Chương 60: Kế hoạch
Ngô Hùng Quang rời khỏi chính điện trong nhục nhã và bực dọc. Đây là lần đầu tiên họ bị xỉ nhục và không kiêng nể như thế. Trong mắt họ, cái đất nước nhỏ bé mãi vẫn là một Quận Giao Chỉ hay An Nam không thể tách rời của Trung Hoa. Rằng, dân tộc này vẫn là giòng giống Bách Việt man di bao năm qua và cần được khai sáng. Rằng, dân tộc này có được ngày nay toàn bộ là do Thiên triều ban cho.
Phó Văn Phương rời điện trên cáng tre. Y nằm sấp, trong lòng tức tối vô cùng:
- Ngô đại nhân! Cái lũ này đúng là man di mọi rợ. Chúng không hề biết tôn trọng sứ giả là gì. Cũng không hề đặt Thiên tử vào mắt. Chuyến này nhất định chúng ta phải dạy cho chúng biết thế nào là thiên uy.
- Phó đại nhân chịu khó vậy. Hiện giờ chúng ta đang trong đất của bọn chúng. Mọi việc đều phải nhẫn nhịn. Đợi tới khi quay về, chúng ta sẽ bẩm cáo Hoàng thượng. Nhất định chúng ta sẽ cho bọn chúng biết mình là ai. Nhất định phải cho chúng nếm mùi, gà chó không tha.
Ngô Hùng Quang đáp lời. Trong lòng y thật tức tối vô cùng. Viên phó sứ thứ hai Mã Anh Hào nói thêm:
- Đúng vậy, Phó đại nhân. Mối nhục này lẽ dĩ nhiên không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta phải bình tĩnh. Tất thảy hãy theo sự sắp đặt của Ngô đại nhân.
- Được rồi, – Ngô Hùng Quang húng hắng – trước tiên chúng ta phải về nghỉ ngơi trước đã. Ngay trong chiều nay, chúng ta sẽ hồi kinh.
- Khoan đã đại nhân – Mã Anh Hào can ngăn. – Nếu chúng ta đi ngay vào lúc này sẽ không ổn. Biết đâu lũ man di này sẽ sai người làm khó chúng ta trên đường về đang khi Phó đại nhân còn đang bị thương. Tôi nghĩ, trước hãy nghỉ lại một hai ngày cho vết thương Phó đại nhân thuyên giảm đã.
- Sai rồi. Nếu như chờ mấy ngày, bọn chúng tất biết lộ trình của ta. Có lẽ giờ này bọn chúng không nghĩ là chúng ta sẽ đi ngay mà chờ thương thế Phó đại nhân khỏi hẳn. Do đó, hẳn là bọn chúng không hề phòng bị.
- Phải đó, vết thương này đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ – Phó Văn Phương nhăn nhó – tôi chịu được. Chúng ta phải gấp rút hồi kinh bẩm báo Hoàng thượng chủ trì công đạo. Nhất định không thể tha cho bọn chúng, nhất là thằng lõi con Cảnh Thịnh đáng chết kia.
Mọi sự thế là đã định. Cả ba nhanh chóng trở về dịch quán gói ghém hành trang và lên đường về ngay chiều hôm đó. Bọn họ không muốn chần chừ thêm một phút giây nào nữa. Bọn họ dùng thuyền nhỏ rời khỏi bến Phú Định rồi lên thuyền lớn đang neo đậu ngoài khơi để về nước. Họ vốn dĩ vẫn cho rằng Việt Nam ngoài vài chiếc Định Quốc được xem như là quái vật trên biển kia thì chiến thuyền cũng chẳng có là mấy. Vả lại, Định Quốc to lớn chắc sẽ không có tốc độ cao bằng thuyền của họ vốn nhỏ hơn.
Dự tính là như vậy nhưng họ nào biết được sức mạnh đáng sợ của hải quân Việt Nam. Mọi động tĩnh lớn nhỏ của họ đều không thể nào qua khỏi tai mắt của Việt Nam. Chưa hết, có điều họ càng không ngờ là người của CPQ cũng đã trà trộn lên thuyền từ lúc nào chẳng biết. Nói thật, nếu như Quang Toản muốn, họ đã chết ngay tại đại điện chứ không phải chờ đến lúc này.
Lại nói đến Toản. Tất cả những việc vừa qua đều nằm trong sự sắp đặt của anh. Nhục mạ sứ giả ngay trên điện vốn chính là điều cấm kỵ, không nên làm đối với bất kỳ quân vương hay quốc gia nào. Thế mà anh vẫn làm thế. Lẽ nào ngay cả điều cơ bản nhất này anh còn không rõ hay sao? Không. Anh hiểu rõ chứ. Anh biết, trong mắt người Phương Bắc, dân tộc Việt mãi vẫn là man di, không biết hành xử. Họ đã nghĩ như vậy thì chìu theo họ vậy. Cứ hành xử như sáng nay sẽ càng làm cho họ coi thường. Chắc hẳn Thanh triều sẽ không cần phải suy tính mà đem quân chinh phạt ngay.
Vào buổi chiều, Toản cho người mời Mã Kim Đa vốn đang giữ chức vụ Tổng lãnh sự Anh Cát Lợi đến gặp mặt. Tham gia buổi gặp này còn có Thái thượng hoàng, Quang Thùy, Quang Bàn, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Quang Huy cùng Allan Witchesster, người Đại Úy hải quân Hoàng gia Anh Cát Lợi đã cùng Quang Bàn về nước ngày nào.
Khi tất cả mọi người đều đã có mặt đầy đủ, Toản nói ngay vào đề:
- Các vị, thời điểm công phạt Phương Bắc đến rồi. Trẫm mời mọi người đến đây là để bàn xem việc tiếp theo, chúng ta chuẩn bị thế nào.
- Đến lúc đánh nhau với chúng rồi sao? Ha… ha… ha… Chú tư à. Anh chờ giây phút này lâu lắm rồi. Nói thật, mọi sự trên điện sáng nay thật là sảng khoái. Ha… ha… ha… – Quang Thùy sảng khoái cười lớn.
- Đúng vậy, ha… ha… nhìn cái mông nở hoa của tên Phó gì đó mà sướng con mắt – Bàn cũng hùa theo. – Chú tư à, theo anh, lẽ ra phải tăng thêm chứ hai mươi hèo thì còn nhẹ đó. Phải đánh cho hắn phải lết luôn chứ thế thì còn nhẹ quá.
- Ai da, ba anh em mấy người quả là… – Nguyễn Văn Tuyết tủm tỉm cười. Nói thật, ông cũng thấy hả lòng hả dạ. – Nhưng Bệ hạ, việc này chúng ta có làm quá hay không?
- Chú Tuyết à! – Toản nói – Đúng như anh ba nói đó. Thế vẫn là còn nhẹ. Trong mắt bọn họ, chúng ta chỉ là lũ man di, là mọi rợ. Chúng muốn nghĩ thế thì chúng ta tội gì không thỏa ý nguyện bọn chúng? Làm như thế càng giúp mọi sự trôi chảy hơn ấy chứ.
- Ta cũng đồng ý với cách của mấy con – Nguyễn Ánh góp lời. – Quả thật, thấy cái tên Phó gì đó ăn đòn mà ta cười thầm trong bụng. Nói thật, ta vốn thích chuyện này lắm. Nhưng việc này phải để đám trẻ các con làm thì hay hơn. Ha… ha… ha…
- Thái thượng hoàng. Ngay cả ngài còn như vậy sao? Sao không tự tay làm đi? Rõ là đùn đẩy trách nhiệm mà. – Tuyết vừa cười, vừa trêu Ánh.
- Nói thật nhé. Nếu mà Trẫm là vua thì ông đã phải chịu phạt, ít nhất là ăn mấy mươi hèo rồi. Bất quá, trẫm thích cách mà quần thần thân thiện thế này hơn là lúc nào cũng phép tắc này nọ.
Quả thế. Nguyễn Ánh vốn xuất thân từ Vương tộc nhà Nguyễn. Tư tưởng Nho giáo vốn đã ăn sâu vào tâm. Nhưng ông cũng là người khá cởi mở. Mấy năm chạy nạn ở châu Âu cũng làm tâm trí ông phóng khoáng hơn. Nhưng bản thân là vua lúc đó, ông không thể nào chấp nhận được việc này. Nhưng giờ đây, mọi sự đã khác. Ông đã cởi bỏ được gánh nặng trên vai. Lại thấy Giang sơn phát triển thuận lợi nên không còn câu nệ mọi thứ nữa. Lúc này, Toản nói:
- Thôi, chúng ta hãy quay về việc chính thôi. Các khanh tính thử xem, khoảng bao lâu nữa là họ sẽ động binh?
- Theo thần thấy, bọn họ mất khoảng mười ngày mới có thể về đến Bắc Kinh. Lại mất ít nhất một tháng nữa để chuẩn bị chiến tranh. Vậy ra còn khoảng một tháng rưỡi nữa.
Người mới nói là Nguyễn Quang Huy. Anh đã tính toán đúng. Có điều đó là theo bình thường. Tình thế ngày nay lại có điều khác biệt. Bởi vậy, tính toán của Huy đâm ra sai lệch. Lúc này, Nguyễn Văn Tuyết mới nói:
- Quang Huy, anh tính sai rồi. Tối đa là nửa tháng thôi. Anh có nghĩ đến vì sao Thanh triều không phái một quan văn đi sứ mà lại là một vị tướng lâu năm không? Đó là vì bọn họ muốn xem thử tình hình nước ta thế nào. Bởi vậy, Bệ hạ mới diễn vở tuồng man di kia để đánh lừa và khích y. Thứ nữa, hiện Thanh triều đang bị các nước chư hầu chống đối dù chỉ ngấm ngầm thôi. Do đó, nhất định họ đã quyết chí chinh phạt nước ta để lập uy. Thế nên, tôi nghĩ họ đã chuẩn bị xong mọi thứ từ trước khi đến đây rồi.
- Tôi cũng đồng tình với ý kiến của chú Tuyết – người nói là Quang Thuỳ. – Tôi hiện đang theo rất sát tình hình của Thiên địa hội, à không, phải nói là Hồng Hoa hội mới đúng. Người bên đó cho hay gần đây ít thấy Gia Khánh đàn áp bọn họ nữa. Có thể là họ có ý khác.
- Vậy thì chắc là đúng rồi – Huy nói.
Nguyễn Ánh trầm ngâm nãy giờ mới húng hắng một cái rồi nói:
- Trẫm lại nghĩ chúng ta chỉ có chưa tới mười ngày đâu. Ta tin là đám sứ giả đã thả bồ câu báo cáo tình hình cho Gia Khánh. Tin tức sẽ đến Bắc Kinh trước khi họ trở về đến nơi.
- Con cũng nghĩ như nghĩa phụ – Toản nói. – Người của CPQ được cắm trên thuyền của đám sứ giả đã báo tin về. Tin cho biết bọn họ đã thả bồ câu đi. Như vậy, chắc là bọn họ sẽ động binh trong vòng mười ngày tới. Vậy mọi người nghĩ họ sẽ phái đi bao nhiêu binh mã và kế hoạch ứng phó của ta thế nào?
- Thần tin chắc là không dưới ba trăm nghìn, tức là ba mươi vạn – Tuyết lại nói. – Lần trước bọn họ đem sang đây ba trăm nghìn người đã bị đánh cho tan tác. Lần này nhất định họ sẽ phái đi nhiều hơn.
- Thật ra – Nguyễn Ánh nói – bao nhiêu thì phải đợi thám báo của CPQ. Cái cần làm bây giờ là đối sách. Chúng ta đã chủ động tạo ra cuộc chiến này thì không thể thua được.
Vào lúc này, mọi người cùng nhau tiến hành bàn bạc kế sách ứng phó cho cuộc chiến sắp tới. Nếu xét về quân số, Việt Nam mãi mãi không bao giờ bằng Trung Hoa dù là ở triều đại nào. Chiến thuật tổng quát của họ tựu chung vẫn là “biển người”. Trong những trường hợp có quân số áp đảo, mưu kế trong mỗi trận đánh với họ có vẻ như là khá dư thừa. Lịch sử đối đầu giữa Đại Việt mấy thế kỷ trước với Trung Hoa đã minh chứng cho điều đó. Binh mã Đại Việt chưa bao giờ vượt qua con số hai mươi vạn. Trong khi đó, quân số của người phương Bắc chưa bao giờ ít hơn ba mươi vạn. Vậy mà biết bao đời nay, không biết bao nhiêu phen bọn họ phải ôm hận. Cũng trải bao nhiêu thế hệ, kẻ dành chiến thắng sau cùng chưa bao giờ là người Phương Bắc. Đại Việt từ khi đó và Việt Nam ngày nay nổi lên là một dân tộc chuyên dùng ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
Vậy đâu là yếu lĩnh cho những chiến thắng vĩ đại từ bao đời của cả dân tộc. Ấy chính là lối đánh nổi tiếng đến tận thế kỷ hai mươi mốt, “du kích”. Thế nhưng, cũng cần hiểu thêm, lối đánh này phù hợp nhất cho những trận chiến phòng thủ và người cầm quân phải cực kỳ am hiểu địa hình tác chiến. Ngày nay, Toản quyết định tiến công lên đất Bắc, vậy thì liệu lối đánh này có phù hợp nữa hay không? Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định đến kết quả chung cuộc lần này. Tiêu chí lần này lại là đánh nhanh, thắng nhanh. Bởi thế, dùng cách đánh thế nào thì cần phải tính toán lại thật chi tiết.
Một điều đáng để cân nhắc là Việt Nam hiện có ưu thế hơn khá xa so với Đại Thanh về hỏa lực. Nói đến đây, cần phải nhắc đến một thành công quan trọng trong việc cải tiến súng ống. Là người đến từ tương lai, lẽ dĩ nhiên Toản biết rõ uy lực của những loại súng trường hiện đại như AK, serie M như M16, M17. Tuy nhiên, anh không cổ suý cho việc sản xuất chúng vì nhiều lý do. Thứ nhất là công nghệ hiện tại chưa cho phép. Thứ hai, anh không muốn chúng xuất hiện quá sớm mà làm bùng phát chiến tranh. Lại nữa, anh e ngại chính bản thân những người Việt dấy lên giấc mộng bá quyền. Dù vậy, nếu như phát triển loại súng trường bắn phát một vốn xuất hiện vào cuối thế kỷ mười tám, đầu thế kỷ hai mươi là điều chấp nhận được. Vốn có học vị Master Vật Lý, lại được tham khảo tài liệu về các loại vũ khí cơ bản lúc chưa xuyên việt, Toản không khó lắm trong việc thiết kế ra chúng. Băn khoăn rất nhiều, Toản chọn súng Mosin. Đây là loại súng trường bắn phát một nổi tiếng của người Nga, xuất hiện vào năm 1891. Cải tiến lớn nhất của nó là dùng bệ khoá nòng thủ công với kim hỏa thay cho “mỏ gà” hay “con thỏ” cùng với hộp đạn đơn năm viên. Anh đặt tên cho nó là TSG02. So với khẩu Mosin có đường đạn xa nhất là ba nghìn mét thì nó chỉ đạt được hai nghìn mét. Tuy nhiên, so với TSG thì nó ưu việt hơn nhiều khi một phút bắn được mười viên đạn chứ không phải là sáu viên. Tầm bắn của nó là một nghìn mét và hiệu quả ở tám trăm mét. Việc chế tạo TSG02 bắt đầu từ năm 1799, mãi đến ba năm sau mới thành công và sản xuất đồng loạt. Cho đến nay, toàn bộ binh sĩ đã được trang bị loại súng này.
Bởi thế, cách đánh hiện đại đã có thể áp dụng. Tức là không cần dàn quân dày đặc và tiến lên từng bước. Các binh sĩ có thể chia thành nhiều đơn vị, chiếm lĩnh nhiều hướng khác nhau mà tiến lên. Chưa hết, quân đội lại còn phối hợp với đại bác và tên lửa để yểm trợ.
Đó là cách đánh. Khi bắt đầu bàn về chiến thuật, trước hết, Toản quay sang hỏi Mã Kim Đa:
- Mã Kim Đa, ở Đà Nẵng, quân số của các ngài có bao nhiêu rồi?
- David Bệ hạ! Chúng tôi đã tập trung bốn mươi chiến thuyền Frigate lớp hai cùng với hai mươi thuyền đổ bộ. Tổng số binh sĩ là mười nghìn người chưa kể số thủy thủ.
- Tốt lắm! Ngài biết chúng tôi đã phát triển loại súng mới rồi chứ? Số lượng dư ra chưa nhiều nhưng vừa khéo tồn trong kho mười nghìn khẩu. Nếu muốn, chúng tôi sẽ tặng các ngài năm nghìn khẩu, lại bán rẻ năm nghìn khẩu, giao hàng trước, mười hai tháng sau thanh toán. Ngài thấy thế nào?
- Ngài cũng biết, việc này tuỳ thuộc vào quyết định của Hội đồng và Đức vua. Tôi thật không dám quyết. Tuy nhiên, tôi có cách này. Chúng tôi vô cùng hân hoan đón nhận năm nghìn khẩu Bệ hạ tặng. Phần năm nghìn khẩu kia xem như chúng tôi mượn. Cùng lúc này, tôi cũng cho người về nước báo lại. Nếu được chấp thuận thì người đó sẽ trở về đây với toàn bộ số tiền phải thanh toán. Ngược lại, chúng tôi sẽ trả lại cùng với một khoản phí nho nhỏ xem như là tiền thuê súng.
- Được lắm. Cứ thế mà làm thôi.
Lúc này, Nguyễn Quang Huy nói:
- Bệ hạ! Nói gì thì nói, ta cho dù có chuẩn bị đầy đủ thế nào chăng nữa cũng không thể tuỳ ý tấn công khi họ chưa động binh. Vả lại, dù họ có động binh nhưng chưa vượt qua được biên giới thì cũng không thể nào tạo ra cái cớ cho Anh Cát Lợi tiến đánh được.
- Đúng vậy – Nguyễn Ánh nói. – Trẫm thấy, trước tiên phải cho chúng thắng vài trận đã. Khi đó, Đại uý Witchesster đây phát động tấn công trên biển với lý do bênh vực đồng minh rồi mới đến lượt ta.
- Nói vậy nhưng chúng ta cũng không thể chờ mãi được – Quang Thuỳ nói. – Ta thấy bấy nhiêu vẫn có thể là chưa đủ để bọn chúng nhanh chóng hành động. Mọi người có biết bọn chúng hiện sơ nhất điều gì không? Chính là đám người Hồng hoa hội đó. Ta nghĩ, nếu như ta thả ra tin đồn rằng chính chúng ta cung cấp tài chính cho hội phản Thanh phục Minh này thì bọn chúng sẽ có động thái thế nào? Đó chính là lo sợ và tức tối. Cộng thêm việc sỉ nhục đám sứ giả vừa rồi, chúng nhất định sẽ cất binh thảo phạt.
Và còn nhiều ý kiến khác nữa. Song, cuối cùng mọi người nhất trí sẽ theo như ý Thuỳ, tạo thêm một cái cớ nữa ép nhà Đại Thanh phải động binh. Phần Việt Nam, quân thần và nước bạn đều đồng ý sẽ tỏ ra yếu thế hơn, để thua vài trận tạo cái cớ cho người Anh Cát Lợi xua quân tiến đánh ở mặt biển. Tiếp theo đó, hạm đội một sẽ từ phía sau yểm trợ cho Hải quân Hoàng gia Anh Cát Lợi xâm nhập từ ngoài biển, theo sông tiền đường đi chuyển về Trường Giang rồi áp sát Bắc Kinh. Cùng lúc, quân đoàn một và hai của Việt Nam tìm cách vòng qua sau lưng địch, tiêu diệt đoàn quân thảo phạt rồi tiến thẳng kinh thành Đại Thanh.
Vậy là mọi sự đã định. Sẽ không lâu nữa, một cuộc chiến sẽ nổ ra. Và chiến trường lại nằm trên đất của kẻ xâm lược. Chính nó sẽ mở ra một đế chế hùng mạnh mới ở châu Á.