Phần 04: Chiến tranh và suy thoái: mùa bội thu của ngân hàng quốc tế
Nguy cơ thật sự của đất nước cộng hoà chúng ta chính là chính phủ bù nhìn này – một con bạch tuộc khổng lồ với vô vàn xúc tu đang bám chót lấy các thành phố, các bang và đất nước của chúng ta. Cái đầu của con bạch tuộc này là tập đoàn dầu khí của Rockefeller và một nhóm nhỏ được gọi là trùm sò tài chính có năng lực cực lớn của các ngân hàng quốc tế. Trên thực tế, chúng đang thao túng chính phủ Mỹ nhằm thoả mãn ham muốn cá nhân của bản thân mình.
Thông qua việc khống chế nguồn cung ứng tiền tệ để dễ bề điều khiển chính phủ, các nhà tài phiệt ngân hàng càng có cơ hội để bóc lột người dân và cướp bóc nguồn tài nguyên của quốc gia. Đây chính là lý do giải thích vì sao các dòng họ lớn này luôn tập trung cao độ vào quyền lực đồng thời dốc sức để sai khiến quyền lực và thông qua việc phát hành tiền tệ để chiếm đoạt tài nguyên.
Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế này cũng như gia tộc Rockefeller chính là thế lực khống chế phần lớn báo chí của đất nước. Họ sử dụng những chuyên mục bình luận trên các báo này để kiềm chế các quan chức chính phủ. Những người không quy thuận sẽ bị họ tống khứ ra khỏi cơ cấu chính phủ.
Trên thực tế, các nhà tài phiệt ngân hàng đã khống chế cả hai đảng (đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ), kiểm soát cương lĩnh chính trị của hai đảng, khống chế các nhân vật lãnh đạo, tin dùng các ông trùm của các công ty tư nhân. Nói chung, họ không từ bất cứ thủ đoạn nào để sắp đặt nhân sự trong các cơ vươn cấp cao của chính phủ theo ý của họ(1).
John Hylan, Thị trưởng thành phố New York, năm 1927.
Chiến tranh luôn cần đến tiền. Trên thực tế, quy mô chiến tranh càng lớn thì lượng tiền ra càng nhiều, đây là cái lý mà ai cũng biết. Vấn đề là, ai tiêu tiền của ai? Do chính phủ Âu – Mỹ không có quyền phát hành tiền tệ nên nguồn tiền tất yếu chỉ có thể được vay từ ngân hàng. Chiến tranh làm cho tốc độ tiêu hao vật tư tăng cực độ, khiến cho các nước tham chiến dù có thất bại cũng phải theo đuổi đến cùng. Chiến tranh cũng khiến cho các chính phủ tìm mọi cách để vay tiền ngân hàng, bởi vậy mà một điều dễ hiểu là tại sao chiến tranh luôn là đề tài yêu thích nhất của các ngân hàng. Họ hoạch định chiến tranh, kích động chiến tranh, đầu tư cho chiến tranh, và những lâu đài hoa lệ của các ngân hàng quốc tế lại thường được xây trên đống đổ nát chồng chất tang thương của chiến tranh.
Một thủ đoạn kiếm tiền khác của các ngân hàng quốc tế là tạo ra suy thoái kinh tế.
Trước tiên họ mở hầu bao để thúc đẩy tín dụng phát triển, tạo nên tình trạng thị trường bong bóng, rồi sau khi tài sản của người dân đã đổ dồn vào cơn sóng đầu cơ thì rút mạnh vòng quay lưu chuyển tiền tệ, tạo nên suy thoái kinh tế và sụt giá tài sản. Khi giá tài sản sụt xuống chỉ còn một phần mười thậm chí là một phần trăm giá trị thực thì họ lại ra tay mua vào. Trong ngôn ngữ của các ngân hàng quốc tế thì hành động này được gọi là “xén lông cừu”, Sau khi ngân hàng trung ương tư nhân được thành lập, cường độ và phạm vi của hành động “xén lông cừu” đã đạt đến mức chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Hành động “xén lông cừu” gần đây nhất xảy ra năm 1997 trên cơ thể của các “con hổ nhỏ” và “rồng nhỏ” của châu Á. Việc con cừu Trung Quốc béo núc rốt cuộc có thoát khỏi vận đen “xén lông cừu” hay không còn tuỳ thuộc vào việc nó có chịu nghiên cứu nghiêm túc thảm kịch “xén lông cừu” kinh hoàng đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại hay không.
Sau khi các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài xâm nhập toàn diện vào Trung Quốc thì điều khác nhau căn bản nhất so với trước đây nắm ở chỗ, ngân hàng quốc hữu trước đây tuy có xung lực thúc đẩy lạm phát tiền vốn để kiếm lợi nhuận, nhưng tuyệt đối không có ý đồ và khả năng thông qua việc siết chặt tiền tệ để tắm máu tài sản của dân. Sở dĩ tại Trung Quốc kể từ ngày lập nước đến nay chưa từng xảy ra nguy cơ kinh tế lớn chính là vì nước này không có đủ ý đồ chủ quan và khả năng khách quan để tạo nên nguy cơ kinh tế Sau khi các ngân hàng quốc tế xâm nhập toàn diện vào Trung Quốc thì tình hình đã có sự biến đổi mang tính chất căn bản.
----
Chú thích:
(1) Lời phát biểu của cựu Thị trưởng Thành phố New York John Haylan tại Chicago và trích dẫn 27/3/1927, New York Times.