Chương 59: Sứ giả Đại Thanh​

Kinh thành Phú Xuân, ngày 22 tháng 10 năm 1805.

Đã bốn năm kể từ ngày đăng cơ. Dạo gần đây, Nguyễn Quang Toản bận tối tăm mặt mũi. Nếu không phải bận vì xử lý quốc sự thì cũng là tham dự lễ động thổ một công trình nào đó hay tiếp kiến đoàn sứ giả của các nước lân bang. Nói đến đoàn sứ giả, phải nói rằng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc từ nghìn năm qua, triều đại mà Toản cùng quần thần của mình tiếp xúc với thế giới bên ngoài là nhiều nhất. Và đây cũng là triều đại mà Việt Nam được nhiều nước biết đến nhất. Chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, chiếc ao làng xứ nhược tiểu Á Đông không còn đủ chỗ cho con rồng nghìn năm say ngủ vùng vẫy nữa. Nói như thế không phải điều này là một kỳ tích, một phép lạ. Nó đến từ những cố gắng, những tiền đề của nhiều năm trước. Ban đầu, với chỉ một mốt bang giao ngang hàng duy nhất là Anh Cát Lợi, dĩ nhiên là chưa kể đến các nước chư hầu như Ai Lao, Cam Bốt, ngày nay, hầu như tất cả các nước ở châu Âu đều biết đến tên gọi Việt Nam. Trong số đó, có những nước đã thiết đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng có những nước không đặt bang giao mà chỉ là quan sát động thái ở đây, phần đông trong số đó là những đồng minh của Phú Lang Sa. Cũng có nhiều nước bắt đầu cầu viện như Mã Lai, Phi Luật Tân, Miến Điện. Ngay cả một cường quốc mới nổi khác là Phù Tang cũng đặt vấn đề ngoại giao.

Ở nhóm nước châu Âu, mục đích thiết lập ngoại giao của họ chủ yếu là vì những khẩu súng TSG. Chính sự thành công của quân đội Anh Cát Lợi làm người ta ngày càng tò mò về loại vũ khí tiện lợi này. Ngay cả người Phú Lang Sa giờ đây lại càng cảm thấy mối uy hiếp của họ không còn là đối thủ truyền kiếp Anh Cát Lợi nữa mà là một đất nước ở rất xa. Điều này có vẻ rất khó tin. Nhưng trên thực tế, vị Hoàng đế trẻ tuổi Napoleon Bonaparte đang mất dần ưu thế về tay người Anh Cát Lợi cũng bởi đối phương được trang bị loại súng này. À, cũng phải kể thêm loại vũ khí khác nữa chứ, đó là Tên lửa. Như vậy, nếu trường hợp Việt Nam cung cấp cho toàn bộ các nước thuộc liên minh thứ ba hiện tại thì người Phú Lang Sa biết xoay sở thế nào?

Ở khu vực châu Á. Chính hành động bế quan tỏa cảng đã làm cho gã khổng lồ Đại Thanh ngày càng yếu sức. Vậy mà lúc nào họ cũng vỗ ngực xưng mình là Thiên triều, ra sức o ép các nước láng giềng. Sự trỗi dậy của Việt Nam càng làm cho các nước trước đây là chư hầu hay phụ thuộc vào Đại Thanh cảm thấy cần phải có sự thay đổi. Họ liên tục phái các đoàn sứ giả đến đất nước ở vùng cực nam của Đại Thanh này. Họ cho rằng Việt Nam cũng là “đồng bệnh tương liên”. Họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của quốc gia quật cường này. Họ muốn biết Việt Nam đã dùng phương pháp nào để dần thoát khỏi sự kềm kẹp của Thiên triều. Và họ đã sai khi cho rằng nước Việt đang dần thoát khỏi sự kềm kẹp này. Thực tế thì Việt Nam đã thoát ra lâu rồi. Đã bốn năm nay, chưa một lần nào vị vua trẻ Nguyễn Quang Toản cho sứ bộ đến yết kiến nhà Đại Thanh. Thế mà, gã khổng lồ kia không thể làm gì được. Có ba lý do dẫn đến việc này. Thứ nhất, họ đang phải lo bình ổn nội loạn Thiên Địa hội. Thứ hai, con cháu Trịnh Thành Công đã tách ra khỏi Thiên triều và thành lập một quốc gia mới với tên gọi Đài Loan đang ngày đêm tìm cách gây rối vùng duyên hải. Và thứ ba, đây cũng là lý do khó chấp nhận nhất, Việt Nam từ ngày lập quốc phải lo toan quá nhiều việc, chưa thể nghỉ ngơi mà đi yết kiến Thiên triều. Và cũng có tin đồn, chính Việt Nam là hậu thuẫn cho hai lý do trên.

Hôm nay, Quang Toản có một vị khách hay nói đúng hơn là một đoàn khách. Chẳng xa lạ gì, đó chính là sứ giả của Đại Thanh mà người dẫn đầu là Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang. Việc tiếp đón y, Toản tỏ ra không mấy mặn mà. Anh cố tình cho Ngô Hùng Quang ngồi đợi trong Thư phòng cả buổi trời vẫn chưa xuất hiện. Chỉ có tiểu Thái, anh chàng Thái giám hầu cận Toản từ những ngày đầu anh đến với thế giới này là xăng xái tiếp đón. Đây thực ra chính là sự xếp đặt của Toản. Anh muốn thông qua tiểu Thái để xem thử thái độ của Ngô Hùng Quang thế nào. Xem ra, y đã mất kiên nhẫn lắm rồi, tiểu Thái nói:

- Sứ giả đại nhân, ngài hãy dùng thêm tách trà này. Có lẽ, Hoàng thượng chắc cũng đã xong việc và đang trên đường đến đây.

“Xoảng” tách trà trên tay tiểu Thái bị Quang hất xuống. Y giận dữ hét:

- Đợi… đợi… Đây là chén trà thứ mười rồi. Thế mà Hoàng thượng của ngươi còn chưa thèm tới. Bận gì thì bận. Nên nhớ, Thiên triều là quan trọng nhất. Cút, mau đi tìm An Nam Vương của nhà ngươi. Bảo hắn lết đến đây gặp ta.

- Sứ giả đại nhân. Dù gì thì việc nước cũng quan trọng. Ngài hãy nghĩ tình lân bang mà bớt giận.

- Cái gì mà lân bang? Các ngươi chỉ là lũ man di. Xứng làm lân bang ngang hàng với Thiên triều chúng ta sao? Mau bảo hắn đến đây gặp ta, dập đầu mà tạ tội.

Đúng lúc này, có tiếng nói phát ra từ bên ngoài thư phòng:

- Cái gì mà man di? Cái gì mà dập đầu tạ tội? Người đâu! Đem hắn ra đánh hai mươi trượng cho trẫm.

- Dạ! Bệ hạ!

Thì ra người tới chính là Toản. Anh không ngần ngại mà sai người đè Ngô Hùng Quang ra đánh hai mươi trượng rõ đau. Ngô Hùng Quang dù là một võ tướng nhưng làm cách nào cũng không thể thoát khỏi bốn tên binh sĩ đang lao tới. Người ta học võ Bình Định từ tấm bé, dù cho chỉ có một người cũng đủ sức dằn co với Quang nói chi ở đây có đến bốn người. Y đành chấp nhận chịu trận mà nhận lãnh hai mươi trượng đau điếng.

Sau khi bị hành pháp, y được đưa đến trước mặt Toản. Anh lúc này bỗng tỏ ra vẻ vô tội:

- Tưởng ai, hóa ra là Ngô đại nhân. Thứ lỗi cho trẫm sai người bắt đánh. Đại nhân cũng hiểu, sỉ nhục quốc thể và khi quân là tội lớn. Trẫm vốn không biết là ngài. Xin thứ lỗi.

- Ngươi… ngươi…

- Người đâu! Mau dìu Ngô đại nhân ngồi xuống.

Nói là dìu y ngồi xuống, thực tế là Quang bị chính bốn tên lính khi nãy xốc lên, đưa đến bên ghế ngồi rồi ấn xuống. Phải biết, y mới bị ăn đòn xong, mông y gần như bị dập nát. Thế thì bây giờ lại còn bị ấn xuống ghế ngồi thì đau phải biết. Y la tru tréo lên. Toản lại nói:

- Ấy chết! Trẫm quên mất là đại nhân mới bị đánh đau ở bàn tọa. Thế này thì ngồi thế nào được. Thôi thì thế này, trẫm ban cho đại nhân nằm vậy.

- Hừ… Ngươi… ngươi dám đối xử với ta như vậy sao? Ngươi không sợ Thiên triều xua quân hỏi tội sao?

- Cái này để trẫm bồi tội sau. Người đâu, đem chiếu đến đây cho Ngô đại nhân nằm.

Nói đoạn, bốn tên lính nọ đem đến một chiếc chiếu. Quang lại bị xốc lên rồi thả xuống chiếu cái bịch trong tư thế nằm sấp. Nói thật, thế này thì nhục nhã nào bằng. Lúc này y chẳng khác nào nằm rạp dưới chân Toản như một tên ăn mày hèn mọn. Toản lại nói:

- Đại nhân. Ngài thấy đỡ hơn chưa? Thứ lỗi cho trẫm. Việt Nam vốn rất nghèo. Đáng lý ra phải đem đến đây một chiếc giường để ngài thấy thoải mái. Đáng tiếc, trẫm chỉ có chiếc chiếu hoa này thôi. Không làm mất thời gian nữa. Xin đại nhân vui lòng cho biết ý tứ Thiên triều thế nào khi cử ngài đi sứ sang đây.

- Ngươi... Ngươi... Ái cha...

- Xem ra vết thương của đại nhân không nhẹ. Thôi thì trẫm mời đại nhân về dịch quán nghỉ ngơi vài hôm rồi chúng ta nói sau vậy.

Nói đoạn, Toản không chờ y trả lời mà sai người khiêng về dịch quán. Ngô Hùng Quang trong cơn phẫn uất chỉ biết ú ớ thét “Ngươi... Ngươi...” vậy thôi. Điều này khiến tiểu Thái ở bên cạnh không thể nào dừng được cười nắc nẻ. Lúc này, Nguyễn Văn Tuyết vốn đã đến và đứng ở bên ngoài bước vào. Ông cũng cười nhưng không đến nỗi như anh chàng thái giám. Ông nói:

- Cho đáng đời cái lũ lúc nào cũng rêu rao Thiên triều này nọ.

- Ồ, chú Tuyết, chú thấy hết rồi à?

- Bệ hạ! Thần thấy hết rồi. Thật hả dạ. Nhưng mà, chúng ta như vậy có hơi quá không?

- Không đâu chú. Chúng đáng bị như thế mà. Vả lại, đằng nào thì cũng sắp đến lúc chúng ta cho chúng biết mùi rồi.

- Nhưng kế hoạch là phải đến năm năm. Bây giờ mới đang là năm thứ tư. Bệ hạ không thấy sớm quá sao?

- Không đâu. Kế hoạch là chết, người là sống. Hôm trước Mã Kim Đa cho hay người Anh Cát Lợi đã có mặt ở bán đảo Sơn Trà với ba mươi lăm chiến thuyền rồi. Và chúng ta cũng đã tích lũy đầy đủ. Đã đến lúc trở mặt rồi.

Ngô Hùng Quang trở về dịch quán với cái mông bê bết máu. Trong cuộc đời y, có lẽ đây là lần nhục nhã nhất. “Cái lũ An Nam này đúng là man di mọi rợ. Ngay cả sứ giả Thiên triều như ta cũng dám đụng vào. Để rồi xem, khi về đến Đại Thanh, các ngươi chờ xem cơn thịnh nộ của Thiên triều”. Quang tức tối suy nghĩ. “Hiện nay, ta còn ở trên đất chúng, cần phải nhẫn nhịn. Hừ... Chờ xem... Chờ xem...”

Cũng phải mất gần mười ngày, Ngô Hùng Quang mới có thể thoải mái đi lại. Ngô Hùng Quang được mời đến gặp nhà vua. Đây cũng vừa khéo là ngày thiết triều đầu tháng. Y bước vào chính điện lúc mười giờ sáng, khi mà các sự vụ thông thường trong buổi chầu sớm đã xong. Ngô Hùng Quang cùng hai phó sứ bước đến diện kiến Toản. Dường như trận đòn mấy hôm trước chưa đủ để y nhìn thấy rõ vị trí của mình hay thói hống hách, coi trời bằng vung đã ăn sâu vào máu mà phái đoàn Đại Thanh vẫn bước nghênh ngang vào điện.

Đến trước mặt Toản, Ngô Hùng Quang không hề cúi đầu mà chỉ chắp tay trước ngực nói “Bệ hạ vạn an” với điệu bộ giữa hai người bất quá cũng chỉ là ngang hàng nếu không muốn nói là y cao hơn. Toản cũng đáp một câu chiếu lệ rồi nói:

- Ngô đại nhân! Ngài còn đau không? Có thể ngồi được không hay là phải nằm? Hôm nay trẫm có chuẩn bị sẵn giường phòng khi đại nhân không ngồi được.

Nghe thấy lời này, vị Tổng đốc Lưỡng Quảng cảm thấy tức giận, tuy nhiên, y tự kìm lại mà nói:

- Mấy vết thương vặt vãnh này có đáng gì. Không dám phiền lòng Bệ hạ lo lắng. Ta ngồi được.

- Thế thì thật là may quá. Ngài cũng hiểu. Lúc đó trẫm chỉ nghe từ đằng xa có người dám nói Việt Nam là một nước man di và bắt trẫm phải tạ tội gì đó. Ngài cũng biết uy quyền của đế vương nào có thể xúc phạm.

- Ta hiểu. Chuyện cũ bỏ qua. Hôm nay ta đến đây để hỏi, tại sao mấy năm rồi Bệ hạ không đến Thiên triều bái lạy Long nhan?

- Ngô đại nhân. Ngài cũng thấy đó, sự vụ trong nước chưa yên, ngay cả thết triều còn phải mười lăm ngày mới có một buổi thì còn đâu thời gian để đi thăm Đại Thanh triều? Còn nữa. Từ ngày sinh ra đến nay, trẫm trên lạy trời cao, dưới lạy cha mẹ, tổ tiên, chưa từng bái lạy một ai. Nên nhớ dưới gối nam nhi có ngàn vàng. Vậy tại sao trẫm phải bái lạy Gia Khánh Bệ hạ?

- Hừ man di đúng là man di. Ngươi dám không coi Thiên triều ra gì như vậy sao? – Một vị Phó sứ đứng ra, buông lời trách cứ.

- Xin hỏi vị đây tên gọi là gì? Có nhiệm vụ gì trong lần đi sứ này? – Toản ôn tồn hỏi.

- Ta là Phó Văn Phương, Hữu Phó sứ lần này. Sao? Nhà ngươi biết tội của mình chưa?

- Tội? Người đâu, đem vị Phó Phó sứ này ra đánh hai mươi trượng cho trẫm.

Ngô Hùng Quang chưa kịp ngăn cản thì bốn thị vệ đã nhanh chóng bắt lấy Phó Văn Phương, đè xuống mà hành hình. Cùng lúc, Toản nói:

- Ngô đại nhân! Đừng cản! Đây là trẫm muốn thay đại nhân dạy cho thuộc cấp của mình một bài học đó. Ở đây, đại nhân còn chưa nói thì y làm sao có tư cách xen vào. Hơn nữa, các vị là khách, ai đời khách lấn chủ bao giờ. Các vị đến đây với tư cách là sứ giả thì càng phải biết giữ mồm giữ miệng nếu không muốn làm nhục quốc thể.

- Đa tạ Bệ hạ khoan hồng, chỉ trừng phạt nhẹ.

Ngô Hùng Quang chỉ đành nói vậy. Biết làm sao đây, đối phương đúng quá còn gì. Vả lại, nghe nói vị vua trước mặt là con của Hoàng đế Quang Trung, người mà Càn Long Gia còn phải nể mặt. Vậy thì không khéo đối phương nổi giận lại đem cả ba người ra chém thì công toi. “Nghe nói triều đại này của An Nam được dựng nên từ máu. Thế thì chém chết chúng ta cũng chỉ là chuyện vặt mà thôi. Phải nhẫn nhịn vậy”. Đó là những gì y đang nghĩ trong lòng.

Chờ cho Phó Văn Phương thụ hình xong, Ngô Hùng Quang nói:

- Bệ hạ răn dạy đã xong. Giờ đây, ta có điều này muốn hỏi.

- Mời đại nhân nói.

- Từ xưa đến nay, An Nam là nước chư hầu của Thiên triều. Mỗi vị vua khi lên ngôi đều phải đến triều kiến để được sắc phong. Ngay cả cha của Bệ hạ cũng thế. Vậy thì tại sao Bệ hạ không làm điều tương tự?

- Đại nhân nói phải lắm. Nhưng xin hỏi, An Nam là nước nào? Từ xưa đến nay, chúng ta chưa hề có Quốc hiệu như vậy. Thế thì chúng tôi nào phải chư hầu quý quốc. Và nếu các vị coi chúng ta là chư hầu thì sao mấy năm nội chiến vừa qua, quý quốc không hề có sự giúp đỡ nào? Quý quốc đã làm được gì cho chúng ta? Còn nói đến Tiên Hoàng. Chẳng qua tình thế trong nước lúc đó đang rối ren, Người làm như vậy là để phía bắc yên ổn đặng bình nội loạn. Do đó, không thể nói Tiên Hoàng quy phục Đại Thanh triều được.

- Nói thế thì việc biên giới bình yên để Bệ hạ an tâm mà dẹp nội loạn cũng chính là Thiên triều đã giúp đỡ cho chư hầu của mình đó thôi.

- Ha... Ha... Đại nhân! Ngài tự xưng một là Thiên triều, hai cũng là Thiên triều. Vậy thì Thiên triều cũng đến thế mà thôi. Việc chúng ta không hề cầu xin viện trợ của quý quốc để các ngài yên tâm bình ổn nội loạn Thiên địa hội cũng chính là món lễ vật tốt nhất rồi còn gì.

- Đúng vậy – Nguyễn Văn Tuyết nói xen vào. – Chư hầu đã thống nhất Giang sơn trong khi Thiên triều vẫn còn đó họa nội loạn. Xem ra Thiên triều cũng quá kém đi.

- Ngươi... Ngươi... Hỗn xược.

- Hỗn xược thì sao? Ngài bất quá cũng chỉ là một sứ giả mà thôi. Tội nhục mạ Hoàng đế của chúng ta còn chưa tính, nay còn dám hồ ngôn loạn ngữ à?

- Ngài Bộ trưởng xin bình tĩnh, đừng để mất hoà khí – Toản nói. – Ngô đại nhân. Phiền ngài trở về mà nói với Gia Khánh Bệ hạ lời này: Đại Thanh là một nước lớn thì cần phải biết hành xử như một nước lớn, không thể o ép các nước nhỏ hơn. Chúng ta cũng là một quốc gia độc lập. Vị thế do đó so với các ngài là ngang hàng. Quý quốc nếu muốn bang giao, trẫm hết sức ủng hộ. Bằng không, xin mời các vị về cho, trẫm không tiễn. Và giữa hai nước cũng không cần qua lại làm gì. Và nếu quý quốc có ý gì khác thì nên nhớ rằng chúng ta chỉ tự vệ.

Nghe những lời này, Ngô Hùng Quang chỉ còn đành cáo lui. Y quyết định ngay trong đêm nay sẽ trở về nước xin Hoàng đế phái binh chinh phạt để dạy cho Việt Nam một bài học. Vậy là Toản đã thành công trong việc kích động y xin phái binh. Như thế thì anh đã có đủ lý do để mà chinh phạt ngược lại người phương Bắc. Và vậy là một trận chiến mới sắp bắt đầu.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện