia, sáng giờ chắc mọi người chưa kịp dùng bữa đâu nhỉ. Chúng ta trước hãy dùng ít chút đồ ăn rồi đi vào công việc.

- Con thật là khéo, Toản à – Ánh nói. – Ta từ sáng đến giờ cũng có ăn gì đâu. Nào, mọi người cùng ngồi vào bàn đi.

Mọi người cùng cười rồi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Nhìn hồ nước trước mặt, ánh mắt Nguyễn Ánh như chìm vào trong hồi tưởng. Lát sau, ông lại nói.

- Con nuôi à! Cha thấy hình như thiếu thiếu cái gì đó thì phải.

- Chắc cha nhớ tới buổi đàm luận hai tháng trước ở Phú Yên đúng không? Thiếu một cây đàn tranh và một cây sáo.

- À… Ờ… đúng rồi. Nhưng còn một điều nữa. Người đánh đàn. Nói thật, cha rất thích nghe cô con dâu nuôi này đánh đàn.

- Nghĩa phụ, con đã ở đây nãy giờ rồi.

Từ sau khóm hoa thược dược đang khoe sắc, Hoàng hậu Ngọc Lan yểu điệu bước tới. Cô ôm theo cây đàn tranh quý giá của mình, mỉm cười chào hỏi Ánh cùng hai người anh chồng và bá quan.

- Thím tư này – Quang Bàn cất tiếng trêu chọc. – Từ ngày cô về làm dâu nhà này. Anh hai với anh chưa từng nghe em đánh đàn. Thế mà nghĩa phụ lại được thưởng thức trước. Không công bằng.

- Anh chả gọi là nghĩa phụ còn gì. Cha thì phải được nghe trước con chứ. Vả lại, hi… hi… em còn chưa tính sổ vụ chị ba có tài kéo violon tuyệt hay nữa đó. Chị em em thường hay cùng nhau hòa tấu. Lúc đó thì anh vẫn còn ở mãi đâu đâu, hỏi sao mà nghe được.

- Ha… ha… Hóa ra con dâu nuôi thứ hai, à không, phải là thứ nhất chứ cũng có tài đánh đàn à? Ngày trước, khi ở bên Phú Lang Sa, cha từng được thưởng thức tiếng đàn violon. Âm thanh của thứ nhạc cụ này êm ái và hay vô cùng.

- Vậy đi, để anh về nói với Sophia. Thế nào cũng phải cho hai em đọ sức đánh đàn một phen. Để xem vợ của anh hay vợ của chú tư, ai giỏi hơn. Anh thì thua kém chú tư nhiều mặt quá rồi, không thể thua trong việc này được.

- Này, này. Ít ra thì con vẫn còn hơn một người đấy. chẳng phải anh hai của con vãn chưa có vợ sao?

- À… há… Con quên mất. He… he… anh hai. Khi nào anh cho ra mắt chị hai đây? Em với chú tư chờ dài cổ rồi đấy.

Nghe thế, Thùy gãi đầu, ấp úng nói:

- Ơ… ơ… Việc này không gấp được đâu. Vả lại… anh còn chờ ý kiến một người.

Anh nói thế rồi đưa mắt liếc nhìn vị bộ trưởng đáng kính nhưng sợ vợ số một, Nguyễn Văn Tuyết. Ý anh thế là đã quá rõ. Toản nhanh ý quay sang Tuyết:

- Chú Tuyết à? Vậy là cháu biết đối tượng của anh hai rồi. Chú biết là ai không?

- Cái này à? Cái này thì chú biết lâu rồi. Khổ nỗi, có người cứ im, không dám lên tiếng. Nhát gái thế này khéo lại phải ế mất thôi.

- Nhát gái? – Thùy hỏi – Chú Tuyết này, thế ngày xưa chú tỏ tình trước hay thím vậy nhỉ?

- Hay cho cái tên nhóc nhà ngươi. Dám ghẹo gan chú à?

- Ủa? Hóa ra ông Tuyết anh dũng phi thường cũng mắc bệnh nhát gái à?

Ánh cũng nhân dịp công kích. Cũng phải nói, ông cũng rất nhanh chóng hòa nhịp và làm thân với những người Tây Sơn như Tuyết. Và điều này cũng làm cho những người hầu cận ông bao nhiêu năm thấy ngạc nhiên thích thú. Không ai ngờ vị quân vương năm xưa sau lớp Hoàng bào kia lại là con người vui vẻ, dễ gần đến thế.

- Thái thượng hoàng không biết đó thôi – người lên tiếng là Trần Quang Diệu. Phải nói, ngoài Vũ Văn Dũng thì Diệu là người thích châm chọc Tuyết nhất. – Lão Tuyết nhà ta nổi tiếng là sợ vợ số một, chẳng bù với tôi. Ha… ha…

Đang nói, Diệu bỗng thấy sau lưng lạnh buốt. Bởi lẽ, không biết từ lúc nào mà có một đôi mắt sắc lẹm đang chiếu tướng ông. Nếu không phải là ánh mắt của bà vợ yêu quý Bùi Thị Xuân thì còn ai vào đây nữa. Nhưng Xuân chỉ làm đến đó rồi thôi. Có lẽ, chuyện gì xảy ra sau đó thì chỉ có hai người biết. Bà nói thêm:

- Quay lại việc chính đi. Hóa ra Quang Thùy đang tăm tia cô bé Ngọc Sương đó à?

- Ôi… chị họ. Đến chị cũng châm chọc em sao? Mà kể cũng lạ, đối với chị, đây là chính sự à?

- Đừng đánh trống lãng. Đừng để chị phải hỏi trực tiếp cô bé.

Đến đây, mọi người phá lên cười. Không ai có thể nhận ra đây là buổi nói chuyện giữa nhà vua và quần thần. Mọi người còn xem nhau như anh chị em. Đến nỗi, nhóm cựu thần nhà Nguyễn mà đại diện là Lê Quang Định cũng không cảm thấy xa lạ nữa. Ông tiếp ngay một đoạn thơ ngắn:

Hay cho danh tướng nước nhà​

Sa trường chinh chiến chỉ là trò chơi

Tưởng rằng uy vũ muôn nơi

Không ngờ ngậm đắng ở nơi tình trường

Lại thêm một đấng thân vương

Trong tay quyền lực vẫn nhường chị em

Mọi người ngẩn mặt mà xem

Mở mang tầm mắt, lại thêm vui cười.

Quả là một việc vui tươi

Cha hiền, rể quý, hai người kết thân.​

Đó, bấy nhiêu cũng đủ hiểu giữa những người trước kia đối đầu nhau nay đã hóa giải hết mọi oán cừu. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Chính những con người này mới có thể tạo dựng nghiệp lớn. Với kẻ thù, họ là hung thần, quyết chí không tha. Ngược lại, với những người của mình, họ xem nhau như anh em một nhà. Nước Việt cần lắm những con người như thế.

- E… hèm… Quay lại việc chính thôi – Toản nói.

- Bệ hạ, xin mời nói – Lê Quang Định nhanh chóng cởi bỏ dáng vẻ cười đùa mà quay lại với mục đích của buổi nói chuyện hôm nay.

- Trẫm nói đây. Mọi người cũng biết, chúng ta tuy đã thống nhất Giang sơn nhưng vẫn còn đó mối lo ngoại xâm. Mọi người phân tích thử xem tình hình thế nào.

Mọi người bắt đầu tiến hành thảo luận trong tiếng đàn nhẹ nhàng của Ngọc Lan. Hóa ra, vấn đề thứ tư mà Toản muốn đề cập chính là họa ngoại xâm. Một điều ngạc nhiên nữa chính là Ngọc Lan. Ai đời một vị Hoàng hậu, được xem là Mẫu nghi thiên hạ như cô lại hạ mình đệm đàn cho những người ở đây. Thế nhưng, điều mọi người ít biết, đó là Ngọc Lan cũng góp ý rất nhiều cho các quyết định của chồng. Những buổi như thế này, cô rất thích. Mọi lời của những người ở đây không thể nào lọt khỏi tai cô. Trong vai trò người đứng ngoài cuộc thảo luận, cô luôn có những ý kiến khách quan hơn để mà bổ sung cho Toản.

Lúc này, việc được nhiều người thảo luận nhất là mối họa từ người Phú Lang Sa. Đa số đều cho rằng người phương Bắc lúc này lại không đáng ngại. Việc một hải đội của Phú Lang Sa xuất hiện và tấn công cảng Bến Nghé ngày trước cho thấy dã tâm của họ. Hiểu rõ người châu Âu nhất tại nơi này không ai khác ngoài Ánh và Bàn. Song, chính Quang Thùy, người chưa từng chạm trán với Phú Lang Sa lại phát pháo bác bỏ khả năng của mối đe dọa này. Anh nói:

- Chắc mọi người đều nhớ chỉ lệnh của Quang Toản là không để bất kỳ một người Phú Lang Sa nào sống sót dù là tù binh. Điều này trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ của dân tộc ta từ nghìn xưa, đó là yêu chuộng hòa bình và đề cao lòng nhân ái. Có ai hiểu được lý do không?

- Thần quả là có thắc mắc về điều này từ ngày Bệ hạ ra chỉ lệnh. Nhưng thân là thần tử, lại chịu ơn cứu mạng và nâng đỡ của Bệ hạ, thần vẫn không hề lên tiếng hỏi lại. Chẳng hay Vương gia có thể giải tỏa khúc mắc này của thần và mọi người ở đây không? – Nguyễn Quang Huy đặt câu hỏi ngược lại.

- Phải đó – Trịnh Hoài Đức lên tiếng. – Nói thật, tôi lúc đó hoàn toàn bất ngờ khi nghe hiệu lệnh của Văn Phi tướng quân và Chinh Tây Vương gia. Tôi cũng muốn biết nguyên do.

Thùy lúc này nhìn về phía Toản. Nhận thấy cái gật đầu của người em, anh mới giải bày:

- Mục đích của việc đuổi tận giết tuyệt này không phải là vì chúng ta tàn nhẫn. Cái chính là không để người Phú Lang Sa biết được thực hư của ta. Chắc chắn việc không nhận được hồi báo của Hải đội, những người chỉ huy cấp cao của giặc chắc chắn đoán ra tình hình thảm bại của mình. Thế nhưng, họ nhất định sẽ không dám tấn công chúng ta vì chưa biết tình hình quân lực của chúng ta. Vả lại, việc đi lại trên đại dương phải mất vài tháng trời nếu không muốn nói là cả năm trời. Trước một địch thủ mà mình hoàn toàn mơ hồ, các ngài có dám mạo muội tấn công không?

- Ra là các ngài muốn bịt mọi tin tức. Nhưng thế thì cũng không thể giữ được mãi. Bởi lẽ trong thành lúc đó vẫn có những thương buôn và những người truyền giáo Phú Lang Sa. Họ vẫn có thể lặng lẽ truyền tin tức về.

- Việc này thì tôi biết – người lên tiếng là Quang Bàn. – Thắc mắc của đại nhân bao gồm hai đối tượng. Đó là giới thương buôn và các nhà truyền giáo. Về giới thương buôn. Thật ra, tôi đã cho thuyền chiến bịt tất cả các con đường của họ trên biển. Cứ hễ gặp thương thuyền nào, chúng tôi đều ép họ quay về, dù là thương thuyền của nước nào. Chờ sau ngày thống nhất của Giang sơn hôm nay mới cho phép họ rời đi. Và đó cũng chính là lý do của việc phá vỡ lệnh bế quan tỏa cảng hiện tại. Giới thương buôn cũng được mời đến dự khán lễ Đăng cơ cũng chính là để họ hiểu, chúng ta khuyến khích họ buôn bán. Là những người làm ăn, họ rất ít khi muốn nhúng tay vào việc chính trị, quân sự. Chỉ cần ai đem lại lợi nhuận lâu dài thì sẽ lấy được lòng tin của họ. Họ sẽ không dễ dàng tự đập vỡ nồi cơm của mình đâu.

- Tôi hiểu rồi – Hoàng Minh Khánh nói. – Nhưng còn những nhà truyền giáo. Tôi có từng nghe một đoạn trong tôn chỉ của họ, đại khái là để mọi vua, mọi nước phải quỳ dưới chân của lãnh tụ bọn họ. Theo tôi được biết thì người đó là vị gọi là Đức Giáo hoàng và các vị Hồng y Giáo chủ.

- Vấn đề này thì Trẫm có thể giải thích – Toản nói xen vào. – Điều đó xuất phát từ câu “Đức Ki – tô là vua muôn vua, là chúa các chúa” và câu tôn chỉ của những người theo dòng Tên như ý ngài nói là “Nguyện khiến mọi quốc gia phải quỳ phục dưới chân Ngài”. Thật ra, mọi người đã hiểu lầm câu này. Không phải họ đến đây để xâm lược. Họ đến để truyền bá niềm tin của mình. Trên tinh thần, Đức Ki – tô hay còn gọi là Đức Chúa, cũng chính là người được xưng là “Ngài” trong câu sau là lãnh tụ tinh thần. Ý họ nói chính là Vương triều trên trời, nơi mà mọi người chỉ đến được sau khi chết. Điều này không hề mang ý nghĩa trần gian.

- Thế sao còn có các cuộc “Thập tự chinh” và “Thánh chiến”? – Người hỏi là Nguyễn Ánh.

- Nghĩa phụ. Cha không biết nguồn gốc sâu xa của nó. Đây là cuộc chiến giữa người Thiên Chúa giáo La Mã và người Hồi giáo. Nói cho đúng thì đó là một cuộc nội chiến. Bởi lẽ, hai tôn giáo này có cùng nguồn gốc là Do Thái giáo. Bắt đầu từ khi người Hồi giáo xâm chiếm các lãnh địa của người Thiên Chúa giáo, kể cả Thánh địa Jerusalem. Quốc vương các nước bị xâm chiếm đã chạy đến cầu viện Đức Giáo hoàng Urban II. Đáp lại, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi các quốc gia châu Âu giúp đỡ và chiến tranh nổ ra. Vả lại, chiến tranh cũng đã kết thúc từ thế kỷ thứ mười ba.

- Việc lịch sử thế nào thì ta khoan hãy xét tới – Bàn xen vào. – Trước mắt, những nhà truyền giáo đến đây với mục đích duy nhất là phổ biến đức tin của họ. Vả lại, họ đến đây trên những thương thuyền. Thời điểm đó, các thương thuyền đã bị chặn thì họ biết đi đâu mà báo tin. Vả lại, hiện tại chúng ta đã cho phép họ truyền giáo công khai, mắc chi mà họ lại làm điều gây hại cho ta.

- Trẫm hiểu rồi – Ánh gật đầu, nói. Và mọi người cũng đừng ngạc nhiên khi ông xưng mình là “Trẫm”, bởi lẽ Thái thượng hoàng dù gì cũng được kể là vua.

- Cũng cần nói thêm – Bàn nói. – Thật ra, dù cho người Phú Lang Sa có biết được kết quả thì cũng không dám tấn công ta lúc này. Nếu lúc trước có người nào đó sống sót và về báo tin, họ sẽ tấn công ta ngay vì lúc đó họ vẫn đang ở rất gần ta, ngoài khơi Ấn Độ. Tuy nhiên, sự chậm trễ thông tin đã làm họ e ngại. Và, một điều nữa cần hết sức lưu ý. Đó là giờ đây họ đang chiến đấu chống lại cả châu Âu mà đứng đầu là Anh Cát Lợi nên không có rảnh tấn công ta đâu.

Mọi người lúc này đã hiểu ra cớ sự. Họ gật đầu đồng ý với những nhận định này. Vậy thì nỗi lo của nhà vua chẳng phải là người phương Bắc hay sao? Nhưng giờ đây, nhà Thanh mà người nắm quyền là Gia Khánh Hoàng đế vẫn đang còn hòa hảo với ta, chưa có động binh. Vậy thì còn lo lắng điều gì? Võ Tánh lúc này mới hỏi:

- Bệ hạ. Ý ngài có phải là chúng ta sẽ nghĩ cách đối phó với nhà Thanh?

- Đúng vậy. Trẫm đang muốn có hành động với họ. Trẫm muốn năm năm nữa sẽ có một cuộc chiến. Nhưng lần này không phải là vì chúng ta có ý định xâm chiếm mà là đe dọa họ. Chúng ta bao nhiêu năm phải xưng thần với họ. Vị vua nào của đất nước cũng vì để quốc thái dân an mà vẫn phải hạ mình sang đó để được sắc phong. Với Trẫm, đây là một nỗi nhục. Trẫm muốn cho họ thấy, chúng ta là một nước chứ không phải là một quận của họ. Giữa ta và họ là mối quan hệ ngang hàng chứ không phải ta thấp hơn họ. Nhưng chiến tranh nào cũng phải có lý do, và chính nghĩa phải nằm trong tay ta. Các khanh xem thử có kế sách nào hay không?

Nguyễn Huỳnh Đức nói:

- Bệ hạ, thần có một cách. Đó là dù Bệ hạ đã lên ngôi nhưng chúng ta vẫn không đi sứ sang đó để nhận được sắc phong. Hãy lấy lý do là quốc sự còn bề bộn. Nhiều lần như thế, họ sẽ xem là chúng ta khinh thường họ. Gia Khánh sẽ cho quân sang đây chiinh phạt. Vậy là chúng ta đã có cớ là đánh đuổi ngoại xâm.

- Cách này không ổn – Võ Tánh nói. – Bệ hạ, chỉ cần chúng ta một năm không đi sứ, nhận sắc phong là đã khiến họ nổi giận đem quân tràn sang đây rồi. Nhưng đúng như Bệ hạ nói, chúng ta cần năm năm.

- Hay là trước chúng ta vẫn đi sứ. Nhưng đến năm thứ ba hay thứ tư hoặc thứ năm chúng ta không đi nữa. Và chúng ta cũng không cần cống nạp cho chúng. – Trịnh Hoài Đức góp ý.

- Trẫm thấy không ổn – Ánh nói. – Như vậy, dù sao cũng vẫn là ta đã xưng thần với chúng. Phải làm sao để chúng ta vừa không chịu cái nhục quốc thể này, vừa có dịp cho chúng một bài học.

Lúc này, Quang Thùy sau một hồi lâu suy nghĩ cũng đã có ý kiến của mình.

- Tôi có cách này. Chẳng phải trước giờ chúng ta vẫn ủng hộ Thiên Địa hội ở Lưỡng Quảng và hải tặc ở Đài Loan hay sao? Bây giờ, chúng ta tăng thêm tài lực và binh khí ủng hộ Thiên Địa hội để bọn họ làm phản. Lại nữa, trong số chiến thuyền ta dự định bán cho nước ngoài, hãy để vài chiếc tặng cho đám hải tặc Đài Loan để chúng ra sức tấn công. Lúc này, nhà Thanh phải lo âu bình ổn nội loạn thì không còn sức đâu mà xâm lược nước ta. Đến bốn năm sau, ta sẽ nhờ gián điệp của CPQ đã cài bên đó lúc trước kích động, bảo rằng ta xem thường Thiên triều, đem quân hỏi tội ta. Vậy thì mọi việc sẽ vừa khéo năm năm.

- Ý kiến hay – Bàn góp lời anh mình. – Mọi người còn nhớ Mã Kim Đa, hiện đang là Đại sứ của Anh Cát Lợi chứ? Hiện tại, chúng ta đã cho phép họ có một cảng sửa chữa tàu thuyền ở Quảng Trị. Mục đích của họ chỉ là để có nơi đặt chân mà chiếm nhà Thanh thôi. Và họ cũng chưa có cái cớ hợp lý. Lần này tôi sẽ bày kế cho Mã Kim Đa. Bảo rằng, hiện tại hai nước là minh hữu. Việc nhà Thanh tấn công Việt Nam chính là tấn công đồng minh của họ. Vì thế, họ có quyền hỗ trợ đồng minh của mình đánh nhà Thanh. Đây là cái cớ tốt nhất. Lúc đó, ta và Anh Cát Lợi hai đường đánh tan quân phương Bắc và tiến sâu vào lãnh thổ nhà Thanh.

- Hay… ý hay… – Ánh nói – Quả là một công đôi chuyện. Nhân tiện đây, chúng ta sẽ chiếm luôn đất, à không phải nói là đòi lại vùng Lưỡng Quảng vốn là đất đai tổ tiên.

Mọi người lúc này mắt sáng rực. Hùng tâm lại trỗi lên. Họ quyết phen này phải rửa nhục cho nước nhà. Song, Toản lại nói:

- Nghĩa phụ! Chúng ta đúng là phải đánh tận thành Bắc Kinh. Nhưng sau đó, ta sẽ rút về cùng với lời cảnh cáo. Ta không cần đòi Lưỡng Quảng lúc này.

Mọi người hết sức ngạc nhiên. Toản thì ngược lại, anh bình tĩnh nói tiếp:

- Chúng ta không cần mang tiếng xấu xâm lược mà vẫn có Lưỡng Quảng.

Lại một lần nữa, mọi người há hốc nhìn vào vị vua trẻ. Trong hồ lô của Toản đang bán thuốc gì? Làm gì mà có chuyện dễ dàng như thế?

- Các vị nghe Trẫm nói. Anh ba, ngày thành hôn, anh vẫn chưa có quà hôi môn đúng không? Chúng ta lần này dù đánh thắng nhưng không dành phần với minh hữu, ta không thể có thêm một kẻ thù được. Ngược lại, ta sẽ giúp người Anh Cát Lợi. Sau đó, thông qua chị ba, chúng ta sẽ có món quà hồi môn là vùng Lưỡng Quảng. Mọi người thấy thế nào?

- Hay tuyệt – Ánh nói. – Quả thực ta bại trận trong tay con quả là không có gì khó hiểu. Kế sách này quả là một mũi tên trúng cả mấy con nhạn chứ đừng nói là trúng hai con. Ta đúng là vừa có đất, lại có tiếng nhân nghĩa nữa.

Vậy là rốt cuộc, mọi người nhận thấy đây là kế sách vẹn toàn. Việt Nam sẽ có cả trăm lợi ích mà không đánh mất hình ảnh dân tộc yêu hòa bình của mình. Và đúng là chúng ta đâu có tranh giành gì với ai. Chúng ta chỉ muốn khẳng định chủ quyền của mình, vị thế của mình. Và thời điểm điều đó xảy ra cũng sẽ chính là thời điểm trang lịch sủ vẻ vang, đáng tự hào của dân tộc được mở ra.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện