Q4 - Chương 4: Bảy miếng da dê

Lâu đài Sêrôpôk được xây dựng từ bảy trăm năm trước, là một công trình kỳ vĩ và kiên cố, từ xa trông như một tòa thành lớn với những tháp canh lố nhố giữa trời xanh. Các bức vách ngoài cùng của lâu đài đều dày trên năm mét, có cổng lớn cho xe ngựa ra vô mặc dù tất cả phù thủy ở đây không ai dùng tới phương tiện di chuyển cổ xưa này. Cũng như mọi phù thủy ở xứ Lang Biang, đám thuộc hạ của Ama Êban vẫn khoái trò độn thổ hơn, vừa nhanh vừa kín đáo. Xe ngựa có lẽ là loại phương tiện có từ thời các giáo chủ đời trước và chắc là bắt chước thói quen của các phù thủy đến từ xứ Mũi Lõ.

Hồi mới xây lên, lâu đài Sêrôpôk chắc cũng không giống một thành lũy đến vậy. Có lẽ sau nhiều lần bị phe Hắc Ám tập kích, giáo phái Madagui đã tự bảo vệ bằng cách dần dần biến thánh địa của mình thành một pháo đài thứ thiệt với vô số đài quan sát và chắc nụi là họ đã ếm đủ thứ bùa như bùa Bất khả xâm phạm, bùa Khùng và hàng trăm thứ bùa ác liệt khác.

Muốn đến chỗ giáo chủ Ama Êban phải đi qua ít nhất là mười lăm lớp cửa, giải ít nhất mười lăm loại bùa ếm khác nhau, đó là nói lối đi ngắn nhất và với điều kiện kẻ đột nhập không bị bất tỉnh hay bị tan xác dọc đường. Nếu không chết, kẻ đó mới lọt qua được cánh cửa đá cuối cùng chạm trổ vô số mãnh hổ ở nhiều tư thế khác nhau, đặc biệt là trông sinh động như một bầy cọp sống.

Lúc bọn trẻ lâu đài K’Rahlan đang nằm mọp ở hẻm Râu Ngô thì bà Êmô đang đứng trước cánh cửa đó, cánh cửa thứ mười lăm, tay vuốt lại vạt áo chùng, một động tác hoàn toàn không cần thiết vì các nếp áo của một phụ nữ đỏm dáng như bà bao giờ cũng phẳng phiu như vừa lấy từ tiệm giặt ủi về.

Bà nhìn lên những hình vẽ sống động trên cánh cửa, đã mấy lần tính mấp máy môi nhưng rồi bà lại bỏ dở câu thần chú để nấn ná thêm một lúc trước khi diện kiến giáo chủ của bà. Bà biết Ama Êban lúc này đã gần như hết kiên nhẫn với bà và pháp sư K’Tul. Đã mười mấy năm rồi, bà và ông K’Tul ngày đêm âm thầm lục soát không sót một xó xỉnh nào của lâu đài K’Rahlan, vậy mà vẫn không hoàn thành được sứ mạng mà Ama Êban giao phó. Chính vì lý do đó mà lần nào trở về lâu đài Sêrôpôk, bà cũng bắt gặp mình đứng tần ngần trước cánh cửa mở vào bí thất của giáo chủ.

Nhưng dĩ nhiên bà biết là bà không thể đứng chết lặng ở đó mãi. Cuối cùng, không biết là lần thứ mấy, bà đưa tay vuốt lại nếp áo, chỉnh lại cái nón chóp vốn đã nằm rất ngay ngắn trên đầu, rồi hắng giọng như để xốc lại bản thân trước khi quyết định lầm rầm niệm chú.

Cánh cửa đá lập tức xịch qua một bên, kéo theo vô số mãnh hổ vào bóng tối để mở ra trước mắt bà khung cảnh trang nghiêm với hàng dãy cột đồng cũng chạm hình cọp với những chiếc nanh lấp lánh dưới ánh sáng vàng khè tỏa ra từ những quả cam được phù phép nằm chi chít hai bên vách.

Chính giữa bí thất, giáo chủ Ama Êban râu tóc bạc phơ, hai hàng lông mày trắng như cước rủ xuống hai bên trông như một ông tiên, đang ngồi trên lưng một con cọp vàng to tướng. Trông dáng ngồi bất động của ông, tưởng như ông đã ngồi ở tư thế đó từ lâu lắm để đợi người thuộc hạ của mình, cặp mắt sáng quắc của ông chiếu về phía bà Êmô như hai ngọn đèn săn khiến bà phải gắng hết sức để tỏ ra tự nhiên.

– Hôm nay chắc là ngươi cũng không đem về tin tức gì tốt lành? – Ama Êban cất giọng trầm trầm, câu hỏi kiểu trách cứ này bà Êmô nghe đã nhiều lần nhưng lần nào bà cũng cảm thấy chột dạ như thể bà vừa phạm thêm một lỗi lầm mới.

– Vâng. – Bà nói, đầu cúi thấp đến mức có cảm tưởng cằm bà chạm vào xương ức và chiếc nón chóp sắp tuột ra khỏi mái tóc vàng óng như tơ – Thưa ngài, pháp sư K’Tul vẫn chưa giải mã được câu thơ…

– Hừm, thơ với thẩn! – Ama Êban vỗ tay lên lưng cọp, và khi ông nói có thể thấy là ông cố kềm chế để không tỏ ra thô lỗ trước mặt phụ nữ – Ta đã bảo ngươi nói với hắn là dẹp mấy câu thơ nhảm nhí đó lại đi. Phải nghĩ cách khác. Phải để mắt đến những gì nhỏ nhặt nhất trong lâu đài. Thiệt là tệ hại, bọn ngươi mai phục ở đó gần hai mươi năm mà chẳng tìm được một mảnh da dê nào, trong khi trùm Bastu chỉ đột nhập vào lâu đài K’Rahlan có một đêm ngắn ngủi đã lấy được ba mảnh; ba mảnh kia thì Ka Ming đã kịp đem đi ngay trong đêm hôm đó.

– Ngài nói sao? Hổng lẽ Ka Ming chưa chết? – Bà Êmô giật bắn, chiếc quạt trên tay suýt rơi xuống đất, có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ bà nghe thấy một điều gì kỳ quái hơn thế.

– Đúng là bà ấy chưa chết. – Ama Êban lắc lư trên lưng con cọp vàng to tướng, trầm tư đáp – Cả K’Rahlan và Ka Lên nữa, bọn họ cũng còn sống nhăn.

Giống như bị ai đánh mạnh vào đầu, bà Êmô rụng người xuống chiếc ghế đá bên cạnh, không còn tâm trí đâu để cẩn thận vén vạt áo chùng theo thói quen.

– Ngài lấy… tin tức này… ở đâu ra? – Mãi một hồi, bà mới tìm thấy lại tiếng nói, nghe rõ giọng mình đứt từng khúc.

– Tứ bất tử.

Khi nghe Ama Êban nêu tên vị tổng quản, bà Êmô biết mình không tìm thấy chỗ để mà nghi ngờ nữa. Tứ bất tử là một siêu phù thủy, không những tài nghệ phi thường mà cung cách làm việc xưa nay luôn chính xác, thận trọng. Nếu Tứ bất tử đã nói thế, có nghĩa là vợ chồng K’Rahlan và bà Ka Lên vẫn còn hiện diện trên cõi đời.

– Hay quá! – Bà Êmô reo lên như một đứa trẻ – Hóa ra bọn họ còn sống cả. Phen này trùm Bastu khốn đốn rồi…

– Cũng không hay lắm đâu, Êmô! – Ama Êban nói giọng ráo hoảnh – Nếu bọn họ quay về lâu đài K’Rahlan, nhiệm vụ của K’Tul và ngươi càng thêm khó khăn bội phần.

Bà Êmô cố nén cơn bão cảm xúc đang dậy lên trong lòng, tò mò hỏi:

– Làm sao Tứ bất tử biết được tin này, thưa ngài?

– K’Brăk và K’Brêt vừa rồi đã đi đến núi Lưng Chừng, ngươi cũng biết rồi đó. Trong khi theo dõi hai đứa nhỏ, Tứ bất tử tình cờ phát hiện ra tung tích của vợ chồng K’Rahlan và Ka Lên.

– K’Brăk và K’Brêt đã đến núi Lưng Chừng? – Bà Êmô kêu lên thảng thốt, cứ như thể bà vừa nhìn thấy ác mộng giữa ban ngày – Không thể có chuyện đó được, thưa ngài! Không thể được!

– Theo ta nghĩ thì chuyện đó rất có thể được, Êmô à. – Ama Êban nhìn người thuộc hạ tâm phúc bằng ánh mắt lạ lùng – Hai đứa nhỏ đi và về tổng cộng bảy ngày, đã hái được táo vàng và đã đánh nhau u đầu sứt trán với cả đống người, ta tưởng ngươi đã biết hết rồi chớ, nhất là trong bọn trẻ đi theo có cả con gái của ngươi nữa.

Bà Êmô càng lúc càng thấy đầu óc mụ đi.

– Làm sao lại như thế được. – Bà lẩm bẩm như đang trò chuyện với chính mình, quên mất giáo chủ Ama Êban đang nhìn bà chằm chằm – Từ trước đến nay bọn trẻ lâu đài K’Rahlan chưa bao giờ đi khỏi nhà quá một ngày…

– Ngươi nói thật đó à? – Tới lượt Ama Êban rơi vào chỗ hoang mang.

Ông rọi ánh mắt quanh gương mặt đã bắt đầu có vẻ đần đần của người thuộc hạ, hỏi giọng ngờ vực:

– Ngươi chắc chắn là không nằm mơ đó chớ, Êmô?

– Không, thưa ngài. – Bà Êmô lắc đầu mạnh đến suýt làm văng chiếc nón chóp, trông bà như đang cố thoát ra khỏi một sợi dây trói vô hình – Tôi thề là tôi hoàn toàn tỉnh táo khi nói đến chuyện này.

– Chậc, ta hiểu rồi. – Đôi lông mày bạc nhăn tít, giáo chủ Ama Êban gõ những đầu ngón tay lên lưng con cọp vàng nằm bất động đến mức có thể nghĩ nó là một con thú bằng bông nếu chốc chốc nó không chớp chớp cặp mắt xanh biếc – Chắc chắn lão N’Trang Long đã dùng một thủ thuật nào đó từa tựa như là phép dịch chuyển thời gian để che mắt mọi người.

– Phép dịch chuyển thời gian? – Bà Êmô ngước mặt lên, chiếc mũi hếch của bà lúc này trông rất giống chiếc micrô đang hồi hộp chờ thu lời giải thích của Ama Êban.

– Đúng là vậy đó, Êmô. – Đôi mắt Ama Êban nhìn đi đâu đó bên trên chiếc nón chóp của người thuộc hạ – Phép dịch chuyển thời gian cho phép biến một tháng thành một ngày, một ngày thành một giờ. Đại loại là như vậy.

– Có nghĩa là nếu bọn trẻ đi và về trong bảy ngày, chúng chỉ biến mất trong mắt chúng ta có bảy tiếng đồng hồ? – Bà Êmô phập phồng hỏi, trong đầu nghĩ ngay tới buổi chiều bọn trẻ vô trường làm sổ sách đến tối mịt mới quay về, bụng bất giác run lên.

– Thì vậy chứ sao. – Ánh mắt Ama Êban rơi xuống trên mặt người thuộc hạ thân tín, vẻ dò xét – Chắc là ngươi đã nghĩ ra điều gì hả Êmô?

– Thưa, không có gì ạ. – Bà Êmô nói dối, cũng không hiểu vì sao mình lại nói dối.

– Ngươi nghe cho kỹ đây, Êmô. – Ama Êban khẽ cựa quậy trên lưng cọp như muốn lựa một thế ngồi thích hợp với vấn đề nghiêm trọng mà ông sắp nói – Theo lời đồn, thần chú kim cương có tất cả là 7 câu. Trong khi ngươi và K’Tul chỉ biết trơ mắt ra ngó thì Ka Ming đã lấy đi ba câu đầu, Bastu lấy được ba câu sau. May mà câu cuối cùng, cũng là câu quan trọng nhất vẫn còn lạc lõng ở đâu đó.

– Chúng tôi vẫn đang ngày đêm…

Bà Êmô áy náy buột miệng, nhưng giáo chủ của bà làm như không nghe thấy hoặc là không muốn nghe, vẫn tiếp tục:

– Ngươi thử hình dung mà coi: Phe Ánh Sáng và phe Hắc Ám mỗi bên đều luyện được thần chú kim cương, còn chúng ta thì có cái gì? Hổng có cái gì trong tay hết, Êmô à. Nếu ngươi và K’Tul không tích cực tìm cho ta mảnh da dê số 7, có thể nói là giáo phái Madagui đã đến ngày tàn lụi.

Bà Êmô không dám nhìn vị giáo chủ của mình. Bà cúi đầu xuống, cảm thấy trách nhiệm của mình sao mà nặng nề quá sức. Chợt nghĩ ra một điều gì đó, bà sè sẹ ngẩng lên:

– Thưa ngài, nếu những mảnh da dê ghi chép bí quyết về thần chú kim cương được cất giấu ở lâu đài K’Rahlan là bí mật trọng đại nhất ở xứ Lang Biang trong vòng ba trăm năm trở lại đây, vì vậy không phải ai cũng biết. Có lẽ ngay cả vợ chồng K’Rahlan cũng chỉ biết về chuyện này rất mơ hồ. Theo giáo chủ đời trước kể lại, chính chủ nhân núi Lưng Chừng đã tận tay trao những mảnh da dê này cho thủ lĩnh Ánh Sáng K’Pal, tức là ông nội của K’Rahlan.

Bà Êmô gật gù như có vẻ hiểu ra:

– Và ông ta chưa kịp nói lại với con cháu thì đã đột ngột qua đời?

– Không đúng. – Ama Êban nhún vai và nheo mắt lại như cố làm cho hàng lông mày rủ xuống thấp hơn nữa – Hai mươi năm sau ngày gặp gỡ chủ nhân núi Lưng Chừng, K’Pal mới mất. Trong thời gian đó, nếu muốn nói ra, ông ta có vô số cơ hội. Vấn đề là chủ nhân núi Lưng Chừng không cho phép K’Pal tiết lộ bí mật này với bất cứ ai, kể cả vợ con. Nói tóm lại là họ đã giao ước với nhau như thế.

– Chủ nhân núi Lưng Chừng hành động như vậy nhằm mục đích gì, thưa ngài? – Bà Êmô dù không muốn cắt ngang câu chuyện đang cực kỳ hấp dẫn, vẫn không làm sao ép mình đừng lên tiếng hỏi.

– Thú thiệt là ta cũng không hiểu được dụng ý của chủ nhân núi Lưng Chừng trong chuyện này. – Ama Êban thở một hơi dài, và khi nói tiếp thì mắt ông bừng sáng – K’Pal dĩ nhiên không muốn vi phạm lời giao ước nhưng có lẽ lúc sắp qua đời, ông ta không đành lòng chôn bí mật này theo mình. Để có thể yên tâm nhắm mắt, ông ta đã hé lộ câu chuyện với con trai, tất nhiên có thể đoán là ông ta chỉ nói vòng vèo, đại khái như trong lâu đài có cất giữ một vật gì đó của núi Lưng Chừng.

– Chắc chắn ông ta không cho biết đó là vật gì và đang được cất ở chỗ nào? – Một lần nữa, bà Êmô không chặn được miệng mình.

– Hẳn là thế rồi. – Ama Êban gật đầu – Giáo chủ đời trước tình cờ nghe được bí mật này từ miệng con trai của K’Pal. Sau này, vợ chồng K’Rahlan nếu nghe kể lại, có lẽ cũng chỉ biết đến thế. Chỉ tới ngày trùm Bastu và thuộc hạ đột nhập vào lâu đài K’Rahlan gây náo loạn thì bí mật đó mới vỡ ra.

– Như vậy trùm Bastu cũng đã nghe phong thanh về bí mật này?

– Có lẽ hắn cũng như ta và vợ chồng K’Rahlan, nghĩa là chỉ biết chung chung thôi. Nhưng hắn khác ta ở chỗ hắn đã chọn cách thức táo tợn là tấn công và bới tung lâu đài K’Rahlan lên để dò tìm.

Ama Êban chép miệng như muốn kết thúc câu chuyện:

– Cũng may là mảnh da dê quan trọng nhất vẫn còn đâu đó trong lâu đài. Và ta nghĩ đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để ngươi và K’Tul lấy lại những gì đã mất.

Giọng Ama Êban vẫn nhẹ tênh nhưng bà Êmô cảm thấy như có một hòn núi vừa đè lên vai mình. Cảm giác đó rõ rệt đến mức bà bất giác oằn mình xuống, lí nhí:

– Tôi sẽ làm hết sức…

– Ngươi về đi. – Ánh mắt Ama Êban lại rực lên như hai ngọn đèn – Nhớ bảo K’Tul trong vòng một tháng nữa hắn phải quay về Sêrôpôk gặp ta. Nếu hắn vẫn chống lệnh, ta sẽ đến tận lâu đài K’Rahlan hỏi tội đó.

Bà Êmô bênh K’Tul:

– Pháp sư K’Tul đang phải trông coi lâu đài K’Rahlan nên không tiện vắng mặt quá lâu, thưa ngài. Hơn nữa, anh ấy muốn dồn mọi thì giờ và tâm trí vào việc hoàn thành sứ mạng…

– Ngươi im đi, Êmô. – Ama Êban thình lình nổi cáu, người ông lắc lư mạnh đến mức suýt chút nữa lăn ra khỏi lưng cọp – Gần đây K’Tul có coi ta ra gì. Ta đã triệu hồi hắn bao nhiêu lần, lần nào hắn cũng viện ra đủ thứ lý do để phớt lờ mệnh lệnh của ta. Hừm!

Nhìn sắc mặt của vị giáo chủ, bà Êmô biết là mình không nên nói gì về đề tài này nữa. Bà khụt khịt chiếc mũi hếch, lảng qua chuyện khác:

– Còn vụ K’Brăk và K’Brêt…

Ama Êban khoát tay:

– Ngươi cứ cư xử như trước nay, vờ như không biết gì hết. Chỉ âm thầm theo dõi thôi. Mục tiêu của chiến binh giữ đền là trùm Hắc Ám, không liên quan gì đến giáo phái Madagui. Thậm chí nếu K’Brăk và K’Brêt tiêu diệt được Bastu, điều đó chỉ có lợi cho chúng ta.

Lần này, không đợi vị giáo chủ mở miệng đuổi, vừa thấy ông phất tay áo, bà Êmô vội cúi đầu hấp tấp lui ra.

Trên đường về, bà Êmô nhận ra mình chưa bao giờ hoang mang và căng thẳng đến thế. Việc truy lùng mảnh da dê thứ bảy quả là vô cùng vất vả và nói chung là không có chút xíu triển vọng nào hết. Chuyện đó đã làm bà phát mệt, bây giờ lại thêm chuyện bọn nhóc lâu đài K’Rahlan lén lút đi đến núi Lưng Chừng; làm một cái chuyện cực kỳ nguy hiểm như vậy mà tụi nó, kể cả con nhóc Êmê, cũng không thèm thông báo với bà một tiếng thì đúng là quá đáng. Rồi chuyện vợ chồng K’Rahlan và bà Ka Lên vẫn còn sống trên cõi đời nữa, một sự thật mà đến lúc này bà vẫn chưa thể làm quen được…

Mải nghĩ ngợi, càng nghĩ càng rối, bà Êmô quên cả thở. Độn thổ một hồi, bà cảm thấy ngộp thở liền vội vã trồi lên.

Lúc bà Êmô ló đầu lên khỏi mặt đất cũng chính là khoảnh khắc bọn Kăply nhìn thấy thám tử Eakar đang dẫn các phù thủy Cục an ninh rượt theo người đàn ông lạ mặt.

Bọn trẻ không nhìn thấy bà Êmô, cũng không nghĩ là bà lại xuất hiện vào lúc này và ngay tại chỗ tụi nó đang nấp. Đám người của Cục an ninh vừa vụt qua là bọn trẻ lật đật nhỏm dậy bám theo, không hay biết chiếc mũi hếch của bà Êmô đang nóng nảy quét phía sau tụi nó như cần ăng-ten dò sóng.

oOo

Mười phút sau, người đàn ông kỳ quái ra khỏi hẻm Râu Ngô và quẹo trái, vẫn thong thả bước, vừa đi vừa hăm hở gõ hai chiếc đinh vào nhau, trông điệu bộ của ông thì dường như ông chẳng coi thiên hạ ra cái quái gì hết.

Đi hết đường Ma Ya, là ra đến đại lộ Brabun. Trên trục đường chính này, người qua kẻ lại tấp nập và cử chỉ quái dị của người đàn ông lẫn dòng chữ trên chiếc đầu láng bóng của ông ta chẳng khác nào những chiếc gai chọc vào mắt họ. Bọn Kăply nhìn thấy những cái liếc mắt, những vầng trán cau lại, những gương mặt nhớn nhác vì lo sợ, cũng có người nhổ nước bọt vẻ ghê tởm nhưng không ai có phản ứng gì quá khích, có lẽ cũng như bọn Kăply lúc nãy, họ ngờ rằng người đàn ông này bị điên.

Người đàn ông đi trên đường Brabun một quãng khá dài rồi bất thần quẹo phải, chui vào một con ngõ nhỏ không tên chạy song song với đường Ma Ya. Bọn Kăply không thể không nhận thấy tụi nó đang vô cùng ngạc nhiên trước sự tự tin của người đàn ông: ông đi đứng rất hiên ngang, không thèm ngoái đầu ra sau một lần nào, y như thể ông nghĩ rằng ông đang cống hiến cho thiên hạ một trò vui chứ không phải đang truyền đi thông điệp khiêu khích và đe dọa của trùm Hắc Ám.

Nếu như gã Mustafa đang cỡi thảm và ngóc cổ nhìn xuống từ trên cao chắc là gã sẽ phì cười, Nguyên ngọ nguậy đầu, thầm nghĩ. Không cần giàu tưởng tượng, nó cũng biết cảnh rượt đuổi trên đường lúc này trông rất hoạt kê. Người đàn ông đầu trọc lững thững đằng trước, nhấp nhô sau lưng gã là thám tử Eakar và đám phù thủy Cục an ninh, tiếp theo nữa là lủ khủ sáu đứa tụi nó, nếu những kẻ theo dõi không lẩn lẩn tránh tránh thì đoàn người có lẽ sẽ giống y một đám rước. Lúc đó, Nguyên không biết chiếc mũi hếch của bà Êmô đang lặng lẽ chĩa vô lưng tụi nó từ phía sau, nhờ vậy mà nó chưa đến nỗi lăn ra xỉu vì sửng sốt.

Giống như ở hẻm Râu Ngô, hàng cây hai bên con ngõ cũng là một loại cây lạ, Nguyên chưa thấy bao giờ. Những chiếc lá mảnh đan vào nhau và xòe ra như những chiếc ô khổng lồ. Người đàn ông bước liêu xiêu trong ngõ vắng, lúc này ông không buồn gõ hai cây đinh vào nhau nữa, ông đi sát vào vệ đường, dưới những bóng râm tỏa ra từ những tán lá tròn, nhét hai cây đinh vô túi áo như diễn viên xiếc cất những lá bài khi cửa rạp đã đóng và khán giả đã kéo nhau ra về.

Nguyên thận trọng giấu mình sau những bụi cây, vừa căng mắt quan sát. Trước mặt nó, cũng ẩn mình sau những bụi cây như nó là bọn người của Eakar, chỉ có mỗi người đàn ông quái dị bước loạng choạng giữa con đường vắng vẻ. Ông đã bắt đầu đi theo kiểu đi của người mất thăng bằng và trong khi không ngừng xiêu qua vẹo lại, ông nghêu ngao hát một bài hát gì đó mà nếu không có ca sĩ nào hát lại cho tử tế thì ngay cả những đứa nhóc Lang Biang như Êmê, K’Tub, Păng Ting cũng chẳng biết đó là bài gì.

Cuối con ngõ vắng là một xóm nhà lá trông có vẻ tồi tàn, người đàn ông chui vào căn nhà đầu tiên và nhanh chóng mất hút đằng sau cánh cửa đang xệ xuống một bên vì bị sút bản lề. Nhìn tấm biển cũ xì treo phía trước, Nguyên nhận ra đó là chỗ giặt đồ thuê. Những đứa khác cũng nhìn thấy tấm biển đó và cũng như Nguyên, tụi nó hổng có cảm giác gì khác lạ, trừ Kăply.

Ngay khi hàng chữ “NHẬN GIẶT CÁC LOẠI ÁO CHÙNG – ÁO KHOÁC – MŨ TRÙM – NÓN CHÓP – KHĂN QUÀNG CỔ” đập vào mắt, Kăply đã bủn rủn tay chân, nhớ ngay đến những gì Mua tâm sự với nó hôm trước. Hổng lẽ đây là nhà Mua? Tim đập thình thịch, nó dấn bước chạy lên, chưa kịp nghĩ ra nên làm gì thì đằng trước mặt, thám tử Eakar và ba phù thủy Cục an ninh đã nhanh chóng ập vào căn nhà, các phù thủy còn lại vội vã đi vòng ra phía sau với ý đồ rõ ràng là chặn các lối thoát.

– Tụi mình làm gì đây, K’Brăk? – Kăply chộp tay bạn lay lay, bụng rối lên.

– Để yên nào! – Nguyên lừ mắt nhìn bạn, ngạc nhiên thấy thằng này lính quýnh như gà nhảy ổ.

Êmê đưa mắt quan sát căn nhà, chép miệng nói:

– Bọn họ canh gác kiểu này, tụi mình không xáp lại gần được đâu.

Păng Ting ngọ nguậy mái tóc hình cánh bướm, bắn tia nhìn về phía K’Tub:

– Nếu có Suku ở đây, tụi mình sẽ dùng áo tàng hình…

Không cần phải thông minh thằng K’Tub mới biết Păng Ting đang xả trách móc lên đầu nó. Nó thót bụng lại như tránh một mũi tên vô hình và hấp tấp quay mặt đi.

– A, chị Bolobala! – K’Tub chợt reo lên khi ánh mắt nó chạm phải khuôn mặt bầu bĩnh của Bolobala – Ở đây chỉ có chị là biết độn thổ…

Bolobala nhún vai:

– Chị độn thổ dở ẹc à.

– Không sao đâu, Bolobala. – Kăply cất giọng – Bạn chỉ độn thổ một quãng ngắn từ đây đến đó thôi. Chỉ cần thò đầu lên xem chuyện gì ở trỏng.

– Liệu có cần phải mạo hiểm như vậy không? – Nguyên cắn môi và thò tay dứt một sợi tóc – Nhất là vụ này Cục an ninh đã nhúng tay vô rồi. Hơn nữa, thầy N’Trang Long cũng không muốn tụi mình…

– Em chẳng thấy chút mạo hiểm nào trong chuyện này hết, anh K’Brăk. – Thằng K’Tub nhảy tưng tưng, trông mặt thì biết nó rất sợ K’Brăk ra lệnh quay về – Rủi chị Bolobala trồi lên mà bị Eakar phát giác, em nghĩ ổng cũng chẳng làm gì lớn chuyện đâu. Ổng quá rành bọn mình mà. Hồi bọn mình theo dõi thằng Steng trong rừng đó…

– Thôi được rồi. – Nguyên khoát tay, và quay sang Bolobala – Bạn thấy thế nào?

– Cứ thử xem.

Bolobala nói và nó đột ngột biến mất.

Những đứa còn lại một lần nữa ngồi thu lu bên vệ đường, sau những bụi cây rậm, hồi hộp chờ đợi. Ở cách đó một quãng, bà Êmô cũng thu mình sau một gốc cây, tim đập thình thịch với bao ý nghĩ ngổn ngang bay lượn trong đầu.

Bên trong, Bolobala nhô đầu lên đúng vào lúc thám tử Eakar đập mạnh cây gậy phép vô cây cột giữa nhà một cú quá mạng và thét lên be be khiến con nhỏ thấy đầu óc rung rinh mất một lúc:

– Ngươi còn chối nữa hả, Pirama!

Cùng với tiếng thét, cây gậy phép trên tay Eakar lập tức chĩa ngay vô người đàn ông đầu trọc y như một nòng súng sẵn sàng khạc đạn.

– Ta nói thiệt chớ chối cái con khỉ gì!

Ông Pirama lúc này đang ngồi bệt dưới đất, lưng tựa vào vách nhà, đáp trả bằng giọng đã bắt đầu lè nhè. Trông ông chẳng sợ hãi gì dù lúc này thám tử Eakar và ba phù thủy khác đang vây quanh ông, tay người nào cũng lăm lăm gậy phép.

Bolobala cảm thấy mừng rỡ là nó đã đun đầu lên ngay góc nhà, lại khuất sau mấy thau quần áo nên các phù thủy Cục an ninh đã không phát hiện ra nó mặc dù nó thấy rõ là tia nhìn của họ đang xẹt qua xẹt lại, không ngừng sục sạo khắp các xó xỉnh.

– Nếu ngươi không phải là tay chân của trùm Hắc Ám, vậy ta hỏi ngươi, những chiếc đinh ma thuật trên tay ngươi ở đâu ra? Ngươi dùng chúng để làm gì mấy ngày nay? – Thám tử Eakar cật vấn bằng giọng khô khốc, cứ hỏi một câu ông ngoáy đầu gậy một cái như thể ông rất khoái cái trò vẽ ra trong không trung những vòng tròn vô hình.

Bolobala hiểu ngay thám tử Eakar đang nghĩ tới những vụ tấn công gần đây của tên “mông tặc”. Bất giác nó nín thở nhìn chăm chăm vô bộ mặt nom có vẻ mệt mỏi của ông Pirama.

– Ngươi đừng có giở trò vu khống, Eakar. – Từ dưới nền nhà, ông Pirama nghếch mắt nhìn nhà thám tử, mũi nhăn lại – Những cây đinh của ta chẳng phải là đinh ma thuật gì hết ráo. Đó chỉ là những cây đinh dùng để đóng giường đóng tủ thôi.

Không đợi nhà thám tử gặng hỏi, ông lôi hai chiếc đinh dài trong túi liệng ra trước mặt, môi trề ra:

– Bọn ngươi chống mắt lên mà xem. Ma thuật gì mấy cây đinh gỉ này.

Một phù thủy Cục an ninh vội vã bước tới, cúi nhặt hai chiếc đinh đưa cho nhà thám tử.

Eakar kẹp gậy vô nách, mỗi tay cầm một chiếc đinh, giơ ra trước mặt, lầm rầm niệm chú, Bolobala thấy rõ chòm râu dê của ông đang vểnh lên một cách căng thẳng.

Kiểm tra một lát, có lẽ nhận thấy hai chiếc đinh không có gì khác lạ, ông bỏ tọt chúng vào túi áo, ánh mắt lại bắn về phía Pirama, vẻ dò xét:

– Hổng lẽ ngươi muốn nói cái trò làm ầm ĩ với hai cây đinh của ngươi mấy ngày nay chỉ là thú tiêu khiển? Rồi hàng chữ thổ tả trên đầu ngươi nữa, chắc cũng là một trò chơi ngông luôn?

– Ta không nghĩ là ta rỗi hơi đến vậy đâu. – Giọng Pirama vẫn nhừa nhựa, nghe cái giọng đó Bolobala không rõ ông có định khiêu khích nhà thám tử hay không.

Eakar nhếch mép, chòm râu dê rung rung cáu kỉnh, nhưng ông chưa kịp cất tiếng, Pirama đã nhún vai nói tiếp:

– Ngươi cũng biết rồi đó. Ta là dân mạt hạng ở cái xứ này. Thứ khố rách áo ôm như ta thì làm gì ra tiền. Ta đâu có rủng rỉnh như bọn ngươi.

– Pirama. – Eakar gầm gừ – Ngươi đừng có đánh trống lảng. Hôm nay bọn ta đến đây không phải để điều tra gia cảnh nhà ngươi.

Nhà thám tử lại ngoáy đầu gậy, gằn giọng:

– Ngươi thú tội đi! Ngươi giữ vai trò gì trong phe Hắc Ám? Và ngươi quan hệ như thế nào với lão N’Trang Long? Nếu ngươi không phải là tên “mông tặc” thì ngươi phải khai ra hắn là ai trong trường Đămri?

– “Mông” cái con khỉ! – Pirama khẽ cựa quậy người – Ngươi hỏi thối lắm! Ta… a… a… aaa…

Pirama không có dịp nói hết câu cuối cùng. Ông gục xuống giữa chừng câu nói và trước ánh mắt sửng sốt của mọi người, ông hả họng ngáy khò khò. Cái cách ông rơi vào giấc ngủ giống như người thình lình sẩy chân rơi xuống nước và điều đó làm Bolobala gần như không tin vào mắt mình.

Eakar huơ cây gậy về phía các phù thủy Cục an ninh:

– Giải hắn về Cục!

– Không được bắt ba tôi!

Có tiếng nói vang lên và một cô gái nhô ra từ góc nhà kế cánh cửa thông ra căn bếp phía sau. Bolobala suýt kêu lên khi nhận ra cô gái vừa lên tiếng là Mua. Từ nãy đến giờ có lẽ Mua vẫn ngồi ở chỗ đó nhưng Bolobala bị những chiếc thau quần áo che khuất nên không nhìn thấy.

Mặt Mua tái mét, hai bím tóc rủ xuống như chết giấc trên vai nó. Trông Mua còn tệ hơn người mới ốm dậy, Bolobala lo lắng nghĩ và qua khe hỡ giữa những chiếc thau nó hồi hộp dán mắt vào mặt bạn. Hổng lẽ đây là nhà Mua? Bolobala tự hỏi và liếc mắt qua người đàn bà xuất hiện cùng lúc với Mua, lúc này đang đứng cạnh nó, vóc người nhỏ thó, gầy như que củi, mặt choắt lại, rúm ró như phơi quá lâu ngoài nắng. Phải chăng đây là mẹ Mua…

– Ta biết nhóc ngươi, cô bé. – Tiếng cười hé hé của thám tử Eakar cắt ngang ý nghĩ trong đầu Bolobala – Nhưng như vậy không có nghĩa là ta sẽ dừng cuộc điều tra khi mà nó sắp đi đến đích.

Mua nhìn trừng trừng nhà thám tử, như muốn bằng ánh mắt của mình bịt mồm ông ta lại:

– Ông đi sai đường rồi, ông Eakar. Ba tôi không liên quan gì đến phe Hắc Ám.

– Hừm, ngươi nghĩ ta nên tin lời ngươi hay nên tin vào dòng chữ chết tiệt trên đầu ba ngươi hả nhóc? – Thám tử Eakar nheo nheo mắt, ông rút cây gậy về, gõ bem bép vô lòng bàn tay như đánh nhịp.

– Ông ấy chẳng biết gì hắc ám hắc iếc đâu. – Người đàn bà thình lình cất tiếng, giọng run rẩy và yếu ớt, như đã hết hơi – Ổng chỉ ham rượu nên người ta lợi dụng ổng thôi.

– Lợi dụng? – Eakar tròn xoe mắt, Bolobala không hiểu ông ngạc nhiên thật hay vờ làm ra thế – Thiệt tình là ta không hiểu bà muốn nói gì, bà Mên.

Nhà thám tử một lần nữa nheo nheo mắt:

– Theo như bà nói thì có vẻ ông chồng quý hóa của bà trong sạch như một tờ giấy trắng?

– Tôi không nói vậy. – Bà Mên gục đầu xuống và ở tư thế đó trông bà còn bé nhỏ hơn nữa – Ổng là một tờ giấy đã bị rượu nhuốm bẩn rồi, thưa ngài.

Gương mặt Eakar dãn ra khi bất ngờ được gọi bằng “ngài”. Ông khẽ ve vẩy cây gậy, giọng đã bắt đầu dễ dãi:

– Ta rất muốn nghe bà giải thích rõ hơn, bà Mên à.

– Ông nhà tôi là một con sâu rượu. – Bà Mên ngước mặt lên, nói như than, Bolobala như thấy tất cả mọi phiền não của cuộc đời đang chất chứa trong ánh mắt buồn bã của bà và điều đó khiến lòng nó nẩy mầm một cảm giác gì đó rất khó tả – Mà một con sâu rượu là thế nào thì ngài cũng biết rồi, nó tệ hơn mọi thứ sâu khác trên đời.

Bà Mên ngưng lại một chút như để ngăn những giọt nước mắt sắp sửa trào ra, rồi rầu rầu nói tiếp:

– Thiệt chẳng hay ho gì khi đem chuyện trong nhà ra kể lể. Nhưng đã đến nước này tôi muốn nói với ngài rằng trong căn nhà xập xệ này không có thứ đồ đạc gì đáng giá mà chưa bị ổng đem đi bán. Tệ nhất là quần áo, mũ nón của khách bỏ giặt cũng bị ổng đánh cắp. Tôi nai lưng ra làm nuôi ổng, nhưng ổng không hề biết điều. Nếu không vì con tôi, có lẽ tôi đã dùng lời nguyền Tự hủy để giái thoát…

– Bà Mên. – Eakar giơ cây gậy lên thay cho cái khoát tay – Ta chỉ sẵn lòng nghe câu chuyện đau khổ của bà nếu nó giúp ích cho nhiệm vụ của ta.

Rồi có lẽ sợ người đàn bà khổ tâm không biết cách kiểm soát nguồn tâm sự đang lai láng, ông nói luôn:

– Thế tất cả những điều đó thì có liên quan gì đến dòng chữ trên đầu ông ta?

– Dòng chữ đó chẳng nói lên điều gì hết, thưa ngài. – Bà Mên thở ra một hơi dài, trông bà rất muộn phiền – Ngài không thấy cái đầu nhẵn thín của ổng sao. Cả tháng nay ổng cạo trọc đầu và lấy đó làm tấm bảng quảng cáo di động. Ổng muốn kiếm tiền để nhào tới chỗ cửa tiệm của vợ chồng lão Bebet mà.

– Bảng quảng cáo? – Nhà thám tử há hốc miệng, cây gậy dừng phắt lại giữa khoảng không như bị ai tóm chặt.

– Ờ. – Bà Mên chép miệng và len lén nhìn Eakar – Ổng rao giá cứ một centimét vuông là 500 năpken, quảng cáo trong vòng một tháng, ai muốn vẽ gì trên đầu ổng cũng được…

– Tại sao là một tháng? – Eakar ngắt lời.

– Vì sau một tháng thì tóc ổng đã dài ra, che mất tấm bảng quảng cáo rồi…

Suýt chút nữa Bolobala đã phì cười. Hai cánh tay còn kẹt dướt đất, không bụm miệng được, nó phải nghiến chặt răng để dìm tiếng cười trong cổ họng.

Bà Mên chớp đôi mắt đỏ hoe, mắt bà nhòa lệ khi bà run run kéo vạt áo một cách không cần thiết, giọng đã bắt đầu sụt sịt:

– Tôi đã bảo ổng rồi. Là đừng có làm trò cười cho thiên hạ. Ai thèm quảng cáo trên cái đầu gớm ghiếc của ổng kia chứ. Thế mà cách đây hai ngày, ổng vác cái đầu này về, mặt mày tí tởn…

– Ta hiểu rồi.

Nhà thám tử ngắt lời lần thứ hai, lần này ông chọc đầu gậy vào ngực Pirama khiến ông ta hấp háy mắt, lè nhè hỏi:

– Đứa nào phá đó. Có để yên cho ta ngủ không hả?

– Ngủ cái con khỉ! – Eakar đâm quạu – Ngươi mở mắt ra và trả lời những câu hỏi của ta đây nè.

– Hỏi gì hỏi hoài vậy. – Pirama cố chống mí mắt lên như người ta chống một cánh cửa sập, trông thiệt là vất vả. Ông vừa nói vừa vung tay ra hai bên – Ta đã nói hết rồi. Là ta không giàu có như các người…

– Dẹp chuyện đó đi, Pirama. – Chòm râu nhà thám tử rung rung cho thấy ông rất muốn nổi khùng – Ngươi nghe ta hỏi đây: Ai đã vẽ những dòng chữ khốn kiếp đó lên đầu ngươi? Ngươi phải trả lời thành thật. Nếu ngươi không tích cực hợp tác với Cục an ninh…

– Ta có biết hắn là đồ cóc nhái nào đâu. – Pirama cắt ngang lời đe dọa của Eakar bằng một cái nhún vai, giọng vẫn nhừa nhựa như trét keo.

– Ngươi mở mắt ra và trả lời những câu hỏi của ta đây nè.

– Nói láo! – Nhà thám tử quát lớn.

– Láo cái đầu ngươi. – Pirama cũng gân cổ quát trả, nhưng chỉ phát ra những tiếng khào khào – Hắn đến sau lưng ta như một bóng ma, phất tay áo đánh rẹt một cái, mắt ta lập tức tối sầm…

– Hừm. – Eakar rút cây gậy về – Đó là thần chú Tối mò mò, một loại thần chú bị cấm. Đích thị hắn là người của phe Hắc Ám. Thế ngươi không thấy hình dáng của hắn à?

Pirama bĩu môi:

– Nếu trúng phải thần chú Tối mò mò mà vẫn còn nhìn thấy được thì có lẽ bây giờ ta đã là một đại phù thủy lừng lẫy ở cái xứ Lang Biang này rồi. – Ông ta nói tiếp bằng giọng giễu cợt – Rất tiếc là ta không có khả năng đó, Eakar à. Ngay cả khi hắn trao tiền cho ta, ta cũng có thấy mặt mũi hắn đâu. Chỉ khi hắn đi rồi…

Bolobala bắt đầu cảm thấy tức ngực vì chôn người quá lâu dưới đất. Nó cũng sợ nếu nó nấn ná thêm nữa, tụi bạn sẽ nóng ruột xông vào, mặc dù không thể nói là nó không còn hứng thú với câu chuyện trước mắt. Bolobala xoay chuyển ý nghĩ, định véo môi một cái nhưng không rút tay lên được. Nó lướt mắt một vòng, tia nhìn dừng lại trên mặt Mua, gương mặt nhỏ bạn xanh xao đến mức nó quyết định chuồn thẳng để không phải thấy ruột mình thắt lại.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện