Q3 - Chương 15: Sứ giả thứ hai

Như một đàn hươu cố thoát khỏi nạn cháy rừng, bọn Kăply ba chân bốn cẳng phóng vèo vèo về phía trước, đầu óc tê dại, bất chấp mặt đường mấp mô, quên cả trước mặt tụi nó là khu vườn tượng đáng sợ, vừa chạy vừa vội vã tròng kiếng vô mắt, như thể chậm một giây thì cái chết sẽ sập xuống đầu.

Suku không thét bảo tụi bạn chạy, nhưng khi thấy tất cả hoảng loạn phóng đi, nó cũng quýnh quíu đeo kiếng vô rồi co giò chạy theo.

– Anh Tam. – Suku la lớn khi thấy Tam cùng Kăply tụt lại phía sau – Kiếng của anh nè!

Nó lôi cái kiếng trong túi ra ném về phía Tam.

Tam quay lại, vừa chộp được cái kiếng đã vấp chân vào mô đá ngã giúi giụi. Kăply chạy phía sau, vướng chân vào Tam cũng ngã lăn theo.

Suku đánh vội mắt ra sau, hãi hùng khi thấy một con rắn lớn, toàn thân vàng khè, đập cánh như chim ngó thiệt là quái đản, đang vun vút phóng tới, quyết liệt và hung hãn, chiếc họng đỏ như máu đang há rộng và cặp mắt trên trán nó, ngay dưới cái mào đỏ tươi như mào gà, chiếu ra những tia sáng trắng như bắn ra từ mỏ hàn. Mặc dù đã đeo cặp kiếng-chống-hóa-đá, Suku vẫn thấy ruột gan mình đang bị sự sợ hãi tóm lấy và xoắn mạnh, đau đến ngất xỉu. Nó không dám nhìn con basilic (*), nhắm mắt nhắm mũi chạy về phía Tam và Kăply, cuống quýt đỡ hai bạn dậy.

Nhưng dường như mọi cố gắng đã trở nên quá muộn.

Kăply vừa lồm cồm bò lên, chưa kịp dợm chân, đã nghe “phụp” một tiếng, bắp đùi nhói lên như bị một chiếc dùi nóng đâm vào, bỏng rát, lại ngã lăn ra.

Suku chĩa tay vào con basilic, quýnh quíu hét vang, lưỡi quíu lại:

– Giơ tay lên! À quên, bất di bất dịch!

Suku bị cả hai câu thần chú của mình cùng lúc đánh trúng, hai tay giơ cao khỏi đầu, đôi chân hóa thành hai khúc cây, nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo và miệng vẫn nói được.

– Anh Tam! Đeo kiếng vào ngay! – Nó kinh hoàng thét lên khi thấy con basilic đang quay sang chuẩn bị tấn công Tam.

Như một cái máy, Tam vội đưa kiếng lên mắt. Thấy cái kiếng trong tay chỉ có một tròng, nó sửng sốt liếc mắt xuống, điếng hồn phát giác đó là chiếc kiếng tròn soi mặt chứ không phải kiếng đeo mắt.

– Đeo đi! – Thấy Tam chần chừ trong khi con basilic vỗ cánh phành phạch và ngóc cao đầu sắp sửa mổ xuống, Suku hét giật, hoàn toàn chưa nhận ra sự nhầm lẫn tai hại của mình.

Nghe Suku hét, Tam lại luống cuống đưa kiếng lên, chỉ để che mặt, hoàn toàn theo bản năng, mắt nhắm tịt, phản xạ của người không đủ can đảm nhìn thẳng vào lưỡi hái của tử thần.

Tam đứng trơ ra đó, không thấy gì, không nghĩ gì, thiệt sự thì muốn nghĩ cũng không được – những ý nghĩ đã bị sự bấn loạn vắt hết khỏi đầu óc của nó rồi. Tam chỉ đứng chờ chết.

Suku thì nghĩ Tam đã chết rồi, hoặc cũng đã hóa đá rồi. Thằng bạn nó hoàn toàn bất động.

Nhưng rồi nó ngạc nhiên thấy Tam khẽ nhúc nhích, thoạt đầu là hai cánh tay rồi hai cẳng chân, rồi đến vai và cổ, cuối cùng he hé mắt ra.

Trước mặt Tam, con basilic vẫn cất cao đầu, cánh xòe ra, miệng há rộng bày những chiếc răng nhọn hoắt, nhưng không hiểu sao không mổ xuống.

Tư thế đe dọa của con rắn vipe khiến Tam vừa nhìn thấy đã lại nhắm nghiền mắt, cảm thấy xương sống trôi đâu mất, chỉ muốn sụm xuống.

Đứng ở một góc nghiêng, lại xa hơn, tính mạng không nguy hiểm, Suku bình tĩnh hơn Tam. Nó thấy rõ ràng con basilic đã thình lình trơ ra, cứng đờ một cách kỳ lạ, rất giống một gốc bonsai được uốn khéo, điều đó khiến miệng nó há ra và nếu không cố mấp máy môi để lấy cảm giác rất có thể quai hàm nó cũng y chang quai hàm con basilic.

Lúc Suku hét bảo thằng Tam đeo kiếng vào, bọn Nguyên, Êmê lập tức phát giác ra Suku, Kăply và Tam rớt lại phía sau. Chúng quýnh quáng quay lại, càng hoảng vía hơn khi thấy con basilic quăng mình tới trong khi Tam và Kăply đã ngã.

Rồi một cú mổ, rồi con basilic thốt nhiên treo mình lơ lửng trên không, tụi nó chứng kiến tất cả những chuyện nghẹt thở đó như trong một cuốn phim được chiếu với tốc độ nhanh, cảm xúc không theo kịp, chính xác hơn là cảm xúc hoàn toàn tê liệt.

Vừa tới nơi, Nguyên, Mua và K’Tub cuống cuồng đâm bổ xuống chỗ Kăply, không kể gì đến con basilic có thể thức dậy bất cứ lúc nào.

– K’Brêt!

– Anh K’Brêt!

Kăply không trả lời, vẫn nằm sấp mặt xuống con đường hẹp, như đã ngất đi.

Mặt méo đi vì lo lắng, Nguyên và Kan Tô lóng ngóng lật ngửa Kăply dậy và đỡ nó ngồi lên. K’Tub nhảy tưng tưng bên cạnh, mắt dán chặt vào ông anh đang mê man, rối rít lặp đi lặp lại:

– Anh K’Brêt! Anh K’Brêt!

Nước mắt trên mặt tụi con gái đã bắt đầu chảy quanh. Trong khi Êmê, Bolobala và Păng Ting thút thít thì Mua nắm chặt tay Kăply:

– Tỉnh lại đi, K’Brêt.

Thằng Tam, đã ra khỏi cơn hoảng hốt, bần thần cúi xuống Kăply, giọng bồn chồn:

– Bây giờ phải làm sao đi chứ!

Như nghe thấy Tam, Kăply khẽ cựa quậy và từ từ mở mắt ra. Nó nhìn tụi bạn, cười méo mó:

– Tụi mình còn sống hết… chớ hả?

– A, anh K’Brêt tỉnh rồi. – K’Tub reo hò – Còn sống nhăn hết, anh K’Brêt.

Kăply thều thào:

– Con… con basilic…

K’Tub hào hứng:

– Hổng biết sao tự nhiên nó trơ ra như con rắn bằng gỗ…

Bọn trẻ ngước nhìn con basilic vẫn đang vươn mình bất động trên không, đôi cánh sặc sỡ như cánh gà trống của nó khiến cả đám bất giác thót bụng lại.

– Kỳ lạ thiệt! – Tam tặc lưỡi – Đáng lẽ tao phải trơ ra mới đúng.

Nó chìa chiếc gương soi trong tay ra, mặt nhăn như bị:

– Tụi mày coi nè. Đang lúc thập tử nhất sinh mà thằng Suku lại đưa lộn cho tao cái kiếng này, có chết không chớ!

– A, em hiểu rồi! – Suku bất thần reo lên – Con basilic đã bị hóa đá! Nó đã tiêu tùng rồi!

– Nó đã hóa đá? – Tam trố mắt nhìn thằng oắt.

– Đúng vậy, anh Tam! – Suku huơ tay đầy kích động – Khi nãy lúc con basilic phóng tới, em thấy anh đưa cái kiếng này lên che mặt, đúng không?

– Ờ… ờ…

– Và anh đã quay mặt kiếng ra ngoài?

Tam gãi cổ, ngơ ngác:

– Cái đó thì anh… không nhớ.

– Chắc chắn là như vậy. – Suku hăng hái – Con basilic đã nhìn vào gương và bị chính ánh mắt của mình trong gương làm cho hóa đá.

Păng Ting ngẩn ngơ:

– Có nghĩa con basilic bị hóa đá là do chính nó đã nhìn vào mắt nó?

– Đúng là vậy đó, chị Păng Ting. – Suku cười khì khì – Không ngờ em đưa lộn kiếng cho anh Tam mà lại hóa hay!

Không đứa nào nghĩ cuộc đối đầu với con basilic lại kết thúc theo cái kiểu hổng giống ai như vậy. Tụi Êmê chưa kịp tung ra câu thần chú nào (tất nhiên là không tính hai câu thần chú lôm côm của Suku) thì con rắn vipe đã banh ta lông.

– May thiệt tình! – Kan Tô chép miệng, tay không ngừng chùi mồ hôi trán.

Tam ngó quanh, nơm nớp:

– Nhưng còn sứ giả thứ hai của trùm Hắc Ám. Chẳng lẽ hắn không hay con basilic đã bị ngủm?

Lời nhắc nhở của Tam khiến cả bọn nháo nhác.

– Ờ há. – K’Tub nói, môi giần giật – Chúng ta còn chưa chạm trán với Basil.

– Ê, nhìn con basilic kìa!

Tiếng Bolobala vang lên đầy sửng sốt khiến cả bọn nhảy phắt ra sau, tim dộng binh binh.

Con basilic trước mặt đang động đậy khiến cả đống cẳng chân run bắn. Hổng lẽ nó không bị tác động bởi ánh mắt chết chóc của chính nó như Suku suy luận? Nguyên thấp thỏm nghĩ, đầu nhẩm lại mấy câu thần chú chiến đấu thầy Haifai đã dạy, hoàn toàn thiếu tự tin.

Trước vẻ mặt căng thẳng của bọn trẻ, con basilic không ngừng biến đổi: nó ngắn dần lại từng tấc một, lớp da nứt ra từng mảng, rụng lả tả. Ở trên đầu, cái mào hóa thành những lọn tóc xanh, cặp cánh biến thành hai tay, còn chỗ lẽ ra là cái đuôi bây giờ đột nhiên xuất hiện hai cẳng chân.

Cái quái gì thế nhỉ? Nguyên nhìn chằm chằm vào sự biến dạng kỳ dị của con rắn, hoang mang nhủ bụng. Trong nháy mắt, không còn con basilic nữa, thay vào đó là một mụ già da dẻ nhăn nheo, cặp mắt ti hí với sống mũi gồ cao đang đứng trong tư thế chồm người lên như định phóng tới.

– Mụ chính là Basil. – Suku nhẹ thở ra.

Tam há hốc miệng:

– Sứ giả thứ hai của trùm Hắc Ám đây ư?

Nguyên gật đầu đáp thay Suku:

– Mụ không nuôi con basilic nào hết, Tam à. Con basilic tác oai tác quái lâu nay là do chính mụ hóa ra.

Suku rùng mình:

– Basil là một trong rất ít các siêu phù thủy có khả năng hóa thú. Thiệt không ngờ.

– Chào các con. – Tiếng một người đàn ông vọng tới từ rất gần, giọng vô cùng hoan hỉ – Con quái vật kinh tởm kia đã chết ngắc rồi phải không?

Bọn trẻ giật mình quay lại, thấy hai người đàn ông đang tiến về phía tụi nó, giật mình thêm cái nữa khi nhận ra đó chính là hai pho tượng anh em sinh đôi tụi nó nhìn thấy khi nãy trên đường đi.

– Đừng trố mắt lên như thế chớ. – Một trong hai người đàn ông tươi cười – Hổng lẽ tụi con không biết khi con basilic tiêu đời, những nạn nhân của nó sẽ trở lại bình thường sao!

– Đúng như thế đấy. – Một cặp vợ chồng đi tới, cũng là cặp vợ chồng mà bọn trẻ đã nhìn thấy, và người vợ hân hoan bổ sung – Chúng ta đã đóng băng bao nhiêu năm nay rồi, tưởng không thể nào quay lại thế giới này nữa chớ.

Người chồng quẹt tay lên pho tượng đá của Basil:

– Ta biết mụ từ thời đi học. Có thể nói mụ là một phù thủy thiên tài nhưng bản chất mụ nham hiểm, rắn rết, luôn luôn bị cái Ác mê hoặc. Chính trùm Hắc Ám cũng kiêng nể mụ mấy phần.

Chung quanh chỗ bọn trẻ chẳng mấy chốc đã đầy nhóc người. Những nạn nhân của sứ giả Basil hồi sinh cùng một lúc từ khu vườn tượng và từ vô số các lối đi, các ngóc ngách, các hẻm khuất của thung lũng Plei Mo rộng lớn, tất cả bọn họ nhanh chóng đổ ra, già trẻ trai gái, tất cả cùng gào thét, hò reo, ríu rít kêu con gọi mẹ, tay bắt mặt mừng, náo động cả một góc trời.

Giữa vô vàn tiếng hỏi han, trầm trồ chen lẫn tiếng chửi rủa và kể tội Basil, tóm lại là trong cái cảnh nhí nhố ồn ào đinh tai nhức óc đó, không đứa nào trong bọn nhìn thấy thằng Tam lẻn đi. Chỉ đến khi nó vẹt đám đông và xuất hiện với vẻ mặt tươi roi rói bên cạnh một người đàn ông mặt mày thanh tú và xanh xao giống hệt nó, tụi bạn mới biết là nó đi tìm ba nó.

– Đây là ba tôi. – Tam chỉ tay vào ba nó, giới thiệu, mặc dù nó biết là tụi bạn đã biết thừa. Đang nói, Tam bỗng rơm rớm nước mắt – Tôi không biết nói gì để cảm ơn… cảm ơn…

Kan Tô cúi đầu chào ba thằng Tam rồi quay sang nó, mỉm cười:

– Mày lớn tồng ngồng rồi, Tam à. Nín đi!

Bolobala đặt tay lên tay Tam:

– Chúc mừng bạn. Đúng ra thì chính tôi phải cảm ơn bạn về những ngày qua…

Ba thằng Tam trìu mến nhìn bọn trẻ, giọng rưng rưng:

– Bác và những người ở đây có lẽ không tìm thấy từ ngữ nào đủ đẹp đẽ để diễn tả sự cảm kích to lớn trong lòng mình. Tụi con đã làm được một chuyện vĩ đại hơn bất cứ chuyện vĩ đại nào từ trước tới nay, phải nói là một chuyện không tin được…

Ba thằng Tam có lẽ là một người nói nhiều, càng xúc động càng hăng nói. Có vẻ như ông sẽ tiếp tục thao thao đến đứt hơi chỉ để diễn tả cái điều mà người khác chỉ nói gọn trong hai tiếng “cảm ơn” nếu như ánh mắt ông không nhác thấy Kăply đang lả người trong tay Nguyên lúc này vẫn còn ngồi bệt dưới đất.

– Úy. – Ông tròn xoe mắt – Bạn con bị làm sao vậy, Tam?

Bọn trẻ lập tức cúi xuống Kăply, bây giờ tụi nó mới thấy bạn mình mặt mày nhợt ra như xác chết, mắt khép chặt, còn Suku đang hí hoáy hút nọc rắn chỗ bắp đùi thằng này bằng một cái túi lông cừu, với con Chacha đang thập thò nghiêng ngó sau lưng.

– Bạn con bị con basilic mổ trúng, ba à. – Tam ngước nhìn ba nó.

– Ôi, – đôi mắt chợt tối sầm, ba thằng Tam sợ hãi kêu lên – theo như ba biết, nọc của con basilic thuộc loại cực độc. Thậm chí độc nhất trong các loại độc.

– Là sao hả ba? – Tam ré lên thất thanh – Hổng lẽ…

– Con rắn vipe này hiếm khi sử dụng đến nọc độc của mình. – Ba thằng Tam nói giọng run run, cố không nhìn thẳng vào mắt con trai – Ánh mắt của nó quá đủ để đem lại sự hủy diệt rồi. Nhưng xưa nay những ai chẳng may bị nó mổ trúng sẽ không sống quá một ngày.

– Không có cách nào cứu chữa sao ba? – Tam nhìn ba nó trừng trừng như ngăn không cho ông gật đầu.

– Có lẽ là không có cách nào. – Êmê liếc nhìn Kăply, mếu máo nói – Mình nhớ rồi, Tam. Năm ngoái lúc học môn Độc dược, tụi mình nghe cô Kemli Trinh nói trên đời có ba loại độc không có thuốc giải…

– Em cũng nhớ rồi, chị Êmê. – Păng Ting sụt sịt, mắt ầng ậng nước – Đó là quả của cây hiến sinh vốn do oan hồn của các ma cà rồng bị xử tử hóa thành, nọc độc chứa trong móng của con rồng Ouroboros đang canh giữ những quả táo vàng trên núi Lưng Chừng và nọc độc của loài rắn vipe.

– Suku. – Nguyên đang đỡ lưng Kăply, chợt nhớ ra, ngẩng nhìn thằng oắt – Em có đọc qua sách Y tông bao giờ chưa?

– Có, anh K’Brêt. – Suku nói mà không nhìn Nguyên, giọng rầu rầu, mắt vẫn theo dõi nét mặt cứng như gỗ của Kăply – Nhưng ngay cả NHỮNG TRANG ĐEN vốn hướng dẫn cách chữa bệnh bằng phép hủy thân cũng không đề cập đến trường hợp này.

Suku thở hắt một cái rồi lại câm nín chà túi lông cừu lên vết thương của Kăply, không buồn hất những lọn tóc đang lăm le chích vào mắt như thường lệ.

Ngồi đằng sau Êmê, Mua trông như kẻ thất thần. Nó không khóc nhưng mắt nhìn chằm chằm vào một điểm vô hình nào đó trước mặt, luôn mồm lẩm bẩm:

– Không thể nào… không thể nào…

Chỉ khi Suku reo lên:

– Anh K’Brêt tỉnh rồi! Tỉnh rồi!

Nó mới choàng tỉnh, quay phắt lại và gần như đổ ập lên người Êmê, rối rít:

– K’Brêt! K’Brêt!

Kăply từ từ mở mắt trong vòng tay Nguyên. Mọi thứ trước mắt nó lúc này chập chờn như trong một giấc mơ. Phải định thần một lúc Kăply mới lờ mờ nhận ra từng gương mặt thân quen. Hình ảnh đầu tiên đập vô mắt nó là hai bím tóc của Mua.

Kăply nở một nụ cười héo hắt:

– Mua…

K’Tub chụp tay Kăply:

– Anh K’Brêt! Em nè!

Kăply mệt mỏi đưa mắt sang thằng nhóc, thều thào:

– K’Tub…

– Anh thấy trong người thế nào, anh K’Brêt? – Êmê rền rĩ hỏi.

Kăply khẽ nhắm mắt lại, giọng rời rạc:

– Ruột gan… và trái tim anh… đang nóng như lửa, Êmê à. Tất cả… sắp cháy thành than rồi.

– Không! Không, K’Brêt! – Mua ré lên, trông nó có vẻ sắp hóa rồ – Sẽ không có việc gì xảy ra với bạn hết!

– Tôi biết tôi sắp chết mà. – Kăply mấp máy môi, cố cựa quậy đầu nhưng bất lực – Chiếc lá tiên tri đã nói rồi…

– Chiếc lá tiên tri nói sai! – Mua đấm tay thình thịch lên lưng Êmê – Nó nói sai rồi! Nó nói sai!

Cứ mỗi câu, Mua đấm một cái nhưng Êmê vẫn thừ người ra như không hề thấy đau, thậm chí không hề hay biết.

– Nó không nói sai đâu, Mua. – Kăply gắng gượng mở mắt ra, cảm thấy hai mí mắt nặng như chì – Tôi không phải là người bạo dạn… nhưng Mua yên tâm đi, tôi không sợ chết. Ờ, trước đây thì tôi có sợ… nhưng lúc này thì tôi không sợ nữa. Tôi cũng không hối hận. Bạn biết… tôi ghét phe Hắc Ám mà, Mua.

Kăply dừng lại thở dốc, có thể thấy ngực nó nhô lên hụp xuống gấp gáp và nặng nhọc.

Mua rơm rớm nước mắt:

– Bạn nghỉ ngơi đi. Đừng nói nhiều…

Kăply hít vô một hơi, tay khẽ phác một cử chỉ mơ hồ như phản đối:

– Tôi phải nói, Mua à. Kẻo không còn kịp nữa. Tôi muốn nói là tôi tiếc có mỗi một điều là đã không đưa Mua đi thăm được làng Ke…

– Bạn nói gì thế, K’Brêt? – Mua chồm xuống thêm một chút nữa để mặt nó sát mặt Kăply – Làng Ke nào?

– Làng Ke là quê tôi. Làng Ke nghèo nàn nhưng thật là xinh đẹp, Mua à… Ở đó tôi có ông bà, ba mẹ, thầy giáo và rất nhiều bạn bè… Có vườn rau, có lũy tre… Có sông và suối nữa.

Kăply nói, đều đều và đứt quãng nhưng cả bọn đều nghe rõ và dĩ nhiên trừ Nguyên ra, không đứa nào hiểu nó nói gì.

Nguyên ngước bộ mặt buồn bã nhìn tụi bạn, chép miệng nói:

– K’Brêt đã mê sảng rồi.

– Còn mày, Nguyên à. – Kăply tiếp tục lảm nhảm, mắt khép hờ – Tao nghĩ cuối cùng mày và các bạn cũng sẽ chiến thắng được trùm Bastu, đem lại yên bình cho xứ Lang Biang…

– Ờ. – Nguyên rầu rĩ đáp, tay vuốt ve vai bạn.

– Mày biết lúc này tao đang nhớ gì không Nguyên? – Không đợi Nguyên hỏi lại, Kăply mở bừng mắt ra, long lanh nhìn bạn. Như có một nguồn năng lực vô hình vừa trút vào người nó, Kăply hổn hển tuôn một hơi – Lúc này tao đang nhớ da diết ngôi nhà của tao. Tao nhớ từng bụi cây, từng viên gạch. Tao nhớ từng đồ vật trong nhà tao, Nguyên à… Tao biết mẹ tao cất thức ăn gì ở đâu… Tao còn biết ba tao giấu cây roi ở chỗ nào. Tao biết nhưng tao không cần phải liệng đi. Cần gì liệng cây roi đi, phải không Nguyên? Hễ ba tao cầm cây roi lên là tao chạy. Hì hì, tao chạy qua trốn bên nhà mày…

Đang nói, Kăply bỗng thốt lên một tiếng gì như tiếng nấc, ngực đột ngột xẹp đi. Tụi bạn đều thấy nó cố nhướn mắt lên mà không được, miệng phều phào:

– Tao chết rồi… mày nhớ đem xác tao về làng Ke nha… Mày hứa đi, Nguyên!

– Tao hứa. – Nguyên đáp mà nước mắt chảy dài xuống cằm, nhỏ tong tong trên mặt Kăply.

Không rõ có nghe thấy lời hứa của bạn hay không mà trên môi Kăply phảng phất một nụ cười mơ hồ. Đó có lẽ là nụ cười cuối cùng Kăply dành cho đám bạn thân yêu của nó. Sau khoảnh khắc đó, nó bất thần gục hẳn đầu xuống, cằm tì lên ngực và ở tư thế đó, nó lặng lẽ đi vào thế giới mà nó chưa biết nhưng chắc là rất âm u và lạnh lẽo.

– K’Brêt! K’Brêt! – Mua nhào hẳn xuống, hai tay bưng lấy mặt Kăply, khóc nấc.

Như nghe pháo hiệu, cả bọn lăn ra khóc như mưa như gió. Những cõi lòng dậy sóng nhưng cố nén, bây giờ như bị vỡ đê, òa ra thảm thiết và tức tưởi.

– Trời ơi! – K’Tub vừa gào lên vừa đấm ngực binh binh.

Ngay cả Nguyên, đứa cứng rắn và giỏi kềm chế nhất trong bọn, cũng như kẻ mất hồn. Nó ôm chặt xác Kăply, cắn môi bật máu, cố nuốt tiếng khóc vào ngực, nhưng như thế nó càng có vẻ như sắp ngất đi.

Ở tảng đá xa xa, con Chacha ngồi thu lu một đống, không nhảy nhót, cũng không khọt khẹt. Trông nó như một con khỉ đá.

Đám đông lúc này bu đông nghẹt chung quanh bọn trẻ. Họ đứng vòng trong vòng ngoài, tò mò hỏi ba thằng Tam chuyện gì đã xảy ra và khi nghe ông giải thích, những bộ mặt liền thuỗn ra. Có thể đọc thấy tâm trạng của họ qua vẻ xúc động bùi ngùi, nhiều người không giấu vẻ thương tâm trong khi những người khác lắc đầu bất lực. Có không ít siêu phù thủy trong số họ nhưng khi nghĩ đến nọc độc của con basilic, mặt ai nấy bất giác se lại.

Trên cái nền của những tiếng rì rầm bàn tán nghe giống như một điệu nhạc tang đơn điệu và ảo não, Nguyên vẫn gục đầu trên xác bạn, trông nó lúc này cũng rất giống một xác chết, vai thõng xuống, lưng cong vòng và những nét nhàu trên mặt nó hằn sâu đến mức tưởng như có thể sờ được.

Những đứa bạn nó cũng có vẻ không tha thiết gì đến cuộc hành trình dang dở. Cái chết bất ngờ của Kăply khiến tụi nó đột ngột cảm thấy chuyến đi như mất hết ý nghĩa, thậm chí cuộc sống cũng trở nên trống vắng và cực kỳ tẻ nhạt. Ngồi chầu chung quanh thân thể bất động của Kăply, bọn trẻ nấc những tiếng nấc cuối cùng và đưa những cặp mắt đã tắt hết ánh sáng nhìn đi đâu đó, và thiệt khó mà nói nhìn đi đâu.

Cuối cùng, Nguyên vẫn là người đầu tiên thoát ra ngoài rìa của cơn mụ mị. Nó xốc Kăply trên tay, nặng nhọc đứng lên và buồn bã đưa mắt nhìn những gương mặt vô hồn của tụi bạn, cắn môi nói:

– Chúng ta đi!

– Đi ư? – Mua đờ đẫn ngước nhìn Nguyên, giọng ngơ ngác như người mộng du – Đi đâu, K’Brăk?

Nguyên cười khổ:

– Chúng ta tiếp tục đi đến núi Lưng Chừng, Mua à.

– Đi đến núi Lưng Chừng ư? Để làm gì? – Mua rên lên, đau đớn.

Suku đưa tay quẹt nước mắt:

– Sao lại để làm gì, chị Mua! Đó là ước nguyện của anh K’Brêt mà.

– Ờ, vậy thì đi.

Mua đáp, thờ ơ và máy móc, vẫn chưa tỉnh trí và lồm cồm đứng lên.

Những đứa khác cũng cố nhấc mình khỏi nỗi đau, lục tục nhỏm dậy. Nguyên ẵm Kăply trên tay thất thểu đi trước, tụi bạn nó và con Chacha sắp hàng một lủi thủi theo sau, sau nữa là hàng người rồng rắn nối đuôi, tất cả như một đám tang, nghiêm trang và lặng lẽ xuôi theo con đường dốc đổ xuống công viên xanh của thung lũng Plei Mo.

Nguyên lầm lũi lê bước, thỉnh thoảng đưa tay vuốt mắt bạn, lòng đau như cắt. Nó không bao giờ nghĩ rằng có ngày Kăply sẽ vĩnh viễn chia tay nó, lại trong một hoàn cảnh như thế này. Tuy không nói ra miệng như Kăply, nhưng ngày nào Nguyên cũng nhớ về làng Ke. Đêm đêm, nó luôn luôn thấy ngôi làng thân yêu của nó hiện ra trong giấc mơ. Nó gặp lại những người thân, bạn bè và sung sướng trò chuyện với họ.

Thực lòng thì Nguyên không tin là tụi nó sẽ mãi mãi ở lại xứ Lang Biang này, mặc dù càng ngày nó càng yêu quí và cảm thấy gắn bó với con người ở đây. Nó yêu Êmê, Păng Ting, Suku, K’Tub và đám bạn trên trường, kể cả những đứa như thằng Steng cũng gây cho nó nhiều thiện cảm. Nó yêu bà Êmô tốt bụng, yêu tình cảm và cách xử sự của bà mà theo nó thì giống hệt những bà mẹ ở làng Ke của nó, yêu thằng Đam Pao nhiều chuyện, con Chơleng ít lời. Nó yêu thầy N’Trang Long thông thái và hóm hỉnh, yêu thầy Haifai, cả người-vợ-hai-trong-một của thầy, yêu cô Kemli Trinh, thậm chí cả mụ Gian và lão Chu nó cũng không thấy có lý do gì để nó không yêu. Nó cũng yêu lão Alibaba tội nghiệp lẫn gã tài xế Mustafa nhát như cáy của lão. Và cả thám tử Eakar nữa, máy móc nhưng rõ ràng là người tốt…

Nhưng dù vậy nó vẫn nghĩ nó và Kăply sớm muộn gì cũng sẽ trở về làng Ke. Khi nó và Kăply đột ngột trở về, cả làng sẽ vui mừng và đón tiếp tưng bừng ra sao há? Nó thường cố hình dung cảnh đó trong đầu bằng cách tưởng tượng một hình ảnh thật hoành tráng rồi xóa đi để sau đó dựng lên một cảnh ít hoành tráng hơn nhưng theo nó là cảm động hơn rồi sốt ruột mong đến ngày trở về để xem cảnh đó diễn ra có đúng như nó nghĩ không.

Nhưng bây giờ thì Nguyên đâm sợ hãi khi nghĩ đến chuyện quay về làng. Nó sợ mẹ của Kăply sẽ không chịu đựng nổi khi thấy nó lếch thếch quay về với cái xác lạnh giá của con bà trên tay. Mà nếu Kăply chết rồi thì mình còn quay về làm gì nữa? Nguyên lẩn thẩn nghĩ, nước mắt lại ứa ra.

– Rẽ phải, các con. – Tiếng một người đàn ông nói – Rẽ phải là ra khỏi cái thung lũng thổ tả này.

Nguyên không biết đó là tiếng nói của ai, cứ theo âm thanh lăn tăn trong tai mà liêu xiêu quẹo sang con đường nhỏ kế hồ nước phủ đầy hoa tím.

Đầu óc trống rỗng, nó cũng không nhớ là nó đã ra khỏi thung lũng Plei Mo như thế nào, chỉ biết khi ngẩng đầu nhìn lên, nó ngẩn ngơ thấy bầu trời như thấp xuống, những đám mây xỉn màu vì phản chiếu những vách đá đen bên dưới và nó như nghe rõ tiếng nước réo ùng ục trong bụng những đám mây.

Lát sau thì mưa xuống.

___________________________

(*) ĐÔI ĐIỀU VỀ CON BASILIC

Bạn Đào Mai Quyên (Hà Nội) viết thư cho báo Mực Tím thắc mắc tại sao trong Harry Potter và CXLB đều có hình ảnh con basilic. Vậy con basilic là “bản quyền” của ai. Sau đây là phần trả lời của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Xưa nay, khi xây dựng các tiểu thuyết có màu sắc pháp thuật, ngoại trừ phần cốt truyện là của riêng mình, các tác giả thường mượn những điển tích, những yếu tố thần thoại có sẵn trong kho tàng chuyện cổ của nhân loại để sử dụng và sáng tạo thêm. Nhà văn Rowling khi viết Harry Potter, ngoài những nguồn tư liệu khác, đã sử dụng khá nhiều những hình ảnh từ thần thoại Hy Lạp như nhân mã, chó ngao ba đầu hay con basilic (dịch giả dịch là tử xà). Tôi cũng thế, khi viết Chuyện xứ Lang Biang, tôi đã phải đọc lại tác phẩm Bá tước Dracula của Bram Stoker để xây dựng chính xác về ma cà rồng – một loại ma có xuất xứ từ Rumani, mặc dù sau đó tôi có thêm thuật ngữ aslang, một khái niệm khác về ma cà rồng của người Philippines. Con basilic cũng là một hình ảnh trong thần thoại Hy Lạp. Từ bé tôi đã rất thích câu chuyện chàng Persée đánh nhau với ba mụ yêu Gorgones. Ba mụ yêu Gorgones có cái đầu đầy rắn, hễ ai nhìn chúng đều hóa thành đá. Persée phải giết mụ yêu Méduse trong bọn Gorgones theo yêu cầu của người cha ghẻ. Và để giết mụ, chàng phải nhìn vào hình ảnh phản chiếu trong tấm khiên chứ không thể nhìn trực tiếp.

Khi mô tả về con rắn này, tôi sử dụng tư liệu của cuốn Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới do Jean Chevalier và Alain Gheerbrant biên soạn (Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1997). Ở trang 68, trong mục từ rắn độc basilic, cuốn từ điển trên viết: “Một con bò sát hoang đường, có khả năng chỉ bằng một ánh mắt hoặc hơi thở của mình giết chết những ai đến gần nó mà không nhìn thấy nó hoặc không phát hiện ra nó trước. Nó đẻ ra từ trứng của một con gà trống già từ 7 đến 14 tuổi, quả trứng ấy hình tròn, được vùi trong một đống phân và được một con cóc hoặc ếch ấp. Nó được miêu tả như một con gà trống có đuôi rồng hoặc một con rắn có cánh gà trống. Toàn bộ ý nghĩa tượng trưng của con vật bắt nguồn từ huyền tích này”. Cuốn từ điển này cũng cho biết trong Thánh vịnh, con basilic còn được gọi là rắn vipe, là một trong bốn con ác thú đã bị Chúa Kitô đạp chết. Tôi đã sử dụng đoạn văn này để mô tả con basilic trong Chuyện xứ Lang Biang (tôi cũng dùng cả từ rắn vipe).

Dĩ nhiên tôi có đọc Harry Potter (phải nói là tôi rất thích truyện này) và tôi cũng biết nữ sĩ Rowling đã sử dụng hình ảnh con tử xà để xây dựng tập Harry Potter và phòng chứa bí mật, nhưng tôi thấy cách khai thác điển tích này của bà và tôi có mục đích khác nhau nên không có ý né tránh… con rắn quái dị này. Tôi chỉ không nhớ là bà cũng gọi nó là con basilic (bản dịch Harry Potter dùng từ basilisk) và có nói một số điều về gà trống như bạn Đào Mai Quyên đã thắc mắc. Chẳng qua đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cả hai đều khai thác từ một điển tích – điều rất dễ xảy ra khi viết loại truyện tưởng tượng này.

Cũng cần nói thêm là hình ảnh của con basilic hấp dẫn đến mức ngoài bà Rowling và tôi ra, trước đó các nhà văn chuyên viết truyện giả tưởng như Jules Verne, Harlan Ellison, David Weber cũng đã từng đưa hình ảnh con basilic vào tác phẩm của mình, thậm chí một tờ tạp chí chuyên về truyện khoa học giả tưởng lấy hẳn tên là tạp chí Basilic…

(NNA)

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện