Chương 58: Diện mạo mới​

Sài Gòn đã thành hình sau ba năm xây dựng. Sự thành công của nó là niềm tự hào của người dân thành phố, cách riêng đối với Lê Văn Duyệt. Là một người con của đất Tiền Giang, nhưng chính Gia Định năm xưa và thành phố Sài Gòn ngày nay mới chính là bệ phóng cho một thiên tài quân sự như ông thăng hoa rực rỡ. Là người chưởng quản thành phố, từ rất sớm, ông đã định hình con đường để mảnh đất nơi đây trở thành đất lành cho người dân sinh sống và nhân tài khắp nơi hội tụ để tìm kiếm cho mình một cơ hội lập thân, lập nghiệp.

Ông từng có rất nhiều lời nhắn nhủ cho thuộc cấp. Quan trọng nhất, có một câu nói của ông đã làm cho rất nhiều người phải suy nghĩ, nhất là đối với hai vị đồng liêu trẻ Phạm Thái và Phan Huy Chú. Ông nói: “Mảnh đất này trồng lúa không xong, chăn nuôi cũng không ổn. Phát triển các ngành kỹ thuật sao? Lãng phí lắm. Sài Gòn nằm ở trung tâm của Nam bộ, thuận tiện giao thông. Lại có hai cảng lớn là Sài Gòn và Bến Nghé. Như vậy, thuận tiện nhất là biến nó thành thiên đường của thương nhân”.

Chính phải Sài Gòn có vị trí đắc địa. Phía nam là vựa lúa của cả miền nam Trung bộ và Nam bộ. Phía bắc là vùng Biên Hòa, Đồng Nai với nhiều làng nghề, đồng cỏ chăn nuôi. Nó lại sở hữu hai bến cảng lớn là Sài Gòn và Bến Nghé, thuận lợi cho thương thuyền các nước cập bến. Bởi thế, nói như ông, “biến nó thành thiên đường của thương nhân” là biện pháp tốt nhất.

Theo như con đường ông vạch ra, hai chàng thanh niên trẻ tuổi, tài năng Phạm Thái và Phan Huy Chú đã chỉnh sửa lại thiết kế ban đầu của mình. Sau khi thành hình, Sài Gòn chỉ có bốn quận. Sau những gợi ý của Duyệt, họ lại cho thành lập những vùng đệm với chức năng khác nhau. Chúng bao gồm: Khu chuyên dùng để buôn bán các mặt hàng cao cấp; khu bán vải vóc; khu bán lúa gạo và nông sản; khu đặt các trung tâm giải trí như nhà hàng, hí viện. Các khu này cũng được đặt thành bốn quận theo thứ tự năm, sáu, bảy, tám và đặt ở trung tâm thành phố.

Bộ mặt của một quốc gia đâu thể lấy sự thành công của một địa phương như Sài Gòn đánh giá là đủ. Nó là sự tổng hoà của rất nhiều yếu tố thể hiện ở các phương diện khác nhau. Và bộ mặt đó cũng đâu phải chỉ toàn là ưu điểm mà vẫn phải tính vào đó cả những khuyết điểm của đất nước.

Dưới sự điều hành của triều đại mới, điều dễ nhận thấy nhất chính là vấn đề an ninh. Phải nói, bộ an ninh làm việc vô cùng hiệu quả. Mỗi tỉnh thành đều có một sở cảnh sát với ít nhất là năm trăm cảnh sát. Riêng ba thành phố lớn nhất là Thăng Long, Phú Xuân và Sài Gòn, quân số cảnh sát lên tới một nghìn năm trăm người. Ngoài ra, cả nước còn có ba đội cảnh sát đặc biệt với quân số chỉ có ba mươi người mỗi đội, đặt ở ba miền riêng biệt. Đây cũng chính là lực lượng cảnh sát cao cấp và tinh nhuệ nhất. Tuy quân số ít ỏi nhưng mỗi cảnh viên là một nhân tài thực sự. Họ chuyên phá những vụ án đặc biệt nghiêm trọng cũng như bẻ gãy tất cả những âm mưu chống phá. Bởi sự hoạt động hiệu quả của bộ an ninh, lê dân cảm thấy rất thoải mái trong cuộc sống. Họ không còn phải ngày lo đêm nghĩ cho sự an toàn của chính mình. Ngay cả những vụ trộm cướp vặt cũng chỉ rất ít.

Thành công lớn tiếp theo chính là trong việc phổ biến chữ viết. Qua ba năm, trừ những cụ già đã quá lớn tuổi, giờ đây, ai ai cũng đã biết đọc, biết viết. Có công lớn nhất trong việc phổ biến chính là những người tu hành. Một điều thật đáng ngạc nhiên, sáng tạo ra hệ thống chữ Quốc ngữ là những người Thiên Chúa giáo nhưng phổ biến nhanh nhất và nhiều nhất lại là những Phật tử. Thật ra thì điều này cũng rất dễ hiểu. Phật giáo vốn được truyền bá vào Việt Nam từ lâu, rất lâu đến nỗi không mấy ai biết rõ là từ khi nào. Số lượng Phật tử lại vô cùng đông đảo, chùa chiền, đình miếu lại nhiều. Bởi thế, khi hai tôn giáo này nhận được sự khích lệ của triều đình, họ lập tức hưởng ứng với việc mở những lớp hoc ngay trong nhà thờ, chùa miếu. Thế nhưng, những người Thiên Chúa giáo lại đi xa hơn khi họ chủ động mở ra các trường học mới từ trường nuôi dạy trẻ đến các trường cao trung. Chưa hết, ba dòng truyền giáo lớn nhất là dòng Tên, dòng Dominic, dòng Chúa Cứu Thế lại cùng nhau mở một trường đại học rất lớn đặt ở Sài Gòn với đủ các ngành đào tạo và triết học, hội họa, âm nhạc.

Góp phần vào việc nâng cao dân trí còn có sự cống hiến của bộ văn hoá. Họ cho thành lập một cơ quan mới, chính là báo chí. Đương nhiên, khái niệm phát hành báo chí đến từ sự gợi ý của Toản. Hơn ai hết, anh hiểu rất rõ tác dụng tuyên truyền của các tờ báo. Đây là cách thức nhanh nhất để các quyết sách của triều đình đến được với người dân. Các tòa báo thi nhau ra đời. Các tin tức truyền tải ngày càng nhiều hơn. Ban đầu, kể cả những sự kiện nhỏ nhặt như nhà anh Sáu mất con gà hay nhà chị Bảy có đám cưới cũng đều được đưa lên. Sau này, những tin tức đại loại như thế dần bị loại bỏ. Kỹ thuật in mộc bản lúc này không còn kịp đáp ứng nhu cầu nữa. Nhờ sự tiến bộ của ngành luyện kim và đúc kim loại, những bản in bằng gỗ dần mất đi chỗ đứng. Thay vào đó là những con chữ bằng đồng cùng máy in dập được chế tạo và sử dụng rộng rãi. Các xưởng in cũng từ đó mà sinh ra.

Vào lúc này, các cỗ máy hơi nước đã được phát minh và sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Giờ đây, chúng cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên một sự cách mạng thật sự khi mà chúng được áp dụng ngày càng nhiều. Những nhà máy dệt lớn, những nhà máy chà gạo lớn cũng áp dụng loại công cụ mới này. Đặc biệt hơn, một vài du học sinh còn đề xuất ý tưởng đặt máy hơi nước lên các con thuyền để thay thế hệ thống buồm hiện nay như các nước châu Âu và người Mỹ đang thử nghiệm. Rất nhanh, đề xuất này được thông qua và khuyến khích thực hiện. Khác với các nước khác, việc nghiên cứu đều có tư cách cá nhân. Toản đã ký quyết định cung cấp kinh phí cho những nghiên cứu này và giao cho Bộ Khoa học tiến hành thực hiện. Anh hy vọng, sẽ nhanh thôi, những chiếc tàu thủy sẽ xuất hiện và làm thay đổi bộ mặt của hải quân. Những con thuyền lớn chạy bằng động cơ hơi nước sẽ ngang dọc trên các con sông. Hay tham vọng hơn, anh muốn Việt Nam là nước đầu tiên sở hữu những chiến thuyền chạy bằng loại động cơ này. Nhưng điều đó muốn xảy ra thì cũng cần phải đợi vài năm nữa.

Ba năm trôi qua cũng chính là lúc mà hạm đội thứ tư thành hình với ba chiếc chiến hạm Định Quốc mới. Cũng trong thời gian này, số chiến thuyền kiểu cũ của miền Nam ngày trước vốn không còn phù hợp với tình hình mới cũng đã được thanh lý hoàn toàn. Nhóm người nồng nhiệt nhất trong việc mua lại chúng chính là những thương nhân người Việt. Tại sao lại không phải là người gốc Hoa hay các nước khác? Hoá ra lý do vô cùng đơn giản, đó là giá cả rẻ. Vả lại, sở hữu chiến thuyền cũng là vấn đề khá nhạy cảm đối với an ninh quốc gia. Dù người Hoa có muốn định cư mãi mãi ở Việt Nam thì vẫn là người ngoài. Bởi vậy, Toản ưu tiên những chiếc tốt nhất cho thương nhân Việt và cũng dành cho số lượng nhiều nhất. Chính hành động bán thuyền này đã đem lại một số tiền khổng lồ cho ngân khố. Nhờ đó mà Toản có thể phóng tay cải cách mà không cần quá lo lắng về tài chính.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến sự thành công trong việc thực hiện chính sách ruộng đất vốn được nhà Tây Sơn cho tiến hành ở miền Bắc. Giờ đây, nhiều hộ gia đình đều có ruộng đất để cày cấy, trồng trọt hay chăn nuôi. Họ không cần sở hữu ruộng đất của riêng mình. Bởi lẽ, họ có thể thuê lại đất để trồng trọt. Hoa lợi họ thu được cũng không còn bị tước đoạt bởi giới địa chủ hay phải nộp tô thuế nặng nề nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần trả tiền thuê đất hàng tháng theo biểu giá được quy định thống nhất và nộp thuế mười phần trăm trên tổng hoa lợi mà thôi. Cũng có một số chọn con đường khác. Họ vẫn làm thuê cho các chủ đất, các công ty lương thực và nhận lương hàng tháng. Và số tiền mà họ nhận được cũng đủ giúp trang trải cho cuộc sông gia đình. Bởi lẽ bộ Tài chính đã ra quyết định về mức lương thấp nhất phải trả cho tất cả các hoạt động thuê mướn nhân viên. Phải nói, quyết định này ban đầu bị phản đối rất dữ dội mà nhiều nhất là giới địa chủ. Tuy nhiên, khi được biết mình sẽ được hỗ trợ rất nhiều như được tính tiền lương vào chi phí sản xuất và giảm thuế, họ bắt đầu thôi tẩy chay. Tất cả những điều đó đã làm cho bộ mặt nông thôn cũng thay đổi gần như hoàn toàn. Người nông dân nghèo khổ không còn phải lo lắng vì phận nghèo như ngày xưa nữa. Mỗi gia đình đều có sở hữu cho mình một căn nhà khang trang với mảnh vườn nhỏ xinh.

Nói như thế không có nghĩa là sẽ không có những khuyết điểm. Đầu tiên phải kể đến mặt trái của việc đô thị hoá quá nhanh. Sự xa hoa phù phiếm chốn thị thanh đã khiến rất nhiều người di cư đến những thị trấn và thành phố. Chính điều này đã tạo nên áp lực về nhà ở cho cơ quan chưởng quản. Cũng may, Việt Nam lúc này đất rộng người thưa nên áp lực này chưa phải là vấn đề lớn. Nghiêm trọng nhất là về cái ăn, cái mặc. Mức sống ở thị thành đương nhiên cao hơn ở miền quê. Nhưng đi kèm với nó chính là chi phí đắt đỏ. Những người bỏ quê lên đây cũng phải vất vả mưu sinh. Có người chuyển sang buôn bán, cũng có người chọn làm công nhân cho các nhà máy, các công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái duyên buôn bán và số lượng việc làm cũng không có nhiều. Sau một thời gian, những người thất nghiệp do rời bỏ ruộng đồng để đến với thị thành ngày càng nhiều. Con đường duy nhất dành cho họ chính là phải tất tả quay về quê.

Cũng chính bởi tốc độ đô thị hoá quá cao mà hiện nay, rừng rậm trên cả nước bị mất dần đi. Chưa hết, sản lượng gỗ cũng tăng cao làm cho việc phá rừng cũng hết sức nghiêm trọng. Là người đến từ thế kỷ hai mươi mốt, Toản quá hiểu tác dụng của cây xanh và tác hại của việc mất rừng. Giải quyết bài toán khó này quả là một việc đau đầu. Cuối cùng, anh chọn một giải pháp khá an toàn. Đó là khoanh vùng những khu rừng không thể bị xâm phạm. Theo đó, cả nước chỉ được phép khai thác tối đa một phần năm diện tích rừng hiện tại, khu vực còn lại chính là rừng cấm. Tất cả những ai dám khai thác gỗ trong khu vực cấm đều bị bắt giam. Nếu khối lượng gỗ bị khai thác vượt quá giới hạn ở đây sẽ bị kết án tử hình. Ngoài ra, luật khai thác nơi những khu rừng cho phép cũng quy định ai chặt một cây sẽ phải trồng bù ba cây con cùng loại vào đó. Toản còn chấp nhận giao khoán đất rừng cho dân khai thác nếu họ chịu cam kết chăm sóc và trồng mới cây rừng. Ngoài ra, anh còn hạ lệnh cho mỗi công xưởng, nhà máy phải có trồng cây xung quanh. Chưa hết, trên mỗi con đường, cứ mười mét phải trồng một cây me. Tác dụng của việc này được lý giải rằng để tạo bóng mát và trang điểm cho đường phố. Nói như vậy bởi lẽ, khái niệm ô nhiễm môi trường giờ này nói ra cũng không có ai hiểu.

Vậy là chỉ trong hơn ba năm ngắn ngủi, bộ mặt đất nước đã có sự thay đổi to lớn. Nếu xét theo tiêu chuẩn phân loại nghề nghiệp thì Việt Nam hiện đang là một nước Công – Nông nghiệp đang phát triển. Bởi lẽ, cả nước đang có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp với ngành chủ lực vẫn là nông nghiệp nhưng công nghiệp lại đóng vai trò đầu tàu kinh tế. Còn nếu xét trên bình diện kinh tế thì Việt Nam được xếp vào nhóm nước Công – Thương nghiệp. Ấy là xét theo hướng phát triển mà vị vua trẻ muốn đất nước mình trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới trong tương lai.

Cứ như thế, sự lột xác từ một nước nhược tiểu, không ai biết đến thành một cường quốc của Việt Nam đã dần định hình. Phải nói Quang Toản rất may mắn khi mình trở thành vua và Việt Nam vẫn đang là một nước quân chủ chuyên chế. Mọi ý muốn của anh đều được thi hành triệt để. Nếu đổi lại, Việt Nam là một nước tư bản hay xã hội chủ nghĩa sau này thì rất khó để những thay đổi này thành hiện thực. Nói thế cũng vì khi ấy, mỗi quyết định của anh dù đúng hay sai cũng phải qua nhiều tầng chất vấn và phủ quyết. Những gì anh đang làm đây chính là nền tảng cho một thể chế tiến bộ hơn trong tương lai và phù hợp với Việt Nam lúc này, Quân chủ lập hiến theo hướng hiện đại.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện