Q2 - Chương 2: Một lũ say sưa

Nguyên không muốn tiết lộ tình trạng nguy hiểm của mình cho Bolobala biết, nhưng với đám Êmê, K’Tub, Păng Ting thì nó phun ra hết trơn ngay từ khi Êmê hỏi câu đầu tiên.

Lúc chỉ còn bốn đứa với nhau sau khi Tam, Kan Tô, Mua và Bolobala lần lượt chia tay ở những khúc quanh, chiếc mũi hếch của Êmê nóng nảy quét qua quét lại giữa Nguyên và Kăply trông đe dọa y như một khẩu súng đã lên đạn:

– Bây giờ hai anh nói thiệt đi, khi nãy thầy Haifai dẫn hai anh đi đâu vậy?

– Ổng dẫn tụi anh lên văn phòng hiệu trưởng…

Nguyên mới nói nửa chừng, Kăply bỗng bất thần reo lên:

– A, mấy người có biết vợ chồng thầy Haifai tên thiệt là gì không?

– Là gì, anh K’Brêt? – K’Tub mắt sáng trưng, mặt mày háo hức như sắp được xực một thứ kẹo ngon.

Kăply nheo mắt:

– Ổng tên là Krazanh, còn bà vợ ổng tên Kim. Chính tai anh nghe thầy hiệu trưởng gọi vợ chồng ổng bằng những cái tên này.

– Vụ này lạ à nha! – K’Tub xuýt xoa – Xưa nay em cứ tưởng hai người chỉ xài chung mỗi cái tên Haifai thôi chứ.

Êmê có vẻ không xếp chuyện vợ chồng thầy Haifai mỗi người có một cái tên vào loại đề tài đáng quan tâm. Nó thò tay nắm tay Nguyên, sốt ruột:

– Thầy Haifai dẫn tụi anh đi gặp thầy hiệu trưởng chi vậy?

Nguyên quay đầu nhìn quanh một vòng trước khi thấp giọng:

– Thầy hiệu trưởng chỉ cho tụi anh xem cái báo động kế.

– Báo động kế? – Êmê nhíu mày – Là cái gì vậy?

Nguyên liếm đôi môi đột nhiên khô rang:

– Đại khái là một dụng cụ cho biết tình hình an ninh trong nhà trường…

Trước vẻ mặt hồi hộp của tụi bạn, Nguyên lo lắng thuật lại câu chuyện xảy ra trong phòng thầy hiệu trưởng, dĩ nhiên là bằng một thứ giọng nhỏ xíu như radio sắp hết pin.

Giống y như một thứ đèn chiếu nhiều màu, câu chuyện của Nguyên thoạt đầu phết lên mặt Êmê, K’Tub, Păng Ting màu xanh lè, chốc sau chuyển qua xám xịt và cuối cùng khi Nguyên dứt câu, ba bộ mặt đã thành trắng bệch như vừa nhúng trong thùng bột.

Êmê nắm tay Nguyên chặt hơn nữa, và cất giọng run run:

– Kinh khủng quá! Hay là anh và anh K’Brêt từ ngày mai trở đi đừng đến lớp nữa.

– Ờ, tụi anh ở nhà quách. – K’Tub mau mắn phụ họa – Như thằng Suku đó. Có sao đâu.

Nguyên lắc đầu:

– Nếu cần thiết phải ở nhà, thầy N’Trang Long đã dặn tụi anh rồi. Nhưng tụi anh không nghe ổng nói gì về chuyện đó hết. Ổng chỉ giục tụi anh đến núi Lưng Chừng thôi.

Chiếc mặt nạ màu trắng trên mặt K’Tub rơi mất khi nghe nhắc đến tên ngọn núi, thay vào đó là màu đỏ của một thứ củ cải để quá lâu ngoài nắng. Phải nói là nó nhột nhạt kinh khủng khi nhớ đến lời tuyên bố bạt mạng của mình, lời tuyên bố mà ngay lúc vừa thốt ra nó đã biết chắc là lời hứa lèo khi chính nó cũng không biết núi Lưng Chừng ở đâu và làm cách sao mà dẫn xác đến đó.

Êmê thở dài, giọng xa xăm, bất lực:

– Núi Lưng Chừng…

– Thầy N’Trang Long nói nếu tụi anh mà nuốt được quả táo vàng ở núi Lưng Chừng vô bụng rồi thì chẳng sợ cóc gì mấy tên sứ giả của… của… phe bên kia hết. – Kăply hùng hổ làm một tràng nhưng đến phút chót, khi chuẩn bị phun ra những từ mà cả thầy Haifai lẫn thầy N’Trang Long đều cấm học trò nhắc tới, nó bỗng chột dạ nói trớ đi.

Chỉ có con nhỏ Păng Ting là tỉnh queo:

– Bà em bảo một quả táo vàng ở núi Lưng Chừng có thể giúp một phù thủy bình thường có năng lượng pháp thuật xấp xỉ với các sứ giả của trùm Bastu. Riêng khả năng tiếp nhận pháp thuật ở trình độ cao thì tăng gấp mười lần.

“Phục hồi trí nhớ nữa!”. K’Tub nghĩ trong bụng, cố hết sức để đừng thốt ra thành tiếng. Nó cảm thấy sượng sùng nếu mở miệng nhắc tới chuyện đó trong lúc này.

– Păng Ting ơi. – Êmê kêu lên bằng giọng thảm thiết – Nhưng vấn đề là núi Lưng Chừng nằm ở đâu trên thế giới bao la này.

Păng Ting xoáy mắt vào Kăply:

– Thầy hiệu trưởng kêu tụi anh tới đó, hổng lẽ ổng không nói cho tụi anh biết núi Lưng Chừng nằm ở đâu?

– Có chứ. – Kăply trả lời mà mặt xệ xuống – Ổng bảo núi Lưng Chừng nằm ở lưng chừng.

– Nghĩa là sao? – Păng Ting và Êmê cùng ngơ ngác buột miệng.

– Có nghĩa là hòn núi này không nằm trên mặt đất.

Kăply giải thích với một cái nhăn mặt như muốn bảo rằng thiệt sự thì nó cũng cóc hiểu thầy N’Trang Long muốn gì ở tụi nó khi chỉ dẫn lấp la lấp lửng như vậy.

– Để trưa về em hỏi ba em. – K’Tub chen ngang bằng giọng điệu quả quyết đến mức có thể tin là nó đang tìm cách lập công – Em nghĩ ba em thế nào cũng biết.

K’Tub có vẻ rất tin tưởng vào ba nó hoặc ít ra thì nó cũng cố tỏ ra như vậy. Và tụi bạn không có cách nào khác hơn là đành phải coi niềm tin mong manh của K’Tub như một thứ mồi lửa để nhen lên chút hy vọng ấm áp trong lòng, mặc dù trong thâm tâm đứa nào cũng dám cá mười ăn một rằng nếu pháp sư K’Tul mà biết được núi Lưng Chừng ở đâu thì tụi nó sẵn sàng đi đầu xuống đất nguyên cả đám.

oOo

Bữa trưa hôm nay có vẻ thịnh soạn hơn thường ngày, chưa ngồi vào bàn Kăply đã khoái chí nhận ra ngay điều đó. Bên cạnh những món ăn quen thuộc như món thịt khoanh sinh vật nguyên thủy, món xà lách trộn và các món canh đựng trong những cái đĩa bạc lớn có chân hoặc trong những cái tô làm bằng chất liệu giống như đá mã não chạm trổ cầu kỳ là hai cái khay to đùng chất ngồn ngộn một thứ ngó từa tựa như mì sợi.

Nhưng sự hớn hở của Kăply lập tức tắt ngóm khi nó vừa đặt mông xuống ghế đã giật bắn người khi cả đám mì sợi đột ngột vươn lên khỏi chiếc khay và uốn éo như một bầy rắn con.

– Úy! Cái gì vậy?

Kăply ngả người ra sau, ré lên hoảng hốt. Cùng lúc, tiếng thằng Nguyên thét be be bên cạnh khiến cả bàn ăn bỗng chốc náo loạn như thể có một xác chết dưới gầm bàn.

– Cá pha lê đó.

Kăply hơi tỉnh hồn một chút khi nghe tiếng thằng Đam Pao vừa cười khúc khích vừa thì thầm sau lưng.

– Trời đất, cá pha lê mà anh không biết hả? – K’Tub trợn mắt lên nhìn Kăply nhưng ngay lập tức nó thu lại vẻ sửng sốt, lẩm bẩm – Ờ, mà quên nữa.

K’Tub chọc chọc cái nĩa vào bọn cá pha lê đang ngoe nguẩy, giảng giải:

– Cá này đắt tiền lắm đó. Bổ cực kỳ. Tại tụi nó khỏe phi thường. Anh nhìn kỹ đi, tụi nó được nấu chín rồi, nói chung là ngủm bảy đời rồi mà vẫn nhúc nhích y như lúc còn sống. Khiếp chưa?

– Ờ… ờ…

Kăply ấp úng đáp trong khi cố giữ cái đầu cách bọn cá pha lê càng xa càng tốt.

Ở bên cạnh, Nguyên loay hoay gỡ một con cá pha lê đang hăm hở quấn chặt cổ tay nó, mặt nhăn nhó vẻ ghê tởm.

– Ăn đi, tụi con! – Bà Êmô vui vẻ cất tiếng từ đầu bàn bên kia, cạnh chỗ ngồi của pháp sư K’Tul – Hôm nay ta muốn tụi con ăn ngon một tí, coi như mừng K’Brăk thoát nạn. – Ánh mắt ấm áp của bà lướt qua mặt Kăply, Êmê và K’Tub như một làn gió mùa hè – Cả các con nữa. Các con cũng không đứa nào gặp chuyện gì. Thiệt là đáng mừng.

Bài diễn văn của bà Êmô ngắn ngủn, nếu như có thể gọi đó là một bài diễn văn, nhưng rất chân thành và cảm động. Nói xong, bà vội vã giơ chiếc nĩa lên ngang mặt như chuẩn bị xúc thức ăn nhưng thực ra là để che đôi mắt đang ngân ngấn nước.

– Vậy thì ăn nha!

K’Tub cố đánh tan cái không khí ủy mị chạy quanh bàn ăn bằng cách vừa nói vừa sục cái nĩa vào đám cá pha lê lúc nhúc trước mặt, dích nguyên một nùi ngo ngoe tọng vào miệng, nhai chóp chép trông ngon lành hết sức.

Ông K’Tul nãy giờ vẫn rúc sau tờ Lang Biang hằng ngày, e hèm một tiếng, buông tờ báo xuống và cầm lên chiếc thìa cán dài quen thuộc.

Ông huơ huơ chiếc thìa vào khoảng không, không phải để lấy trớn đáp xuống tô canh mà để phụ họa cho lời nhận xét về tờ báo ông vừa đọc:

– Lạ thiệt đó nha! Một sự kiện chấn động như vụ Baltalon mà hổng có lấy một dòng tin nhỏ trên báo. Hổng biết mấy cha trong ban biên tập làm ăn cái kiểu gì!

Ông cáu kỉnh chúc cái thìa đánh tõm vô tô canh làm bắn tung lên một mớ nước, giọng bực dọc:

– Ngày mai dứt khoát phải đặt mua thêm tờ Tin nhanh N, S & D, dì Êmô à.

– Nghe nói tờ đó khoái đưa ba cái tin giật gân để bán báo, có gì hay ho đâu, anh K’Tul. – Bà Êmô liếc bộ mặt cau có của ông K’Tul, cố giữ giọng thiệt dễ nghe.

– Nhưng ít ra mình cũng thu lượm được ít nhiều thông tin đằng sau những cái loa ba hoa kia. – Bộ ria con kiến của ông K’Tul cựa quậy một cách nóng nảy – Còn hơn là đối diện với bức tường câm nín của tờ Lang Biang hằng ngày.

Nguyên quay sang Êmê, ngạc nhiên hỏi:

– N, S & D là tên tắt của địa phương nào vậy?

Êmê chưa kịp đáp, thằng K’Tub đã ngứa ngáy vọt miệng, vẫn đang nhồm nhoàm một đống cá pha lê:

– N, S & D là Nóng, Sốt và Dẻo đó anh K’Brăk.

Bà Êmô có vẻ muốn chấm dứt đề tài báo chí bằng cách đưa tay chỉ mấy cái chai lùn lùn dán nhãn hiệu Saydimi để cạnh mấy đĩa thức ăn:

– Bữa nay coi như phá lệ một bữa. Ta nghĩ các con có thể uống một chút bia.

K’Tub rình rập mấy chai Saydimi từ nãy giờ, không đợi bà Êmô nói câu thứ hai, vồ ngay lấy chai bia gần nhất, vung tay một cái, hét “bay lên” làm cái nắp chai bắn tuốt lên cành cây trên đầu, mắc kẹt luôn trên đó không chịu rơi xuống, rồi không thèm đợi Đam Pao và Chơleng đem ly ra, nó dốc ngược chai bia vô miệng, nốc ừng ực trước cái lắc đầu âu yếm của bà Êmô.

Kăply tò mò nhìn K’Tub khi thằng này nhấc cổ chai ra khỏi miệng:

– Ngon không, K’Tub?

K’Tub liếm mép, vẻ thỏa mãn hiện rõ trên mặt:

– Tuyệt cú mèo. Bia Saydimi mà nhậu với cá pha lê thì không chê vô đâu được, anh K’Brêt à.

Như để chứng minh, K’Tub kéo vào người một chai bia khác, bật nắp đánh “bụp” y như mở nắp sâm banh rồi nhét vô tay Kăply:

– Anh làm một chai đi. Em nhớ hồi trước anh và anh K’Brăk hay uống trộm thứ này lắm mà.

Từ khi ngồi vào bàn đến giờ, Kăply không hề đụng vào món cá pha lê, chỉ chăm chăm xực thịt khoanh và xà lách trộn, nhưng nó vẫn muốn thử qua một chút bia xứ Lang Biang cho biết.

Kăply thận trọng rót cái thứ nước đục ngầu trong chai ra chiếc ly thằng Đam Pao vừa đặt xuống trước mặt rồi cũng với một sự thận trọng như thế, nó dè dặt nâng ly lên và rón rén nhúng môi vào thứ chất lỏng khả nghi đó.

Bia Saydimi có vị ngọt ngọt, chua chua y như nước trái cây lên men, nói chung cũng dễ uống. Lúc đầu Kăply còn từ tốn nhấp từng ngụm một, nhưng sau khi thử được một phần ba ly, và đặc biệt là khi thấy Nguyên và Êmê đang cụng ly tưng bừng bên cạnh, nó bắt chước thằng K’Tub bưng ly lên nốc một hơi hết sạch.

Bọn trẻ vừa ăn vừa uống, cười cười nói nói, âm thanh mỗi lúc một lớn, bầu không khí chẳng mấy chốc bị nung nóng lên như trong lò rèn.

Thằng K’Tub quất đến chai bia thứ ba, người đã phừng phừng và bắt đầu nhớ đến nhiệm vụ quan trọng của mình.

– Ba ơi, – nó cất giọng chưa hẳn đã lè nhè nhưng hoàn toàn không còn giống cái giọng của nó thường ngày – ba có biết núi Lưng Chừng nằm ở đâu không ba?

– Núi Lưng Chừng hả? – Pháp sư K’Tul trợn mắt, suýt chút nữa đã mắc nghẹn nếu ông không kịp ho một cái và phun tung tóe nguyên một bầy cá pha lê chen chúc trong cổ – Con hỏi núi Lưng Chừng chi vây? Hổng lẽ con định đi đến đó?

– Đến đó thì sao hả ba? – K’Tub hỏi lại bằng giọng quàu quạu, rõ ràng là nó không khoái thái độ của ba nó chút nào.

Như tránh ánh mắt của thằng con, ông K’Tul nhìn vu vơ đi đâu đó phía trên đầu, tay vê vê ria mép:

– Ba nghĩ tốt nhất là con nên từ bỏ ý định ngông cuồng đó đi, K’Tub à.

– Sao lại ngông cuồng? – K’Tub ré lên, mặt đỏ gay, không rõ do men rượu, do tức giận hay là do cả hai – Bộ ba không muốn phục hồi trí nhớ cho anh K’Brăk và anh K’Brêt sao?

– Tất nhiên là ta muốn rồi, con trai à. – Ông K’Tul cố bắt giọng mình dịu xuống, ông khẽ liếc K’Tub một cái rồi lại vội vã nhìn đi chỗ khác – Nhưng núi Lưng Chừng không phải là nơi muốn là có thể đến được.

– Con sẽ tìm ra cách. – K’Tub bóp chặt chai Saydimi trong tay, có cảm tưởng nó chỉ quạu thêm một chút là chai bia vỡ nát – Chỉ cần ba nói cho con biết núi Lưng Chừng ở đâu.

– Ôi, phải chi ta có thể biết hòn núi đó ở đâu. – Ông K’Tul thở dài, dáng người cao lỏng khỏng của ông như xẹp xuống – Thiệt tình thì xưa nay ta cũng chỉ nghe nói đến nó thôi.

Ông K’Tul chép miệng và câu nói tiếp theo của ông rất giống như thay cho lời kết thúc:

– Mà ta e rằng khắp xứ Lang Biang này chẳng có người nào biết núi Lưng Chừng ở đâu.

Lúc bình thường có lẽ thằng K’Tub sẽ cố bình tâm để ngẫm nghĩ về điều ba nó nói. Nhưng sau khi nốc đến ba chai Saydimi, nó chỉ có thể làm được mỗi một chuyện là gân cổ tru tréo:

– Vô lý! Thiệt là vô lý hết sức!

– Ba con nói đúng đó, K’Tub à. – Bà Êmô can thiệp bằng giọng ôn tồn – Theo truyền thuyết, núi Lưng Chừng là ngọn núi không tùy ý muốn cho nên ta nghĩ rằng nó không tọa lạc ở một địa điểm cố định. Đâu phải tự nhiên mà xưa nay chỉ có mỗi một Đại tiên ông Mackeno là đến được nơi đó.

– Rồi dì coi. Dù thế nào thì tụi con cũng sẽ đến được nơi đó. – K’Tub tức tối nói – Đối với anh K’Brăk và anh K’Brêt bây giờ không chỉ là chuyện phục hồi trí nhớ. Nếu không hái được mấy quả táo vàng…

K’Tub đang phun ào ào bỗng thấy hai chân đau nhói. Nó giật mình ngó xuống, thấy Nguyên một bên Kăply một bên hai đứa đồng loạt đưa chân ra đạp lên chân nó.

Nó liếc mắt qua trái qua phải, tỉnh rượu ngay lập tức khi bắt gặp cái nháy mắt kín đáo của Nguyên và Kăply. Mặc dù không hiểu tại sao hai đứa này không muốn mình nói huỵch toẹt mọi thứ trước mặt ông K’Tul và bà Êmô, K’Tub vẫn lật đật tọng thêm một nùi cá pha lê vô họng để tự bịt miệng mình lại.

oOo

Buổi chiều, Păng Ting mò đến phòng Nguyên và Kăply đã thấy K’Tub và Êmê ngồi túm tụm ở trỏng.

Nguyên ngồi tựa lưng vô thành giường, có vẻ đang phân trần dang dở một chuyện gì đó.

– Nếu ba em và dì Êmô biết thì càng tốt chứ sao, anh K’Brăk. – K’Tub vừa nói vừa cầm tay Nguyên lay lay như bắt thằng này phải trả lời ngay thắc mắc của nó.

– Không nên, K’Tub à. – Nguyên từ tốn giải thích – Thiệt sự mà nói, ba em và dì Êmô không phải là đối thủ của các sứ giả dưới trướng Bastu. Em cũng thấy rõ cách đây mấy ngày cả hai đã bị Baltalon làm cho hết nhúc nhích một cách dễ dàng như thế nào rồi. Chưa kể lần này sự việc xảy ra trong khuôn viên nhà trường, ba em và dì Êmô có muốn can thiệp cũng chẳng làm gì được. Nói tóm lại, họ biết chỉ tổ thêm lo lắng…

K’Tub dán mắt vô mặt Nguyên, miệng há hốc như nuốt từng lời, cảm thấy chuyện Nguyên và Kăply ngăn không cho mình xì tùm lum ra trong bữa ăn là chuyện quá hiển nhiên. Cả K’Tub lẫn Êmê hoàn toàn không hay biết chút gì về những hành tung khả nghi của pháp sư K’Tul và bà Êmô nên dĩ nhiên cũng không hiểu được lý do thật sự đằng sau cú đạp của Nguyên và Kăply tại bàn ăn. Trong khi đó, mặc dù tin rằng pháp sư K’Tul là người đã lừa Baltalon vào tròng, Nguyên và Kăply vẫn không thể bắt mình làm như không nhớ tới những gì tụi nó đã nghe thấy trong nhà kho bữa trước, vì vậy cho đến chừng nào chưa khám phá được nhiệm vụ bí mật của pháp sư K’Tul, tụi nó luôn cảm thấy mối nghi ngờ đè nặng trong lòng và ông K’Tul trong mắt tụi nó giống y chang một dấu hỏi bự chảng.

Sự xuất hiện của Păng Ting lập tức khiến câu chuyện kết thúc nhanh hơn, nhất là khi vừa đun đầu qua khỏi cửa, Păng Ting đã bô bô:

– Em đã hỏi bà em rồi, anh K’Brăk. Và bà em cũng nói giống như thầy N’Trang Long. Rằng núi Lưng Chừng xưa nay vẫn nằm ở lưng chừng. Chán thiệt tình!

Đôi mắt Êmê chợt lóe lên:

– Tại sao mình không đi hỏi Đại tiên ông Mackeno há? Ngài đã một lần đến đó rồi, chắc chắn là ngài sẽ…

– Chẳng chắc chắn chút nào hết, chị Êmê à. – K’Tub phản ứng ngay, cứ như thể Êmê vừa cù vào nách nó – Chỉ chắc chắn mỗi một điều là Đại tiên ông Mackeno không trẻ hơn thầy N’Trang Long và Phù thủy thượng đẳng Păng Sur chút xíu nào. Mà mấy người già nói chuyện như thế nào thì chị cũng biết rồi đó. Hừm, lúc nào cũng ra vẻ ta đây bí mật đùm đề, úp úp mở mở. Nghe mà sôi máu!

K’Tub cáu tiết làm một lèo, nó nói năng như thể Păng Ting là một thứ bàn ghế vô tri gì đó, đại khái là không biết nhột khi nghe người khác nói động đến bà mình.

Êmê nhìn K’Tub qua khóe mắt:

– Nói như em là chúng ta đành bó tay à?

K’Tub trả lời bà chị bằng cách thò tay vào túi rút ra một cái ống màu sắc lòe loẹt. Bọn nhóc nhận ngay ra đó là cái ống Siêu cảm ứng, một trong những sản phẩm đắc ý của Suku.

– Ừ, phải rồi đó! – Kăply reo lên khoái chí – Em gọi Suku tới đi.

Êmê chép miệng:

– Nhớ đừng gọi lộn con khỉ Chacha đó nha…

Êmê trêu chưa dứt câu, K’Tub đã chõ miệng vào cái ống hét tên thằng bạn nó ầm ĩ.

Một tiếng “bụp” vang lên làm khói xịt tứ tung và trước những cặp mắt hồi hộp của bọn trẻ, thằng Suku hiện ra, miệng cười toe toét.

Nhưng nó chưa kịp lên tiếng chào, đã lập tức ngã oách một cái, đầu dộng xuống nền nhà một cú quá mạng. Cả bọn hoảng hồn xô lại, thấy một bàn chân Suku còn kẹt trong cái ống Siêu cảm ứng lúc này đã tuột khỏi tay K’Tub.

Suốt cả chục phút, Suku nằm ngửa mặt lên trần nhà, chân giãy đành đạch trong khi tụi bạn xúm lại giữ chặt cái ống cho nó cố rút chân ra.

– Thiệt tình! – K’Tub cằn nhằn khi Suku cuối cùng đã giải phóng được cái chân và đang ngồi bệt dưới sàn cúi đầu bóp lấy bóp để chỗ đau – Mày giở cái trò khỉ gì thế Suku?

– Trục trặc kỹ thuật chút thôi! – Suku vẫn tiếp tục xoa nắn mấy ngón chân dưới lớp da giày, nhăn nhó đáp – Đây là lần đầu tiên tao chui qua cái ống này mà.

– Sao lại là lần đầu tiên? – Kăply ngạc nhiên – Bộ khi chế ra cái ống này em không thử qua sao, Suku?

– Có chứ, anh K’Brêt. Nhưng lúc thử thì ngon lành, đến lúc làm thiệt hổng hiểu sao lại vướng víu tùm lum.

Suku vừa đáp vừa lồm cồm bò dậy. Nó đảo mắt một vòng, mặt ngẩn ra:

– Ủa, bữa nay có chuyện gì mà…

Kăply cắt ngang sự ngạc nhiên của thằng oắt bằng câu hỏi huỵch toẹt:

– Em có biết núi Lưng Chừng ở đâu không?

– Núi Lưng Chừng á? – Đôi mắt Suku mở to như hai giọt nước nhìn qua kính lúp – Em đâu có biết. Bộ thầy N’Trang Long kêu hai anh tới đó hả?

– Ừ. – K’Tub nóng nảy chen lời – Chuyện nghiêm trọng lắm rồi, Suku. Mày phải nghĩ cách giúp anh K’Brăk và anh K’Brêt mới được.

Không đợi Suku vặn hỏi, thấy lông mày thằng này vừa nhướn lên, K’Tub đã nhanh nhẩu thuật lại câu chuyện về cái báo động kế, giọng căng thẳng như thể chính nó chứ không phải Nguyên đang bị tay chân của trùm Bastu rình rập.

– Vậy thì phải đi ngay! – Suku nói giọng lo âu. Nó quay nhìn Nguyên và hỏi đúng cái câu hồi sáng Păng Ting vừa hỏi Kăply – Thầy N’Trang Long kêu tụi anh tới đó, hổng lẽ ổng không nói cho tụi anh biết núi Lưng Chừng nằm ở đâu?

– Ổng chỉ nói núi Lưng Chừng nằm lơ lửng giữa trời thôi. – K’Tub lại láu táu giành đáp – Bà của Păng Ting cũng nói y chang như vậy. Mà nếu mày hỏi ông mày, chắc ông mày cũng hổng chịu nói rõ ràng hơn, phải không Suku?

Suku như không nghe thấy K’Tub. Nó nhìn lên trần nhà, làm như bản đồ chỉ dẫn nằm đâu trên đó, miệng lẩm bẩm:

– Lơ lửng… Lơ lửng…

Như thường lệ, khi thằng Suku bắt đầu có vẻ tưng tửng, tụi bạn nó đều tự giác giữ yên lặng và hau háu nhìn nó như thể chờ xem một cái đầu thứ hai sắp mọc ra.

Trong bọn, chỉ có K’Tub là sốt ruột. Thấy Suku trầm ngâm lâu lắc, nó không dám lên tiếng nhưng cố ý thúc mạnh vào thành giường làm phát ra những tiếng động lịch kịch.

Như bị đánh thức, ánh mắt của Suku văng ra khỏi trần nhà, rớt thẳng xuống mặt Nguyên và cháy bừng lên:

– Em nghĩ ra cách rồi, anh K’Brăk. Chúng ta phải kiếm vài cây chổi bay.

– Chổi bay? – Nguyên ngẩn ngơ.

– Ừ, phải có chổi bay mới được. Nếu núi Lưng Chừng nằm lơ lửng giữa trời, mình cỡi chổi bay lòng vòng thế nào cũng gặp.

– Nhưng anh đâu có biết cỡi chổi. – Nguyên lo lắng nói.

– Em cũng đâu có biết. – Suku cười khì khì – Thằng K’Tub cũng không biết luôn. Tại nó mới học lớp Sơ cấp 2. Nhưng ở đây Păng Ting và Êmê lái chổi rất xịn. Môn bay đã được dạy rất kỹ ở lớp Trung cấp 1 rồi mà.

Kăply xì ra thắc mắc cố nén nãy giờ:

– Nhưng ở ngoài đường anh có thấy ai đi lại bằng chổi đâu.

Suku vén mấy lọn tóc sắp chọc vào mắt, khịt khịt mũi:

– Ờ, tại dân ở đây không thích xài chổi bay. Họ khoái độn thổ hơn. Khi cần, họ độn thổ, vừa nhanh vừa kín đáo. Lại an toàn nữa. Cách đây mấy năm, hồi loại chổi Wind 95 mới ra, còn bán giá khuyến mãi, thiên hạ cỡi chổi bay rợp trời, không ngày nào là không xảy ra tai nạn. Sau khi một trăm lẻ tám người bị chột mắt, gãy mũi, què tay vẹo chân và bốn mươi sáu người chết ngắc vì bị cán chổi lụi vô mặt hoặc bị rớt thê thảm từ trên mây xuống đất, người ta đâm ngán, chẳng dám xài chổi bay nữa.

– Hơn nữa, giá một cây chổi bay đắt lắm, anh K’Brêt à. – Êmê lắc lắc mái tóc vàng, bổ sung.

– Ờ, càng ngày càng đắt. – Suku thở đánh thượt, mặt xệ xuống như một tay lái buôn đang lúc làm ăn thua lỗ – Hồi chổi bay được sản xuất đại trà, giá còn rẻ. Hồi đó một cây Wind 95 giá khoảng 15.000 năpken. Còn bây giờ, sức tiêu thụ giảm, giá tự nhiên cao vọt. Cây Wind XP mới ra, giá gần 100.000 năpken. Cây Wind 2000 cũng đã 80.000 năpken. Ngay cả loại chổi Wind 286 cũ xì, sút cán gãy gọng, chỉ thích hợp để quét cứt chuột, bữa trước em đọc trên mục rao vặt của tờ Lang Biang hằng ngày, thấy lão K’Pui khùng điên nào đó cũng hét giá tới 30.000 năpken. Thiệt hết biết!

– Mày làm ơn phát biểu cho phấn khởi chút đi, Suku! – K’Tub hừ giọng, đã bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn trước bảng giá Suku liệt kê – Nói như mày hổng lẽ cái chuyện chổi bay chỉ là chuyện nói cho vui!

– Yên chí đi! – Suku vui vẻ đong đưa đôi mắt sáng – Lát nữa, tao và mày sẽ đi thuê. Cửa tiệm BAY LÊN NÀO của mụ Kibo không loại chổi nào là không có. Giá của mụ không thể nói là rẻ, nhưng dù sao cũng không vượt quá khả năng của tụi mình.

– Khả năng của mày thì đúng hơn. – K’Tub nhăn mũi – Tao đâu có đồng xu teng nào.

Suku đáp trả câu nói của K’Tub bằng một cái nhún vai rồi vội vàng nắm tay thằng này kéo ra cửa:

– Đi!

Kăply nghệt mặt nhìn theo Suku và K’Tub. Khi hai đứa vừa khuất sau cửa phòng, như người ngủ mê vừa bừng tỉnh, nó đột ngột hét ầm, vừa hét vừa quýnh quýu co cẳng chạy theo, nhanh đến mức cái chộp của Nguyên chỉ chạm phớt vào chéo áo nó:

– Anh đi nữa!

oOo

Kibo là một mụ phù thủy dơ dáy kinh khủng. Mặt mụ giống hệt quả dưa khô, ngó nhăn nheo tàn héo hết biết, răng vàng khè như hổng bao giờ biết đến bàn chải. Chiếc áo trắng trên người mụ y như thể nhặt từ hố rác lên, vừa ngả màu đất vừa lợn cợn những vệt đen đen từa tựa cứt gián hay cứt chuột.

Khi Suku, K’Tub và Kăply ló đầu vào cửa tiệm BAY LÊN NÀO, mụ Kibo đang đứng quay lưng ra ngoài, bặm môi quơ chiếc chổi khắc rành rành nhãn hiệu Wind 286 quét bụi trên mấy chiếc kệ chất ngổn ngang đủ loại chổi bay.

Nghe tiếng động, mụ giật đánh thót một cái và quay phắt lại.

– À, các con trai đi đâu đây? – Nụ cười niềm nở hiện ra trên mặt mụ cùng lúc với câu hỏi – Chắc là muốn thuê vài cây chổi để đi du lịch dã ngoại phải không?

– Vâng ạ. – Suku lễ phép – Tụi con muốn thuê loại chổi nào bay cao nhất và xa nhất ấy.

Mụ Kibo vung cây chổi te tua trên tay lên trước mặt làm bọn trẻ ho sặc sụa vì bụi xộc vào mũi:

– Đây, cây này! Giá 1.000 năpken một ngày. Quá rẻ, phải không tụi con?

Thấy bọn trẻ nhăn mặt vẻ nghi ngờ, mụ lại rung rung cán chổi:

– Ngó vậy chứ xịn lắm đó. Đã được thử thách qua 10.000 giờ bay, vẫn còn cực tốt!

Mụ quay ngược cây chổi, chìa cán vào tay Suku:

– Con không tin thì cứ bay thử vài vòng là biết. Ta quảng cáo như vậy là vẫn còn quá khiêm tốn đó.

Bây giờ Suku mới nhớ ra không đứa nào trong ba đứa tụi nó biết lái chổi.

– Bà cứ bay thử cho tụi con xem là được rồi. – Suku nói, cố làm ra vẻ thản nhiên.

Mụ Kibo nhún vai một cái rồi quay người đi thẳng lại chỗ cửa sau, buông gọn lỏn:

– Theo ta.

Mụ Kibo dẫn bọn trẻ chui qua hai lớp cửa trước khi lọt ra một khoảng sân lát đá rộng mênh mông ở đằng sau nhà, có vẻ là nơi để khách hàng thử chổi.

Không thèm ngó ngàng gì đến bọn trẻ, mụ kẹp cây Wind 286 vào giữa hai chân, hùng dũng quát:

– Lên mau!

Cây chổi mang mụ Kibo vọt lên như pháo thăng thiên và bọn Kăply nghe rõ cái giọng đắc ý của mụ vọng xuống từ trên cao:

– Thấy chưa! Ta đã nói…

Mụ Kibo chắc còn huênh hoang thêm một chặp nếu câu nói của mụ không bị tiếng “xì… xì…” phát ra từ đuôi chổi nhấn chìm.

Cây Wind 286 không ngớt phun ra thứ âm thanh của lốp xe bị thủng vừa quay vòng vòng như máy bay bị hỏng động cơ.

Trong khi mụ Kibo có vẻ như đang vật lộn bằng cả tay lẫn chân với cây chổi giữa lưng chừng trời thì Kăply, Suku và K’Tub ngóc cổ ngó lên, mặt mày tái ngắt, mắt mở trừng trừng như chờ xem chừng nào thì mụ văng ra khỏi cây chổi và té dộng đầu xuống đất.

Nhưng mụ Kibo đã chứng tỏ mình là tay cỡi chổi kỳ tài. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng mụ cũng khống chế được cây chổi và từ từ dìu nó đáp xuống.

– Mụ này chắc vừa đẻ ra đã là tay bủn xỉn. – K’Tub thì thào vào tai Suku và Kăply – Loại chổi vứt đi này mà cũng đem cho thuê.

– Mụ chỉ khôn vặt! – Suku lầm bầm – Cho thuê ba thứ rác rưởi này, khách hàng té gãy cổ là mụ đi tù.

Vừa đặt chân xuống đất, mụ Kibo quay sang bọn trẻ, thở hổn hển, gượng cười:

– Thiệt ra thì cây chổi này hơi tã một chút. Ta chỉ lấy các con 500 năpken một ngày thôi. Giảm giá 50% lận đó.

Suku lắc đầu, giọng dứt khoát:

– Không, tụi con không lấy cây này. Bà còn cây nào tốt hơn không?

Mụ Kibo quơ tay một cái vào khoảng không. Trong tích tắc, cây Wind 286 trong tay mụ biến mất, thay vào đó là một cây chổi khác, dài hơn với những túm lông sặc sỡ – là cây chổi mà bọn Kăply đã thấy trên kệ khi nãy.

– Cây này vậy. Wind 95. Hai ngàn năpken một ngày.

Suku nhún vai:

– Bà có loại Wind XP không?

– Tụi bay xài sang quá há. – Mụ Kibo nheo nheo mắt, không buồn gọi bọn trẻ bằng cái từ các con trìu mến nữa – Wind XP giá tới 3.500 năpken một ngày lận đó, tụi bay thuê nổi không?

Suku vỗ tay lên túi quần:

– Tụi con có tiền đủ thuê hai cây mà.

– Tụi bay còn phải đặt cọc nữa. – Mụ Kibo nhếch mép, bộ mặt của mụ lúc này trông khó ưa kinh khủng – Lấy cây Wind 286 chỉ phải đặt cọc 15.000 năpken. Nhưng muốn thuê cây Wind XP phải đặt cọc tới 50.000 năpken. Thuê hai cây vị chi là 100.000 năpken. Tụi bay có đủ tiền không?

Một trăm ngàn năpken là 100 vohen, ngang giá một cây Wind XP mới kít và gần bằng gia tài của một phù thủy hạng xoàng. Trước số tiền khổng lồ đó, Suku, K’Tub và Kăply không thể không đưa mắt ngó nhau.

Vẻ bối rối của bọn trẻ không qua được mắt mụ Kibo. Mụ nhìn ba đứa nhóc như nhìn ba món đồ thiu, bộ răng vàng khè nhe ra:

– Thế nào? Không kham nổi phải không?

– Dạ, tụi con không đủ tiền. – Suku lí nhí, mặt bắt đầu chuyển màu cà chua chín.

– Ta biết ngay mà! – Mụ Kibo hừ mũi, giọng trở nên chanh chua khủng khiếp – Vừa nhìn thấy mặt tụi bay, ta đã nghi rồi. Hừm, cây 286 quèn cũng không thuê nổi mà bày đặt đòi loại XP. Ta thiệt mất thì giờ với tụi lôm côm này quá!

Nói xong, mụ Kibo phẩy tay một cái như xua một lũ nhặng, rồi te te bỏ vô nhà.

Mặt mày tiu nghỉu, Suku, K’Tub và Kăply lẽo đẽo lê gót đi theo, cảm thấy quãng đường từ cửa sau ra tới cửa trước sao mà dài thê thảm.

– Con mụ đó đúng là chỉ giỏi làm tàng! – Suku càu nhàu khi đã đi khỏi cửa tiệm BAY LÊN NÀO một quãng.

Thái độ phách lối của mụ Kibo làm K’Tub lộn tiết nãy giờ nhưng nó cố nén. Nghe Suku cất tiếng, cơn giận của nó lập tức bùng lên.

– Đồ keo kiệt! Đồ trùm sò!

K’Tub chửi toáng, mặt đỏ gay. Như chưa đã, nó quay sang túm cổ áo Suku, gí mặt vào sát mặt thằng này, phun ào ào:

– Cũng tại mày mà ra hết! Ai kêu mày dẫn tụi tao đến chỗ mụ phù thủy thối này hả?

– Ơ… ơ… – Suku lắp bắp, nó chỉ tay vào mặt K’Tub – Mày… mày… mới nốc bia hả?

– Tao nốc bia hay không đâu có liên quan gì đến cái câu tao đang hỏi mày! – K’Tub gầm gừ.

Suku lại hỏi, không để ý đến vẻ đằng đằng sát khí của bạn:

– Mày uống bia gì vậy?

– Bia gì kệ tao! – K’Tub cười khảy, tay vẫn túm chặt cổ áo Suku.

– Hồi trưa tụi anh uống bia Saydimi. – Kăply mỉm cười nói.

– Saydimi thì không ăn thua! – Suku gạt tay K’Tub ra, nó nói mà mắt sáng trưng – Em nghĩ ra cách rồi, anh K’Brêt. Bây giờ chúng ta đi uống bia Concop.

– Đi uống bia? – Kăply thô lố mắt, rõ ràng nó nghĩ thằng Suku đang bắt đầu khùng khùng sau khi bị mụ Kibo làm cho bẽ mặt.

– Ừ, đi uống bia! – Suku vuốt vuốt cổ áo, hào hứng lặp lại – Bia Concop đang khuyến mãi. Giải đặc biệt là một cây Wind XP. Đợt này hãng Concop tung ra 5 cây tất cả. Tụi mình chỉ cần vớ được hai cây là có quyền chẳng thèm nhìn mặt mụ Kibo khó ưa kia nữa.

oOo

Mười phút sau, bọn trẻ đã ngồi chễm chệ trong tiệm CÁI CỐC VÀNG của vợ chồng lão Bebet nằm ngay ngã tư chỗ đường Chifichoreo cắt ngang đại lộ Brabun, với một két bia Concop để dưới chân và hơn một chục chai khác sắp hàng chỉnh tề trước mặt, ngay ngắn như đang chuẩn bị duyệt binh.

Kăply ngó sang K’Tub và Suku, và bắt chước hai đứa này, nó khoái chí xài thần chú Bay lên để nắp chai Concop bật lên lốp bốp.

Ba đứa khui một lúc chín chai, và cái việc đầu tiên của tụi nó là lật đật mở lớp keo dán bên dưới nắp chai, hăm hở chúi mắt dòm.

Cái việc thứ hai là cả ba cái miệng cùng thi nhau thở dài. K’Tub mặt quạu đeo, cất tiếng rủa lằm bằm:

– Chẳng ra cái ôn gì hết! Toàn là “Nắp không trúng thưởng, xin mời quý khách thử thời vận lần sau”! Rõ là lừa bịp!

Tám nắp chai trật lất, chỉ có cái nắp cuối cùng của Suku may mắn trúng được lô an ủi: một miếng giẻ dùng để lau chổi.

Suku vung tay ném cái nắp chai bắn “bộp” vào vách, bĩu môi “xì” một tiếng:

– Ai thèm lấy ba thứ vứt đi này!

Nó cáu kỉnh dốc bia vô cái cốc bự chảng làm cái cốc sủi bọt xèo xèo, nước tràn cả ra ngoài bàn rồi nâng lên:

– Thôi, cụng một cái xả xui đi!

K’Tub và Kăply lập tức làm theo. Kăply ủn cái cốc trên tay vào hai cái cốc kia kêu đánh “cốp” một cái, tìm cách xoa dịu:

– Bình tĩnh đi! Biết đâu cây Wind XP đang nằm ở mấy chai bia trong két.

Bia Concop có màu đỏ nhạt, như nước dâu pha loãng, uống vô miệng có vị giống như bia Saydimi nhưng đậm đà hơn. Kăply nốc một hơi hết nửa cốc, liếm mép gật gù:

– Cũng ngon quá chứ hả?

– Ừ! – K’Tub hùa theo – Chỉ hơi đăng đắng một chút.

– Đắng mới ngon! – Kăply nói bằng giọng hứng thú, và một khi đã ra vẻ ta đây là bợm nhậu chính hiệu nó không thể cưỡng lại được ý định nâng cốc bia uống dở lên, làm một hơi cạn queo trước ánh mắt thán phục của hai đứa bạn.

Suku trố mắt dòm Kăply, trầm trồ:

– Khá quá, anh K’Brêt!

Kăply đáp lại lời khen của Suku bằng cách khoái trá cầm lên chai Concop thứ hai, nheo mắt hỏi:

– Nữa chứ hả?

– Nữa chứ!

K’Tub hào hứng nói và hăm hở nhấc chai bia trước mặt lên. Trong vòng hơn chục phút, chín chai Concop trên bàn chỉ còn lại chín cái vỏ rỗng. Lúc đầu ba ông nhóc uống vì bực dọc, vì để xả xui, sau đó vì vui vẻ và cuối cùng là vì ngầm thi nhau xem ai uống khỏe hơn ai và trong những cuộc thi thố được sự tiếp sức của hơi men thế này tất nhiên quyết không đứa nào chịu thua đứa nào.

Thêm ba chai nữa, chiếc chổi XP vẫn chẳng thấy đâu, ngược lại mặt mũi bọn trẻ đã đỏ gay như ba con gà chọi.

K’Tub cúi người xuống, thò tay kéo thùng bia lại gần, giọng bắt đầu nhừa nhựa:

– Nữa… chứ… hả?

– Nữa… chứ!

Kăply cũng nhừa nhựa đáp, lưỡi quýu lại.

Suku mắt nhắm mắt mở, chĩa tay ngay thùng bia, lè nhè quát:

– Bay lên!

Ngay tức khắc, người nó là là bay lên khỏi ghế, cứ thế bốc dần lên cao và nếu không có cái trần nhà cản lại, chẳng biết nó còn bay tới tận đâu, trong khi đó cái thùng bia vẫn nằm i xì chỗ cũ.

– Tao đã nói với mày bao nhiêu lần rồi mà, Suku. – K’Tub ngước cặp mắt đỏ kè nhìn thằng Suku đang dính toòng teng chỗ ô cửa thông gió, lắc đầu nói – Là mày đừng có bao giờ giở ba thứ bùa phép lôm côm của mày ra…

– Kéo tao xuống lẹ đi! – Suku nhăn nhó giục, người nó nhấp nhô và cọ sàn sạt vào trần nhà như một quả bóng bay – Lải nhải hoài!

– Được thôi! – K’Tub loạng quạng đứng dậy, huơ tay lên đầu – Lộn mèo một cái coi nào!

Như một vận động viên nhảy cầu chính hiệu, Suku đột ngột lộn bổng một cách ngoạn mục và xoay đủ bốn vòng trước khi đập một cú muốn dập mỏ vào cạnh bàn khiến cả đống vỏ chai nảy tưng tưng như muốn nhào lăn xuống đất.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện